Giáo dục Mỹ với những trẻ em có tài
Trong những năm gần đây, một lý thuyết hay được nhắc đến và bàn cãi, là lý thuyết “Thế giới phẳng”, mà người khởi xướng là một cây bút nổi tiếng của The New York Times, Thomas L. Friedman. Ông này là một chuyên gia lớn về Trung Đông, thế nhưng ông vẫn luôn cho rằng, dù cuộc chiến bất tận với bọn khủng bố có nặng nề đến mấy, thì mối e ngại thực sự cho nước Mỹ vẫn không phải là những người Hồi giáo rậm râu, mà là “những thanh thiếu niên chưa có một cọng râu” từ các nước thuộc thế giới thứ ba.
Về “sự đe dọa” này, Friedman luôn sẵn sàng nói với tất cả những ai sẵn lòng nghe.
Giáo dục là cuộc tranh đua vươn lên
Thomas L. Friedman nhận xét: “Kể từ khi cuộc cách mạng thông tin làm cho tri thức nằm trong tầm tay của bất kỳ người nào truy cập Internet, thì không những luật chơi trên đấu trường kinh tế toàn cầu đã thay đổi, mà chính hành tinh của chúng ta cũng đã đổi thay. Trái Đất một lần nữa trở thành mặt phẳng, bởi vì tất cả bây giờ đều ở vị thế ngang nhau. Và điều đó có nghĩa là, trong cuộc tranh đấu không thương xót vì tương lai của chúng ta, người thắng sẽ là người học tốt, chứ không phải là kẻ may mắn sinh ra trong một đất nước giàu có.
Chìa khóa của thành công đang cất giữ ở các trường học. Trong khi đó, như Bill Gates đã nói, nền giáo dục “già cỗi một cách tuyệt vọng” của nước Mỹ đang lâm vào khủng hoảng. Nếu trong bậc tiểu học, trẻ em Mỹ vượt những người đồng trang lứa của mình ở châu Á, thì đến những lớp cuối phổ thông trung học, học sinh Mỹ lại thua. Tức là các trẻ em của chúng ta càng học càng dốt đi...”
Với những tiên đoán đầy xúc cảm, Friedman hướng tới các bậc phụ huynh, ông cố đánh thức nước Mỹ đang say giấc mơ tự mãn. “Xin hãy thức dậy đi! Hãy tắt ti-vi, và buộc con mình học tập. Hồi nhỏ, cha mẹ thường nhắc đi nhắc lại với tôi bài đạo đức rằng: “Con cần ăn cho hết, thật tội lỗi nếu bỏ mứa đồ ăn, trong khi ở Trung Quốc mọi người đang bị đói”. Còn hôm nay, tôi nói với con mình :”Con cần làm hết bài tập để sau có thể ra đời làm việc, ở Trung Quốc người ta nóng lòng mong giành lấy công việc ấy của con đấy!”
Thống kê hoàn toàn khách quan cho thấy rằng, các học sinh phổ thông Mỹ hiểu biết kém về những môn khoa học chính xác, nếu so với những em bé cùng lứa tuổi ở nhiều nước khác, trong đó có những đối thủ cạnh tranh tương lai của Mỹ như Ấn Độ và Trung Quốc. Không cần bàn cãi gì nữa, nước Mỹ cần có biện pháp để loại trừ những điểm 2.
Từ em bé tài năng đến người dẫn dắt thế giới
Thế nhưng, vấn đề ở chỗ là, không thể xây dựng tương lai chỉ bằng việc giải bài tập về nhà. Tiến bộ đi lên theo những con đường không được tiên liệu, còn trường học chỉ dạy những gì nhân loại đã biết rồi. Tương lai bao giờ cũng bắt đầu ở những ngưỡng cửa khác lạ.
Kinh nghiệm của những cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật mới nhất cũng nói về điều này. Các thủ lĩnh của cách mạng khoa hoc-kỹ thuật thuộc về nước Mỹ, đất nước thường sinh ra những dạng người kỳ dị, như dân hippi những năm 1960, còn những năm 1980 thì vùi đầu vào điện tử.
Trong số những thiên tài máy tính của nước Mỹ, những kẻ kỳ quặc và thích kiếm tìm cái phiêu lưu khác thường luôn chiếm phần trăm cao hơn. Đồng thời, tất cả những con người khổng lồ đã sáng tạo ra thế kỷ XXI này của chúng ta, thì xưa kia đều không từng học nghề hôm nay của mình trong trường phổ thông, bởi đơn giản là khi ấy, trong trường chưa có thày nào sách nào dạy về môn học đó.
Như những người chứng kiến kể lại, Bill Gates mỗi buổi sáng đều lặp đi lặp lại với các nhân viên của mình rằng: Tương lai sinh ra không chỉ trong các giảng đường đại học hay phòng thí nghiệm quốc gia, mà tương lai sinh ra cả ở những căn phòng áp mái hay gara xập xệ, bởi vì tiến bộ không chỉ là phát triển kỹ thuật, mà còn là sự mở rộng chân trời tư duy trí tuệ. Nhiều chiến thắng lẫy lừng về khoa học kỹ thuật mà chúng ta đã có được không phải là bằng sự hỗ trợ của cường quốc, mà là nhờ hứng khởi thông tuệ của một cậu bé, cô bé “thần đồng” nào đấy, những tài năng xuất hiện và dẫn dắt thế giới đi tới bước ngoặt quyết định nhất và không hề đoán trước được nhất.
Vấn đề là ở chỗ, tìm ở đâu và nuôi dưỡng những tài năng ấy như thế nào?
Mấy điển hình về bồi dưỡng “thần đồng”
Nước Mỹ trọng thị những người có tài năng và quan tâm đến họ. Cả về trẻ em cũng thế. Những trẻ em có năng khiếu, đó là trường hợp đặc biệt, đòi hỏi có sự chú ý cao và thận trọng trong tiếp xúc. Rất hay là ở Mỹ, sự quan tâm đến các em bé như vậy không chỉ gồm những lời ca tụng và khen ngợi, mà còn cả sự hỗ trợ cụ thể bằng vật chất.
“Các bạn là thiên tài” – thượng nghị sĩ Carl Levin tâng bốc những thiếu niên được mời đến điện Capitoli bằng bao nhiêu ngôn từ như vậy. Nhưng các thiếu niên tài năng này tập hợp ở Washington không chỉ để nghe khen cho sướng tai, mà còn để nhận phần thưởng bằng tiền của Viện Davidson giành cho Hỗ trợ tài năng ở những lĩnh vực khác nhau trong hoạt động nhân loại: toán, vật lý, văn chương. Năm nay, cả nước Mỹ có 17 em nhận khoản tiền thưởng từ 10 đến 15 nghìn USD. Đó là một kiểu học bổng cấp phát dần.
Trí tuệ, khả năng sáng tạo – đó là của cải chính của quốc gia. Người Nhật đã hiểu ra điều này từ lâu, họ quí trọng những em bé có tài của mình, không tiếc tiền cho việc học hành và phát triển của các em. Còn thú vị hơn nữa, là Israel có hệ thống giáo dục hiệu quả dành cho các trẻ em có thiên bẩm, và đây là một trong những bí mật quốc gia. Tại Mỹ đã thành lập hệ thống hỗ trợ và phát triển năng khiếu. Không ngẫu nhiên mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một hướng chủ yếu hội tụ các dòng gọi là “chảy máu chất xám” (brain drain) từ bốn phương.
Chính vì thế cũng nên nói vài lời về bản thân Viện Davidson. Sáng lập ra Viện này là ông bà Bob và Jane Davidson, những người từ năm 1999 đã bỏ ra không ít tiền của riêng, để thực hiện mục tiêu giúp đỡ những trẻ em có tài năng từ 4 đến 18 tuổi. Những sáng kiến hỗ trợ của viện rất đa dạng: từ việc cấp học bổng, tham vấn, tổ chức lớp học mùa hè…
Nhưng, phức tạp nhất trong công việc này, là tuyển chọn. Trước tiên, chỉ số IQ phải không dưới 145. Theo cách tính IQ, độ tuổi trí tuệ của một em bé khỏe mạnh và bình thường là 100. Như vậy, 145 không những là chỉ số IQ cao, mà còn là siêu cao. Số những người có chỉ số IQ dưới 70 (người ta thường gọi họ là thiểu năng trí tuệ) hay là cao hơn 130 (được xem là có khả năng xuất sắc) giống nhau ở một điểm, là cả loại thấp lẫn loại cao đều chiếm khoảng 3% trong tổng số chung.
Nhưng vấn đề không chỉ ở tuyển lựa, mà chủ yếu là ở bồi dưỡng tài năng, chính là việc mà Viện Davidson đang làm. Thực ra có những cái nhìn khác nhau về chuyện này. Tồn tại huyền thoại, rằng cần để những trẻ em có thiên bẩm được yên, để mặc phát triển tự nhiên, tức là các em này không cần trường lớp đặc biệt và những thứ tương tự làm gì.
Viện Davidson chống lại cách tiếp cận như vậy. “Triệt thoái môi trường giáo dục đặc biệt dành cho các thần đồng phù hợp với khả năng phi phàm của các em, cũng có nghĩa là cắt bỏ một triển vọng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của quốc gia dân tộc”. Ngoài ra, các thần đồng không chỉ là những tài năng xuất chúng, mà còn là những cá thể rất tinh tế, và không phải bao giờ cũng có hệ tâm lý thông thường. Chính vì vậy, cần có các chuyên gia biết làm việc với những trẻ em này một cách đúng đắn.
Một văn hào Pháp đã từng ví thiên tài như vì sao băng từ trên trời rơi xuống. Thỉnh thoảng, may mắn sáng lên đúng chỗ vinh quang, nhưng trong một trăm nghìn trường hợp khác, sao băng rơi vào khoảng không và tắt lịm. Nói cách khác, sự dạy dỗ không đúng, học hành theo tiêu chuẩn thông thường, thiếu vắng sự tiếp cận riêng biệt, là tạo ra mảng tối của công việc bồi dưỡng.
Tài năng không được khơi mở đúng đắn, từ đứa bé có thiên bẩm sẽ lớn thành một con người nhiều mặc cảm, không hòa nhập và tính cách khó khăn. Lại cũng có “Hội chứng thần đồng”, khái niệm mà các nhà tâm lý học dùng để chỉ sự rối loạn thần kinh đặc biệt, tính tự ái quá độ đến mức bệnh hoạn, ý muốn luôn luôn phô trương khả năng cá nhân và tự khẳng định bất tận những ưu việt đã mất hoặc chỉ là giả tưởng.
Hiện nay, có rất nhiều thí nghiệm trong việc tạo ra những điều kiện đặc biệt nào đó. Một số trường phổ thông coi nhiệm vụ của mình là tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho việc học tập. Những trường khác nói rằng, đối với trẻ em nói chung cũng như những trẻ em có tài nói riêng, không gì tồi tệ hơn là điều kiện tiện nghi quá mức. Việc học cần phức tạp, căng thẳng, để thậm chí một em bé có năng khiếu sáng láng cũng phải toát mồ hôi. Hoạt động trí tuệ cần phải thật phức tạp, đôi khi đến nghịch lý, có nghĩa là cần cả những “thời điểm không thú vị” trong quá trình học. Trẻ em phải biết vượt lên chính mình, để rèn luyện những “cơ bắp” của lý trí. Nói như văn sĩ gốc Nga Vladimir Nabokov: nghệ thuật cần phải khó khăn.
Quay trở lại với đề tài các trẻ em tài năng. Có phải kết quả thử nghiệm test lúc nào cũng đáng tin cậy? Bởi rất có thể dễ dàng nhầm và không phát hiện được thiên tài? Đúng, đó cũng là một vấn đề. Có những thiên bẩm khó có thể đánh giá bằng điểm số và kết quả test. Có thể đơn giản là tài năng không phát lộ để được nhận thấy. Hoặc cũng có xu hướng, nhận thấy và hình dung về tài năng như là điều bất bình thường, đến mức lo ngại lúng túng và cố gắng kiềm chế, cố đưa đứa bé vào khuôn mẫu thông thường. Đó là những phương án bi thảm.
Tài năng không được sử dụng sẽ dẫn đến thảm kịch và bệnh hoạn. Một sai lầm khác không kém nguy hại, là cố gắng của một số bậc phụ huynh, muốn những đứa con hoàn toàn bình thường phải phát triển khác thường, nhân tạo. Có vô số thí dụ về chuyện này, và kết cục cũng thường đáng buồn. Nhưng nói chung, một đứa trẻ bình thường cũng vẫn có những cơ hội trở thành con người lỗi lạc. Nhiều lao động hơn, một chút may mắn, và cái chủ yếu, những điều kiện thuận lợi và thái độ thiện chí từ phía cộng đồng xã hội.
Nhà gene học Lius Terman, sau 30 năm nghiên cứu những trẻ em có tài, đã đi đến kết luận như sau: phần lớn thần đồng đã đánh mất những khả năng phi phàm của mình khi lớn lên.
Nhưng những trẻ em thần đồng được bồi dưỡng đúng trở thành những người lớn có tài năng vượt trội về trí tuệ, lại không sánh được với những người thuộc típ bình thường. Đám đông này định hướng tích cực tốt hơn gấp 30 lần, nếu so với những người có thiên bẩm từ nhỏ. Tự nhiên luôn luôn thử thách tất cả, nhất là những trẻ em có tài. Đôi khi không thành công.
Những ai trả giá bằng sức khỏe và cuộc sống của mình cho tiến bộ của nhân loại, để qua mỗi thế hệ con người lại trở nên thông minh hơn, những người ấy xứng đáng được nhận sự cảm thông, bảo vệ và chăm lo của cộng đồng. Nếu bạn và con cái bạn là “như mọi người”, thì đó là hạnh phúc của bạn. Nhưng thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, rất thường khi lại không phải là những người “như tất cả”. Nghĩa vụ của xã hội, - như ông bà Bob và Jane Davidson quan niệm, - là hỗ trợ những người “khác thường” này, vì họ rất khó khăn trong đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý