Trẻ em đã được nuôi dưỡng như thế nào?

09:14 SA @ Thứ Ba - 17 Tháng Sáu, 2008

Trẻ em chúng ta ngày nay được nuôi dạy về vật chất và tinh thần đầy đủ tiện nghi hơn lớp trẻ ngày xưa rất nhiều. Chúng ăn uống có nhiều dinh dưỡng và ngày ngày tiếp thu những chương trình giảng dạy cách tân nơi nhà trường, tiếp cận những phương tiện giải trí hiện đại mà trẻ em ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy.
Tuy nhiên, hãy nhìn kỹ mà xem, ngoài những em có "tâm hồn khoẻ mạnh trong một thân thể cường tráng" thì về thể chất không hiểu một số gia đình nuôi nấng theo chế độ ra sao mà học sinh ở cấp một, cấp hai thuộc hệ phổ thông thường có hiện tượng mập phì. Một em học sinh lớp năm có 1,3m mà đã nặng 50kg hoặc có thể hơn, ăn uống gấp đôi, gấp ba trẻ bình thường, có những đứa mặt mày tướng tá trông như những Sumô thứ thiệt, đi đứng di chuyển nặng nề, lại thêm bị bạn bè chế giễu, chòng ghẹo khiến cho trẻ khó khăn trong sinh hoạt và đầy mặc cảm.

Tiếp theo là hiện tượng cận và loạn thị mắt. Một học sinh lớp Ba có đôi mắt rất đẹp mà một bên loạn thị, một bên cận 3,5 độ. Dạy một nhóm học sinh 5 em đã có 3 em cận. Trẻ em bị hư mắt trong trường học chiếm tỷ lệ cao. Cách cầm cây viết, ngồi vào bàn viết cũng chưa đúng tầm, đúng kiều, đầu ngoẹo qua bên hoặc chạm cạnh bàn, lưng cong, tay chân động cựa liên tục.

Ta thử quan sát quy trình một kẻ học cuối tiểu học mà xem.

Từ sáng sớm, (khoảng 6 giờ 15 sáng) một cô bé mỏng manh đai trên lưng cái cặp to tướng, cỡ cặp của sinh viên, nặng từ 5 đến 10 kg vội vã đi vào trường. Đặt cặp và hộp bánh bên cạnh, em ngồi rũ trên chiếc ghế đá một lúc nữa cho thật tỉnh ngủ rồi mở hộp bắp xào bơ với con ruốc ra ăn (loại hàng rong bán dạo trên đường rất mất vệ sinh), vừa ăn vừa mở tập truyện tranh ra xem. Những "ứ! á! ối ? Hự? Ha... ha ... " liên tục trên các trang tranh khiến cho cô bé nhăn mặt, nhíu mày đầy thích thú. Trong lớp học, tranh thủ lúc cô đang giảng bài hay giờ ra chơi, cô bé say sưa với những tập truyện tranh mang nội dung bạo lực, ma quái, tình dục bệnh hoạn.

Tan học, ông cha hoặc bà mẹ đã chờ sẵn bên ngoài, ngồi sau lưng họ cô bé tranh thủ đọc tiếp những truyện tranh còn dở dang. Sau bữa cơm trưa, cô ngồi vào máy tính mở màn hình giải trí giây lát trước khi đi nghỉ trưa. Những trò đuổi bắt, bắn nhau máu chảy lênh láng, chém giết đứt đầu, rụng tai, những thủ thuật giết người tinh vi đầy dã man, những cuộc đua xe chóng mặt, quay cuồng...

Buổi chiều là những giờ học thêm đang chạy "xô" như ca sĩ, toán, văn, ngoại ngữ, vi tính, học đàn ... Có em đi bán trú cả ngày rồi nhưng không hiểu sao vừa mới tan trường lúc 17 giờ thì 17 giờ 30 phải quay trở lại trường đó học phụ đạo thêm môn toán hoặc môn văn còn yếu. Coi như từ sáng sớm đến chiều tối, nhà trường và phụ huynh sắp xếp sao cho kín rin để trẻ được ăn học "đến nơi, đến chốn".

Kết quả là bệnh trầm cảm, bệnh ù lì, bệnh suy nhược thần kinh, bệnh béo phì, bệnh mắt và nhiều thứ bệnh khác và thể chất không kể ra hết được. Về tinh thần thì có bệnh gian dối, rập khuôn trong học hành (ở một số trường, số lớp học sinh học môn văn chỉ cần chép bài mẫu sẵn khi vào thi, trúng bài nào thì đưa ra bài đó. Các môn khác cần trực quan để minh hoạ thì lại dạy chay - chắc đây là chuyện muôn đời - như môn sử, địa lý, sinh vật... ), bệnh coi thường thầy cô, ngang bướng hoặc lạnh nhạt với cha mẹ, họ hàng, gọi chung là bệnh vô cảm.

Nghĩ mà thương cho trẻ em bây giờ. Chúng bị áp đặt vì chương trình học quá nặng nề và thay đổi liên tục, giờ học ken khít cho những giờ học thêm, sách báo, phim ảnh để giải trí lành mạnh còn thiếu và yếu, thiếu những khoảng thiên nhiên thoáng đãng để chúng nô đùa, mơ mộng. Không có điều kiện để thường xuyên lui tới thăm nom ông bà, họ hàng, không có thời gian để tâm sự, chuyện trò với cha mẹ, thầy cô. Việc học hành, vui chơi của trẻ theo chiều hướng trên đã cuốn hút hết tâm trí của chúng.

Trái lại, còn một loại trẻ khác không được chăm chút, học hành là loại lang thang, cơ nhỡ. Chúng làm đủ mọi nghề, kể cả tham gia vào việc bán chất gây nghiện chết người. Đội quân này càng ngày càng đông, trở nên già dặn lão luyện trong việc mua bán, ăn xin, trộm cướp. Các em làm cho cảnh quan đô thị trở lên u ám, làm nhức nhối lương tâm cho toàn xã hội.

Vẫn có những học sinh vượt lên trên mọi "hoàn cảnh" để trở thành học sinh xuất sắc, hay học sinh giỏi cấp quốc gia nhưng số này chưa nhiều mà tình trạng "đại trà" thì như đã nêu trên.

Chúng ta tự hỏi, trẻ em của một đất nước đã từng được thế giới tôn vinh là dân tộc anh hùng, giờ đây vì nền kinh tế thị trường, vì muốn dạy theo cho kịp trào lưu "văn minh thế giới" hay vì có lí do nào nữa mà cam đành đào tạo những lớp người tương lai cho đất nước như vậy chăng?

Trẻ được học hành, vui chơi đúng cách, đủ giờ, được ăn uống đúng lượng và đủ vệ sinh, được thanh thản lớn lên có một ngoại hình đẹp, một tri thức uyên bác và trái tim biết ghét, yêu, giận, hờn của một con người chân chính là ước mơ của toàn xã hội mà mỗi người chúng ta cần "vắt óc, moi tim" hơn nữa.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sửa lại từ tiểu học

    07/12/2005Gs. Ts Lê Ngọc TràDư luận xã hội hiện nay đang nói nhiều về nhu cầu có một sự cải cách về giáo dục. Nhu cầu có là có thực. Nền giáo dục của chúng ta đã đi qua một chặng đường dài. Trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, nó đã làm được rất nhiều việc. Nhưng giờ đây đất nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, tất yếu giáo dục phải cải cách, phải thay đổi.
  • “Chỉ thị” giảm tải 15% chương trình tiểu học… chỉ là hình thức!

    10/11/2005Năm học này Bộ GD - ĐT chỉ “giảm tải 15% chương trình tiểu học”. Đến nay đã qua nửa học kỳ I của năm học mới, những chủ trương trên vẫn “chưa đi vào cuộc sống” vì dù chương trình đã được “ấn định” nhưng không biết sẽ được “cắt giảm” như thế nào?
  • Trẻ em nói về học tập: ''Chúng con mệt lắm rồi!''

    04/11/2003Vừa qua, tại diễn đàn dành cho trẻ em do Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em quận 4 tổ chức, các em đã lên tiếng về những bức xúc của mình xung quanh vấn đề học tập. Xin hãy lắng nghe và suy nghĩ.
  • Môi trường học tập làm tăng chất lượng giáo dục tiểu học?

    25/08/2003Nguyệt MinhĐược xây dựng với mục tiêu tăng cường sự đối thoại giữa trẻ em với người lớn, gắn kết mối quan hệ giữa học sinh, giáo viên, nhà trường và chính quyền địa phương , mô hinh “Môi trường học tập bạn hữu” do Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển khởi xướng đã chứng minh tính ưu việt của một mô hình giáo dục mới theo chủ trương cải cách giáo dục của Bộ GD&ĐT, sau thời gian thực hiện thí điểm tại 6 trường tiểu học TP.HCM...
  • Giờ học của trường tiểu học và mẫu giáo chưa hợp lý

    07/08/2003Quy định về giờ học của các trường tiểu học và mẫu giáo hiện nay làm chúng tôi rất khó khăn trong việc đưa đón các cháu...