Niềm tin và sự ngờ vực
Bộ phim Doubt với dàn diễn viên đầy tài năng đã "truyền thông" được một diễn tiến tâm lý nhiều dao động của con người trên sợi dây quan hệ giữa sự nghi ngờ và niềm tin trong cuộc sống. Nhưng nó không phải là bài thuyết giảng minh hoạ một thứ triết lý cao cả bằng cách đưa ra một kết thúc có hậu…
- Tựa tiếng Việt: Lòng tin; thời lượng: 104 phút; từng nhận 5 đề cử Quả cầu vàng 2008 cho diễn viên, đạo diễn và biên kịch xuất sắc nhất.
- Kịch bản và đạo diễn: John Patrick Shanley
- Diễn viên: Meryl Streep, Philip Seymour Hoffman, Amy Adams…
Câu chuyện xảy ra trong một bối cảnh không gian không phổ biến với nhiều người xem: một trường dòng, nơi mà sự nghiêm khắc về giáo dục và những chuẩn mực đạo đức được tuân thủ, thậm chí áp đặt đến mức khô khan. Cũng không thể phủ định, triết lý giáo dục thiên về tính cưỡng bức ở các môi trường này từng tạo ra những nhân vị tốt cho xã hội. Nhưng trong cái không gian hẹp và kín bưng của lề luật đó, con người lại dễ quẩn quanh xét nét và đánh mất niềm tin về nhau, phát sinh những mưu toan hạ bệ nhau. Sự tha hoá đến một cách âm thầm…
“Phải chăng chúng ta đang liên kết với nhau trong một sự chất chồng thất vọng?”Câu hỏi được đặt ra trong một bài thuyết giảng của cha Flynn trước cộng đồng con chiên của ông có sức lay động lớn. Nhưng chính ông lại không tránh được những tai bay vạ gió sẽ xảy đến với mình từ sự mất lòng tin của kẻ khác.
Chuyện xoay quanh thái độ quan tâm đặc biệt của cha xứ với Donald Miller – cậu học trò da đen duy nhất mà ông vừa nhận vào trường dòng. Đây là cậu bé bị bạn bè xa lánh, chưa tìm thấy sự bình đẳng trong môi trường giáo dục (xin nói thêm, bối cảnh bộ phim xảy ra vào những năm 60 của thế kỷ 20, sau khi Kennedy bị ám sát và tệ phân biệt chủng tộc còn mạnh mẽ tại Mỹ, sẽ còn lâu người ta mới dám nghĩ đến một ông Obama như ngày nay!). Thái độ hành xử đầy tình thương với cậu học trò của cha xứ đã gây rắc rối cho ông khi mà với mưu đồ hạ bệ và gầy dựng thế lực cá nhân, bà sơ Aloysius Beauvier đã gán ghép cho ông hành vi lạm dụng thân thể thằng nhóc. Và bằng những “nỗ lực triệt để” hà khắc trong tư cách một hiệu trưởng, bà sơ Aloysius đã khiến cho một người trong sáng ngây thơ như sơ James, người rất mực yêu thương bọn trẻ, cùng rất mực kính trọng cha Flynn bắt đầu sống trong ngờ vực, thậm chí, còn tham gia tiếp tay vào kế hoạch hạ uy tín của cha Flynn.
Sự ngột ngạt tù túng của một cuộc đấu tranh nội bộ trong môi trường sư phạm đã diễn ra. Ở nơi thánh đường của xây dựng con người đã diễn ra những biểu hiện địa ngục. Tất cả chứng cứ buộc tội và dẫn đến việc chuyển xứ của cha Flynn chỉ là một vài chi tiết rất nhỏ: cậu bé lén uống rượu trên bàn thánh và bị giữ lại nhà xứ, một vài lần cha Flynn đích thân đưa cậu đến trường để tránh sự ăn hiếp của những học trò da trắng khác…
Điều hay nhất trong mọi tình huống tâm lý bộ phim thông minh này đặt ra đó là chính gia đình cậu bé da đen Donald không hề tin vào những lời đồn thổi vu khống của bà sơ. Họ cần một chỗ học cho con của họ, ở đó thằng bé không bị kỳ thị hay bỏ rơi. Bà Miller, mẹ của Donald đã nói với sơ Aloysius: “Tôi không biết chúng ta có đứng cùng phía hay không. Tôi chỉ biết rằng mình cần phải đứng về phía con mình và những ai tốt với nó!”. Sự thật đã bị thách thức. Bởi trong tình huống này, sự thật đã không tự chứng minh được nó, mà cần đến nhân cảm, niềm tin của người ta về nó. Cha Flynn, kẻ đòi hỏi nhà thờ là nơi phải thay đổi, thuyết giảng về sự bao dung và tránh xa ngờ vực chính là kẻ phải ngậm ngùi: “Có những lúc tôi thấy mình lạc lối trong đời”; đó là khi người ta “nhân danh đến đạo đức để giết chết sự tử tế”; “Hãy nhìn thế giới qua một khung cửa sổ nhỏ. Bên kia là những người hạnh phúc. Bên này là chúng ta…”
Câu chuyện xảy ra năm 1964 ở trường dòng Nicholas xứ Bronx này có thể xảy ra ở bất kỳ một môi trường giáo dục hay bối cảnh đời sống nào khác – những nơi mà triết lý giáo dục toàn trị, áp đặt bởi những mục tiêu phi nhân văn, bởi những luật lệ hà khắc, khiến tâm hồn con người bị tha hoá dần trong không khí nghi kỵ, thành kiến, khiến cho niềm tin vào những điều tốt, sự thiện tâm bị triệt tiêu. Và phía sau những bức tường chật chội được dựng lên ấy, có khi đạo đức, luân lý, kể cả Thượng đế cũng trở thành công cụ hữu hiệu để con người ra tay tiêu diệt lòng tin và sự tử tế ở đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh