Trẻ em Việt Nam thành “người nước ngoài”?

05:10 CH @ Thứ Năm - 21 Tháng Mười Một, 2013

Trang bị cho con em những kỹ năng để hội nhập với thế giới đang là mục tiêu của không ít phụ huynh. Thế nhưng có mấy phụ huynh quan tâm đến việc con có được học tiếng Việt, lịch sử, địa lý, đạo đức VN khi vào trường quốc tế?

Cô Bùi Thị Ngọc Trinh - giáo viên Trường song ngữ quốc tế Horizon, Q.2, TP.HCM - hướng dẫn các em học sinh lớp 1A tập đọc trong giờ học tiếng Việt. Đây là trường đã thực hiện rất tốt quy định của Bộ GD-ĐT VN: buổi sáng dạy chương trình của Cambridge, buổi chiều dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN như các trường tiểu học công lập - Ảnh: Minh đức

Tôi thật sự ngạc nhiên khi hầu hết học sinh của tôi đã 9, 10 tuổi nói tiếng Anh rất tốt nhưng không biết diễn đạt bằng tiếng Việt. Nếu nhắm mắt lại nghe các em nói chuyện sẽ có cảm giác đó là người nước ngoài chứ không phải người VN. Tôi hỏi chuyện, có em tâm sự: Hồi nhỏ chính ba đã cho con đi học trường quốc tế. Vậy mà bây giờ con không nói chuyện được với ba bằng tiếng Việt thì ba giận con, bắt con đi học tiếng Việt...”. Từ tâm sự của giáo viên đang giảng dạy tại một trường quốc tế, chúng tôi đi tìm hiểu thực hư.

Không chú trọng

Tại TP.HCM đang tồn tại hai loại hình mang tên trường quốc tế: trường quốc tế dạy hoàn toàn bằng chương trình nước ngoài và trường quốc tế dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN có kèm thêm một số tiết tiếng Anh do người nước ngoài đứng lớp.

Tại nhiều trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM thường buổi sáng học sinh học chương trình nước ngoài, buổi chiều rèn thêm tiếng Anh và học một vài tiết tiếng Việt. Cô T., giáo viên dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN ở trường quốc tế A., kể: “Ở trường tôi môn tiếng Việt và các môn lịch sử, địa lý, đạo đức... được xem như môn học ngoại khóa. Kết quả học tập không dùng để đánh giá, xếp loại học sinh".

Mỗi ngày tôi chỉ dạy cho mỗi lớp một tiết (nếu dạy tiếng Việt thì không dạy tự nhiên xã hội, nếu dạy đạo đức thì thôi lịch sử...) theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Các môn học này không được nhà trường chú trọng nên ít bị kiểm tra, không phải đi học chuyên môn và cũng không được trang bị đồ dùng dạy học. Vì là ngoại khóa nên học sinh cũng lơ là không chú tâm”.

Ông Lê Ngọc Điệp, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Nếu chiếu theo quy định, trường quốc tế dạy chương trình của nước ngoài chỉ được phép nhận học sinh người nước ngoài. Mấy năm gần đây Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện thí điểm: trường quốc tế nhận học sinh người VN. Ngoài chương trình nước ngoài, các trường quốc tế phải dạy học sinh VN các môn tiếng Việt, đạo đức, các bài xã hội trong môn tự nhiên xã hội (đối với lớp 1, 2, 3) và tiếng Việt, đạo đức, lịch sử - địa lý (đối với lớp 4, 5) theo chương trình của Bộ GD-ĐT VN.

TP.HCM hiện có 15 trường quốc tế như trên. Thế nhưng qua ghi nhận của sở chỉ một số ít trường thực hiện quy định trên, còn khá nhiều trường không thực hiện hoặc có nhưng làm qua loa, chiếu lệ. Chúng tôi đi kiểm tra thấy một số trường cắt bớt tiết, bỏ bớt bài, thiếu đồ dùng dạy học, giáo viên cũng không được đầu tư đúng mức...”.

Không giao tiếp được với con

Khó đi cùng hướng với
sự phát triển đất nước

“Thanh thiếu niên VN học tại trường quốc tế mà không được học tiếng mẹ đẻ, không biết lịch sử, văn hóa, truyền thống... của dân tộc sẽ mất hẳn điều kiện cần và đủ để trở thành người VN có lòng yêu nước, biết giữ nước, bảo vệ và xây dựng đất nước. Một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trên đất nước VN, tức là đã được hưởng thụ toàn bộ thành quả lao động của cha mẹ nói riêng và dân tộc VN nói chung. Chúng phải được biết tại sao mình được hưởng thành quả ấy, tại sao mình phải trân trọng và gìn giữ nó.

Nếu thế hệ trẻ không được học các môn khoa học xã hội của VN thì đất nước ta sẽ có nguồn nhân lực trẻ có trình độ khoa học kỹ thuật cao nhưng thiếu nhân cách VN. Nhân tài trẻ mà thiếu nhân cách VN thì khó đi cùng hướng với sự phát triển của đất nước. Chúng ta đang bị xâm phạm chủ quyền đất nước bằng con đường giáo dục. Không thể chấp nhận một chương trình đào tạo cho thế hệ trẻ VN mà không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Nhà nước”

Tiến sĩ Mai Ngọc Lương(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Liên hệ với anh S. (anh đề nghị không nêu tên), phụ huynh có con học trường quốc tế tại Q.5, anh kể: “Trước khi cho con vào học, tôi phải ký giấy cam kết với trường là không thể cho con quay lại chương trình học của VN (tức là con tôi phải theo học ở đây đến khi tốt nghiệp). Họ cũng nói trước buổi sáng sẽ dạy tiếng Anh và các môn khoa học bằng tiếng Anh. Chương trình tiếng Việt chỉ có một tiết/ngày”.

Vậy anh có biết HS lớp 1 ở trường tiểu học công lập học tiếng Việt gấp đôi thời lượng so với trường con anh học không?”. Suy nghĩ hồi lâu, anh S. trầm tư: “Hồi đó tôi không quan tâm đến điều này. Tôi nghĩ điều quan trọng là con tôi được học tập theo hướng gợi mở và sáng tạo, vừa học vừa chơi một cách nhẹ nhàng. Điều này trường đáp ứng rất tốt. Đến bây giờ mới thấy con mình không biết đọc tiếng Việt, lớp 4 rồi mà vào siêu thị cứ ấp a ấp úng đánh vần mãi mới đọc được mấy câu”.

Bà N.T.L. - phụ huynh một học sinh theo học Trường quốc tế Horizon - tâm sự: “Gần nhà tôi có nhiều phụ huynh không giao tiếp được với con, không dạy con được vì không nói được tiếng Anh. Con lại không nói rành tiếng Việt vì học trường quốc tế”. Vì vậy bà L. nói: “Sợ con mất gốc nên tôi đi tìm hiểu rất kỹ và chọn trường buổi sáng dạy chương trình của Cambridge, buổi chiều dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT VN. Dù có hiện đại cách mấy thì tụi trẻ cũng phải biết nguồn cội của mình chứ”.

Tương tự, bà T.K. - phụ huynh ở huyện Bình Chánh - cho biết vì sợ con mình không biết tiếng Việt nên phải mời cô giáo đến nhà kèm riêng.

Sợ quá tải?

Tại buổi họp với các trường quốc tế có nhận HS người VN (do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 2-12), một số trường đã thẳng thắn thừa nhận khó thực hiện theo đúng quy định.

Bà Lê Thị Hồng Liên, Trường quốc tế Canada, phát biểu: “Học sinh VN học trường quốc tế thuộc diện du học tại chỗ nên yêu cầu về trình độ tiếng Anh phải giỏi. Về thời lượng, Trường quốc tế Canada không thể thực hiện được hết số tiết theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT mà thực hiện theo dạng lồng ghép. Nếu bắt học sinh học đủ số tiết phụ huynh sẽ phản ứng, thậm chí chuyển sang trường quốc tế khác không dạy tiếng Việt”.

