Định chuẩn bằng những giá trị phổ quát
Sử dụng những giá trị phổ quát làm thang giá trị chủ đạo sẽ giảm được sự phức tạp trong quá trình định chuẩn và tránh được những hậu quả khôn lường do chọn phải những thang giá trị lạc hậu làm chuẩn cho xã hội.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển, đồng thời trực tiếp định hướng và điều chỉnh hành vi của xã hội, là những thang giá trị chủ đạo đang lưu hành trong xã hội.
Đối với Việt Nam, một đất nước đang ở trong quá trình chuyển đổi về nhiều mặt, từ cách thức tổ chức nền kinh tế, quan điểm chính trị, đến cấu trúc văn hóa và cách thức giao lưu với bên ngoài… thì hiện tượng chồng lấn giữa các thang giá trị cũ và mới là điều tất yếu. Cái mới tuy đã xuất hiện, nhưng chưa đủ mạnh để đẩy lùi cái cũ đã lạc hậu. Cái cũ, dù đã không còn thích hợp với sự phát triển, cũng vẫn cộng hương, cấu kết với nhau và với một số lực lượng trong xã hội để tiếp tục tồn tại.
Trong bối cảnh đó, việc định chuẩn – lựa chọn những thang giá trị cho xã hội – trở nên phức tạp và ẩn chứa những sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cái mới, chưa chắc đã là cái tiến bộ. Và cái cũ, cũng chưa hẳn là cái lạc hậu hoàn toàn. Chưa kể, xã hội có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu thang giá trị khác nhau. Vì thế, việc định chuẩn cho xã hội, đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn gấp bội.
Tuy nhiên, có một cách có thể giảm thiểu những sai lầm trong việc định chuẩn. Đó là sử dụng những giá trị phổ quát để làm thang giá trị chủ đạo. Những giá trị này đã được kiểm chứng trong suốt chiều dài lịch sử, ở nhiều nước và nền văn hóa khác nhau. Việc sử dụng chúng làm thang giá trị chủ đạo không chỉ có ý nghĩa trong việc định hướng sự phát triển của xã hội, mà còn giúp xã hội kế thừa được các giá trị truyền thống và hội nhập với thế giới bên ngoài.
Bình đẳng – dân chủ
Bình đẳng – dân chủ là giá trị mà bất cứ quốc gia tiến bộ nào cũng đều theo đuổi, bất cứ người dân nào cũng đều mong muốn. Vì thế, câu đầu tiên trong Bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945, trích từ Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ ngày 4 tháng 7 năm 1776, là: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.
Bình đẳng giữa người và người, giữa cộng đồng với cộng đồng, giữa quốc gia với quốc gia, không chỉ là mong muốn, mà đã trở thành một giá trị phổ quát.
Bình đẳng cần được đảm bảo bằng pháp luật. Những thói quen, tập tục, thang giá trị nào đi ngược lại tinh thần bình đẳng cần phải loại bỏ. Xã hội cần hướng đến sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người.
Bình đẳng là cơ sở sinh ra dân chủ. Vì dân chủ chỉ có thể hình thành khi ý kiến, quan điểm của tất cả mọi người được lắng nghe và tôn trọng. Điều đó chỉ có thể hình thành khi sự bình đẳng, cả về quyền lợi, nghĩa vụ và cơ hội phát triển của tất cả mọi người được đảm bảo.
Nếu không có bình đẳng làm giá đỡ, khi có những người hoặc nhóm người được hưởng đặc quyền đặc lợi riêng, đứng cao hơn người khác và đứng trên người khác, thì dân chủ, dù có đạt được, cũng chỉ là dân chủ giả tạo.
Bình đẳng – Dân chủ vì thế cần phải là một thang giá trị chủ đạo để định hướng và sản sinh ra các thang giá trị khác cho xã hội.
Tự do – Công lý
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”! Câu nói bất hủ đó không chỉ đúng cho quốc gia, mà còn đúng cho từng cá nhân.
Sự sáng tạo ra tri thức và của cải vật chất của xã hội, suy cho cùng cũng nhằm mục đích làm cho cuộc sống của mỗi người được tự do hơn.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã cho thấy, xã hội luôn phát triển theo hướng tăng số lượng và chất lượng của các cá nhân tự do. Nếu trong xã hội nô lệ và phong kiến, chỉ có một số nhỏ các cá nhân – thậm chí chỉ có một người là Vua trong xã hội phong kiến phương Đông – tự do, thì sang xã hội tư bản, số cá nhân tự do đã tăng lên gấp bội. Và một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” trở thành một xã hội mơ ước của tất cả mọi người.
Nhưng Tự do phải đi liền với Công lý. Nếu không có Công lý thì Tự do sẽ trở thành hỗn loạn. Tự do của người này lại phá hoại tự do của người khác.
Một xã hội pháp quyền vì thế cần phải được xây dựng để đảm bảo mức độ tự do cao nhất cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, Tự do – Công lý còn trực tiếp hỗ trợ Bình đẳng – Dân chủ, vì trong xã hội pháp quyền, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không có ai đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật.
Chân – Thiện – Mỹ
Chân – Thiện – Mỹ là những giá trị ngàn đời mà bất cứ người nào, xã hội nào cũng hướng tới.
Sự cố gắng hoàn thiện mình của mọi cá nhân và xã hội thực chất là quá trình vươn tới Chân – Thiện – Mỹ. Vì thế, đây phải được coi là thang giá trị chính để hình thành và điều chỉnh hành vi của cá nhân và cộng đồng trong xã hội.
Tất cả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, kể cả các tôn giáo và đạo đức, đều có mục đích hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
Một xã hội mà Sự thật, cái Thiện và cái Đẹp được tôn vinh thì đó là một xã hội lành mạnh, đạo đức và văn minh. Ngược lại, một xã hội mà Sự giả dối, cái Xấu và cái Ác tràn lan thì đó là một xã hội bệnh hoạn và đang trên đường suy thoái.
Muốn xã hội lành mạnh trở lại, đạo đức và văn minh, thì cái Chân – Thiện – Mỹ phải được tôn vinh, phải là mục tiêu vươn tới của xã hội và phải trở thành thang giá trị chủ đạo trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi và định hướng hành động và mục đích sống của cá nhân, cộng đồng.
Thay lời kết
Việc định chuẩn cho xã hội luôn khó. Nhưng nếu biết sử dụng những giá trị phổ quát làm thang giá trị chủ đạo thì sẽ tránh được sai lầm và ấu trĩ trong việc chọn chuẩn. Trong đó, những giá trị phổ quát, ngàn đời như Bình đẳng – Dân chủ, Tự do – Công lý và Chân – Thiện – Mỹ phải được coi là những thang giá trị cơ bản nhất, nền tảng nhất để định hướng cho xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn