Đôi lời nhắn nhủ thế hệ 8X, 9X Việt về hạnh phúc
Nhân đọc bài viết về nỗi buồn của một bộ phận bạn trẻ 8 & 9X, tôi có một số suy nghĩ sau muốn bày tỏ cùng các bạn với tư cách là một người anh 7X trong xã hội với những trải nghiệm và độ dày thâm nhập “ý thức sống” với hy vọng chia sẻ tầm nhìn và định hướng phần nào cho các bạn trên bước đường đầy hoa hồng và gai nhọn cuộc đời.
.
Trước hết, tôi hoàn toàn đồng cảm với các bạn - những con người rất đỗi dễ thương – món quà quý giá của Tạo hóa. Sinh ra, ai cũng bình đẳng trước Ngài, và đều có một số (chưa phải là tất cả) quyền con người cơ bản sau:
· Quyền được tôn trọng, được lắng nghe, được thừa nhận, được tiếp nhận một nền giáo dục tiên tiến và nhân bản nhất, và được quyền ý thức, mưu cầu và thực hưởng hạnh phúc.
Xét ở góc độ “khách quan”, những quyền mà các bạn đáng ra được hưởng ngay từ khi sinh ra và lớn lên, phát triển trong môi trường giáo dục phổ thông và đại học đã chưa được người lớn thực hiện đúng mức và nghiêm cẩn. Những nỗi buồn “vô cớ” mà các bạn đang trải qua cũng, theo tôi, một phần lớn cũng vì sự “sơ suất” này. Đến khi “chạm mặt” với xã hội, những ẩn ức đó của các bạn đã thật sự dồn đến mức tới hạn, không thể che giấu được nữa, nên nó bùng lên và “biến chứng” thành các phức cảm tiêu cực, phản xã hội và hủy diệt! Hiện tượng này diễn ra với một bộ phận có thể nói là không nhỏ các bạn thế hệ 8 và 9X ở nước ta hiện nay và được thể hiện rất thành thật đến mức báo động trên các tiện ích internet.
Có thể nói các bạn trẻ đang sống và đối diện một hệ thống phức hợp gồm nhiều môi trường với nhiều tác động dây chuyền và đan xen nhau: gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia, quốc tế, văn hóa, giáo dục, tâm linh, tôn giáo, giá trị và chính trị. Sự “đứt gãy văn hóa, giáo dục và giá trị” đang ngày càng trầm trọng ở nước ta đã và đang tác động ngày càng xấu vào thế giới tâm hồn và nhận thức mỏng manh (mà đáng lẽ ra nó phải gần trưởng thành ở cuối giai đoạn thanh thiếu niên và sinh viên) của giới trẻ Việt. Sự độc đoán trong (đa phần) giáo dục gia đình, nhà trường và hiện thực xã hội đã tự động tước mất những quyền cốt tử của giới trẻ: quyền được thể hiện mình, thế giới tri thức độc đáo của mình và quyền được hình thành một thế giới quan và nhân sinh quan độc lập và quyền “tự trị hưởng hạnh phúc”. Một ví dụ nho nhỏ là trong quá trình học môn văn, học sinh Việt không được phép viết ra những điều gì “vượt văn mẫu”, không được “mô tả cuộc sống theo những góc nhìn nhân văn của riêng mình”. Cái tôi chân chính của các bạn trẻ bị đè nén từ từ, từ từ, từng tí một. Nó tích tụ và chồng chất theo năm tháng. Một cái tôi tốt đẹp bị đè nén là một sự thương tổn tinh thần và tâm linh rất nghiêm trọng mà người lớn chưa hề chú trọng và có sách lược cải thiện kịp thời. Đó có thể là một sự khởi đầu tồi tệ với những hệ quả và biến chứng nghiêm trọng về sau cho họ và chính đất nước họ.
Giáo dục mà đã như thế huống gì ngoài cuộc sống! Những điều mà người lớn Việt không làm được trong giáo dục (mà giáo dục ở đây về thực chất là một sự tách rời một cách thiếu hiểu biết với cuộc sống. Nó đối ngược với quan điểm đáng mơ ước của nhà giáo dục học lỗi lạc John Dewey người Mỹ) thì đương nhiên họ sẽ không thể thực hành nổi trong xã hội.
Vậy một hệ quả đương nhiên kéo theo là giới trẻ bước ra cuộc sống và ngay lập tức chứng kiến một xã hội còn tệ hơn, khắc nghiệt hơn, giả dối hơn và ảo tưởng hơn trong môi trường sống thực tế và chứng thực mọi điều giảng huấn từ nhà trường. Với một xã hội như thế (tất nhiên bao giờ cũng có một số hiện thực tốt đẹp trong xã hội Việt, nhưng chỉ là một tỉ lệ quá bé nhỏ (nếu chúng ta tiến hành “thống kê” và “đo lường”) so với những cái xấu và tiêu cực đang tràn lan và càng phình ra), giới trẻ sẽ thấy “ngộp thở” trước những phản giá trị đang xâm thực đầu óc và tâm hồn. Họ muốn có hạnh phúc, có một môi trường nuôi dưỡng văn hóa cao để những ước mơ của họ được đồng hành và cất cánh. Như vậy, đúng ra họ phải là những con người bắt đầu “chớm nở về giá trị nhân văn và chính trị” ngay khi họ bắt đầu theo học bậc đại học.
Xét về yếu tố “chủ quan”, giới trẻ 8 và 9X là những con người (vì những yếu tố môi trường không thuận lợi và nuôi dưỡng quyền con người chính trực của họ) phải có trách nhiệm với bản thân mình. Ít nhất, họ cũng phải được người lớn (chí ít là bố mẹ họ) cho biết bản thân cơ thể, tâm hồn, tinh thần và tâm linh họ là một món quà vô giá của bố mẹ họ và đồng thời là của Thượng đế. Họ phải biết là DÙ MÌNH SỐNG TRONG BẤT CỨ HOÀN CẢNH NÀO, HỌ CŨNG PHẢI NÂNG NIU, QUÝ TRỌNG BẢN THÂN MÌNH VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT TỔNG THỂ VÔ GIÁ. Giới trẻ phải làm sao để thấm thía điều này để họ tự làm chủ và phát huy giá trị bản thân mình, qua đó, họ mới thật sự hiểu và hưởng hạnh phúc đích thực và đúng nghĩa.
Với tư cách là người chứng nghiệm một số giá trị sống, tôi nhận ra rằng (khi đến gần nửa cuộc đời) chúng ta, trước khi hòa nhập với đồng loại trong xã hội, nhận ra một điều cốt tử và vĩnh viễn là trong bản thân mình có một NGƯỜI BẠN VĨ ĐẠI – ĐÓ LÀ Ý THỨC CUỘC SỐNG, LÀ MỘT HỢP THỂ TUYỆT DIỆU, VÀ LÀ NGUỒN HẠNH PHÚC MÃI CÒN, ĐÓ LÀ THƯỢNG ĐẾ HIỆN DIỆN VI DIỆU TRONG MỖI CHÚNG TA. CÁI THIỆN VÀ LÝ TÍNH BAO LA LUÔN NGẦM ẨN TRONG MỌI CON NGƯỜI. Vấn đề là con người, dù lớn hay nhỏ, phải hình thành được một nhận thức như vậy để kích hoạt tiến trình sống, thực thi và hưởng thụ hệ giá trị vô biên mà Đấng tạo hóa ban cho chúng ta. Cho nên, một ý thức tự do về niềm tin (đối với những ai chưa chứng nghiệm sự tụ hội giữa bản thân mình và Đấng sáng tạo) và tôn giáo (không nhất thiết là tuân theo các tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay) rất quan trọng đối với giới trẻ hiện nay. Từ đó, họ luôn có một “người bạn TỐI THIỆN VÀ TỐI HẠNH PHÚC” ngay trong bản thân để tự tin sống, phát triển tối đa và lành mạnh trong hiện tại và tương lai.
Từ đó, họ sẽ thoải mái sống TỰ DO ĐỂ THỰC HÀNH NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP NHẤT MÀ HỌ TỰ ĐỊNH HÌNH VÀ TUÂN THEO! Nếu có thêm những người bạn trong cuộc sống thì càng tốt, những người cùng lý tưởng thì càng tốt, những người bạn đời hay người tình thì càng tốt. Nếu tất cả bọn họ “chợt trở nên phù du”, thay đổi và bỏ họ ra đi, thì họ cũng không buồn chán và trầm cảm, vì họ luôn luôn có trong bản thân mình một NGƯỜI BẠN THƯỢNG ĐẾ LUÔN LUÔN THẤU HIỂU, LUÔN LUÔN LẮNG NGHE, LUÔN LUÔN YÊU THƯƠNG, LUÔN LUÔN HƯỚNG THIỆN. Nếu có được bản lĩnh (nhận thức và nếu có thể thì chứng nghiệm) đó, họ sẽ sống tự tin hướng đến một “Dream life” – một Cuộc sống đúng nhân phẩm và đáng mơ ước, bất chấp xã hội Việt hiện nay xấu và tệ như thế nào. Thậm chí nhiều bạn trẻ có thể dựa vào “Thượng đế trong mình” để hình thành những lý tưởng tốt đẹp nhằm hợp lực cải thiện và cứu xã hội này, một xã hội đã bị nhiều người lớn Việt làm hư hỏng “gần đến mức tới hạn đổ vỡ”.
Điều quan trọng là chúng ta làm sao cho giới trẻ hiểu được điều này. Chúng ta không thể để họ sống một cách lãng phí như vậy được. Họ chưa hề được người lớn cho thấy mình có những giá trị lớn đến thế nào, nhưng còn nhiều người lớn khác trong xã hội Việt không thể làm ngơ.
Các bạn trẻ thân mến, đây không phải là những lời khuôn sáo và rỗng tuếch. Nó là hiện thực tôi chứng nghiệm và chân thật cho các bạn biết. Tôi biết giới trẻ 8 và 9X không hề mất đi những giá trị của mình. Nó ngầm ẩn. Nó chờ thời cơ. Nó chờ một nhận thức trồi lên, sôi cuộn và làm “nhiên liệu” làm sáng rực những giấc mơ làm người đáng trân trọng của họ. Các bạn chỉ tạm thời “buồn” thôi, những nỗi buồn cũng có sự hợp lý của nó. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, nó cần một sự tỉnh thức, sự nuôi dưỡng tâm hồn và tâm linh. Tâm và linh nếu có bị tổn thương thì cũng có thể trở lại trạng thái nhân bản tinh mơ, thánh thiện và trong trẻo của nó.
Còn nhiều điều nữa tôi muốn nói với các bạn. Nhưng trước hết các bạn hãy tin vào bản thân mình đã nhé. Niềm tin có thể xây dựng được. Nó cũng là “một cơ thể sống” bao giờ cũng mong chờ bạn.
Nỗi buồn 8 và 9X sẽ trôi qua. Những nhận thức mới sẽ đến, sẽ lại tắm mát cho các bạn, như những tàu lá chuối xanh non và hiền hòa, nhưng mạnh mẽ và vỗ về cuộc sống của tất cả các bạn và toàn bộ dân tộc Việt chúng ta.
Nỗi buồn 8 và 9X – xin chào mi!
Kính bút,
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015