Khoa học và Mô Thức Luận của Thomas Kuhn
Cuốn “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” của Thomas Kuhn năm 1962, một trong những tác phẩm khoa học được trích dẫn nhiều nhất của thế kỷ 20, đã đặt dấu chấm hết cho quan điểm thực chứng logic-nền tảng của khoa học hiện đại (chủ yếu của phương Tây). Theo Kuhn, khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên-kỹ thuật, không gắn với bản thể mà thuần túy là sản phẩm của tư duy con người. Hiện đây là quan điểm được chấp nhận rộng rãi nhất trong giới khoa học. Nhờ Kuhn, “mô thức” (Paradigm) trở thành một thuật ngữ chuyên ngành, trở nên thời thượng và thường bị lạm dụng.
Khoa học “thông thường” (normal science)
Theo Kuhn, đặc trưng của khoa học là “giải đố” (puzzle-solving). Để làm được điều này, các nhà khoa học cần phải đạt được một sự đồng thuận đáng kể về những vấn đề cơ bản làm nền tảng. Các vấn đề cơ bản này, như những tiên đề, được nghiễm nhiên chấp nhận, không cần chứng minh và thường không được đem ra bàn thảo nữa. Công việc của các nhà khoa học lúc này là “giải” các vấn đề cụ thể bằng những phương pháp sẵn có từ các lần giải trước và dựa trên các vấn đề cơ bản nêu trên. Họ không cật vấn và thậm chí không bao giờ nghĩ rằng một (hay một số) các tiên đề, các giả thuyết cơ bản (basic assumptions) của họ có thể sai. Họ được đào tạo và quen với việc giải quyết các bài toán, vấn đề với những phương pháp sẵn có. Vì vậy, khi không tìm ra lời giải thì người ta nghĩ ngay đến sự yếu kém của các nhà khoa học chứ không nghĩ đến sự bất cập của khoa học (tức là hệ thống các tiên đề, các điều kiện, phương pháp).
Mô thức (Paradigm)
Khái niệm “Mô Thức” được Kuhn định nghĩa lại và nay hầu như ngắn liền với tên ông.
Kuhn nêu hai vấn đề liên quan đến mô thức. Thứ nhất, mô thức là các tri thức nền tảng mang tính lý thuyết và được chấp nhận rộng rãi trong các nhà khoa học hàng đầu ở một lĩnh vực khoa học nhất định. Các tri thức nền tảng mang tính lý thuyết trên được nêu ra trong các sách giáo khoa của lĩnh vực đó.
Thứ hai, mô thức là các tình huống chuẩn (standard examples) và các cách giải quyết vấn đề (ways of solving problems). Các tình huống chuẩn này dạy cách thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề tương tự và, như vậy, giúp để giải được các “câu đố” mới.
Không có mô thức nào có thể giải quyết hết các vấn đề trong một lĩnh vực. Tương tự, Einstein nói ‘Không thể giải quyết rốt ráo các vấn đề trên cùng một mặt bằng tư duy như các vấn để đó đã được tạo ra”. Các vấn đề chưa được giải quyết trong một thời gian dài được gọi là “Ngoại Lệ” (anomaly).
Trong thời kỳ khoa học “thông thường”, người ta không mấy quan tâm đến các “ngoại lệ”. Nguyên nhân là: các nhà khoa học không nghĩ rằng nền tảng cho cách tiếp cận của họ là sai.
Họ kỳ vọng rằng các “ngoại lệ” sẽ được “giải quyết” bằng cách nào đó sau này; Hay cho rằng chúng không đủ điều kiện để trở thành bài toán do một sự hiểu nhầm nào đó.
Khi dồn tụ nhiều các “ngoại lệ” và việc giải bài toán bất thành trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến một Khủng Hoảng (crisis).
Lúc này, các nhà khoa học bắt đầu đi tìm một hướng mới, một mô thức mới để thay thế.
Khoa học mang tính đột biến (hay tính cách mạng-revolutionary science)
Thomas Samuel Kuhn (18/7/1922-17/6/1996) là nhà vật lý người Mỹ. Ông viết rất nhiều về lịch sử KH và phát triển một số khái niệm về xã hội học cũng như triết học khoa học |
Khủng hoảng có thể dẫn đến sự xuất hiện của một mô thức mới. Nếu mô thức mới này được chấp nhận thì đó là một sự Chuyển Đổi Mô Thức (paradigm shift). Kuhn gọi đây là những cách mạng khoa học. Trong lịch sử phát triển khoa học, những chuyển đổi mô thức điển hình là: Ptoleme-Copernicus, Newton-Einstein, vật lý cổ điển-vật lý lượng tử,.. Kuhn ví cách mạng khoa học cũng giống như cách mạng chính trị. Các đột phá trong khoa học-công nghệ bắt nguồn từ những chuyển đổi mô thức cơ bản, những biến đổi mang tính cách mạng của khoa học.
Trong thời kỳ khoa học “thông thường”, các biến động mang tính kế tục và dựa trên các giả thuyết đã được thống nhất và không hề bị xem xét lại hay bác bỏ. Trong cách mạng khoa học, các biến động không còn là sự kế tục. Đó là một sự kết thúc, một đoạn tuyệt, một sự thay đổi cơ bản và ở đó, các phe với các quan điểm đối lập thường không thể đối thoại với nhau được nữa.
Chuyển đổi mô thức
Đặc trưng của sự đụng độ giữa các mô thức chính là việc không thể đối thoại với nhau nói trên.
Các quan điểm của các mô thức đối lập có thể khác nhau cơ bản tới mức, theo Kuhn, các nhà khoa học như đến từ “các thế giới khác nhau”.
Đây là nguyên nhân để Kuhn nêu lên quan điểm khá cực đoan rằng: khoa học chẳng qua là sản phẩm ngụy tạo của con người (chứ không phải là sự mô phỏng một cách “vô tư” bản thể hay giới tự nhiên). Điều đáng lưu ý là: đây lại chính là quan điểm của đạo Phật nhìn nhận về khoa học (hay bất kỳ một nhận biết nào dựa trên logic, thậm chí tâm thức). Nhưng tác phẩm của Kuhn, cùng với những phát hiện và bế tắc của các nhà vật lý lượng tử ở đầu thế kỷ 20, đã làm không ai phủ nhận được rằng: Con người, vô tình hay hữu ý, đã và đang nhìn nhận bản thể theo cách mà họ muốn. Điều này dẫn rất nhiều suy diễn và tranh luận. Rõ ràng rằng: khoa học và các giao diện của nó cần được tái quan niệm, mở rộng ra, đan xen (hay hòa quyện hữu cơ) vào các lĩnh vực khác. Phật giáo với các tầng thức như “vô cấp” và các mô thức (chưa được biết đến hay đã bị lãng quên) để nhận biết bản thể cần được xem xét.
Thành trì “khoa học” tưởng chừng như đã rất bền vững (vì tưởng như độc lập với con người) nay như một tòa lâu đài ảo, chỉ tồn tại trong tâm tưởng con người.
Kuhn cho rằng: các quan điểm (Concepts) của các mô thức đối lập mang những nội dung khác nhau. Điều này tựa như các nhà khoa học dùng những ngôn ngữ khác nhau. Hay, như Kuhn nói: các mô thức đối lập không “lượng sánh” được với nhau, tức là không so sánh bằng lượng được với nhau (incommensurable), hay không “thông ước” với nhau, theo thuật ngữ toán học.
Chính sự khác biệt về ngữ nghĩa đã dẫn đến tình trạng “bất lượng sánh” nói trên. Chuyển đổi mô thức không những bao gồm thay đổi về lòng tin (belief change) mà cả thay đổi về các chuẩn mực để đánh giá (standards of judgment). Nếu dùng các quan điểm khác nhau để đánh giá và nếu không có một quan điểm trung lập nào khác để “giải” được sự bất đồng thì sẽ không có một phương pháp khách quan nào để đánh giá sai đúng.
Sự chuyển đổi mô thức không phải là kết quả của tranh luận phải trái hay sự thuyết phục bằng tính hợp lý mà giống như một sự thay đổi về cách quan sát. Điều này giống như một sự thay đổi trong sự Cảm Nhận (Perception). Tương tự, theo đạo Phật, Cảm Nhận của con người hoàn toàn mang tính chủ quan (không mấy liên quan gì tới bản thể) và nó quyết định ta cảm nhận về thế giới tự nhiên thế nào.
Quan Sát có phải là giải pháp?
Bìa cuốn sách “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” của Thomas S. Kuhn |
Bìa cuốn sách “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” của Thomas S. Kuhn. Để tìm ra một “trọng tài” cho các bất đồng này, người ta nghĩ nên chăng dựa vào các quan sát trực quan (observations). Đơn giản là “người thật, việc thật”!
Có lẽ đây là một phát hiện táo bạo và lý thú nhất của Kuhn khi ông tuyên bố: các quan sát trực quan cũng mang nặng tính lý thuyết; Nói cách khác, chúng cũng bị “lây nhiễm” lý thuyết (infected with theory). Thực ra, các nhà vật lý lượng tử đầu thế kỷ 20 đã nói về hiện tượng này. Nhưng ở Kuhn, nó được khái quát hóa cho mọi quan sát của con người.
Như vậy, không có quan sát thuần túy. Chúng ta quan sát gì, nhìn thấy gì, thấy nó thế nào… phụ thuộc việc chúng ta dựa trên lý thuyết gì. Vì vậy, quan sát cũng không thể là “quan tòa” trung lập được.
Ví dụ, mặc dù chúng ta nhìn thấy bằng chính mắt mình rằng mặt trời di chuyển từ bên này sang bên kia của chân trời, nhưng Copernicus đã đúng khi chứng minh rằng “quan sát” này dựa trên một đức tin sai.
Quan niệm về sự Tiến Bộ
Kuhn cho rằng: Khoa Học không nhất thiết ngày càng tiến gần tới Bản Thể hay Sự Thật.
Theo ông, không có biện pháp khách quan để đánh giá xem các lý thuyết tiến gần đến sự thật như thế nào. Ông tự nhận mình là một người thuộc trường phái Kant nhưng “với những phạm trù chuyển dịch” (“moveable categories”). Theo Kant, các phạm trù của tư duy là điều kiện tiên quyết cho mọi sự hiểu biết hoặc tri thức. Và, người ta gán cho khoa học là quy luật của tự nhiên (tức là khách quan), nhưng thực chất thì nó chính là sản phẩm của tư duy chủ quan của con người. Kuhn cũng đồng quan điểm đó, nhưng điểm mới của ông là: các phạm trù này luôn thay đổi trong các cuộc cách mạng khoa học. Như vậy, Kuhn cho rằng: khoa học không nhất thiết mang tính hợp lý (rational).
Xung quanh quan điểm của Kuhn
Công bố của Kuhn gây ra nhiều hệ lụy và gợi suy hơn ông ta tưởng. Không những khoa học-kỹ thuật mà xã hội học, triết học, thần học, khoa học xã hội và cả tôn giáo cũng thấy sự liên quan. Có thể nhắc tới vài gợi suy sau.
Khi thấy có nhiều “ngoại lệ”, cần nghĩ ngay đến việc xem xét lại mô thức có còn thích hợp.
Đầu tư quá nhiều vào khoa học “thông thường” khi mô thức đã lạc hậu sẽ không hiệu quả bằng tìm ra mô thức mới. Nếu cứ cố tìm cách cải tiến cái đèn dầu hỏa thì khó có thể phát minh ra đèn điện. Các nhà khoa học đầu ngành của thế giới thường dự đoán được: hướng nghiên cứu sắp bế tắc và không còn chỗ cho khoa học “thông thường”. Những suy nghĩ, trăn trở của họ, mặc dù có thể chỉ là những mảnh ghép lẻ tẻ, không hệ thống, nhưng gợi mở rất nhiều về mô thức mới, quan niệm và cách nhìn mới…
Khi yếu tố tác động (hay điều kiện) thay đổi, VD: khi xuất hiện vật liệu mới với những tính năng mới, khi xuất hiện công nghệ mới… cần thay đổi ngay mô thức thì những nghiên cứu sau đó mới hiệu quả.
Những sáng tạo, đột phá trong khoa học-công nghệ thường xuất phát từ thay đổi mô thức, đặc biệt là những mô thức phi truyền thống. Những người giỏi ở khoa học “thông thường” (như kiểu quen đường mòn) ít khi tìm đến mô thức mới.
Để tìm ra mô thức mới và phi truyền thống, trí tưởng tượng rất quan trọng. Einstein nói “Mọi tri thức đều chỉ là chi tiết; Trí tưởng tượng mới là quan trọng”.
Thách thức đối với các nhà khoa học-công nghệ ở nước kém phát triển là họ không được cập nhật về các mô thức đã và đang có trong ngành của họ. Khi hội nhập, họ bắt nhập vào khoa học ở “giữa dòng”. Đối với họ, việc chọn được mô thức phù hợp quan trọng hơn là bắt tay ngay vào nghiên cứu với mớ mô thức không phù hợp. Tối ưu không phải là áp dụng mô thức hiện đại nhất mà là mô thức phù hợp nhất với hoàn cảnh.
Khi thế giới biến động, thay đổi mô thức của mình (tức là thay đổi mình) có lợi hơn là giữ mình không đổi (dĩ vạn biến ứng vạn biến).
Nhà khoa học cần giải phóng mình khỏi mọi quan điểm, đức tin, mong muốn theo bản năng… khi nghiên cứu khoa học vì những điều chủ quan trên sẽ “lái” họ đi hay làm họ nhìn thế giới một cách phiến diện. Rất nhiều nhà khoa học (thậm chí nổi tiếng), từ thâm tâm sâu thẳm nhất, cho rằng thế giới là phải hài hòa, phải cân đối, phải duy lý, phải đẹp,… Điều này làm họ chỉ đi tìm mặt cân đối, hài hòa của bản thể. Nhưng những phát hiện gần đây nghiêng về hướng “hỗn độn” (chaos) của vạn pháp.
Quan sát, cảm nhận, logic… của ta chắc chắn không khách quan. Vậy, có cách nào khác để có thể cảm nhận hay nhận biết thế giới được “khách quan” hơn? Liệu có những cách nào để “cảm” (ngộ) mà không qua “biết” (tri), tức là phi logic để loại bỏ sự chủ quan vốn hữu hạn của con người?
Phát hiện của Kuhn và của vật lý lượng tử đầu thế kỷ 20 đã đưa khoa học và đến gần với đạo Phật. Quan điểm của Kuhn về khoa học và nhận thức luận thực ra đã được đạo Phật nói đến rất nhiều và là một trong những cột trụ quan trọng của Phật Pháp. Tuy diễn đạt không được logic và dễ hiểu như khoa học phương tây, nhưng đạo Phật lại bao trùm và giải quyết rốt ráo hơn. Ví dụ, không chỉ đơn giản là “hiểu” hay “nhìn thấy” mà đạo Phật đề cập đến những “cấp độ”, những Tầng Thức sâu nông khác nhau (Ngũ Uẩn).
Khái niệm Mô Thức là một trường hợp đặc biệt của “Chấp” (“chấp” bao trùm hơn). Và, “chuyển đổi mô thức” không khác gì “phá chấp”.
Mô thức hay chấp giúp đạt đến mục đích cụ thể. Nhưng nếu vẫn giữ chúng thì chúng sẽ ngăn cản ta đến mục đích khác (mà lẽ ra ta phải dùng mô thức khác, chấp khác). Chấp và mô thức luôn cần được thay đổi, được “phá bỏ” để có mô thức mới cho mục đích mới. Chấp, mô thức có thể ăn sâu từ hàng ngàn năm và đã thành bản năng. Phá bỏ nó không phải dễ. J. Keynes nói “Khó khăn không phải là có ý tưởng mới, mà là ở chỗ thoát khỏi tư duy cũ”.
Phi logic hay vô thức lại là cách đến gần hơn tới (hay hòa nhập vào) bản thể. Đây cũng thể hiện tính bất cập của khoa học: Đó là nó vẫn cần logic hay mô thức để tồn tại.
Các giả thuyết hay điều kiện như Kuhn nêu, chẳng qua là một tập hợp (vô cùng) nhỏ của một tổng thể không thể chia tách của vạn pháp với những mối quan hệ phi nhân quả, không dựa trên một logic nào (Duyên Khởi).
Khác với sự ôn hòa của đạo Phật, Kuhn nói “Thế giới (bản thể) phải ra sao đây để chúng ta có thể nhận biết được?” để nói về sự khiên cưỡng khi “bắt” thế giới phải có “hình hài” theo như logic của con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh