Ba tôi, Gatsby và những giấc mơ
Ai đọc xong mà buồn, hoặc băn khoan giải pháp đâu, thì đơn giản là tự hỏi mình câu này: Tôi có một Daisy trong đời để mà yêu, mà sống và hy sinh cho cô ấy?
1. Ba tôi và Gatsby...
Ba tôi là một đại tá quân đội, nhập ngũ từ khi còn là một thiếu niên và chết trong bộ quân phục. Tôi thường gắn những hoài niệm về vị thân sinh của mình bằng những sự kiện hàng ngày. Ví dụ như ngay bây giờ đây, hình ảnh về ba tôi rất gần với hình ảnh The Great Gatsby.
.
.
Trong bộ phim này, chàng sĩ quan không xu dính túi Gatsby yêu một cô gái thượng lưu tên là Daisy. Sau chiến tranh, Gatsby không tìm gặp lại Daisy mà để dành 5 năm để biến bản thân mình thành một đại gia lừng danh, xây một lâu đài tráng lệ với hy vọng cháy bỏng rằng, sẽ có một ngày Daisy ở đây, sẽ vui sống chốn này, sẽ hiện hữu trở lại trong cuộc đời của Gatsby bằng xương bằng thịt. Dù chỉ gắn bó với Daisy bằng một nụ hôn, nhưng Gatsby đã cưới Daisy trong tiềm thức, anh sống, và chết vì một viễn cảnh hạnh phúc với Daisy. Toàn bộ cuộc đời anh, thân xác anh, từng tế bào, giọt máu của anh dành cho viễn cảnh ấy. Anh chết thay cho Daisy, lời cuối cùng trên môi anh là cái tên Daisy, nhưng Daisy mà anh đã sống và chết thì bỏ mặc anh trong sự thờ ơ và trốn chạy.
Ba tôi cũng có một Daisy như vậy, chỉ vì một “nụ hôn” mà cống hiến cả đời mình, chứ không phải chỉ 5 năm như chàng Gatsby, cho lý tưởng chủ nghĩa cộng sản hoàn hảo đến không tưởng. Điều duy nhất khác biệt giữa ba tôi và Gatsby là Gatsby chết với nguyên vẹn hình ảnh diệu kỳ không tỳ vết (nhưng giả tạo) của Daisy. Ba tôi chết, một chiến binh oai hùng cả đời trận mạc, nhưng phút cuối cùng trong đời lại bấu chặt lấy tay chị gái tôi đến chảy máu, cầu xin chị hãy cứu ông thoát khỏi sự săn đuổi của những linh hồn thây ma đã từng bị ông giết chết trong ba cuộc chiến. Có lẽ ba tôi hiểu rằng Daisy mà ông đã không tiếc máu xương chỉ là một ảo ảnh chơi vơi trước mặt, như một con mồi để ông cả đời đuổi theo vung kiếm. Ông hiểu rằng dù bạn hay thù máu ai cũng đỏ, và anh hùng dù oai phong đến đâu, hạ gươm là sẽ đến ngày phán xử.
Tôi luôn tự hỏi liệu trước khi nhắm mắt, ba tôi nghĩ gì về giấc mơ lâu đài cho Daisy? Bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày “giặc tan”, lâu đài đó vẫn chỉ là một căn nhà cấp 4 méo mó xẹo xọ, đến cái nền móng (giáo dục) cũng lung lay, gần đây còn kém cả Campuchia, một đất nước mà ông thường tự hào vì đã góp phần “giải phóng”. Trong vòng cũng 40 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từ những quốc gia bại trận, nghèo hèn, hoặc chỉ có tý đất cắm dùi đã vươn lên thành hổ rồng châu Á, xây những lâu đài nguy nga cho những nàng Daisy của họ -những nàng Daisy có-thật.
2. Giấc mơ bị chắn tầm
Tại sao cái lâu đài ấy không thành hình? Nếu đánh liều đổ bậy cho cái thuyết thiên nhiên thì cũng có thể nói theo kiểu phong thủy: Việt Nam là một quốc gia có thế nước khá bị dồn nén, bên phải có biển lớn mênh mông, bên trái núi non hiểm trở, phía trên có Trung Quốc bành trướng chắn tầm nhìn, chỉ có đằng sau là ngàn trùng nước nhỏ để ta có thể đi “mở cõi”.
Tôi hơi nghi ngờ cách nhìn này, vì nó phủ nhận hoàn toàn ý chí của con người. Ví dụ như biển lớn chắn mặt sao không đóng thuyền vượt biển và có lịch sử hàng hải vinh quang mà lại hài lòng với cái ngô cái sắn dễ trồng dễ mọc dễ thu hoạch hàng ngày? Việc đất đai màu mỡ và tài nguyên khoáng sản sản dồi dào làm thui chột ý chí đấu tranh của con người cũng có lý của nó. Giả thuyết này thu hút được nhiều nghiên cứu, một phần giải thích dù chưa thực sự thấu đáo cách sống nhẩn nha, cái nhìn ngắn ngủi trong lũy tre làng của người Việt.
Một giả thuyết khác liên quan đến lịch sử dân tộc. Việt Nam đã liên tục trong tình trạng loạn lạc suốt nhiều nghìn năm. Để đối phó với sự bất an đó, người Việt đã hình thành một cách sống khá linh hoạt, "ở bầu thì tròn ở ống thì dài", “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chúng ta du nhập hành vi, tập tục ngoại lai rất nhanh, chúng ta cũng mau chóng mất đi bản sắc rất nhanh, cái gì cũng có thể thay đổi, ứng biến, thêm vào, rút ra cho hợp với thời thế, cho nhanh kiếm được lợi nhuận (ngắn hạn), cho xong việc, cho mau mau chóng chóng có lãi, rồi sau này thế nào không cần biết và có lẽ cũng không-thể- biết. Cuộc sống bất an mà!
Mặt trái của đặc tính văn hóa này rất nguy hiểm cho nền kinh tế hiện đại mở rộng ra toàn cầu. Luật pháp chẳng hạn: Hôm qua đúng, hôm nay sai, ngày mai lại thành đúng. Khi đào tạo cho các công ty nước ngoài, tôi thường được tâm sự rằng một trong những điều làm họ khổ sở nhất khi làm ăn với đối tác Việt Nam là tư duy ngắn hạn. Tôi xin lấy hình ảnh xây dựng một căn nhà làm ví dụ. Doanh nghiệp có tầm sẽ có cái nhìn bao quát, chịu thua lỗ hoặc thất bát ban đầu, hoạch định xa, xây nền móng kỹ càng trong một tổng thể thống nhất. Doanh nhân Việt nhiều người sẽ thích xây cái phòng khách trước, phải nhìn thấy, sờ thấy, ngửi hít thấy mùi kết quả cái đã rồi mới tính tiếp xây thêm bếp, nhà vệ sinh. Kết quả là cái nhà nó tự phình ra chứ không theo một thiết kế hoàn chỉnh có tầm vóc nào cả. Đó là nền kinh tế “hớt váng”, phát triển xổi, thấy lợi là ào đến, tí tẹo thua đã bỏ chạy, hỏng đâu sửa đấy. Đó cũng là nền kinh tế “nhiệm kỳ”, lãnh đạo chỉ lo có thành tích trong nhiệm kỳ của mình rồi hạ cánh an toàn, phủi tay về vườn. Mà phần lớn trong số những lãnh đạo đó lẫn lộn hai chuyện "dựng nước" và "giữ nước", cậy mình chiếm thành nên khăng khăng cho rằng mình sẽ giữ được thành.
Trong nghiên cứu văn hóa có một chỉ số/ giá trị được thiết lập trong bộ 5 chiều giá trị (Hofstede) tên là “time orientation” (tầm nhìn thời gian). Những nước châu Á thường có chỉ số cao như Trung Quốc (118), Nhật (80), Đài Loan (87), HongKong (97), Hàn Quốc (75). Việt Nam từng được ước lượng có chỉ số 80 (khung >100) , và được Hofstede tiên đoán sẽ trở thành một nền kinh tế mạnh kiểu hổ rồng châu Á nếu chính phủ có sự thay đổi tích cực. Nhưng sau này khi lấy số liệu chính thức thì Việt Nam bị đánh giá lại và tụt hạng thê thảm xuống mức 57 (khung 100).
Thú thực là tôi cho rằng chỉ số mới phản ánh đúng hơn tính cách dân tộc của người Việt. Nếu không thay đổi tư duy và có những chiến lược kinh tế vĩ mô đúng đắn thì cái lâu đài Gastby Việt Nam nó sẽ còn xuống hạng từ nhà cấp 4 đến thành cái lều vịt, mái thủng đến đâu bê chậu ra hứng đến đấy.
3. Niềm tin cuốn theo chiều gió
Tuy nhiên, tôi không hài lòng với bất kỳ giả thuyết nào ở trên, vì nó xem chừng quá giản đơn, chỉ giải thích được phần nào cái thực trạng lâu đài chàng chăn vịt của chúng ta. Nói cho tận cùng, tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất của sự khốn cùng Việt Nam hiện nay là một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn khủng hoảng kinh tế, đó là khủng hoảng niềm tin. Trải qua những đêm dài của chiến tranh và công cuộc thay da đổi thịt với nhiều thắng thua, người Việt đang rơi vào một thời kỳ quá độ và trở nên hoang mang với những giá trị và niềm tin của chính mình.
Thứ nhất, sự tin tưởng vào các gốc rễ văn hóa bị lung lay, cộng với sự nhược tiểu về kinh tế nên đã trở thành đầu mối thể hiện sự tự ti văn hóa (Văn hóa Việt Nam là gì? Có một nền văn hóa thuần Việt hay không? Tại sao người Trung Quốc vào đền chùa hiểu chữ nghĩa thánh hiền hơn cả tôi, hiểu gia phả họ hàng tôi hơn cả chính tôi? Tại sao Nhật, Hàn cũng bị Trung Quốc hóa mà rốt cục vẫn có bản sắc hơn người Việt?...) Đây là những câu hỏi, tuy mang tính chính đáng về mặt khoa học, nhưng không được giải đáp cặn kẽ, không được nhìn nhận công minh có tính khoa học, không được giải trình lịch sử khách quan, cộng với sự nhược tiểu về kinh tế nên đã trở thành đầu mối của sự tự ti dân tộc. Sự tự ti này biểu hiện thành những đánh giá thấp kém về bản thân, gán cho người Việt những thói xấu vừa thực vừa ảo: Nhìn thấy thất bại là kêu rằng vì người Việt thiếu tài, nhìn thấy thành công thì lại cho đó là sự giả dối, lừa gạt. Khi môn lịch sử bản chất là môn chính trị học, không rành mạch, sàng lọc sự kiện chỉ để phục vụ cho mục đích cầm quyền thì nó khiến thế hệ kế thừa khi được tiếp cận với những nguồn thông tin cởi mở hơn thì bỗng trở nên hoang mang về một di sản vàng thau lẫn lộn, không biết cái gì là hệ quả của “văn hóa”, cái gì là hệ quả của “đói nghèo” để mà còn có sự lựa chọn giữa “chấp nhận” hoặc “sửa chữa”. Đáng sợ hơn, tự ti và tự hào, hai mớ quần áo vừa bẩn vừa sạch đó lại bị xếp lẫn lộn vào nhau, khiến chính kẻ phu thồ khi mở ra đôi khi cũng không biết mình phải tự hào về cái gì, và niềm tự hào đó có chính đáng hay không.
.
Thứ hai, niềm tin vào rất nhiều các giá trị đạo đức bị bào mòn, hay đúng hơn là bị đập cho tan tác. Sự dối trá, tham nhũng trở thành các giá trị chung, không còn là “quốc nạn” nữa mà là một phần tất yếu của cuộc sống, đến mức “xã hội toàn kẻ gù lưng, thằng thẳng lưng là thằng dị tật” – (Thái Bá Tân). Con gái của bạn tôi, 7 tuổi, nói với bố mẹ nó rằng “ba mẹ không đút lót cô giáo thì con không được học sinh xuất sắc là đúng rồi, phàn nàn cái gì?” (!). Cả một xã hội lúc nào cũng có cớ để nghi ngờ nhau, từ con gà mớ rau đến cái không khí để hít thở cũng có mùi lừa lọc. Tệ đến nỗi cả những thành quả, con người, giá trị, chiến công, hay hành động tốt đẹp hơi quá mức bình thường một tý cũng bị nghi ngờ mà ném đá cho tan tành. Lâu đài Gastby Việt Nam có lẽ đã bị nguyền rủa là sẽ phải chịu một số phận còm nhom, lom khom. Chỉ cần một cái tường xây cao quá đầu người là sẽ bị đạp đổ. Vì sao? Vì thiên hạ đầu óc nghi kị ai cũng phải cố đạp một cái chỉ để kiểm tra xem cái tường ấy bằng gạch thật hay gạch rởm. Để đến khi đổ rồi thì thật hay rởm cũng chẳng còn là vấn đề. Giết thừa còn hơn bỏ sót.
Thứ ba, đó là niềm tin vào tầng lớp lãnh đạo. Sự thiếu hiệu quả, những lời nói suông, tham nhũng, bao che, nhóm lợi ích, mật danh XYZ cho kẻ tội đồ được ơn trên chở che... khiến cho người dân tự hỏi liệu có còn tin được ai trong chính quyền? Lấy cớ gì để họ tin rằng các lời hứa này, quyết tâm nọ, kế hoạch kia là sự chân thành trong việc dựng xây một lâu đài Gatsby - một nước Việt phồn vinh?
Gasby và ba tôi đã chết. Nàng Daisy thật của Gatsby đã cao chạy xa bay, nhưng nàng Daisy viễn tưởng của ba tôi vẫn tiếp tục bỏ bùa mê cho bao nhiêu thế hệ đã không còn tin nàng có thật. Chẳng còn gì khốn cùng hơn khi phải đi trên con đường mà bàn chân đã biết chắc sẽ đi vào ngõ cụt. Và bao nhiêu trong số những kẻ dẫn đầu tự an ủi rằng thôi cứ đi đến đâu hay đến đó, nhỡ đâu mình sẽ ... chết trước khi bắt buộc phải quay đầu?
Ai cũng cần có cho mình một Daisy, để mà yêu, sống, khao khát và chết vì niềm tin và lý tưởng ấy. Nhưng tôi cho rằng niềm tin giờ đã trở nên khan hiếm, khi những Gatsby đã chết đi thì chẳng ai còn tin có một Daisy ở trên đời, và khi nhận ra nàng Daisy của mình không xứng đáng thì cũng chẳng ai buồn dựng xây một Daisy mới để mà còn biết đấu tranh, còn biết cố gắng, còn sống cho ra sống.
Biết bấu víu vào đâu để lại có niềm tin? Hay phải kiễng chân nhìn qua hàng rào nhà người khác để an ủi rằng những điều tốt đẹp tử tế còn có thật, hoặc đem con cái gửi trọ nhà hàng xóm như một cuộc chạy tị nạn niềm tin?
Nếu không thể, hoặc không đành lòng làm thế, thì có bao kẻ trong chúng ta dám nhìn thẳng vào bản thân và tự hỏi “Daisy của mình là ai?”
Nguồn:Blog cá nhân
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn