Oppenheimer và Chu thực sự nói gì?
Người Việt chúng ta có một truyền thống quí báu là vô cùng tôn kính tổ tiên. Các truyền thuyết Rồng Tiên, mười tám đời vua Hùng, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, cùng những trang sử oanh liệt về Bạch Đằng, Chương Dương, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… có lẽ đã thấm vào từng tế bào của mỗi con dân đất Việt. Vì thế chúng ta rất nhạy cảm với những thông tin về nguồn gốc con người và văn hóa Việt. Có lẽ đó là lý do Oppenheimer và Chu từng được cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước, chào đón và thảo luận rất nồng nhiệt. Vậy Oppenheimer và Chu đã thực sự nói gì?
1. OPPENHEIMER VÀ ĐỊA ĐÀNG Ở PHƯƠNG ĐÔNG:
Stephen Oppenheimer là chuyên gia nhi khoa nhiệt đới người Anh, từng nhiều năm làm việc tại Đông Á, Đông Nam Á và châu Phi. Sau khi trở về Anh năm 1996, ông bắt đầu viết sách phổ biến kiến thức về nguồn gốc loài người, mà tiêu biểu là hai tác phẩm Địa Đàng ở phương Đông: Lục địa Đông Nam Á bị chìm (Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia) năm 1998 và Rời khỏi Địa Đàng (Out of Eden) năm 2004. Địa Đàng ở phương Đông viết về vùng Đông Nam Á, mà lúc chưa bị nước biển nhấn chìm do băng tan sau kỉ băng hà được gọi là lục địa Sunda (Sundaland); còn Rời khỏi Địa Đàng viết về các cuộc thiên di từ châu Phi để chiếm lĩnh hành tinh của người hiện đại (Homo sapiens), bắt đầu từ hơn 50 ngàn năm trước.
Địa Đàng ở phương Đông bản tiếng Việt đã được NXB Lao Động và Trung tâm văn hóa Đông Tây ấn hành năm 2005, với bản dịch của Lê Sỹ Giảng và Hoàng Thị Hà, do giáo sư Cao Xuân Phổ hiệu đính. Với những tác phẩm có nột dung mang tính liên và xuyên ngành như Địa Đàng ở phương Đông, việc chuyển ngữ bao giờ cũng là công việc rất khó khăn, vất vả và nhiều thách thức; và nó quyết định không nhỏ tới sự lĩnh hội của người đọc. Vì thế trước khi đi vào nội dung cụ thể của tác phẩm, xin nhận xét về chất lượng bản dịch.
1.1. Về chất lượng bản dịch:
Đầu tiên cần khẳng định sự cẩn trọng và nghiêm túc của các dịch giả, khi họ mời cả một vị giáo sư để hiệu đính. Đó là điều rất đáng trân trọng, vì nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn, không ai có đủ kiến thức trong mọi lĩnh vực, dù ở mức tối thiếu. Vì thế, tuy không có bản gốc tiếng Anh để đối chiếu, nhưng tôi nghĩ, về cơ bản, các dịch giả đã chuyển tải tương đối đầy đủ các quan điểm cơ bản của Oppenheimer.
Tuy nhiên, nếu xét khắt khe hơn, không thể nói đó là một bản dịch tốt, khi thấy không ít lỗi rất khó chấp nhận. Dưới đây là một số thí dụ điển hình.
+ “Ngay lập tức chúng tôi xuất bản ấn phẩm The Lancet” (trang 302). Chắc chắn Oppenheimer không thể xuất bản tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet. Đây có thể chỉ là lỗi in ấn, nhưng cũng cần dịch chuẩn và nhuyễn hơn, chẳng hạn “Ngay lập tức chúng tôi công bố trên ấn phẩm The Lancet”.
+ “ADN bào quan” (trong các chương 6-7, trang 285-346). Để theo dõi hành trình các cuộc thiên di của người hiện đại, giới khoa học nghiên cứu các đột biến ngẫu nhiên tại ADN ti thể (mitochondrial DNA), do mẹ truyền cho con, và tại ADN nhiễm sắc thể Y (Y chromosomal DNA), do cha truyền cho con trai. Vì thế dịch “ADN bào quan” là sai, vì ngoài ti thể, còn rất nhiều loại bào quan khác. Chỉ cần tra cuốn từ điển tiếng Anh chuyên về y sinh học bất kì là tránh được sai sót này.
+ “Phương pháp so sánh đã tồn tại trong gần 7000 năm qua” (trang 202). Nếu bản dịch đúng thì Oppenheimer đã mắc một lỗi rất sơ đẳng. Để nghiên cứu quan hệ giữa các ngôn ngữ, người ta dùng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp so sánh. Bằng cách so sánh một số đặc trưng điển hình, các nhà ngữ học có thể tìm ra mối liên hệ giữa các ngôn ngữ, kể cả quan hệ nguồn gốc - phát sinh. Theo tuyên bố của giới chuyên gia, phương pháp này có thể tìm về cội nguồn của các ngôn ngữ từ 7000 năm trước (giới hạn hiện hành của các phương pháp ngữ học khi truy ngược về quá khứ là 9000 năm trước). Ở đây có lẽ các dịch giả đã sai lầm, chứ không phải Oppenheimer.
+ “Người cổ đại 120.000 năm trước” (chú thích tại hình 15, trang 159). Nguyên văn tiếng Anh là “Homo sapiens for over 120,000 years”; và nó phải được dịch thành “Người khôn (hay người hiện đại) hơn 120.000 năm trước”. Theo bản dịch thì tất cả loài người hiện nay đều là “người cổ đại”!
+ “Ôi, phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây và chẳng bao giờ chúng gặp được nhau, cho đến ngày cả hai ngồi vào Chiếc ghế Phán xét cuối cùng của Thượng Đế…” (trang 713). Đây là lời dịch sai hoàn toàn, cả về ngữ nghĩa lẫn cú pháp, nên có thể dẫn tới sự hiểu lầm ý tứ sâu sắc của tác giả.
Nguyên văn tiếng Anh của hai câu thơ đó như sau:
“Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgment Seat;”
Đó là hai trong số bốn câu thuộc khổ thơ dùng để mở đầu và kết thúc bài thơ dài Khúc ca Đông Tây của Kipling, nhà văn Anh đoạt giải Nobel. Vì mấy câu thơ này mà người ta vẫn hiểu lầm Kipling, khi xem ông là người phân biệt Đông Tây; trong khi theo văn bản thì ngược lại mới đúng là sự thật. Hai câu thơ trên cần được dịch như sau:
“Ôi, Đông là Đông, Tây là Tây, và hai phía không bao giờ gặp mặt,
Chừng nào Trời và Đất vẫn còn đứng như hiện nay theo phán quyết vĩ đại của Thượng Đế;”
Và hai câu thơ tiếp theo là:
Nhưng sẽ chẳng có Đông hay Tây, chẳng có ranh giới, giống nòi hay sinh nở, Khi hai người đàn ông mạnh mẽ đối mặt nhau, họ đến từ hai tận cùng trái đất!”
(But there is neither East or West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face, tho’ they come from the ends of the earth!)
Như vậy theo Kipling, ngược với hai hướng Đông Tây không bao giờ gặp được nhau (điều quá hiển nhiên), giữa hai nền văn hóa Đông Tây không hề có một ranh giới chia cắt nào, dù là địa lý hay giống nòi.
Cũng cần lưu ý rằng, tuy đây là lỗi nặng, nhưng nên thông cảm với các dịch giả, vì chính Oppenheimer cũng không hiểu đúng Kipling.
Trước khi chuyển sang phần nội dung, xin nhắc lại rằng, có lẽ Địa Đàng ở phương Đông tiếng Việt không phải là một bản dịch tốt, nhất là căn cứ vào lối hành văn.
1.2. Về nội dung tác phẩm:
Địa Đàng ở phương Đông tiếng Việt gồm 787 trang, được chia thành hai phần:
Phần 1: Đá, xương, gen và tiếng nói gồm 7 chương, với dung lượng 302 trang (từ trang 47 tới trang 348), được dùng để trình bày các bằng chứng địa chất, khảo cổ, ngôn ngữ và di truyền.
Phần 2: Lời thì thầm Trung Hoa gồm 9 chương, dung lượng 364 trang (từ trang 349 tới trang 712), dùng để trình bày các truyền thuyết, được Oppenheimer xem như một loại bằng chứng về nguồn gốc các tộc người.
Ngoài ra là lời giới thiệu, lời tựa, lời cảm ơn và phần mở đầu (tổng cộng 42 trang); cùng lời kết, chú thích và danh mục các hình minh họa (gồm 75 trang)
Có thể tóm lược các quan điểm cơ bản của Oppenheimer trong Địa Đàng ở phương Đông như sau: 1) Đông Nam Á là cái nôi đầu tiên của nông nghiệp, xét trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu; và chính người Đông Nam Á đã truyền kĩ thuật trồng lúa nước cho người Hán, chứ không phải ngược lại; 2) Đông Nam Á là cội nguồn của nhiều yếu tố trong các nền văn minh phương Tây. Ngoài ra là quan điểm ít quan trọng hơn: Người Đông Nam Á, chứ không phải người Trung Quốc, đã thiên di tới vùng Đa Đảo (Polynesia) phía Nam Thái Bình Dương.
Có thể nói đây là những quan điểm mang tính cách mạng, khi lật ngược hiểu biết hiện hành của nhân loại về thời tiền sử. Nói theo cố thiên văn gia Carl Sagan (cha đẻ chương trình tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái đất SETI bằng cách theo dõi sóng điện từ liên hành tinh), đó là những tuyên bố khác thường. Vậy bằng chứng mà Oppenheimer đưa ra có đạt tới độ tin cậy tương xứng hay không? (Tiêu chí Carl Sagan nổi danh trong khoa học: Tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cớ khác thường).
Đầu tiên xin nhấn mạnh rằng, có lẽ Oppenheimer là người đầu tiên (và duy nhất?) xem truyền thuyết hay huyền thoại là loại hình bằng chứng quan trọng về nguồn gốc các tộc người, thậm chí quan trọng hơn các bằng chứng vật chất như khảo cổ, di truyền hay ngôn ngữ. Vì thế mà ông dành cho phần 2 (phần về các truyền thuyết) tới 364 trang, trong khi phần 1 (dành cho các bằng chứng khảo cổ, di truyền và ngôn ngữ) chỉ có 302 trang. Có lẽ đây là sự mất cân đối nghiêm trọng.
Theo quan niệm truyền thống, huyền thoại chỉ có vai trò trợ giúp trong việc tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử các tộc người hay các dân tộc mà thôi. Đóng vai trò quyết định phải là các bằng chứng vật chất như khảo cổ, ngôn ngữ hay di truyền. Tại sao như vậy? Câu trả lời là khoa học có thể xác định niên đại của các bằng chứng vật chất tương đối chính xác bằng nhiều kĩ thuật khác nhau; nhưng hầu như không thể xác định tuổi của huyền thoại. Vì thế khi thấy truyền thuyết của hai nhóm người có nhiều đặc trưng riêng biệt giống nhau, có thể suy luận họ có quan hệ nguồn gốc với nhau; nhưng vì khó xác định tuổi của hai truyền thuyết, nên hầu như không có khả năng xác định nhóm nào đóng vai trò nguồn gốc, nhóm nào là phát sinh.
Khi dùng huyền thoại như bằng chứng khoa học, xin hãy nhớ rằng, sử thi có thể mang nhiều thông tin về nguồn gốc; trong khi huyền thoại chủ yếu thể hiện ước mơ. Từ truyền thuyết trăm trứng, liệu chúng ta có thể biết người Việt xuất hiện tự bao giờ, ở đâu và có nguồn gốc di truyền như thế nào hay không? Nói cách khác, độ tin cậy của các huyền thoại cũng đầy … sắc màu huyền thoại!
Oppenheimer thường dẫn huyền thoại về những người khôn ngoan đến từ phương Đông. Và ông giả định đó là người Đông Nam Á, do tránh nạn hồng thủy khoảng 8-10 ngàn năm trước tại lục địa Sunda (do băng tan cuối kỉ băng hà mà nước biển có thể dâng cao hàng trăm mét), nên đã cưỡi thuyền ra chiếm lĩnh hệ quần đảo Nam Thái Bình Dương và hướng về phương Tây, tới tận Lưỡng Hà, thậm chí cả Trung Âu. Và chính họ đã gieo mầm cho các nền văn minh rực rỡ tại phương Tây kể từ Thời đá mới. Tuy nhiên phương Đông đối với người Cận Đông là phương Đông nào, Apganistan, Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa hay Đông Nam Á ngày này? Có lẽ chẳng ai biết, nếu chỉ căn cứ vào truyền thuyết. Và chúng ta đành phải rời khỏi lĩnh vực huyền thoại đầy lãng mạn để quay về với các bằng chứng tuy kém thi vị hơn nhưng có thể “sờ nắn” và “đo đếm” được.
Có thể nói một cách tổng quát rằng, giả thuyết phụ của Oppenheimer (người Đông Nam Á tràn xuống vùng Đa Đảo) có thể là sự thật. Tuy nhiên cũng không nên bác bỏ vai trò của người Trung Quốc, khi Đài Loan được xem là nơi phát tích của ngữ hệ Nam Đảo, là ngữ hệ của vùng Polynesia. Và trong hai quan niệm căn bản thì một cần xem xét lại (Đông Nam Á là nơi phát triển nông nghiệp đầu tiên), còn một sai hoàn toàn (Đông Nam Á là nguồn gốc văn minh nhân loại).
a) Quan niệm Đông Nam Á là nơi phát tích nông nghiệp đầu tiên:
Giả thuyết thứ nhất, Đông Nam Á là cái nôi đầu tiên của cuộc cách mạnh nông nghiệp Thời đá mới, tuy không hoàn toàn sai như giả thuyết thứ hai (sẽ bàn trong tiểu mục tiếp sau), nhưng cũng tương đối khó nuốt. Quan niệm chính thức hiện nay vẫn là vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu tại Cận Đông mới là nơi thuần hóa cây trồng và vật nuôi đầu tiên trên thế giới. Và ngay sau đó một loạt trung tâm thuần hóa khác xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Bắc Mĩ. Nên nếu cho rằng, Đông Nam Á là một trong những trung tâm đó thì dễ được chấp nhận hơn. Vậy đâu là bằng chứng khảo cổ cho thấy Đông Nam Á là ngọn cờ đầu? Theo Oppenheimer thì chúng đã chìm sâu trong nước biển do nạn Đại hồng thủy. Vậy chúng ta hãy xem đó là một trong rất nhiều giả thuyết khoa học đang chờ được phản nghiệm. Ngay Oppenheimer cũng không phải không thấy điều đó, như đã thể hiện trong lời kết, mà chúng ta sẽ quay lại ở phần cuối.
Còn việc trồng lúa nước thì sao? Đông Nam Á hay Nam Trung Quốc là nơi trồng lúa đầu tiên? Các nhà khảo cổ vẫn phân vân về niên đại của các di chỉ khảo cổ. Di chỉ 7.000 năm tuổi tại Hemudu, bên hồ Dongting vùng Hoa Nam, là bằng chứng khảo cổ sớm nhất của lúa nước. Còn tại hang Ma, một di chỉ 8.800 năm tuổi tại Thái Lan, không có dấu vết lúa gạo trong số thực vật tìm thấy. Theo Gorman (1969), đó là số thực vật do những người tiền nông nghiệp thu lượm được. Tuy nhiên theo hai nhà nhân học và khảo cổ Jolly và White thuộc Đại học New York, 1995, có khả năng lúa nước được thuần hóa đầu tiên tại Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ 8.800 tới 7.000 năm trước.
Cần lưu ý rằng, trong khi Đông Nam Á và vùng Hoa Nam vẫn phải đấu tranh về “bản quyền” trồng lúa đầu tiên, thì một vấn đề đã trở nên rõ ràng. Đó là người Nam Á (chủng lai giữa hai đại chủng Á và Phương Nam khoảng 10.000 năm trước, và đang Á hóa mạnh mẽ), chứ không phải tổ tiên người Hán (thuộc đại chủng Á), mới là những người đầu tiên trồng lúa nước (tại Hoa Nam hoặc Đông Nam Á). Xin nhấn mạnh thêm rằng, đến lúc đó, khoảng 7000 năm trước, hoàn toàn chưa có người Hán, người Việt hay người Thái… như ta hiểu ngày nay.
b) Quan niệm Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh nhân loại:
Oppenheimer đưa ra một số bằng chứng (không rõ ràng) về nguồn gốc Đông Nam Á của văn minh Trung Cận Đông, vốn được xem là hạt giống của văn minh phương Tây. Chẳng hạn ông thấy dân New Guinea thường bị thiếu máu do một bệnh di truyền là alpha-thalassamemia. Vì người Trung Đông cũng bị bệnh đó, nên ông suy luận, dân Đông Nam Á đã tới Trung Đông và lập ra văn minh cổ Ur và Ai Cập!
Để không làm mất thời gian của bạn đọc, xin khẳng định rằng, đó là giả định hoàn toàn sai sự thật. Tại sao tôi dám chắc như đinh đóng cột như vậy? Có hai nguyên do căn bản. Thứ nhất, người Trung Đông thuộc đại chủng Âu (Caucasoid), trong khi ở Thời đá mới, người New Guinea thuộc đại chủng Phương Nam (Australoid), còn người Đông Nam Á hoặc thuộc đại chủng Phương Nam, hoặc là hỗn chủng giữa đại chủng Á (Mongoloid) và đại chủng Phương Nam. Không thể có chuyện một nhóm người thuộc đại chủng này lại biến thành người thuộc đại chủng khác chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Thứ hai, và quan trọng hơn, hành trình các dấu gien giữa Đông và Tây không ủng hộ Oppenheimer.
Theo giả thuyết của Oppenheimer thì ta phải thấy một dòng gien đi từ Đông Nam Á hướng về phía Tây. Trong Địa Đàng ở phương Đông cũng có bản đồ dòng gien như vậy trên hình 34, trang 330. Còn trên thực tế thì sao? Theo kết quả của Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mĩ, Quĩ gia đình Waitt và hãng IBM, chỉ thấy các dòng gien liên tục chảy từ Tây sang Đông cho tới tận Thời đá mới, chứ không thấy dòng ngược lại (xem hình). Điều đó cho thấy giả thuyết quan trọng nhất của Oppenheimer không đúng với hiện thực khách quan. Và đó là lí do khiến Địa Đàng ở phương Đông không được giới chuyên môn đánh giá cao.
Bản đồ các dòng gien theo ADN nhiễm sắc thể Y. |
Để kết thúc, xin dẫn ra tuyên bố của chính Oppenheimer trong phần kết luận, mà những người ủng hộ ông thường không thấy, vô tình hay hữu ý: “Tôi không đòi hỏi những dấu hiệu về mặt khảo cổ, di truyền và văn hóa dân gian mà tôi mô tả trong quyển sách này sẽ được chấp nhận mà không có thắc mắc gì. Quả thật là có quá ít những bằng chứng đầy đủ và hoàn chỉnh. Và liệu niên đại của chúng có chính xác hay không? Rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm. Những gì tôi nêu ra chỉ là thời tiền sử của vùng Đông Nam Á xứng đáng có được một cuộc khảo sát tỉ mỉ hơn…” (trang 714). Người viết bài này hoàn toàn đồng ý với sự tỉnh táo hiếm hoi đó của Oppenheimer.
█2. CHU VÀ DỰ ÁN ĐA DẠNG BỘ GIEN NGƯỜI TRUNG QUỐC:
Tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mỹ (PNAS) ngày 29-9-1998 đăng tải bài báo Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc của Chu và 13 đồng tác giả (www.pnas.org/content/95/20/11763.full.pdf+html). Cũng như Địa Đàng ở phương Đông, công trình này thu hút sự chú ý của rất nhiều người Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Nguyên do là phần tóm tắt của bài báo được kết thúc như sau: “Phát sinh chủng loại cũng gợi ý rằng, nhiều khả năng hơn là tổ tiên người Đông Á hiện nay đến từ Đông Nam Á” (Nguyên văn tiếng Anh: The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestors of the populations currently residing in East Asia entered from Southeast Asia). Tôi cho rằng đó là một kết luận kì lạ, như sẽ trình bày ngay dưới đây.
Trong phạm vi Dự án đa dạng bộ gien người Trung Quốc, nhóm nghiên cứu của Chu và đồng nghiệp đã nghiên cứu 15 và 30 vi vệ tinh (các đoạn ADN ngắn lặp đi lặp lại) trên ADN ti thể của 28 nhóm dân cư đang sống tại Trung Quốc. Kết quả là họ thấy sự phân biệt rõ ràng giữa người Hoa Bắc và người Hoa Nam. Tiếp theo, họ lấy số liệu về một số nhóm dân Phi, Âu, Úc, Mĩ bản địa và Đông Nam Á từ các công trình khác để vẽ cây phả hệ di truyền nhắm xác định sự phát sinh chủng loại giữa các nhóm dân cư đó.
Kết luận chính thức của công trình như sau: “Phân tích này gợi ý rằng cư dân vùng nam Đông Á có thể bắt nguồn từ cư dân Đông Nam Á, mà ban đầu cũng từ châu Phi, có thể qua ngả Trung Á, và cư dân vùng bắc Đông Á chịu ảnh hưởng mạnh về di truyền từ dân Altai phương bắc”; và “Bây giờ chúng tôi đã xác lập được rằng, dân cư Đông Á là đối tượng của nhiều nguồn gien khác nhau: Đông Nam Á, Altai từ Bắc Á, và Trung Á hoặc châu Âu”.
Vậy tại sao trong phần tóm tắt, các tác giả lại “thiên vị” Đông Nam Á? Đọc kĩ bài báo mà không tìm thấy nguyên nhân xác đáng, tôi chuyển qua bài bình luận Dự án đa dạng bộ gien người Trung Quốc (www.pnas.org/content/95/20/11501.full.pdf+html) của Cavalli-Sforza, một trong những người cha của ngành nhân chủng học phân tử. Và tôi cho rằng mình đã hiểu lí do khi đọc thấy câu: “Sự lan tỏa từ châu Phi ra toàn thế giới không, hay không cần thiết, phải qua Trung Á” (Bài đã dẫn, trang 11503, cột 2). Mười năm sau bài báo của Chu, chúng ta đã thực sự hiểu tại sao Cavalli-Sforza và Chu lại kết luận khác thường như vậy.
Trước năm 2000, tuy đã có thông tin ban đầu về con đường phía Bắc, nhưng giới khoa học cho rằng, khoảng 60.000 năm trước, người hiện đại từ châu Phi tới Ấn Độ và Đông Nam Á theo con đường phía Nam, men theo bờ Ấn Độ Dương (làn sóng rời khỏi châu Phi lần thứ nhất). Và từ vùng Sunda, họ đi tiếp tới Úc, lên Đông và Đông Bắc Á, tới Siberia rồi sang Bắc Mĩ. Đó là lí do Chu ưu ái Đông Nam Á hay Cavalli-Sforza bác bỏ khả năng đi qua Trung Á. Ngày nay ta biết rằng, con đường phía Bắc, từ châu Phi sang Trung Đông rồi lên Trung Á (khoảng vùng Bắc Apganistan và lân cận) mới là đường thiên di chủ yếu. Đây là làn sóng rời khỏi châu Phi lần thứ hai. Hơn 90% số nam giới ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của những người từng thám hiểm con đường này khoảng 45.000 năm trước. Chính xác hơn, họ là con cháu của người đàn ông mang dấu gien M89 trong ADN nhiễm sắc thể Y thuộc nhóm người từng thiên di tới Trung Á đó. Đó là chàng Adam Á - Âu. Con đường phía Nam chỉ góp một phần nhỏ vào nguồn gien người Trung Quốc hiện nay mà thôi.
3. VÌ SAO OPPENHEIMER VÀ CHU ĐƯỢC HOAN NGHÊNH?
Vì Oppenheimer cho rằng, Đông Nam Á là nguồn gốc của mọi nền văn minh nhân loại; còn Chu cho rằng, tổ tiên người Đông Á đến từ Đông Nam Á; nên nhiều người Việt rất hào hứng với quan điểm của hai ông. Nỗi ẩn ức hàng ngàn năm trước phương Bắc dường như đã có cơ được giải tỏa: Tổ tiên người phương Nam sinh ra tổ tiên người phương Bắc, còn văn hóa Đông Nam Á (và do đó văn hóa Việt) sinh ra văn hóa Hán đấy nhé! Vì thế mà khi thuật lại công trình, nhiều người cho rằng, chính vị giáo sư người Hán và 13 đồng nghiệp đã kết luận: Tổ tiên các nhóm dân Đông Á ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Như vậy là sự thận trọng trong giả định của Chu, thể hiện trong cụm từ “nhiều khả năng hơn là”, dường như đã biến thành sự khẳng định chắc chắn!
Tuy nhiên theo người viết bài này, hoàn toàn không có gì đáng tự hào, ngay cả khi điều đó là sự thật. Nếu tự hào như thế thì người Đông Phi cất vào đâu cho hết sự tự hào? Khi tới Trung Quốc lần đầu tiên khoảng 30.000 năm trước, theo hành trình Đông Phi → Trung Đông → Trung Á → Nam Trung Quốc (đồng thời có thể cũng tới Đông Nam Á), Homo sapiens chỉ là Homo sapiens nguyên thủy mà thôi, tức có nước da đen, tóc quăn hay lượn sóng, người thon, răng to, giống người châu Phi bản địa. Các đại chủng như ta hiểu ngày nay chỉ xuất hiện hoàn chỉnh khoảng 10.000 năm trước. Còn các dân tộc chỉ xuất hiện sau đó khoảng 3.000 - 5.000 năm (có thể còn muộn hơn), khi các nhà nước và quốc gia sơ khai xuất hiện. Chẳng hạn người Hán, một trong những tộc người xuất hiện sớm nhất, cũng chỉ ra đời khoảng 4600 năm trước từ các nhóm người Hoa Hạ sống tại lưu vực Hoàng Hà, phía bắc Trung Quốc ngày nay. Cho dù có Bắc tiến thì đó cũng chỉ là những cuộc Bắc tiến của người da đen từ ba chục ngàn năm trước. Sống tại xứ lạnh mấy chục ngàn năm, họ dần tiến hóa thành người da vàng (đại chủng Á). Và tới Thời đá mới thì họ liên tục di cư xuống phương Nam. Do các cuộc Nam tiến này mà ngày nay tại Đông Nam Á, người da vàng đến sau chiếm đa số so với người da đen bản địa thuộc đại chủng Phương Nam. Có gì đáng tự hào về những cuộc Bắc tiến từ mấy chục ngàn năm trước, nếu có?
4. VĨ THANH:
Như đã biết, khi người Hán xuất hiện từ nhóm người Hoa Hạ khoảng 4600 năm trước tại lưu vực Hoàng Hà, phía bắc Trung Quốc ngày nay, thì từ nam Hoàng Hà trở xuống là địa bàn cư trú của những người được gọi là Bai Yue (Bách Việt), thuộc tiểu chủng Nam Á trong đại chủng Á. Sau khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, nhất là sau khi nhà Hán thay nhà Tần, người Hán dần dần mở rộng cương vực xuống phía nam sông Dương Tử (Trường Giang) bằng cách đồng hóa người Bách Việt. Chỉ có người Lạc Việt, do sống xa ở phía nam và do kiên cường bảo vệ nền độc lập suốt mấy ngàn năm, là thoát khỏi sự đồng hóa. Có thể cảm nhận sự hung bạo của quá trình đồng hóa đó qua dấu gien của người Hán hiện đại. Từ 2004, giáo sư Li Jin thuộc Đại học Fudan, Thượng Hải (hiện đại diện cho Dự án bản đồ gien tại Đông Á và Đông Nam Á), đã thấy rằng, nếu ở ADN ti thể có sự khác biệt rõ ràng giữa hai vùng Hoa Bắc và Hoa Nam, thì ở ADN nhiễm sắc thể Y không có sự khác biệt như vậy. Nói cách khác, gien theo đường mẹ giữa hai vùng Bắc và Nam Trung Quốc hoàn toàn khác nhau; trong khi gien theo đường cha thì lại giống nhau. Tại sao như vậy? Đó là vì khi Nam tiến, người Hán phương Bắc không mang theo phụ nữ; và khi chiếm đất của người phương Nam, họ giết hết đàn ông, đồng thời chiếm đoạt phụ nữ. Vì thế người Hán tại vùng Hoa Nam ngày nay mang ADN nhiễm sắc thể Y (do cha truyền cho con trai) của người Hán phương Bắc và ADN ti thể (do mẹ truyền cho con) của người Nam Á bản địa. Chu thấy ADN ti thể tại Hoa Nam gần gũi với ADN ti thể tại Đông Nam Á là vì vậy (vì cùng gốc Nam Á).
Những ai là đàn ông con dân đất Việt cần biết ơn sâu sắc các vị anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc trong suốt tiến trình dựng và giữ nước trải đã mấy ngàn năm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005