Ông Huỳnh Văn Ngôn - Trường quốc tế APU - lý giải: “Nếu bê nguyên xi chương trình và số tiết các môn học của Bộ GD-ĐT VN vào chương trình thì sẽ quá tải do học sinh phải học hai chương trình. Học sinh VN học trường quốc tế trình độ các môn tiếng Việt khó ngang bằng với HS trường công lập. Nếu kiểm tra chung theo đề của sở sẽ rất khó...”.

Đáp lại, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Tôi đã đi nhiều nước nhưng không nước nào như mình cả. Người ta dạy ngoại ngữ cho học sinh từ rất sớm nhưng không dạy một ngôn ngữ khác thay thế cho tiếng mẹ đẻ. Học sinh tiểu học vẫn chưa rành tiếng Việt, khi vào trường được học các môn khoa học bằng tiếng Anh thì mai mốt đến cái bàn các em cũng không biết phát âm như thế nào. Các trường muốn phát triển bền vững phải làm đúng theo luật pháp VN. Công nghệ, kỹ thuật có thể học theo thế giới nhưng tinh thần phải là VN”.


Ý kiến của bạn đọc:

Đọc bài viết, tôi thật sự hoang mang, vì sao lại như thế? Con em chúng ta không thể nói tiếng Việt ngay trên đất Việt? Vậy thì có nên hay chăng việc khuyến khích con em chúng ta tiếp cận nền giáo dục "tiên tiến" quá sớm như vậy?

Học cao, trình độ cao, nói tiếng nước ngoài "như gió" trong khi tiếng mẹ đẻ thì hoàn toàn mù tịt và đang sống tại quê hương. Không khéo chúng ta "mất con" lúc nào mà không biết. Vì không giao tiếp được thì làm sao biết được chúng nghĩ gì, cần gì và giáo dục nhân cách như thế nào? Con người phát triển nhân cách còn thông qua giao tiếp và ảnh hưởng lớn từ giáo dục. Làm sao dạy chúng về lòng yêu nước, về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha, về truyền thống văn hóa của dân tộc khi mà chúng không rành tiếng Việt. Chẳng lẽ chúng lại được học lịch sử Việt Nam bằng tiếng nước ngoài, do người nước ngoài dạy ngay trên đất Việt Nam?

Trong khi đó, các bạn trẻ gốc Việt đang sống tại nước ngoài thì lại đang học tập và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Không phải không có lý do khi trước đây chúng ta quy định tại các trường công lập chỉ dạy tiếng nước ngoài khi trẻ bắt đầu vào cấp 2. Do vậy, thiết nghĩ các nhà giáo dục Việt Nam cần phải tâm huyết xây dựng một định hướng phát triển nền giáo dục nước nhà đặc biệt là cấp tiểu học, một cấp học quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người.

Nguyễn Thị Thúy Hằng

Nguyên nhân một phần là các phương tiện thông tin đại chúng thường ca ngợi giáo dục nước ngoài, thổi phồng các yếu kém của giáo dục Việt nam, tôn vinh các sinh viên tốt nghiệp nước ngoài hơn các sinh viên tốt nghiệp trong nước, ngoài ra trách nhiệm phần lớn là cơ quan chức năng chưa có chính sách thống nhất..

Anh Tai

Vẫn biết rằng nền giáo dục của các nước phương tây là hiện đại, khoa học. Vẫn biết rằng quyền được tiếp thu những tinh hoa của thế giới là chính đáng nhưng chúng ta cũng cần phải biết rằng sự tiếp thu đó chỉ hiệu quả khi chúng ta có một nền tảng văn hoá dân tộc thật vững chắc, có như thế thì mới có bản lĩnh học tập, tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của thế giới và làm giàu thêm cho nền văn hoá của nước nhà.

Cho con đi học trường "Tây" để rồi cha mẹ không thể trò chuyện được với con cái của mình thì đó là một sự thật quá đau lòng đáng để suy ngẫm.

Trương Tuấn Dũng

Nguồn:Tuổi trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: