Hệ vấn đề chủ - khách thể trong thời kỳ tiền văn minh của loài người
Kỳ trước:Nhập môn lịch sử triết học
Sự kiến giải triết học như một tổng hòa có tầm bao quát rộng lớn các quan hệ chủ - khách thể và sự cụ thể hóa tiếp theo của nó như một hệ thống tín niệm và thế giới quan đã được duy lý hóa luôn đòi hỏi chúng ta phải làm rõ vấn đề chủ thể trong toàn bộ lịch sử trước đây của nó.
Ở đây, chúng ta cần phải đề cập đến sự xuất hiện của đời sống xã hội, tức là cái quy định sự phân đôi của tồn tại. Những tiền đề của tính chủ thể trong đời sống xã hội được quy định bởi yếu tố thời gian - cái đối lập với tính vĩnh hằng - dấu hiệu hàng đầu của tồn tại tiền cuộc sống và ngoài cuộc sống. Sau đây, chúng ta sẽ thấy nhiều nhà triết học và thần học đã có những suy tư khác nhau về các phạm trù vĩnh hằng và thời gian. Thời gian là một minh chứng cho tính tích cực không ngừng gia tăng trong sự khởi đầu của chủ thể. Khi suy tư về hàng tỷ, hàng triệu sự thay đổi của Trái đất, các nhà khoa học đã đề cập đến thời gian địa lý. Tương tự như vậy, các nhà triết học, khi suy tư về sự biến đổi của con người hoạt động và nhận thức, đã đề cập đến thời gian của chủ thể. Trong việc kiến giải sự tiến hóa của cuộc sống, người ta thưởng đề cập đến thời gian sinh học mà một trong những đặc trưng mang tính quyết định của nó là dòng chảy thời gian luôn tăng tốc khi tiếp cận với con người hiện đại và hơn nữa, đó là dòng chảy trong thế giới con người với tư cách chủ thể trực tiếp. Đối với con người, thời gian chủ thể có thể được xem như một dấu hiệu, một tiêu chí về tính tích cực của một cá nhân cụ thể.
Việc tách biệt sự khởi đầu của một chủ thể đích thực hoàn toàn không đơn giản, bởi chủ thể đó là con người. Khảo cổ học và nhân học hiện đại đã xác định sự khởi đầu của con người ở vào thời vô cùng xa xăm. Song, hàng trăm năm, thậm chí hàng chục ngàn năm trở lại đây, trong sự tiến hóa của con người - "từ con người khéo tay khéo chân" qua các giai đoạn phát triển, như pitecantrôp, sinantrôp, neanđectan đến "con người hiện đại" đều là các giai đoạn đầy rẫy những hoạt động lao động khó nhọc. Thêm nữa, điều không liên quan gì đến tư duy, về thực chất, lại là hoạt động có mục đích mang tính bản năng và không ngừng gia tăng trong tiến trình hoạt động hàng ngàn năm của tập thể, sau đó là của cá nhân. Tương tự như vậy, khi xét về phương diện biên niên sử, con người thoạt đầu chỉ là "anh thợ rèn" (homosfaber), rồi sau đó mới là "nhà thông thái" (ho mo sapiens). Đây là một trình tự mang tính mâu thuẫn, bởi không phải bao giờ cũng có thể rút ra được tính chỉnh thể, ngay cả trong thời đại văn minh.
Đương nhiên, con người "tiền lý tính" đã từng sống chỉ bằng những nhu cầu cần để sống mà về thực chất, chỉ thuần túy mang tính sinh học và do vậy, không thể giải thích được gì về nó như một chủ thể có thế giới quan. Đó là cái hoàn toàn đặc trưng cho đời sống sinh học của con người hiện đại "có lý tính" đã từng tồn tại trên Trái đất vào khoảng 25 - 30 ngàn năm trước, vào cái thời được gọi là thượng paleolit. Những bức tranh tuyệt mỹ trong các hang động đã mô tả một cách sống động hình thể của các loài động vật, đã tái tạo lại các mục đích ma thuật và nghi lễ của con người và buộc chúng ta phải suy nghĩ về cội nguồn của các nhu cầu thẩm mỹ chính là những bằng chứng về sự khơi dậy các nhu cầu tư tưởng. Còn những bức tượng về hình thể của người phụ nữ lại muốn nói tới sự khơi dậy các nhu cầu xã hội. Do ho mo sapiens đã trở thành homo sapiens, tức con người biết nói, nên chúng ta cần phải thừa nhận cả sự ra đời của tư tưởng, mặc dù về cơ bản, đó chỉ là những tư tưởng mang tính liên tưởng, "tiền lôgíc". Tất cả những điều nói trên đều là bằng chứng về sự khởi đầu của quá trình hình thành thế giới quan, được thực hiện ở trình độ hình tượng - cảm tính.
Trên thực tế, phải trải qua hàng ngàn năm, con người mới cảm nhận được mình là một bộ phận không thể tách rời của tự nhiên và vì thế, khó có thể phân biệt được với tự nhiên. Thêm nữa, cá nhân con người chắc gì đã phải chịu áp lực trở thành chủ thể cộng đồng, một khi nó không phân biệt được cấu trúc hình thái dưới dạng họ hàng, thân tộc vào thời thượng paleolit so với hàng nghìn năm diễn ra trước thời “tiền lý tính". Con người cá nhân của hàng ngàn năm ấy khác nhau chỉ về mặt giải phẫu và sinh lý học; nó tự biến mình một cách tự phát thành chủ thể cộng đồng trong bầy đàn. Từ đó, nẩy sinh mâu thuẫn giữa tính cộng đồng và tính cá thể.
Quá trình đó, về cơ bản, được xác định bởi ngôn ngữ mà khi đó, là ngôn ngữ của mỗi thành viên thực hiện các thao tác bằng lời và bằng cấu trúc phức tạp về mối quan hệ của con người. Tư duy, tư tưởng với tư cách sự đồng nghĩa với tinh thần con người trong hàng ngàn năm ấy không thể tách rời ngôn ngữ; nó được liên kết với ngôn ngữ. Nếu quan sát một cách tổng thể các thời đại gần đây nhất trong nền văn minh nhân loại, chúng ta thấy tư duy và ngôn ngữ vừa gắn bó với nhau, lại vừa tách biệt nhau. Tính không thể phân chia của tư duy hình tượng và tư duy - ngôn ngữ đã tạo thành nền tảng vững chắc của tín ngưỡng trong sự đồng nhất giữa hình ảnh và ngôn ngữ với các khách thể của chúng. Tuy nền tảng đó được xây dựng trên tính cộng đồng của hình tượng ngôn ngữ, nhưng nó lại làm rõ được ý nghĩa của ngôn ngữ đối với sự hình thành và phát triển tính cá thể trong bản thân tính cộng đồng. Tính cộng đồng ấy lại chứa đựng năng lực do chính nó mở ra cho con người về sự liên kết kinh nghiệm cộng đồng.
Từ thời Cổ đại đến nay, tính không thể tách biệt của chủ thể cộng đồng và cá thể, sự đối lập và tác động qua lại của chúng luôn là hệ vấn đề cơ bản của triết học xã hội và đạo đức học. Trong sự đối lập ấy, vai trò quyết định thuộc về tính cộng đồng. Đương nhiên, về mặt bản thể luận, cá nhân con người bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu; còn về mặt nhận thức luận, chúng ta không thể hiểu được nó, nếu không làm rõ các quy luật của tính cộng đồng.
Chủ thể cộng đồng và cá thể ở các phương diện khác nhau, đã được trình bày trong nhiều quan điểm mà sau đây, chúng tôi sẽ nói đến. Ngay lúc này, chúng tôi chỉ muốn lưu ý rằng, vào thời Cận đại, C.Mác cũng đã đưa ra luận điểm về sự phát triển tính cộng đồng. Và, vào thế kỷ XIX - XX, quyền ưu tiên của tính cộng đồng ngày càng có cơ sở, càng toàn diện và cụ thể hơn so với tính cá thể bởi học thuyết xã hội học của E.Diugeim và các đại biểu thuộc trường phái của ông, tức những người xuất phát từ cơ sở triết học của những người khác. Quyền ưu tiên như vậy vốn mang tính đặc trưng và có ý nghĩa nhất đối với hàng nghìn năm tồn tại của loài người nguyên thủy.
Tính chủ thể của loài người nguyên thủy được thể hiện bằng một khái niệm cực kỳ rộng, nói đúng hơn là bằng quan niệm về "linh hồn", tức quan niệm bao hàm vô số các dấu hiệu của đời sống tâm lý ("tâm linh") của nó. Trên thực tế, những dấu hiệu này trong suốt hàng ngàn năm qua không hề tách khỏi các dấu hiệu sinh lý học. Nhị nguyên luận về cái thể xác và cái linh hồn trong hàng ngàn năm ấy của thời nguyên thủy hoàn toàn mang tính khởi đầu, chỉ thể hiện một cách mờ nhạt thôi. Nó hoàn toàn tương ứng với sự chìm đắm của con người nguyên thủy trong giới tự nhiên. Thành tố của trí tuệ và tinh thẩn con người được bộc lộ, được tăng cường chỉ với tiến trình hàng ngàn năm và điều này đã dẫn đến sự nhị nguyên hóa cả bên trong con người lẫn môi trường bên ngoài con người. Vả lại, trên thực tế, điều này còn diễn ra ngay cả trong những điều kiện của các nền văn minh.
Nói về thế giới quan của con người nguyên thủy quả là khó. "Con người có lý tính" của hàng ngàn năm ấy, về cơ bản, tư duy theo lối liên tưởng - chủ yếu là như vậy, nếu không xem con người cảm tính là ngoại lệ. Khi đó, ý thức của người nguyên thủy thường được xem là sự cảm thụ thế giới chứ chưa phải là thế giới quan. Ý thức ấy chứa đựng vô vàn những hình ảnh khác nhau, thậm chí cả những hình ảnh không trọn vẹn. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung nói về những khái niệm có tính phổ quát là "thần thoại" và "tôn giáo" - những khái niệm đã thể hiện rõ tính đặc thù trong ý thức của người nguyên thuỷ mà ở đó, sự quá độ tới nền văn minh, đồng thời nhận thức được khơi dậy làm cho thời nay khác với thời đã qua.
Các khái niệm "tôn giáo" và "thần thoại" đó được xem xét trong lịch sử triết học từ Platôn, Arixtốt đến Hê ghen, Phoiơbắc và C Mác. Tất cả các nhà triết học này đều xuất phát trước hết từ việc xem xét những con người cùng thời với họ và chính sự xem xét này, về cơ bản, đã thể hiện tính ngược dòng lịch sử. Khi đó, khái niệm "thần thoại" thường bị khái niệm "tôn giáo" che khuất. Từ giữa thế kỷ XIX, nhất là từ thế kỷ XX, trong các công trình của M.Miulerơ, G.Spenxerơ, K.Teilorơ, V.Vundta, D.Phrớt, E.Diugeem, L.Lêvi-Briun, B.Malinôpski, K.Lêvi-Stross, S.Tôkarep và nhiều nhà phân tích xã hội khác về ý thức nguyên thủy, ở các mức độ khác nhau, đều hướng vào các sự kiện được tích lũy bởi lịch sử, ngôn ngữ, nhân chủng học, khảo cổ học, tâm lý học. Có thể khái quát tính chủ - khách thể nguyên thủy dưới ánh sáng của các ý niệm và các quan điểm do họ trình bày bằng các thuật ngữ, như Bái vật giáo (fetisism - thuật ngữ xuất hiện từ thế kỷ XVIII) Tôtem giáo (totemism), Linh vật giáo (animism), Thuyết phiếm tâm lý (panpsikhism), Thuyết cuồng tín (manism).
Về thực chất, tất cả các thuật ngữ này đều thể hiện sự định hướng tới bản chất tâm - sinh lý của con người, tính không thể chia tách của nó với tự nhiên. Tính không thể chia tách đó được thể hiện bằng khái niệm của Tôtem giáo, một tôn giáo trước hết định hình tính lệ thuộc về thức ăn của người nguyên thủy vào các loại động vật khác nhau. Nhìn chung, sự tồn tại tự nhiên được cảm nhận không chỉ ở hình thái người, bởi tự con người còn lâu mới đặt đối lập bản thân mình với các sinh thể sống khác, khi nó vẫn còn mang tính sinh học và hình thái động vật.
Ở giai đoạn đó, để hiểu thêm về sự phát triển trong những cảm nhận về thế giới của con người và triển vọng phát triển tiếp theo của nó thành thế giới quan, chúng ta cần phải đề cập đến tính sinh học của tri giác về tồn tại, cũng như con đường của ý thức nguyên thủy từ chủ thể đến khách thể, và với tư cách kết quả của hành trình nói trên là tính năng động trong hoạt động sáng tạo của toàn bộ tồn tại. Ý thức đó đã sử dụng các hình ảnh hợp thành truyền thuyết Hy Lạp cổ đại vào những thiên niên kỷ cuối cùng của thời đại nguyên thủy, những truyền thuyết được gọi là "thần thoại". Trong các truyền thuyết ấy luôn có sự xem xét thế giới động vật cũng như chính bản thân con người trên các phương diện, như sự ra đời, quá trình sinh tồn và cái chết của nó. Ngoài ra, ở đây còn có sự xem xét các hiện tượng vũ trụ và những hiện tượng khác nữa. Đương nhiên, "sự xem xét" như vậy là kết quả không phải bằng sự nỗ lực phân tích của tư duy, mà bằng sự so sánh mang tính tự phát giữa thế giới con người và tự nhiên.
█Sự so sánh này được tiến hành không đơn giản giữa cơ thể cá nhân và tự nhiên xung quanh nó, mà còn hơn thế nữa, giữa cộng đồng, họ hàng, thân tác với chính tự nhiên đó. Sự so sánh như vậy được suy xét bằng các thuật ngữ hình thái nhân chủng và hình thái xã hội. Nhịp điệu của tự nhiên, trước hết là sự thay đổi về lịch pha - vũ trụ cũng được nhận thức trong các hình tượng của hình thái nhân chủng và hình thái xã hội. Nó hướng vào mục tiêu xung quanh các quan niệm đa dạng về Thượng đế mà dưới dây, chúng tôi sẽ đề cập đến nhiều lần.
Sự tưởng tượng thần thoại đã trở thành sự tưởng tượng tôn giáo, khi tính hình ảnh của nó kết hợp với các yếu tố sùng bái được nhân lên nhiều lần - đó là sự kính trọng tính đa dạng của các hiện tượng tự nhiên, con người và xã hội. Tính thần thoại được gia tăng theo kết quả sản xuất của con người và theo sự phản ánh trong đó cơ cấu thân tộc của xã hội. Với tư cách tổng hòa các hình ảnh, tự bản thân thần thoại không mang yếu tố tôn giáo - văn hóa, nhưng nó lại được sử dụng làm nền tảng "lý luận" cho tôn giáo.
Ngay cả một số nhà triết học Hy Lạp cổ đại cũng đã từng muốn kết hợp yếu tố tôn giáo với nỗi sợ hãi của người cổ, sự sợ hãi trước những hiện tượng kinh dị của tự nhiên, sợ cái bóng đen của thế giới bên kia. Ý niệm ấy trở thành sự thật, bởi nó phản ánh sự lệ thuộc rất lớn, lớn tới mức tối đa so với những thiên niên kỷ và thế kỷ tiếp theo trong nền văn minh nhân loại, của người nguyên thủy vào giới tự nhiên, cũng như vào tổng hòa hỗn độn các quan niệm của họ về chính bản thân mình, về chính cái tâm của mình. Từ đó, lập trường sùng kính của tôn giáo được thể hiện cụ thể trong các hình thức tế thần khác nhau, trong đó có cả việc tế người. Một giáo điều phức hợp của thực tiễn văn hóa mà phần lớn được xem là khác nhau theo khu vực, theo bộ lạc và dân tộc, phải làm nhiệm vụ duy trì tính ổn định xã hội, khi đối mặt với các bộ lạc, dân tộc khác. Từ đó, thuyết bảo thủ đến cực độ của các tục sùng bái và lễ nghi tôn giáo đã nảy sinh. Về phương diện này, chúng khác với tính đa phương án và tính lưu động trong các quan niệm thần thoại và các truyền thuyết.
Trong ý thức nguyên thủy thường có yếu tố cảm xúc - cảm tính. Đương nhiên, tính cảm xúc luôn là nét đặc thù của chủ thể, nó phản ánh sự trải nghiệm của con người trong quan hệ của họ với các khách thể tự nhiên và những người khác. Ở giai đoạn nguyên thủy ấy, "con người lý tính", như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, thường lập luận trong sự lệ thuộc trước hết vào các quy luật của những liên tưởng tâm lý theo sự tương đồng, theo sự pha trộn trong không gian và thời gian, sự tương phản. Đồng thời, thế giới xung quanh, trong quan niệm của họ, cũng thường hiện diện trong sự biến đổi và phát sinh không ngừng mà ở đó, bất kỳ sự vật nào, bất kỳ hiện tượng nào của tự nhiên, về nguyên tắc, cũng có thể trở thành bất kỳ sự vật khác, hiện tượng khác. Đặc thù căn bản ấy của ý thức thần thoại nguyên thủy đôi khi còn được người ta gọi là "lôgíc nghịch đảo" (A.Lôsep) và thường được khái quát bằng thuật ngữ tiếng Hy Lạp là genetism(nguồn gốc).
Một phẩm chất xác định khác của ý thức thần thoại nguyên thủy trong tính cực đại của yếu tố tín ngưỡng thuộc về phức hợp tín niệm. Sự giống nhau giữa hình ảnh với khách thể được cảm nhận được xem như sự đồng nhất của chúng. Các hình ảnh về thần thánh mà từ đó, về nguyên tắc, có thể phát sinh ra thiện và ác - về cơ bản là mang tính ác, có khởi nguồn từ ý thức cộng đồng. Tính không bền vững, tính đa phương án của các hình ảnh đó trong mối quan hệ của chúng với tư cách một trong những hệ quả của sự liên tưởng trong ý thức nguyên thủy thường mang tính kiên định trong chính tính cộng đồng đó.
Tính liên tưởng với tư cách yếu tố thuần túy tâm lý đã đem lại cơ sở cho một số nhà nghiên cứu trong việc đánh giá tư duy của người nguyên thủy như tư duy tiền lôgíc (Lêvi-briun). Trong vô số các quan điểm và các mô phỏng trước đây về những tình tiết của thần thoại vốn được định hình ngay trong thời gần đây nhất của nền văn minh, chúng ta cũng thường thấy ở đó các các quy luật lôgíc đã được tuân thủ, đó trước hết là các quy luật về sự đồng nhất và mâu thuẫn. Đây chính là một trong những cơ sở để thấu hiểu ý thức nguyên thủy, trước hết và căn bản, là ý thức tâm lý.
Thế nhưng, ý thức nguyên thủy một trăm phần trăm không thể là như vậy. Với toàn bộ tính đa phương án của hình ảnh thần thoại, chúng ta cũng không thể bỏ qua được bản chất khái quát, cụ thể của nó. Và, bản chất đó đã được xác định trong ngôn từ. Chính vì thế, quan điểm thuyết cấu trúc của thần thoại (Lêvi-stross) đã chỉ ra các yếu tố phân tích và phân loại hàm chứa trong nó. Trong các học thuyết về nguồn gốc của ý thức thần thoại, các hình ảnh về thần thánh trong mối tương quan với các sự vật và hiện tượng tự nhiên và hơn nữa, với con người, cũng đều được thu nạp từ những dòng chảy của thời gian. Nhưng cái bóng của tính bền vững từ các thần thánh ấy đã ngả xuống cả những hiện tượng tự nhiên lẫn thế thế giới con người, đã báo trước một khái niệm về tính thực thể, tính cấu trúc mà khái niệm ấy được định hình tại những giai đoạn muộn nhất trong sự tiến hóa của các tình tiết thần thoại.
Các yếu tố của sự phân tích và khái quát ấy đã làm sâu sắc thêm nhiều thành tố của tri thức trong phức hợp tín niệm. Chúng xuất hiện và được phát triển trước hết trong thực tiễn sản xuất của người nguyên thủy. Người nguyên thủy đã sử dụng lửa một cách thành thạo, biết hoàn thiện công cụ đồ đá, biết sử dụng cung tên, biết làm gốm, thuần phục động vật và đã bắt đầu biết làm ruộng. Hang động là nơi ở của họ cũng được mở rộng. Số lượng các bộ tộc chuyển thành dân tộc cũng được gia tăng. Nhưng, về thực chất, nhu cầu của con người cũng luôn được mở rộng theo khả năng đáp ứng, đặc biệt là vào những thiên niên kỷ nguyên thủy, khi các nhu cầu đó còn lệ thuộc tối đa vào hoàn cảnh tự nhiên. Đương nhiên, điều tối giản đơn là con người luôn hướng sự tác động của mình tới tự nhiên để nhận được kết quả mong muốn. Do vậy, hoạt động của họ ngay từ đầu, đã chạy theo ý nghĩ xuất hiện trước đó và nói đúng hơn, là từ chính biên niên sử về nguồn gốc loài người.
Con người nhận thức một cách trực giác sự liên đới của mình với nguyên nhân hình thành thế giới (Lêvi-briun). Họ hoạt động trong niềm tin vững chắc rằng, bản thân họ sẽ đạt được kết quả mong muốn, nếu đi từ bộ phận đến cái đoàn thể, đồng thời "hiện đại hóa" quá trình đó bằng lễ nghi hoặc bằng lời nói, tức là quá trình mà họ có thể can thiệp vào đó một cách có hiệu quả (chẳng hạn trong lúc đi săn). Người ta thường gọi ma thuật là phép mầu, là ảo thuật. Và, người ta cũng thường đề cập đến cả quan niệm siêu nhiên của một con người luôn muốn đạt được kết quả mong muốn trên cơ sở của ma thuật. Thế nhưng, khi đó họ lại quên rằng, từ những quan niệm triết học về giới tự nhiên và siêu nhiên, con người đã phải trải qua một tiến trình phát triển hàng ngàn năm và đối với nó, mọi thứ đều "tự nhiên", bởi tất thảy những cái đó đều tham gia vào chuỗi mắt xích của tồn tại trong môi trường xung quanh.
Mặc dù kết quả của hoạt động ma thuật ngày một tiến dần đến sự không, song có thể nói, thành tố ma thuật hóa của ý thức nguyên thủy đã luôn là cái đối lập với ý thức tôn giáo. Như chúng tôi đã chỉ ra, tôn giáo luôn thể hiện lập trường sùng kính của con người; ở họ hoàn toàn thiếu vắng sự tự tin vào chính bản thân mình và do vậy, việc họ cầu khẩn các thẩn chỉ nhằm làm vơi nhẹ số mệnh của mình, còn ma thuật là sự cầu xin ở tự nhiên mà về nguyên tắc, không tính đến sự trợ giúp của thần thánh. Cơ sở nền tảng của lập trường này là không nhỏ bởi nó dựa trên những kinh nghiệm cảm tính của người cổ đại. Với họ, lập trường này hết sức quan trọng, bởi nó củng cố niềm tin của họ vào sức mạnh của chính mình. Sự hiện hữu của nền tảng nói trên đã cung cấp cho chúng ta cơ sở để xem xét sự diễn biến tiền khoa học trong ma thuật.
Tuy nhiên, không thể xem sự đối lập giữa ma thuật và tôn giáo như một loại thuyết nhị nguyên hoàn chỉnh nào đó. Mặc dù cơ sở nền tảng của nhận thức nói trên là không đáng kể, nhưng cộng với khát vọng của con người, với mong muốn đạt được những kết quả mỹ mãn của họ đã tạo ra sự tiền định đối với nhiều quan điểm mê tín dị đoan mà thiếu chúng, không thể có một tôn giáo nào cả, đặc biệt là tôn giáo cổ nhất.
Trở lại với thần thoại và nhớ lại tính liên tưởng của nó về các hình ảnh, thì điều quan trọng hàng đầu là phải thấy rằng, từ ngữ mà sự thể hiện của nó là các hình ảnh, trước hết gắn liền với mối liên hệ ngữ nghĩa trong thần thoại. Những truyền thuyết thần thoại này đồng thời cũng là những truyền thuyết mang tính ẩn dụ. Trong đó, những hình ảnh như vậy, ở thời kỳ cổ đại cách đây hàng ngàn năm, vẫn còn rất mờ nhạt, sự liên hệ giữa chúng với nhau cũng chưa rõ ràng và còn thiếu chặt chẽ. Nhưng, cùng với những thành quả nhận thức - lao động sản xuất của con người, mức độ sâu sắc hơn trong các quan niệm của con người cổ đại về chính bản thân họ, cũng như mối liên hệ của họ với những người khác đã phát triển cả về khối lượng lẫn tính hệ thống và biểu tượng trong các truyền thuyết ấy. Sau khi xuất hiện vào thời còn chưa có văn tự, các truyền thuyết này chỉ tồn tại dưới hìnhl thức truyền miệng.
Sự tiến triển tiếp theo của các quan niệm thần thoại và sự chuyển hóa của chúng thành các khái niệm triết học diễn ra trong thời đại văn minh và có hiện diện của nhà nước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005