Khi kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản
Vào ngày 16/8, văn phòng nội các Nhật Bản công bố báo cáo nhanh số liệu kinh tế cho thấy, tổng sản lượng GDP của nước này trong quý 2 là 1.288 tỷ đô la Mỹ, thấp hơn một chút so với 1.339 tỷ đô la Mỹ của Trung Quốc. Tuy tính chung cả 6 tháng đầu năm thì GDP của Nhật Bản vẫn cao hơn Trung Quốc một chút - 2.587 tỷ USD so với 2.532,5 tỷ USD - song với xu thế của quý 2, việc kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trong năm nay là điều chắc chắn. Cũng theo số liệu của Nhật, trong quý 2, kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 0,4%, thấp xa so với mức dự báo 2,3% và càng xa so với mức tăng trưởng 10,1% của Trung Quốc.
Chỉ mới 5 năm trước, GDP của Trung Quốc là 2.300 tỷ USD, bằng một nửa của Nhật, song trong vài năm qua, Trung Quốc đã lần lượt vượt qua Anh, Pháp và Đức, bây giờ vượt qua cả Nhật Bản. Đà tiến triển nhanh chóng của nền kinh tế này khiến người ta dự báo khoảng một thập niên nữa Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ (GDP năm 2009 của Mỹ là 14.000 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Thực ra, sự kiện kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản không gây ngạc nhiên vì đã được dự báo từ rất lâu: hai thập niên qua kinh tế Nhật bị trì trệ trong khi Trung Quốc tiến nhanh với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10% mỗi năm. Nhưng dù sao, đây cũng là một “cột mốc” trong kinh tế thế giới, đánh dấu một sự thay đổi mà theo đó thế giới sẽ phải thích ứng với một siêu cường kinh tế mới.
Nhật Bản đã từng giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bốn thập niên liên tiếp, nhưng so với Nhật, Trung Quốc hiện nay có lợi thế khác hẳn. Do vẫn là một “quốc gia đang phát triển” nên Trung Quốc còn nhiều dư địa để tiến tới. Tính theo thu nhập bình quân đầu người, với mức 3.600 USD/người/năm, Trung Quốc ngang với những nước thường thường bậc trung như Algeria, El Salvador và Albania, còn cách khá xa so với thu nhập của người Nhật Bản hay người Mỹ - vào khoảng 46.000 USD/người/năm. Theo báo Wall Street Journal, đến cuối năm nay, các nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo thứ tự sẽ là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý và Brazil.
Do quy mô dân số khổng lồ và năng động, trong những năm gần đây Trung Quốc đã có ảnh hưởng mạnh tới kinh tế thế giới, nhất là khi các nước công nghiệp bị rơi vào khủng hoảng tài chính. Nhiều quyết định của Trung Quốc, từ việc mua nguyên liệu đến chính sách tỷ giá, đều có tác động rộng và xa ngoài biên giới của nước này. Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại toàn cầu. Ông Vương Đào (Wang Tao), nhà kinh tế của ngân hàng UBS tại Bắc Kinh cho rằng: “Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển và có tác động lớn nhất tới giá cả nguyên liệu trên khắp thế giới, từ Nga, Ấn Độ, Úc sang tới châu Phi và châu Mỹ Latin”.
