Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá
Hôm nay đây, ở nơi còn mang hơi hướng Nguyễn Văn Tố, một bậc túc Nho lại cũng là người viết văn bằng tiếng Pháp du dương như viết bằng tiếng mẹ đẻ, xin phép được trích dẫn đôi lời Nguyễn Văn Tố (1) nói về một chí sĩ – cũng là nói về các cụ Đông Kinh Nghĩa thục :
Nguyễn Hữu Cầu nói : « Cái dân tộc trẻ trung thoắt cái đã bốn ngàn năm tuổi này đang thiếu một lý tưởng. Tức là nó đang thiếu một đức tin vào truyền thống của tổ quốc và đang thiếu cái ý thức của những con người tĩnh tâm về sứ mệnh của mình trong lịch sử và văn minh Đông Dương – gọi là đức tin hoặc gọi là ý thức cũng được, là những cái duy nhất làm cho một dân tộc đứng vững trong tương lai». […]
Nhưng mạnh về vật chất là chưa đủ, cái nước Việt Nam theo quan niệm của Nguyễn Hữu Cầu còn phải mạnh về trí tuệ: hơn cả những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần, còn phải thành tựu cả trong phẩm cách như một dấu ấn riêng của mình. Ông thường nói với học trò : « Tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc.»
Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục.
Thế nhưng, nay ta thử giả định chuyện sau : thực dân Pháp không đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Nguyễn Hữu Cầu cùng các chí sĩ khác không bị tù đầy, các cụ đàng hoàng ở thủ đô không ra Côn Đảo đập đá, ngôi trường ban đầu từ nhà riêng cụ Lương Văn Can với bảy chục học trò được phát triển rộng khắp… nghĩa là giả sử mọi việc đều trơn tru, thì chỉ như thế đã đủ điều kiện hiện đại hoá đất nước không ?
Đó không hề là câu hỏi lẩm cẩm. Vì hiện nay, nói cho đúng ra là mấy chục năm nay, chúng ta đã có và đang có đầy đủ, có thể nói là hơn mức đầy đủ nữa về những phương tiện, lại có cả một không khí xã hội hăm hở đòi hỏi và chắt bóp đóng góp cho cả nước thành một ngôi Nghĩa Thục vĩ đại ! Ấy thế mà, xin hãy nghĩ lại đi, vì sao bây giờ chính ngành Giáo dục ấy lại đưa ra cái khẩu hiệu Nói không với tiêu cực? Chưa kể là, dù cho có thể nhất trí cùng thét to « Không » với cái tiêu cực, nhưng liệu đã biết đường mà nói « Có » với cái gì thay thế vào chỗ trống kia chưa ?
Hoá ra, lại phải quay trở về với khái niệm hiện đại hoá, để có một định nghĩa không cốt thoả mãn thói tầm chương trích cú, mà là một định nghĩa dắt dẫn cho một cách làm.
Các cụ Đông Kinh Nghĩa thục khi xưa nghĩ đến hiện đại hoá đất nước bằng tấm gương Nhật Bản. Nhưng nào đâu trong một đêm mà có nổi một nước Nhật Bản hiện đại như trong mơ ?
Nhà báo Pháp Robert Guillain (2), trong cuốn sách xuất bản năm 1968 kỷ niệm 100 năm nước Nhật hiện đại hóa đã kể là, vào năm 1864, vua Meiji nước Nhật bắt đầu công cuộc "học phương Tây" dẫn nước Phù Tang này đi vào hiện đại hóa và công nghiệp hóa, khi đó nước Nhật mới chỉ có vài chục kilômet đường sắt. Bữa khánh thành đường sắt, khi bước vào toa xe, các bậc chức sắc còn ngỡ là phải trụt dép để cả bên ngoài sân ga, đến nỗi khi vào cố cung thì ai ai cũng đi chân trần. Còn các mệnh phụ phu nhân thì mặc áo trong, áo ngoài xù xù, sau đó mãi tận ngoài cùng còn đeo toòng teng thêm một thứ "áo" quý báu chắc là mới được các sứ thần châu Âu tặng, gọi bằng cái "xú-chiêng".
Chuyện đi chân trần và khoác “xử tiên” vào cố cung yết kiến người khai sinh ra đổi mới ở Nhật Bản năm 1868 là bình thường nếu ta nhớ lại là ở một quốc gia vĩ đại không kém cũng có vô số mệnh phụ mặc váy ngủ ra đường, thậm chí lẻ tẻ có cả ca sĩ mặc váy ngủ lên sàn diễn. Sự kiện tức cười đó buộc ta phải xác định các bước đi cho hiện đại hoá theo chiều sâu văn hoá.
Muốn đất nước hiện đại hoá, chỉ hô khẩu hiệu thôi không đủ, mà xuất phát từ khởi điểm số không của một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, thì cần đến hai điều kiện tiên quyết.
Điều kiện thứ nhất là phải có bậc đại nhân đại trí lãnh đạo để mở cửa đất nước đúng hướng. Mở cửa ra phía nào? Mở ra phía nào có được cái tinh thần và cách lao động hiện đại hoá. Năm 1868, vua Meiji nước Nhật là một bậc đại anh minh đó. Rõ ràng là một tư tưởng mở cửa Nhật Bản khi đó hơn hẳn cái con người cũng đứng đầu một đất nước nhưng lại không tin là trên đời này có nổi một thứ « ngọn đèn treo ngược » ! Và « mở cửa » thì cũng phải biết hướng cửa mở : nước Nhật của vua Meiji không mở sang phía Trung Hoa, cũng chẳng mở sang nước Nga Xa-hoàng, mà nó mở vào chỗ đáng mở: phương Tây, mặc dù trong nước vẫn có tư tưởng bài phương Tây (hệt như ở ta : chống lại lũ « Tây dương ngoại quỷ »). Nhưng mở cửa sang phía Tây là mở vào một nền sản xuất mới, khác hẳn về bản chất với nền sản xuất của phương Đông cổ lỗ, tiểu nông.
Nhưng lại gỉả sử tiếp theo cái ông vua anh minh nào đó, liệu có thể có được nhiều ông vua khác giỏi như thế hoặc hơn thế, hay là lại gặp những phần tử kém cỏi hơn, hèn yếu hơn, dốt nát hơn ? Vậy, cái gì sẽ bảo đảm cho sự hiện đại hoá được bền vững đến nơi đến chốn ? Câu giải đáp chỉ có thể là: chính sự công nghiệp hoá sẽ nuôi công cuộc hiện đại hoá khiến cho tiến trình ấy không thể đảo ngược.
Đông kinh nghĩa thục đã mở đầu cuộc cách tân văn hoá Bắc Kỳ, (thực chất là một tổ chức cách mạng hoạt động bán công khai phát huy tinh thần của phong trào cách mạng Duy Tân - tư duy quốc dân mới, từ bỏ cái cũ và tiếp thu cái mới: chấn hưng giáo dục, khoa học và cách tân đất nước) do sáng kiến của hai sĩ phu tiến bộ Lương Văn Can và Nguyễn Quyền tháng 3/1907 đến tháng 12/1907 bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa và lần lượt bắt giam những người chủ trì và một số sĩ phu yêu nước khác. (Nguyên Ngọc)... Về thực chất, Đông Kinh Nghĩa Thục (...) chính là một cuộc vận động và thực hành cải cách giáo dục rộng lớn, sâu sắc, cơ bản và sớm một cách đáng kinh ngạc. (...) Đặc biệt, chủ trương cải cách giáo dục đó được đặt trong một "hệ thống mẹ" rộng lớn, bao quát hơn, gắn liền và là động lực quan trọng để chuyển động một hệ thống mẹ ấy: cải tạo có tính cách mạng toàn bộ xã hội. Đó quả thật là một hiện tượng đặc sắc, một tỉnh ngộ anh minh và dũng cảm khác thường, một nhận thức ới có tính chất chuyển thời đại, còn mới mẻ và thiết thực cho đến tận ngày nay... |
Ta sẽ thấy một điều kiện thứ hai vô cùng quan trọng ấy là cuộc cách mạng trong công nghiệp đem lại cho loài người cái gì quý hơn cả những sản vật công nghiệp. Nhà Nghĩa Thục cần thấy chính nền công nghiệp mới tạo ra nổi một tư duy mới, tư duy công nghiệp, cái tư duy không sinh ra nhờ những lời khuyên chi hồ giả giã, mà sinh ra bằng hành vi công nghiệp hoá. Không chỉ tư duy trong sản xuất công nghiệp, thời đại công nghiệp hóa đề ra yêu cầu xít xao phổ biến về tư duy mới trên mọi mặt hoạt động. Ngay trò chơi cho trẻ em cũng phải mang dấu ấn huấn luyện tư duy mới ! Những đồ dùng dạy học cũng không thể chỉ là đem tiền đi mua nhựa đùn ra những chữ số và những con chữ rất xa với việc xây dựng tư duy mới cho con em Việt Nam Nghĩa thục.
Cần một tư duy công nghiệp. Cái tư duy công nghiệp khiến con người thành con người hiện đại, với những yếu tố tư duy thay đổi hoàn toàn. Về sản xuất, tư duy công nghiệp thay thế lối sản xuất cầu may bằng lối sản xuất có thiết kế sẵn, và tạo ra một thứ kỷ luật sản xuất không dựa trên roi vọt, mà là kỷ luật tự giác dựa trên sự hợp tác với nhau về kỹ thuật mà nếu thiếu đi một khâu trong chuỗi công nghệ thì sẽ không biến được các bán thành phẩm thành ra sản phẩm cuối cùng.
Như vậy là một ông Meiji anh minh có thể chết đi, cuộc sống cũng chẳng cần lắm đến ông sau cũng anh minh ngang thế hoặc hơn thế. Chính nền sản xuất công nghiệp sẽ thành kẻ lãnh tụ vô hình dắt dẫn con người.
Và thế là bây giờ ta có thể có một định nghĩa cô đúc thế nào là hiện đại hoá. Hiện đại hoá là thành tựu xã hội cả về vật chất và tinh thần thấm đến cuộc sống của từng công dân, cái thành tựu được bảo đảm bằng công cuộc công nghiệp hoá và bằng một tư duy công nghiệp hoá.
Hiện đại hoá như vậy sẽ không phải là bắt chước ai, chẳng “ theo Tây ” mà cũng chẳng “ Âu-Mỹ hoá ” về bề ngoài, mà đó là một nền văn hoá (3) có cái mặt bằng là nền sản xuất công nghiệp hoá. Nếu không tự tay mình làm nên nền văn hoá hiện đại hoá, thì có mô tô cũng chỉ biết đem ra đua xe, có giàn âm thanh cũng chỉ để đem ra “ lắc ”, có tiền tham nhũng ê hề cũng chỉ để đem đi đánh bạc… Chỉ đến trình độ ấy, thì đất nước có thể nhiều của cải vật chất, nhưng giàu mà vẫn không mạnh. Vật chất ấy chỉ như nấm mọc sau một trận mưa, không giống như nền văn hoá của cánh rừng già cả trăm năm nghìn năm sâu rễ bền gốc.
Hiện đại hoá phải là những thành tựu chứa đựng cả hai mặt vật chất và tinh thần – mặt vật chất là những phương tiện giúp con người sống sung sướng hơn, và mặt tinh thần là một phương cách tư duy tương ứng – như thế đã đành. Thành tựu đó lại phải thấm đẫm vào từng người dân, chứ không thể chỉ là “phúc lợi” hạn hẹp cho những người vì lý do nào đó mà chui lọt vào “tầng lớp tinh hoa”. Một cuộc sống muốn được hiện đại hoá triệt để thì cần có các yếu tố tự do, dân chủ, pháp chế hết sức rành mạch, công khai, minh bạch. Ba yếu tố xã hội vừa kể là điều không thể thiếu để cuộc sống công nghiệp hoá được hoạt động trơn tru và nó có hoạt động trơn tru thì mới có cuộc sống hiện đại hoá triệt để.
Nay, nghĩ lại lời dặn dò của cụ cử Nguyễn Hữu Cầu của Đông Kinh Nghĩa thục, ta nhớ đến một lời dặn phải hiện đại hoá dân tộc này, một dân tộc… mạnh về vật chất là chưa đủ, cái nước Việt Nam theo quan niệm của Nguyễn Hữu Cầu còn phải mạnh về trí tuệ: hơn cả những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần, còn phải thành tựu cả trong phẩm cách như một dấu ấn riêng của mình. Nhưng ta cần nghĩ thêm về giải pháp hiện đại hoá mà vào lúc đó các cụ tiền bối mới mang máng trong đầu chứ chưa thực sự trải nghiệm.
(1) Báo Le peuple Hà Nội, ngày 4 tháng 8-1946.
(2)Robert Guillain, Japon, troisième Grand, (Nhật Bản, cường quốc thứ ba), Seuil xuất bản, Paris, 1969
(3)Xin tham khảo khái niệm “Văn hoá” của cùng người viết trên Tia sáng số tháng 7-2005, trong đó định nghĩa vắn tắt như sau : Văn hoá là cái khác với tự nhiên. Diễn giải mệnh đề đó như sau : một quả núi để nguyên con người không đụng tới, thì đó là quả núi tự nhiên hoang dã. Nhưng có bàn tay người, thì sẽ có “ văn hoá nương rẫy ” hoặc có khi có cả “ văn hoá sinh thái-du lịch ”… Một con sông Hồng để tự nhiên thì đó chỉ là con sông hoang dã. Nhưng có bàn tay con người chạm vào, thì sẽ có “ văn hoá lúa nước ”, “ văn hoá làng xã ”… vùng đồng bằng sông Hồng.
Vị trí quan trọng của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam
(PGS.TS. Chương Thâu, Viện Sử học)
Khoảnh khắc giao thời giữa hai thế kỷ (XIX và XX) ở vùng Đông Á lúc bấy giờ diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, nhất là ở Nhật và ở Trung Quốc. Vận động duy tân ở Nhật Bản, bắt đầu tới Minh Trị Thiên hoàng, đưa đến kết quả rực rỡ. Nước Nhật tiến lên thành một cường quốc, đánh thắng được nước Nga. Cả thế giới, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, thừa nhận là nhờ có duy tân, nước Nhật mới đạt được thành tựu lớn như vậy. Vận động Duy Tân ở Trung Quốc, bắt đầu với vua Quang Tự, gặp sự cản trở của thế lực phong kiến, rồi sự xâu xé của các liệt cường, trải nhiều biến cố mới đi đến cuộc Cách mạng Tân Hợi. Nhưng chính cuộc vận động này đã dồn dập xuất hiện rất nhiều tác phẩm lý luận chính trị xã hội, làm cho giới nho sĩ ở Trung Quốc sực tỉnh, chuyển biến theo đường lối mới, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước ở trong vùng. Cả khu vực Đông Á đang bắt đầu thức tỉnh, trong đó có Việt Nam.
Riêng ở đất nước ta, tình hình đầu thế kỷ này cùng đầy biến động. Phong trào Cần Vương đã bị dập tắt, nhưng tinh thần diệt thù cứu nước vẫn chưa chìm xuống. Tiếng vang từ các cuộc khởi nghĩa (từ Phan Đình Phùng đến Đề Thám) vẫn còn ảnh hưởng lớn, vẫn thôi thúc mọi người. Lớp văn thân trước kia, có vai trò chỉ đạo các cuộc nổi dậy, tuy không còn người lãnh tụ tiêu biểu nữa, song cái chí nguyện độc lập, tự do, chống bọn xâm lăng của họ vẫn còn đó, còn nung nấu chí nguyện phục thù. Một số nhà nho kế cận vẫn còn bị hấp dẫn bởi những ngọn cờ quật khởi, vẫn ước mong được vì "non nước tuốt gươm ra". Tuy nhiên, đã phảng phất cái quan niệm nhận thấy rằng những biện pháp đấu tranh: lập căn cứ riêng, cướp thành, giành đất như các cuộc khởi nghĩa trước đây có lẽ là không ổn. Phải gánh đích bằng những phương sách khác phải tiến hành cách mạng bằng các hình thức đấu tranh khác.
Thời kỳ bình định cơ bản đã qua rồi, chính quyền thực dân đang chuyển sang đường lối khai thác, và vì thế mà đất nước này mang thêm những cục diện mới. Vừa muốn kìm hãm xã hội, nhưng lại cũng vừa cần phải có sự đổi thay mới hợp với sự điều hành của kẻ cầm quyền. Miền Bắc, miền Trung chưa có bao nhiêu, nhưng miền Nam đã đổi thay nhiều lắm. Tổ chức quản lý khác việc học hành phải theo chương trình Pháp, khoa cử bị bỏ, việc đào tạo trước nhất là kiếm người phục vụ cho bọn thực dân. Việc kinh doanh được mở mang, các đồn điền, nhà máy bắt đầu phát triển. Khá quan trọng là sự ra đời của những người làm nghề tự do, và sự tiếp thu văn hoá mới từ phương Tây đưa đến. Bấy nhiêu biến cố đã làm cho các nhà nho phải nhìn thế cuộc bằng con mắt khác. Rõ ràng là xã hội đang có cái mới, ngày càng nhiều và phát triển, nhà nho không muốn chấp nhận cái mới ấy cũng không được.
Đúng lúc ấy thì có khuynh hướng duy tân - nhất là từ bên Nhật đưa sang. Những nhà nho còn dồi dào nhiệt huyết nhất bỗng thấy tăng sức mạnh cho "giống da vàng đánh bại bọn da trắng". Vậy là phải duy tân, và có thể bắt chước hướng duy tân của Nhật Bản. Một số nhà nho mạnh bạo nhất, có ý chí phục thù quyết liệt nhất, đã thiên về khuynh hướng ấy. Nếu tấm gương duy tân Nhật Bản kích thích một bộ phận nhà nho Việt Nam một cách sôi nổi, thì ở một bộ phận nhà nho khác, tình huống cuộc duy tân Trung Quốc lại có phần đậm đà hơn. Lý do đơn giản là vì sách báo của Trung Hoa vào Việt Nam dễ hơn, đọc nhanh và cũng hiểu nhanh hơn. Chưa thấy nói có tác phẩm nào của Nhật Bản bằng tiếng Nhật được lưu hành ở nước ta, và những hiểu biết về Nhật Bản lúc đó, cũng chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ của Trung Quốc. Lúc đó, ở Trung Quốc tư tưởng duy tân càng thêm sôi nổi. Một loạt tác giả mới, sách báo mới của những hội nghiên cứu, hội chính trị mới đã ra đời, đều có tính hướng đến Việt Nam. Tất cả đều nhất loạt hô hào cái mới, lên án Thanh triều hủ bại, đòi bỏ khoa cử, phủ nhận chế độ phong kiến, đề cao dân chủ, tán thành dân quốc.
Các tác phẩm phương Tây cổ xuý cho tư tưởng dân chủ đều được dịch ra, những tên tuổi mới lạ được phiên âm thành Hán tự ta trở nên quen thuộc: Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Lư Thoa (J.J Rousseau), Phúc Lộc Đắc Nhĩ (Voltaire), v.v... Các nhà nho Việt Nam đã được đọc những sách ấy và hào hứng tiếp thu, trân trọng những kiến giải mà họ cho là hợp lý nhất, mới nhất và đúng nhất với lịch sử nhân loại tiến hoá. Họ cảm thấy phải đi theo con đường này, và đó cũng là con đường cứu nước hiệu nghiệm. Cũng như một số nhà nho trên, lòng yêu nước của họ chưa hề nguội lạnh, con đường duy tân này cũng là con đường thích hợp mà có phần nào chưa phải trực tiếp đương đầu với gươm súng của bọn thực dân.
Thế là hình thành ra hai phái trong công cuộc vận động cứu nước. Một phái chủ trương giành độc lập trước nhất, phải vũ trang bạo động, nếu sức mình chưa đủ thì tìm viện trợ ở ngoài. Hoạt động theo hướng này, nếu ở ngay trong nước thì phải tiến hành một cách bí mật, nếu ở ngoài nước thì hăng hái học tập Nhật Bản và Trung Quốc, tất nhiên phải đề phòng sự khủng bố truy lùng của địch. Những nhà nho đi con đường này được xem là nằm trong tổ chức bí mật, gọi là ám xã. Phe ám xã sang Tàu, nhất là sang Nhật, tức là làm nhiệm vụ Đông Du. Còn phe kia, tiến hành vận động đổi mới ngay trong nước, tìm cách khai thác triệt để những điều kiện công khai, hô hào nâng cao dân trí, với danh nghĩa là thúc đẩy cho quần chúng thấy rõ cái hủ bại của đất nước dưới chế độ phong kiến quân chủ. Việc làm này có thể tiến hành đàng hoàng trước bộ máy chính quyền thực dân và tay sai. Vì thế, người ta gọi họ là ở trong phái minh xã. Minh xã hay ám xã, thì vẫn cùng chung mục đích đổi mới đất nước, giải phóng dân tộc.
Trong quá trình tuyên truyền giải thích chủ trương, có trường hợp các nhà nho trong hai phái này tranh luận với nhau, thậm chí phản đối nhau kịch liệt, nhưng thật ra thì họ "tương phản nhi tương thành" (chữ dùng của Huỳnh Thúc Kháng). Dân chúng không hề nhầm lẫn điều đó, mà vẫn kính trọng, vẫn ủng hộ cả hai với nhiệt tình ca ngợi và tuân thủ như nhau. Họ đều được xem là những nhà chí sĩ cứu nước. Có người còn nghĩ rằng, chính các nhà nho phân công nhau, chia việc cho nhau và để cùng đi tới kết quả. Bản thân hai phái nhà nho này, trong nhiều trường hợp, đã có cách nói như nhau, đặt vấn đề phục vụ dân tộc như nhau, chứ không hề trái ngược gì nhau cả.
Hai ông Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu không nhất trí với nhau về đường lối, nhưng vẫn là bạn đồng chí, đồng tâm, và phong trào được gọi là Duy Tân (bao gồm cả Đông Kinh nghĩa thục) cũng có quan hệ với Duy Tân hội và với Quang Phục hội. Bọn thực dân và tay sai, hiểu rõ điều này hơn ai hết, và đã tìm cách khủng bố cả hai phái ám xã, minh xã với biện pháp khắc nghiệt như nhau.
Việc vận động duy tân trong nước chủ yếu là do phái minh xã. Cách tiếp nhận tư tưởng duy tân của hệ, chủ yếu là bằng tân thư, nghĩa là bằng sách báo ở Trung Quốc, ở Nhật Bản truyền sang. Có thể nhận ra trong kho sách này những loại tài liệu sau đây:
1. Loại sách giới thiệu, thuyết minh về tư tưởng duy tân dân chủ (tân thư). Có những bộ phận sách tiêu biểu như Đại đồng thư của Khang Hữu Vi, nhất là bộ sách Ẩm Băng Thất tùng thư của Lương Khải Siêu. Bộ sách này có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà nho Việt
Nam. Đọc Trung Quốc hồn, người ta cảm thấy Lương Khải Siêu không chỉ nói về Trung Quốc mà đang nói về Việt Nam với tất cả các lạc hậu của xã hội, những hiểm hoạ đối với nòi giống trước tình hình mới. Quyển sách Mậu Tuất chính biến ký, kể rõ cuộc vận động duy tân thất bại của Quang Tự, cho thấy được những xáo động lớn lao của Trung Quốc và đã thôi thúc nho sĩ Việt Nam cần phải kịp thời đổi mới, thấy rõ hơn bộ mặt và bản chất phản động của chế độ phong kiến quân chủ. Hai tác giả Khang, Lương trở thành những lý thuyết gia chỉ lối đưa đường cho các nhà nho duy tân.
2. Cùng với Mậu Tuất chính biến ký, còn có một số sách có tính cách là những tập vịnh sử, ký sự về tình hình hiện đại của Nhật Bản như Nhật Bản duy tân tam thập niên sử (bản dịch chữ Hán của La Hiếu Cao), v.v... Tấm gương duy tân của các nước láng giềng được các sách này vẽ ra trước mắt các nhà nho, càng tăng thêm hào hứng và quyết tâm đi vào hoạt động.
3. Nhiều tập sách nêu những tấm gương chiến đấu của các chí sĩ các nhà hoạt động chính trị, hoạt động cách mạng của toàn thế giới cũng được các nhà nho đón đọc một cách say sưa. Có tập như Kinh quốc mỹ đàm, nêu gương phụ nữ: Các bà Qua Đặc (Jeane d’Arc), bà La Lan (Roland); có tập như Cận thế chi quái kiệt, đề cập đến đủ loại anh hùng, đều là những người anh hùng có công đổi mới đất nước của họ, dù đó là vua chúa hay tổng thống, giám quốc: Vua Bỉ Đắc (Pierre le Giand) ở Nga, Hoa Thịnh Đốn (Washington) ở Mỹ, Nã Phá Luân (Napoléon) ở Pháp, Tỉ Sĩ Mạch (Bismarck) ở Đức v.v... Nhiều sách báo khác cũng nêu những tấm gương như Mã Chí Nê (Mazzini), Gia Lý Ba Đích (Garibaldi) ở Ý, như Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi), Cát Điền Tùng Âm (Yoshida Syoin) ở Nhật, v.v...
Tóm lại, nhà nho Việt Nam lúc này đã được làm quen và sùng mộ tất cả những nhà ái quốc cổ kim. Tất cả đều được xem là thần tượng và đều được đưa vào văn chương cổ động Việt Nam: người đọc nếu không hiểu, phải tìm lấy mà hiểu1). Thậm chí, có những người lấy ngay tên các thần tượng ấy đặt làm biệt hiệu của mình. Phan Châu Trinh tự đặt tên mình là Hy Mã (Mã Chí Nề: Mazzini).
4. Cùng với loại sách này là những tập sách dịch các luận thuyết của các nhà tư tưởng thế kỷ XVIII ở phương Tây (có nhiều bản dịch ra Hán văn của nhiều tầng lớp dịch giả). Được quen thuộc nhất là bộ Vạn pháp tinh lý của Mạnh Đức Tư Cứu (Esprit aes Lois của Montesquieu), bộ Dân ước của Lư Thoa (Contrat social của J.J. Rousseau). Rồi những sách của Đạt Nhĩ Văn (Đarwin), Tư Tân Tắc Nhĩ (Spencer), v.v... Tư tưởng dân chủ trong các lý thuyết này có giá trị chi đạo rất lớn, và các lý thuyết gia này luôn được ca ngợi. Phan Bội Châu khi viếng Phan Châu Trinh đã phải viết:
Cậy Tây học dặn dò phương tự chủ, Lư Thoa, Mạnh Đức so sánh người xưa. Câu văn ấy đã nói đủ ý tứ sùng mộ của các nhà nho thời ấy.
5. Cuối cùng, còn phải nhắc đến các báo chí (tân văn) nhất là của Trung Quốc được truyền sang Việt Nam lúc bấy giờ, đều là tài liệu quý được các nhà nho đón nhận. Đặc biệt là tờ Dân báo của Trung Quốc Đồng minh do Chương Thái Viêm làm chủ bút. Cùng với các ông Đàm Tự Đồng, Trâu Dung, Lương Khai Siêu, v.v... Chương Thái Viêm là một kiện tướng xuất sắc trong trường ngôn luận lúc bấy giờ.
Cùng với những loại sách báo này, người ta cùng tìm cách cho lưu hành những văn bản của những người Việt Nam tiên giác như Các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, bản Thiên hạ đại thể luận của Nguyễn Lộ Trạch. Ngoài ra, khuynh hướng chú trọng về thực nghiệm khiến cho một số nhà nho cũng tìm cách nghiên cứu một số vấn đề khoa học. Các sách cũ (không thuộc thời kỳ duy tân) ở Trung Quốc lại được lục ra để tìm hiểu về nhiều lĩnh vực: Sách nông nghiệp như Nông chính toàn thư, sách thiên văn như Quản khu trắc lệ.
Rồi những sách theo dạng tu tri (toán pháp, cách trí, v.v…) đều được tìm đọc. Đã nói cách học xưa là học hư văn, thì học mới phải chuyên về thực nghiệp. Điều đó được các nhà nho nhận thức một cách sâu sắc và cảm động, khiến cho họ phải tìm cách tự trang bị kiến thức, trong hoàn cảnh giáo dục lúc bấy giờ.
Tiếp thu tân thư tân văn như vậy, đồng thời các nhà nho minh xã cũng bắt tay vào hành động. Việc làm của họ tập trung vào một chủ đích lớn là thức tỉnh đồng bào, cốt nhằm cho nhân dân quần chúng cả nước thấy rõ nguyên nhân vì đâu mà chúng ta sống trong tình trạng "người ngu, nước yếu "(chữ dùng của Ngô Đức Kế). Họ trực tiếp đả kích cái học cũ,
đầu óc hủ nho và lối văn chương bát cổ làm mê muội con người. Họ công kích những thói hư tật xấu và lên án chế độ phong kiến, chế độ quân chủ, nhắc nhở đến lịch sử cha ông, vạch rõ những thảm cảnh của đất nước lâm vòng nô lệ. Hướng đi của họ là nhằm cổ động cái học mới (tân học) và cổ động cho thực nghiệp. Để thực hiện cho chủ trương này, việc làm cụ thể của họ là:
- Mở các trường học: Các nhà Duy Tân ở Quảng Nam (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) đi đầu trong việc đề xướng khai dân tự với việc mở hàng loạt trường ở hầu khắp các làng quê của xứ Quảng. Đó là các ngôi trường kiểu mới của dân tộc đầu thế kỷ trước. Nhưng tiêu biểu hơn cả là trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội (đã có nhiều tài liệu viết về trường này). Nhà trường có chương trình đường lối như Văn minh tân học sách, có tổ chức quy mô thu nhận hàng nghìn học sinh, có nhiều hình thức hấp dẫn:
“Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách tới như mưa"- Nhà trường có nhiều tác phẩm xuất sắc được lưu hành, phổ biến ra cả ngoài trường như những tài liệu tuyên truyền cứu nước. Nhiều địa phương khác trong Nam ngoài Bắc đã cố gắng phỏng theo mô hình này, dù ở quy mô nhỏ hẹp hơn.
- Tổ chức diễn thuyết ở nhiều nơi, nói về các đề tài liên quan đến vận động học mới, đả kích tư tưởng, phong tục cổ hủ, đề cao dân chủ dân quyền. Rất nhiều nhà nho có uy tín (các vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài, các ông đốc học, giáo thụ, huấn đạo) tham gia công việc này, gây một phong trào truyền bá tân học rất sôi nổi.
- Lập các hội buôn, các nhà hàng để giới thiệu, thông thương các hàng nội hoá, bán sách tân thư. Cửa hàng Hồng Tân Hưng (nối theo Đông Kinh nghĩa thục) miền Bắc, cửa hàng Triệu Dương thương quán (Nghệ An), cửa hàng Liên Thành (miền Nam Trung Bộ),... là những thí dụ.
- Ngoài những hình thức trên đây, ở một số nơi khác trong nước, còn có những phong trào đột khởi, cũng do những nhà nho duy tân tiến hành. Khởi đầu, có lẽ là do sáng kiến của một vài vị thân sĩ nào đó, sau được lớp nhà nho trẻ tuổi thực hiện một cách ào ạt.
Thí dụ như phong trào cắt tóc: cắt cái búi tóc được xem là một hình thức tiêu biểu cho cái tục hủ cổ truyền của Việt Nam.
Những hành động như trên, cố nhiên là do sự chỉ đạo, sự thôi thúc của các nhà nho trong phái minh xã. Nhưng trong phạm vi bí mật, không phải không có tác động của phái ám xã. Tài liệu học tập ở Đông Kinh nghĩa thục có những thơ văn cổ động của phái Đông Du được dịch và lưu hành (Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu được Lê Đại dịch). Có cả những liên lạc kín đáo giữa phong trào Đề Thám với trường này. Và ở miền trong, sự thân tình của Phan Bội Châu (lãnh tụ phái ám xã) cùng các ông Đặng Nguyên Cẩn, Trần Quý Cáp càng chứng tỏ họ cùng chung mục đích. Bản án kết tội Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành, Lê Bá Trinh của thực dân, nói rõ là những người này (minh xã) đã thông đồng với Phan Bội Châu (ám xã).
Rồi như chúng ta đã biết, tất cả thế hệ nhà nho này, từ Nam chí Bắc, đều bị khủng bố.
Hàng trăm nhà nho đều bị đưa ra Côn Đảo giam cầm. Trong cuộc đàn áp phong trào chống thuế, một số nhà nho cầm đầu đã bị địch tử hình (Trần Quý Cáp, Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Bá Loan...). Huỳnh Thúc Kháng nói đây là giai đoạn "mạt kiếp của chữ Hán" (Thi tù tùng thoại).
Điều đặc biệt đáng ghi nhận ở đây là những nhà nho trong phái duy tân, có khá nhiều là những cây bút văn chương xuất sắc. Họ trung thành với chủ trương đánh thức đồng bào, bài xích hư văn, hô hào thực nghiệp. Có lẽ lần đầu tiên đất nước Việt Nam này mới có một chương trình vận động văn hoá có bài bản, có lý luận hẳn hoi. Trước đây, văn chương và học thuật Việt Nam không đề xuất được một tí lý luận nào, ngoài cái phương châm "văn dĩ tải đạo" quen thuộc từ bên ngoài đưa đến. Mãi sau này, vào giữa thế kỷ XX, một vài năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản mới đưa ra Đề cương văn hoá, đề xuất lý luận quan điểm tiến bộ về phương diện này. Vinh dự cho các nhà nho duy tân, cho Đông Kinh nghĩa thục là đã đưa ra bản Văn minh tân học sách, chỉ rõ được bốn nguyên nhân kìm hãm văn hoá dân tộc và đề ra sáu phương châm vận động văn hoá mới. Giờ đây, ta có thể thấy nhiều bất cập trong đường lối chính sách đó, nhưng đặt vào hoàn cảnh đương thời, thì đó phải xem là một thành tựu lớn trong lịch sử phát triển văn hoá Việt Nam. Tiếp theo đường lối cơ bản đó là những tác phẩm có giá trị nhất định cả về văn chương và tư tưởng. Các nhà văn của Đông Kinh nghĩa thục có rất nhiều sáng kiến biến hoá, sử dụng nhiều thể loại phục vụ mục đích tuyên truyền giáo dục của mình:
- Họ viết rất nhiều các bài thơ cổ động, dùng vần điệu lục bát, nhắc nhở quần chúng về từng nhiệm vụ duy tân cụ thể. Họ có sáng kiến tìm những đầu đề hấp dẫn, khêu gợi, rất hợp với tâm lý quần chúng. Bài thơ ngắn này là Kêu hồn nước, bài ca trù gọn nhẹ kia là để hú hồn thanh niên. Rồi những lời mẹ dạy con, vợ khuyên chồng rất thích hợp với sự tiếp nhận của đại đa số quần chúng.
- Họ viết những bài thơ có tính cách chuyên đề, đi hẳn vào những yêu cầu tố cáo thói hư tật xấu, hoặc hướng dẫn một nhiệm vụ cụ thể, chỉ rõ từng vấn đề thiết cốt trong nhiệm vụ duy tân. Đây là bản Cáo hủ lậu văn, kia là bản Giác thế tân thanh, rồi đến những bài Khuyên học quốc ngữ, học chuyên môn, học công nghệ, học buôn bán. Kia là những bài khuyên đoàn kết, khuyên hợp quần. Tất cả những gì cần thiết cho sự đổi mới, Đông Kinh
nghĩa thục tiêu đề cập đến một cách gọn gàng, thiết thực.
- Đông Kinh nghĩa thục là một trường học. Nhà trường phải có tài liệu giáo dục, có sách giáo khoa. Cũng là lần đầu tiên mà đất nước ta có những bài dạy lịch sử, địa lý Việt Nam bằng văn chương quốc ngữ. Những tập sách như Quốc dân độc bản đã được biên soạn và phát hành với số lượng lớn, được quần chúng cả nước hoan nghênh. Nhiệm vụ duy tân thể hiện bằng phương pháp giáo dục công khai trước mũi của chính quyền thực dân, phải nói là sáng kiến tài tình và là điều rất mới trong lịch sử giáo dục. Từ xưa, các nhà nho chỉ biết giáo khoa là Ngũ kinh Tứ thư quá lắm nữa là các bài giảng về đạo đức, các sách gia huấn hoặc sách từ vựng chứ đã biết đến những hình thức giáo khoa này đâu. Đó thực sự là nét duy tân của phong trào, có ý nghĩa lịch sử.
- Ngoài ra, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục còn là những tài liệu cổ động của các nhà cách mạng ở nước ngoài, như bản Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, Tỉnh quốc hồn ca củaPhan Châu Trinh đã được các thầy giáo Đông Kinh nghĩa thục cho phổ biến rộng rãi. Còn phải nhắc đến những bài nói chuyện, bài diễn thuyết của nhiều trí thức, có chân trong phong trào Duy Tân hay không, đều dược chấp nhận, miễn là góp phần vào sự thức tỉnh quốc dân mà các chí sĩ duy tân đang thiết tha cổ vũ. Chắc có thể có cả những tài liệu của các học giả nước ngoài, những loại tân thư của Trung Quốc như trên đã nói.
Có kế hoạch tổ chức quy mô như vậy, có trình độ biên soạn, tuyên truyền và huấn luyện như vậy, điều không đáng ngạc nhiên là Đông Kinh nghĩa thục đã đạt được những thành công. Chính quyền thực dân nhất định phải e sợ tổ chức của các nhà duy tân, và đã thành lập những kiểu trường gọi là trường Tân Quy2) đã tranh giành ảnh hưởng. Nhưng tranh giành sao được, khi mà những con người do đế quốc thực dân chỉ định không có lý tưởng duy tân, và nhất là không có được niềm tin của quần chúng. Bọn cầm quyền chỉ có cách cuối cùng là bóp chết Đông Kinh nghĩa thục. Nhưng cũng không có cách nào để bóp chết, mà chỉ mượn cớ vu vạ cho các chí sĩ duy tân đã chỉ đạo phong trào chống thuế, liên lạc với phái ám xã, để dồn tất cả vào ngục tù, không cho phát huy ảnh hưởng nữa. Đông Kinh nghĩa thục bị dập tắt, nhưng thành tích của nó là to lớn. Những tác phẩm của nó đã tồn tại với thời gian, trong đó ngoài những giá trị lịch sử, còn phải nói đến giá trị văn chương. Một số người như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Ngô Quý Siêu,... xứng đáng là những ngòi bút xuất sắc. Thêm một điểm cũng đáng lưu ý nữa, là với văn chương của Đông Kinh nghĩa thục, các thể văn như lục bát, song thất lục bát, ca trù, v.v... được có thêm một giá trị sử dụng hơn. Trước đây, ta chỉ gặp nó trong những truyện Nôm, những bài ca phong hoa tuyết nguyệt, thì giờ đây, nó thực sự trở thành văn chương cổ động - điều mà trước đây văn học Việt Nam chưa biết đến, và sau này các chiến sĩ trong phong trào vận động cách mạng phản đế, cách mạng vô sản sẽ rút kinh nghiệm để phục vụ chính trị một cách tích cực hơn.
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, trên dưới chục năm, những hoạt động của các chiến sĩ duy tân ở cả ba miền Trung Nam Bắc đã viết nên những trang sử đẹp đẽ cho đất nước này ở cả hai bình diện chính trị và văn học (nói chung là văn hóa). Lịch sử Việt Nam ở đầu thế kỷ XX này ghi nhận công lao của họ, và lịch sử văn hoá cũng phải thừa nhận sự đóng góp của họ là to lớn.
Vấn đề trước nhất, xứng đáng được tôn vinh là tinh thần yêu nước, nguyện vọng thiết tha của họ đối với độc lập tự do của xứ sở, với danh dự của dân tộc, của giống nòi. Nói minh xã hay ám xã thực ra là để cho dễ nhận, dễ phân biệt phạm vi lĩnh vực hay biện pháp hoạt động mà thôi, chứ thực ra cả hai phái này đều chung mục đích phấn đấu, cùng chung đối tượng đấu tranh. Giữa một số người lãnh đạo phong trào, có khi có sự không nhất trí trong cách thức điều hành, trong phương pháp vận động, nhưng họ vẫn nhận là bạn trong tâm, đồng chí với nhau. Thậm chí có khi họ kịch liệt phê phán nhau một cách công khai, nhưng chỉ là để cho tiện xử lý một vài trường hợp cụ thể (như việc Phan Châu Trinhsang Nhật để gặp Phan Bội Châu), chứ thực ra yêu cầu khôi phục nền độc lập, lật đổ chế độ quân chủ, đưa nước nhà lên cõi văn minh, vẫn là mục tiêu chung của tất cả những người yêu nước. "Vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn (chữ dùng của Phan Bội Châu) là điều mà có lẽ tất cả những người được xem là trong phái minh xã hay ám xã đều nhất trí. Có một sự thực là
minh hay ám, chỉ là để gây ấn tượng với kẻ địch mà thôi, chứ với nhân dân quần chúng thì không hề có sự phân biệt này. Người duy tân hay người đông du trước dân tộc, trước đồng bào đều là những chí sĩ và chiến sĩ. Đối với chính quyền thực dân hay với bọn tay sai cũng vậy. Chúng vẫn nhận ra được: minh hay ám, đều là những người đang gây nguy hiểm cho chúng, và chúng đã thẳng tay đối phó, không trừ một hành động tàn bạo nào.
Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là không thế căn cứ vào những hoạt động cụ thể của các thành phần chí sĩ đầu thế kỷ XX này để nhận chân những đóng góp của họ đối với quốc gia dân tộc.
Mặt khác, bên cạnh những thành tựu rực rỡ của các nhà chí sĩ theo khuynh hướng bạo động, chúng ta cũng phải định vị cho các chiến sĩ văn hoá trên mặt trận đấu tranh công khai này. Họ là những chiến sĩ duy tân tiên phong của đất nước, họ xứng đáng nhận được sự tôn vinh của các thế hệ. Những nhà duy tân đã làm cho chúng ta được làm quen với văn hoá thế giới, văn hoá khu vực.
Người Pháp đem văn hoá của họ sang ta, cho đến thời điểm đó đã có đến trên bốn mươi năm, nhưng ngoài những chương trình đào tạo những kẻ tay sai, những người giúp việc, nào có giới thiệu cho chúng ta được gì. Phải có các nhà duy tân, chúng ta mới được làm quen với những lý thuyết mới, những nhân vật mới trên khắp toàn cầu. Cho đến những thập kỷ 30 trở về sau, thì cái mới theo âu hoá, theo văn minh tư sản, cũng không phải là những cái mới tiến bộ nhất, phù hợp với cuộc tiến hoá của lịch sử nhân loại. Công lao của phái duy tân đầu thế kỷ này chính là ở đó.
Và cũng chính ở hướng tiến bộ đó, mà các nhà duy tân phát hiện ra được căn bệnh truyền kiếp loay hoay với cách học từ chương khoa cử, cái căn bệnh hư văn làm thui chột những tài năng, làm lệch lạc những tâm hồn. Sự “nhiệt thành cáo hủ" ở đầu thế kỷ này, xét về một mặt nào đó, có giá trị như một cuộc cách mạng. Phải nhờ có các cuộc duy tân này, mà lớp trí thức - loại ông nghè, ông cống - và cả đại đa số quốc dân nữa mới hiểu cái câu “thiên ngoại hữu thiên"! Trên cái đà đổi mới nhận thức này, chúng ta mới thực sự được tiếp xúc nơi khoa học, kỹ thuật (tuy chỉ là ở bước đầu), và nhất là đối với khuynh hướng thực nghiệp. Phải nói rằng đây cũng chính là điều mà hàng trăm năm qua, những thức giả Việt Nam không phải là không biết đến. Dưới các triều đại cũ đã có những học giả mong muốn thay đổi cách học, thay đổi thể văn. Cả thế kỷ XIX, đã có những nhà nho "Giật mình khi ở xó nhà, văn chương chữ nghĩa khéo là buồn tênh” (Cao Bá Quát); đã có những con người tiên giác viết ra những điều trần tâm huyết. Nhưng tất cả hoặc chìm trong quên lãng, hoặc bị rẻ rúng nghi ngờ, thì đến đây mới thực sự được các nhà duy tân thức tỉnh. Ưu điểm của phái duy tân là biết khai thác lòng yêu nước để hướng dẫn vấn đề, biết đi vào quần chúng để vận động. Đó là cái rất mới trong sự nghiệp vận động văn hoá ở nước ta. Dựa vào lòng yêu nước, dựa vào lực lượng quần chúng thì có thể thổi những tia le lói thành ngọn lửa. Đông Kinh nghĩa thục gây được phong trào, tân thư trở thành động lực thôi thúc quần chúng Nam Ngãi, Nghệ An rồi cả Bắc, Trung, Nam chính là vì lẽ đó.
Và cũng chính trên cơ sở của khuynh hướng cơ bản đó, mà phái duy tân, đã cùng với phái bạo động xuất dương viết nên trang sử hiện đại, mở đầu cho thế kỷ XX ở đất nước này.
Cả hai phái đều xứng đáng với quê hương, với dân tộc và trong thực tế đã gây nên bước chuyển mạnh mẽ trong tiến trình lịch sử và lịch sử văn hoá nước nhà.
1)Thí dụ hai câu trong một bài hát nói:
Tỉ diện, Cách mi quân đối cánh
Qua tình, La tứ thiếp tân trang
Nghĩa là:
- Tấm tình của bà Qua Đặc (Jeana d'Ars), tinh thần của bà La Lan (M. Roland), thiếp xin tô điểm theo.
Trong phong trào cố động đương thời, những điển tích ấy trở nên dễ hiểu và rất được ưa chuộng.
2)Trường Tân Quy (Học quy tân trường)được toàn quyền Beau ra Nghị định thành lập ngày 24-91907 do Nguyên Tái Tích (anh ruột nhà thơ Tản Đà) làm Hiệu trưởng. Trường khai giảng ngày 11-11-1907, nhằm “đối trọng” với Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng số "sinh viên” đăng ký chưa đầy 50 người. Và chỉ hoạt động được vài tháng thì phải đóng cửa, trường phải giải thể!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn