Xã hội đang chạy theo giá trị ảo?
Những công trình trùng tu và bảo tồn di tích đã nhanh chóng được hoàn thiện, những con đường đã được xây dựng hoàn chỉnh, băng rôn khẩu hiệu đã treo khắp phố, và nhìn lịch trình diễn ra trong 10 ngày mừng Đại lễ như hoạt động thi đua, triển lãm, hội chợ hứa hẹn nhiều niềm vui. Dường như tất cả đã sẵn sàng cho một nghìn năm Thăng Long mà sao vẫn thấy trăn trở một điều gì đó ẩn sâu sau những hoạt động ồn ào và náo nhiệt này.
Đằng sau những hoạt động được gọi là "bề nổi" kia thì nhìn lại Hà Nội hôm nay đã thay đổi nhiều với Hà Nội trong hoài niệm xưa kia. Nếu như Hà Nội xưa kia khi bước chân ra đường hay trong từng góc phố nhỏ luôn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đằm thắm, sang trọng và lịch thiệp.
Nhà văn Băng Sơn đã miêu tả rất kĩ nét đẹp người phụ nữ Hà Nội xưa. Có thể bà mẹ lớn tuổi, bước đi khoan thai, không gõ guốc cồm cộp, không kéo lê đôi dép quèn quẹt, ngay gót chân đã nhăn nheo cũng không bao giờ chịu để lem luốc đất cát. Tà áo chỉ là vải thường cũng phẳng phiu, gọn ghẽ, kín đáo, nhất là sạch sẽ.
Người Hà Nội xưa dịu dàng mà tinh tế, sâu sắc mà lịch thiệp. Ảnh: 1000namthanglonghanoi.vn
Cách ăn của phụ nữ Hà Nội dễ nhận ra ngay: ý tứ, ngồi một góc, khép chân, không gác chân co lên ghế, không gục mặt xuống mà ăn, vẫn thẳng thắn đàng hoàng, không liếc ngang liếc dọc. Không nhồm nhoàm, không xì xụp, không tóp tép, không ừng ực, không nói cười hô hố trong khi ăn.
Và một thời, xe đạp là phương tiện đi lại chính. Con gái Hà Nội đi xe bao giờ cũng khép chân, đầu gối gần sát vào khung xe, đầu ngón chân đặt trên bàn đạp, không khuỳnh tay, dạng chân, không phóng nhanh. Ngồi đằng sau thì không ôm choàng người đèo, không đặt tay lên đùi hay sờ bụng người đằng trước, vì làm thế là không đứng đắn.
Những hình ảnh này bắt gặp nhiều trên đường phố thời nay. Ảnh: quangnam.dangkiem.com
Thời thế đã đổi thay. Hà Nội hôm nay xe máy là phương tiện lưu thông chính. Nhưng cô gái ngày hôm nay đi xe máy ngồi ngả ngốn, nói cười oang oang, ôm eo lơi lả, phóng như điên nhiều người thấy buồn cho con gái Hà Nội.
Từ cái ngả ngốn này đi đến cái ngả ngốn khác, khoảng cách chỉ là gang tấc. Người ta cũng có thể nhìn một cô gái như thế mà biết cô sinh ra trong một gia đình như thế nào và được giáo dục ra sao, nhất là bà mẹ cô có nề nếp hay buông tuồng ra sao.
Phụ nữ Hà Nội xưa biết cách trang điểm để tôn lên vẻ đẹp tâm hồn của mình, trang điểm chứ không phải làm đỏm, làm dáng như một số cô gái hiện nay đã quá lợi dụng, thành loè loẹt, biến khuôn mặt mình thành cái mặt nạ - và cũng là mặt lạ - thật dại dột. Đã trắng rồi còn trát một lớp phấn dày, môi đã tươi còn tô đỏ choét, son loang cả vào răng. Lông mày thanh thoát đem nhổ đi tô bút chì như lông mày Trương Phi lên sân khấu. Mắt nhung kỳ ảo lại đem tô xanh tô đỏ như vẽ hề. Không có cái đẹp nào bằng tự nhiên, thanh nhã, kín đáo... Có duyên hay không, hấp dẫn hay không chính là ở đó và một phần là sự uốn nắn của bà mẹ trong nếp sống gia đình hằng ngày.
Con người của Hà Nội cổ xưa thanh lịch và sâu sắc từ dáng đi, lời ăn tiếng nói, đến cư xử giữa người với người là vậy. Trí tuệ của Hà Nội xưa cũng uyên bác và thực chất hơn nhiều. Để mừng Đại Lễ, Hà Nội đã cho trùng tu tôn tạo lại nhiều di tích nổi tiếng, trong đó có Văn miếu Quốc Tử Giám. Nơi đây quy tụ các bậc hiền tài, các nhân sĩ tri thức lớn thời xa xưa.
Quốc Tử Giám đuợc thành lập từ năm 1070, từ đó đến năm 1802 là nơi đào tạo và tuyển chọn hiền tài cho bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam. Đến năm 1484 xây dựng bia ghi tên các tiến sĩ. Có văn bia viết: "Danh là khách của thực, thực là chủ của danh, có danh, mà lại có thực thì danh vì thế được coi trọng. Có danh mà không có thực thì danh vì thế bị coi khinh".
Lại có văn bia khác: "Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu ấm no, chỉ mưu cho tham, không nghĩ đến nước, thì người ta sẽ chỉ tận tên (trên bia) mà nói: kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước làm gầy người để béo ta, kẻ này làm hại người lành, kết bạn cùng lũ gian tham. Như thế thì bia càng lâu càng bị bôi nhọ. Đó, việc lập bia có ý nghĩa sâu xa như thế, có phải chỉ cốt để lâu dài cho vẻ vang thôi đâu"...
Đọc lại những lời khắc ghi trên bia mà thấy trăn trở cho Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung ngày nay. Không khí Đại lễ tưng bừng là vậy nhưng sao nỗi niềm vẫn chất chứa trong lòng bên cạnh niềm vui hân hoan này.
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, rồi tất cả lại trở về với quỹ đạo tự nhiên vốn có của nó. Những giá trị ảo đó rồi cũng tan biến theo thời gian, qua đi sẽ không còn gì để nhớ, có chăng điều để nhớ mãi đó là giá trị thực nhân cách, trí tuệ của một con người, một xã hội. Làm gì để khôi phục lại những giá trị đó có lẽ cần sức mạnh và ý thức của cả dân tộc hôm nay.
Nguồn:Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