John Dewey - người chắp bút tuyên ngôn giải phóng trẻ em
Đưa trẻ em lên vị trí trung tâm có làm mờ đi hình ảnh thiêng liêng của những người thầy? Hoàn toàn không. Ngày nay người ta quan niệm người thầy chỉ là người được xã hội phân công làm một công việc cụ thể. Nếu làm tốt công việc của mình thì người thày đó sẽ được cả xã hội kính trọng...
Tên sách: Dân chủ và Giáo dục
Tác giả: John Dewey
Dịch giả: Phạm Anh Tuấn
Tủ sách Tinh hoa - Nxb Tri thức
Cách thứ nhất hay cách thứ hai?
Khi tìm cách cứu một nền giáo dục đương thời đang bề bộn, người ta dường như có xu hướng chọn một trong hai cách: Hoặc là tìm lại những gì đã thành công vững chắc trong quá khứ để rút ra các bài học. Hoặc là trước hết hãy thừa nhận rằng nền giáo dục đương thời là sai rồi sau đó tìm cách để giải quyết cái sai.
Cách thứ nhất là cách của con đà điểu (đánh lừa người khác, đánh lừa chính bản thân mình), hoặc cách làm khoa mẽ của con công (mượn hào quang của quá khứ để khoác lên một thực tế sa sút). Cách thứ hai là cách làm thực dụng.
Cách thứ nhất kéo dài cái sai. Cách thứ hai là cách làm của khoa học - của phương pháp khoa học.
Cách thứ nhất đưa ra kết luận đúng có sẵn, rồi chứng minh rằng nó đúng! Cách thứ hai đưa ra giả thuyết, rồi sau đó tìm cách chứng minh giả thuyết, và giả thuyết được trắc nghiệm bằng những hệ quả, kết quả thực tế.
Triết học giáo dục của John Dewey là thực dụng. Thực dụng không có nghĩa là "vị lợi, bần tiện, hèn hạ". Giáo dục thực dụng của ông hàm nghĩa là giáo dục đem lại cho học sinh lợi ích thật.
Bao đời nay, người thầy giữ địa vị số một trong nhà trường. Người thầy được coi là người nắm giữ bí mật, bí kíp. Những gì diễn ra trong lớp học giống như cuộc đọ sức, đọ cân não giữa thầy và trò, nhưng phần thắng được biết trước là thuộc về người thầy. Chỉ thầy mới được phép đặt câu hỏi, trò có bổn phận trả lời.
Bao đời nay, mọi sự cải cách, sửa đổi đều được thực hiện theo hướng có lợi cho người thầy, cho người lớn.
Kho kiến thức nhân loại mênh mông ư? Thế thì chia nhỏ nó ra thành những môn học riêng biệt, có môn học chính và môn học phụ (chẳng ai giải thích thấu đáo tại sao toán và văn lại là hai môn học quan trọng nhất). Mỗi môn học lại được sắp xếp từ dễ đến khó để truyền vào đầu trẻ theo trình tự từ lớp nhỏ nhất đến lớp lớn nhất.
Bài học khó quá ư? Thế thì đơn giản hóa nó đi, kiểu như kẹo bọc đường. Kiến thức khô khan quá ư? Thế thì bổ sung những ví dụ minh họa sinh động, thậm chí thi ca hóa kiến thức khoa học tự nhiên, kiểu như soạn ra bài thơ về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học... cho trẻ dễ nhớ!
Bao đời nay, hễ trẻ học không hiểu là lập tức chúng bị đổ lỗi.
Bao đời nay, hễ trẻ thấy thích học thì lập tức công đầu thuộc về nhà trường. Hễ trẻ chán học thì nhà trường đi tìm nguyên nhân ở trẻ, không tìm ra thì áp đặt, chứ nhất quyết không chịu thú nhận rằng nguyên nhân nằm ở nhà trường.
Cuối cùng, đây là tội to nhất: Giáo dục cổ truyền coi trường học là nơi chuẩn bị cho trẻ em cuộc sống của người lớn sau này. Trong quãng thời gian chờ đợi ấy (tối đa là 12 năm), trường học bỏ phí cái khả năng hiện tại, cái "đang là", để đổi lấy một cái chuẩn mực trung bình, cái "đã là" của người lớn.
Nhà sư phạm Mỹ John Dewey (1859-1952)
Trường học là của trẻ em chứ không phải của người lớn
Phạm Anh Tuấn là dịch giả tự do sống tại Hà Nội, đã dịch 3 tác phẩm về giáo dục của John Dewey - nhà cải cách giáo dục người Mỹ (sinh 1859, mất 1952), trong đó bản dịch cuốn "Dân chủ và giáo dục" được trao giải Tinh hoa giáo dục quốc tế năm 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh). Trích phát biểu nhận giải của dịch giả tại lễ trao giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế 2008 (ngày 27/3/2009): "Năm 1896, để thực nghiệm triết lý giáo dục của mình, Dewey thành lập Trường Dewey dưới sự bảo trợ của Đại học Chicago. Năm 1903, Đại học Chicago sáp nhập Trường Dewey với trường của Francis Parker. Dewey từ chức, chấm dứt công trình thực nghiệm. Ông bắt đầu tập trung vào viết sách và hoạt động xã hội. Một số cuốn sách quan trọng về giáo dục đều được viết từ sau bước ngoặt này, trong đó có Dân chủ và giáo dục, được xuất bản năm 1916. Sự phá sản của Trường Dewey là một nguyên nhân khiến tư tưởng của ông kể từ sau đó liên tục bị hiểu sai, thậm chí xuyên tạc. Chẳng hạn, người ta tưởng rằng đề cao trẻ em nghĩa là hạ bệ người thầy, đề cao hoạt động năng động tức phủ nhận sách giáo khoa! Ngay cả Nicholas Murray Butler, hiệu trưởng Đại học Chicago thời đó, cũng tuyên bố triết lý của Tân giáo dục do Dewey khởi xướng đã góp phần tạo ra những học sinh vô kỷ luật. Năm 1938, John Dewey, người đàn ông có giọng nói nhỏ nhẹ và không biết hùng biện, đã lên tiếng tại một buổi nói chuyện kéo dài nhiều giờ tại New Jersey, và sau đó bài nói chuyện đã được in thành sách dưới tên gọi Kinh nghiệm và giáo dục. Ông không buộc tội một ai, ông chỉ ra rằng thực thi triết lý của tân - giáo dục là điều thực ra vô cùng khó, nó đòi hỏi sự thay đổi không chỉ sau cánh cửa lớp học mà còn trong toàn bộ môi trường nhà trường, và đào tạo giáo viên. Vì thế khi không thể thực hiện triệt để triết lý này, người ta bèn đầu hàng hoặc giản lược hóa nó đi. Nghĩa là người ta tập trung vào những cải tiến lặt vặt - những thay đổi "cải lương". Còn gì dễ dàng cho bằng người thầy chỉ cần ra lệnh còn học trò ngoan ngoãn tuân theo!" |
John Dewey viết trong Dân chủ và giáo dục, rằng trường học nhất định sẽ thất bại ở ngay chính cái mục tiêu quan trọng nhất của nó: Nó chẳng chuẩn bị được gì cho trẻ em.
Thế là trong tâm hồn trẻ tồn tại song song hai hệ giá trị: Hệ giá trị của trường học và hệ giá trị của cuộc sống thật bên ngoài cánh cửa lớp học. Trường học bị tách rời khỏi cuộc sống thực.
Cho tới John Dewey... Ông đảo ngược trật tự: Trẻ em là trung tâm. Giáo dục không phải là việc dạy của người thầy, giáo dục là việc học của trẻ.
Trước John Dewey đã có người ngập ngừng nói ra điều này. Kant, chẳng hạn, viết trong chuyên luận Sư phạm học: Giáo dục là quá trình con người trở thành con người.
Nhưng John Dewey là người đầu tiên phát biểu rõ ràng, rành mạch và có hệ thống. Ông là người chấp bút bản tuyên ngôn giải phóng trẻ em trong giáo dục.
John Dewey có ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết trường học hiện nay trên thế giới, trừ Việt Nam. Trường học là của trẻ em chứ không phải của người lớn.
Ông Lý Hiển Long của đảo quốc Singapore có tiếng là kỷ luật khắt khe thế mà ngay khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2004 đã chỉ thị cho ngành giáo dục Singapore: "Các thầy cô hãy bớt dạy đi, để cho học sinh chúng học nhiều hơn"[1]. Phương pháp học bằng bài tập lớn (project method) được áp dụng tại rất nhiều trường học trên thế giới có nguồn gốc từ John Dewey.
Tại Việt Nam chỉ các trường quốc tế mới chọn phương pháp này.
Kể hơi lan man một chút để thấy nay người thầy không còn "thiêng" nữa. Bây giờ khoa học đã chụp được cả quá trình bộ não đang suy nghĩ, trí nhớ chẳng có gì ghê gớm cả. Trong một tiết học (45 phút), một học sinh trung bình chỉ nhớ nổi "qua nghe bằng tai" 30% những gì người thầy truyền đạt "bằng nói".
Kể từ khi một giáo sư ĐH Harvard, tên là Howard Gardner công bố thuyết trí khôn đa thành phần (multiple intelligences [2]) thì nền giáo dục tại nhiều nước, trừ nước ta (dù thuyết này đã được phổ biến tại Việt Nam từ lâu) đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn đối với trẻ em, đã trở nên nhân đạo hơn hẳn.
Bây giờ quay trở lui, đánh bài lảng, hoặc tệ nhất là "sống chết mặc bay", là điều không thể nữa rồi. Không thể có chuyện khôi phục vị trí độc tôn của người thầy. Giáo dục Việt Nam chỉ còn cách duy nhất, hãy bắt đầu bằng việc tôn trọng trẻ em, tôn trọng thực chất chứ không cần hô khẩu hiệu.
Người nào còn lưu luyến quá khứ độc tôn của người thầy là cố đấm ăn xôi.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay bật kênh truyền hình thấy mấy vị giáo sư thảo luận về chiết tự tiếng Hán chữ "thầy giáo", chữ "giáo dục" theo thầy Khổng.
Khổng Tử ở phương Đông, Platon ở phương Tây, là những người thầy giáo điển hình của nền giáo dục cổ truyền.
Đề cao trẻ em lên vị trí trung tâm có làm mờ đi hình ảnh thiêng liêng của những người thầy hay không? Hoàn toàn không. Ngày nay người thầy chỉ là người được xã hội phân công làm một công việc cụ thể. Nếu làm tốt công việc của mình thì sẽ sẽ được cả xã hội kính trọng, chứ chẳng phải là thần thánh gì cả.
Đừng quá mải mê với Khổng Tử hay Platon nữa!
1 Độc giả quan tâm tới những ví dụ cụ thể về các trường học mang đậm màu sắc triết lý giáo dục John Dewey trên thế giới có thể tìm đọc cuốn Cách mạng học tập của Jeannette Vos và Gordon Dryden (Phạm Anh Tuấn dịch) do Nhà xuất bản Tri thức sắp ấn hành nay mai. Xuyên suốt cuốn sách này là tư tưởng John Dewey.
2Lời khuyên chân thành gửi tới các bậc làm cha mẹ: nên tìm đọc cuốn Cách mạng học tập (sách đã dẫn ở chú thích 1) để được giải phóng khỏi những ngộ nhận đã tồn tại hàng trăm năm nay. Chúng tôi tin rằng sau khi đã đọc cuốn sách này, các vị sẽ thấy hoàn toàn yên tâm, bình tĩnh hơn về những cô bé, cậu bé thân yêu của mình, không bị a dua vào cái trào lưu trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, lớp phân hóa đang tràn lan trong giáo dục hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015