Để bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu, Trung Quốc đã vươn tay ra khắp các châu lục, ký kết hơn 200 hiệp định thương mại tự do và những hợp đồng khai khoáng trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ. Ông Eswar S, Prasad, giáo sư môn chính sách thương mại của Đại học Cornell và nguyên Trưởng bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2002-2004, nhận định: “Trung Quốc gây nhiều tác động đến kinh tế toàn cầu và thống trị châu Á. Đây là điều rất đáng chú ý ở một nền kinh tế có mức thu nhập bình quân đầu người khá thấp”. Cũng như nước Nhật trong thời hoàng kim những năm 1980, khi các công ty Nhật đem tiền đầu tư đi khắp các nước châu Á, Trung Quốc đã cố tranh thủ cảm tình của các nước láng giềng về “sự trỗi dậy hòa bình” của mình bằng những cam kết viện trợ, cho vay và đầu tư với những điều khoản dễ dãi hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây. Ngoài ra Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng lên các cuộc đối thoại toàn cầu ở nhiều chủ đề, chẳng hạn như năm ngoái nước này lớn tiếng đòi bãi bỏ vai trò độc tôn của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới hay làm thất bại những nỗ lực của hội nghị Copenhagen trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn sắp tới phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong giới hoạch định chính sách ngoại giao, càng ngày càng nổi lên quan điểm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa hấp dẫn vừa đe dọa và cần được xử lý một cách thận trọng. Ngay cả ông Lưu Giang Đồng (Liu Jiangyong), giáo sư Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng thừa nhận như vậy: “Trung Quốc cần xem lại hành động và giọng điệu của mình, làm sao để thế giới công nhận rằng chúng ta là một đất nước tươi đẹp, một dân tộc tốt đẹp”, ông Lưu nói.
Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào đầu tư và xuất khẩu trong khi đã có những dấu hiệu cho thấy lợi thế giá rẻ của hàng hóa nước này không còn nữa và nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đang co lại do những chính sách thắt lưng buộc bụng và sự chập chờn của công cuộc phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Với nhiều chuyên gia phương Tây, chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá của Trung Quốc là nguyên nhân chính gây ra sự mất cân bằng thương mại toàn cầu. Xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu chung quanh vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ chẳng những không dịu đi mà có dấu hiệu ngày càng căng thẳng khi nước này liên tục công bố những con số thặng dư mậu dịch khổng lồ.
Trung Quốc cần xem lại hành động và giọng điệu của mình, làm sao để thế giới công nhận rằng đó một đất nước tươi đẹp, một dân tộc tốt đẹp
Ở trong nước, Trung Quốc đang phải vật lộn với nhiều vấn đề nan giải như chênh lệch thu nhập của người dân ngày càng rộng, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, có khả năng gây bất ổn xã hội. Hệ thống ngân hàng - chủ yếu là ngân hàng quốc doanh - đang đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm tàng sau khi đã vung tay cho vay khá rộng rãi trong năm ngoái, buộc phải chuyển ra ngoài sổ sách nhiều khoản nợ lớn, giảm tốc độ cho vay và né tránh những quy định siết chặt của nhà nước.
Một số nhà phân tích cho rằng, trở ngại lớn của Trung Quốc còn ở chỗ, trong lúc ra sức khẳng định ảnh hưởng của một cường quốc kinh tế và tài chính - và thúc đẩy các doanh nghiệp của mình vươn ra toàn cầu, Trung Quốc vẫn không muốn đảm nhận một vai trò lớn lao hơn trong những vấn đề toàn cầu, vừa muốn thành quả của mình được công nhận, vừa muốn né tránh những đòi hỏi mà thế giới đặt ra cho họ. Giáo sư Eswar Prasad nhận xét: “Cùng với quy mô và ý chí còn có trách nhiệm, và họ [Trung Quốc] không nhiệt tình gánh vác các trách nhiệm ấy”.
Do quy mô dân số khổng lồ và năng động, trong những năm gần đây Trung Quốc đã có ảnh hưởng mạnh tới kinh tế thế giới
Trong vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu chẳng hạn, Trung Quốc đã không thể hiện đầy đủ trách nhiệm của một nền kinh tế lớn. Từ năm 2006, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất, nhưng khước từ mọi đề xuất về cắt giảm khí thải, viện lý do rằng Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, mức phát thải trên đầu người còn thấp so với các nước công nghiệp.
Đối với các nước láng giềng ở châu Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc tiềm ẩn những lợi ích nhưng cũng bao gồm nhiều thách thức. Với Nhật Bản chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp Nhật trước đây đã chuyển nhà máy sang Trung Quốc, khai thác lực lượng lao động giá rẻ để sản xuất hàng hóa bán ra khắp thế giới; và nay người Nhật nhìn thấy ở Trung Quốc một thị trường tiêu thụ lớn cho hàng hóa Nhật Bản khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng đông lên, giàu lên và thi nhau mua sắm hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, sự trỗi dậy quá nhanh của Trung Quốc và sự thụt lùi cũng quá nhanh của Nhật Bản không thể không gây ra những phản ứng tâm lý, nhất là khi giữa hai quốc gia còn nhiều vướng mắc chung quanh những vấn đề do lịch sử để lại. Trong một cuộc khảo sát mới đây của báo Asahi Shimbun - một trong các tờ báo lớn nhất Nhật Bản, có 54% số người được hỏi cho rằng việc kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản là “một vấn đề nghiêm trọng” trong khi 46% còn lại coi là chuyện bình thường.
Đối với Hàn Quốc, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất nhưng Trung Quốc cũng là đồng minh quan trọng nhất của đối thủ Bắc Triều Tiên. Đầu năm nay, một cuộc khảo sát của dự án Pew Global Attitudes Project nổi tiếng thế giới, ghi nhận 56% người Hàn Quốc có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc, chỉ có 39% có cái nhìn thiện cảm mà thôi. Sau vụ tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 4 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng trong một biến cố được cho là do Bắc Triều Tiên gây ra, chính sự bao che của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên càng làm cho người Hàn Quốc thêm mất cảm tình. “Thái độ của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của người Hàn Quốc”, ông Han Suk-hee, giáo sư Trung Quốc học tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói. Theo ông Han, người Hàn Quốc hy vọng quan hệ kinh tế mạnh mẽ sẽ thúc đẩy quan hệ quân sự và ngoại giao Trung - Hàn trở nên tốt đẹp hơn, nhưng “chúng tôi hết sức thất vọng”, ông Han nói.
Đối với Đông Nam Á, từ lâu Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại hàng đầu và giữa hai bên đã có nhiều hiệp định hợp tác quan trọng. Nhu cầu nguyên liệu và hàng hóa của Trung Quốc đã góp phần giúp kinh tế ASEAN vượt qua cuộc khủng hoảng và suy thoái toàn cầu. Nhưng ngay trong lĩnh vực kinh tế, chủ trương của Trung Quốc đối với ASEAN “mua nguyên liệu, bán sản phẩm” trong nhiều năm qua đã gây căng thẳng do cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Trung Quốc, nhiều nước ASEAN bị thâm hụt nặng nề, nhất là những nền kinh tế nhỏ và yếu như các nước Đông Dương, Philippines và Indonesia, đến nỗi Indonesia đã đơn phương đòi ngưng thi hành hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc mới có hiệu lực từ đầu năm nay.
Đặc biệt những hành động lấn lướt và đe dọa mà Trung Quốc liên tục tiến hành ở biển Đông đã làm cho các nước láng giềng Đông Nam Á hết sức khó chịu. Tại Diễn đàn khu vực châu Á tại Hà Nội tháng trước, 12 quốc gia trong và ngoài khối ASEAN đã ủng hộ đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thiết lập một cơ chế giải quyết xung đột trên biển Đông, bất chấp sự giận dữ và phản đối quyết liệt của Trung Quốc.
Như vậy Trung Quốc trở thành nền kinh tế quy mô lớn nhất châu Á đem lại nhiều cơ hội phát triển tốt đẹp cho các nước láng giềng và cho thế giới nói chung. Tuy nhiên những cơ hội ấy chỉ có thể đơm bông kết trái nếu giới lãnh đạo Trung Quốc bớt ảo tưởng về sức mạnh của mình, thực hiện đúng khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” mà họ đề ra, hành động tương xứng với vai trò một cường quốc có trách nhiệm, và sống như tiền nhân của họ đã dạy “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mà mình không muốn thì đừng gây cho người khác).
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá