Giá trị & thước đo

01:40 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Giêng, 2010

Đố biết tên thường gọi của nền kinh tế Việt Nam là gì? Là kinh tế thị trường, định hướng XHCN? Thị trường và XHCN chứ không phải thị trường có tính XHCN nhé. Bởi thị trường thì chỉ là thị trường được thôi, là giá cả, cạnh tranh, mua và bán, sản xuất và tiêu dùng...
Nhưng nền kinh tế thị trường này lại có tính XHCN, tức có cái khác với nền kinh tế tư bản... Sao hôm nay lập lý rối rắm thế?

Có nghe thời sự không? Thường xuyên! Cả bản tin chứng khoán nữa. Kinh tế thị trường vui lắm, cả nhà theo rõi giá vàng, giá đô, giá các cổ phiếu, chăm nghe bình luận chứng khoán hơn cả thời tiết và "Ai là triệu phú".

Từ giờ tới 2015 sẽ cổ phần hoá 1.000 doanh nghiệp nhà nước, sẽ thành lập mấy tập đoàn nhà nước hùng mạnh khác cùng với các tập đoàn hùng mạnh còn lại làm chủ lực, làm những "quả đấm thép" thiện chiến trên kinh trường, thương trường!

Nói cho chị biết cả nhà em chơi chứng khoán. Hai cháu mới cưới, phụ huynh cho tân lang, tân nương mỗi đứa một mớ cổ phiếu. Suốt các sáng chúng kiếm ăn, riêng rẽ, trước laptop và càphê, chiều thì lướt sóng địa ốc học làm "nhà môi giới"...

Bà nội lão thành cứ rầu rĩ vì các cháu "vô nghệ nghiệp, không biên chế, chẳng chịu làm ăn gì!". Bố mẹ chúng thì tự hào vì các con năng động và thức thời. Chúng nó thì nhơn nhơn: Ngồi nhà với máy tính, ngồi bar với càphê mà như "ngồi trên đống lửa". Nếu đại "trúng", mười năm thành đại gia thì có khi thành "anh hùng thời đổi mới" ấy chứ bà tưởng!

Thời thế đổi thay quá lẹ. Cái thời bao cấp mà ta sinh ra rồi dẹp đi mới đây thôi mà như xa lắc xa lơ. Mới 20 năm, vừa như hừng đông hy vọng, mô hình kinh tế kế hoạch, 100% sở hữu toàn dân đã trở thành quá khứ lạc hậu. Ai cũng thương cảm cho cái nông trường kia, và những người sáng tạo ra nó. Một thời là tiên phong nay hoá thành "bảo thủ".

Giá như cổ phần hoá đi cho hợp thời, giám đốc thành chủ tịch HĐQT, thì đâu đến nỗi vướng vòng kiện tụng. Quỹ đời sống, quỹ công đoàn thời tiền đổi mới là một mô hình tốt để vực đời sống cán bộ công nhân viên lên chút đỉnh, giờ thành "quỹ đen", sai luật! Cơ chế nào khi lạc hậu thì cũng "ăn thịt" những đứa con của mình. Hình như có triết gia nào đó đã nói như vậy về các diễn trình lịch sử.

Xã hội thay đổi thì các thước đo thay đổi và các giá trị thay đổi. Mà em cho rằng thước đo thay đổi là thiên về lượng. Giá trị thay đổi thì mới là thay đổi về chất. Xin cụ thể hơn! Xưa có xe đạp, đủ ăn, đủ mặc đã là sung túc, nay nhà lầu, xe hơi, doanh nghiệp mới là trung lưu. Chuẩn nghèo cũng tăng dần, càng nước giàu chuẩn nghèo càng cao. Lương hành chính cao nhất nước ta 300-400USD, còn dưới chuẩn trợ cấp thất nghiệp của các nước giàu.

Thời Pháp thuộc hết tiểu học đã thành trí thức, biết chữ quốc ngữ là đã làm anh giáo được ngay. Cử nhân đã là đại trí thức rồi. Nay mấy bằng TS chả ăn ai. 10 năm trước có 1 triệu "đô" là đại gia, nay trăm triệu còn là "chuyện nhỏ", v.v và v.v... Trước đổi mới làm giàu là tư bản hoá - xấu, nên buôn bán tư nhân là phạm pháp, nay làm giàu là xây dựng XHCN, là tốt. Xưa tuân thủ phân công của tổ chức là có trách nhiệm, nay chủ động tìm việc, năng động mở doanh nghiệp mới là đáng tự hào.

Xưa chữ trinh là ngàn vàng, nay sống thử có thể là một sự lựa chọn. Xưa đa thê là sang, nay là xấu xa và phạm pháp v.v và v.v... Em thấy các thứ giá trị và thước đo cứ "lộn tùng phèo". Thì bởi giá trị cũ và giá trị mới đan xen nhau, thước đo cũ thước đo mới chồng chéo nhau. Bao nhiêu oan trái, bất công có thể từ đó mà ra. Thế làm sao gỡ? Thì dùng luật, tất tật từ to đến nhỏ phải có luật, học sống theo luật dần nó quen đi, gọi là xã hội tiến hoá, tiến bộ.

Chỉ cần nên nhớ rằng luôn có những giá trị đạo đức vĩnh cửu bất biến như lòng yêu tổ quốc, quyền tự do, lòng hiếu thảo, trọng danh dự, tín nghĩa, tình yêu, đức tin. Luật gì cũng phải bảo vệ các giá trị đó.

Chả có gì là "điên đảo" cả!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: