Giáo dục mầm non – gốc người bền vững
Chuyện xưa
30 năm trước trẻ em nông thôn có gì? Một lớp học mầm non của xóm sơ sài với vài cái bàn, cái ghế đặt tạm trong một góc chùa với một cô giáo tất tả vừa kịp vén ống quần xuống sau khi từ chợ bán rau về hay từ bờ ruộng lội lên đứng lớp. Nhưng điều đó có làm ảnh hưởng đến chất lượng tuổi thơ của chúng không? Có làm nghèo nàn tâm hồn của chúng không? Xin thưa là hoàn toàn không. Bởi bao la hơn nhiều cái lớp học bé tí teo, chúng có gần như trọn vẹn một ngày 24h để sống tự nhiên và với thiên nhiên của hoa lá ruộng đồng, dù là để đi chăn trâu, dù là để chơi đố lá; để sống cùng nhau và sáng tạo ra vô vàn trò chơi của con trẻ từ mờ sáng tới tối khuya. Sự tự nhiên của đời sống giữa thiên nhiên phong phú này mang phần nhiều tính hoang dã trong tự nhiên hoang dã của Rousseau (có điều thiếu vắng một ông thầy uyên thâm làm bạn), chúng có được một cách tình cờ hay do sự vô ý của một xã hội nghèo đói, nơi người lớn bận rộn lo kiếm đủ cơm ăn và bỏ quên những đứa trẻ cho ruộng đồng, nắng gió (chưa bị làm cho ô nhiễm cả môi trường lẫn văn hóa) - lại chính là điều may mắn cho những đứa trẻ con nhà nghèo.
Chuyện nay
Những đứa trẻ nông thôn được học trường làng với cô giáo làng, cũng từ sáng tới chiều, nhưng chất lượng giáo dục mầm non ở nông thôn xin bàn tiếp vào một kì khác. Chúng không còn thời gian để khám phá ruộng đồng của chúng, và nếu lỡ có thời gian vì không được đến lớp thì không gian của chúng cũng đâu còn xanh sạch về mọi nghĩa để bố mẹ quê bỏ mặc con tự lớn giữa cỏ cây nơi chúng được sinh ra?
Những đứa trẻ thành phố có gì? Những trường mầm non công lập với trung bình 60 trẻ/lớp. Chưa bàn vội đến chất lượng giáo viên hay cơ sở vật chất, ai đã từng đi dạy trẻ con sẽ thấu hiểu, cô giáo biết làm gì với 60 trẻ trong một lớp học với vài món đồ chơi không đủ hấp dẫn chúng quá ba ngày, với chương trình học vài ba bài thơ bài hát mà chúng chỉ ngồi im vì sợ cô (hoặc ngoan hơn vì muốn được cô khen) chứ đâu hào hứng gì? Những trường mầm non tư thục giải quyết được vấn đề sĩ số, giảm từ 60 xuống 30 có lẽ cũng mới chỉ làm tăng lên được chất lượng chăm sóc sức khỏe các cháu nhiều hơn là chất lượng môi trường giáo dục, hiểu theo nghĩa của Montessori, là một môi trường tự nhiên đầy ắp tính văn hóa được người thầy chuẩn bị cho trẻ tự trải nghiệm và tự tìm ra kiến thức, tự làm bừng nở con – người – tương – lai của mình.
Lạm bàn
Chúng ta hô hào đổi mới giáo dục, chúng ta phản đối dự án hàng nghìn tỷ đô để viết lại sách giáo khoa các cấp đồng thời hoang mang không biết sự phản đối của chúng ta có làm thẳng được con đường “cong mềm mại”? Tôi đã lặng nghe thấy những tiếng thở hắt: chúng ta không thể sống với nhau tử tế được sao? Chúng ta không thể sống tử tế với con cháu chúng ta được sao? Lại chẳng lẽ một điều hiển nhiên như chuyện chi tiêu ngân sách giáo dục sao cho hiệu quả lại phải kêu gọi đến lương tâm của những người được cái may mắn cầm tiền của người khác để tiêu?
Câu chuyện cải cách giáo dục và viết lại sách giáo khoa có liên quan gì đến giáo dục mầm non?
Từ sau khi thế giới công nhận học thuyết về phân tâm học Freud, mọi nhà tâm lý giáo dục đều hiểu rằng giai đoạn từ 0 đến 6 (hoặc kéo dài đến 8) là giai đoạn tạo nên cái ngã – cái gốc người bền vững không thay đổi theo thời gian, hay nói cách khác là giai đoạn mọi trải nghiệm cá nhân sẽ để lại dấu ấn trong tiềm thức. Trong bộ ba: siêu ý thức, ý thức và tiềm thức thì tiềm thức là cái chúng ta khó lòng mà thay đổi, hay tác động tới được khi chúng đã hình thành. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tác động đến quá trình hình thành nên nó, chính là giai đoạn ấu thơ.
Vậy tại sao chúng ta lại sẵn lòng bỏ rất nhiều tâm trí, công sức, tiền của để nắn dòng ở trung lưu và hạ lưu mà bỏ quên những nhánh rẽ đầu tiên trên thượng nguồn?
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi tin rằng tính nhân văn, chất người của mỗi cá nhân được định hình trong giai đoạn ấu thơ này một cách sâu sắc nhất, chứ không phải đợi đến hết cấp tiểu học hay trung học mà chúng ta luôn rao giảng phải dạy trẻ làm người. Nói vậy không có nghĩa tôi phản đối dạy trẻ những giá trị sống ở bậc phổ thông, mà là tôi mong muốn chúng ta nếu có thể hãy đi sâu hơn thế, xa hơn thế, về với sự thánh thiện của con trẻ, để đừng làm cho những gì thánh thiện nhất bị mất đi rồi lại ra sức dạy dỗ lại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn