Tính trễ của cải cách chính trị

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
06:08 SA @ Thứ Năm - 09 Tháng Mười, 2014

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, sân khấu chính trị thế giới có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của thời đại, nhiều chính đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được độc lập dân tộc, thay thế chế độ thuộc địa hà khắc bằng những chính thể tiến bộ. Dân chúng thế giới thứ ba đói khổ mơ ước về một cuộc đổi đời vĩ đại, được sống trong một xã hội phồn vinh về vật chất và tươi đẹp về tinh thần, nhưng cho đến nay dường như tất cả vẫn ngoài tầm tay và thực tế vẫn là một thế giới thứ ba nghèo khổ và bất hạnh. Lý do trước hết là thế giới thứ ba bị lạc hướng trong vùng xoáy của Chiến tranh Lạnh, nhưng một nguyên nhân khác, chủ yếu hơn, là do không ý thức được sự cần thiết hoặc không tìm được giải pháp đúng cho đổi mới và cải cách xã hội. Tại nhiều nước thế giới thứ ba, nhiều nhà trí thức và chính trị tâm huyết loay hoay tìm phương cách cải cách xã hội, với kỳ vọng đưa đất nước sánh vai cùng các quốc gia phát triển, nhưng thực tế có rất ít cuộc cải cách thành công.

Từ chỗ là những lực lượng tiến bộ, nhiều thể chế chính trị đã trở thành lực lượng kìm hãm sự phát triển và góp phần làm cho khoảng cách giữa các quốc gia giàu nghèo ngày càng mở rộng.

Vấn đề đổi mới và cải cách của thế giới thứ ba đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Nếu không nghiêm túc xem xét vấn đề và không có chiến lược đổi mới và cải cách thích hợp, chắc chắn rất nhiều quốc gia trong thế giới thứ ba sẽ trở thành những kẻ nhỡ tầu bị bỏ rơi và ngày càng tụt hậu trong lộ trình phát triển chung của toàn nhân loại.

I. Mối Quan hệ giữa cải cách chính trị và cải cách kinh tế ở các nước đang phát triển

Cải cách là công việc cần thiết để sửa chữa những thiếu sót hoặc loại bỏ những yếu tố đã trở nên lỗi thời của quá khứ, tạo nguồn động lực mới đồng thời mở ra những cơ hội mới cho phát triển. Ngày nay, người ta nói nhiều đến các cuộc cải cách bởi đơn giản là mọi lĩnh vực của cuộc sống đều có thể và cần phải cải cách, chẳng hạn cải cách giáo dục, hành chính, pháp luật, tiền lương, thậm chí là cả cải cách tôn giáo, nhưng tựu trung lại có thể chia thành bốn cuộc cải cách cơ bản: cải cách chính trị, cải cách kinh tế, cải cách văn hóa và cải cách giáo dục. Một chương trình cải cách trọn vẹn, triệt để có thể dẫn đến những thay đổi về chất đối với xã hội, tạo ra những bước nhảy vọt trong phát triển, phải được thực hiện đầy đủ trên cả bốn khía cạnh cải cách này.

Do bối cảnh xã hội kém phát triển, quá trình cải cách của các nước thế giới thứ ba có những đặc điểm, nội dung và chiến lược thực hiện hoàn toàn khác với các nước phát triển. Không nhận thức rõ vấn đề này, áp dụng một cách máy móc kinh nghiệm cải cách của các nước phát triển, nhiều cuộc cải cách của thế giới thứ ba gặp phải những rủi ro không đáng có, lâm vào tình trạng mất định hướng, thậm chí, thất bại. Bởi vậy, chúng ta cần đi sâu nghiên cứu chiến lược thực hiện và những mối quan hệ nội tại của cải cách chính trị và cải cách kinh tế, hai bộ phận chủ yếu góp phần quyết định vào sự thành công của mọi cuộc cải cách của các nước thế giới thứ ba.

Cải cách kinh tế tạo ra tiền đề cho cải cách chính trị

Trước hết, cần khẳng định rằng, các nước thế giới thứ ba không thể tiến hành cải cách chính trị trước cải cách kinh tế, bởi họ vẫn trong tình trạng khốn khó của kẻ trước đây từng là nô lệ. Dân chúng chưa được chuẩn bị đầy đủ để cải cách chính trị nếu các điều kiện kinh tế chưa được cải thiện. Nếu không cải cách kinh tế trước, người dân không thức tỉnh được quyền lợi và các giá trị mang tính quyền sở hữu. Việc cải cách kinh tế trước còn do con người dễ dàng nhận thức về những lợi ích vật chất cụ thể hơn nhiều so với những lợi ích tinh thần. Chủ thể của các cuộc cải cách chính là dân chúng và quá trình này được thực hiện trên cơ sở sự tự giác về quyền lợi của họ. Nhân dân ý thức được quyền lợi nên không thể trở thành những kẻ nổi loạn để phá vỡ cơ cấu quyền lợi của mình. Cải cách kinh tế phải đi trước để giải thoát người dân ra khỏi tình trạng nghèo đói, tạo tiền đề cho cải cách chính trị, bảo đảm cho quyền dân chủ không bị lạm dụng để phá hoại quyền lợi cộng đồng. Một số người đã nhầm lẫn khi chỉ ra kinh nghiệm Đông Âu như là hình mẫu cho chiến lược cải cách chính trị trước, cải cách kinh tế sau. Thực ra, những gì diễn ra ở Đông Âu không phải là cải cách chính trị mà là một cuộc cách mạng chính trị thực sự bởi nó làm sụp đổ một thể chế chính trị để thiết lập lên một thể chế chính trị mới. Từ những phân tích trên, có thể đi đến kết luận rằng, các nước thế giới thứ ba không có con đường nào khác buộc phải cải cách kinh tế trước để tạo tiền đề cho cải cách chính trị.

Một số người cho rằng mục tiêu của các cuộc cải cách chỉ đơn giản là chống khủng hoảng hay trì trệ nhằm tăng tốc con tàu kinh tế, mà không nhận thức được rằng cải cách kinh tế của thế giới thứ ba về bản chất rất khác với cải cách kinh tế ở các nước phát triển. Cải cách kinh tê ở các nước đang phát triển hiện nay là tạo quyền tự do kinh tế và quyền độc lập kinh tế cho con người. Đây chính là hai quyền kinh tế cơ bản của con người trong kinh tế thị trường, là hạt nhân của nhân quyền hoặc dân quyền. Cải cách kinh tế làm cho người dân trở thành công dân theo đúng nghĩa của từ này, tạo điều kiện để họ nhận thức được quyền công dân trong những lĩnh vực tinh thần. Khi con người làm quen với quyền tự do kinh tế, họ sẽ nhận ra lợi ích của tự do chính trị. Bởi vậy, nếu không giải phóng kinh tế ra khỏi chính trị không thể tạo ra các tiền đề vật chất để thay đổi hệ thống chính trị một cách tích cực.

Cải cách chính trị bảo hộ cho thành công và hoàn tất quá trình cải cách

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều thể chế chính trị thuộc thế giới thứ ba đã trở nên quá lạc hậu trước một thế giới năng động và cũng đầy biến động. Từng tồn tại trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, nhiều thể chế chính trị đến nay vẫn bảo lưu nguyên vẹn các yếu tố của thời kỳ sau thuộc địa như một chiếc áo chật hẹp không tương thích với cơ thể kinh tế đang ngày càng phát triển.

Hiện tại, nhiều thể chế chính trị tại các nước đang phát triển bị đặt trước hai tình thế. Một là, bộ máy cầm quyền tiếp tục níu kéo hệ thống chính trị cũ, làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, để rồi phải đối đầu với một cuộc cách mạng. Hai là, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của bộ máy cầm quyền tiến hành cải cách chính trị một cách hòa bình, có điều khiển, có kế hoạch để xây dựng hệ thống chính trị mới thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội mới.

Với lý do cần ổn định, nhiều người lo ngại cải cách chính trị có thể làm cho hệ thống chính trị sụp đổ. Thực ra, cải cách chính trị đào thải những yêu tố chính trị đã lỗi thời và thay thế bằng những yếu tố tiến bộ, thích hợp hơn, đáp ứng những đòi hỏi khách quan của phát triển. Cải cách chính trị là duy trì, hoàn thiện và hợp lý hóa một thể chế chính trị chứ không phải xoá bỏ và thay thế nó bằng một thể chế chính trị khác. Cải cách chính trị hoàn toàn khác với một cuộc cách mạng chính trị. Thế giới từng chứng kiến những cuộc cách mạng chính trị long trời lở đất như Cách mạng Tư sản Pháp năm 1789, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Cách mạng chính trị là sự lật đổ một hệ thống chính trị để lập lên một hệ thống chính trị mới, vì vậy, cách mạng chính trị diễn ra vô cùng quyết liệt và làm đảo lộn mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự ra đời của những nhân tố mới, cái giá mà nhân loại phải trả cho các cuộc cách mạng chính trị cũng thật khủng khiếp và phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể khắc phục được.

Thế giới hiện đại ngày nay đã phát triển đến một trạng thái mới về chất, các lĩnh vực của cuộc sống đều có xu thế thay đổi nhanh chóng, đồng thời nhân loại cũng đứng trước nhiều rủi ro mang tính toàn cầu hơn. Chẳng hạn, ngày nay chỉ riêng kho vũ khí hạt nhân của một cường quốc cũng thừa công suất để phá huỷ cả thế giới. Một cuộc cách mạng chính trị ngày nay tạo ra nguy cơ rất lớn làm rối loạn mọi lĩnh vực của đời sống và đẩy xã hội vào tình trạng hỗn loạn và đổ vỡ, có thể làm mọi việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát và sẽ là một thảm họa không chỉ cho một quốc gia mà cho toàn nhân loại. Bởi vậy, thế giới hiện đại không còn thích hợp và trên thực tế cũng không cần đến các cuộc cách mạng chính trị. Cải cách chính trị diễn ra hòa bình, có trật tự và được kiểm soát bằng công cụ pháp luật, vì thế nó thích hợp với thời đại. Trong thế giới hiện dại, cải cách chính trị là con đường duy nhất, là biện pháp duy nhất để tránh sự sụp đổ của một thể chế chính trị.

Cải cách chính trị không làm sụp đổ hệ thống chính trị nhờ cách tiếp cận đến tính hợp lý của đời sống phát triển. Nhà chính trị khôn ngoan và sáng suất biết giá trị của cải cách chính trị và Sử dụng nó như một giải pháp tránh cho xã hội một cuộc cách mạng. Những lo sợ về cải cách chính trị dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chính trị là không có cơ sở, trái lại nó làm cho hệ thống chính trị vững mạnh và tương thích với thời đại mới trên một tầm cao mới. Không tiến hành cải cách chính trị thì mọi cuộc cải cách đều chỉ là những giải pháp tình thế. Với ý nghĩa như trên, cải cách chính trị còn được xem như một yếu tố hoàn
tất quá trình cải cách, có vai trò như là một bộ phận trọng yếu, bộ phận bảo hộ cho quá trình cải cách kinh tế - xã hội đi đến thành công trọn vẹn.

Trong thực tế nhiều người thường không phân biệt rạch ròi giữa thể chế chính trị, hệ thống chính trị với lý tưởng chính trị.

Lý tưởng chính trị là ước vọng cao đẹp của con người, là mặt lãng mạn của đời sống, là khía cạnh đạo đức của hoạt động chính trị. Hệ thống chính trị và thể chế chính trị là những trạng thái hiện thực của đời sống chính trị, những cơ cấu của đời sống chính trị, giúp con người điều chỉnh đời sống. Cải cách chính trị về cơ bản là làm cho thể chế chính trị và hệ thống chính trị hoàn thiện hơn, phù họp hơn với trạng thái hiện tại của đời sống. Cải cách chính trị tại thế giới thứ ba hiện nay là làm cho các thể chế chính trị của nó có tác dụng hỗ trợ đời sống phát triển, bằng cách giảm bớt các tính chất đặc thù, các mặt cực đoan và nâng cao trong nó tính phổ biến của đời sống chính trị quốc tế. Bởi vậy, cải cách chính trị không nhất thiết phải thay đổi lý tưởng chính trị. Nếu không phân biệt giữa hệ thống chính trị với lý tưởng chính trị, người ta dễ mặc cảm cải cách chính trị dường như là sự phản bội lý tưởng chính trị hay đánh mất các lý tưởng chính trị.

Sự mặc cảm này tạo ra tâm lý lo ngại, sợ hãi cải cách hoặc ở một khía cạnh khác là sự gian dối về chính trị trong cải cách.

Cải cách chính trị có tác dụng nâng cao chất lượng của một thể chế chính trị, thể hiện trong tính tương thích của nó đối với dân chủ hiện đại, tính phù hợp của nó đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Trong thời đại của chúng ta, chất lượng của một hệ thống chính trị của thế giới thứ ba chính là sự hỗ trợ hiệu quả của nó đối với tiến trình hội nhập quốc tế. Cần lưu ý là hội nhập quốc tế trong thời đại ngày nay không chỉ là hội nhập kinh tế. Hội nhập trong giai đoạn hiện nay là sự hòa hợp giữa cộng đồng này với cộng đồng kia và với cả nhân loại. Sự hòa hợp diễn ra trong quá trình hòa nhập về kinh tế, văn hóa và quá trình làm giảm tối đa những khác biệt về chính trị giữa các cộng đồng. Thế giới thứ ba có thể và nhất định thực hiện được các quá trình này bởi đó là xu thế phát triển của lịch sử, bởi vì nhân loại giống nhau là cơ bản và cũng vì nhân loại chỉ có một mái nhà chung là thế giới.

II. Sự chậm trễ của cải cách chính trị - căn bệnh phổ biến của thế giới thứ ba

Tính trễ và sự chậm trễ của cải cách chính trị

Tại sao quá trình cải cách kinh tế - xã hội của thế giới thứ ba diễn ra chậm chạp? Sau nửa thế kỷ được giải phóng khỏi ách thực dân, thế giới thứ ba vẫn luẩn quẩn trong đói nghèo về vật chất, tù túng về tinh thần. Thủ phạm chính làm cho thế giới thứ ba không thoát khỏi được tình trạng tồi tệ này nằm ngay trong hệ thống chính trị của nó, thể chế chính trị ngày càng lạc hậu và trở thành lực lượng kìm hãm phát triển. Căn bệnh này liên quan đến hiện tượng có thể gọi là Tính trễ của cải cách chính trị của thế giới thứ ba. Về bản chất đây là trạng thái không đồng bộ của quá trình cải cách, trong đó hệ thống chính trị có xu hướng bảo lưu các đặc tính đã trở nên lạc hậu trước thực tế đời sống xã hội.

Thực tế này đòi hỏi phải có những nghiên cứu thấu đáo nhằm cải thiện tình hình, thúc đẩy tiến trình cải cách diễn ra nhanh chóng hơn, toàn diện hơn và đạt được thành công to lớn hơn. Tính trễ của cải cách chính trị là hiện tượng tất yếu của đời sống xã hội, nhưng cần phân biệt tính trễ tự nhiên, khách quan với tính trễ không tự nhiên, tức sự chậm trễ có chủ ý, là kết quả của sự bảo thủ của hệ thống chính trị. Tính trễ tự nhiên của cải cách chính trị là hiện tượng bình thường của đời sống chính trị khi chưa có những trạng thái khách quan của đời sống kinh tế, đời sống phát triển đòi hỏi phải tiến hành cải cách chính trị, nhưng nếu tính trễ tự nhiên bị làm cho quá chậm trễ một cách có chủ ý thì xã hội sẽ phải đối mặt với một cuộc cách mạng chính trị làm sụp đổ thể chế chính trị, dẫn đến hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Vì lý do nhân đạo, chúng ta buộc phải ngăn chặn và chống lại quá trình sụp đổ của các hệ thống chính trị. Để làm được như vậy chúng ta phải tìm cách chữa căn bệnh cố ý làm chậm trễ cải cách chính trị.

Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận sẽ giúp cho quá trình nhận thức về cải cách chính trị được xác thực hơn, nhằm khắc phục tâm lý sợ hãi cải cách chính trị. Ngoài ra, hiện tượng tính trễ của cải cách chính trị cũng đặt ra vấn đề vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm và năng lực của nhà chính trị. Làm chính trị là một hoạt động vượt ra khỏi khả năng thông thường vốn có của con người, đòi hỏi nhà chính trị phải có đủ bản lĩnh trí tuệ, dũng
cảm và sáng suốt. Ngoài các tiêu chuẩn thông thường về đạo đức, nhà chính trị phải có năng lực xây dựng chương trình cải cách thường xuyên, không làm cho tính trễ tự nhiên bị chuyển thành sự chậm trễ cố ý, tránh cho xã hội rơi vào tình trạng trì trệ, tích tụ ngày càng nhiều những mâu thuẫn để rồi bùng phát thành những cuộc xung đột tàn phá xã hội.

Nguyên nhân của sự chậm trễ trong cải cách chính trị

Nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu tạo ra tính trễ của cải cách chính trị bắt nguồn từ lý do chính trị. Quá khứ hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập làm hệ thống chính trị của các nước thế giới thứ ba tự thỏa mãn. Điều này thể hiện qua cách thức các nước này tham gia vào công cuộc hội nhập. Nhiều nhà lãnh đạo các nước thế giới thứ ba tự cầm tù mình bởi những lý luận không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Họ không nhận thức được rằng để hội nhập thành công, thế giới thứ ba phải thay đổi hệ tiêu chuẩn những giá trị của mình. Chính việc không đổi mới hệ tiêu chuẩn các giá trị là nguyên nhân làm cho tính trễ của cải cách chính trị trở nên đặc biệt trầm trọng.

Cải cách chính trị phụ thuộc nhiều vào ý chí của bộ máy cầm quyền cũng như nhận thức của họ về quyền lợi và rủi ro. Cải cách chính trị thường gắn liền với sự mất mát quyền lực, điều mà bộ máy cầm quyền không dễ gì chấp nhận. Duy trì các đặc tính cũ với mục tiêu tạo sự ổn định bề ngoài nhằm che đậy tham vọng bám giữ quyền lực, đã trở thành triết lý của nhiều nhà cầm quyền và nhiều hệ thống chính trị. Bị ám ảnh bởi sự mất mát quyền lực, các nhà cầm quyền luôn sợ hãi và khất lần những cuộc cải cách. Nhiều đặc tính của hệ thống chính trị đã trở nên lạc hậu nhưng vẫn được duy từ quá lâu và trên phạm vi rộng lớn như một hoạt động có ý thức kìm hãm tiến bộ chính trị. Thay vì ý thức về việc phải tự đổi mới, tư duy của các nhà cầm quyền trượt theo xu hướng đối phó với cách mạng chính trị và đẩy xã hội vào tình thế nguy hiểm, thậm chí là những cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội như đã xảy ra tại khá nhiều quốc gia đang phát triển.

Nguyên nhân thứ hai là những lý do về kinh tế - xã hội. Hầu hết các nước thế giới thứ ba cho đến nay chưa tạo được tiền đề kinh tế - xã hội thuận lợi cho cải cách chính trị. Thế giới thứ ba thoát khỏi chủ nghĩa thực dân nhưng vẫn trong tình trạng kinh tế trì trệ, xã hội kém phát triển. Do lo ngại mất đi những đặc quyền đặc lợi, một số lực lượng trong xã hội cố tình lảng tránh, hoặc làm cho cải cách kinh tế diễn ra chậm chạp, có nghĩa là việc trì hoãn cải cách kinh tế góp phần làm chậm trễ quá trình tiến tới cải cách chính trị.

Nguyên nhân thứ ba bắt nguồn từ các yếu tố tiêu cực trong văn hóa. Sự chậm trễ cải cách phụ thuộc vào nhận thức của xã hội và trình độ dân trí. Văn hóa bao giờ cũng có tính lạc hậu tương đối. Bộ máy cầm quyền có xu hướng tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa để trên cơ sở đó duy trì một hệ thống chính trị đã trở nên lạc hậu. Ngoài ra, phải kể đến ảnh hưởng của các tôn giáo. Tại các nước đang phát triển mà tôn giáo có ảnh hưởng nặng nề, việc xã hội chấp nhận và tạo ra được hệ thống chính trị tiên tiến là một việc rất khó khăn.

III. Phác thảo chương trình cải cách chính trị

Một cuộc cải cách chính trị mang tính chất cải lương hoặc không xuất phát từ những đòi hỏi của đời sống sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào, ngoài việc làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, có thể đẩy nền chính trị và cả đất nước lún sâu hơn vào tình trạng trì trệ và khủng hoảng. Cải cách chính trị là quá trình tiệm cận dân chủ và tự do, thay thế một cách hòa bình các quan điểm chính trị lỗi thốn.đây chính là ý nghĩa nhân văn quan trọng nhất của cải cách chính trị trong thời đại ngày nay.

Thể chế chính trị luôn là kết quả của sự lựa chọn một khuynh hướng trong số các khuynh hướng chính trị. Nhưng sau khi đã được lựa chọn, khuynh hướng chính trị này có xu hướng được củng cố để duy trì địa vị và do đó, cải cách chính trị là sự lựa chọn một khuynh hướng mới cho một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, phải chờ đến một thời điểm nhất định, khi mà khuynh hướng mới bộc lộ rõ rệt tính hợp lý của nó bằng cách chứng minh được tính lạc hậu của khuynh hướng cần thay đổi, chúng ta mới có thể tiến hành lựa chọn lại. Vì vậy, nghiên cứu cải cách chính trị có nghĩa vụ tìm ra phương pháp để hoàn thiện hệ thống chính trị, dịch thuyền nó đến sự hợp lý và phù hợp với quy luật phát triển.

Bài viết này không có tham vọng đưa ra một chương trình cải cách chi tiết, thay vào đó chỉ là phác thảo những nội dung quan trọng nhất của lộ trình phức tạp, khó khăn nhưng cũng đầy hứng khởi này. Cần thấy rằng, diều kiện tiên quyết để đạt được thắng lợi của một cuộc cải cách, dù trên khía cạnh nào và ở quy mô nào, cũng là tính triệt để của nội dung chương trình cải cách và bản lĩnh của những người thực hiện nó, tức là các lực lượng chính trị tiên tiến và toàn thể dân chúng. Để bảo đảm thành công, cải cách chính trị cần được tiến hành theo những nội dung cơ bản sau đây.

Trước tiên, cải cách chính trị là sự thừa nhận tính dân chủ của chính trị, tính đa dạng của đời sống chính trị. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trường hợp đảng cầm quyền. Cải cách chính trị gắn liền với cải cách đảng cầm quyền. Sức sống của đảng cầm quyền là ở chỗ đảng có nguồn gốc nhân dân và vì thế đảng cầm quyền không thể không đổi mới cùng đất nước. Một trong những giải pháp cải cách chính trị quan trọng ở các nước thế giới thứ ba là thực hiện đa dạng hóa ý kiến chính trị ngay trong đảng cầm quyền.

Thực tế lịch sử cho thấy nhiều quan điểm mới, tiến bộ không phải bao giờ cũng thuộc về đa số. Trong thời đại ngày nay, nếu đảng cầm quyền không đa dạng hóa các ý kiến chính trị, đảng sẽ trở nên khô cứng, lạc hậu và sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự tiêu diệt mình. Đa dạng hóa ý kiến chính trị của một đảng là đa dạng hóa đời sống chính trị, tạo cho đảng chính trị có sức sống cao để chống đỡ có hiệu quả với những rủi ro của xã hội hiện đại. Chấp nhận sự đa dạng về tinh thần và nhận thức không chỉ là sự sáng suốt của trí tuệ mà còn là biểu hiện mang đậm chất nhân văn mới của nhà chính trị và hệ thống chính trị.

Thứ hai, xác định hạt nhân của tất cả các cuộc cải cách chính trị là tự do cá nhân, tức là tôn trọng các quyền cá nhân, các quyền công dân cũng như các quyền con người. Đó là điểm mấu chốt và cơ bản của cải cách chính trị trong các nước đang phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thế giới thứ ba cần phải thay đổi quan niệm về tự do con người trong hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị không được phép và không có quyền nô dịch con người. Hay nói cách khác, chúng ta phải xây dựng xã hội công dân, xây dựng xã hội của những người có quyền đối với vận mệnh của chính mình và của đất nước mình.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thể chế và Thành tích

    25/10/2014Nguyễn Trần BạtBất kỳ nhà nước hay hệ thống chính trị nào cũng phải trả lời câu hỏi làm thế nào để phát triển hay làm thế nào để giảm thiểu rủi ro trong tiến trình phát triển. Trong quá trình đi tìm lời giải cho câu hỏi này, càng ngày người ta càng nhận ra vai trò của thể chế đối với phát triển, nghĩa là, một thể chế tốt sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển và tăng cường chất lượng phát triển; ngược lại, một thể chế bất hợp lý sẽ kìm hãm tốc độ phát triển và làm suy thoái chất lượng phát triển...
  • Suy Tưởng

    01/09/2007Bùi Quang MinhHết sức tình cờ, tôi đã được tác giả tiếp chuyện và được tặng tác phẩm Suy Tưởng. Có thể nói chưa bao giờ tôi có được cảm xúc như vừa ăn một bữa "đại tiệc của tinh thần" đến vậy. Tác giả bằng quan điểm uyên bác và cái nhìn sâu sắc, mạch văn hấp dẫn cô đọng, sắc sảo... đã xới lên và gợi mở các giải pháp một cách thuyết phục cho những chủ đề nóng hổi, thiết thực và sống còn của dân tộc. Hy vọng các bạn cũng được đọc và suy tưởng tiếp những vấn đề đã nêu trong cuốn sách...

Nội dung khác