Buôn sách, bán sách và tình yêu văn học
Quãng 20 năm trước, khi nhiều trẻ em ở Việt Nam háo hức mong sớm tới đầu tuần để đọc tập Doremon, Animorphs, Harry Potter,… mới phát hành thì có thể coi từ đó ở Việt Nam, sách văn học tồn tại với tư cách hàng hóa đã bước đầu định hình...
Nhưng ngay từ đầu, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ít nhiều có tính hoang dã, việc xuất bản Doremon vi phạm bản quyền đã đưa tới cảnh báo về việc phải tuân thủ luật chơi của quá trình xuất bản, phát hành vốn khá bình ổn thời bao cấp, nay sang thời kỳ mới với tính chất, yêu cầu mới. Tuy nhiên sau vài chục năm, trong khi văn học nước nhà như có xu hướng nói một cách lạc quan là “đi ngang”, thì xuất bản, phát hành sách văn học vẫn chưa cho thấy xu thế phát triển theo hướng văn minh, mà đôi khi còn bộc lộ cả một số tiêu cực?
Dẫu đăng đàn để nói về tình yêu tha thiết với văn học, dẫu hễ có cơ hội là bày tỏ tấm lòng chia sẻ với nhà văn thì xét đến cùng, ông bà chủ công ty, nhà sách vẫn là các doanh nhân, hàng hóa họ kinh doanh là sách, vốn họ bỏ ra là tiền túi. Chắc chắn yêu văn học đến mức nào họ cũng không bao giờ để tiền nhà “đội nón ra đi”. Với họ, vốn và lợi nhuận chi phối mọi tính toán và kế hoạch. Trong kinh doanh, nếu vốn là yếu tố hàng đầu thì trong kinh doanh sách, vốn còn quan trọng hơn nhiều. Không phải túi tiền cá nhân nào cũng có đủ trường lực, đủ kiên nhẫn chịu đựng cảnh các cuốn sách ế ẩm, nằm ì trong các cửa hàng. Sách ế là vốn đọng, khó hoặc không thể thu hồi, kinh doanh thất bại là tất yếu. Một trong những biểu hiện cụ thể của mục đích sớm thu hồi vốn trong kinh doanh sách văn học là tình trạng đội giá. Về nguyên tắc, giá thành mỗi cuốn sách thường được cấu thành bởi các yếu tố: giá giấy + giá công in + chi phí bìa + chi phí quản lý + nhuận bút,… Song hiện tượng ngay sau khi phát hành sách được bán giảm chiết khấu ít nhất 15%, có cuốn chỉ ít ngày sau khi phát hành giảm chiết khấu tới hơn 30%, thậm chí bán hạ giá chỉ vài ba nghìn đồng đã trở thành vấn đề làm cho báo chí hồ nghi, bạn đọc ta thán, nhưng có lẽ lại là việc bình thường với người kinh doanh sách! Có thể giải thích tình trạng đội giá sách văn học từ các nguyên nhân như chi phí phát hành, chi phí vận chuyển, mỗi đầu sách in được một hai nghìn bản,… tuy nhiên rốt cuộc thì bản chất vấn đề là người kinh doanh sách tìm mọi cách sớm thu hồi vốn, và cái giá sách “trên trời” không phải vì văn học, không phải vì bạn đọc mà vì sự thịnh suy túi tiền của chính người kinh doanh. Để rồi cuối cùng, người nai lưng chịu cái giá vô lý đó là bạn đọc.
Xuất bản và phát hành sách văn học ra thị trường là để khẳng định giá trị sử dụng. Mà trong kinh tế thị trường, khẳng định giá trị sử dụng luôn gắn với hoạt động quảng bá tính hữu ích, công dụng của hàng hóa, để từ đó chứng minh hàng hóa có thể thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội, con người. Với tác phẩm văn học cũng vậy, để khẳng định giá trị sử dụng, nơi xuất bản và phát hành cố gắng tìm cách quảng bá để bán được sách. Cùng với việc làm những bìa sách bắt mắt, đặt tên các cuốn sách có vẻ giật gân, bìa 4 và bìa gấp đầy lời khen của các cây bút nổi tiếng, phải nói là hơn mười năm qua, khá nhiều cách thức quảng bá sách đã ra đời. Cách thức phổ biến nhất là tổ chức ra sách, tọa đàm với sự tham dự của tác giả, vài ba nhà phê bình, vài nhà văn nổi tiếng, phóng viên và bạn đọc chí cốt. Các buổi ra sách, tọa đàm thường để lại ấn tượng mọi người tụ họp chủ yếu để ca ngợi, có cuốn được khen tuyệt hảo như không tỳ vết, nếu ai chê bai sẽ dễ bị coi là không hiểu tác giả, không biết đọc tác phẩm, thậm chí nói ngược, ghen ăn tức ở! Sau buổi ra mắt, tọa đàm lập tức trên báo chí la liệt bài giới thiệu na ná nhau, vì chủ yếu mông má thông cáo báo chí, hoặc bài của nhà phê bình nổi tiếng phát tại buổi ra sách, tọa đàm. Không biết vai trò của nơi chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành như thế nào nhưng có hiện tượng lạ là sau khi một số cuốn sách phát hành là một “chiến dịch” ca ngợi được tiến hành trên báo chí, với tiếng nói của một số nhà phê bình, nhà văn để không chỉ chứng minh tuyệt tác đã xuất hiện mà đôi khi kèm theo dự báo cuốn sách sẽ đạt giải này, giải kia. Một sự kiện khiến ngờ ngợ là mấy năm trước, một nhà phê bình bức xúc lên tiếng vì bài đọc sách của mình được công bố dưới tên người khác, mà bài này là gửi công ty sách B. Và vị đại diện công ty sách B trả lời đại ý: bài đọc sách viết theo đặt hàng của công ty, thanh toán tiền đầy đủ, công ty toàn quyền sử dụng, nhà phê bình không còn bản quyền. Như vậy, thực chất là nhà phê bình đã bán bài đọc sách theo đúng nghĩa đen? Còn phải nhắc tới loại bài báo đưa tin cuốn sách vừa xuất bản mà đến phố Đinh Lễ (Hà Nội) tìm mua không được; có người hớn hở bê chồng sách khỏi cửa hàng! Cách nữa là cố tình phạm luật. Nghĩa là: chưa hết hạn lưu chiểu 10 ngày đã phát hành, khi cơ quan chức năng đình chỉ là làm ầm ĩ cuốn sách “bị cấm”, bạn đọc cứ thế mà tin theo, nô nức tìm mua! Nhìn chung, nếu chỉ tin vào thông tin trên báo chí, nhiều khi ngay cả nhà nghiên cứu, phê bình còn có thể bị “lừa”!
Để làm ra giá trị sử dụng, một số người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành cũng tham gia vào quá trình quảng bá ra thị trường. Họ xuất hiện trên báo chí để ca ngợi cuốn sách do chính họ thực hiện. Họ cũng tham gia bình luận, bày tỏ lòng yêu sách, bày tỏ mong muốn đóng góp vào sự phát triển văn học của nước nhà. Mỗi lần đọc hay nghe họ nói, tôi lại tự hỏi: Nếu lợi nhuận giảm, vốn khó thu hồi thì tình yêu, mong muốn của họ có suy giảm theo? Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực bất chấp hay dở của một số nhà phê bình cũng là điều nên bàn. Với một số người, tôi có cảm giác họ đánh cược uy tín vào việc làm tăng giá trị của cuốn sách nào đó bằng việc gán cho một số giá trị “ảo”. Và có một trường hợp tuy không quan hệ văn học Việt Nam, nhưng đến nay tôi vẫn băn khoăn, đó là hơn mười năm trước cái gọi “cơn bão Linglei đổ bộ vào Việt Nam”, tác phẩm của Vệ Tuệ, Miên Miên, Xuân Thụ,… vừa xuất bản là có nhà phê bình lập tức nhập cuộc ca ngợi hết lời. Nhưng đến năm 2016 này, khi không còn ai nhắc đến Linglei nữa, thử hỏi mấy nhà phê bình nọ có tự kiểm tra việc làm của mình?
Sau mấy chục năm phát triển kinh tế thị trường, thực tế đang bày trước mắt chúng ta không chỉ nét ưu việt nổi trội mà còn là một số biến dạng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Không ít người đã và đang hiểu kinh tế thị trường là cơ hội trục lợi, và họ trục lợi bằng mọi giá với chụp giật, mánh mung, lừa đảo, tùy tiện, thậm chí bất chấp nhân tính,… Dù không muốn thì hiện tượng này cũng đã ảnh hưởng tới thị trường văn học. Ai đó không sai khi coi kinh tế thị trường là cuộc sàng lọc mà qua đó chỉ nhà văn thực tài mới có thể tồn tại. Nhưng từ lối tiếp cận và quan niệm méo mó về kinh tế thị trường tất cả vì lợi nhuận, mà cuộc sàng lọc như đã biến thành nơi lựa chọn những gì bán được, bán chạy, bán đắt,… bất kể “vàng” hay “rác”. Về tình trạng này, nên tham khảo điều một nhà phê bình, dịch giả viết trên blog cá nhân: “Tôi là một editor, nghĩa vụ của tôi là xem các bản thảo gửi đến. Tôi đã từ chối vô số bản thảo (tôi không đứng về phe phá rừng) kể cả những bản thảo từ những người nghĩ rằng một khi họ là bạn tôi thì tôi sẽ phải in sách của họ, tôi đã nói với không ít người là thôi, đừng viết nữa, trong đó một số, sau cơn tức tối ban đầu, hiểu là tôi đúng. Một số người khác thì không hiểu; nhưng trời mới hiểu nổi tại sao họ lại không hiểu”!
Giá trị tác phẩm văn học không thể ra đời từ sự hời hợt, cảm tính, thiếu tri thức và sự trải nghiệm, càng không thể ra đời khi tác giả bị cuốn theo thị hiếu thời thượng. Một nền văn học mà ở đó nhà văn chủ yếu chạy theo, chiều theo thị hiếu của người đọc sẽ chỉ là nền văn học của lễ hội, không phải nền văn học của cuộc sống. Bởi lễ hội qua rồi thì cờ quạt, trống phách lại cất vào kho, chờ tới hội sau, còn khách thập phương thì lại lục tục kéo nhau tìm đến hội khác. Chạy theo, chiều theo thị hiếu có thể đem lại lợi ích vật chất nhất định, nổi tiếng nhất thời cho nhà văn, nhưng khó sản sinh ra giá trị lớn. Tôi hình dung viết văn chạy theo, chiều theo thị hiếu giống như sau khi có mỳ ăn liền, người ta còn chế phở bò ăn liền, phở gà ăn liền, bún riêu ăn liền, bánh đa cua ăn liền,… nhưng suy cho cùng đó là đồ ăn nhanh (fastfood), như gói xôi, túi mỳ vằn thắn, hộp pizza mua và mang đi (grab and go) giải quyết bữa ăn tức thời, không thể thay thế cho bữa ăn chính và chắc chắn không ai cả đời chỉ xơi mỳ ăn liền, phở ăn liền, bún ăn liền. Với doanh nhân kinh doanh sách, dù thừa nhận đến hiện tại thiếu họ vẫn chưa có phương cách khả dĩ đưa tác phẩm đến người đọc, tôi vẫn miễn cưỡng tự thuyết phục mình đó là những người vì yêu văn học mà đã xả thân cho văn học. Không phải hễ kinh doanh văn hóa phẩm, sách văn học là nghiễm nhiên trở thành người yêu văn hóa, yêu văn học. Để được thừa nhận là người yêu văn hóa, yêu văn học đâu có dễ, xã hội đánh giá tình yêu ấy qua việc làm, chứ không qua lời nói. Vì không thể coi là người yêu văn hóa, yêu văn học khi in ấn, phát hành mấy cuốn sách bậy bạ, nhảm nhí; không từ thủ đoạn nào, kể cả đánh lừa người đọc, để bán được sách. Nếu là doanh nhân chân chính, hãy coi tác phẩm văn học là hàng hóa đặc biệt, hãy góp phần tăng giá trị sử dụng bằng cách đem các tác phẩm văn học có giá trị đến với bạn đọc, thế là tốt lắm rồi!
NH - 7/2016
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn