Đồng nhân dân tệ lên giá và kinh tế Việt Nam
Ngày 19-6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng chính sách linh hoạt đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ (RMB), tức là chấm dứt chính sách buộc RMB vào đồng đô la Mỹ (USD) với một tỷ giá hầu như cố định.
Sẽ lên giá từ từ nhưng liên tục
Chính sách lần này thật ra chỉ là sự vận dụng mềm dẻo hơn chính sách đã áp dụng từ tháng 7-2005 đến tháng 7-2008. Từ khoảng năm 2003, trước tình hình nhập siêu ngày càng tăng, Mỹ đã phê phán chính sách tỷ giá của Trung Quốc.
Để đối phó với áp lực này, vào tháng 7-2005, Trung Quốc tăng giá RMB 2% (từ 8,28 lên 8,11 RMB/USD) và cho tỷ giá dao động trong biên độ 0,3%, sau đó tăng lên 0,5%. Từ đó Trung Quốc theo chế độ thả nổi có quản lý đồng RMB, mỗi ngày định tỷ giá chuẩn (bench mark) và chỉ cho dao động trong biên độ 0,5%.
Sau ba năm áp dụng chính sách này, RMB tăng giá thêm khoảng 20% (trung bình mỗi năm độ 6%) và tỷ giá vào tháng 7-2008 là 6,83 RMB/USD. Trước khuynh hướng bất ổn ngày càng mạnh của kinh tế thế giới, Trung Quốc quyết định không cho tỷ giá biến động, giữ cố định ở mức 6,83 RMB/USD. Dĩ nhiên Mỹ phê phán chính sách này và gây áp lực mạnh. Đó là bối cảnh đưa đến quyết định mới của Trung Quốc gần hai tuần trước.
Gọi là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý nhưng trên thực tế yếu tố “quản lý” mạnh hơn. Mỗi ngày ngân hàng trung ương nước này công bố tỷ giá chuẩn và cho RMB dao động với biên độ 0,5%. Khác với thời kỳ 2005-2008, lần này Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tham khảo tỷ giá cuối ngày hôm trước để định tỷ giá chuẩn của từng ngày trước khi thị trường ngoại hối mở của. Nếu liên tục lấy tỷ giá cuối ngày hôm trước làm tỷ giá chuẩn cho ngày hôm sau thì, với quy mô xuất siêu của Trung Quốc hiện nay (năm 2009 xuất siêu trong cán cân ngoại thương là 195,6 tỉ đô la, trong cán cân vãng lai là 284,1 tỉ đô la), tỷ giá của RMB sẽ tăng hết biên độ 0,5% và như thế RMB sẽ tăng rất nhanh, lên đến khoảng 3% trong một tuần và trên 10% trong một tháng.
Nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không để RMB tăng nhiều như vậy. Tuy tuyên bố sẽ tham khảo tỷ giá cuối ngày hôm trước nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn có thể chọn lựa và đưa ra một tỷ giá chuẩn phù hợp với tình hình kinh tế và với khả năng và tốc độ điều chỉnh các chính sách kinh tế khác.
Trước áp lực của Mỹ và thế giới, Trung Quốc không thể không cho tăng tỷ giá RMB, nhưng tăng với tốc độ như thế nào? Yếu tố lớn nhất để Trung Quốc quyết định tốc độ tăng tỷ giá là khả năng thích ứng của doanh nghiệp xuất khẩu. Trước khi đưa ra quyết định về chính sách tỷ giá lần này, Trung Quốc đã cho điều tra tình hình doanh nghiệp xuất khẩu và kết quả cho thấy nếu mỗi năm tỷ giá tăng 3-4% thì hầu như không có ảnh hưởng.
Theo Tiến sĩ C. H. Kwan, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc, tác giả cuốn sách China as Number One mà tôi có dịp nhắc đến trong bài viết trước (TBKTSG số ngày 31-12-2009), trong những năm tới, RMB có lẽ sẽ tăng mỗi năm 5-6%. Nói chung, RMB sẽ không tăng đột biến như trường hợp đồng yen của Nhật vào đầu thập niên 1970 và giữa thập niên 1980 nhưng tăng từ từ và liên tục trong nhiều năm tới.
Ảnh hưởng đối với Việt Nam?
Khuynh hướng này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu sâu. Trước mắt tôi có vài suy nghĩ sơ bộ như sau:
Thứ nhất, trong ngắn và trung hạn, nhiều mặt hàng công nghiệp của Trung Quốc sẽ giảm khả năng cạnh tranh, xuất khẩu sẽ chững lại. Thêm vào đó, tiền lương ở Trung Quốc đang tăng và có thể sẽ tăng nhanh trong thời gian tới nên những ngành có hàm lượng lao động cao sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, sức mua trong thị trường nội địa và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, giảm áp lực nhập khẩu và cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ hội này có được phát huy hay không còn tùy thuộc năng lực sản xuất và khả năng cải tiến năng suất của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Trung Quốc, kể cả các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, sẽ đối phó với khuynh hướng tiền lương tăng và đồng RMB tăng giá bằng nỗ lực tăng năng suất. Do đó, Việt Nam cũng phải có nỗ lực tương đương mới tận dụng được cơ hội mới. Hiện nay, tình trạng thiếu điện, thiếu lao động quản lý trung gian, thiếu chuyên viên kỹ thuật và sự yếu kém về hạ tầng giao thông đang là trở ngại làm giảm khả năng sản xuất hàng công nghiệp tại Việt Nam. Nếu tình hình này không được cải thiện ngay thì những thay đổi ở thị trường Trung Quốc ít có tác động tích cực đến Việt Nam.
Thứ hai, do sức mua của RMB tăng, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc sẽ tăng. Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn sang Việt Nam. Cần phân tích sâu hơn hiện tượng này. Nếu đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn trong các lãnh vực công nghệ thấp, hoặc tập trung trong lĩnh vực khai thác tài nguyên và trong những ngành ảnh hưởng đến môi trường thì đó không phải là hiện tượng đáng hoan nghênh. Việt Nam cần quan tâm hơn đến dòng đầu tư mới từ Trung Quốc để ngăn chặn những dự án như vậy.
Thứ ba, những doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Trung Quốc, đặc biệt doanh nghiệp của Nhật và Đài Loan có thể sẽ chuyển dịch nhiều nhà máy sang các nước khác để đối phó với khuynh hướng mới về tỷ giá và tiền lương ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong rất nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong các ngành liên quan đến các loại máy móc như xe hơi, máy móc phục vụ dịch vụ văn phòng (máy in, máy tính...), do họ đã hình thành mạng lưới cung cấp tại các cụm công nghiệp ở vùng Hoa Nam, việc di dời nhà máy sang Việt Nam hay các nước khác không phải là sự chọn lựa dễ dàng.
Trong dịp đi khảo sát ở Quảng Châu vào tháng 3 năm nay (lúc đó tiền lương ở Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh), tôi gặp nhiều giám đốc doanh nghiệp có vốn của Nhật cho rằng dù tiền lương tăng họ vẫn bám trụ tại Trung Quốc bằng cách thay đổi công nghệ, tăng năng suất lao động. Do đó, rất có khả năng chỉ có những ngành dùng nhiều lao động giản đơn như may mặc, giày dép, dụng cụ lữ hành, hoặc những công đoạn có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng (supply chain) của các ngành máy móc mới được chuyển sang Việt Nam và các nước lân cận phía nam Trung Quốc. Đây cũng không phải là khuynh hướng tốt đối với Việt Nam.
Thứ tư, sức mua của RMB tăng nên khách du lịch từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng hơn nữa. Dĩ nhiên hiện tượng này sẽ giúp các ngành dịch vụ du lịch phát triển. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp khách du lịch Trung Quốc chuyển thành lao động bất hợp pháp tại Việt Nam nên trong thời gian tới số người này sẽ nhiều hơn và việc quản lý sẽ gặp khó khăn. Việt Nam cần lường trước khả năng này để có biện pháp quản lý thích hợp và hiệu quả.
Tóm lại, RMB tăng giá sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Tùy theo chính sách, nỗ lực của Việt Nam mà ảnh hưởng ấy sẽ diễn tiến theo hướng thuận lợi hay bất lợi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá