Tuổi trẻ đang bị …tấn công
Đắn đo mãi tôi cũng phải viết về "câu chuyện Vàng Anh". Bởi không muốn thêm một tiếng ác cho một cô bé lẽ ra đã trở thành một hình mẫu cho điều gì "dễ thương, thánh thiện của tuổi mới lớn. Vậy mà…!
Nhưng rồi cái cảm giác như đang có luồng sóng ngầm sắp trở nên sóng dữ, sóng ác nhấn chìm tất cả cái đẹp đẽ, hy vọng, tương lai của giới trẻ với lối sống rất đáng quan ngại lo âu trong những ngôi nhà của chúng ta. Từ giáo dục cho đến nếp sống xã hội, các chuẩn mực đạo đức gần như vắng bóng thì lấy gì xây dựng nề nếp gia đình đây?
Trong tình cảnh ấy, chúng ta không khỏi đặt vấn đề vậy Đoàn Thanh niên Cộng sản đang làm gì, đang có vai trò gì trong khi những biếu hiện xấu của giới trẻ đang diễn ra như vậy. Chuyện Vàng Anh không một tiếng nói của Đoàn; chuyện sống thử hay "góp gạo sống chung" của sinh viên trong các khu nhà trọ không thấy đâu hình ảnh của Đoàn; tìm trong các tài liệu của Đoàn thanh niên có cái gì giáo dục giới trẻ, trang bị cho giới trẻ sự tự vệ trước cái xấu cái ác được khoác áo mỹ miều bằng đời sống sung túc và sự hào nhoáng ăn chơi? Những cách giáo dục xưa cũ và lý luận về lý tưởng thanh niên cũng xưa cũ không còn đủ sức thuyết phục thanh niên ngày nay. Buồn thay, Đoàn Thanh niên Cộng sản luôn nhận trách nhiệm về mình làm thủ lĩnh, làm người tiên phong, đứng đầu của giới trẻ thì ngày nay thật xa cách, không thực tế chút nào với cách sống của thanh niên bây giờ.
Sự việc xảy ra cho cô bé đóng vai Vàng Anh, nếu để tâm hỏi giới trẻ thường nhận được sự đồng cảm như là chuyện rủi ro và là một kết thúc không có hậu cho vai diễn và cả cô bé. Gần như không có người trẻ nào cảm thấy đó là sai lầm của một lối sống. Rồi người lớn cũng đồng tình làm buổi trình diễn chia tay nặng nước mắt thương cảm mà quên rằng chính mình đã tham gia làm nên một kết thúc ấy. Riêng tôi thì cho đó là một kết thúc có hậu - đúng như vậy ! Bởi cái hậu xấu xa, ác như vậy tất phải xảy ra khi cái giả cứ tràn lan trong xã hội, trong phim ảnh, trong cả vai diễn.Gieo nhân nào gặp quả ấy. Dù có không tin một tôn giáo nào thì cũng căng phải tin cái đạo đức ông cha ta đã khuyên răn con cháu. Cái nhân "giả dối" ấy đang được gieo tràn lan trong xã hội cộng thêm sự giàu lên nhanh chóng và bất chính của một số người, một số tầng lớp trong xã hội thì làm sao có cái kết thúc tốt đẹp được. Trên nhiều diễn đàn báo chí đang đặt ra vấn đề "Điều gì đang xảy ra với giới trẻ (Báo Tuổi trẻ 27.l0). Thật khó mà xem đó là sự báo động mà phải hiếu nó như tiếng kêu bị thương, tác giả Vương Thảo trên trang web Vietimes “ ...Khi chúng ta bỏ quên con cái trong chính ngôi nhà của mình thì chúng sẽ đi tìm ngôi nhà khác. Và không ai biết nơi chốn ấy có những gì đang đợi chúng”. không phải chỉ có quên theo đúng nghĩa đen mà chúng ta đã quên những giá tri đạo đức đã có, phải có và trở thành nề nếp.
Vậy đó, chịu khó ngồi đọc 19 trang báo cáo của BCH Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản chuẩn bị cho đại hội Đoàn toàn quốc lần IX sắp đến mà cứ tưởng như lời hô hào chung chung ngày mới thống nhất đất nước thì lại càng thêm lo âu. Bởi trong chừng ấy trang báo cáo thật khó hình dung ra hình mẫu thanh niên ngày nay như thế nào. Cho dù chỉ xem số thanh niên hư là thiểu số thì cũng rất cần có quan điểm phân định rõ và biện pháp kéo họ về con đường chính. Cũng nhận định ưu khuyết và biện pháp chung chung mà chúng ta gọi là "đuổi gà qua đám giỗ” và có lẽ đó chính là điều làm cho Đoàn Thanh niên ngày càng mất đi tính hấp dẫn, xa cách với thanh niên để chỉ còn là "trường học chính trị", chuẩn bị cho thanh.niên làm chính trị hơn là trang bị cho thanh niên một cuộc sống tốt đẹp cho chính họ. Cái giả đã thành cái thật ! Hô hào suông đưa thanh niên lên rừng xuống biển mà mình thi ôm mộng "vinh thân phì gia" thì làm thế nào xây dựng các chuẩn mực đạo đức đây!
Không còn là báo động, tuổi trẻ đang bị tấn công và người lớn, những người có trách nhiệm thì cứ bình chân xem như chuyện vặt để rơi nước mắt thương cảm. Đến lúc cả nước phải vào "trận" cùng giới trẻ xây dựng một xã hội mới mà các chuẩn mực không chỉ là sự giàu có địa vị…mà phải là đạo đức nề nếp lối sống của dân tộc Việt Nam như cha ông đã dày công vun đắp.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn