Khoa học và thực tiễn
Từ xưa đến nay, thực tiễn luôn là xuất phát điểm của mọi nhận thức khoa học. Chính từ yêu cầu của thực tiễn, từ việc nhận ra các bài toán của thực tiễn mà nhà khoa học đã xác lập nên những định đề, định lý, những quy luật để mà từ đó tìm được lời giải cho thực tiễn.
Mỗi bước tiến trong khoa học đều diễn ra khi thực tiễn được nhận biết thêm không còn mặc vừa cái áo lý thuyết đã giải thích nó: Cái mới được phát hiện phá vỡ những điều tưởng đã thành chuẩn mực, khuôn phép.
Hướng khoa học phụng sự cuộc sống theo một chủ đích nào đó là thuộc tính tự nhiên của người làm khoa học. "Chủ đích" ấy phần lớn là thuận với thực tiễn khách quan, khi cái tâm của nhà khoa học, và nhất là của "ông chủ" các nhà khoa học (!), là công bằng, trong sáng. Nhưng cũng không ít khi nó bị thiên lệch, méo mó, chủ quan, nếu cái chủ đích ấy nhằm vào việc duy trì một quyền lực của cá nhân, của phe nhóm.
Ví dụ kinh điển có tính nhập môn vỡ lòng ở đây là sự nhận thức vị trí của trái đất trong hệ Mặt trời. Thực tiễn khách quan ("Trái đất quay xung quanh Mặt trời") suốt đêm dài Trung cổ đã từng bị là vật hy sinh cho thần quyền, cho tôn giáo. Không ít người đã phải lên giàn thiêu để giữ trọn niềm tin vào một chân lý khoa học hiển nhiên...
So với lĩnh vực khoa học xã hội, trong khoa học tự nhiên, trắng - đen, phải - trái, đúng - sai có phần dễ được phân định hơn, bởi có thể xác định bằng những quan sát thực nghiệm, những quá trình có thể lượng hoá, vật chất hoá. Còn khi hướng về lý giải những hiện tượng của xã hội - một cấu trúc phức tạp bậc nhất - thì đôi khi tính thuyết phục của một giả định, một kết luận khoa học nào đó lại dễ bị bao phủ bởi màn sương ngờ vực, hồ nghi và sự đụng độ các niềm xác tín, thậm chí là các quyền lợi.
Chúng ta đã có nhiều bài học khá đắt giá về những quyết sách trái với thực tiễn, khi mà mối quan tâm đầu tiên của người đưa ra một luận thuyết nào đó không phải là tính khách quan, tính phù hợp với thực tiễn mà là trước hết nhằm thoả mãn một định đề tiên nghiệm (à priori) nào đó.
Công cuộc đổi mới cứu vãn cả đất nước ta chính là đã bắt đầu từ những thay đổi nhận thức khoa học về thực tiễn. Từ bỏ nguyên tắc tự làm khó mình về "Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng" để chuyển sang nỗ lực giải quyết phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, hướng về xuất khẩu; thay vào sự độc tôn của hình thức sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể là sự đa dạng hóa các thành phần kinh tế, kích thích được từ cội nguồn sâu xa nhất động lực phát triển; lấy thành tựu "thông minh" nhất của xã hội loài người là thị trường để điều tiết quan hệ cung - cầu thay cho chủ nghĩa duy ý chí của tham vọng tuyệt đối về kế hoạch hoá tập trung...
Từ 20 năm trước, chính từ ba đột phá trên đây mà sự nghiệp đổi mới vĩ đại đã rùng rùng chuyển động và diễn ra với tốc độ khả quan làm thay đổi bộ mặt và vị thế đất nước.
Những đổi thay ấy đã thai nghén từ trong thực tiễn, và thật đáng tiếc, không phải đều được đón nhận ngay từ đầu. "Khoán hộ gia đình" đã từng phải là "khoán chui"; tư duy hướng về thị trường như nó vốn tồn tại đã từng phải nói tránh đi là "hạch toán kinh doanh XHCN"; để có thể thực hiện cơ chế một giá - "bù giá vào lương" - những người tiên phong đưa ra quyết sách trên đã phải sẵn sàng đánh đổi bằng "sinh mệnh chính trị" của mình; kinh tế tư nhân còn mang đầy mặc cảm "bóc lột" và bị kỳ thị... Ngay giờ đây cũng không phải là đã hết những rào cản của tư duy lỗi thời; "tay này kìm giữ tay kia"...
Nhưng rồi thực tiễn - như một cội rễ sống bất diệt, qua mảnh đất đôi khi nứt nẻ khô cằn mà mạnh mẽ đâm chồi nảy lộc. phát tán thành rừng, không thể nào che khuất được - đã khẳng định tính đúng đắn của những luận cứ khoa học mới.
Bài học lớn nhất của chặng đường 20 năm đổi mới vừa qua, theo tôi, là bài học hãy xây dựng một tư duy khoa học bám sát những yêu cầu, những đổi thay của thực tiễn thiên hình vạn trạng, không bao giờ để mình biến thành tù nhân của những tín điều, dù có khi đó đã tưởng chừng là bất khả xâm phạm...
***
Thực tiễn phát triển đất nước hôm nay tiếp tục đặt ra những câu hỏi bức xúc cho các nhà khoa học, các nhà quản lý: Làm sao thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế, sánh ngang cùng các nước bạn bè? Làm sao không bị thua thiệt khi tham gia đầy đủ, toàn diện vào tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế? Làm sao tăng trưởng kinh tế phải song hành cùng phát triển văn hoá, con người, và đẩy nhanh tiến trình công bằng, dân chủ hoá xã hội? Làm sao chặn đứng, đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác đang làm xói mòn ghê gớm các nền tảng gốc rễ của đất nước ta? v.v..
Đã đến lúc các nhà quản lý các nhà khoa học nghiên cứu xã hội cần giũ bỏ những định kiến xơ cứng, chấm dứt một lần và mãi mãi tình trạng lẽo đẽo chạy theo cái mới nảy sinh từ thực tiễn, thôi ngộ nhận về tầm nhìn tưởng chừng lúc nào cũng sáng suốt, xuyên thấu bản chất sự vật của mình, để mà tiếp cận thực tiễn như một người học trò khiêm tốn, luôn cầu tiến, cầu thị, đặng sớm nhận biết đúng thực tiễn, lý giải đúng thực tiễn và trao lại cho thực tiễn vị thế là thước đo duy nhất khả dĩ kiểm nghiệm tính chính xác của các chân lý khoa học.
Tôi lại nhớ đến câu nói bất hủ của nhà sinh lý học Nga I.Pavlốp: "Thực tiễn và chỉ có thực tiễn là điều duy nhất mà tôi phải ngả mũ kính chào!"
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu