Những niềm tin lẩm cẩm
Một ông chủ hàng thịt chó danh tiếng ở Hà thành kể với tôi: Đầu tháng, mùng 1 tới mùng 3 hàng em nghỉ, nhân viên "đi phép" về quê. Từ mùng 4 túc tắc ngày vài con. Sau rằm mới tăng tốc. Ngày cuối tháng: trăm con, cả nghìn khách...
Người ta ăn thịt chó theo lịch mặt trăng, ra thế! Có người đầu tháng kiêng cả thịt vịt. Nhưng lại ăn ngan. Vì sao? Một ông thích đùa giải thích lung tung: Ngan là lính thủy đánh bộ, bơi dưới nước đấy, những ngan đực muốn "đánh nhau” với ngan cái thường rủ nhau lên bờ, như thế là tốt, ăn đầu tháng được (?). Bọn trẻ đi thi còn bị bố mẹ bắt kiêng ăn chuối, chè đỗ đen, trứng cũng kiêng vì sợ điểm không…Người đô thị văn minh mà còn mê tín đến thế, chả trách dân quê.
Ai có dịp qua phố Hàng Mã đều ngạc nhiên như vào phòng makét của nhà hát múa rối. Người ta đốt xuống âm phủ tất cả những gì dân thành phố thường dùng và có cả theo sở thích của người đã khuất. Có bà đốt cho ông xe hơi, nhà lầu, tivi, tủ lạnh, dàn VCD, lại còn chiều ông đến mức hóa luôn cả 2 cô hình nhân mắt xanh mỏ đỏ. Bà bảo: Lão ấy mà không có ca ve là về nhà gắt như mắm tôm. Thế từ hôm cử 2 em xuống phục vụ, có chiêm bao thấy lão ta về đòi gì không? - Ôi dào! Em còn lạ gì tính lão, có líp chặt với bọn 8X, thiết gì về nhà nữa (?!)
Có lần ở chùa Hương thấy mấy ông bà thành phố đội cả mâm lễ mặn lên bàn thờ Phật: gà, giò nạc, chả quế, bia lon, thuốc 3 số… Tôi hỏi, vị sư buồn rầu trả lời: Phật ăn chay ông ạ, họ mang đi pích ních ăn với nhau là chính, tiện thể thì bày lên thế thôi. Có vị chức sắc đi đâu, làm gì cũng tính ngày lành, khi duyệt kế hoạch hội nghị trong ngành mà thấy không được ngày là bút phê liền. Tuy nhiên, nếu cấp trên triệu tập họp thì ngày sát chủ ông cũng hăng hái đi luôn. Thì ra, niềm tin hay tâm linh của các vị cũng nửa đùa nửa thật. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nếu ngược lại cũng vẫn là là người đô thị như nhau. Phú quý sinh lễ nghĩa. Còn người nghèo, thu nhập thấp (tức là xếp diện cận nghèo), giữ lấy lễ phép, chưa biết ai hơn ai!
Bạn tôi là cậu cả con bà hai, ông cụ hy sinh thời chống Mỹ. Ngày giỗ, anh về quê ăn giỗ với mẹ già, cụ cúng chồng theo ngày âm. Còn mẹ anh, dân thành phố lại giỗ chồng theo ngày dương trong giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công. Tôi hỏi sao không thống nhất thành thị với nông thôn, anh cười, cứ để thế hay hơn, hợp nhất lại mình mất một bữa rượu. Các hãng du lịch quốc tế không bao giờ tính ngày kiểu ta để lập tua. Họ bảo, kiêng cữ chỉ thiêng ta với ta, quốc tế họ là nước phát triển, cần gì ngày nọ ngày kia. Mê tín lẩm cẩm như dân ta thì nghèo suốt đời.
Nội dung khác
Tâm linh, ý nghĩa sống còn của nhân loại (phần 2)
10/08/2022Đặng Phúc LaiReview sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Định chuẩn bằng những giá trị phổ quát
25/05/2015Giáp Văn DươngTâm linh, ý nghĩa sống còn của nhân loại (phần 1)
29/07/2022Đặng Phúc LaiNguyễn Xuân Vinh - một cuộc đời qua những chuyến bay siêu siêu thanh (Hypersonic)
25/07/2022Aron A. Wolf, Daniel J. Scheeres, Ping Lu. Đỗ Thái Bình dịchĐi tìm một Ngọa Vân
23/07/2022Nhà văn Hoàng Quốc HảiĐọc sách để sống trọn vẹn hơn đời sống con người
21/12/2018Nguyễn Quốc VươngPhẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực
27/05/2015Hải Lan (Thực hiện)Bàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhTừ đọc sách đến khai minh của người Nhật
10/04/2014TS. Nguyễn Xuân XanhNhà báo là ai?
21/06/2015Nguyễn Hoàng LinhNhóm Thứ Sáu
15/04/2010Phan Chánh Dưỡng