Tình dục trong văn học Việt dưới cách nhìn của đạo lý hồn nhiên và của đạo lý học thuyết
Tình dục với tư cách là đối tượng thưởng ngoạn trong văn học Việt thường được sàng lọc qua các thang bậc giá trị đạo lý hoặc triết lý. Rất hiếm trường hợp tình dục thuần tuý lọt được vào trong "khuôn viên" làng văn. Ngay cả những trường hợp thẳng thừng tuyên bố tuyên chiến với những sợi dây ràng buộc nào đó của đạo lý cũng đã bao hàm trong đó một quan niệm mới về đạo lý:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.
Trong lịch sử, nếu như đạo lý học thuyết hướng con người tới những khuôn mẫu đạo lý của một trật tự tôn ti tuyệt đối thì đạo lý hồn nhiên dân gian là một sự điều chỉnh, nhấn mạnh tính tương đối của các hệ giá trị, trong đó có đạo lý. Vì thế đạo lý hồn nhiên dân gian thường đóng vai trò đối trọng với vị trí độc tôn của đạo lý học thuyết như mầm mống đa nguyên sơ khai trong chế độ quân chủ hoặc các chế độ độc tài hiện đại. Đề tài tình dục cũng không nằm ngoài quy luật chung giản dị này.
Nếu tính theo chu kỳ, tình dục từ thời kỳ chưa bị xã hội hoá trong xã hội bầy đàn nguyên thuỷ đến tình dục cưỡng bức lại quá trình xã hội hoá trong xã hội hiện đại, loài người đã đi gần hết một vòng xoáy trôn ốc. Tình dục giai đoạn thứ nhất là tình dục chưa bị xã hội hoá, thiết chế hoá bởi luật pháp và đạo lý. Ở đó chưa có quan niệm sở hữu trong quan hệ tình dục. Từ khi tình dục gắn liền với sở hữu, thậm chí sở hữu tuyệt đối thì hàng loạt các giá trị văn hoá của con người như hôn nhân, đạo đức gia đình, vai trò của huyết thống... lần lượt nẩy sinh; cũng từ đó, những rắc rối thường xuyên không thể giải quyết như vấn đề sở hữu tình dục và tình yêu tự do, vấn đề sở hữu một lần cho mãi mãi và các khả năng phát sinh bất thường những tình huống của con người trong xã hội mâu thuẫn thường xuyên với cái sở hữu tuyệt đối đó.
Chính vì thế, đề tài tình dục trong văn chương mọi dân tộc trong quá khứ thường lại không còn là tình dục thuần tuý. Nó là vấn đề văn hoá-xã hội, là triết lý sống, là hệ giá trị hoặc chuẩn mực. Xu hướng ca ngợi quá trình xã hội hoá tình dục trong văn học thường nhấn mạnh tính hợp lý, hài hoà của sở hữu tuyệt đối trong quan hệ tình dục. Có thể nói từ văn học cổ trung đại Việt Nam, tình dục trong văn chương là vấn đề Trinh hay không Trinh, là sở hữu tuyệt đối hay loạn luân. Chỉ có điều, vấn đề sở hữu tình dục trong xã hội phong kiến còn phụ thuộc thuộc vào phái tính. Nó quy định sở hữu tuyệt đối nhưng chỉ theo một chiều: Đàn ông toàn quyền sở hữu tuyệt đối đối với đàn bà chứ không quy định chiều ngược lại, hay nói cách khác cho phép chiều ngược lại phá cái quy luật xã hội hoá khắc nghiệt này: "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng". Quyền sở hữu tình dục không đặt ra đối với giới tính nữ. Chuyện Trinh thử là chuyện đề cao phẩm hạnh trinh tiết của con chuột cái. Tất cả các truyện Nôm trung thế kỷ đều ngợi ca gương đàn bà tiết hạnh chứ không phải là đàn ông thờ một vợ.
Đã một thời những giá trị văn hoá này khá bền vững. Nền tảng gia đình gắn với các mối quan hệ huyết thống đã quy định đặc tính tôn nghiêm của quan hệ tình dục dưới chế độ phong kiến. Theo đạo lý học thuyết, loại tình dục chân chính không đặt ra vấn đề hưởng lạc, còn ngược lại loại tình dục hưởng lạc là loại tình dục "trên bộc dưới dâu", "nguyệt nọ hoa kia" không được sự thừa nhận của các rường mối lễ nghi chính danh và thường gắn với loại vô luân bỏ đi, bị người đời phỉ báng hoặc gắn với loại ca kỹ, bị người đời khinh rẻ.
Khác với đạo lý học thuyết, đạo lý hồn nhiên không bao giờ là một hệ thống giá trị được đúc kết hoàn chỉnh và do đó nó thường đầy mâu thuẫn. Nói đúng hơn, nó (đạo lý hồn nhiên) chỉ xuất hiện như là sự điều chỉnh cái phần thái quá, cứng nhắc của đạo lý học thuyết.
Để lườm nguýt, đỏng đảnh với chữ Trinh khắc nghiệt của lễ giáo, đạo lý hồn nhiên không ngần ngại bốp chát: "Lẳng lơ cũng chẳng có mòn / Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ". Hoặc nhìn thẳng vào cái giả đạo đức của người quân tử trước cám dỗ của tình dục: "Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt / Đi thì cũng dở ở không xong" (Hồ Xuân Hương). Hoặc là cãi lại cái phi lý trong quy ước bất công sở hữu tình dục một chiều: "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung" (Hồ Xuân Hương). Hoặc bỡn cợt cả với cái triết lý khổ hạnh thoát dục của các nhà tu hành:
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
Đối với các quy ước khắc nghiệt của đạo lý học thuyết được ngợi ca một cách vần vè kiểu: "Khoan khoan ngồi đó chớ ra / Nàng là phận gái ta là phận trai", đạo lý hồn nhiên ngược lại lại đưa ra những mẫu ứng xử suồng sã, thẳng băng, lột hết cái vỏ bọc xã giao bên ngoài: "Yêu em anh nắm cổ tay / Anh hỏi câu này, có lấy anh không?"
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu từ những ví dụ trên để cho rằng đạo lý hồn nhiên phỉ báng những giá trị của tình yêu chung thuỷ. Trong quan niệm dân gian, chung thuỷ là một trong những tiêu chuẩn đạo lý được đề cao. Chỉ có điều nó không thái quá máy móc, một chiều, mà nó có quan hệ song phương:
" Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người."
"Yêu nhau, cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay."
Thái độ ăn miếng trả miếng trong đạo lý hồn nhiên thường nhằm đả vào cái bất công, phi lý một chiều của quan hệ đạo đức - tình dục phong kiến để khẳng định cái quyền bình đẳng "Ông ăn chả bà ăn nem". Tình dục lễ nghi bị dân gian chòng ghẹo cười cợt chỉ vì cái cứng nhắc và phi lý của nó như đã được đề cập ở phần trên.
Trong văn học hiện đại, tình dục trong văn chương ngày càng vùng vằng đòi trả lại vị trí hồn nhiên, chưa bị xã hội hoá của thời tiền sử. Giải phóng tình dục ra khỏi những quy ước của hôn nhân, ra khỏi những tình yêu xã giao dài dòng văn tự để khẳng định tình dục thuần tuý, tình dục hưởng lạc. Trong trường hợp này những khuyến cáo đạo lý trở nên lạc lõng và thừa thãi. Chỉ có một trở ngại duy nhất mạnh hơn tất cả các lực cản của quy ước xã hội, đó là bệnh lý tình dục vô phương cứu chữa.
Con người hiện đại có thể mặc sức thí nghiệm để trả giá. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, khi tách tình dục ra khỏi quá trình xã hội hoá của văn hoá loài người, những giá trị hấp dẫn của tình dục trong văn học cũng sẽ biến mất. Tình dục trần trụi chỉ hấp dẫn thời "mở cửa", sau hàng thế kỷ triền miên báo động giới nghiêm. Nhưng chỉ ít lâu người ta sẽ lại chán nó. Sẽ đến lúc chẳng cần sự khuyến cáo nào cả, người ta lại trùm chiếc áo xã hội hoá, dù đã cũ lên cái loã lồ lông lá tiền sử để đi tiếp những chặng còn lại của tiến trình văn hoá loài người...
"Cách mạng tình dục" trong nghệ thuật?
Tôi là người không bao giờ phủ nhận sự hấp dẫn của tình dục, nhưng chưa bao giờ tôi muốn bàn về chuyện này. Nhưng gần đây trong phim, trong truyện, trong tranh, ảnh, các trang báo chí… đề cập đến vấn đề này quá ư là nhiệt tình. Có một điều hơi trái khoáy là một số cây viết trẻ, chưa xây dựng gia đình lại “hướng dẫn” về tình dục một cách hăng hái nhất.
Từ cuộc đời đến tác phẩm
Thông tin về chuyện Việt Nam là một nước trong những quốc gia có số vụ nạo thai cao nhất thế giới đã tồn tại nhiều năm nay. Người ta còn nói rõ là những người chưa xây dựng gia đình, thậm chí là đang ở tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ rất cao trong số những người đến nạo thai.
Người thành phố đã quen với cảnh các bạn trẻ rủ nhau đi nhà nghỉ; người ở nông thôn quen cảnh nam nữ ra bờ đê, rủ nhau đến “sau luỹ tre làng”. Nhiều người công khai nói rằng, những chuyện này là bình thường, không xấu, vì tình yêu thường đi kèm tình dục. Cách đây chưa lâu, Hãng tin Reuters có bài viết Cuộc cách mạng tình dục thầm lặng ở Việt Nam, trong đó có đoạn: “Ở giữa thủ đô Hà Nội, con đường rợp bóng cây - có cái tên khéo đặt là Thanh Niên - chạy giữa hai cái hồ.
Nó có biệt danh “con đường tình nhân”. Các đôi yêu nhau âu yếm và trao những nụ hôn cho nhau trên xe máy, dưới tán cây, hay trên chiếc xe đạp nước”. Đọc xong bài viết này, nhiều người Việt Nam mỉm cười nói: “Phóng viên của Hãng Reuters hơi bị kém về thông tin và sự hiểu biết nên mới dùng hai chữ “thầm lặng”. Phải nói là cuộc “cách mạng tình dục” đang diễn ra rầm rộ ở Việt Nam!
Tôi không thể đứng về phía “thầm lặng” cũng như phía “rầm rộ”, nhưng phải công nhận rằng có một sự thay đổi lớn lao trong nhận thức cũng như trong hành vi về tình dục của người Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ trong sinh hoạt hàng ngày và phản ánh đậm nnét trong các tác phẩm nghệ thuật.
Tình dục là xu hướng chủ đạo của các cây viết trẻ?
Cách đây chưa lâu, thiên hạ phát rồ lên vì hai tác phẩm rất nặng mùi tình dục. Đó là Cánh đồng bất tận và Bóng đè. Cả hai tác phẩm đều là của những cây bút nữ trẻ tuổi. Sau đấy trên diễn đàn văn học còn có nhiều tác phẩm, tuy không nổi đình, nổi đám lắm, nhưng đều tập trung khai thác sự hấp dẫn của sinh hoạt phòng the.
Hiện nay, đến lượt Lê Kiều Như - một cô gái trẻ, là ca sỹ, là diễn viên đã từng gây xôn xao bằng bộ ảnh nude rất hấp dẫn; đang khuấy động dư luận bằng tiểu thuyết Sợi xích. Có một điều kỳ lạ là người ta bàn tán ồn ào quanh một tác phẩm chưa được in ra!? Chính Lê Kiều Như nói: “Tôi đã viết xong, nó khoảng 200 trang.
Thời điểm này tôi đang chạy đua, biên tập lại cho gọn gàng và chụp bìa cho cuốn sách, trong mùa hè nhất định tôi sẽ phát hành. Nhiều nhà báo đang xui tôi làm người mẫu cho ảnh bìa của cuốn sách luôn…”. Như vậy có thể tạm kết luận: Người ta quan tâm đến tác phẩm không phải vì nghệ thuật mà là vì đề tài, hay nói trắng ra là vì sự hứa hẹn hấp dẫn của tình dục.
Nhiều người cho rằng, viết tiểu thuyết phải chọn chủ đề tình dục thôi, vì nó vừa hấp dẫn (bảo đảm cho người viết có tiếng tăm và thu nhập), vừa đầy ắp thực tế, vừa dễ viết. Tôi có thể đồng ý với hai luận điểm là “hấp dẫn” và “đầy ắp thực tế”, còn “dễ viết” thì không hẳn. Viết về tình dục để đạt đến mức nghệ thuật đòi hỏi rất khắt khe: không chỉ dừng lại ở hiểu, cảm, mà còn phải thể hiện được những tiêu chuẩn thẩm mỹ. Sinh hoạt tình dục thì ai cũng có thể làm được, nhưng viết về tình dục thì không phải nhà văn nào cũng làm được.
Nghệ thuật có tác động gì đến cuộc sống?
Sứ mệnh của nghệ thuật là rất cao cả, nó phải hướng con người vươn tới cái hay, cái tốt, cái đẹp. Vậy những tác phẩm “nổi đình, nổi đám” về tình dục hiện nay có thực hiện được những sứ mệnh ấy không?
Trả lời câu hỏi này thật không dễ. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta lảng tránh. Vừa rồi (cuối tháng 6 -2009) Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho tái bản quyển sách Chuyện… Ấy. Đây là quyển sách viết hết sức nghiêm túc về khát vọng, cũng như khả năng sinh hoạt tình dục của con người. Tác giả xem sinh hoạt tình dục là một hoạt động mang tính văn hoá, khoa học rất cao.
Mấy năm nay, ngành giáo dục cũng như các vị phụ huynh tranh luận với nhau về chuyện thực hiện giáo dục giới tính như thế nào cho đúng. Giáo viên, bác sỹ, phụ huynh… đang tìm cách làm cho học trò, cho con em mình hiểu biết về tình dục để hạn chế hậu quả xấu. Những người làm nghệ thuật phải đặt mục đích cao hơn thế. Sau khi xem một bộ phim, một bức tranh, một bộ ảnh nude, đọc truyện ngắn, tiểu thuyết… con người phải biết trân trọng nhau trong yêu thương và gần gũi, biết chờ đợi và đáp ứng chứ không phải lại rủ nhau ra bờ đê hay đi nhà nghỉ.
Nhân vật trong game online Tam Quốc
Để tác phẩm nghệ thuật đạt được điều này, không phải dễ. Trước hết, người làm nghệ thuật phải có cái nhìn nhân văn và thẩm mỹ trong hoạt động tình dục. Tiếp theo, họ phải làm chủ được bộ môn nghệ thuật mà mình hoạt động. (Chụp ảnh nude nhưng không khiêu dâm, miêu tả về chuyện làm tình nhưng không kích dục…). Như vậy, tác giả của những tác phẩm này, ít nhất phải có kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc và phải có bản lĩnh. Nếu thiếu những thứ này, tác phẩm nghệ thuật dễ trở thành những công cụ kích dục.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn