Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Người ta thường nói rằng: Trường tương tác và giao lưu của văn hóa nghệ thuật nói chung là phạm vi diễn ra các tác động qua lại trong một tổng thể phức hợp nhiều thành tố như: chủ thể sáng tạo văn hóa nghệ thuật, tác phẩm, công trình, thiết chế, người tuyển chọn, phân phối, phương tiện quảng bá, nhà nghiên cứu, phê bình, công chúng thưởng thức, tiêu thụ. Nói riêng về các thành tố văn hóa thì sách báo vừa là sản phẩm của đời sống tinh thần, có giá trị tư tưởng- văn hóa to lớn lại vừa là một trong các phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng có thể tuyên truyền quảng bá, cổ động các tư tưởng mới và tổ chức thành phong trào sâu rộng. Về không gian, phạm vi địa lý, trong các trường văn hóa khu vực Châu Á, có lẽ Trung Quốc được coi là một trung tâm có ảnh hưởng to lớn đối với trường văn hóa láng giềng - các nước lân bang trong nhiều thời gian, trong đó có cả giai đoạn đầu thế kỷ XX. Các thành tố nói trên, chúng ta chỉ phân tích sách báo "tân thư", gọi thế để phân biệt là sách báo viết bằng chữ Hán chủ yếu do các nhà tư tưởng, trí thức cách mạng của Trung Quốc viết ở Trung Quốc hay ở Nhật Bản được chuyển về Việt Nam.
Tân Thư trình bày, phản ánh hiện trạng của Trung Quốc và thế giới, đề xuất những phương sách giải quyết những vấn nạn của Trung Quốc dưới chế độ mục nát của Thanh triều. Đó là những nguồn tư liệu chủ yếu về các trào lưu tiến bộ, duy tân trên thế giới để phần lớn tầng lớp sĩ phu Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX hấp thụ, tham chiếu, học hỏi, giác ngộ, mà xây dựng nên các phong trào dân tộc, dân chủ mới mẻ ở nước ta thời kỳ đó.
1. Ảnh hưởng của Tân Thư đối với sĩ phu Việt Nam
Theo chúng tôi, trước Tân Thư các Hán tịch cổ tuy đa dạng về nhiều lĩnh vực nhưng không đi vào dòng chảy chung của thế giới ở một số khía cạnh dưới đây:
Nếu nói rộng thì cả tầng lớp tri thức nho sĩ, hẹp hơn thì các nhà tư tưởng, các nhà sáng tác văn học, nghệ thuật chủ yếu là vì bản thân để lập danh. Các tư tưởng như lập thân, lập công, lập ngôn... "Không công danh thời thối nát với cỏ cây”(như nhà Nho Việt Nam Nguyễn Công Trứ đã nói theo triết lý nhà Nho) suy cho cùng là vì nhu cầu cá nhân và chưa phải là rành mạch, hướng đích vì cả nhân quần rộng lớn. Dù mức độ đậm nhạt của các nhà nho thể hiện khác nhau nhưng đều thấy phảng phất hay rất rõ nét xu hướng đó ở phương Đông (trừ Nhật Bản). Một số nhà nho khi sáng tác thì chỉ ra hiện thực đen tối, hạn chế cửa hoàn cảnh xã hội, chính trị thời phong kiến, nhưng không dự báo được tương lai và không tìm thấy được đường hướng khắc phục khả thi, sát thực tế. Khổng Tử luyến tiếc chế độ Nghiêu Thuấn và bản thân cũng mưu cầu làm quan, Mạnh Tử tiến bộ hơn cho rằng vua hèn kém, xấu xa thì có thể phế bỏ (nhưng không nói cách thức phế bỏ), đến các nhà nho như Lý Tư, Tô Tần, Trương Nghi... thì mưu cầu danh lợi mạnh mẽ. Trong khi đó ở phương Tây, nhờ ảnh hưởng của các triết thuyết tiến bộ, họ hiểu sâu sắc giá trị của tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, giao lưu quốc tế, cách mạng, ủng hộ đức hy sinh như là một đạo đức lối sống xã hội, các ý tưởng, tư tưởng mới mẻ vì cộng đồng thường được khuyến khích và phát triển. Có thể nói các tư tưởng tiến bộ của phương Tây khi thâm nhập vào phương Đông tựa như luồng gió mới, như ánh sáng rực rỡ, hấp dẫn.
Chính vì thế, trong cuốn Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã hồ hởi viết: "Sách mới, báo mới xuất hiện đã tràn qua nước ta, mà ảnh hưởng nhất là sách của Khang Hữu Vi, cùng Lương Khải Siêu, vì sách ấy nói tới dân quyền tự do, phát minh được cái đặc sắc - chân tướng của văn minh Âu Châu rất nhiều, tiên sinh Phan Châu Trinh thường qua lại với ông Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ mượn những sách nói trên trong lòng ham thích quên ngủ, quên ăn, từ đó trong tư tưởng đổi hẳn ra một cách mới mẻ" (Minh viên Huỳnh Thúc Kháng: Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Nxb Anh Minh, Huế, 1959).
Chí sĩ Phan Bội Châu sau khi thấy phong trào Cần Vương thất bại trong khi tư tưởng bế tắc, nhờ tiếp xúc với Tân Thư đã mở rộng tầm mắt, dần hình thành cho mình chủ trương mới để cứu nước, canh tân Chính cụ viết trong "Phan Bội Châu niên biểu rằng: Tôi vì xem các bộ sách Tân Thư (Trung Đông chiến kỷ, Phổ Pháp chiến kỷ của Lương Khải Siêu, Doanh hoàn chiến lược của Từ Kế Dư mới hiểu qua được tình trạng cạnh úđlul ở trong hoàn hải, thảm trạng quốc vong chủng diệt càng kích thích trong đầu óc sâu lắm.
Nhờ Tân Thư, qua Tân Thư những người có đầu óc cầu thị, thậm chí cả những trí thức biết Nho học, hiểu tiếng Pháp, theo Công giáo như Nguyễn Trường Tộ đã thu lượm được kiến thức, có được tầm nhìn hơn hẳn những trí thức không có cơ hội tiếp xúc với Tân Thư.
Nhiều sĩ phu có óc tiến thủ, cùng thế hệ hai cụ Phan thậm chí mấy thập kỷ tiếp theo sau đó vẫn chịu ảnh hưởng Tân Thư sâu sắc, đậm nét.
Các trí thức đó đã say sưa, phấn khích bàn về lịch sử Duy tân nước Nhật, lịch sử thống nhất nước Đức, lịch sử cách mạng Pháp, lịch sử tư tưởng Tây Âu, các sự kiện thế kỷ ánh sáng ở Châu Âu, triết học thế kỷ XVIIcủa Pháp, lịch sử Italia, những thách thức của Trung Quốc thời nhà Thanh trước sự văn minh vượt trội, hùng mạnh của phương Tây... được các tác phẩm Tân Thư lần đầu tiên quảng bá sang Việt Nam.
Các tác phẩm nổi tiếng của Montesquieu (được dịch ra chữ Hán như "Vạn phép tinh lý"), trước tác của Rousseau, Voltairre... sách của hai nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, các nhân sĩ lớp mới như Nghiêm Phục, Lâm Lạc Tri, Từ Kế Dư, Dương Hồ Mạnh, học giả Nhật Bản Takayama Rinjiro đã giúp các nhà nho, mở đường cho họ nhìn nhận lại đạo lý Khổng Mạnh, thấy được phần lạc hậu, trì trệ của các học thuyết cũ kỹ, hư học, lôi cuốn họ say sưa nhìn lại thế giới, xem lại mình với cái nhìn rộng hơn, khách quan hơn, có nhiều đối sánh để phân tích rút ra các bài học kinh nghiệm và được thực tiễn kiểm chứng.
Các chí sĩ ưu tú hàng đầu của Việt Nam khi ấy như hai cụ Phan ngay khi còn ở trong nước hay ra ngoại quốc trăn trở tìm đường cứu nước, tiếp cận với Tân thư đã tìm thấy và hoàn thiện những ý tưởng cách mạng cho mình.
Cụ Phan Bội Châu thì từ chỗ kính phục Nhật Bản, duy tân cường thịnh, đối chọi được với Pháp kẻ thù chiếm nước ta, lại là đồng chủng, đồng văn nên lập Hội Duy tân chủ trương sang Nhật cầu viện đánh Pháp. Sau khi xuất dương do không biết tiếng Nhật nên cụ tiếp tục đọc Tân Thư để hiểu Nhật Bản và quốc tế Sau khi đến Nhật, hiểu rõ thực tế và tiếp xúc với chính khách Nhật, một số tác giả Tân thư Trung Quốc, cụ Phan đã thay đổi chủ trương cầu viện Nhật. Tư tưởng mới chỉ đạo phong trào Đông Du có thể tóm tắt là: “Đưa thanh niên ưu tú Việt Nam sang du học ở Nhật Bản (Chú trọng học quân sự) để bồi dưỡng nhân tài. Xây dựng tổ chức cách mạng Việt Nam ở Nhật thật vững chắc, dùng Nhật là vũ đài triển khai phong trào Đông du. Chiến lược lâu dài là chính những người học ở Nhật sau này sẽ làm hạt nhân mở mang dân trí, chấn hưng dân khí trong nước, vận động cách mạng và trong cương lĩnh Duy tân Hội" (viết năm 1906) cụ Phan và đồng chí của mình chủ trương sau khi giành được độc lập, Việt Nam sẽ theo chế độ quân chủ lập hiến. Cụ Phan Châu Trinh lại ảnh hưởng Tân Thư về tư tưởng dân chủ, văn minh phương Tây nên chủ trương tạm chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, hô hào mọi người nâng cao dân trí, đấu tranh bằng con đường dân chủ, nghị trường để dần buộc Pháp trao trả độc lập Cụ Phan Châu Trinh chủ trương tư tưởng "Tôn dân bài quân", ra sức công kích quân chủ.
2. Nguồn gốc, xuất xứ, nội dung một số Tân Thư chính và những tư tưởng, đường lối mới thể hiện trong các tác phẩm của chí sĩ Việt Nam tiêu biểu
Đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại, những người yêu nước Việt Nam, trước hết là các sĩ phu đều cảm thấy bế tắc, họ tự biết các hình thức đấu tranh cũ đều không phù hợp trong tình hình ách thống trị của thực dân Pháp đã được thiết lập cứng rắn.
Tình hình Việt Nam lúc đó, sách báo mới chưa nhiều, sách chủ yếu là chữ Hán viết về Nho, Y, Lý, Số với những quan niệm, tư tưởng phong kiến cũ kỹ, còn báo thì mới có một số tờ như Gia Đinh báo (ra đời 1865), Nông Cổ mím đàm (ra đời năm 1901), Nam Kỳ địa phận (ra đời năm 1908 ), Đăng cổ tùng báo (chuyển từ tờ Đại Nam đồng văn nhật báo năm 1907 )... Các tờ báo Việt Nam thời đó mới ở giai đoạn hình thành, chưa có những chuyên mục đều và chuyên nghiệp về chính trị và xã hội tư tưởng mà dừng ở chức năng đơn giản ban đầu. Sau này xuất hiện thêm các tạp chí lớn có dịch những chuyện Âu, Trung Quốc, truyền bá văn hóa các nước... Đại đa số nhân dân thất học, quá nửa trí thức nông thôn vẫn chỉ quan tâm tới sách Khổng, Mạnh, Kinh điển, cần thiết cho văn chương, khoa cử học theo "tầm chương trích cứ' lối cũ. Nhưng ở kinh đô Huế và các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn... những trí thức, sĩ phu tiến bộ, năng động dã tiếp cận với Tân Thư Trung Quốc qua nhiều con đường.
Trước năm 1880, Việt Nam coi Trung Quốc là tôn chủ nên theo lệ vẫn thông hiếu, đi sứ với nhiều lễ vật, các sứ thần Việt Nam có dịp được sĩ phu Trung Hoa tặng sách báo, thư tịch: Từ sau 1880, Trung Quốc từ bỏ quyền tôn chủ nên khi Tân Thư xuất hiện, nhất là vào thời Quang Tự và sau đó nhiều tư tưởng ưu thời mẫn thế, muốn chấn hưng quốc gia được bày tỏ trong các Tân thư thì con đường truyền bá của Tân thư đã theo cách khác: chủ yếu thông qua Hoa kiều và thương nhân Hoa Nam mang đến Việt Nam. Sau khi Tân thư chuyển đến việt Nam, có những gia đình trí thức quan lại đầu óc tiến bộ ở kinh đô như Thân Trọng Huề,Nguyễn Lộ Trạch và các gia đình nho sĩ, trí thức ở các thành phố là Trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn... đã thu thập lưu trữ và quảng bá (Trường hợp chí sĩ Phan Châu Trinh cũng đọc Tân thư từ kho sách nhà Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ ở Huế khoảng năm 1903).
Những sách Tân Thư được các chí sĩ Việt Nam tiếp xúc trước và sau năm 1900 có thể kể đến là:
“Đông Trung chiến kỷ” (xuất bản năm 1896) do Young Allen, người Mỹ, chủ bút tờ “Vạn quốc công báo" viết. Cuốn sách này ghi chép chi tiết diễn biến cuộc chiến giữa Nhật Bản - Trung Quốc và mối bang giao giữa Chính phủ Nhật với Thanh triều. Tác giả đã vạch ra những hạn chế, trì trệ, kém cỏi của triều đình nhà Thanh nên chịu tham bại trước Nhật, một nước trước đó chỉ như "nốt ruồi trong biển Thái Bình Dương, một thực thể vô danh trên thế giới, thế mà sau Minh Trị , Duy Tân đã trở nên hùng cường đánh bại Trung Hoa, võ công hiển hách, chấn động thiên hạ..." , tác giả có chủ ý làm cho người Trung Quốc nhận thức được sự cấp thiết phải cải cách xã hội mới cứu vãn được Trung Quốc.
"Doanh hoàn chí lược” là cuốn sách địa lý thế giới do Từ Kế Dư soạn trong những năm 40 thế kỷ XIX Cuốn sách đã mở tầm mắt tới những vùng đất phát triển, đặc biệt là Tây Âu, giúp người đọc Trung Hoa và Việt Nam hiểu biết, quan tâm nhiều hơn tới bên ngoài đất nước mình.
“Phổ Pháp chiến kỷ” (08 tập) được xuất bản năm 1873. Cuốn sách do bình luận gia Vương Thao biên soạn về chiến tranh Pháp Phổ (1870-1871). Cuốn sách đã bình luận, phân tích sâu sắc tình hình quốc tế, về sức mạnh của các cường quốc Châu Âu và miêu tả sự thất bại của Pháp, một nước sau này lại thống trị được Việt Nam.
Các tác phẩm có ảnh hưởng mạnh mẽ là sách báo trong thời kỳ Biến pháp của Trung Quốc. Đó là các cuốn “Mậu Tuất chính biên kỷ", “Trung Quốc hồn”, của Lương Khải Siêu được ông biên soạn, đăng nhiều kỳ trên tạp chí “Thanh Nghị báo" phát hành tại Yokohama, nơi ông lưu vong khi chính biến thất bại, rồi xuất bản năm 1902. Cuốn sách mở đầu bằng các bức thư tâm huyết của Khang Hữu Vi dâng hoàng đế, sau đó là diễn biến của cuộc chính biến, do sơ hở bị Viên Thế Khải phản bội báo với Từ Hy Thái Hậu nên chính biến bị dập tắt từ trứng nước, vua Quang Tự bị phế, Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi may trốn thoát, nhiều chí sĩ hy sinh oanh liệt, trong đó có chí sĩ Đàm Tự Đồng.
“Trung Quốc hồn" xuất bản năm 1903 là cuốn sách tập hợp các bài luận thuyết của Lương Khải Siêu như "Bàn về nguồn gốc sự yếu kém của Trung Quốc", "Bàn về xu thế cạnh tranh của các dân tộc thời cận đại và tiền đồ của Trung Quốc", "Bàn về thời đại quá độ", ”Bàn về chỗ khác nhau và giống nhau về quốc thể giữa Trung Quốc và Châu Âu”.
Lương Khải Siêu sau khi xuất bản Tạp chí Thanh Nghị báo còn sáng lập tờ Tân dân tùng báo (1902) cũng ở Yokohama tiếp tục đăng các bài bình luận, chính luận giới thiệu các học thuyết của Âu Mỹ và các tiểu luận của Lương về văn minh, Nhà nước, quốc dân.
“Cuốn Nhật Bản duy tân tam thập niên sử” của Takayama Rinjiro và các học giả Nhật Bản viết năm 1897 được La Hiếu Cao dịch, Thượng Hải Quảng trí thư cục xuất bản ấn hành năm 1902. Cuốn sách phân tích những thành tựu của Nhật Bản trong 30 năm sau khi Minh Trị Duy tân công bố bắt đầu cải cách (1868).
Tác phẩm gồm 12 phần về lịch sử tư tưởng học thuật chính trị, quân sự, ngoại gian, tư pháp, thi chính, văn học, giáo dục, tôn giáo, công nghiệp, giao thông hạ tầng kỹ thuật, văn hóa phong tục và phần phụ lục các bảng biểu thể hiện thành tựu, tiến bộ của Nhật về các mặt.
Ngoài các Tân Thư nói trên của các tác giả Trung Quốc, Nhật, phải kể đến một tác giả Việt Nam cũng được coi là viết Tân Thư, đó là Nguyễn Lộ Trạch, năm 1877 và 1882 đã viết các bản điều trần bằng chữ Hán gửi triều Nguyễn với nhan đề “Thời vụ sách". Năm 1882 theo lệnh Tự Đức, ông đi thị sát Hương Cảng. Sau đó ông cho ra đời cuốn sách hiến kế cải cách, đã bày tỏ tâm trạng khủng hoảng nảy sinh trong bối cảnh Pháp xâm lược nước ta và kiến nghị triều đình cải cách để chấn hưng đất nước, đi ra khỏi bế tắc khủng hoảng. Muộn hơn, còn viết “Thiên hạ đại thế luận", tiếp tục bày tỏ với triều đình những đề xuất về cải cách.
Trong tác phẩm “Lưu cầu huyết lộ tân thư” (viết khoảng 1903 -1904) sau khi tổng hợp, phân tích các cuốn Tân Thư Trưng Hoa, so sánh những tương đồng cửa hoàn cảnh Trung Quốc với Việt Nam, tham chiếu các kế sách của học giả Trung Hoa, hiểu biết thêm về thế giới, cụ Phan Bội Châu đã phân tích rõ tình cảnh Việt Nam bị sỉ nhục dưới ách thực dân Pháp, dự cảm kết cục bi đát, khủng hoảng của dân tộc, triều đình bù nhìn, nêu rõ cần áp dụng gấp đường lối sau:
a) Khai dân trí (mở mang trí khôn cho dân, nâng cao dân trí).
b) Chấn dân khí (bồi dưỡng khí thế vươn lên cho dân).
c) Thực nhân tài (vun trồng nhân tài).
Trong 3 điểm đó theo cụ Phan thì điểm b là then chốt, vì dân khí suy kiệt, không phát huy được trí tuệ. Học hành trong xã hội theo khuôn sáo, "tầm chương trích cú” lạc hậu, nạn hối lộ xảy ra trong bộ máy quan trường và thi cử, chỉ quan tâm việc làm quan và thi đỗ, sống vô liêm sỉ, người vô tư kém cỏi chỉ cần có tiền là trở thành người "hiền đức, giỏi giang". Không chặt đứt con đường hối lộ thì không thể chấn hưng dân khí. Cu Phan kết luận: phải chấn chỉnh thi cử, tránh hư học, tôn trọng cái tốt của Thánh hiền nhưng hấp thụ học vấn phương Tây...
Rất bức xúc, cụ Phan lên án về môi trường xã hội đầy nạn quan liêu, hống hách, cửa quyền, tự tung tự tác tràn lan. Cụ Phan viết tiếp: các nước phương Tây trao cho dân quyền tự do, chấp nhận rằng người trên nếu có sai lầm thì dân phê phán, người trên nếu phản lại dân thì dân chống lại. Nghĩa là Cụ Phan bắt đầu truyền bá tư tưởng tự do dân chủ châu âu vào ta.
Trong một tác phẩm quan trọng khác - cuốn "Việt Nam quốc sử khảo", viết năm 1908, cụ Phan đã mạnh dạn, xót xa, tâm huyết nói rõ những điểm cần khắc phục của người dân Việt Nam như sau: "Giờ đây tời xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cũng biết: Hay nghi kị lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều ngu muội thứ nhất (Ngu muội ở đây hiểu là khờ khạo, tầm nhìn ngắn). Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu muội thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết đến hợp quần (Đoàn kết vì lợi ích cả cộng đồng), đó là điều ngu muội thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều ngu muội thứ tư. Chỉ biết có thân mình, nhà mình mà không biết có quốc gia đó là điều ngu muội thứ năm".
Về chính sách “Bồi dưỡng nhân tài", cụ Phan trình bày trong "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Viết năm 1905), cụ cho rằng nên học tập Nhật Bản cử người ra nước ngoài học tập nhằm mở mang dân trí, khuyến nhân tài... Nguyên nhân xuất hiện của những ý kiến có tầm tư tưởng đó chính là nhờ ảnh hưởng Tân Thư nên cụ đã tổng kết thực tiễn thành lý luận sắc bén làm kim chỉ nam cho việc tìm đường canh tân cứu nước. Phần lớn những ý tưởng của cụ Phan nhờ sự gợi mở của Tân Thư mà trở nên minh xác, rõ ràng, có chỗ dựa về lý luận, tư tưởng để phát triển, theo đuổi.
3. Kết luận
Ảnh hưởng của Tân Thư đối với trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX rất quan trọng. Có thể rút ra các điểm chính như sau:
Do Việt Nam là một nước ít có những cuộc cách mạng về tư tưởng, lại chịu ảnh hưởng lâu đời từ trường văn hóa Trung Hoa nên việc xuất hiện hiện các tư tưởng mới của Trung Hoa qua Tân thư dễ được tầng lớp có học Việt Nam chấp nhận. Về mặt nào đó, trường văn hóa Việt Nam lúc đó phạm vi chưa rộng, cũng giống như một trường điện từ ít xung động, ít sóng điện từ và còn đơn điệu, mới mẻ. Chủ thể sáng tạo sản phẩm văn hóa tư tưởng - sách báo dù đầy hoài bão, giàu tri thức, nhưng phương tiện để thể hiện bằng ngôn ngữ là chữ Hán nên người tiếp nhận được, thụ hưởng được chỉ là một con số hạn chế nho sĩ, còn phần đông công chúng vẫn mù chữ, thành ra khó rộng đường dư luận, khó có thể đem các tư tưởng mới 'ra bàn luận, phê bình, tranh cãi trong xã hội. Nếu so với một nước cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ trường văn hóa tư tưởng Trung Hoa là Nhật Bản thì Nhật Bản có những bước đi bài bản, hợp quy luật hơn Việt Nam. Các nhà tri thức tư tưởng canh tân của Nhật như Yukichi Fukuzawa đã chủ trương ngay cân: “Thoát Á, nhập Âu”, “Hòa thần, dương khí”, đầu tiên tiếp cận với các tư tưởng hiện đại qua phong trào Lan học (học chữ Hà Lan và dịch sách báo tài liệu qua ngôn ngữ Hà Lan), sau ông và các danh sĩ khác phát hiện thấy các nước phương Tây đa số biết tiếng Anh nên chủ động mở các Trung tâm học, nghiên cứu, dịch thuật qua tiếng Anh để tìm hiểu các cường quốc. Tất nhiên họ còn may mắn là Nhà nước với triều đại Minh Trị của họ hoàn toàn ủng hộ tư tưởng canh tân hùng mạnh đất nước.
Qua Tân Thư, trí thức biết Hán học của Việt Nam hiểu được các trào lưu tư tưởng mới trong giới chính trị và tư tưởng Trung Hoa là muốn cải cách thể chế nhà nước Trung Hoa, đặng chấn hưng đất nước, chống lại phương Tây và Việt Nam cũng cần phải cải cách. Chính cụ Phan Bội Châu trong tác phẩm "Lưu Cẩu huyết lệ tân thu cũng đưa từ Tân Thư vào tên sách chắc để cổ vũ vai trò khai sáng, đi trước của Tân Thư Trung Quốc, nghĩa là tham khảo các biến đổi từ nước láng giềng Trung Hoa. Sau này, trong tổng kết lý luận, Cụ Phan đã nhận thức rất đúng rằng: “Cuộc cạnh tranh thế giới ngày nay tri thức với kinh tế chiếm phần rất lớn, còn dũng lực chỉ là một bộ phận mà thôi" (Dư cử liên lai sở tri chủ nghĩa, 1920).
Tân Thư cũng rút kinh kinh nghiệm từ sự thất bại của chính Trung Quốc trước Nhật Bản một nước Châu Á nhỏ bé, nhờ phát động cách mạng Minh Trị nên cường thịnh, đè bẹp cả triều đình nhà Thanh hủ bại của Trung Quốc. Cho nên không phải ngâu nhiên cụ Phan và các chí sĩ khác nhắc đến tên đảo "Lưu Cầu’ của Nhật và nhiều thông tin về Nhật, mở đường cho những ý tưởng trông đợi vào Nhật, noi theo con đường đi của cường quốc duy nhất thành công sớm về cả công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở châu á để cứu mình.
Điểm nữa là cụ Phan và chí sĩ khác tiếp nhận được các gợi mở của Tân Thư về sự lớn mạnh của cường quốc phương Tây nên họ nhận thức được là để cứu Việt Nam cần học theo con đường mà phương Tây đã trôi qua, dù là học theo từng phần, từng đoạn của cả lộ trình. Các cụ đã bắt đầu đề cập đến các thành tựu phương Tây về khoa học, công nghiệp, hiện đại hóa, quyền tự do dân chủ, thể chế chính trị, lao động tiền lương...
Tuy cụ Phan và các nhà tư tưởng, các nhà cách mạng cùng thời bị thất bại trong đấu tranh giành chính quyền nhưng các tư tưởng về chấn hưng giáo dục, nhận rõ sự yếu kém của người Việt để sửa đổi, vươn lên, học cách bồi dưỡng sử dụng nhân tài chấn hưng đất nước, mở cửa đất nước với tầm nhìn gắn với Châu Á, Thái Bình Dương, tăng cường hội nhập, hợp tác, cạnh tranh, tìm được chỗ đứng vững chắc cho quốc gia, dân tộc... vẫn mãi còn nguyên giá trị như những tư tưởng chiến lược.
Tân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục.
Do Tân thư lúc đó chủ yếu do một số nhà canh tân của Trung Hoa viết, bản thân họ tiếp thu từ sách báo tiếng Anh, tiếng Pháp của phương Tây cũng mới mẻ, số người thạo ngoại ngữ ít ỏi, các kiến thức quốc tế chưa nhuyễn, chưa đầy đủ nên khi truyền vào Việt Nam khó mà toàn vẹn và hệ thống hóa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập