Ông Fukuzawa Yukichi sẽ nói gì với Việt Nam?

07:06 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Mười Hai, 2011
Giả định rằng nếu có kiếp luân hồi, được tái sinh ở nước ta hiện nay và đang ở độ tuổi 30, ông Fukuzawa Yukichi sẽ nói với chúng ta những gì? Với lòng ngưỡng mộ và tôn kính nhà tư tưởng Nhật Bản, tôi xin giả định một số điều mà ông sẽ tâm sự với thế hệ thanh niên chúng tôi.

Trước hết xin có đôi lời về ông Fukuzawa Yukichi. Ông là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là "Voltaire của Nhật Bản", không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Cuốn KHUYẾN HỌC được ông bắt đầu viết ở tuổi 38 và hoàn thành 4 năm sau đó đã đánh thức dân tộc Nhật Bản đang ngủ mê trong tư tưởng Khổng giáo và chế độ phong kiến đầy bất công.

Ông luôn ở trong tâm thức người Nhật không phải vì tần suất hình ảnh trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất trong hệ thống tiền tệ Nhật Bản- tờ 10.000 Yên mà người ta ngưỡng mộ và tôn kính vì Ông đã góp phần làm cho nước Nhật được tôn trọng.

Ông Fukuzawa Yukichi (FY) sẽ tâm sự những điều dưới đây?

Hãy viết đôi dòng nghĩ suy về game, về trùng trùng quán nhậu

FY tôi dùng máy tính và internet nên chia sẻ với các bạn rằng internet có những tiện ích tuyệt vời giúp như chúng ta giao tiếp với bạn bè ở xa nửa vòng trái đất chỉ mất nửa giây, rẻ và rất nhanh, giúp chúng ta lĩnh hội hàng núi tri thức của nhân loại; chơi game cũng có những ích lợi cho các bạn nếu các trò chơi toán học hay từ vựng tiếng Anh; ăn uống là nhu cầu thiết yếu đảm bảo sinh tồn, rượu hay bia có thể giúp cho bạn có những cảm giác dễ chịu nào đó trong khi vui sướng lẫn buồn đau.

Thế nhưng, game online và nhậu nhẹt đang quá đà trong xã hội chúng ta.

Rê tay trên bàn phím, những mạng người ảo đã ngã xuống và bạn nghĩ rằng nó vô hại, nhưng bạn nên biết rằng thói quen bắn giết từ thế giới ảo với tần suất thường xuyên sẽ làm cho bạn thấy việc giết chóc là bình thường. Những thanh niên chúng ta giết cha rồi chặt ra nhiều khúc, giết thầy cô giáo, hành hung bạn bè, ăn cắp gạo, bán gà vịt để lấy tiền chơi game là hậu quả nhãn tiền mà ai ai cũng thấy. Vài nhà xã hội học trí trá tuyên bố rằng game online vô hại để cổ vũ cho nó tồn tại. Game online đang tạo nên tai họa cho xã hội hôm nay và di họa cho dân tộc mai sau.

Bạn cảm thấy thế nào khi rất nhiều người xem uống rượu và khoe tủ rượu là thể hiện đẳng cấp? Có công chức đã khoe rằng "mỗi tuần không nhậu 3 lần coi như chưa có tuần đó". Người Kinh thì nhiều chữ hơn thì nói "còn trời còn nước ...còn cô bán rượu ta còn say sưa"; người Dao cũng "mí mầu mí mừa", người Thái cũng "bò cài, bò mưa" chỉ khác nhau ở vỏ ngôn ngữ thôi nhưng đâu cũng uống, cũng nhậu.


Chúng ta tự hào gì về sự ăn sự uống nhỉ? Vô số những con người khỏe mạnh và có khả năng đã xa lìa trần thế, trút bỏ trách nhiệm làm chồng làm cha đối với vợ con, trách nhiệm với bố mẹ già chỉ vì ham làm đệ tử thần Lưu Linh. Ở thành phố quán nhậu trùng trùng điệp điệp, về nông thôn chén rượu được lấy làm đầu câu chuyện thay miếng trầu như của cha ông.

Các bạn hãy nói lên những day dứt về những điều trên vì tôi hiểu rằng khi đã nhận thức về những di họa của nó và viết ra đôi dòng thì bạn sẽ có thể thay đổi nó.

Bởi sự hùng mạnh của dân tộc không thể gây dựng bởi những kẻ nghiện ngập, dối trá, tham nhũng và vô cảm.

Hãy đến dành một tháng vài ngày thăm trại trẻ da cam

Chiến tranh đã đi qua ba mươi lăm năm nhưng di chứng và di họa nó của nó đang có mặt khắp trong mỗi ngôi nhà của chúng ta. Những di ảnh của ông cha và họ hàng trên những chiếc bàn thờ tàn lạnh khói nhang là điều chúng ta hàng ngày được thấy, và nữa xương thịt của rất nhiều người hóa thân vào vào đất mẹ với những nấm mồ vô danh.

Di họa chiến tranh vô hình nằm trong tâm can mỗi con người và hữu hình trong đời sống của chúng ta. Những bạn đồng tuổi chúng ta, những em bé bằng cháu chúng ta không có tay, không có mắt, không thể đứng ngồi...là những thứ di họa hữu hình cho những số phận bất hạnh ấy. Đau đớn tột cùng là những người bố, người mẹ, người ông và họ hàng đang gánh chịu những di họa tàn khốc và khủng khiếp của chất độc da cam. Hóa tố ác nghiệt kia đã phá vỡ quá trình phân bào tự nhiên của bào thai là một nhẽ nhưng nó đã cướp đi niềm hạnh phúc thuộc bản thể tự nhiên của những người ông, người cha và người mẹ đã hiến tuổi thanh xuân cho nền độc lập hôm nay.

Các bạn hãy để trái tim của mình rung lên với niềm thấu cảm và thương cảm với những số phận di tật bằng việc đến thăm họ thường xuyên. Bạn sẽ thấy rất hạnh phúc khi được làm người lành lặn, được đến trường học lĩnh hội tri thức và được thấy những giá trị tâm hồn, những số phận kia không bao giờ sở hữu thứ bạn có. Tận mắt thấy những nỗi bất hạnh của người khác sẽ giúp bạn nhận ra niềm hạnh phúc của mình. Thấy được sự tàn khốc của chiến tranh thì bạn sẽ biết giá trị của hòa bình. Điều đó sẽ giúp bạn sống người hơn, sẽ mong muốn sẻ chia với người khác nhiều hơn, sẽ lương thiện hóa chính mình dễ hơn nếu bạn đã từng chỉ biết hưởng thụ trên tài sản tham nhũng và ăn cắp.

Giảm bớt các lý thuyết văn phòng, làm thí nghiệm thật nhiều

Tôi rất buồn và thấy mình quá kém cỏi đã không góp phần chế tạo được công cụ máy móc nào cho đất nước. Trong mỗi ngôi nhà chúng ta, những máy móc hiện đại đều có xuất xứ từ nước khác. Tôi cũng rất đau lòng và nhục nhã khi xem các hợp đồng tư vấn mà những người nhận lương từ 20.000-30.000 USD/1 tháng đều là công dân Mỹ, Úc, Anh.... Rồi nữa, từ cái công tắc điện đến hệ thống lọc bụi tĩnh điện, từ quạt phản lực đến hệ thống thông gió của hầm đường bộ lớn nhất Đông Nam Á-hầm Hải Vân; từ dây cáp của cầu dây võng dây văng; từ phương pháp chống lún cho cảng Cái Mép-Thị Vải đều phải nhập từ Phương Tây, và Nhật Bản nơi tôi đã được sinh ra hơn 1.5 thế kỷ trước.

Chúng ta có quá nhiều lý thuyết viết ra từ những giả định trong văn phòng nên xã hội ít có sản phẩm ứng dụng được. Sự học của chúng ta chỉ mong có bằng cấp để thăng tiến chứ không phải tạo nên các sản phẩm phục vụ nhu thiết yếu của xã hội.

Hàng năm, có hàng trăm triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ cung cấp cho các dự án phát triển nhưng đã không lấy một mô hình nào được thể chế hóa tại cấp xã vì hầu như không có mô hình nào tồn tại sau khi dự án kết thúc vì rằng người có khả năng và thấu hiểu cộng đồng thì không có ngoại ngữ để thi tuyển vào các vị trí chủ chốt. Ngược lại, những người có ngoại ngữ và được tuyển dụng thì quá ít hiểu biết về nông thôn và thiếu sự tận tâm với người nghèo mà chỉ tìm cách tiêu hết tiền bằng cách dễ nhất như mời người dân ra Hà Nội tập huấn rồi cho ăn ngủ ở các nhà hàng và khách sạn hạng sang. Thành thật mà nói, nơi nào có sự quản lý của người Việt của chúng ta, hầu hết nơi đó có sự yếu kém và truất hữu và lãng phí của công.

Chúng ta hãy giảm bớt các lý thuyết văn phòng mà làm thí nghiệm/thực nghiệm thật nhiều để có sản phẩm hữu hình. Sở dĩ, ông Thomas Edison, có câu nói bất hủ "Thiên tài chỉ một phần trăm do bẩm sinh và chín mươi chín phần trăm do cần cù lao động", vì ông Edison đã phải mất 8 năm trời ròng rã đọc, nghiên cứu và phải thực hiện rất nhiều, rất nhiều thí nghiệm mới làm ra bình ắc quy và mất 17.000 thí nghiệm mới tìm ra loại cây cao su tối ưu và phù hợp với đất đai sở tại.

Gom những viên gói nơi chùa chiền và xây những ngôi chùa bằng thơ ca để giữ dấu tích cho con cháu mai sau

Lo lắng trước sự Đông tiến của văn hóa Phương Tây, các vị vua nhà Nguyễn đã trùng tu nhiều chùa chiền trước lúc Pháp xâm lăng. Nhiều người cho rằng các vị vua muốn các ngôi chùa làm đối trọng với các nhà thờ Thiên Chúa đang được các cố đạo và tín đồ xây lên vào thời đó.

Suy nghĩ trên có phần đúng, và tôi tin chắc rằng các vị vua cai trị dân hiểu hơn ai hết một đất nước muốn an bình thì vua phải coi trọng Đạo bởi thế người xưa có câu "Vương hữu Đạo, quốc tất an. Vương vô Đạo, quốc tất loạn". Đạo Phât là tôn giáo gần gũi với đặc tính Việt Nam chúng ta do đó các vị vua muốn rằng ngôi chùa TỪ BI (phi vật thể) được lưu giữ bởi các ngôi chùa bằng gỗ, bằng ngói...để dân chúng mục kích sở thị hàng ngày mà giữ mình trong trật tự và nhân văn.

Tôi mong các bạn hãy gom những viên ngói của những ngôi chùa đang xuống cấp hoặc sắp bị xây mới để các bạn có thể giữ được ngôi chùa "TỪ BI" vào trái tim và đời sống hàng ngày của bạn. Cho dù chùa chiền và thần phật đang bị thương mại hóa khắp nơi.

Tôi cũng mong các bạn xây những ngôi chùa trong trái tim và tâm hồn của bạn bằng thơ ca. Vì khi mỗi con người, mỗi ngôi làng lấy thơ ca làm lẽ sống và răn dạy chính mình thì nơi đó sự thăng hoa tâm hồn và giá trị sống được hiển thị không chỉ bằng ngôn từ mà bằng các hành động thiết thực cho cộng đồng và mảnh đất con người ấy đang sống bởi lòng yêu thương và trách nhiệm.

Cùng nhau khuyến học

Đức Phật có nói "Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết". Sự kém hiểu biết xuất phát từ không được giáo dục hoặc không có cơ hội tiếp cận giáo dục. Người nghèo không được học lại càng nghèo và nghèo truyền kiếp. Chúng ta hãy giúp cho người nghèo bớt nghèo và người kém hiểu biết được hiểu biết bằng cách giúp họ tiếp cận tri thức chính thống hoặc đại chúng từ các tủ sách. Chỉ cần tận tâm, với một cuốn vở và cây bút, bạn đã giúp những trẻ đánh dày biết chữ. Chỉ cần góp 1 cuốn sách cho các lớp học ở nông thôn, bạn đã giúp hàng trăm học sinh đọc cuốn sách ấy. Chỉ cần bớt đi ba bữa nhậu trong một năm, 3 thành viên của một dòng họ, đã có thế xây dựng một tủ sách dòng họ giúp hàng trăm người có cơ hội đọc sách. Khuyến học luôn nằm trong tầm tay của bạn và hãy nói với mọi người rằng "dốt thì không nhục chỉ nhục là đọc/học cho mất dốt".

Cuối cùng tôi muốn nói với các bạn rằng, xã hội của Nhật Bản của tôi vào năm những năm 1870 đang rất giống Việt Nam, nơi tôi được tái sinh, với nhiều chiến thắng lẫy lừng. Do đó tôi muốn nhắc lại định nghĩa về "Văn minh" mà tôi đã viết cách đây 140 năm.

"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người." Chính vì vậy một dân tộc muốn tiệm cận văn vinh rồi đến văn minh cần có chiến lược khuyến học nâng cao dân trí trên toàn quy mô xã hội.

Còn rất nhiều điều cần phải làm trong xã hội chúng ta nhưng chỉ cần hàng triệu thanh niên các bạn hành động tận tâm và hoàn thành một phần việc trên thì hệ quả tích cực phái sinh từ những hành động đó sẽ giảm thiểu nhiều điều điều tệ hại khác. Công bằng, dân chủ và văn minh chỉ có khi bạn hành động để triệt tiêu những thứ xấu xa mà bạn không chấp nhận nó.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thoát Á luận

    08/06/2019Fukuzawa Yukichi - Hải Âu, Kuriki Seiichi dịchTừ thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) đã viết: "Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này".
  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ

    14/08/2018Nguyễn Cảnh BìnhCó thể nói, ở hai ông Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát). Có rất nhiều sự tương đồng về thời đại, về đất nước, về tình hình thế giới bởi cả hai sống cùng trong một giai đoạn lịch sử. Từ thực tế trên, việc so sánh hai nhân vật lịch sử này, đồng thời cũng là những nhà tư tưởng về cải cách, mở cửa có thể mang lại cho chúng ta nhiều điều thú vị...
  • Nhật Bản khác ta những gì ?

    11/06/2016GS Nguyễn Lân DũngNước ta có 85 triệu người, đứng thứ 13 trong 200 nước trên thế giới, nếu kể cả Việt kiều là 88 triệu người. Chúng ta có một lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hầu hết các cường quốc trên thế giới. Chắc chắn trí tuệ dân mình chẳng chịu thua ai khi có điều kiện phát huy...
  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Chúng ta ngủ quên trên kho báu trí tuệ của nhân loại!

    10/06/2015TS. Nguyễn Xuân XanhHay chúng ta hỏi ngược lại, Việt Nam có được bao nhiêu sách, bao nhiêu thư viện cổ, so với thế giới? Tại sao một dân tộc được cho là hiếu học mà lại ít sách như thế? Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ dân ta hiếu học, nhưng thực sự chỉ một “giai cấp” nhỏ nào thôi...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • Một cách nhìn mới về văn hoá Việt Nam thông qua việc so sánh với văn hoá Nhật Bản

    18/10/2013Vương Trí NhànQua người hiểu mình là một trong những con đường nhận thức được nhiều người công nhận là cần thiết và “có triển vọng”, tức có khả năng tạo nên hiệu ứng có giá trị đích thực đối với những chủ thể đang muốn tự hiểu về mình .
  • Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng

    12/05/2012Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
  • Cần chấm dứt giáo dục nhồi nhét!

    12/09/2010Phạm Việt HưngChương trình giáo khoa hiện nay quá nặng, lối dạy học và thi cử hiện
    nay quá hình thức, khoa trương chữ nghĩa, xa rời thực tế, làm khổ cả
    thầy lẫn trò, dẫn tới tình trạng “dạy giả”, “học giả” tràn lan chưa
    từng có...
  • Khi kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản

    30/08/2010Thái Bình (Tổng hợp)Sau ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đến quý 2 năm nay kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế nhất ở châu Á, thứ hai thế giới, sau Mỹ. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế toàn cầu, đến các quan hệ trong vùng Đông Á và Đông Nam Á?
  • Doanh nhân, trí thức cần làm gì?

    20/04/2010Lê Hiếu DânDoanh nhân và trí thức luôn là những người đi đầu để người khác noi theo. Nhưng thực trạng hiện nay của xã hội ta thật khó có thể trở thành nền tảng cho một quốc gia phát triển như mong muốn...
  • GS Ngô Bảo Châu: Cần nhất là "thổi lại" tinh thần hiếu học

    17/12/2009Kim Dung"Tổ chức xây dựng những nhóm nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, là con đường lâu dài để tổ chức lại, để tạo một sức sống mới cho khoa học nước ta." - GS Ngô Bảo Châu.
  • In lại Nhật ký đi Pháp của Phạm Quỳnh

    02/07/2009Ngô Phan (thực hiện)Pháp du hành trình nhật ký (Nhật ký đi Pháp) của Phạm Quỳnh vừa được in lại sau mấy chục năm ngủ yên trong tạp chí Nam Phong suốt từ 1922 tới nay. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn- người thực hiện việc biên soạn và chú giải – có dịp trao đổi với TT&VH về giá trị của tập sách cũng như về việc khai thác bộ phận văn học viết bằng quốc ngữ đầu thế kỷ 20.
  • Khuyến học: tự nhận thức để thành công

    11/05/2009Phạm Hữu Lợi dịch, tác giả Fukuzawa YukichiKhuyến học giúp độc giả không chỉ thấy thông tin không chỉ thấy thông tin hay hiểu về việc vì sao Nhật Bản đạt được những kỳ tích như ngày nay, mà thậm chí xa hơn có thể rèn luyện suy nghĩ, có được nhân sinh quan mới, phương pháp tư duy và hành động mới, khoa học hơn, quyết liệt để thành công trong cuộc sống.
  • "Nhất châu Á"

    02/05/2009TS. Nguyễn Sĩ DũngCuối cùng, chúng ta cũng có một cái gì đó được thiên hạ (cụ thể là Tổ chức tư vấn về rủi ro chính trị và kinh tế - PERC) đánh giá là nhất châu Á! Và đó là... cái sự "khó tính và gây trở ngại" của đội ngũ công chức. Đây là một sự nổi tiếng ngang ngửa với tai tiếng, một "giải thưởng Mâm xôi vàng" cho các công chức Việt Nam.
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Viễn cảnh mới cho thế kỷ XXI

    26/01/2007Nguyễn Thị Lan HươngVào buổi bình minh của thế kỷ XXIđiều cần thiết là phải tập trung suy ngẫm đến những vấn đề nảy sinh từ sự phát triển và cấu trúc hệ thống hoá chặt chẽ của công nghệ hiện đại. Sở dĩ như vậy là vì vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là sự sống còn của con người và các sinh vật khác trong những nền văn hoá người nhằm mục đích hướng đến một nền hoà bình cho những thế hệ tương lai...
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • xem toàn bộ