Sự lớn mạnh của các lực lượng đa quốc gia

01:35 CH @ Chủ Nhật - 15 Tháng Tư, 2007

Trong những trào lưu và xu thế mới, một trong những xu thế nổi bật nhất có lẽ là sự lên ngôi của các lực lượng đa quốc gia trên vũ đài quốc tế.

Cội nguồn của các lực lượng đa quốc gia

Nói đến các lực lượng đa quốc gia là chúng ta phải nói đến một trào lưu chính trị xưa hơn, đó là chủ nghĩa vô chính phủ. Nói chung, bao giờ giữa quyền lợi công cộng và quyền lợi cá nhân cũng có những mâu thuẫn với nhau, và do đó có một tâm lý phổ biến trên toàn thế giới là con người không thích các chính phủ. Về bản chất thì những cuộc biểu tình chống chính phủ mà chúng ta đang chứng kiến khắp nơi trên thế giới ngày nay khá gần gũi với những cuộc biểu lộ thái độ tương tự trong quá khứ. Người dân không thích các chính phủ, bởi vì người ta không thích ai điều khiển đời sống của mình. Vô phúc cho dân tộc nào mà đa số dân chúng lại thích sự điều khiển như vậy, bất kể vì lí do gì, bởi vì chúng ta có thể khẳng định ngay rằng dân tộc ấy sẽ không thể phát triển được. Bởi lẽ nó là dấu hiệu của sự bạc nhược cam chịu hoặc kém phát triển về mặt nhận thức. Một dân tộc lành mạnh thì nói chung là không thích nhà nước, không thích các chính phủ.

Vậy các chính phủ kiểm soát các hành vi của con người để làm gì? Nói một cách nôm na, mục đích trước hết và dễ thấy nhất là để thu về mọi khoản thu có thể thu được. Tuỳ thuộc vào trình độ văn minh trong mỗi thời đại mà các khoản thu ấy hợp lý hay không hợp lý, hợp đạo lý hay không hợp đạo lý. Nhưng chính phủ, Lênin nói về cơ bản là đúng, bao giờ cũng đồng nghĩa với một bộ máy cảnh sát và thu thuế. Mục đích thứ hai, thực ra căn bản hơn, là các chính phủ muốn kiểm soát sự an toàn chính trị của mình, tức là muốn trở thành bền vững. Đáp lại ý chí của nhà nước là sự nảy sinh tâm lý, và sau đó là chủ nghĩa vô chính phủ. Những tập đoàn đa quốc gia, hay những tập đoàn không thích sự kiểm soát của các quốc gia, là hiện thân ở mức tập trung nhất và dưới hình thức hiện đại của chủ nghĩa vô chính phủ. Họ không muốn bị các chính phủ thu nhiều khoản thu từ những phần khác nhau của họ. Họ tìm cách trốn tránh điều đó trong điều kiện có thể. Họ lập công ty ở những nơi nào phải đóng thuế ít nhất, có thể thuê nhân công với giá rẻ nhất, mặc cho tình trạng thất nghiệp ở nước họ có trầm trọng đến mức nào đi nữa.

Hiện tượng này thực ra cũng đã có từ ngàn xưa. Đó là những lực lượng đa quốc gia tồn tại bên ngoài các đường biên giới. Cùng với sự phát triển của công nghiệp, cùng với sự hoà nhập của thế giới thì mới xuất hiện các lực lượng đa quốc gia chuyên nghiệp. Lực lượng đa quốc gia mà chúng ta nói đây là các lực lượng đa quốc gia chuyên nghiệp và chính thống như thế. Việc các lực lượng đa quốc gia phân phối vốn đầu tư và sự chú ý của họ vào đâu phụ thuộc vào chính sách của các chính phủ, vào tình trạng giá cả lao động hàng hoá ở những khu vực khác nhau. Như vậy rõ ràng là họ tự quyết định việc phân bố đầu tư sự chú ý chính trị và kinh tế, không phụ thuộc vào các chính phủ. Các lực lượng này đóng vai trò quyết định, là động lực cơ bản trong quá trình toàn cầu hoá. Nếu nhìn thuần tuý dưới con mắt kinh tế thì các công ty đa quốc gia là bước phát triển mới của các xí nghiệp. Từ những xí nghiệp chuyên môn hoá trong việc sản xuất một sản phẩm cụ thể và độc lập với nhau, đến đầu thế kỷ, trước tiên là tại Mỹ, đã xuất hiện sự liên kết của các công ty, đặc biệt là công ty thương nghiệp với công ty công nghiệp, trở thành những công ty công-thương nghiệp. Một mặt, các công ty không ngừng tăng khả năng về vốn, về công nghệ và thị trường, mặt khác nó cũng không ngừng thâu tóm ngày càng nhiều lĩnh vực. Không những thế, hoạt động của các công ty dần dần mở rộng cả theo chiều dọc, nghĩa là bao gồm cả những hoạt động trước sản xuất như đào tạo nghiệp vụ, khai thác nguyên vật liệu, cung cấp dịch vụ ngân hàng, và các hoạt động sau sản xuất như gắng ổn định thị trường của mình bằng cách hỗ trợ những công ty là khách hàng của nó. Do đó nảy sinh nhu cầu liên kết những công ty khác nhau của nhiều nước khác nhau vào một tổ hợp chung. Cũng dưới góc độ kinh tế thì các công ty đa quốc gia là bước phát triển mới về chất của nền kinh tế thế giới. Về thực chất đó là những siêu công ty xét về vốn, công nghệ, chất xám và trình độ quan lý. Hoạt động của các công ty đa quốc gia vượt rất xa ngoài các đường biên giới và trở thành những thế lực khổng lồ, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ. Đến cuối thế kỷ XX, sức mạnh kinh tế của nhiều công ty đa quốc gia còn vượt cả những quốc gia được xếp hạng trung bình của thế giới. Nghĩa là về mặt nào đấy các công ty và quốc gia đã trở thành những quốc gia không có đường biên và nhiều nhà lãnh đạo công ty đa quốc gia đã trở thành những chính khách thực sự.Các công ty đa quốc gia phân phối vốn đầu tư và sự chú ý của họ vào quốc gia nào phụ thuộc vào chính sách của chính phủ, vào tình trạng giá cả lao động, hàng hoá ở những khu vực đó Rõ ràng là họ tự quyết định việc phân bố sự chú ý chính trị và kinh tế của mình không phụ thuộc vào ý chí của các chính phủ. Nhưng ngoài các công ty quốc gia, các lực lượng đa quốc gia còn bao gồm cả các định chế quốc tế như Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) và các tổ chức kinh tế, hợp tác khu vực kiểu như EU, ASEAN, NAFTA... và các lực lượng mang tính phá hoại quốc tế, như các tổ chức khủng bố, những tổ chức mafia hay những liên minh phản động.

Một thực tế hiển nhiên là để phát triển, mọi quốc gia, kể cả những nền kinh tế lớn nhất như nước Mỹ, không thể không hợp tác với các định chế quốc tế và thậm chí còn phải điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp với các quan hệ với các định chế đó. Trên thực tế đâu đó hiện vẫn nổi lên những tiếng nói phản đối quyền lực của các lực lượng đa quốc gia, nhưng chúng ta phải có cái nhìn thiết thực hơn. Có thể nói, các lực lượng đa quốc gia đóng vai trò quyết định, là động lực cơ bản trong quá trình toàn cầu hoá. Các lực lượng đa quốc gia đang trở thành lực lượng chính trong phân phối các nguồn lực chuyển giao công nghệ, khoa học, lưu chuyển hàng hoá, thậm chí đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hành guồng máy kinh tệ toàn cầu. Vai trò của họ ngày càng tăng trong mọi tiến trình quốc tế và khu vực vì vậy các quốc gia muốn phát triển, muốn được hưởng những thành quả phát triển của nhân loại cần và phải khai thác tối đa hiệu quả của sự hợp tác với các lực lượng đa quốc gia. Ta có thể so sánh vấn đề này với thái độ của các quốc gia đối với việc sử dụng Internet. Ngày nay không còn quốc gia nào vì lý do Internet có độc hại mà tự tước đi của mình quyền lợi khai thác và sử dụng nguồn lợi không gì so sánh được này để Phát triển kinh tế. Song song với các lực lượng đa quốc gia mang bản chất và xu hưởng tiến bộ là các lực lượng đaquốc gia phản tiến bộ. Các lực lượng khủng bố, chẳng hạn, không phải đến bây giờ mới xuất hiện, nhưng chỉ có ngày nay mới phát triển thành lực lượng có sức mạnh tàn phá ghê gớm gây khủng khiếp đối với nhân loại. Đấy chính là mặt trái của toàn cầu hoá, mặt trái của đa quốc gia hoá. Đấy là trạng thái vô chính phủ của hoạt động chính trị. Sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một lời cảnh báo đối với nhân loại. Nó cho thấy rằng thế giới của chúng ta không những đã thay đổi về bản chất mà còn trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Và lý do không phải ở đâu xa, nó nằm ngay trong sự thiếu trách nhiệm của chúng ta, nhất là của các chính phủ và những người đại diện quốc gia, về cuộc sống chung. Chính tư duy thiển cận và cũ kỹ theo hướng đối lập lợi ích dân tộc mình với lợi ích của dân tộc khác, đối lập lợi ích của dân tộc mình với lợi ích toàn nhân loại cũng dẫn đến những hậu quả khác về môi trường, về văn hoá và an ninh con người. Các lực lượng đa quốc gia là một trong những công cụ của nhân loại để tiến hành những quá trình như vậy. Các công ty đa quốc gia đại diện cho sức mạnh khổng lồ của kinh tế tư nhân trong thời đại mới, còn các định chế quốc tế đại diện cho sức mạnh của các "siêu nhà nước". So với mỗi quốc gia đơn lẻ, lực lượng đa quốc gia hiện có sức mạnh to lớn hơn nhiều trên vũ đài kinh tế, chính trị toàn cầu và chắc chắn rằng họ tiếp tục còn có vai trò to lớn hơn nữa trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia cũng như của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ tới. Hai nguồn quyền lực đứng trên quyền lực này buộc các quốc gia phải thay đổi và điều chỉnh các chính sách của mình trong đó đặc biệt là chính sách đối ngoại để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Nhưng có một khía cạnh mới mẻ còn rất ít người đề cập đến, đó là vấn đề vận động của quyền lực chính trị. Dưới tác động của toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại, không chỉ dòng chảy của hàng hoá, tiền vốn, kỹ thuật, nhân công mà cả sự thâm nhập về quyền lực từ nước này sang nước khác cũng dễ dàng hơn và có mức độ ngày càng cao hơn. ở trên chúng ta đã thấy rằng trong thời đại mới không một sai lầm trên quy mô quốc gia nào không ảnh hưởng đến đời sống chung của toàn nhân loại. Tôi cho rằng cần phải nói thêm: Ngày nay không còn quyền lực chính trị. tuyệt đối và toàn năng, đóng khung trong lãnh thổ quốc gia. Ngày nay, mọi quyền lực chính trị đều tác động, ảnh hưởng, đều phải chịu ràng buộc lẫn nhau.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: