Khuynh hướng tính dục trong sáng tác văn học gần đây

07:17 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Bảy, 2013

Trong một bài viết đề cập đến văn học trẻ cách đây không lâu, tôi có nêu lên một nhận định rằng “Với góc độ khảo sát của riêng mình, tôi nhận thấy văn trẻ vài năm trở lại đây nổi bật lên ba khuynh hướng sau: Thứ nhất, Lạ hóa, được hiểu là trong tác phẩm có các yếu tố kỳ ảo, hoang đường, lạ, phi lý, dị biệt…; Thứ hai, Tính dục, là các yếu tố sex được sử dụng khá đậm nét trong tác phẩm; Thứ ba, Bình dân hóa, thuộc về khuynh hướng này, xin được hiểu là những tác phẩm đề cao giá trị giải trí”.

Trong bài viết này tôi muốn làm rõ thêm về “khuynh hướng tính dục” trong sáng tác văn học gần đây, bằng cách đi sâu lý giải ba vấn đề sau: Tính dục có phải là một khuynh hướng (hay trào lưu) sáng tác văn học hiện nay hay không? Tác giả tác phẩm nào đại diện cho khuynh hướng này? Vì sao lại xuất hiện khuynh hướng này? Nếu đã coi đây là một khuynh hướng sáng tác thì nên nhìn nhận nó như thế nào?

Trước hết, nếu coi sex vừa là đối tượng đề cập, vừa là phương tiện chuyển tải các ý đồ nghệ thuật, thì có thể khẳng định trong dòng chảy chung của văn học hiện nay, đã và đang xuất hiện khuynh hướng tính dục trong sáng tác văn học. Sex trong những sáng tác thuộc khuynh hướng này đã được mở rộng biên độ và được các tác giả đặt trong nhiều tương quan khác nhau, vừa tạo bề nổi của góc độ phản ánh, vừa gửi gắm những bề chìm của thông điệp như là những ẩn ức nghệ thuật.

Nếu trước đây sex trong văn học thường chỉ đặt ra trong tương quan với tình yêu đôi lứa, sự sa đọa về nhân cách, những ẩn ức do di chứng của chiến tranh, những lệch lạc giới tính… thì sex trong văn học ngày nay đã được mở rộng chiều kích như một phương tiện chuyển tải những ẩn ức khác nhau của đời sống nhân sinh.

Ở khuynh hướng này không thể không nhắc đến các đại diện như Y Ban với I am đàn bà, Xuân Từ Chiều; Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè; Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận; Nguyễn Bình Phương với Ngồi; Dương Bình Nguyên với Giày đỏ; Đặng Thiều Quang với Đảo cát trắng, Chờ tuyết rơi; Thủy Anna với Điếm trai; Keng với Dị bản; Thuận với Vân Vy; Từ Nữ Triệu Vương, Linh bacardi, Phạm Ngọc Lương với các truyện ngắn trong tập Vũ điệu thân gầy, Truyện ngắn 8X...

Đặc biệt tính dục trong tác phẩm của các nhà văn trẻ gần đây còn được mở rộng biên độ với sự xuất hiện yếu tố tình dục đồng tính (cả đồng tính nam và đồng tính nữ) như tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang, Song Song của Vũ Đình Giang, tập truyện Những đốm lửa trên vịnh Tây Tửcủa Trang Hạ… Những liệt kê (chắc chắn) là thiếu đầy đủ trên đây, thiết nghĩ, đã minh chứng cho một khuynh hướng sáng tác mới trong văn học hiện nay - Khuynh hướng tính dục.

Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao lại xuất hiện khuynh hướng này? Có nhiều cách lý giải khác nhau, trong phạm vi khảo sát nhỏ hẹp của mình, tôi xin đưa ra ba nguyên do sau:

Thứ nhất: Không thể phủ nhận được sự tác động của văn học nước ngoài khi vào Việt Nam đã ít nhiều tạo động lực cho những tác phẩm thuộc khuynh hướng này ra đời. Với Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Cô gái chơi dương cầmcủa Jelinek, Rừng Na uy, Kapka bên bờ biểncủa Murakami, Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, Huynh đệcủa Dư Hoa, các tác phẩm của Vệ Tuệ, Thiết Ngưng, Sơn Táp, Xuân Thụ… đã đưa đến cho bạn đọc Việt Nam một biên độ sex mở rộng đến không giới hạn. Điều này khiến cho các nhà văn Việt Nam cũng phải suy nghĩ và vận động theo, kết quả là những tác phẩm có yếu tố tính dục đã ra đời, gây được những hiệu ứng nhất định trong bạn đọc và xã hội.

Thứ hai: Sex từng là vùng cấm kỵ trong văn chương nước ta, vì thế nó luôn tạo sự háo hức cho người đọc và người viết. Chỉ khi nào bạn đọc chán nó thì các tác phẩm viết về nó mới dừng lại. Nhưng đến bao giờ loài người mới thôi háo hức với sex? Đến khi nào tính dục mới thôi là một ẩn ức của một xã hội đang còn ràng buộc bởi những giá trị truyền thống Á Đông như chúng ta? Có thể nói cơ chế mới cùng cái nhìn khoáng đạt về tính dục đã tạo môi trường tốt cho các nhà văn Việt Nam thả sức tung hoành trên các trang viết, mặc sức đưa yếu tố tính dục vào tác phẩm với các ý đồ nghệ thuật khác nhau.

Hơn nữa, bản thân mỗi nhà văn, tùy theo tạng và sự chiêm nghiệm đời sống của mình, bây giờ là lúc có thể khai thác những vỉa tầng tính dục phong phú để phục vụ cho trang viết. Sự “cởi trói” cho một vùng cấm kỵ cùng với thị hiếu bạn đọc (có vẻ như mong chờ) ít nhiều là nguồn cảm hứng cho các nhà văn cầm bút lên và viết về… sex!

Thứ ba: Sự vận động xã hội tạo ra những ẩn ức tính dục mới, thu hút sự quan tâm của người viết. Xã hội hiện đại cùng với sự phát triển chóng mặt của truyền thông đã tạo nên sự xuất hiện của các khuynh hướng tính dục khác thường. Chưa bao giờ vấn đề người đồng tính được văn chương, báo chí nói đến nhiều như hiện nay.

Mười năm trước Bùi Anh Tấn với cuốn tiểu thuyết đầu tay Một thế giới không có đàn bà còn làm cho không ít người ngơ ngác về một thực trạng xã hội lạ lùng, thì hôm nay, con số nghiên cứu của một tổ chức y tế cho biết cả nước có khoảng 80 nghìn người đồng tính, riêng TP.HCM đã có khoảng 20 nghìn người thuộc “thế giới thứ ba”.

Trên đây là những nguyên do, cả chủ quan và khách quan, dẫn đến sự ra đời của khuynh hướng tính dục trong sáng tác văn học. Với sự nở rộ những tác giả tác phẩm thuộc khuynh hướng này trong thời gian gần đây, cho thấy, dòng văn học này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Bài viết này không bàn tới cái được và cái chưa được cũng như những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của những tác phẩm mang đậm yếu tố sex. Nếu nhìn nó đơn giản chỉ là một khuynh hướng sáng tác thì cũng hãy đơn giản mà nhìn nhận rằng: Cũng giống như nhiều khuynh hướng (hay trào lưu) sáng tác khác, khuynh hướng tính dục cũng sẽ phát triển lên đến cao trào rồi thoái trào.

Có thể từ khuynh hướng này mà nền văn học của chúng ta sẽ có những tác phẩm có giá trị, nhưng cũng có thể, cùng với thời gian, chẳng còn lại tác phẩm nào đọng lại. Nỗ lực tìm cái mới, cái lạ trên mỗi trang viết của các nhà văn là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên thành tựu văn chương lại là điều không phải cứ muốn là được. Thôi thì hãy cứ ghi nhận những gì mà các nhà văn của chúng ta đang làm, đang kiến tạo, đặng chờ một mùa bội thu văn học trong một tương lai không xa.


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan niệm mới về người trẻ và tình dục

    12/11/2019Tuấn Anh thực hiệnGS Barte Nhi (Việt kiều tại Pháp) là nhà trị liệu tâm lý học và tình dục hàng đầu của Pháp. PV SVVN đã có dịp trò chuyện cùng GS Barte Nhi khi ông về Hà Nội tổ chức hội thảo Văn hóa và sự cân bằng tinh thần...
  • Sách & Sex

    16/11/2017Phan AnKhi nghe phong phanh rằng người viết bài này sắp đi Hội chợ, ông bạn nằng nặc xin đi theo. Người viết bài này rất ngạc nhiên vì ông bạn vốn không bao giờ quan tâm đến đối tượng của Hội chợ mà nay lại cứ đòi đi. Hóa ra ông bạn nghe nhầm Hội chợ sách thành Hội chơi... sex....
  • Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

    26/11/2015Nguyễn HòaSự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa...
  • Tình dục của con người

    04/03/2014Nguyễn KiênNhững đề xướng “cách mạng tình dục”, “Giải phóng tình dục” hay “lành mạnh hoá” đời sống tình dục”…tất cả những điều đó chỉ có thể được coi là đúng và có lợi cho sự phát triển nhân cách con người, khi liên hệ tình dục được quan niệm đầy đủ về ba mặt sinh hoc - tâm- lý - tâm linh. Làm ngược lại, liên hệ tình dục sẽ bị phá hỏng và tệ hại hơn, sẽ làm hỏng cả nhân cách con người.
  • Sex với những xúc cảm thiêng liêng

    06/06/2009Văn GiáNhững ngày vừa qua, và hiện giờ vẫn chưa hẳn đã chấm dứt, báo giới rộ lên câu chuyện về vấn đề sex trong văn chương. Mỗi người luận giải một cách. Người khắt khe theo lập trường đạo đức truyền thống thì phê phán. Người cởi mở theo tinh thần tân tiến thì tung hô. Lại có người theo phái trung dung, không ra giọng cấm đoán hay ủng hộ, chỉ kêu gọi không lạm dụng sex, không phản lại đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc... Đây là một vấn đề không dễ bàn. Là kẻ vào cuộc muộn, tôi xin góp thêm một vài suy nghĩ riêng.
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Cách mạng tình dục thầm lặng ở Việt Nam

    03/03/2008“Một cô gái sống với bạn trai nhưng giấu gia đình, những thiếu nữ viết blog về tình yêu và các đôi trai gái tìm những góc kín đáo trong công viên khi đêm xuống”, hãng tin Reuters mô tả.
  • Viết về "Sex" để nhanh nổi tiếng?

    01/04/2006Nhà phê bình Vương Trí NhànNhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nổi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào ...
  • xem toàn bộ