Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Sách gốc: Confessions of an Economic Hit Man", NXB Penguin, New York
Tác giả: John Perkins
Sách dịch: Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, NXB Văn hóa thông tin
Người dịch: Lê Đồng Tâm
20 năm sau khi viết cuốn "Lương tâm của một sát thủ kinh tế", John Perkins - một cựu sát thủ kinh tế (EHM) - đã phải chứng kiến những sự kiện kinh hoàng trên thế giới. Bản thân tác giả đã có lúc bị níu chân bởi "những lời đe dọa hay những khoản đút lót". Nhưng rồi, ông đã kiên quyết xuất bản nó. Bởi ông cho rằng: "Câu chuyện này phải được kể ra".
Là một trong số ít người được Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ bí mật tuyển mộ, John Perkins được cử tới những nơi có tầm chiến lược quan trọng, như Indonesia, Panama, Ecuado, Iran.... Ông và những người được tuyển mộ phục vụ lợi ích cho một lực lượng gọi là "tập đoàn trị" (hệ thống liên minh giữa chính phủ, các tập đoàn, các ngân hàng...). Hoạt động của bộ máy này đã biến một số ít người trở thành những người vô cùng giàu có, đồng thời đẩy hàng triệu con người vào tình cảnh bần cùng hóa và rơi vào tình trạng tuyệt vọng, đẩy thêm hố sâu chênh lệch giữa hai miền Nam - Bắc và là căn nguyên nảy nở cho chủ nghĩa khủng bố.
Trong cuốn sách, Perkins đã tường thuật lại những phi vụ và âm mưu tài chính - chính trị mà ông và các EHM nhúng tay vào, dẫn tới các vụ việc động trời trên chính trường quốc tế như: cái chết của hai vị Tổng thống Ecuado và Panama, sự sụp đổ của triều đại Sa tại Iran, cuộc xâm lược của Mỹ tại Panama và Iraq...
Bản chất của các sát thủ kinh tế
Từng là một EHM, John Perkins hiểu hơn ai hết: Thế nào là một sát thủ kinh tế, và nhiệm vụ của họ là gì. Ngay trong phần mở đầu, ông đã nêu rõ bản chất của EHM: "Những sát thủ kinh tế (EHMs) là những chuyên gia được trả lương hậu hĩnh để đi lừa các nước trên khắp thế giới lấy hàng nghìn tỷ đô la. Họ đổ tiền từ Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các tổ chức "viện trợ" nước ngoài vào két sắt của các tập đoàn khổng lồ và vào các túi của một số ít các gia đình giàu có - những người đang nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh này. Công cụ của họ là các báo cáo tài chính gian lận, những vụ bầu cử gian trá, các khoản hối lộ, tống tiền, tình dục và giết người. Họ diễn một trò cũ như chủ nghĩa đế quốc, song đã biến đổi theo chiều hướng mới đáng ghê sợ hơn trong thời đại toàn cầu hóa".
Công việc mà EHM thông thạo nhất, đó là "xây dựng nền đế chế toàn cầu". Các EHM xây dựng nên đế chế này bằng cách trói buộc các quốc gia bằng chính sợi dây kinh tế.
Ban đầu, các EHM khuyến khích các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới tham gia vào một mạng lưới khổng lồ nhằm củng cố các lợi ích thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, họ sẽ sa lầy vào những khoản nợ nần chồng chất. Phụ thuộc vào tài chính sẽ buộc cho các lãnh đạo này phải trung thành với Mỹ. Nhờ đó, Mỹ có thể đạt được các nhu cầu về quân sự, chính trị, hoặc kinh tế.
Đổi lại, các nhà lãnh đạo của quốc gia lại có thể củng cố địa vị chính trị bằng cách xây dựng nên "những khu công nghiệp, các nhà máy điện, và sân bay cho nhân dân của họ. Những ông chủ của các công ty kỹ thuật - xây dựng sẽ trở nên giàu có một cách khó tin".
Quy trình của "sát thủ"
John Perkins chỉ ra xảo thuật tinh vi khi tiến hành sát hại nền kinh tế của quốc gia khác (chủ yếu là các quốc gia kém phát triển) Trước tiên, EHM tận dụng tối đa các tổ chức tài chính quốc tế để trói buộc các quốc gia khác vào chế độ tập đoàn trị. Sau đó, EHM ban cho các quốc gia đó những "ân huệ". Những ân huệ này tồn tại dưới dạng các khoản vay để phát triển cơ sở hạ tầng.
Nhưng một mặt, EHM đặt điều kiện cho các khoản vay là: các công ty xây dựng của nước họ [tức là Mỹ] phải đảm nhiệm thi công các dự án. Như vậy, về bản chất, những đồng tiền (vốn để cho vay) chưa bao giờ rời khỏi nước Mỹ, mà chỉ đơn giản là luân chuyển từ túi của người Mỹ này sang người Mỹ khác.
Mặt khác, các quốc gia là "con nợ" thì vẫn phải trả tất cả số tiền mà họ đi "vay", cả tiền gốc và lãi. Chỉ vài năm sau, khi "lãi mẹ đẻ lãi con", các khoản vay sẽ quá tải và dẫn đến tuyên bố vỡ nợ của các nước đi vay. Khi đó, "giống như tổ chức Mafia", các EHM sẽ đòi nợ. "Việc đòi nợ này kèm theo một hoặc nhiều yêu cầu sau: kiểm soát những lá phiếu của Liên Hợp Quốc, thiết lập các căn cứ quân sự hoặc khai thác các nguồn tại nguyên quý giá như dầu hay kênh đào Panama". Trong khi đó, các nước mắc nợ vẫn nợ khoản tiền đó. Như vậy, John Perkins khẳng định: "một nước nữa rơi vào Đế chế toàn cầu".
Kết quả mà hệ thống Đế chế toàn cầu mang lại là: nạn bóc lột nhân công ở mức gần như biến họ thành nô lệ với điều kiện làm việc phi nhân đạo ở khu vực châu Á; nạn ô nhiễm môi trường - mà rốt cục, người nghèo là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất; các nền văn hóa bị tiêu diệt; trong khi đó, những người châu Phi bị nhiễm HIV thì lại không được cung cấp thuốc men...
Còn với những người chống đối Đế chế toàn cầu? Kết cục với họ là vô cùng bi thảm. Điển hình nhất là cái chết của Jaime Roldós - Tổng thống Ecuado và Omar Torrijos - Tổng thống Panama. Cả hai vị lãnh đạo này đều thiệt mạng trong những vụ tai nạn thảm khốc và không hề "ngẫu nhiên". Chỉ bởi vì họ đã phản đối các "phe phái công ty, chính phủ và các trùm ngân hàng, những người có chung mục tiêu là thống trị toàn cầu". Chỉ bởi vì khi mà những sát thủ kinh tế không thể mua chuộc được họ, thì những tên sát nhân - những tên giết người thực sự của CIA - đã vào cuộc.
Tại sao khủng bố lại tấn công nước Mỹ?
Một số chính trị gia cho rằng: cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu là cuộc chiến vì các giá trị toàn cầu, "các giá trị phổ quát". Họ bao biện rằng họ phải chiến đấu vì các giá trị đó để bảo vệ "lối sống" của mình, đồng thời bất chấp nguyên nhân của khủng bố xuất phát từ đói nghèo, cố tình lờ đi bất công và khoảng cách giữa hai bờ Bắc - Nam trên phương diện kinh tế, xã hội.
Từ con mắt của một người từng làm EHM, John Perkins đã khẳng định ý niệm đó là hoàn toàn sai lầm. Tác giả chỉ rõ căn nguyên trong ý thức hệ của chủ nghĩa khủng bố xét từ phương diện kinh tế: "Những gì thực sự đang nuôi dưỡng hệ thống này còn nguy hiểm hơn cả âm mưu....đó là ý tưởng cho rằng mọi sự tăng trưởng kinh tế đều có lợi cho loài người và rằng càng tăng trưởng thì lợi ích càng lớn. Đức tin này cũng dẫn tới một hệ quả cho rằng, những người có khả năng tạo ra nguồn tăng trưởng phải được khen ngợi và trả công, còn những kẻ khốn cùng sinh ra là để bị bóc lột.
...Chúng ta biết rằng ở rất nhiều nước, tăng trưởng kinh tế chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người dân và thực ra là đẩy đa số những người còn lại đến bờ tuyệt vọng. Ảnh hưởng này còn sâu sắc hơn bởi một niềm tin tất yếu rằng những người lãnh đạo dẫn dắt toàn bộ hệ thống phải có một vị trí đặc biệt. Chính niềm tin này là gốc rễ của nhiều vấn đề mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt và có lẽ cũng là lý do tại sao lại có đầy rẫy các lý thuyết về âm mưu. Khi con người được thưởng vì lòng tham thì sự tham lam sẽ trở thành một động lực tồi tệ".
Chính bằng đó, chủ nghĩa khủng bố có được mảnh đất để dung dưỡng. Và hàng vô số con người trên khắp hành tin này đều là những tên khủng bố tiềm năng, bởi vì họ bị đẩy vào tình trạng "tuyệt vọng".
Sát hại nền kinh tế Ecuado
John Perkins đã lấy ra ví dụ điển hình từ việc sát hại nền kinh tế của Ecuado. Thèm khát biển dầu nằm dưới khu vực Amazon (được cho là có tiềm ngang với các mỏ dầu ở khu vực Trung Đông), các EHM đã mang lại cho Ecuado các dự án để rồi ngay sau đó, quốc gia này ngập chìm trong nợ nước ngoài. Và cách duy nhất để trang trải khoản nợ đó là Ecuado phải bán đi khu rừng nhiệt đới của họ cho các công ty dầu lửa.
Tác giả phân tích: "Ecuado là trường hợp điển hình của các nước trên thế giới đã được EHM đưa vào một nhóm có cùng lợi ích kinh tế - chính trị. Cứ 100 USD dầu thô lấy ra từ các khu rừng nhiệt đới của Ecuado thì có tới 75 USD rơi vào túi của các công ty dầu lửa. 25 USD còn lại sẽ dùng để trang trải chi phí quân sự và chi tiêu của chính phủ - trong đó khoảng 2.5 USD được chi cho y tế, giáo dục và các chương trình giúp đỡ người nghèo. Như vậy, cứ 100 USD dầu khai thác được tại khu vực Amazon sẽ chỉ có dưới 3 USD đến được với những người cần nó nhất - những người mà cuộc sống của họ bị ảnh hưởng xấu bởi những con đập, việc khoan dầu, các đường ống - và những người đang chết dần chết mòn do thiếu thức ăn và nước uống".
Tuy nhiên, Ecuador chỉ là một trong (vô) số các phi vụ mà các sát thủ kinh tế nhúng tay vào.... Trong cuốn sách, tác giả đã chỉ ra vai trò của các EHM (thông qua chính bản thân ông) trong các phi vụ và âm mưu tại Panama, tại Arập Xê út, Colombia, Iraq, và cả Osama bin Laden...
Nhận định về cuốn sách bán chạy nhất của New York Times "Một cuốn sách cực kỳ chân thật và hấp dẫn" - Tờ tin tức The Rocky Mountain News "Câu chuyện về một thế giới đầy rẫy những mưu đồ với sức lôi cuốn của một cuốn tiểu thuyết trinh thám... Đáng đọc" - Tạp chí Library Journal "Một sự chấn động. Một trong số ít người dám thẳng thắn đứng ra vạch trần những bí mật bên trong cái guồng máy đế quốc giữa chính phủ và doanh nghiệp mà họ từng bám rễ trong nhiều năm. Một tác phẩm sâu sắc và một tấm lòng quả cảm". - John Er Mark, Giáo sư trường Đại học Harvard, tác giả cuốn "A Price of Our Disorder: The life of T. E Lawrence", được giải Pulitzer. "Sự ly kỳ và hấp dẫn của một cuốn truyện trinh thám theo phong cách Graham Greene đã được Perkins kết hợp với cái nhìn xuyên suốt của một người trong cuộc để viết nên một câu chuyện có sức lay động, lột tả một cách hết sức chân thực nhân vật và sự kiện liên quan...". - David Korren, tác giả cuốn sách bán chạy nhất "When Corporations Rule the World". "Thật tuyệt vời, chưa từng có... một câu chuyện mà bất kỳ ai quan tâm đến thế giới này đều phải đọc". - Lynne Twist, Nhà hoạt động toàn cầu, tác giả cuốn sách bán chạy nhất "The Sound of Money". "Đầy thách thức và gây chấn động... cuốn sách này đã làm thức tỉnh người đọc, buộc họ phải nhìn nhận lại vai trò của bản thân, và vì thế thúc đẩy sự thay đổi". - R. Paul Shaw, Cựu kinh tế gia hàng đầu, hiện là Cố vấn chương trình, nhóm phát triển con người, Viện Ngân hàng Thế giới. ".... cái nhìn cực kỳ sắc sảo của một người trong cuộc về việc các công ty đa quốc gia đã trắng trợn cướp đoạt tiền của các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba, hết nước này đến nước khác, một cách hợp pháp như thế nào". - Josh Mailman, đồng sáng lập The Threshold Foundation, Social Venture Network và Business for Social Responsibility. "Dũng cảm đối diện với sự thật, Perkin đã kể về sự thức tỉnh lương tâm và cuộc đấu tranh để khoát khỏi cái thệ thống thối nát đang thống trị toàn cầu mà chính ông đã góp phần tạo nên. Cuốn sách.... xuất phát từ đáy lòng. Nó thực sự hấp dẫn" - Michael Browstein, tác giả cuốn World on Fire. " Một câu chuyện lôi cuốn ... một người đàn ông can đảm và vô cùng tận tâm". - Stephan Rechtschaffen, Chủ tịch tổ chức Omega Institute, tác giả cuốn Timeshifting. (Theo NXB Văn Hóa - Thông tin) |
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Trong vòng hai năm trở lại đây, "Confessions of an Economic Hit Man" (Lời thú tội của một sát thủ kinh tế) - Nhà xuất bản Penguin, New York - của tác giả John Perkins đã trở thành một “hiện tượng” ở Mỹ và đang lan sang nhiều nước khác.
Dù tác giả là một người hầu như không tên tuổi, và cuốn sách không được một tờ báo lớn nào nói đến (cho mãi đến gần đây), nó đã leo lên hàng thứ sáu trong danh sách các quyển bán chạy nhất (tháng 3/2006). Cuốn sách cũng đang được nhiều đại học khuyến khích sinh viên đọc, và nghe đâu Hollywood cũng sẽ quay thành phim với tài tử Harrison Ford thủ vai chính.
Đây là hồi ký của một nhân vật tên John Perkins, tự xưng đã từng làm “sát thủ kinh tế”. “Sát thủ kinh tế”, theo lời Perkins, là người được giới đại doanh thương Mỹ gửi sang các quốc gia đang phát triển để thực hiện những mưu đồ kinh tế đen tối nhằm phục vụ quyền lợi của giới này, và gián tiếp là của nước Mỹ. Cuốn sách là “ lời tự thú” của Perkins về những “tội lỗi” ông đã làm trong thập niên 1970.
Tác giả kể: sau khi tốt nghiệp đại học, ông ta được một công ty tư vấn ở Boston (Mỹ) tuyển mộ làm chuyên viên kinh tế với hai nhiệm vụ. Đầu tiên, ông sẽ được gửi sang một quốc gia đang phát triển để biện minh (thường là dối trá) những dự án cơ sở hạ tầng (như xa lộ, đê đập, mạng điện...) cách nào để các quốc gia này vay được tiền của các tổ chức và ngân hàng quốc tế và, cùng lúc, giúp các đại công ty Mỹ (như Bechtel, Halliburton) “trúng thầu”.
Sau đó, “sát thủ kinh tế” Perkins phải làm thế nào để các quốc gia ấy... phá sản, không trả được nợ. Khi đã sa vào hoàn cảnh ấy, các nước này phải nghe lời chủ nợ, trở thành một “đàn em” dễ bảo của Mỹ, cho Mỹ khai thác dầu hỏa và các tài nguyên thiên nhiên khác, lập căn cứ quân sự, hoặc ít nhất thì cũng bỏ phiếu theo Mỹ ở Liên hiệp quốc.
Sự nghiệp của Perkins bắt đầu ở Indonesia năm 1971 với nhiệm vụ lập một dự án mạng điện cho đảo Java. Ông ta nhận lệnh đưa ra những dự báo kinh tế cực kỳ lạc quan để USAID (Cơ quan Viện trợ kinh tế của Mỹ) và các ngân hàng quốc tế có thể cho Chính phủ Indonesia vay tiền. Tất nhiên, dự án ấy sẽ thất bại (hoặc không nhiều lợi ích như dự báo), Indonesia không thể trả nợ, và sa vào cái “còng” của Mỹ.
Chu toàn tốt đẹp sứ mạng ở Indonesia, năm 1972 Perkins được gửi sang Panama. Làm “cố vấn” cho “kế hoạch phát triển toàn bộ” của nước này, Perkins được sếp ra lệnh đề nghị một loạt dự án không thực tế, ngụy tạo các con số, tưởng tượng một tương lai sáng ngời cho Panama để Ngân hàng Thế giới đầu tư hàng tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng ở nước này. Perkins cũng không quên gài vào những hợp đồng cho vay một số điều kiện mà chỉ các công ty Mỹ mới thỏa mãn được.
Thâm độc hơn, vì Chính phủ Panama lúc ấy có thái độ “kình” Mỹ, cụ thể là muốn Mỹ trả lại kênh Panama, Perkins được chỉ thị phải làm sao để các nhà lãnh đạo nước này “nhu mì” hơn đối với Mỹ.
Song, có lẽ “thành tích” rực rỡ nhất của Perkins là ở Ảrập Saudi, nơi Perkins “hạ cánh” năm 1974. Như mấy lần trước, ở đây Perkins cũng được lệnh thổi phồng dự báo tăng trưởng để biện minh cho các món vay và các hợp đồng với các công ty Mỹ.
Quan trọng hơn, Perkins thú nhận rằng, để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng dầu hỏa như vào những năm 1970, ông ta được lệnh thuyết phục Chính phủ Ảrập Saudi (1) không để dầu hỏa chảy vào Mỹ bị gián đoạn, ở một giá “phải chăng”; (2) dùng tiền bán dầu hỏa để mua ngân khố phiếu của Mỹ; (3) rồi lại dùng tiền lãi để thuê các tập đoàn kinh doanh của Mỹ “hiện đại hóa” Ảrập Saudi theo kiểu phương Tây.
Perkins khoe rằng ông đã biến Ảrập Saudi thành “con bò sữa có thể vắt đến ngày về hưu” cho ông và các sếp của ông, và tự đắc là “Bộ Ngân khố Mỹ thuê chúng tôi, trả lương chúng tôi với tiền của Ảrập Saudi, để xây dựng cơ sở hạ tầng ở đó, thậm chí nhiều thành phố của họ là hoàn toàn do chúng tôi xây dựng”.
John Perkins giảng bài tại Đại học Saint Peter"s ngày 27-2-2006 - Ảnh tư liệu Sau khi “rửa tay gác kiếm” vào năm 1981, John Perkins sáng lập và trở thành giám đốc điều hành của Hệ thống điện độc lập (IPS), một công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ năng lượng thay thế. Năm 1990, ông bán IPS rồi thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Liên minh biến đổi ước mơ (thường gọi là Dream Change), hợp tác mật thiết với cư dân vùng Amazon giúp họ bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Hiện nay công việc chính của John là viết văn và giảng dạy sinh viên các trường đại học ở Mỹ với chủ đề tư duy về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông đang sống với vợ và con gái ở bang Florida. Trong một lần trả lời phỏng vấn, John nói rằng: “Người Mỹ đã bội ước những qui tắc với thế giới về quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Và chúng ta đang tiếp tục bội ước... Sự thay đổi luôn nằm trong tầm tay và dành cho tất cả mọi người. Tôi biết mình phải thay đổi, để thế hệ con gái tôi có thể được hưởng những gì tốt nhất!”. |
Sau vài chuyến công tác nữa ở Iran và Colombia, Perkins giải nghệ “sát thủ” năm 1980. Bị “lương tâm cắn rứt” từ đó đến nay, ông ta viết cuốn này (dù bị cản trở nhiều lần, ông ta nói).
Lời bình
Phải nhìn nhận rằng "Thú tội của một sát thủ kinh tế" quả hấp dẫn như truyện gián điệp: những cái chết bí ẩn, những buổi trưa làm tình vụng trộm, những thành phố nhiệt đới có vẻ kỳ bí đối với người phương Tây, những cuộc trốn thoát trong đường tơ kẽ tóc. Tuy nhiên, đọc kỹ, có nhiều điều không ổn về tác phẩm lẫn tác giả này.
Trước hết, ai biết chút ít về thời cuộc, về chính trị thế giới, và không quá ngây thơ, hẳn sẽ không lấy làm lạ về những xì căng đan mà Perkins kể lại. Có ai lạ gì chuyện các nhà lãnh đạo những nước nhỏ, đang phát triển (và đôi khi của vài quốc gia đã phát triển) bị nước ngoài mua chuộc (bằng tiền hoặc bằng sex), bắt chẹt, hăm dọa...
Thậm chí, áp lực này diễn ra một cách chính thức, công khai, ngay trong những cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo, bị báo chí phanh phui, lắm khi còn để lại dấu vết trong các hiệp ước thương mại. Đó là những chuyện “thường ngày ở huyện”. Có đại diện (thương mại, ngoại giao, quân sự...) nào của Mỹ (và hầu hết mọi nước khác) từ thấp đến cao, lại không sử dụng mọi thủ đoạn để đem lại lợi ích cho mình?
Đằng khác, chả lẽ lãnh tụ các nước chậm tiến không bao giờ phạm lỗi lầm, quyết định sai về dự án này, kế hoạch nọ và không tham ô? Cần gì những người như Perkins chỉ bảo, thúc giục? Và đúng là các tư vấn ngoại quốc hay thổi phồng triển vọng các dự án, song chắc gì chỉ các công ty ngoại quốc thủ lợi?
Cái mới lạ ở cuốn này là Perkins kể những thủ đoạn của các nhà ngoại giao, nhà kinh tế (thường là nghiêm trang đạo mạo) dưới dạng hồi ký hấp dẫn như một truyện gián điệp đầy tình tiết ly kỳ (có “sát thủ”, có rượu, có đàn bà, có án mạng, có hẹn hò giữa đêm khuya ở nhà ga, quán xá...), úp mở nghi vấn (nhưng không bằng cớ, thậm chí không đưa tên nhân chứng) về những “bí ẩn” trong cái chết của Tổng thống Kennedy, tướng Torrijos của Panama, ngay cả của mục sư Martin Luther King...
Có thể Perkins nói thật, có thể ông nói phét. Làm sao biết được?
Hơn nữa, những chi tiết ông đưa ra lại làm cho người đọc thắc mắc thêm: cớ gì mà một công ty tư vấn to lớn, có uy tín lâu đời ở Boston lại chọn Perkins (lúc đó chưa đến 30 tuổi, mới xong cử nhân kinh doanh) để giao những sứ mạng quan trọng như vậy? Vài phân tích kinh tế của Perkins càng làm người đọc hoài nghi kiến thức của ông ta.
Chẳng hạn, không ai hiểu biết về kinh tế lại so sánh doanh thu của xí nghiệp và GDP của quốc gia (hai phạm trù hoàn toàn khác nhau), để kết luận rằng công ty này “mạnh” hơn quốc gia nọ. Nhiều chi tiết trong sách là hoàn toàn sai. Chẳng hạn tác giả bảo rằng National Security Agency (cơ quan tuy rất lớn, song chỉ chuyên về mật mã) là một cơ quan kinh tế của Chính phủ Mỹ... Cũng nên để ý là hầu hết kinh nghiệm của Perkins là khoảng 30 năm về trước.
Tóm lại, "Thú tội của một sát thủ kinh tế" là một cuốn sách hấp dẫn, và nếu người đọc chưa bao giờ nghe về những thủ đoạn lươn lẹo, dối trá, quỷ quyệt, hắc ám của các đại công ty ở các quốc gia chậm tiến, thì cũng nên đọc để biết vài nét chính.
Song, đối với những chi tiết về hành tung của tác giả, cũng như những gì mà ông không đưa bằng chứng, thì hãy cứ... hoài nghi.
Nghĩ từ loạt bài Sát thủ kinh tế
Theo Vietbao.vn, Nguyễn Bá Anh (Moscow, 2006)
Vấn đề là ở chỗ: vì đây là cuốn “Best Seller” nên nhiều người chú ý đọc với cái từ mới mẻ “sát thủ kinh tế”, nhờ kỹ nghệ “PR” hùng mạnh của Phương Tây, hay vì nó đáp ứng nhu cầu, giải đáp phần nào những câu hỏi day dứt âm thầm của số đông các nhà chính trị, kinh tế, dân chúng toàn cầu trong thời đại đầy biến động trên quy mô quốc tế và lẫn lộn thật giả này?
Có thể là do cả hai khía cạnh đó chăng! Nguyên cớ gì, một tác giả không tên tuổi trong làng viết văn như John Perkins lại trở nên nổi tiếng khởi đầu bằng một cuốn sách mà theo nhiều nhà phê bình văn học hay nghiên cứu kinh tế, chính trị, cho là chẳng thuộc thể loại gì, không phải nghiên cứu, chẳng phải tài liệu, hồi ký, tự thuật, cũng không hẳn trinh thám, gián điệp, hay hoàn toàn là tiểu thuyết hư cấu mẫu mực... một hiện tượng lạ?
Như vậy, chân lý, hay sự thật có vẻ như quanh quất, phảng phất đâu đó trong cuốn sách, như ẩn, như hiện, và chỉ có những ai trong cuộc, mới thấy được mục đích thầm kín của tác giả, những ai đi sâu nghiên cứu các vấn đề địa chính trị, quan hệ kinh tế thế giới và những ai nhạy cảm với mọi dấu hiệu, lời cảnh báo ngụ ý về nguy cơ hiểm hoạ nào đó đối với nền độc lập của dân tộc mình... Phải chăng tác giả mượn cuốn sách nhỏ không rõ thể loại này, khéo léo qua đó gửi gắm một thông điệp đến tất cả những ai có trách nhiệm tới số phận của đất nước mình trước cơn bão “toàn cầu hóa”, chỉ để được cảm thấy lương tâm thanh thản, vì đã sám hối, nếu quả tác giả chính là nhân vật “sát thủ” như đã viết?
Từ tháng 9 năm ngoái, khi cuốn sách được phát hành tại Nga với bản dịch của Viện nghiên cứu chiến lược kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, thì lập tức cũng trở thành Best Seller ở Nga, và Best Seller trong cả nửa năm liên tục, cho đến hôm nay, với nhà phát hành sách lớn nhất LB Nga Biblio-Globus!
Khác với các tác phẩm văn học nước ngoài khác được các nhà văn Nga chuyển ngữ, dịch giả cuốn “Sát thủ” này lại là một GS TS kinh tế nổi tiếng của Viện HLKH Nga chuyên về các vấn đề chiến lược. Với 319 trang gồm tác phẩm và tư liệu về tác giả, cuốn sách trở thành một chứng cứ minh họạ cho nhiều nhận định, đánh giá của các nhà nghiên cứu chính trị-kinh tế chiến lược Nga trong quan hệ hợp tác với Phương Tây, hay thế giới, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Điều này đặt ra câu hỏi: bạn đọc Nga khác gì bạn đọc ở hàng chục nước khác đã đọc cuốn này? Như vậy, vấn đề mà John Perkins mượn văn học bạch ra đã đáp ứng nhu cầu, hoặc “gãi đúng chỗ ngứa” của số đông, bằng bản chất, chứ không bằng nghệ thuật văn học, hư cấu (vốn rất yếu) trong cuốn sách này.
Tôi đã đọc ngấu nghiến bản tiếng Nga ngay sau khi mua được, vào cuối năm 2005, tuy chưa có điều kiện đối chiếu với nguyên bản tiếng Anh, và thấy cuốn sách rất gần gũi với những nhận định của mình khi nghiên cứu, theo dõi các sự kiện kinh tế-chính trị trong mấy thập niên qua. Những sự kiện lớn đã qua và đang diễn ra, những chính khách, những nhân vật tên tuổi đang tại vị... được đề cập trong cuốn sách đều có thật và có vẻ trùng khớp với những kết cục trên thực tế...Và tôi rất mừng là ở Việt Nam, bản dịch tiếng Việt sắp được công bố, và TS đã kịp thời đưa bạn đọc Việt Nam đến với nó.
Là người nghiên cứu kinh tế và các hoạt động doanh nghiệp, tôi thấy nếu bản dịch tiếng Việt được phổ cập rộng rãi, chắc chắn sẽ giúp thêm cho tất cả chúng ta, nhất là những nhà hoạch định chính sách phát triển đất nước, những cơ quan chịu trách nhiệm giao dịch quốc tế và quản lý tài chính quốc gia, lý giải được một phần những gì đã, đang và có thể sẽ xảy ra với các nước đang phát triển và hội nhập như nước ta, nếu không có cách nhìn toàn diện, chiến lược và đầy trách nhiệm với lợi ích dân tộc trước những vận hội, thời cơ và nguy cơ... mà bất cứ con tàu nào khi ra khơi đều phải đón nhận.
Ở quy mô nhỏ (micro), cuốn sách cho ta nhận diện một trong các nguyên nhân của những gì gọi là “tiêu cực” ở ta khi thu hút, thực hiện và quản lý vốn vay của nước ngoài, ví dụ như ODA, trong những vụ việc như PMU18, các PMU khác chưa bị vạch ra... Sự tiêu cực có tính phá hoại nền tảng đó chỉ do “sự xuống cấp đạo đức” của một số người có chức vụ? Hay nó được mặc nhiên nằm trong hoạch định về chức năng chiến lựợc của các nguồn vốn ràng buộc?
Vì sao chỉ sau khi Đảng và Nhà nước ta kiên quyết tấn công và xã hội phẫn nộ đòi trừng phạt nghiêm khắc loại tội phạm này, các CP, tổ chức cho vay vốn nước ngoài mới tham gia điều tra? Bộ Tài chính, người “tay hòm chìa khoá”, Bộ KH&ĐT, “nhà tổng quy hoạch” kinh tế của đất nước, có thường nhật công bố trước toàn dân hiệu quả của các dự án đầu tư bằng vốn vay của nước ngoài? Có khi nào, để tiến tới một nền kinh tế phát triển bền vững, chúng ta đặt lên bàn cân lợi hại tổng thể các dự án đó trên tác động tới môi trường sinh thái, dân cư, xã hội... khi hàng chục, hàng trăm ngàn người dân chỉ trong vài năm phải “tái định cư, tái định nghề...” thành thất nghiệp, bần cùng, khi các khu ruộng đất được thuần hoá ngàn đời (vốn còn rất ít ở ta) biến thành khu công nghiệp và đô thị, còn những khu đáng để làm công nghiệp lại vẫn “yên nghỉ”...
Ta có lầm chăng, và tạo ra tâm lý ỷ lại, thiếu tự cường, dẫn đến vô trách nhiệm của các nhà quản lý và cả người dân khi chỉ dùng một khái niệm “vo” về “đầu tư nước ngoài” nhưng thực chất là “đầu tư của Việt Nam bằng vốn vay VN của nước ngoài”! Lĩnh vực đầu tư là một thị trường vốn của Bên vay và Bên cho vay, nên hai bên cùng phải có lợi, chứ chẳng ai phải ơn ai!
Không ai lo cho ta bằng ta! Chân lý đơn sơ đó ai cũng biết. Nhưng liệu ta đã lên bàn cân đầy đủ về cái được và cái mất của ta, khi ký mỗi hiệp định vay nợ, dù dưới bất kỳ hình thức nào, với tỷ lệ lãi suất nào? Chắc gì của (lãi suất) rẻ đã tốt! Và GDP đâu nói lên tất cả hiệu quả phát triển xã hội! Đất nước đang cần rất nhiều vốn. Nhưng vốn lớn nhất của đất nước lại là nguồn lực con người (Việt Nam) và tài nguyên, đất đai, lãnh thổ mà tổ tiên để lại và dân tộc duy tồn đến ngày nay. Vốn này chưa được đánh thức đúng và sử dụng đúng. Vay một đồng vốn bên ngoài trong khi phát triển, không thể để mất mát hoặc hư hỏng, băng hoại nhiều “đồng vốn” khác trong nước! Có nhớ chăng “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố, khi chị Dậu phải mắc nợ!
Cảm ơn John Perkins! Với các nhà nghiên cứu thì cuốn sách của anh bổ sung thêm nhận định của họ về vai trò và lợi ích đích thực của các tập đoàn quốc tế và các chính phủ các nước giàu, như nước Mỹ, trong một cái gọi là “tập đoàn trị”, với người dân bình thường ở các nước nghèo, anh đã giúp cho họ phần nào nhìn ra xa hơn cuộc sống hàng ngày của họ, giúp họ đứng cao hơn, để thấy được dòng chảy đang đi về đâu... để hiểu được giá trị thực mà họ phải bảo vệ, gìn giữ...
Có những ý kiến cho rằng, John Perkins hư cấu, và không có tư liệu gì chứng minh sự tồn tại của “sát thủ kinh tế” cũng như những suy luận thế sự, hoặc không thể có chuyện “tày đình” như thế mà lại được viết ra như thế... Nhưng đã có bao huyền thoại không thể bác bỏ hoặc cũng chưa thể chứng minh ngay, dù chỉ riêng cho ai đó... Trong mỗi tác phẩm văn học, mỗi thông điệp của con người, dù là người chưa được ai biết đến, ít nhất đều có một phần sự thật. Nếu không, nó đã không thể nhận được sự quan tâm sâu rộng như vậy. Một phần của sự thật cũng là sự thật!
Nếu ở những nước giàu như nước Mỹ, có những công dân “sám hối” vì mình trót “phạm tội” trước các dân tộc khác, như “sát thủ”, thì ở những nước được coi là mục tiêu lợi ích của “tập đoàn trị” có ai sẽ “sám hối” trước chính dân tộc mình? Ai sẽ trả giá thay họ?
Giá như sau khi NXB VHTT cho ra cuốn “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” TS mở trang ý kiến bạn đọc, thì có thể sẽ có thêm nhiều ý kiến của bạn đọc mọi tầng lớp, nhất là lớp trẻ của chúng ta đầy hoài bão, ý chí và trí tuệ, mà tuổi của họ còn nhỏ hơn các kế hoạch mà “sát thủ” đã tham gia, để họ có thể vững vàng “tiếp đón” các “sát thủ” mới đang âm thầm đến cùng quá trình hội nhập và toàn cầu hoá, và chiến thắng chúng trên mặt trận mới, như các chiến sĩ của chúng ta đã dũng cảm và thông minh chiến đấu thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc ngày nào!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn