Triết gia của niềm tin
Tốt nghiệp xuất sắc tại trường Luật năm 1939, Trần Đức Thảo lại thi vào trường Cao đẳng Sư phạm phố D'Ulm ở Paris, một trong những trường danh tiếng nhất của nước Pháp, không chỉ người Việt Nam, mà ngay cả nhiều người Pháp cũng không dám mơ ước đặt chân tới.
Được vào học ở một trường ngoài mơ ước của nhiều người, Trần Đức Thảo đã đêm ngày miệt mài đọc sách, tìm tư liệu. Các tác phẩm của Husserl và Hegel được ông đặc biệt quan tâm.
Trần Đức Thảo đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với điểm số cao nhất khóa. Sau đó, ông lại tiếp tục bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học với đề tài Hiện tượng học của Husserl tại trường đại học danh tiếng Sorbonne.
Giới triết học Pháp và châu Âu từ đây đã có thêm một nhà triết học được mọi người kính trọng.
Lúc này, ở Paris, thủ đô của ánh sáng, một trung tâm văn minh của châu Âu, có một trường phái triết học đang ngự trị tư duy, tình cảm của nhiều người, đó là chủ nghĩa hiện sinh, mà chủ soái của nó là nhà văn có tên tuổi lẫy lừng trên thế giới Jean Paul Sartre.
Vị lão tướng ngạo mạn này muốn khẳng định bản chất "nhân bản" của học thuyết của mình, đã thách đấu công khai với Nhà triết học trẻ Trần Đức Thảo. Và triết gia Annam Trần Đức Thảo đã nhận lời.
Giới học thuật Paris và châu Âu ngỡ ngàng vì cuộc tranh luận, theo họ là không cân sức, bởi một bên là một cây "đại thụ" và một bên là nhà triết học trẻ sinh ra từ một đất nước, mà nhiều người còn chưa biết nó ở đâu trên bản đồ thế giới.
Nhưng sự việc đã diễn ra không đơn giản như nếp nghĩ của người châu Âu. Bởi trước hết, đây là một cuộc "đấu trí" của hai nền triết học, một già cỗi, và một đang lên. Thuyết hiện sinh của J. P. Sartre thực chất là sự biến tướng tư tưởng của Rimbaud, một nhà thơ hoảng loạn cuốt thế kỷ XIX, cộng thêm sự chứng nghiệm của Thiền Tông. Còn với triết gia Trần Đức Thảo, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã được khẳng định tính ưu đẳng bằng trái tim chiêm nghiệm Phương Đông của ông.
Với vốn tiếng Pháp tuyệt diệu, Trần Đức Thảo đã vạch trần những chỗ ngụy biện của J. P. Sartre, đã vạch trần tính chất lỗi thời của Chủ nghĩa Hiện sinh... khiến cho J. P. Sartre lúng túng, dùng "mẹo vặt" định đẩy chủ nghĩa duy vật biện chứng ra khỏi "lâu đài triết học". Ông ta đòi định nghĩa lại khái niệm nền tảng triết học, tranh luận lại "ý thức đầu tiên" mà Husserl đã trình bày trong sách Trải nghiệm và giải luận.
Lại một lần nữa Trần Dức Thảo dồn J. P. Sartre vào chỗ lúng túng, vì với tác phẩm này, ông ta còn hiểu rất lơ mơ, trong khi đó Trần Đức Thảo đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
Không còn đường lùi, J. P. Sartre xin tạm dừng cuộc tranh luận. Triết gia Trần Đức Thảo cũng chấp thận.
Môn đồ của J. P. Sartre không hiểu vấn đề, đổ lỗi cho Trần Đức Thảo làm hỏng cuộc tranh luận. Trước tình hình đó, triết gia Trần Đức Thảo buộc lòng phải cho công bố toàn bộ bản ghi tốc ký cuộc tranh luận đó.
Với việc công bố bản tốc ký cuộc tranh luận, thế giới tinh thần châu Âu lúc này mới bàng hoàng vì sự thắng lợi đã thuộc về triết gia Trần Đức Thảo, thuộc về chủ nghĩa duy vật biện chứng như một sức sống mới đè bẹp tư tưởng lỗi thời của chủ nghĩa hiện sinh J. P. Sartre.
Tiếp nối thắng lợi cơ bản đó, các tác phẩm triết học của Trần Đức Thảo được công bố bằng tiếng Pháp như Hạt nhân của phép biện chứng, Từ hiện tượng học đến phép duy vật biện chứng của tri thức, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người, Sự ra đời của con người đầu tiên... đã đưa tác giả của nó trở thành một trong những triết gia duy vật có uy tín nhất của thế kỷ XX, đã đem đến cho nhân loại một niềm tin khoa học vào tương lai của mình.
Nhân kỷ niệm ngày sinh 26/9/1917 của một nhà triết học tầm cỡ thế giới người Việt - Trần Đức Thảo, chỉ nhằm mục đích tưởng nhớ và hiểu rõ hơn về ông như một nhà tri thức chân chính của dân tộc, chungta.com sưu tầm và xin đăng lại 2 bài báo ông đã viết cách đây hơn 50 năm mà sau 2 bài này, cuộc đời ông bước vào pha trầm, nhiều u buồn... |
Nỗ lực phát triển tự do dân chủ
(Trần Đức Thảo, Báo Nhân văn số 3, ra ngày 15-10-1956)
Trước hết, chúng ta phải nhận định rõ ý nghĩa và nội dung của phong trào tự do dân chủ đương phát triển trong nhân dân. Căn bản nó là phong trào quốc tế, do Đại hội Đảng XX của Đảng Cộng sản Liên Xô phát động, và đương lan tràn rầm rộ trên khắp thế giới. Nó xuất phát từ những thắng lợi lớn lao của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và trên thế giới, do những thắng lợi ấy mà phương pháp lãnh đạo hẹp hòi, sùng bái cá nhân theo kiểu Stalin đã trở thành một cản trở nghiêm trọng cho sự phát triển của xã hội Liên Xô và của phong trào hoà bình thế giới. Đánh đổ cái cản trở ấy là một nhiệm vụ cấp bách để tiến lên chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, củng cố và mở rộng hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Nhân dân Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu bè phái, sùng bái cá nhân, chính là thực hiện đường lối cách mạng của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, do Đảng Lao động Việt Nam truyền đạt.
Xét đến tình hình trong nước phong trào tự do dân chủ cũng có ý nghĩa trọng đại. Sau khi chúng ta đã đánh bại đế quốc và hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, chính bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân là những di tích của chế độ cũ trong tổ chức mới. Đấu tranh chống những bệnh ấy là nhiệm vụ của nhân dân và đường lối của Đảng, một trọng tâm công tác để đẩy mạnh công cuộc kiến thiết kinh tế và văn hoá, nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, trong phong trào có thể có những sai lầm cá nhân, những lời lẽ lệch lạc với sự lãnh đạo của Đảng, những khuyết điểm ấy nhất định được sửa chữa, nhưng đấy chỉ là chi tiết. xét về căn bản và toàn bộ, phong trào hiện tại chống quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân là một phong trào cách mạng của toàn dân, do giai cấp và Đảng công nhân lãnh đạo: nó giải phóng sức sản xuất, chỉnh đốn tổ chức, đẩy mạnh sự tiến triển của xã hội Việt Nam lên chủ nghĩa xã hội, gắn liền nhân dân Việt Nam với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Đã làm một nhiệm vụ cách mạng, sẽ có địch lợi dụng xuyên tạc. Không có gì địch đã lợi dụng xuyên tạc bằng Cải cách Ruộng đất. Không có công tác nào đã phạm phải sai lầm đau xót như công tác ấy. Ngay từ đầu chúng ta đã biết rằng chúng ta sẽ có sai lầm, rằng địch sẽ lợi dụng xuyện tạc, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm tiến hành, vì đấy là nhiệm vụ cách mạng. Trong phong trào tự do dân chủ bây giờ không thể nào có sai lầm nghiêm trọng đến thế, vì nó chỉ tiến hành bằng lời nói, bằng giấy viết, nó không phạm đến cơ thể. Mà nếu địch có thể tìm cách lợi dụng một vài chi tiết, thì về căn bản nó sẽ bị một gánh đòn rất nặng, có thể là quyết định, vì căn bản tuyên truyền của địch là kêu rằng chúng ta không có dân chủ, mà chính chúng ta lại chứng minh bằng sự việc rằng chúng ta có dân chủ rõ ràng. Không phải vì một vài vấn đề vụn vặt mà chúng ta lại bỏ cái căn bản, và không vì thấy cây mà không trông thấy rừng.
Có anh em lo rằng với tự do dân chủ được phát triển, giai cấp tư sản sẽ “ngóc đầu” lên. Chính như thế là đánh lạc vấn đề. Từ ngày hoà bình trở lại, chúng ta mở rộng phạm vi kinh doanh tư sản, chúng ta hô hào họ đầu tư; như thế họ cũng đã được thoả mãn một phần khá, mà họ cũng không có đủ sức để làm gì khác. Những người có vấn đề phê bình là những người lao động trí óc và lao động chân tay, phục vụ nhân dân và trung thành với Đảng, nhưng chưa được điều kiện để phát huy khả năng và phục vụ có kết quả, thậm chí còn bị kìm hãm, chà đạp bởi những phần tử quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân. Cái tự do mà họ muốn phát triển nhất định không phải là cái tự do tư sản của xã hội cũ, tự do của một thiểu số đi bóc lột đa số. Cái tự do mà họ muốn phát triển là tự do của toàn dân phê bình lãnh đạo, vì lãnh đạo chính là lãnh đạo của mình, mà có phê bình thì mới xây dựng được một tổ chức hợp lý, bảo đảm những điều kiện cần thiết để mọi công tác được kết quả tốt, để mỗi công dân được góp phần vào nhiệm vụ chung. Cái tự do ấy là quyền của người công dân, nó được hoàn toàn công nhận và bảo đảm trong chế độ ta. Đảng và Chính phủ luôn luôn kêu gọi nhân dân xây dựng lãnh đạo. Nhưng vì chúng ta hay rụt rè, thậm chí còn sao nhãng, thiếu tin tưởng, nên công tác phê bình chưa được thường xuyên đầy đủ. Chúng ta còn thiếu tác phong thảo luận rộng rãi, đặt mọi vấn đề trước quần chúng. Đấy là một di tích của lề lối làm việc cũ, một biểu hiện của tư tưởng xa quần chúng, xa nhân dân. Chúng ta phải nỗ lực mở rộng dân chủ, phát triển phê bình trong nhân dân. Đảng đã chỉ đường vạch lối, nhưng không thể làm thay: Tự do không phải là cái gì có thể ban ơn.
Trong nhiệm vụ thực hiện phương châm của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, hưởng ứng phong trào phát triển tự do dân chủ trong những nước dân chủ nhân dân anh em, người trí thức Việt Nam có phần trách nhiệm quan trọng. Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân.
Đấy phải phân biệt nội dung và hình thức tự do. Về phần nội dung thì chế độ ta căn bản và thực sự là tự do. Chúng ta đã đánh đổ đế quốc và phong kiến ở miền Bắc, mà dù có còn phương thức bóc lột tư sản, thì với chính quyền nhân dân, với sự lãnh đạo của giai cấp và đảng công nhân, cái căn bản đã có và bảo đảm cho tương lai. Nhất định chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, thực hiện tự do hoàn toàn.
Nhưng về hình thức thì còn nhiều thiếu sót, mà đấy là vấn đề nghiêm trọng, vì chính hình thức tự do bảo đảm sự đóng góp đầy đủ của mỗi công dân vào nhiệm vụ chung. Có hình thức tự do thì mới thực hiện được quy tắc lãnh đạo tập thể, mới giải phóng đầy đủ lực lượng sáng tạo của quần chúng, phát huy sáng kiến ở cơ sở kinh tế và văn hoá. Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bóc trần những kết quả tai hại của tác phong lãnh đạo vi phạm hình thức tự do. Tuy cái tệ sùng bái cá nhân không thể nào làm mất cái nội dung dân chủ thực sự và tính chất ưu việt của xã hội Liên Xô, trong ấy không còn chế độ người bóc lột người, nhưng vì trong một thời gian hình thức tự do không được đảm bảo, sự phát triển của xã hội Liên Xô đã bị cản trở nghiêm trọng. Riêng trong công tác văn hoá, một số bộ phận nghiên cứu sáng tác như bộ phận khoa học xã hội, theo báo cáo của đồng chí Mi-cai-an, đã bị hầu như tê liệt. Hình thức tự do không phải “chỉ là hình thức”! Nó ảnh hưởng sâu sắc đến thực tế xã hội, dù không có thay đổi cái nội dung căn bản.
Ở nước ta, Cải cách Ruộng đất đã hoàn thành ở miền Bắc, bây giờ là lúc chuyển lên chủ nghĩa xã hội: Không có con đường nào khác, mà không tiến thì lùi. Điều kiện chủ yếu để tiến là xây dựng nhanh chóng cơ sở vật chất và văn hoá cần thiết cho phương thức sản xuất tập thể. Từ hai năm hoà bình đã được lập lại, công cuộc kiến thiết bị cản trở nghiêm trọng, hầu như hết cả các ngành, bởi những phần tử quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân. Phát triển hình thức tự do (tự do báo chí, ngôn luận, hội họp, hiệp đoàn v.v...) là một công tác trọng tâm để giải phóng lực lượng sáng tạo của nhân dân, khai thác và làm nổi bật cái nội dung dân chủ phong phú mà chúng ta đã đạt được. Trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, đấy cũng là một yếu tố quan trọng để mở rộng mặt trận tổ quốc, tranh thủ sự đồng tình của những tầng lớp rộng rãi ở miền Nam và trên thế giới.
Hình thức tự do là tự do cá nhân. Dưói chế độ cũ, căn bản nó là mơ mộng duy tâm, làm khí cụ tinh thần cho giai cấp tư sản đi bóc lột nhân công. Nhưng trong xã hội ta nó đã biến chất và trở thành giá trị chân chính. Cá nhân phục tùng tập thể, nhưng tập thể cũng phải có cá nhân xây dựng và hình thức tự do trong phạm vi pháp lý nhân dân là điều kiện để mỗi cá nhân góp phần thực sự xây dựng tập thể. Xét đến tình hình thế giới mới đây, lý tưởng tự do cá nhân lại là lý tưởng của những ngày tiến tới, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản bây giờ đương bắt đầu trở thành một thực tế lịch sử ở Liên Xô. Phát triển tự do cá nhân hoàn toàn, đấy sẽ là mục tiêu càng ngày càng cụ thể với thực tiễn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, trong ấy sẽ không còn phân biệt giai cấp, nhà nước sẽ tự tiêu, mỗi cá nhân sẽ tự do xây dựng sở trường của mình, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Chủ nghĩa xã hội hoàn thành ở Liên Xô đã giải phóng con người trong tập thể sản xuất. Trong xã hội cộng sản mỗi người sẽ được giải phóng với cá tính bản thân.
Bước tiến của xã hội ta chưa đi đến đấy nhưng cách mạng ta là một bộ phận trong phong trào thế giới và tính chất chung của phong trào thế giới là do bộ phận cao nhất của nó quy định. Tư tưởng cách mạng, dù có ở một nước lạc hậu vẫn phải là tư tưởng tiến bộ nhất trên thế giới. Chúng ta đã làm cách mạng tư sản dân chủ với tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại, nhưng mang nặng những bệnh của giai đoạn Stalin: quan liêu, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân. Theo đòi hỏi của sự phát triển của sức sản xuất và công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô đã lên án nghiêm khắc cái tệ sùng bái cá nhân, đặt chủ trương đường lối giải phóng tư tưởng bảo đảm pháp lý xã hội chủ nghĩa, triệt để dân chủ hoá tổ chức. Những nghị quyết lịch sử của Đại hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước dân chủ nhân dân anh em và phong trào công nhân và nhân dân thế giới. Nước ta không thể nào đứng riêng: chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gột rửa những nết xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân.
Nhân kỷ niệm ngày sinh 26/9/1917 của một nhà triết học tầm cỡ thế giới người Việt - Trần Đức Thảo, chỉ nhằm mục đích tưởng nhớ và hiểu rõ hơn về ông như một nhà tri thức chân chính của dân tộc, chungta.com sưu tầm và xin đăng lại 2 bài báo ông đã viết cách đây hơn 50 năm mà sau 2 bài này, cuộc đời ông bước vào pha trầm, nhiều u buồn... |
Nội dung xã hội và hình thức tự do
(Trần Đức Thảo, Giai phẩm mùa Đông, tập 1/1956)
Vấn đề tự do và tự do cho ai, tự do đối với ai, tự do để làm gì.
Tự do của quảng đại quần chúng, đấy là một nội dung chân chính mà chế độ ta thực hiện về căn bản, và có điều kiện để phát triển không ngừng. Nhưng đây là tổ chức chúng ta, tuy xét về nội dung là dân chủ thực sự, nhưng lại bị lũng loạn bởi những bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân.
Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng tiến hành trong nội bộ nhân dân bằng phê bình và tự phê bình, đặng tranh thủ cho mỗi công dân những điều kiện hoạt động chính đáng và cần thiết để góp phần vào nhiệm vụ chung, chống sự kìm hãm và lấn át của những phần tử lạc hậu: quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân ở mọi cấp lãnh đạo. Phải nói rõ ở mọi cấp lãnh đạo, vì nếu xét đến cá nhân thì những bệnh ấy còn khá phổ biến với mức tiến triển của xã hội ta bây giờ, nhưng có ở cương vị lãnh đạo thì nó mới có điều kiện để gây tai hại lớn cho nhân dân. Những sai lầm nghiêm trọng phạm phải trong Cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức,[1] kiến thiết kinh tế và văn hoá là những dẫn chứng hùng hồn. Những sai lầm ấy thì nhân dân ở mỗi địa phương và nhiều cán bộ cấp dưới, mỗi người trong phạm vi của mình, từ lâu đã trông thấy rõ, vì đã phải chịu đựng những tai hại gây ra cho bản thân mình hay chung quanh mình. Mà vì những sự việc ấy có tính chất phổ biến, vấn đề rút kinh nghiệm cũng không đến nỗi khó lắm.
Cụ thể như trong cải cách ruộng đất, đặc biệt là đợt 4 và đợt 5, nhân dân đã có nhiều ý kiến xác đáng, dựa vào những bài học hiển nhiên của lịch sử Cách mạng Việt Nam, vào lý trí và đạo đức tự phát của người thường dân. Ví dụ như trước những nhận định từ trên đưa xuống về tình hình nông thôn, thổi phồng lực lượng của địch và mạt sát cơ sở của ta, thì quần chúng và cán bộ cấp dưới đã có nhiều thắc mắc.
Do quá trình thực tế phản đế, phản phong, tổ chức kháng chiến của ta thì tất nhiên là một tổ chức của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nếu có bao gồm một số phần tử phức tạp thì những phần tử ấy nói chung cũng đã được giáo dục ít hay nhiều trong thực tiễn đấu tranh phục vụ nhân dân. Vậy cơ sở ta ở nông thôn trước Cải cách ruộng đất cũng không thể nào xấu đến thế. Nó cần được cải tạo, nhưng không đến nỗi phải đả kích hàng loạt. Mà theo lý trí thông thường của người dân thì nếu thực sự tổ chức của ta đã bị lũng đoạn nghiêm trọng, thậm chí nếu tổ chức của địch lại “lồng vào tổ chức của ta” thì làm sao mà chúng ta kháng chiến được thắng lợi? Đến cấp Huyện và cấp Tỉnh thì cái nội dung “chỉnh đốn tổ chức” lại càng quái gở, cuối cùng, theo tình cảm tự phát và thương yêu bạn đồng đội, không nói gì đến đạo đức và nhân sinh quan cách mạng, thì cũng không thể nào kết án cơ sở chiến đấu của ta một cách đơn giản, chung chung vô trách nhiệm và khinh con người đến mức ấy. Cụ thể ở mỗi địa phương mà đã đánh tràn lan, có tính chất trái ngược, phản tình phản lý của các nhận định chung về tình hình địch và ta đã phát hiện ngay trong việc làm. Nhưng vì cơ cấu của bộ máy lãnh đạo có hướng một chiều, rất nặng về tổ chức và phương tiện đả thông, cưỡng bách mà những ý kiến phê bình của nhân dân hay cấp dưới thì lại hoàn toàn để cho cấp trên quyết định có nên xét đến và cho thảo luận hay không, cho nên những bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân trong tổ chức lãnh đạo đã có điều kiện khách quan để phát triển, đẩy mạnh tác phong đàn áp tư tưởng, phớt qua quy tắc dân chủ, biến những ý kiến chủ quan thành “lập trường” bất di bất dịch. Nhờ những điều kiện ấy mà những phần tử lạc hậu, bảo thủ, đã ngăn cản ý kiến của quần chúng, cản trở việc sửa chữa sai lầm, cho đến lúc tác hại lớn quá, cơ sở đã bị tổn thất nặng nề, chỉnh đốn tổ chức ở huyện và định phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hoá. Rõ ràng những phần tử quan liêu bè phái đã lấy thành kiến của họ làm đường lối của lịch sử, biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi.
Sai lầm trong Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức là một trường hợp điển hình, nhưng thực ra thì trong mọi vấn đề khác như kiến thiết kinh tế và văn hoá, cũng đã phải chờ cho có tai hại lớn lao, đồng thời cũng có ánh sáng của Đại hội XX[2]phát động phong trào tự do dân chủ, mới bắt đầu rút ra bài học kinh nghiệm. Rõ ràng rằng phương pháp phê bình thông thường trong nội bộ tổ chức không đủ để sửa sai kịp thời những sai lầm hết sức quan trọng. Còn những sai lầm tương đối nhẹ hơn hoặc tác hại âm thầm hơn thì tất nhiên lại càng dễ xuý xoá. Cần phải có sự xây dựng tích cực của nhân dân mới ngăn ngừa được ảnh hưởng của những phần tử bảo thủ, lạc hậu, những ông quan liêu, những ông sĩ diện, những ông bè phái luôn luôn cản trở đường lối quần chúng của Đảng. Nhưng vì chúng ta còn thiếu tập quán tự do, việc phê bình công khai tổ chức lãnh đạo thường dễ gây thắc mắc. Dù nội dung phê bình có đúng chăng nữa, dù kinh nghiệm có cho hay rằng không đặt vấn đề trước quần chúng thì không thể nào giải quyết kịp thời, nhiều anh em vẫn chỉ chú trọng nhận xét về “thái độ”, truy nguyên tư tưởng: thiếu tin tưởng, bất mãn, tự do tư sản, thoát ly lãnh đạo, thậm chí là “bôi nhọ chế độ”, “để cho địch lợi dụng!”. Những anh em ấy không thấy rằng nhân dân được sự lãnh đạo của Đảng[3] thì Đảng cũng phải được sự xây dựng của nhân dân, miễn là cuối cùng thì nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng. Mà nếu trong lời phê bình có phần “bất mãn”, thì có cái bất mãn ấy mới sửa chữa được sai lầm, có cái bất mãn ấy thì lãnh đạo mới thoả mãn được nhân dân.
Lãnh đạo theo đường lối quần chúng không phải chỉ là ngồi trên mà “tìm hiểu quần chúng”. Vì như thế vẫn còn là tự đặt mình trên nhân dân, mà người lãnh đạo không có quyền tự đặt mình trên nhân dân.
Kinh nghiệm Cải cách ruộng đất là một bằng chứng điển hình. Không công tác nào đã tập trung chừng ấy phương tiện đả thông và cưỡng bách, bộ máy tổ chức được rèn dũa như một động cơ hiện đại kiên cố, nhưng cũng vì thế mà không nghe thấy ý kiến phê bình của nhân dân rồi đi đến chỗ làm ngược hẳn đường lối chính sách cách mạng, tấn công bừa bãi, phá huỷ… Chính lúc trung ương tin tưởng rằng nhờ tổ chức chặt chẽ mà nắm được hết thì biện - chứng – pháp của lịch sử đã quay lại vấn đề: tổ chức thoát ly quần chúng, lãnh đạo rất yếu, chỉ đạo lung tung.
Chúng ta có thể nhận định, vấn đề tự do nhân dân miền Bắc hiện nay cụ thể trước mắt là tự do đối với những phần tử lạc hậu, bảo thủ, quan liêu, giáo điều của chế độ dân chủ nhân dân, làm lệch công tác lãnh đạo của Đảng, đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho tổ chức nói chung là kìm hãm công cuộc kiến thiết miền Bắc, tranh thủ miền Nam. Nhiệm vụ chống những phần tử căn bản là nhiệm vụ đấu tranh với ban, tiến hành bằng phê bình và tự phê bình.
Trong bản tham luận đọc trước Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Đặng Tiểu Bình, hiện giờ Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói: “Đảng không có quyền vượt lên trên quần chúng nhân dân, tức là Đảng không có quyền ban ơn, cưỡng bách, mệnh lệnh đối với quần chúng nhân dân, Đảng không có quyền xưng vương, xưng bá trên đầu nhân dân”.
[1]Chỉnh đốn tổ chức là một danh từ mới thay thế cho danh từ: thanh trừng trong nội bộ Đảng và trong chính quyền.
[2] Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô (Bolsevich). (BT)
[3] Tư tưởng này đã được Đại hội Đảng CS Việt Nam lần VI năm 1986 khẳng định. (BT)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)