"Hẫng hụt nhiều giá trị đạo đức và nhân văn"
Trong đời sống hiện đại, sự có mặt của các nhà tâm lý học để sớm đưa ra những tiên liệu về mầm mống tâm bệnh của xã hội, cũng như những hồi chuông cảnh báo về sự lệch lạc trong lối sống, đời sống tinh thần là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, đội ngũ các nhà tâm lý ở VN còn quá mỏng để có thể đảm đương công việc này. Một trong những nhà tâm lý đầy nhiệt huyết và giàu ý tưởng, người đang thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về tâm lý giới trẻ và các thành phần trong xã hội - TS Huỳnh Văn Sơn - sẽ đưa ra một số vấn đề mở về sự đảo lộn không ít thang bậc giá trị đạo đức trong xã hội.
Theo anh, có thể nói gì về môi trường sống đang bị ô nhiễm hiện nay (học sinh đánh thầy cô, cha mẹ hành hạ con cái, con giết cha, tội phạm vị thành niên tăng, sự vô cảm của những người xung quanh với cái ác, sự suy thoái về đạo đức...)?
- Tôi cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận lại môi trường để hình thành và phát triển nhân cách của con người vì có quá nhiều cái "chênh" nhau tác động đến quá trình này. Những gì nhà trường cung cấp có độ vênh so với thực tế xã hội, môi trường học đường cũng chưa hẳn là "một khung trời" an toàn để phát triển nhân cách...
Cũng không thể không đề cập đến mái ấm gia đình ở nhiều nơi đã trở thành mái lạnh, không thể không nhận ra nhà thương đã trở thành "nhà ghét"... Nhiều giá trị đạo đức và nhân văn chưa được quan tâm một cách đầy đủ và đúng đắn. Nói khác đi, môi trường đúng nghĩa cho sự phát triển nhân cách của con người còn xa quá so với thực trạng, và nói "ô nhiễm" không phải là quá lời.
Là một người tham gia một số dự án giúp đỡ thanh thiếu niên, phụ nữ trẻ lập nghiệp và có kỹ năng sống tốt, anh có thể phân tích những khó khăn mà họ đang phải đối mặt trong đời sống hiện đại, cũng như những vấn đề đang đặt ra buộc xã hội phải quan tâm và giải quyết: Từ nạn bạo hành, thất học dẫn đến phạm tội, đến việc giáo dục cộng đồng thay vì cho phép mở những tụ điểm ăn chơi mới?
- Tôi cho rằng việc quan tâm đến nhu cầu giải trí là chính đáng vì nhu cầu của bạn trẻ ngày nay có thiếu thật. Thế nhưng mở ra những gì để giúp thanh niên giải trí vui vẻ, lành mạnh và hiệu quả lại là bài toán khó. Không thể phủ nhận là nhiều nơi được mở ra đánh vào nhu cầu ăn chơi của bạn trẻ nhằm sinh lợi, kiếm tiền và làm giàu... mà chưa nghĩ sâu vấn đề dưới góc độ chữ "tâm" và chữ "văn".
Giới trẻ đang đối mặt với những thách thức của cuộc sống như: Làm thế nào trụ được giữa những cám dỗ, làm thế nào để có bản lĩnh nói không, làm thế nào để có thể đủ sức vượt qua áp lực hay những sức ép... Những khó khăn này không được giải quyết một cách rốt ráo chắc chắn sẽ đẩy biết bao nhiêu bạn trẻ đến điểm "cùng" của cuộc sống. Giải quyết vấn đề này cho thấy giáo dục cộng đồng cần được quan tâm nhiều hơn song song với việc giáo dục gia đình... Tuy nhiên, hình như việc thực thi nó vẫn chỉ là những mơ ước.
Anh nói rằng học sinh ngày nay đang chịu sức ép rất lớn nên thường bị suy sụp tinh thần. Chính nơi anh cộng tác - Trung tâm truyền thông-tư vấn-đào tạo YÁ tưởng Việt - cũng từng tư vấn thành công nhiều trường hợp học sinh muốn tự tử vì quá sức chịu đựng. Có bao nhiêu em trong số đó bỏ ý định tự tử và có ca nào thất bại không? Vì sao?
- Sức mình có hạn. Với gần hai mươi ca hay hơn nữa tư vấn về vấn đề khủng hoảng tinh thần, muốn tự tử, là con số quá nhỏ so với thực trạng xã hội. Tuy nhiên, với một cuộc đời làm nghề thì nhiều khi nó lại là quá lớn. Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ đi, vơi đi khi hơn phân nửa thân chủ thực sự biết dừng lại... Không thể không kể đến những em chưa cung cấp thông tin kịp thời và những ca vẫn đang tiếp tục giải quyết theo khuynh hướng định khung lâu dài...
Một vài ca, chúng tôi cũng không thể theo sát vì gia đình chưa hợp tác kịp thời và cả chúng tôi cũng chưa tác nghiệp một cách thực sự hoàn hảo. Sự thiếu vắng tình thương, những áp lực tâm lý, những khủng hoảng bất ngờ, những sức ép quá tải từ việc học, áp lực từ gia đình... làm cho các em cảm thấy không muốn là mình trong thực tại và hành động tự tử như một cách trốn tránh. Hỏi sao có thể giải quyết nếu như chính những áp lực ban đầu đã không được giải quyết dứt điểm.
Xin anh nói thêm về dự án tác động đến nhận thức của những trẻ gái vị thành niên mà nhóm của anh đang quan tâm. Trong làn sóng lấy chồng nước ngoài ở ĐBSCL hiện nay, vai trò của những nhà tâm lý xã hội quan trọng như thế nào, liệu họ có thể thông qua những dự án và nghiên cứu của mình để cảnh báo mặt trái của trào lưu này cho xã hội?
- Đây là nỗi niềm chung của người làm chuyên môn. Tôi muốn mình góp một chút nào đó để giải quyết phần nào định hướng cuộc sống của con người. Phụ nữ luôn được quan tâm trong xu thế bình đẳng giới, cho nên đấy cũng là một "nhánh" nhỏ cần giải quyết trong "cây đời" phức tạp của cuộc sống.
Vai trò của những người nghiên cứu tâm lý cũng chỉ là tác động đến quan niệm, tạo hiệu ứng dư luận và góp phần tích cực trong việc định hướng những giá trị của cuộc sống cho bạn trẻ. Chính những bạn trẻ vẫn phải là người quyết định và lẽ đương nhiên quyết định như thế nào lại thuộc về nhận thức, thái độ và hy vọng rằng những yếu tố này có thể tích cực hơn so với thực tế.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015