Khoa học như một động lực thúc đẩy văn minh

06:59 CH @ Thứ Hai - 07 Tháng Tư, 2014

Tóm tắt

Sau khi trình bày lịch sử phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ trong sự song hành với lịch sử tri thức và lịch sử xã hội, bài viết này nhấn mạnh, khoa học hiện đại, với tư cách một hệ thống tri thức thực nghiệm, lý thuyết và thực hành về thế giới tự nhiên và xã hội, và những phát triển công nghệ kèm theo, chính là động lực thúc đẩy nền văn minh nhân loại mạnh mẽ nhất, khi chỉ trong 100 năm của thế kỉ XX đã mang lại sự tiến bộ bằng 100 thế kỉ trước cộng lại.

Sự đóng góp của khoa học hiện đại đối với nền văn minh đương đại thể hiện rất đa dạng trên nhiều khía cạnh. Bài viết này đề cập tới ba vấn đề: vai trò của toán học và vật lý trong nhận thức luận, vai trò của cơ học lượng tử trong nền kinh tế và vai trò của di truyền học trong bài toán nguồn gốc loài người. Ngoài ra nó cũng đề cập tới một số tranh luận về mối tương quan giữa phương Đông và phương Tây, cũng như nguồn gốc người Hán và người Việt.

Mục lục

1. Khoa học là gì?

2. Lịch sử khoa học

2.1. Khởi nguồn khoa học
2.2. Khoa học thời Trung cổ
2.3. Cuộc cách mạng khoa học
2.4. Kỷ nguyên khoa học cổ điển
2.5. Khoa học công nghệ hiện đại

3. Vai trò của khoa học trong một số hoạt động của con người

3.1. Đóng góp của cơ học lượng tử trong kinh tế
3.2. Tác động của khoa học đối với nhận thức luận
3.3. Vai trò của di truyền học trong nhân học

4. Kết luận

Vĩ thanh 1: Người Việt sinh ra người Hán?
Vĩ thanh 2: Tại sao khoa học hiện đại không ra đời tại Trung Quốc?


1. Khoa học là gì?

Theo nghĩa rộng, khoa học (xuất phát từ tiếng Latin scientia, có nghĩa là tri thức hay hiểu biết) là bất cứ một hệ thống tri thức hay thực hành có tổ chức nào. Theo nghĩa hẹp nhưng thông dụng hơn, khoa học là hệ thống tri thức thực nghiệm, lý thuyết và thực hành về thế giới tự nhiên và xã hội, thu được từ những nghiên cứu mang tính toàn cầu nhờ các phương pháp khoa học. Các phương pháp này dựa trên sự quan sát, thực nghiệm và giải thích các hiện tượng có thực của thế giới.

Khoa học thường được chia thành hai nhóm:

  • Khoa học tự nhiên, chuyên nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, bao gồm sự sống;
  • Khoa học xã hội, chuyên nghiên cứu hành vi và các xã hội con người.


Đó đều là các khoa học thực nghiệm, theo nghĩa tri thức phải dựa trên các hiện tượng quan sát được và giới nghiên cứu có thể tổ chức thực nghiệm kiểm chứng chúng trong những điều kiện tương tự.

Toán học, đôi khi được xem thuộc nhóm thứ ba - các khoa học hình thức, có cả sự tương đồng và khác biệt với các khoa học tự nhiên và xã hội. Nó tương đồng với khoa học thực nghiệm vì nó nghiên cứu khách quan, cẩn trọng và có hệ thống một lĩnh vực tri thức; và nó khác biệt vì cách xử lý tri thức: nó không dựa trên thực nghiệm, mà trên các giả thiết tiên nghiệm (tiên đề). Khoa học hình thức, bao gồm cả thống kê học và logic học, có vai trò quan trọng với các khoa học thực nghiệm, nhất là trong việc hình thành giả thuyết, lý thuyết và định luật, cả trong việc khám phá và diễn giải các sự biến tự nhiên (khoa học tự nhiên) và cách thức suy nghĩ và hành xử của con người và xã hội (khoa học xã hội). Bài viết này trình bày chủ yếu về khoa học tự nhiên.

2. Lịch sử khoa học

Có thế thấy vai trò khoa học thúc đẩy các nền văn minh khi khảo sát lịch sử hình thành và phát triển của nó. Với tư cách lưỡng nguyên, vừa là hệ tri thức khách quan, vừa là sản phẩm tạo dựng chủ quan của con người, nên lịch sử khoa học gắn liền với lịch sử tri thức và lịch sử xã hội. Và bức tranh lịch sử khoa học sẽ hoàn chỉnh hơn khi có sự gắn kết như vậy.

Rất khó xác định nguồn gốc chính xác của khoa học, do thiếu tư liệu và bằng chứng vật chất về các khám phá cổ đại. Thậm chí tên gọi nhà khoa học cũng chỉ được William Whewell đưa ra năm 1837. Trước đó giới khám phá tự nhiên được gọi là các nhà triết học tự nhiên.

Trong lúc các khám phá thực nghiệm về tự nhiên bắt đầu từ thời cổ đại (như các công trình của Aristotle), và các phương pháp khoa học xuất hiện từ thời Trung cổ (gắn với các tên tuổi như William of Occam, Ibn al-Haytham hay Roger Bacon), buổi bình minh của khoa học hiện đại chỉ xuất hiện khá gần đây, nhờ cuộc Cách mạng khoa học trong các thế kỉ XVI và XVII.

2.1. Khởi nguồn khoa học:

Khoa học như ta biết ngày nay có nguồn gốc từ cuộc Cách mạng khoa học, nhưng khởi nguồn từ rất xa trong thời tiền sử. Gốc rễ của khoa học nằm ở công nghệ chế tác công cụ và các vật dụng khác, trong lúc lý thuyết khoa học là một phần của triết học và tôn giáo. Mối quan hệ công nghệ khuyến khích khoa học, và ngược lại, vẫn là cách thức thúc đẩy cả hai cùng phát triển hiệu quả nhất cho đến tận ngày nay.

Ứng dụng thực hành tại Trung Đông cổ đại:

Các nền văn minh sơ khai tại thung lũng Tigris-Euphrates và thung lũng sông Nile có nhiều thành tựu cả về công nghệ và lý thuyết. Nhiều tiến bộ trong luyện kim, nông nghiệp, vận tải và hàng hải đã được giới thợ thủ công lành nghề thực hiện. Giới tu sĩ và thầy tế đảm trách việc ghi chép sự kiện, phân chia đất đai và xác định lịch. Họ phát triển chữ viết và toán học sơ khai để thực hiện chúng. Người Babylon đưa ra các phương pháp giải các phương trình đại số và diễn dịch nhiều sự kiện thiên văn quan trọng, cũng như biết cách tính chu kì quay của các hành tinh. Họ dùng năm 12 tháng, tuần 7 ngày và bắt đầu chia ngày thành giờ, phút và giây. Ai Cập cũng phát triển toán học và thiên văn, và bắt đầu phát triển y học. Phương tiện vận chuyển có bánh xe và kỹ thuật đúc đồng của người Sumerian ở Babylon từ 3000 năm trCN được nhập khẩu vào Ai Cập từ năm 1750 trCN. Trong khoảng 1400-1100 trCN, kỹ thuật nấu sắt được phát minh tại Armenia và truyền đi khắp nơi; và bảng chữ cái được phát triển tại Phoenicia.

Khoa học Hy Lạp cổ đại:

Văn hóa Hy Lạp, hay văn hóa Hellen, không chỉ bao gồm Hy Lạp, mà còn nhiều thành phố do người Hy Lạp xây dựng ở nhiều nơi, như Alexandria, Ai Cập, do Alexander đại đế xây dựng năm 332 trCN. Trường phái Alexandria thứ nhất gồm Euclid (khoảng năm 300 trCN), người tổ chức hệ tiên đề hình học, được xem là hình mẫu cho các biểu diễn khoa học từ đó tới nay; Aristarchus (thế kỉ thứ 3 trCN), xem mặt trời lớn hơn trái đất và đề xuất hệ nhật tâm; Archimedes (287-212 trCN), có nhiều đóng góp trong toán học và cơ học; và nhiều học giả khác. Trường phái Alexandria thứ hai xuất hiện đầu công lịch, khi Rome lãnh đạo vùng Địa Trung Hải, gồm nhiều học giả như Ptolemy (thế kỉ II), người đưa ra thuyết địa tâm được dùng trong 1400 năm; hay Galen (thế kỉ II) trong giải phẫu học và y học. Người La Mã tích hợp nhiều thành tựu khoa học Hy Lạp nhưng ít có đóng góp riêng. Khi đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỉ thứ V và bắt đầu Đêm trường Trung cổ, khoa học ngừng phát triển tại phương Tây.

Khoa học Trung Quốc và Ấn Độ:

Ở phương Đông, một số thành tựu khoa học phát triển song song với phương Tây. Tuy nhiên, dù nhiều xã hội phương Đông nhanh chóng ứng dụng các thành quả công nghệ, họ có khuynh hướng không khuyến khích sự phát triển khoa học, nhất là khía cạnh gắn lý thuyết với thực nghiệm.

Trung Quốc có lịch sử phát triển công nghệ lâu dài, với Bốn phát minh vĩ đại, bao gồm giấy (thế kỉ II), kĩ thuật in (thế kỉ VII), thuốc súng (thế kỉ III) và la bàn (thế kỉ XI-XII); ngoài ra là súng (thế kỉ XIII). Tuy nhiên tại Trung Quốc, lý thuyết khoa học thường gắn với các trường phái triết học và thần học chủ yếu, như Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo (muộn hơn). Xã hội nông nghiệp khuyến khích sự chia tách giữa lý thuyết và thực hành, trong đó lý thuyết là công việc của giới trí thức tầng lớp trên, còn thực hành thuộc thường dân tầng lớp dưới. Ngược lại, thiên văn học và toán học chỉ dùng với mục đích thực hành (xác định lịch) mà ít quan tâm tới phát triển lý thuyết. Trong khi đó, các lý thuyết luyện kim, giả kim (tiền thân của hóa học) và y học lại gắn với các hoạt động tôn giáo và triết học. Chính các lý do xã hội và văn hóa đó, cùng ảnh hưởng tiêu cực của 3 trường phái triết học chủ yếu (ngoài các mặt tích cực) và sự tập quyền thái quá về chính trị, đã ngăn cản sự hình thành khoa học như ta hiểu ngày nay tại Trung Quốc.

Ấn Độ phát triển bảng chữ cái, cũng như hệ số đếm, bao gồm số 0. Phát minh này được người Ả-Rập kết hợp vào hệ số đếm của họ. Kỹ nghệ luyện kim cũng phát triển, như Trụ sắt tại Dehli chứng tỏ. Nhiều nhà khoa học Ấn Độ chịu ảnh hưởng của khoa học Hy Lạp, chẳng hạn hệ địa tâm trong thiên văn, hay khoa học Babylon, khi phát triển các phương pháp đại số để giải quyết nhiều vấn đề toán học.

Tại Ấn Độ, xã hội nông nghiệp cũng ngăn cản sự phát triển của khoa học như tại Trung Quốc. Sự phân lập về chính trị, kinh tế và xã hội thái quá, tuy đối ngược với Trung Quốc, nhưng cùng dẫn tới kết quả kìm hãm khoa học. Chế độ phân chia đẳng cấp thậm chí còn ngặt nghèo hơn tại Trung Quốc càng làm tình hình thêm tồi tệ.

2.2. Khoa học thời Trung cổ:

Bảo tồn khoa học trong thế giới Hồi giáo:

Khi văn minh Hy Lạp - La Mã sụp đổ, nhiều thành tựu lọt vào tay người Hồi giáo, là người có ảnh hưởng lớn xung quanh Địa Trung Hải trong các thế kỉ VII và VIII. Họ dịch mọi công trình Hy Lạp ra tiếp Ả-Rập, kèm các bình luận. Họ cũng đón nhận các thành tựu phương Đông, như hệ số đếm Ấn Độ hay giấy và thuốc súng Trung Quốc. Giới học giả tập trung ở Damascus, Baghdad và Cairo, cũng như tại Cordoba và Toledo, Tây Ban Nha. Sự kết hợp Đông Tây như thế chỉ được bắt đầu tại châu Âu vào thế kỉ XI.

Truyền thống thủ công và chủ nghĩa kinh nghiệm sơ khai tại châu Âu:

Một số phát minh kỹ thuật trong Đêm trường Trung cổ, như cối xay gió và la bàn, cũng như cải tiến thiết kế tàu thuyền, đã tăng năng suất nông nghiệp và hàng hải, góp phần tăng số lượng và qui mô các thành phố, với các phường hội thợ thủ công và trường đại học. Những thay đổi đó rõ rệt ở phía bắc châu Âu hơn phía nam. Kĩ thuật chế tạo giấy (thế kỉ XII) và in ấn (1436-1450) cho phép ghi chép các truyền thống thủ công mà trước đó chỉ có thể truyền khẩu. Điều đó giúp giảm khoảng cách giữa thợ thủ công và giới học giả, góp phần làm xuất hiện một số người kết hợp được cả hai khả năng, các nghệ sĩ - kĩ sư, mà điển hình là Leonardo de Vinci, người nghiên cứu phương tiện bay và nhiều vấn đề kỹ thuật vượt thời đại khác.

Từ thế kỉ XII, các phiên bản Ả-Rập của khoa học Hy Lạp được dịch ra tiếng Latin. Thế kỉ XIII tiếp tục với các công trình phương Đông. Đồng thời khuynh hướng thực nghiệm hóa được Bacon và nhiều người khác khuyến khích. Albertus Magnus và Thomas Aquinas tạo ra triết học khoa học như một phiên bản gia tô giáo của triết học Aristotle trong thế kỉ XIII. Quan điểm này xem khoa học là sự mở rộng của triết học và giả định sự can thiệp thần linh lên chuyển động của các thiên thể. Tuy nhiên, truyền thống thủ công vẫn phát triển một cách độc lập, và một số trường phái học thuật phát triển ngoài ảnh hưởng của tư tưởng triết học chính thống. Tất cả chuẩn bị cho phong trào Phục Hưng khoa học lan khắp châu Âu trong các thế kỉ XIV-XVI.

2.3. Cuộc cách mạng khoa học:

Khoa học, theo nghĩa hiện đại của khái niệm, xuất hiện vào thế kỉ XVI và XVII, với sự hòa trộn giữa truyền thống thủ công và lý thuyết khoa học và với sự phát triển các phương pháp khoa học, đặt biệt là lưỡi dao Occam và thực nghiệm luận. Cảm giác thất vọng với tư tưởng triết học truyền thống đã có từ trước, như phong trào Tin Lành trong tôn giáo, nhưng cuộc cách mạng khoa học chỉ bắt đầu sau những đóng góp của Copernicus, Paracelsus, Vesalius… trong thế kỉ XVI và đơm hoa kết trái trong thế kỉ XVII.

Bác bỏ khuôn mẫu truyền thống:

Một đặc trưng của cách mạng là sự chuyển đổi khuôn mẫu tư tưởng (paradigm shift). Copernicus là người đầu tiên phá vỡ niềm tin truyền thống, được cả khoa học và tôn giáo ủng hộ, rằng trái đất là trung tâm vũ trụ; công trình cuối cùng cũng được xuất bản khi ông chết (1543). Paracelsus bác bỏ các lý thuyết giả kim và y học cũ và xây dựng cơ sở của hóa sinh hiện đại. Vesalius từ chối dạy Galen và các tác giả khác; và qua nghiên cứu giải phẫu, đã tạo cơ sở cho y học và sinh học hiện đại. Nền tảng triết học của cuộc cách mạng khoa học được trình bày trong công trình của Francis Bacon, người xem thực nghiệm đóng vai trò then chốt trong phát triển các lý thuyết khoa học, và Rene Descartes, người quan niệm vũ trụ là một hệ thống cơ học có thể mô tả bằng ngôn ngữ toán học. Khoa học cơ học được Galileo và nhiều người khác thành lập. Hệ thống thiên văn Copernicus được khẳng định qua đo đạc của Tycho Brahe; sự hiệu chỉnh của Kepler; và các công trình của Galileo, người lập luận dựa trên lý thuyết cơ học tự xây dựng và những quan sát nhờ kính viễn vọng mới phát minh. Các công cụ khác cũng có vai trò quyết định, như kính hiển vi mở rộng hiểu biết về thế giới sinh vật hay viễn kính mở rộng tầm nhìn trên bầu trời. Đồng hồ cơ khí được Huyghens (người cũng cải tiến viễn kính) hoàn thiện nửa sau thế kỉ XVI; do đó, các sự kiện, cả dưới đất và trên trời, có thể được đo đạc với độ chính xác cao, yếu tố căn bản để phát triển các khoa học chính xác. Thế kỉ XVII cũng chứng kiến sự phát hiện tuần hoàn máu của William Harvey và cơ sở hóa học hiện đại của Robert Boyle.

Tăng cường trao đổi tri thức khoa học:

Một yếu tố quan trọng của cách mạng khoa học là thành lập hay tăng cường các tổ chức và viện nghiên cứu tại nhiều quốc gia, như Hội hoàng gia Anh (1660), Viện hàn lâm khoa học Pháp (1666). Trong thế kỉ XVIII xuất hiện các viện hàn lâm quan trọng tại Berlin (1700) và St. Peterburg (1724). Chúng có vai trò thiết yếu trong việc xuất bản và thảo luận các kết quả khoa học trong và sau cuộc cách mạng.

Vai trò của Newton:

Nhân vật vĩ đại nhất của cuộc cách mạng khoa học là Isaac Newton, thành viên Hội hoàng gia Anh. Ông tích hợp các phát kiến cơ học và thiên văn trước đó với các công trình bản thân, để xây dựng một hệ thống duy nhất mô tả hành trạng vũ trụ; một hệ thống dựa trên quan niệm hấp dẫn và việc sử dụng vi phân, một kỹ thuật toán học được chính ông phát minh cho mục đích đó. Công trình Các nguyên lý triết học của triết học tự nhiên (tức khoa học) (1687) là khởi đầu của cơ học và thiên văn học hiện đại. Tầm ảnh hưởng của ông bao trùm lên hầu hết các khoa học tự nhiên.

2.4. Kỷ nguyên khoa học cổ điển:

Lịch sử khoa học các thế kỉ XVIII - XIX chủ yếu là lịch sử của các chuyên ngành, khi chúng phát triển thành các dạng thức như ta thấy ngày nay.

Cách mạng trong toán học và vật lý:

Trong toán học, phép tính vi phân trở thành công cụ mạnh mẽ trong toán học, cơ học và thiên văn học. Vật lý Newton, mặc dù lan truyền khá chậm trong lục địa vì ảnh hưởng của Descartes, cũng được khẳng định cuối thế kỉ XVIII, khi tiên đoán chính xác sự tái xuất hiện của sao chổi Halley. Nhiều phân ngành vật lý xuất hiện, như điện và từ, cũng như lý thuyết điện từ của Maxwell (cuối thế kỉ XIX). Các khám phá này là nền tảng của kĩ thuật truyền thông và các kỹ nghệ dùng điện năng. Các lý thuyết nhiệt và nhiệt động lực học, cùng các lý thuyết khác, đã dẫn tới việc xây dựng định luật bảo toàn năng lượng, một trong những phát kiến quan trọng nhất của con người.

Phát minh trong hóa học:

Hóa học tăng cường tính định lượng và tính thực nghiệm trong thế kỉ XVIII. Vai trò của oxy trong sự cháy và trong hô hấp được Priesley, Lavoisier và nhiều người khác phát hiện. Dalton xây dựng lý thuyết nguyên tử đầu thế kỉ XIX; Mendeleev phát minh bảng tuần hoàn, cho phép sắp xếp các nguyên tố hóa học một cách hệ thống. Giữa thế kỉ XIX, Bunsen và Kirchhoff phát triển kĩ thuật quang phổ kế để phân tích hóa học. Năm 1828, Wohler tổng hợp được chất hữu cơ đầu tiên là urea, cho thấy chất hữu cơ cũng cấu trúc từ các nguyên tử như chất vô cơ, mở ra một kỉ nguyên mới trong hóa học hữu cơ; đồng thời giúp bác bỏ sinh lực luận, một quan niệm xem thế giới hữu sinh cấu trúc từ các nguyên tử khác thế giới vô sinh.

Tiến bộ trong thiên văn:

Thiên văn phát triển cơ sở lý thuyết qua đóng góp của Laplace (nhà khoa học lừng danh với quyết định luận Laplace) và nhiều nhà khoa học khác. Họ gồm William Herschel, người xây dựng các viễn kính mạnh và phát hiện Uranus (1781), hành tinh đầu tiên phát hiện trong thời hiện đại, và con trai John Herschel, người mở rộng các quan sát của người cha xuống nửa bầu trời Nam và đi tiên phong trong chụp ảnh thiên văn, một phương pháp quan sát chủ yếu trong thiên văn học hiện đại. Công cụ quan trọng khác trong lĩnh vực là máy đo phổ. Giới thiên văn học dùng nhiều công cụ, kĩ thuật và lý thuyết của các khoa học khác, nhất là vật lý, trong các nghiên cứu của mình.

Khai sinh địa chất học hiện đại:

Địa chất học hiện đại bắt nguồn từ James Hutton, người giả định (1785) các quá trình và các lực địa chất sắp xếp trái đất vẫn đang hoạt động và có thể quan sát trực tiếp.

Quan niệm mới trong sinh học:

Trong sinh học, Linnaeus đặt ra hệ thống phân loại động vật và thực vật, giúp sắp xếp các dạng thức sống theo độ phức tạp, dẫn tới việc giả định các cơ thể có thể tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp. Thế kỉ XIX, von Bauer thành lập ngành phôi học, Schleiden và Schwann quan niệm tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống. Y học phát triển nhờ kĩ thuật tiêm chủng (Jenner) và phát hiện vai trò gây bệnh của vi trùng và vi khuẩn. Từ đó dẫn tới các kĩ thuật vô khuẩn thức ăn và phẫu thuật vô trùng. Thuốc mê được dùng từ thế kỉ XIX và nhờ hóa học, nhiều loại thuốc mới được phát triển trong điều trị.

Khoa học và cuộc cách mạng công nghiệp:

Một trong những thay đổi vĩ đại nhất xẩy ra trong lĩnh vực công nghệ, trong phát triển các nguồn năng lượng mới và ứng dụng chúng trong vận tải, truyền thông và công nghiệp. Quan trọng hàng đầu trong cuộc cách mạnh công nghiệp là phát minh động cơ hơi nước của James Watt và việc dùng chúng trong nhà máy, hầm mỏ, tàu thuyền, đường sắt; sự phát triển động cơ đốt trong và kỹ nghệ dùng nhiên liệu xăng; sự phát minh nhiều loại máy nông nghiệp; sự cải thiện kĩ nghệ luyện kim, nhất là với sắt và thép; và sự phát minh máy phát và động cơ điện, cùng nhiều thiết bị điện khác mà nay đã trở thành quen thuộc. Tất cả vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của cuộc cách mạnh công nghiệp, yếu tố cơ bản giúp phương Tây vượt lên trong mối tương quan Đông Tây.

2.5. Khoa học công nghệ hiện đại:

Khoa học hiện đại bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, khởi nguồn từ các công trình của Plank (1990) và Einstein (1905, 1916). Chúng được xem là nền tảng của thuyết lượng tử và thuyết tương đối, hai cột trụ của vật lý hiện đại. Cùng với sự phát triển của toán học (hình học phi Euclide, hình học không giao hoán…), hóa học (lý thuyết lượng tử của nguyên tử, tổng hợp các nguyên tố, phát hiện các đồng vị phóng xạ…), sinh học (thuyết tiến hóa cổ điển và hiện đại hóa, xây dựng cấu trúc ADN, sự phát triển của các khoa học sự sống…), y học (phát hiện penecillin, insulin, tổng hợp nhiều loại thuốc mới, chế tạo bộ tạo nhịp nhân tạo và các dụng cụ giả khác, phát triển các kĩ thuật cấy ghép tạng…) và các chuyên ngành khác, chúng tạo cơ sở lý luận và thực hành cho cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trong nửa cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Đó là một cuộc cách mạng mà chỉ trong chưa đầy một thế kỉ đã thúc đẩy xã hội loài người tiến bộ hơn 10.000 năm trước cộng lại.

3. Vai trò của khoa học trong một số hoạt động của con người:

Có thể nói khoa học, và những phát triển công nghệ kèm theo, có vai trò then chốt trong nền văn minh đương đại, được mệnh danh là văn minh tri thức. Để chứng minh cho nhận định đó, xin đưa ra ba minh họa điển hình. Đó là đóng góp của thuyết lượng tử trong nền kinh tế hiện đại; vai trò của toán học và vật lý đối với triết học, nhất là vấn đề nhận thức luận; và ý nghĩa quyết định của di truyền học trong nhân học phân tử.

3.1. Đóng góp của cơ học lượng tử trong kinh tế:

Trong tư cách một lý thuyết về thế giới vi mô (thế giới nguyên tử và hạ nguyên tử), cơ học lượng tử, với những quan niệm khó hình dung như tính bất định, nguyên lý chồng chất hay hiệu ứng chui ngầm…, thường được xem như một lãnh địa khó hiểu dành riêng cho giới chuyên môn và khó ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên các công nghệ dựa trên lý thuyết như công nghệ bán dẫn, công nghệ nano (công nghệ có độ chính xác đạt tới một phần tỉ mét)… đã làm thay đổi quan niệm đó. Hiện nay, các công nghệ này đóng góp một phần ba giá trị GDP của Mỹ, được xem là quốc gia có nền kinh tế hiện đại nhất hành tinh (năm 2007 đạt khoảng 14.000 tỉ USD). Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, một chuyên ngành khoa học lại có vai trò to lớn như thế trong các hoạt động kinh tế - xã hội của nhân loại, dù xét theo tỉ lệ hay theo tổng giá trị đóng góp.

3.2. Tác động của khoa học đối với nhận thức luận:

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của khoa học thế kỉ XX là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, khoa học đưa ra được các giới hạn của chính mình. Đó là định lý Godel; nguyên lý bất định Heisenberg; lý thuyết hỗn độn và tính phức tạp.

Định lý không đầy đủ Godel (1931):

Định lý về tính không đầy đủ, được nhà toán học và logic học người Áo Godel đưa ra năm 1931, ban đầu được ứng dụng cho số học. Dần dần nó được mở rộng cho các chuyên ngành toán học khác, cho logic học và cuối cùng cho nhận thức luận. Ở dạng đơn giản nhất, nó phát biểu rằng, trong một hệ hình thức dựa trên các tiên đề (các giả định tiên nghiệm), như toán học hiện hành, luôn tồn tại những bài toán mà ta không thể biết đúng hay sai nếu chỉ dựa trên các tiên đề đã cho. Nói cách khác, một hệ logic bất kì không thể tự hiểu bản thân, kiểu dao sắc không gọt được chuôi. Muốn hiểu hệ thống đó, cần một hệ thống với hệ tiên đề bao quát hơn; đến lượt mình hệ thống đó lại cần một hệ thống bao quát hơn nữa. Và quá trình cứ lặp lại mãi như thế.

Định lý Godel đặt ra những giới hạn nguyên lý đối với toán học và là cú sốc đối với cộng đồng khoa học, vì nó vất bỏ niềm tin tưởng rằng, toán học là một hệ thống chặt chẽ và đầy đủ chỉ dựa trên logic. Nói cách khác, không chỉ trong nghệ thuật, mà ngay cả trong toán học, trực giác cũng có vai trò không thể thay thế. Định lý không đầy đủ cũng chỉ ra rằng, bộ não không thể tự hiểu bản thân, vì não là cấu trúc vật chất phát triển nhất tự nhiên, nên không thể có một cấu trúc bao quát và phát triển hơn nó được.

Nguyên lý bất định Heisenberg (1927):

Là một trong những nhà khoa học xây dựng thuyết lượng tử, Heisenberg đưa ra nguyên lý bất định năm 1927. Theo đó, không thể đo đạc chính xác đồng thời hai đại lượng vật lý liên hợp đặc trưng cho các hạt cơ bản, như vị trí và tốc độ, năng lượng và thời gian… Vì thế nếu trong thế giới vĩ mô hàng ngày, có thể xác định hành trạng (quĩ đạo) của một vật thể vĩ mô (như hòn đá hay chiếc ô tô) khá dễ dàng, thì trong thế giới vi mô, không thể làm được điều tương tự cho một hạt cơ bản, vì đo chính xác đồng thời hai đại lượng vật lý là một việc bị cấm về mặt nguyên lý.

Nguyên lý bất định đặt ra giới hạn không thể vượt qua đối với việc nhận thức thế giới nhờ quan sát, tức thực chứng luận, một trong hai nền tảng lý luận quan trọng nhất của khoa học hiện đại, cùng nguyên lý tiết kiệm hay lưỡi dao Occam. Nó là phát súng ân huệ đối với quyết định luận Laplace và bác bỏ việc tiên đoán chính xác hành trạng tương lai của vũ trụ.

Lý thuyết hỗn độn và tính phức tạp:

Gần 40 năm nay, xuất hiện một lĩnh vực học thuật mới nằm giữa toán học và vật lý. Đó lá lý thuyết hỗn độn, cho rằng các hệ thống tất định, như hệ phương trình Newton, cũng có thể cho kết quả không tất định. Một thăng giáng rất nhỏ ở đầu vào có thể dẫn tới những thay đổi rất lớn ở đầu ra. Đó là hiệu ứng cánh bướm lừng danh (một cánh bướm đập tại Paris có thể gây bão tại Washington, do sự hỗn độn khuếch đại tác dụng nhỏ yếu ban đầu). Đó là lí do không thể dự báo thời tiết chính xác, dù ta đã biết mọi qui luật cơ học chất lưu.

Một lí do của hành vi phi tất định nói trên là tính phức tạp. Các các hệ thống thực trong tự nhiên phức tạp đến mức, số khả thể của chúng có thể vượt xa khả năng tính toán hay suy luận của một hệ logic bất kì. Có bao nhiêu bản nhạc 50 nốt trên 88 phím đàn piano? Câu trả lời là 8850, lớn hơn tổng số hạt cơ bản trong vũ trụ nhìn thấy! Vì thế Mozart mãi mãi bất tử với thời gian; cùng lúc giới nhạc sĩ không bao giờ lo thất nghiệp. Sẽ luôn luôn có bản nhạc chưa từng chơi, bức tranh chưa từng vẽ, bài thơ chưa từng viết hay bài ca chưa từng hát.

Những khám phá đó, cùng thuyết tương đối (xem không thời gian không phải là tuyệt đối), đa vũ trụ (xem vũ trụ của chúng ta chỉ là một bong bóng trong ngút ngàn các bong bóng khác, mỗi bong bóng có hệ qui luật riêng; và các bong bóng không thể nhận biết nhau) và một số lý thuyết khác, khiến chúng ta phải đối mặt với hai vấn để triết học căn bản nhất. Đó là bản thể luận và nhận thức luận. Bản chất của hiện thực là gì và chúng ta nhận thức nó như thế nào?

Khoa học hiện đại cho rằng, không thể biết hiện thực tối hậu của vũ trụ. Hiện thực chỉ là những khả thể (lời nhà thơ Lê Đạt). Và ta không thể nhận thức chúng hoặc bằng suy luận (định lý không đầy đủ Godel) hoặc bằng quan sát (nguyên lý bất định Heisenberg). Trực giác cũng không khá hơn, vì đối tượng cần khảo sát (toàn thể vũ trụ, bao gồm cả nhân loại cùng tri thức khoa học và thành tựu công nghệ) phức tạp hơn chủ thể trực giác (con người hay máy tính).

Vì thế nhiều học giả đang yêu cầu xem xét lại mục đích và ý nghĩa của khoa học. Thay vì tìm hiểu bản chất tối hậu của hiện thực như trước, nay khoa học chỉ có mục đích khiêm tốn là đưa ra các dự báo phù hợp với quan sát và mang ý nghĩa thực tiễn, một quan niệm đậm màu thực chứng và thực dụng (theo nghĩa tích cực của khái niệm). Và khoa học cần từ bỏ cuồng vọng khám phá và giải thích mọi bí ẩn của tự nhiên. Đó là một trong những lí do tồn tại vĩnh hằng của nghệ thuật hay tôn giáo, cũng như sự mê tín của con người.

3.3. Vai trò của di truyền học trong nhân học phân tử:

Khoảng 20 năm nay, di truyền học giúp xây dựng ngành nhân học phân tử, một phân ngành dùng các phân tích phân tử để khám phá nguồn gốc và tiến hóa của người, cũng như để phân loại và nghiên cứu tiến hóa của các động vật nhân hình.

Nhân học phân tử bắt nguồn từ phân tích protein, nay tập trung phân tích ADN. Cụ thể hơn, với việc phân tích sự thay đổi trong các cấu trúc đặc trưng của ADN, người ta có thể tìm thấy sự liên hệ di truyền giữa các cá thể hay các quần thể người, qua đó tìm được các bước tiến hóa theo thời gian và theo địa lý.

Những năm 1980, khoa học tập trung tìm hiểu các ADN trong ti thể, nhà máy tạo năng lượng của tế bào. Các ADN này được di truyền theo đường mẹ con. Và năm 1987, Cann, Stoneking và Wilson đưa ra một phát hiện chấn động dư luận trên tạp chí Nature: Toàn bộ nhân loại trên trái đất hiện nay là hậu duệ của người phụ nữ duy nhất sống tại Đông Phi khoảng 200.000 năm trước. Đó là nàng Eve ti thể, theo cách tôn vinh của giới truyền thông.

Cuối thế kỉ trước, các ADN nhiễm sắc thể Y bắt đầu được quan tâm. Đó là nhiễm sắc thể quyết định giới tính nam, do cha truyền cho con trai. Nghiên cứu của Spencer Wells, nhà di truyền và nhân học sinh năm 1969, đang lãnh đạo Đề án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ, hãng IBM và Quĩ gia đình Waitt, cho thấy, toàn thể nam giới trên hành tinh hiện nay là con cháu của người đàn ông duy nhất sống tại Đông Phi 60.000 năm trước, khoảng 10.000 năm trước cuộc di cư cuối cùng của người tinh khôn (Homo sapiens sapiens). Đó là chàng Adam nhiễm sắc thể Y, đối tác của nàng Eve ti thể sống từ hàng trăm ngàn năm trước.

Đó là sự thắng thế của thuyết Rời khỏi châu Phi (hay Thuyết nguồn gốc duy nhất mới; Thuyết thay thế; Thuyết nguồn gốc châu Phi mới) về nguồn gốc loài người, xem người hiện đại tiến hóa tại Đông Phi khoảng 160.000-200.000 năm trước. Và 50.000 trước, một nhóm nhỏ người tinh khôn (từ vài trăm tới vài ngàn) đã vượt biển Đỏ sang Trung Đông, khởi nguồn cho cuộc hành trình vĩ đại chiếm lĩnh hành tinh. Cuộc hành trình đó có thể vẽ lại với sai số chỉ 2-3 ngàn năm, nhờ các kĩ thuật phân tích của ngành nhân học phân tử. Cũng nhờ di truyền học, các nhà nhân học tại Viện nhân học tiến hóa Max Plank, Đức, đang phân tích ADN của hóa thạch xương tìm thấy tại Croatia của người Neanderthal, loại người hiện đại đã tuyệt chủng 28.000 năm trước, sau khi từng thống trị châu Âu hàng trăm ngàn năm. Qua đó có thể giúp trả lời câu hỏi, chúng ta tiến hóa hoàn toàn riêng biệt, hay có sự hòa huyết ít nhiều với người Neanderthal và một số loại người khác từng sống trên trái đất. Theo tạp chí Người Mỹ khoa học, số tháng 7-2008, câu trả lời có thể có trong vòng 12 tháng tới.

Cần nói thêm rằng, một nghiên cứu năm 1992 cho thấy, có thể người Việt có nguồn gốc từ người Mongoloid.

4. Kết luận:

Như những gì đã trình bày, khoa học và các nhà khoa học xứng đáng được đi vào giữa, để vị tướng bách thắng Napoleon bảo vệ, như bảo vệ lừa và ngựa, yếu tố sống còn của đội quân viễn chinh giữa sa mạc.

Vĩ thanh 1: Người Việt sinh ra người Hán?

Trên nhiều trang báo mạng và báo viết, tác giả Hà Văn Thùy đưa ra giả thuyết, người Việt chính là chủ nhân khai phá Trung Quốc 40.000 năm trước. Do đó, tiếng Việt là chủ thể của tiếng Hán, người Việt là chủ thể của nhiều thành tựu văn hóa vẫn được xem là của người Hán. Có thể thấy, đó chính là sự tiếp nối quan điểm của Kim Định và một vài tác giả khác, với một chiều kích lớn hơn rất nhiều. Một số nhà khoa học đã lên tiếng phản bác, nhưng đều bị Hà Văn Thùy át giọng bằng một số kiến thức nhân học phân tử.

Không khó để thấy sai lầm của tác giả, vì ông lập luận dựa trên cuốn Địa Đàng phương Đông (Eden in the East) của Stephen Oppenheimer, bác sĩ nhi khoa nhiệt đới người Anh; và diễn giải sai kết quả của Đề án đa dạng bộ gien người Trung Quốc, đăng trên tạp chí Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS năm 1998. Oppenheimer cho rằng con đường di cư phía Nam, men theo bờ biển Ấn Độ Dương tới vùng Sunda, tức vùng Đông Nam Á lúc chưa bị nước biển nhấn chìm như ngày nay, là con đường chủ yếu 70-80 ngàn năm trước. Từ đây người tinh khôn tỏa ra khắp thế giới; nên Đông Nam Á được Oppenheimer gọi là Địa Đàng phương Đông.

Nghiên cứu trong 10 năm qua, tính từ thời điểm công bố hai công trình mà Hà Văn Thùy dùng để lập thuyết, cho thấy, đó là quan điểm sai lầm về thời gian (50.000 năm trước mới có đợt di cư quyết định cuối cùng) và đường đi. Theo Wells và nhiều người khác, con đường phía Bắc, từ Yemen lên Trung Á (Bắc Apganistan) mới là đường di cư chủ yếu của người tiền cổ đại 50.000-40.000 năm trước. Cùng với các con đường từ Ả-Rập sang Bắc Phi và Nam Âu, từ đó họ tỏa ra khắp thế giới, gồm cả Đông Nam Á (40.000 năm trước), Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc (35.000 năm trước). Và 10.000 năm trước mới có cuộc di cư từ đây ngược lên phía bắc, tới tận bờ Hoàng Hải.

Vậy người Hán có nguồn gien chủ yếu từ đâu? Chủ yếu từ người Mongoloid phương Bắc (có nguồn gốc Altai thuộc Siberia; Trung Á; và Đông Nam Á, mà ban đầu cũng từ Trung Á), và từ người Mongoloid phương Nam (hậu duệ của người Mongoloid phương Bắc di cư xuống Tây Nam Trung Quốc, Tây Bắc Đông Nam Á. Người Việt có thể có nguồn gốc Mongoloid là vì vậy).

Vĩ thanh 2: Tại sao khoa học hiện đại không ra đời tại Trung Quốc?

Cho đến tận thế kỉ XIV-XV, văn minh nông nghiệp phương Đông không hề thua kém phương Tây. Thậm chí Trung Quốc thời nhà Minh đáng được xếp đầu thế giới về phát triển. Tiền giấy do Marco Polo mang từ Trung Quốc về từng gây kinh ngạc cả châu Âu thế kỉ XIII. Đầu thế kỉ XV, hạm đội Trịnh Hòa có thuyền vượt biển kích thước hàng trăm mét, với nhân lực gần 30.000 người, từng đi tới tận Nam Phi. Nếu đặt cạnh hạm đội kì vĩ đó, mấy con tàu bé tí mà Columbus dùng để thám hiểm thế giới nửa thế kỉ sau chỉ đáng làm trò cười. Tứ Đại Phát Minh (thuốc súng, giấy, nghề in và la bàn) càng tô điểm thêm cho sự vượt trội về công nghệ.

Cán cân so sánh ngả dần về Tây khi cuộc cách mạng khoa học khởi đầu vào thế kỉ XVI và đơm hoa kết trái vào thế kỉ XVII. Nó đặt cơ sở vật chất và tinh thần cho cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, mà động cơ hơi nước của James Watt chính là động lực công nghệ đầu tiên và quan trọng bậc nhất. Quá trình công nghiệp hóa tiếp theo dẫn tới những thay đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa tại Anh, châu Âu và Bắc Mĩ. Từ đó xuất hiện nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, với sức mạnh vật chất chưa từng có trong lịch sử loài người. Trên cơ sở đó, văn minh hậu công nghiệp nửa cuối thế kỉ XX và văn minh tri thức đầu thế kỉ XXI càng làm bức tranh thêm rõ nét. Nói cách khác, sự vượt trội của phương Tây bắt nguồn trực tiếp từ sự hình thành và phát triển của khoa học hiện đại cùng những thành tựu công nghệ kèm theo, cho dù khoa học sơ khai phương Đông, như tại Trung Quốc hay Ấn Độ, không hề thua kém phương Tây.

Quan niệm khoa học - công nghệ là yếu tố quyết định sự khác biệt từ thế kỉ XVI sẽ dẫn ngay tới câu hỏi, tại sao khoa học hiện đại không xuất hiện tại phương Đông, cho dù Tứ Đại Phát Minh từng gây kinh ngạc phương Tây và văn minh Trung Hoa có lúc đứng đầu thế giới? Đó là câu hỏi mà có lẽ không một nhà nghiên cứu riêng biệt nào có thể trả lời được. Để giải đáp, cần một cố gắng tổng hợp trên tất cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của nhiều nhà nghiên cứu.

Về tín ngưỡng và tôn giáo:

Một số nhà khoa học cho rằng, khoa học xuất hiện tại phương Tây vì tôn giáo phương Tây, cụ thể là Thiên chúa giáo, quan niệm Thượng Đế tạo ra thế giới và điều khiển nó bằng các qui luật. Như một hệ quả, các học giả châu Âu (thời Trung cổ thường là giới tu sĩ) cố gắng tìm hiểu các qui luật đó nhằm tôn vinh đấng sáng tạo. Và ngược đời thay, chính một số hoạt động như thế đã góp phần tạo cơ sở cho các phát kiến khoa học. Đó là lí do hầu như chỉ trong Thiên chúa giáo, tu sĩ mới có thể là nhà khoa học thực thụ, mà thánh Augustine (các quan niệm về thời gian từ thế kỉ V không hề lạc hậu so với kiến thức vật lí hiện đại) hay mục sư Lemaitre (có nhiều đóng góp trong thuyết Vụ nổ lớn về khởi nguyên vũ trụ trong thế kỉ XX) là những ví dụ điển hình.

Hầu như các tôn giáo phương Đông không có quan niệm về đấng sáng tạo tối cao như vậy, mà tập trung chủ yếu vào các hành vi cá nhân và quan hệ cộng đồng, tức tập trung vào các vấn đề xã hội. Khổng tử từng quan niệm, nên giữ thái độ kính nhi viễn chi (kính cẩn mà tránh ra xa) đối với thánh thần và ma quỉ, chỉ bàn chuyện người chứ không bàn chuyện quỉ thần. Nếu biết rằng thánh thần và ma quỉ chính là các thế lực quản lý vũ trụ, tức các qui luật điều khiển tự nhiên, có thể hiểu tại sao trên khía cạnh nhận thức luận, khoa học hiện đại khó xuất hiện tại phương Đông.

Về yếu tố địa chính trị:

Theo Jared Diamond, tác giả bộ ba tác phẩm nổi tiếng Loài tinh tinh thứ ba; Súng, vi trùng và thép; và Sụp đổ về bản chất con người, sự hình thành và sụp đổ của các nền văn minh, sự khác biệt trong địa lý giữa châu Âu và Trung Quốc dẫn tới cách tổ chức xã hội và các thể chế chính trị khác nhau. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành khoa học hiện đại và những phát triển công nghệ kèm theo.

Địa lý Trung Quốc không có sự khác biệt lớn giữa các vùng, tạo điều kiện cho sự ra đời các đế chế có tính tập quyền cao độ. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước vào năm 221 trước CN, nói chung Trung Quốc nằm dưới sự cai trị của một nhà nước phong kiến tập quyền cao độ, trừ một số giai đoạn phân chia không dài. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp dựa trên việc trị thủy hai con sông Trường Giang và Hoàng Hà càng tạo thuận lợi cho sự tập trung quyền lực.

Bản thân sự tập quyền là một trạng thái lưỡng nguyên: nó trở thành tích cực khi nhà cầm quyền có chính sách tốt (như chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình); và là yếu tố tiêu cực khi các quyết sách từ thượng tầng không phù hợp với cuộc sống (như Cách mạng văn hóa). Đầu thế kỉ XV, nó là yếu tố cản trở sự phát triển công nghệ tại Trung Quốc, mà minh chứng là cuộc đấu tranh nội bộ trong giới cầm quyền đã chấm dứt sự hoạt động của hạm đội từng đứng đầu thế giới, nhất là sau cái chết của Trịnh Hòa năm 1433.

Trong khi đó tại châu Âu, sự khác biệt rõ rệt về địa lý giữa các vùng không cho phép hình thành các nhà nước phong kiến tập quyền. Thời Phục Hưng, bên cạnh một số nước lớn là hàng loạt tiểu quốc, một số tồn tại cho tới tận ngày nay. Đồng thời nền nông nghiệp dựa trên mưa tự nhiên, chứ không dựa trên hệ thống thủy lợi như Trung Quốc, càng khiến các đế chế tập quyền thiếu cơ sở để hình thành. Các quốc gia này hợp tác và cạnh tranh nhau, giúp tư tưởng khoa học và phát minh công nghệ có điều kiện sinh sôi nảy nở. Nếu bị hạn chế nơi này thì chúng có thể phát triển nơi khác, điều không thể có trong một thể chế chính trị tập quyền. Nói cách khác, sự phân tán có mức độ về chính trị là yếu tố tích cực đối với khoa học hiện đại buổi sơ khai. Chẳng hạn Columbus là người Ý nhưng nguyện trung thành với công tước Anjou của Pháp, sau đó với vua Bồ Đào Nha. Khi vua Bồ Đào Nha từ chối cấp tàu thám hiểm thế giới, ông lần lượt đề nghị công tước Medina-Sedonia, bá tước Medina-Celi, trước khi được vua và hoàng hậu Tây Ban Nha đồng ý. Nếu châu Âu là một đế chế tập quyền dưới sự cai trị của ba vị vua chúa đầu tiên, hẳn cuộc chinh phục Tân Thế giới đã chết từ trong trứng.

Vậy thể chế càng phi tập quyền thì càng tốt? Không phải như vậy, và Ấn Độ là trường hợp ngược với Trung Quốc. Ấn Độ bị phân chia về chính trị và đẳng cấp xã hội đến mức, nó không thể tập trung được sức mạnh vật chất và tinh thần đủ mạnh cho một thay đổi lớn như hình thành và phát triển khoa học hiện đại. Nói cách khác, ngược với sự tập quyền cao độ tại Trung Quốc hay sự phân mảnh thái quá tại Ấn Độ, chính sự phân tán về chính trị ở mức độ vừa đủ tại châu Âu là một trong những điều kiện thuận lợi để khoa học hiện đại hình thành và phát triển. Đó là lí do Diamond đưa ra nguyên lý phân mảnh tối ưu để giải thích sự khác biệt giữa châu Âu và Trung Quốc hay Ấn Độ.

Về mối liên hệ giữa thể chế chính trị và sự phát triển tư tưởng:

Một số học giả không coi trọng các yếu tố địa chính trị như trên. Họ cho rằng các yếu tố văn hóa có vai trò quyết định hơn. Chẳng hạn xã hội nông nghiệp không coi trọng sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành (yếu tố sống còn của khoa học) hay Khổng giáo không khuyến khích sự tìm tòi chân lý khách quan và khám phá tự nhiên. Vậy tại sao các xã hội nông nghiệp châu Âu tạo được những người như Leonardo de Vinci, là người kết hợp nhuần nhị tư tưởng khoa học với truyền thống thủ công đậm chất thực hành? Và tại sao xã hội Trung Hoa lại chọn Nho, Đạo và Phật giáo làm nền tảng triết lý? Câu trả lời có thể lại quay về vấn đề tập trung hay phân tán về chính trị đã nói ở trên.

Trung Quốc từng trải qua giai đoạn phân mảnh mạnh về chính trị, đó là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Không bàn đến các lĩnh vực khác, đó thực sự là thời hoàng kim của sự phát triển tư tưởng, thời Bách gia chư tử, khi mọi hệ thống lý luận và thực hành đều có thể hình thành và phát triển. Tuy nhiên sau khi Trung Quốc thống nhất với một chế độ phong kiến tập quyền mạnh mẽ (xu hướng thường thấy sau các giai đoạn chia cắt), sự tự do tư tưởng cũng chấm dứt. Nhà nước tập quyền cần một hệ tư tưởng thống nhất. Mọi hệ tư tưởng khác khó lòng phát triển, nhất là khi hành động đốt sách, chôn học trò của Tần Thủy Hoàng luôn là tấm gương treo trước giới học giả. Chế độ tập quyền có nhiều ưu thế trong việc phát triển xã hội theo mô hình có sẵn, dưới ánh sáng một hệ tư tưởng chính thống đã được chọn. Nhưng nó không thích hợp cho sự thay đổi hệ tư tưởng và mô hình tổ chức xã hội. Đó là lí do tại đất nước vĩ đại này không xuất hiện sự thay đổi khuôn mẫu tư tưởng, điều kiện cần thiết cho các cuộc cách mạng. Vì thế cuộc cách mạng khoa học và do đó cuộc cách mạng công nghiệp không thể xuất hiện tại đây.

Tại châu Âu, cũng xảy ra các sự kiện như thiêu sống Bruno hay xử án Galileo, nhưng do sự phân mảnh vừa đủ về chính trị, các tư tưởng đối nghịch với chính thống vẫn được gieo mầm và phát triển, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của khoa học và quá trình chuyển đổi từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp, dẫn tới sự vượt trội của phương Tây.

Cũng cần thấy rằng, bên cạnh nhiều ưu điểm, các hệ thống triết lý nền tảng của chế độ phong kiến tập quyền Trung Hoa đều không thuận lợi cho sự phát triển khoa học. Một người theo tư tưởng vô vi và hòa nhập với thiên nhiên của Lão tử khó lòng mổ xẻ thú vật để khảo sát cấu trúc giải phẫu của chúng như một nhà tự nhiên học phương Tây. Các nhà Nho luôn tâm niệm lời dạy của Khổng tử nhiều khả năng sẽ lảng tránh trách nhiệm tìm hiểu tự nhiên và vũ trụ. Trong một môi trường xã hội và học thuật như thế, làm sao khoa học như ta hiểu ngày nay có thể hình thành và phát triển?

Về hệ thống giáo dục và ngôn ngữ giao tiếp:

Một vấn đề cần lưu tâm nữa là hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục Nho giáo có ưu điểm lớn trong việc lựa chọn nhân tài, khi bất cứ ai cũng có thể tham gia điều hành đất nước, miễn là vượt qua các vòng thi cử. Đó là điều mà phong kiến phương Tây không theo kịp. Vậy tại sao một hệ thống lựa chọn nhân tài tốt hơn lại thất bại trong cuộc cạnh tranh Đông Tây? Câu trả lời có lẽ nằm ở nội dung, cách thức và truyền thống giáo dục. Cách giáo dục từ chương, nội dung giáo dục lạc hậu (ngũ kinh, tứ thư, âm dương ngũ hành… có thể thích hợp với xã hội nông nghiệp sơ khai thời Xuân Thu Chiến Quốc, chứ không thể phù hợp với nền văn minh nông nghiệp đỉnh cao thế giới thế kỉ XV) phần nhiều tạo ra những con người xơ cứng về tư tưởng, rập khuôn trong hành động. Những qui định ngặt nghèo trong thi cử, như phạm húy có thể bị tù tội, càng làm thui chột các mầm mống tư tưởng phi chính thống, điều kiện cần thiết cho sự thay đổi. Đó là lí do các nhà Nho thời Tự Đức nước ta từng xem khoa học của người Tây Dương chỉ là trò dâm xảo, vì tìm mãi mà chẳng thấy âm dương ngũ hành đâu! Truyền thống tôn sư trọng đạo, nửa chữ cũng là thầy, bên cạnh mặt tích cực về đạo lý, không cho phép thế hệ sau phủ định biện chứng thế hệ trước, nên cũng góp phần triệt tiêu sự tiến bộ. Mà như đã biết, khoa học chính là một hệ thống mở chỉ tồn tại nhờ sự phủ định.

Ngôn ngữ giao tiếp cũng góp một phần, tuy nhỏ, vào sự mất tự do. Cách xưng hô bình đẳng trong các ngôn ngữ phương Tây chắc chắn tạo thuận lợi cho sự tự do tư tưởng hơn cách phân chia thứ bậc ngặt nghèo trong ngôn ngữ phương Đông, như tiếng Trung hay tiếng Việt. Còn tại sao ngôn ngữ giao tiếp phương Tây bình đẳng hơn thì chỉ các nhà ngôn ngữ học mới có thể trả lời.

Tất cả những vấn đề kể trên, cùng một số vấn đề khác mà tác giả bài viết này chưa biết, đã kết thành nguyên nhân khiến các xã hội phương Đông nằm trầm mặc mà kiêu hãnh cả ngàn năm trong sự bất biến. Chỉ đến khi va chạm mãnh liệt với sức mạnh khoa học công nghệ của văn minh công nghiệp phương Tây, phương Đông mới bắt đầu tỉnh giấc, khởi đầu từ thời Minh Trị tại Nhật Bản. Và nay, các quốc gia phương Đông đang theo gương Nhật Bản trước kia, Trung Quốc ngày nay trong việc tìm kiếm cách thức riêng để canh tân đất nước trong thời buổi toàn cầu hóa, với tất cả những thời cơ và thách thức, lợi ích và hiểm họa. Hy vọng các bài học quá khứ có thể giúp phương Đông thành công.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, nguyên lý hài hòa âm dương phương Đông có thể giúp cả Đông và Tây phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để cùng nhau phát triển, góp phần xây dựng một thế giới giầu mạnh và yên bình hơn.


Tài liệu tham khảo

1. Science, Wikipedia, the free encyclopedia, http://en.wikipedia.org
2. History of science, Wikipedia, the free encyclopedia, http://en.wikipedia.org
3. Science, The Columbia Encyclopedia, Sixth Edition, http://www.bartleby.com
4. Barrow JD, Davies PCW, Harper CL (2004), Science and Ultimate Reality, MIT Press
5. Popper K (1959), The Logic of Scientific Discovery, Basic Books
6. Kuhn T (1970), The Structure of Scientific Revolution, Chicago Univ. Press
7. Đỗ Kiên Cường (2003a), Tại sao phương Đông đi trước về sau?, trong: Khoa học và tâm linh, NXB Trẻ, TPHCM, trang 51-59
8. Đỗ Kiên Cường (2003b), Giới hạn của nhận thức, trong: Khoa học và tâm linh, NXB Trẻ, TPHCM, trang 180-186
9. Cann RL, Stoneking M, Wilson AC (1987), Mitochondrial DNA and human evolution, Nature, 325: 31-36
10. Ballinger SW, Schurr TG, Torroni A, et al (1992), Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations, Genetics, 130: 139-152
11. Hà Văn Thùy (2008), Rời khỏi Địa Đàng hay hành trình chiếm lĩnh Trái đất, Văn Nghệ, ngày 19-4-2008
12. Oppenheimer S (1998), Eden in the East: The Downed Continent of Southeast Asia, Orion Publishing
13. Chu JY, Huang W, Kuang SQ, et al (1998), Genetic ralationship of populations in China, PNAS, vol 85, 11763-11768, 29 September 1998
14. Wells S (2006), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic
15. Relethford JH (2008), Genetic evidence and the modern human origins debate, Nature Heredity, 100: 555-563
16. Stix G (2008), Traces of a distant past, Scientific American, July 2008, pp 38-45

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao phương Đông đi trước về sau?

    05/05/2017Đỗ Kiên CườngTrong Sự thức tỉnh vĩ đại, Ngô Tự Lập cho rằng văn minh xuất hiện là do sự thức tỉnh của con người về quyền tư hữu. Ngô Tự Lập cũng mở rộng vấn đề, khi xem phương Đông tuy thức tỉnh trước, nhưng không triệt để vì vẫn duy trì chế độ công hữu về ruộng đất đến tận thế kỷ XIX. Và đó là lý do văn minh phương Đông đi trước về sau. Còn phương Tây, tuy thức tỉnh muộn nhưng tư hữu triệt để hơn, nên đã vượt xa phương Đông.
  • Khoa học phức hợp – khoa học của thế kỷ 21

    22/04/2016CC biên dịch“Tôi tin chắc rằng những quốc gia thiện dụng khoa học phức hợp sẽ trở thành những siêu cường về kinh tế, văn hóa và chính trị trong thế kỷ 21” . Phát biểu trên của Heinz R. Pagels tác giả cuốn sách – Mơ ước của lý trí: Máy tính và sự phát nguyên của khoa học phức hợp là một lời kêu gọi các nhà khoa học, công nghệ và các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu và triển khai khoa học phức hợp...
  • Khoa học thế kỷ XXI: Vượt ra ngoài quy giản luận

    16/03/2015Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba này sẽ là như thế nào?
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Bàn thêm về cấu trúc của tri thức khoa học

    08/05/2007Trần Hồng LưuHầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận tri thức khoa học bao gồm trithức: kinh nghiệm và tri thứclý luận.Trong đó tri thức kinh nghiệmlà trình độ thấp,còn tri thức lý luậnlà trình độ caocủa tri thức khoa học.
  • Về luận điểm “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”

    10/10/2006Lê Huy ThựcTừ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, trong giới triết học và lý luận chính trị - xã hội ở Liên Xô đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, khoa học đang biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, cũng dã có khá nhiều cán bộ nghiên cứu, giảng dạy triết học nói riêng, lý luận chính trị nói chung, hoặc là tán thành, tiếp thu, hoặc là có ý kiến không tán thành các ý kiến trên...
  • Khuôn mẫu mới của khoa học đang xuất hiện

    29/04/2006Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện một cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng đó sẽ như thế nào? Phải chăng trước hết nó cũng sẽ là một cuộc cách mạng về vật lý học với sự phá vỡ khuôn mẫu hiện đang tồn tại, hay nó sẽ là một cuộc cách mạng trong sinh học với sự khám phá ra nguồn gốc của sự sống và còn hơn thế, nguồn gốc của ý thức, một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận các vấn đề về tự nhiên và xã hội và do đó, sự hình thành một cái nhìn mới về thế giới, cách tiếp cận đang thống trị đã tỏ ra có những giới hạn?
  • Cách mạng khoa học – công nghệ và nền kinh tế tri thức

    15/03/2006TS. Lê Thị Kim ChiMọi nền kinh tế đều có các lĩnh vực sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Các lĩnh vực đó hợp thành một hệ thống thống nhất, có sự tác động qua lại, trong đó lĩnh vực sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, đánh giá trình độ phát triển của một nền kinh tế, trước hết phải căn cứ vào trình độ phát triển của lĩnh vực sản xuất, trong đó yếu tố có tính cách mạng nhất là công cụ sản xuất...
  • Các giới hạn của khoa học

    13/11/2005Trịnh Nguyên Huân (dịch)Wigner đã xuất phát từ sự tăng trưởng của khoa học để đi đến các giới hạn tự nhiên của khoa học mà nói cho đúng là khoa học “của chúng ta”. Các giới hạn đó, theo cách hiểu ấy về khoa học nằm trong trí tuệ của con người, trong khả năng ham thích và ham học của con người, trong ký ức và các phương tiện dùng cho sự giao lưu của con người, tất cả có liên quan đến một quãng đời nhất định của con người. Khoa học đó không thể tăng trưởng theo kiểu dịch chuyển một cách vô hạn với ngành mới sâu sắc hơn ngành cũ hay ít nhất cũng bao hàm ngành cũ, mà phải là một kiểu khác – sự dịch chuyển kiểu hai, kiểu dịch chuyển này có nghĩa là chúng ta không thể đạt đến sự hiểu biết đầy đủ cho dù là về thế giới vô tri vô giác.
  • Khoa học hoá cách suy nghĩ, làm việc, học tập

    13/07/2005Tác giả Đào Văn TiếnCuốn sách do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 1982 với lời tựa của tác giả: "Tặng các bạn thanh niên, niềm hy vọng của đất nước". Mở đầu là lời nói của Vladimia Cuocganop: ".... Nếu thanh niên không quan tâm tới khoa học, xã hội sẽ nhanh chóng suy thoái về văn hóa và vật chất..."
  • Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học

    05/07/2005Nguyễn Quang A dịchTiểu luận này là báo cáo được xuất bản đầy đủ đầu tiên về một công trình khởi đầu được hình dung ra gần mười lăm năm trước. Khi đó tôi là một nghiên cứu sinh về vật lí lí thuyết sắp hoàn thành luận văn của mình. Một sự dính líu may mắn với một cua thử nghiệm dạy khoa học vật lí cho người không nghiên cứu khoa học đã lần đầu tiên đưa tôi đến với lịch sử khoa học. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, rằng việc tiếp xúc với lí thuyết và thực hành khoa học lỗi thời đã làm xói mòn triệt để một số quan niệm cơ bản của tôi về bản chất của khoa học và các lí do cho thành công đặc biệt của nó.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác