Những nhịp điệu trong tự nhiên

03:32 CH @ Thứ Hai - 15 Tháng Sáu, 2009

Mục lục

Lời giới thiệu
Chương I: Lý thuyết Ngũ Hành
1.1 Tại sao cái gì cũng được gắn với Ngũ hành
1.2 Nghiên cứu về thở
1.3 Khái quát một số đặc tính của Ngũ hành

Chương II: Những nhịp điệu trong tự nhiên
2.1 Nhịp điệu của hòn đá
2.2. Nhịp điệu của trái cây
2.3 Nhịp điệu của con chim
2.4 Nhịp điệu của con người
2.5 Thô và tinh trong nhịp điệu tích/tản
2.6 Tích tản của một tập hợp người

Chương III: Phật – Nho – Lão
3.1 Không và sắc trong Phật giáo
3.2 Tam giáo đồng hành tại Việt Nam
3.2.1 Thực hành triết lý cơ bản của Phật giáo
3.2.2 Thực hành những lời khuyên của Khổng Tử
3.2.3 Đạo Lão
3.2.4 Sự đồng hành của Phật – Nho – Lão tại Việt Nam

Chương IV
: Vật lý học hiện đại
4.1 Học thuyết tương đối rộng của Einstein
4.2 Vật lý nội nguyên tử
4.2.1 Những hạt cơ bản đã tìm thấy
4.2.2 Sự tồn tại một loại “ Hạt cơ sở mới”
4.3 Lực hấp dẫn

Chương V
: Bản thể luận
5.1 Bản thể luận
5.2 Tâm một cơ quan tích tản siêu đẳng

Chương VI
: Sự phát triển
6.1 Sự phát triển con người
6.2 Sự phát triển của một vùng

Tài liệu tham khảo


1.Nhịp điệu của hòn đá

Hồi còn hoạt động cách mạng ở Paris trong những tháng ngày mùa đông rét mướt, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thường lấy viên gạch, đặt gần lò sưởi cho nóng lên, tối về ông mang nó ra ủ cạnh mình cho đỡ rét. Ông đã sử dụng một nguyên lý cơ bản của Ngũ hành: làm cho viên gạch tích/tản năng lượng nhiệt một cách cưỡng bức. Viên gạch ấy thực hiện hành Kim là tích năng lượng vào và hành Thủy làn tản năng lượng ra. Tất cả các vật thể khác đều có cái nhịp điệu tích/tản năng lượng đó. Một hòn đá nằm trên sườn núi, hay nằm trên bàn của bạn làm cái chặn giấy, cũng vậy. Nhưng làm sao một vật vô tri giác lại có thể tích/tản, lại có thể thở như vậy? Bản chất của nó là gì? Có phải mọi vật thể là tổng hợp của các hạt nguyên tử cấu tạo nên nó không? Vật lý học trả lời rằng còn có những hạt cơ bản nhỏ hơn cả nguyên tử. Các hạt cơ bản ấy liên kết với nhau theo một cách phức tạp để cấu tạo thành hòn đá, viên gạch, cái cây,…. Nhưng các hạt vật chất cơ bản đó không nằm im tại vị trí cố định của nó trong lòng hòn đá kia. Chúng luôn vận động. Vị trí của chúng trong vận động không thể xác định được chính xác, mà tuân theo một qui luật xác suất. Khi thì ở chỗ này khi thì ở chỗ khác. Sự vận động biến đổi của các phần tử siêu nhỏ cấu tạo nên hòn đá đó tuân theo qui luật ngũ hành. Đặc biệt, trong các điều kiện tương tác “yếu” với môi trường, chúng có nhịp vận động của hành Kim và hành Thủy. Khi ở hành Kim chúng thu năng lượng, khi ở hành Thủy chúng nhả năng lượng, theo những đơn vị nhỏ (lượng tử).

Thực vậy, hòn đá đang xét không phải là một tĩnh vật như khái niệm thông thường của các họa sỹ đâu. Nó đang biến đổi, chỉ có điều, dưới mắt ta biên độ tích/nhả năng lượng của hòn đá rất bé nhỏ. Giả sử, nó được dùng để tạc thành một tấm bia đặt trong Văn miếu, thì như ta thấy sau ngàn năm mới chỉ có vài chữ mờ đi, đôi khi có các vết nứt nữa. Vì hàng ngày nó vẫn hấp thu nhiệt lượng xung quanh và nhả ra các lượng tử năng lượng. Nó tích nhiệt năng vào khi nhiệt độ môi trường cao hơn, và ngược lại khi nhiệt độ môi trường thấp hơn thì nó lại tản nhiệt lượng ra. Quá trình tích vào và tản ra năng lượng của bia đá chính là quá trình thở của nó. Quá trình tích/tản ấy không bao giờ ngừng lại, ngay cả khi có sự cân bằng nhiệt độ giữa bia đá và môi trường. Vì sự cân bằng chỉ là tương đối. Quá trình thở ấy làm biến đổi nó dần dần, dù rất nhỏ. Bia đá có một nhịp điệu tích/tản năng lượng. Ta gọi đó là nhịp điệu bậc nhất.
Nói rộng ra các vật thể đều có nhịp điệu tích/tản năng lượng. Dù là vật hữu sinh hay vô sinh thì nhịp điệu tích/tản ấy chính là hai hành trình đầu tiên trong môn Ngũ hành. Hành Kim là tích vào, hành Thủy là tản ra.

Một số người vẫn thấy rằng có điều gì đó mơ hồ, thiếu chính xác và thiếu nhất quán khi xác định “cái gì là cái gì” trong Ngũ hành. Qua nghiên cứu về nhịp thở của hòn đá chúng tôi muốn trình bày rõ hơn vài định nghĩa về Ngũ hành. Cùng là hòn đá, khi nó đang hấp thụ nhiệt bên lò sưởi, các sóng nhiệt (hay như các nhà Vật lý hay nói, các lượng tử bức xạ nhiệt) đang từ lò đi vào bên trong hòn đá, thì lúc đó hòn đá là hành Kim, đang tích vào. Vẫn là hòn đá ấy, khi ủ cạnh cơ thể, mà nhiệt độ cơ thể thấp hơn nhiệt độ hòn đá, thì nhiệt từ bên trong nó lại tản ra theo chiều ngược lại, lúc đó hòn đá là Thủy, đang tản ra.

Hình 2. Mô tả các quá trình tích/tản của hòn đá.

Như vậy, phân tích kỹ một đối tượng đang xét, ta thấy lúc nó là Kim, lúc nó lại là Thủy, tùy theo chiều mũi tên của một đối tượng khác đang đi tới nó, hay đang từ nó đi ra. Cũng vậy, một hồ nước, theo cách hiểu cũ về Ngũ hành thuộc hành Thủy. Nhưng theo cách hiểu mới, khi trời mưa, nước theo các kênh lạch dồn về nó, thì cái hồ ấy và hệ kênh rạch, cùng cả dòng nước đều là hành Kim. Ngược lại, khi hết mưa, nước trong hồ thấm dần vào lòng đất, vào các mạch nước ngầm, và bốc hơi lên mặt thoáng bên trên, thì hệ thống hồ lúc đó mới là Thủy.

Như vậy bất kể đối tượng nào cũng đang trong một nhịp điệu tích/tản, nhịp điệu Kim/Thủy bất tận. Nếu nhịp điệu ấy ổn định, thì đối tượng cứ dao động, đong đưa, chuyển đổi liên tục từ Kim sang Thủy, rồi lại từ Thủy về Kim. Nếu nhịp điệu ấy không ổn định, có quá trình tích vào mạnh mẽ hơn quá trình tản ra (hoặc ngược lại) thì đối tượng dần dần chuyển hóa, một hành mới sẽ sinh thành, gọi là hành Mộc. Ví dụ một người sống, hoạt động, tích lũy vốn sống và hiểu biết, ông ta lại tích lũy các kinh nghiệm trường đời, thì toàn bộ quá trình tích lũy ấy gọi là tích Kim. Khi tản những kiến thức ra trên trang giấy, ông ta đang thực hiện quá trình tản Thủy. Ông trở thành một người viết (hành Mộc). Nếu cái mà ông viết ra, miêu tả, phân tích cuộc sống và xã hội, nói lên nỗi khổ đau và nguyện vọng của con người, hòa đồng được với những suy tư trong tim óc người khác, thì trang viết của ông gọi là một tác phẩm, có thể là tác phẩm văn chương chẳng hạn. Lúc đó người đời gọi ông là nhà văn. Một cây viết mới (cây Mộc) được sinh thành. Tiếp theo hành Mộc, sẽ là hành Hỏa và hành Thổ. Lần theo bước đi của quá trình phát triển ấy, chúng ta vẽ lên được một vòng Ngũ hành. Trong tự nhiên và xã hội, có ngàn vạn các vòng Ngũ hành như vậy, hoặc to lớn và lâu dài như sự vận hành của vũ trụ, hoặc nhỏ bé và ngắn ngủi như sự sinh trưởng và tàn lụi của con bướm đêm.

Tuy nhiên, tập sách này chỉ tập trung nghiên cứu hai hành đầu tiên của Ngũ hành, để tìm ra cái nhịp điệu vĩnh hằng trong vũ trụ, nên chúng tôi không phân tích kỹ các thuộc tính và sắc thái của các hành Mộc, Hỏa và Thổ, mà chỉ chú trọng vào hai hành đầu, Kim và Thủy.

2.Nhịp điệu của cái cây

Cây hoàng lan bên cửa sổ nhà bạn đêm đêm nhả hương thơm đưa bạn vào giấc ngủ ngon cũng đang thở. Hàng ngày, nó hút nước và dinh dưỡng (các nguyên tố vi lượng và phân bón trong lòng đất chẳng hạn). Ngoài ra nó còn hấp thụ các photon ánh sáng và khí carbonic (CO2), rồi tiến hành phản ứng quang hợp, để cấu tạo nên thân lá nó và nhả ra khí ô xy (O2). Như vậy cái cây tích vào khí, nước, dinh dưỡng và tản ra khí và lá thân của nó. Quá trình tích/tản ấy cũng là một nhịp điệu, một sự thở. Như vậy, trong khi hòn đá chỉ tích/tản năng lượng nhiệt dưới dạng các lượng tử năng lượng (tức các mẩu năng lượng nhỏ, một dạng vật chất tế vi), thì cái cây, ngoài nhịp điệu tích/tản năng lượng tế vi đó, còn tích/tản những dạng vật chất thô hơn (khí, nước, dưỡng chất).

Như vậy, cây hoàng lan có ba nhịp điệu tích/tản. Nhịp điệu bậc nhất là tích/tản năng lượng tế vi. Nhịp điệu ấy được thực hiện mãi mãi, ngay cả khi cây đã chết, được cưa ra làm cái bàn, mà trên đó bạn đặt hòn đá làm cái chặn giấy. Nhịp điệu bậc hai là tích/tản khí. Và nhịp điệu bậc ba là tích/tản chất.

3.Nhịp điệu của con chim

Một buổi sớm trời trong nắng hửng, bạn tản bộ trên đường đến công viên chẳng hạn, giữa muôn vàn tiếng động của xe và người đang hối hả một ngày mới, có khi nào bạn chợt nghe thấy tiếng chim đang chuyền cành không? Nếu không (vì tiếng xe máy ồn quá), thì chắc cũng có một tiếng chim hót lắng trong hồn, trong trí bạn chứ.

Như vậy, con chim có ít nhất bốn nhịp điệu tích/tản. Bậc một là, như hòn đá, nó tích/tản năng lượng tế vi với môi trường xung quanh thông qua thân nhiệt của nó. Bậc hai là tích/tản khí, là nhịp điệu của lá phổi. Bậc ba là tích/tản thực phẩm và phế thải, nhịp điệu của dạ dày. Bậc bốn là tích/tản âm thanh với đồng loại thông qua tiếng hót véo von kia. Con chim đã tiến một bước trong nhịp điệu tích/tản, nó hót và nó trao đổi thông tin với bạn nó. Tiếng hót của chim phát ra từ rung động của dây thanh đới, qua lưỡi và mỏ, tạo nên các dao động của các phần tử không khí, rồi lan đến tai con chim bạn nó, và đến cả tai ta nữa. Tiếng chim hót là quá trình tản Thủy. Nhưng trước đấy nó đã tích Kim. Nó nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy cành cây, nhìn thấy con sâu non đang nấp sau cánh lá xanh, … Tất cả những thứ nó nhìn thấy, đã biến thành “ảnh” trong óc nó, nó đã tích được một lượng thông tin, và tản ra thành hành động vung cánh bay đến mổ con sâu, và thành tiếng hót gọi bạn nó nữa.

Vậy là con chim có bốn nhịp điệu tích/tản. Nhịp điệu bậc một nhanh và ổn định mãi, vì thân xác nó là một vật thể vật chất. Nhịp điệu bậc hai là thở không khí, là tích/tản khí. Nhịp điệu này chậm hơn nhịp điệu năng lượng, và chỉ kéo dài từ lúc nó chào đời đến khi nó chết. Nhịp điệu bậc ba là nhịp điệu ăn uống/bài tiết, lại càng chậm hơn nhịp điệu tích/tản khí, vì một ngày nó ăn vài lần. Nhịp điệu tích/tản này đôi khi bị gián đoạn, nếu nó không kiếm được thức ăn.

Cuối cùng là nhịp điệu tích/tản thông tin. Nhịp điệu này có cấu trúc đặc biệt, lúc nhanh, lúc chậm. Nó tích thông tin và tản phản ứng (hót, bay) khi thức, kéo dài cả ngày. Nhưng ban đêm thì nhịp điệu tích/tản thông tin/phản ứng gần như dừng hẳn, vì nó cũng ngủ như ta. Nhịp điệu bậc bốn gần như liên tục trong một giai đoạn (thức), và hầu như gián đoạn trong một giai đoạn tiếp theo (ngủ). Tính cách (biên độ, tần số, trường độ) của nhịp điệu bậc bốn này cũng khá phức tạp, tuân theo nỗi buồn vui trong lòng nó, tuân theo cả những biến đổi của môi trường xung quanh nó nữa.

Các sinh vật khác cũng có bốn nhịp điệu tích/tản tương tự như con chim. Chính con người nữa cũng có bốn nhịp điệu tích/tản. Nhưng cả bốn nhịp điệu ấy đều tinh tế và phức tạp hơn con vật rất nhiều.

4. Nhịp điệu của con người

Xét trên khía cạnh vật thể vật chất thuần túy, con người cũng có nhịp điệu tích/tản năng lượng tế vi (như hòn đá) thông qua các trường (trường nhiệt, trường điện từ, trường hấp dẫn). Đôi lúc ta thấy đau xương nặng mình khi sắp có bão hoặc khi sắp chuyển gió mùa chính là thông tin siêu tế vi của sự tích/tản trường vật chất phản ánh vào hệ thần kinh ta. Đối với con người nhịp điệu tích/tản bậc nhất chính là tích/tản trường. Nhịp điệu này kéo dài vô hạn, ngay cả khi ta đã về với cát bụi. Nhịp điệu tích/tản trường ở con người phức tạp hơn ở các vật thể, các loài cây và các loài động vật rất nhiều. Ta biết, những người tập khí công, luyện yoga ngoài việc để cho các trường vật lý thông thường ra vào cơ thể họ một cách tự nhiên, họ còn có thể điều khiển các dòng thông lượng trường đó một cách đặc biệt nữa. Ví dụ, dòng năng lượng có thể tích vào đỉnh đầu tại huyệt Bách hội, đi qua các kinh mạch chính trong cơ thể, tác động lên một số luân xa, rồi trở về lại Bách hội và tản ra ngoài.

Nhịp điệu tích/tản bậc hai là nhịp điệu tích/tản khí. Tiếng khóc chào đời của con người báo hiệu nhịp tích khí đầu tiên, cái thở ra khi chết là nhịp tản khí cuối cùng. Giữa cái đầu tiên và cuối cùng đó ta thực hiện rất nhiều lần nhịp điệu tích/tản khí. Nếu mỗi phút trung bình ta hít vào thở ra 30 lần thì trong cuộc đời trăm năm ta đã thực hiện hơn một tỉ rưỡi (1.500.000.000) nhịp điệu tích/tản khí. Đó là một con số hữu hạn, trong khi nhịp điệu tích/tản trường thì vô hạn. Nhịp điệu tích/tản khí của con người khá ổn định, nó nhanh khi lao động, khi lên cầu thang, và chậm khi ngủ. Tùy cơ địa, tùy sức khỏe và bệnh tật nhịp điệu tích/tản khí cũng thay đổi ít nhiều từ người này sang người khác. Nhưng nhìn chung là ổn định tương đối về biên độ và tần số.

Nhịp điệu tích thực phẩm-nước uống, tản phân-nước tiểu gọi là nhịp điệu tích/tản chất, nhịp điệu bậc ba. Nhịp điệu này khá giống với các loài động vật. Nó khá đều đặn khi con người đang thức (ba bữa cơm mỗi ngày chẳng hạn) và gián đoạn khi ngủ. Nhịp điệu tích/tản chất ở con người, nói một cách đơn giản chính là ăn và bài tiết. Nhưng cái đặc biệt, khác với muôn loài, là con người gần như có thể ăn mọi con vật khác.

Nhịp điệu bậc bốn là tích/tản thông tin. Nhịp điệu tích/tản này ở con người cực kỳ phức tạp và chính nó làm cho con người khác với động vật.

Trước hết, ngay từ khi chào đời con người phải tích các khái niệm về thế giới xung quanh thông qua ngôn ngữ. Mẹ chỉ cái bàn nhiều lần, nói với con đây là cái bàn. Con phải tích hình ảnh cái bàn trong óc ở một đám nơ ron thần kinh nào đó, rồi lại tích tiếp các va đập sóng âm vào tai truyền đến một đám nơ ron khác. Như vậy trong óc đứa trẻ đã tích hai lượng thông tin. Nếu so sánh bộ óc con người như bộ nhớ máy tính điện tử, thì khi đó 02 đơn vị bộ nhớ đã được sử dụng để lưu trữ hai lượng thông tin trên, nhưng chỉ mô tả cùng một đối tượng là cái bàn. Có những đối tượng khác, với rất nhiều thuộc tính phân lập thì số lượng đơn vị bộ nhớ trong óc dùng để tích thông tin về nó không phải là 2, mà đôi khi lên đến hành chục, hàng trăm.

Trong mấy năm đầu đời đứa trẻ tích rất nhiều thông tin, dần dần nó biết nói. Khi nó biết nói đây là cái bàn, tức là nó đã tản. Hình thái thứ nhất của nhịp điệu tích/tản thông tin đã được thực hiện. Hình thái thứ nhất này là sự học tập ngôn ngữ. Hình thái này sẽ còn xảy ra suốt đời. Con người luôn phải học ngôn ngữ từ đồng loại. Con người luôn làm một công việc là tích một khái niệm vào một ô, một ngôn từ liên quan đến khái niệm ấy vào ô khác, rồi liên kết hai ô nhớ đó với nhau để phát âm ra ngôn từ đó khi cần thiết.

Hình thái thứ hai của nhịp điệu tích/tản thông tin là hành vi. Đứa trẻ đến trường, nó trông thấy cô giáo, khoanh tay nói: “Con chào cô ạ”. Nó tản ra cái hành vi lễ phép đó một cách tự nhiên. Nhưng trước đấy nó đã tích thông tin về qui định ở trường, về tình cảm với cô giáo, và một giây trước đó não nó tích thêm thông tin về hình ảnh cô đang đi đến gần. Như vậy, mọi hành vi của con người đều là phản ứng tản Thủy, sau khi đã tích Kim quá khứ và tích Kim hiện tại. Tích Kim quá khứ là ghi nhớ qui định phải chào cô giáo và hình ảnh cô (để đừng chào nhầm tên cô),… Tích Kim hiện tại là ghi nhận hình ảnh cô đang đến gần. Mọi hành vi khác, phản ứng khác của con người ra môi trường xung quanh, tác động lên đối tượng đều là hậu quả của một quá trình tích/tản hành vi. Đa phần các hành vi sinh hoạt hàng ngày đều là các phản ứng có điều kiện (Paplov) theo kiểu tích/tản hành vi.

Hình thái thứ ba của nhịp điệu tích/tản thông tin là sáng tạo. Khi nhà bác học Archimède tìm ra cách kiểm tra cái mũ của nhà vua bằng vàng ròng hay có lẫn bạc ở trong, ông đã reo lên “Eurêka” (tìm thấy rồi). Tiếng reo ấy là tản Thủy. Trước khi reo lên như vậy nhà thông thái này chắc chắn đã phải tích nhiều hiểu biết lắm rồi. Sáng tạo chính là tích lũy một khối lượng thông tin cực kỳ lớn, tìm ra các quan hệ giữa chúng, nhào nặn chúng thành một thông tin khác, một qui trình khác. Hình thái tích/tản thông tin để sáng tạo chính là ba bước đầu của vòng Ngũ hành. Đó là mức độ cao nhất của nhịp điệu tích/tản thông tin của con người, và chỉ con người mới có. Trong nhịp điệu ấy có tích thông tin, tản thực nghiệm, sinh sáng tạo. Cũng theo qui trình của ông Archimède, các khoa học gia, các nghệ sĩ, văn sĩ,… đều sáng tạo như vậy. Tích lũy thông tin, nhào nặn chúng, rồi tản ra thành ý tưởng. Trong hàng trăm hàng ngàn ý tưởng nảy sinh từ bộ óc họ, chỉ có một vài ý tưởng sáng tạo. Không có một thiên tài nào, sau khi tích thông tin, có thể tản ngay ra một ý tưởng chính xác, mà cứ theo đó sẽ sáng tạo được một cái mới. Họ phải suy tư. Suy tư là giai đoạn đầu tiên của tản Thủy. Các nếp nhăn trong óc, chính là các kênh rạch để dòng ý tưởng chảy, hệt như dòng nước muốn chảy được phải có các khe lạch. Nói rộng ra tư duy là quá trình tản Thủy xảy ra trong bộ óc người. Như vậy, tích thông tin, tản tư duy chính là nhịp điệu tích/tản cao nhất ở con người. Chỉ có nhịp điệu này mới có thể làm nảy sinh sự sáng tạo.

Nhịp điệu bậc bốn (tích/tản thông tin) ở con người ngày càng phức tạp, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Vì con người ta, ngay khi thức giấc, mắt nhìn tai nghe là đã bắt đầu một ngày tích tụ thông tin. Hòn đá, viên gạch, không có một cái mắt và cái tai để đón các sóng năng lượng. Mọi chỗ trên bề mặt của nó đều có thể tiếp nhận sóng năng lượng với mức độ đều như nhau. Nhưng ở con người, các cơ quan cảm thụ (mắt, tai, mũi, lưỡi, da) là các bộ phận có khả năng tích tụ các sóng năng lượng khác nhau từ môi trường. Mắt thấy ảnh, tức là cảm nhận sóng ánh sáng trong phạm vi bước sóng ngắn. Tai nghe âm, tức là cảm nhận sóng trong phạm vi bước sóng dài hơn. Mũi ngửi là cảm thụ các sóng dao động cơ học có bước dài hơn nữa. Tay sờ thấy thô ráp hay mịn màng cũng lại là các sóng nữa.

Như vậy hành Kim chính là tích lũy thông tin qua các giác quan. Những thông tin vừa tích này không phải luôn luôn được tản ngay thành các phản ứng của cơ thể. Muốn tản nó phải qua một quá trình tư duy. Tư duy là nhào nặn và chế biến thông tin, rồi từ đó tìm ra cái logic chảy trong dòng thông tin. Sau khi tìm ra logic thì có thể dự phóng về dòng chảy thông tin trong tương lai, thậm chí trong cả quá khứ nữa. Cái dự phóng đó được gọi là tản Thủy. Tản Thủy thành công tức là làm cái điều dự phóng đủ sức sống trong thực tế. Lúc đó cái cây Mộc nảy mầm, quá trình đã bước sang hành Mộc. Sự vun đắp, tưới bón cho cái cây Mộc xanh tươi, phát triển là bắt đầu hành Hỏa. Đó chính là chu trình phát triển mà nhịp điệu tích/tản mang lại. Sở dĩ, con người có thể sáng tạo ra những cái mà nó cần dùng trong cuộc sống chính là vì nó biết tích/tản thông tin và nâng cấp sản phẩm thông tin trong thực tế.

Tóm lại, trong thế giới chúng ta đang sống có những nhịp điệu tích tản sau.

5. Thô và tinh trong nhịp điệu tích/tản

Đến đây, chúng ta đã biết con người có bốn bậc nhịp điệu tích/tản. Nghiên cứu sâu hơn chúng ta sẽ thấy quá trình tích/tản đó không thuần túy là tích tụ rồi tản ra. Có những nét cực kỳ tinh tế trong quá trình tích/tản. Tuy vậy, chúng ta sẽ không xét những nét tinh túy của tích/tản bậc nhất, tích/tản năng lượng, của vật thể ngay bây giờ, chúng ta sẽ dành sự nghiên cứu đó ở các mục sau. Chúng ta chỉ xét một cách lướt qua những nét tinh tế của các quá trình tích/tản từ bậc hai trở lên.

Tích/tản khí là tích/tản bậc hai. Toàn bộ lượng khí đưa vào phổi con người, không được tản ra 100% dưới dạng hữu ích. Chỉ có khoảng dưới 21% là khí ô-xy. Lượng khí hữu ích mà phổi tích vào, được các hồng cầu nhận, sau đó tản tới tế bào. Lượng còn lại bị thải ra ngoài. Nếu gọi tổng lượng khí tích vào phổi là S, thì lượng khí tản đến các tế bào, sinh năng lượng hữu ích cho cuộc sống sẽ là A, còn lượng khí thải ra ngoài không dùng được sẽ là B. Theo toán học sơ cấp ta có:

S = A khí +jB khí (1)

Về mặt toán học, điều đó có nghĩa là lượng khí tích vào phổi được phân thành ra hai phần, phần thực và phần ảo. Phần thực có ích trong việc sinh năng lượng, phần ảo vô ích thì bị đào thải. Hai phần ấy có quan hệ tương hỗ, rất đặc biệt, chúng ta sẽ thấy sau.

[Để tiện theo dõi chúng tôi thêm vài dòng để giải thích công thức (1) ở trên, có thể là hơi khiên cưỡng với một số bạn không thích toán học. Công thức đó có nghĩa là hai đại lượng A và B không thể cộng trực tiếp với nhau như 2 + 3 = 5. Phép cộng ấy phải thông qua một chỉ số j, gọi là một số ảo. Trong toán học j x j = j2 = -1. Điều này hơi khó hiểu, vì khi học môn số học ta biết bình phương bất kỳ số nào, kể cả số âm cũng lớn hơn hoặc bằng không (A2³0). Nhưng khi học cao hơn, môn đại số, ta biết có một số j mà bình phương của nó bằng -1. Chỉ số j có rất nhiều ứng dụng trong toán học, vật lý, kỹ thuật,…. Chỉ số ấy báo hiệu rằng đại lượng A được cộng với đại lượng B theo cách cộng vecto. Trong các không gian nhiều chiều luôn luôn tồn tại những phép cộng vecto kiểu như vậy. Chẳng hạn, ông X đi câu cá về, trong tay cầm 3 cần câu và 5 con cá. Khi trông thấy ông X cầm những vật đó ta không thể cộng:

3 cần câu + 5 con cá = 8 (cái gì đó???).

Ta cũng không biết khả năng câu của ông có phụ thuộc vào số cần câu ông mang theo hay không. Ví dụ, không chắc ngày mai ông đi câu với 4 cần câu thì sẽ câu được nhiều hơn 5 con cá. Đó là một phép cộng vecto và kết quả còn phụ thuộc vào những điều kiện biên, hay nói rộng ra là những biến đổi của môi trường mà trong đó ta thực hiện phép cộng nữa.]

Như vậy, nét tinh tế của phép tích/tản khí là tích/tản có lựa chọn. Phổi không thuần túy là một cái bơm khí. Phổi là một cơ cấu tích/tản có lựa chọn vô cùng tinh tế và phức tạp.

Bây giờ, ta tiếp tục xét tính chất tinh tế của tích/tản chất (thực phẩm), tức là tích tản bậc ba. Lượng thực phẩm tích vào cũng được phân ra thành hai phần. Những chất mà ta ăn uống vào, nhai, nuốt, rồi tống xuống dạ dầy, được men dạ dày, và dịch tiết ra từ mật gan, tì vị biến đổi thành thể nhuyễn. Thể nhuyễn này được quá trình tiêu hóa chọn lựa và tinh lọc, rồi mới được dẫn đến các cơ quan (phụ tạng, mô, …) khác sử dụng. Quá trình dẫn chất dinh dưỡng bổ ích đến các cơ quan gọi là quá trình tản chất. Tương tự như trên, nếu gọi lượng chất dinh dưỡng bổ ích là A, còn lượng xơ và bã thải bị bài tiết ra là B, ta lại có:

S = Achất + jBchất(2)

Công thức (2) cũng chỉ ra rằng cái được tích vào thì không được tản toàn bộ ra dưới dạng hữu ích. Mà luôn luôn được phân tách thành hai phần.

Cuối cùng, ta xét quá trình tích/tản thông tin, quá trình tích/tản bậc bốn. Khi đọc sách là ta tích từng dòng chữ, toàn bộ nội dung là S. Nhưng chỉ một số những dòng, những chữ nào đó mới có thể có ý nghĩa đối với ta. Đại lượng ấy gọi là A. Còn lại ta bỏ qua. Lượng đó là B. Và ta lại có công thức:

S = A thông tin + jB thông tin (3)

Lượng A sinh thành trong óc ta một ý nghĩa nào đó. Lượng A ấy thay đổi từ người này sang người khác. Vì chúng ta không hiểu văn bản một cách giống hệt như nhau. Lượng thông tin A đó được tản đến các đám nơ ron thần kinh nhất định trong óc, kết hợp với những thông tin có sẵn khác, tạo ra một ý nghĩa mới trong óc ta. Phần thông tin B còn lại, không sử dụng ngay mà chìm xuống tiềm thức, và không phải dễ dàng mà thải lượng thông tin B ra ngoài. Điều này hoàn toàn khác với tích/tản khí và tích/tản chất. Phần chìm này không phải là hoàn toàn bỏ đi như phần xơ bã ta đã bài tiết ra ngoài trong nhịp điệu tích/tản chất vừa xét ở trên. Tất nhiên, cũng có một lượng thông tin nào đó bị quên ngay. Ta gọi lượng thông tin bị quên ngay là lượng thải loại trực tiếp, còn lượng thông tin chìm xuống tiềm thức là lượng thải loại gián tiếp.

Như vậy, lượng tích vào dù là gì chăng nữa (khí, chất, thông tin) cũng luôn được phân ra (ít nhất) hai thành phần A và B, thô và tinh, thực và ảo, hữu công và vô công… Và chỉ có phân lượng A (phần tinh) là được tản đến các bộ phận khác để tạo ra cái mới, để sinh Mộc. Còn đại lượng B (phần thô) thường là vô ích (tuy nhiên, nó có thể trở thành hữu ích đối với các quá trình khác, ví dụ cái mà loài người thải ra đôi khi có ích với loài khác, hoặc cái đã chìm xuống tiềm thức một lúc nào đó lại được lôi lên để dùng).

Việc phân chia đại lượng tích vào, thải ra thành hai phần là vô cùng quan trọng trong các phép suy luận tiếp theo ở mục dưới, khi chúng ta thảo luận về tích/tản trường. Và dần dần chúng ta sẽ nhận thấy những phân tích theo lối tích/tản thô và tinh đó cho phép chúng ta đi sâu vào bản thể của vụ trụ.

Thuyết tích/tản

Những phân tích ở trên cho phép chúng ta đi đến kết luận về một thuyết tích/tản dựa trên hai hành Kim/Thủy của thuyết Ngũ hành. Nội dung thuyết đó như sau: mọi tồn tại trong vũ trụ từ các đại thiên hà bao la rộng lớn, đến các hạt nguyên tử, điện tử, photon, quark,… nhỏ xíu đều đang tích/tản. Vận động cơ bản của vũ trụ là tích/tản. Tích/tản là bản chất tuyệt đối và vĩnh hằng của vũ trụ. Các vận động của tự nhiên và xã hội đều là tích/tản. Tích thì có điểm đến và tản thì có điểm nguồn.

2.6. Tích tản của một tập hợp người

Con người, dù là một sinh vật bậc cao nhất, dù có đến bốn bậc tích/tản, nhưng nếu sống cô độc, thì gần như phép tích/tản bậc bốn, tích/tản thông tin của anh ta sẽ què quặt. Con người luôn sống thành bầy đàn, quần thể, làng xã, thành phố, quốc gia, hay nói chung sống thành xã hội. Do đó, để hiểu sâu hơn về quá trình tích/tản của con người, đặc biệt nhịp điệu tích/tản thông tin chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về tích/tản của một tập hợp người.

Tập hợp gia tộc

Một tập hợp người đơn giản nhất là gia đình. Mỗi gia đình có một nền nếp riêng. Cái nền nếp ấy chính là các điều kiện qui định phương pháp tích/tản của gia đình ấy. Một gia đình truyền thống bậc trung ở Việt nam thường có một cái nhà (bằng gạch hoặc bằng tranh tre) ba gian hai chái. Ở giữa là gian khách, dưới kê hai dãy tràng kỷ, một cái bàn nhỏ, sau là bàn thờ. Hai cột thường có câu đối, phía cao bên trên có hoành phi. Câu đối thường diễn tả phương pháp và nghệ thuật sống, nghề hoặc nghiệp, hoành phi diễn tả nguyện vọng. Cả hoành phi câu đối đều là các giá trị tinh thần mà gia đình đó đã đúc kết lại. Cái giá trị tinh thần đúc kết đó là kết quả của một quá trình tích Kim cực kỳ lâu dài của cả gia đình, hoặc chí ít của người chủ gia đình, cha hoặc ông họ, rồi họ tản ra thành mấy câu chữ đơn giản mà sâu sắc. Mấy chữ trong câu đối và hoành phi chính là kết quả tản Thủy của tổ tiên, muốn truyền lại cho nhiều đời con cháu. Ví dụ dòng họ Nguyễn Danh ở Hưng Yên có hoành phi ba chữ như hình 3 dưới đây.

Đó là ba chữ Phúc, Vĩnh và Yên.

Ba chữ Phúc-Vĩnh-Yên này là giá trị tinh thần mà tổ tiên họ Nguyễn này muốn truyền lại cho con cháu, cho cái quần thể người nho nhỏ trong gia tộc. Một câu hỏi tự nhiên là tại sao các bậc tổ tiên lại khắc ghi ba chữ này mà không phải những chữ khác? Có lẽ, do kinh nghiệm sống của họ chăng? Họ đã tích tụ những chiêm nghiệm trong đời mà tản ra thành ba chữ kia. Còn con cháu họ, trong thời buổi bây giờ không học chữ Hán, liệu có đọc hiểu không?

Hình 3. Ba chữ trên hoành phi nhà họ Nguyễn Danh ở Hưng Yên: Phúc Vĩnh Yên, ý nói Phúc mãi mãi yên định

Nhưng thực tế, sau nhiều năm quan sát dòng họ này từ người già, người trung tuổi, đến người trẻ, tôi nhận thấy rằng hình như trong máu họ có chảy cái nguyện vọng sâu xa, cái kinh nghiệm quí báu của tổ tiên. Họ sống và hành xử bao giờ cũng theo một phương thế yên tĩnh, không mạnh bạo. Ngay cả ông anh thứ hai đã đi bộ đội làm đến chức chỉ huy cao, nay xuất ngũ, làm nghề khác, cũng hành xử yên tĩnh, hiền hòa, không khi nào người ta thấy ông quát mắng. Khi gặp những rắc rối cần giải quyết, thì ông luôn nhìn xa trông rộng. Hơn nữa, không riêng ông anh, mà cả dòng tộc ấy đều lấy chữ yên ổn làm đầu, khi giận lắm có mắng ai thì cũng vẫn nhẹ nhàng, xa xôi, xa xôi nhưng không khinh bạc. Nhờ vậy mà họ được phúc, người nào cũng có công việc ổn định, thu nhập khá, không giàu có nứt đổ, mà vẫn phong lưu. Vậy là họ tích được hệ giá trị tinh thần mong ước của tổ tiên mà biến thành hành động thực tế.

Tập hợp âm nhạc

Một tập hợp người khác là các “ban nhạc” (theo nghĩa rộng là cùng nhau tham gia một hoạt động ca hát, đàn sáo nào đó, có thể dưới dạng chuyên nghiệp, cũng có thể rất nghiệp dư nữa). Họ không cùng dòng tộc, không cùng gia đình, nhưng lại “làm việc” chung nhau trong một ban nhạc. Lúc biểu diễn họ hòa đồng chặt chẽ, nhưng phân vai nhau nhịp nhàng. Nhịp điệu tích/tản của nhóm người này rất đặc biệt, có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu tích/tản của tập hợp người.

Bạn hãy tưởng tượng một làng quê cổ ở Bắc bộ Việt nam cách đây vài chục năm. Mùa xuân, lúa đang chuẩn bị lên đòng. Một đám thôn nữ cùng nhau đi tát nước. Họ vừa dùng gầu sòng hay gầu đôi tát nước, vừa hát hò thật vui vẻ. Họ đã tích cái hình hài của cây lúa non vào óc, vừa tản ra cái nhịp điệu cúi xuống múc nước, rồi lại ngửa dần người ra hất nước lên ruộng, kèm theo đó họ tản ra cả âm nhạc nữa. Âm nhạc của các lời ca ấy thường có nhịp điệu tươi sáng và kết ở nốt cao. Nhưng nếu lúa non đang bị sâu phá hại, họ vẫn tát nước mà không ca nữa. Vậy nhịp điệu tích/tản của nhóm người tát nước/hát ca chính là tích những thông tin về sự tươi xanh hay khô héo của cây lúa, tản ra cái hy vọng hay lo lắng về một vụ thu hoạch tương lai. Những nhịp điệu tích/tản ấy ổn định trong một thời gian rất dài, suốt trong lịch sử nông nghiệp Việt nam, mà người ta gọi là nền văn minh lúa nước. Văn minh tích/tản ấy theo nhịp của mùa màng, theo cái sức sống của cây lúa đang lên mà kết ở nốt cao, trong sáng. Âm nhạc trên đồng ruộng Việt nam không bị dồn nén, không có những mâu thuẫn, lời ca không dằn vặt, và đặc biệt âm nhạc đồng ruộng rất tự nhiên. Vì vậy kỹ thuật canh nông sau ngàn năm vẫn là trông trời trông mây mà cấy hái, ít có những đột phá mạnh mẽ.

Nhưng ở Bắc bộ còn có một nghệ thuật âm nhạc khác, không phải diễn trên đồng ruộng, mà ở cửa đình, ở hội quán, ở giáo phường, thậm chí ở cung vua nữa. Đó là ca trù. Âm nhạc ca trù là một đặc trưng văn hóa lớn của dân tộc Việt nam. Trong ca trù người ta hát theo các lời thơ là chủ yếu. Giọng hát và tiếng đàn đáy, nhịp phách và tiếng trống chầu quyện với nhau thành một tổng thể âm nhạc đưa lòng ta về cõi hư vô. Đặc biệt tiếng đàn đáy trong ca trù thường phải “chùn” xuống các cung bậc thấp. Do vậy, khi nghe ca trù lòng ta thư tĩnh lại, diện mạo tâm hồn như được tẩy rửa. Hiệu quả làm “con tâm tĩnh lại” của ca trù rất mầu nhiệm, khó có bộ môn nghệ thuật nào có thể sánh kịp. Khi hồn ta đang động mà lại được lắng dần về tĩnh là đang từ hành Hỏa về hành Thổ. Theo nguyên lý Ngũ hành, trong Thổ có thể tích Kim. Vì vậy, ca trù chính là bộ môn nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn trong hành Thổ và để tích ý chí thành hành Kim. Cho nên, giọng các ả đào ca trù thường là giọng kim, tròn mà rõ. Ca trù là một tuyệt tác âm nhạc phi vật thể của dân tộc Việt nam chính vì sau khi ngồi chiếu ca trù hồn người lắng trong Thổ, có thể tích Kim mà sinh sáng tạo (Mộc). Nhà văn Vũ Bằng kể rằng mỗi khi đi ca trù về Vũ Trọng Phụng viết văn hay hơn, nhanh hơn. Điều này là một minh chứng cho nhịp điệu tích/tản về Thổ mà sinh sáng tạo vậy.

Ngược lại âm nhạc Nam bộ dề dà, nhiều khi ảo não. Nhưng tại sao con người vùng đất phương Nam này lại năng động và sáng tạo hơn các vùng khác? Điều này cũng được giải thích như ca trù. Nhịp điệu dề dà, ảo não thường thuộc về hành Thổ. Thực chất khi nghe một bài vọng cổ là ta đang tích, rồi lại tản. Mấy chục phút thưởng thức vọng cổ trong đêm trăng là mấy chục phúc hồn ta được lắc lư giữa hai hành Kim và Thủy. Nhưng vì cái nhịp điệu ảo não chậm mà lắng nên hành Thủy như có sức đẩy hồn ta lui về Thổ. Trong Thổ tích Kim, từ đó mới có sáng tạo. Cho nên, có những người nghe ca vài câu vọng cổ, bên bờ kênh sáng trăng, mà không ngủ ngay được, nằm vắt tay lên trán lại có thể sinh mưu lạ kế hay. Điều này giải thích tại sao dân Nam bộ năng động mà nhiều sáng tạo.

Ngày nay, ở Việt nam dường như nhạc rock chiếm ưu thế đối với thanh niên. Nhịp điệu của nhạc rock mạnh và nhanh dẫn người ta về hành Hỏa. Hành Hỏa tiêu hết năng lượng, do vậy nhiều thanh niên thường quay cuồng theo tiếng nhạc rock đến 12 giờ đêm, sau đó ngủ li bì mà bắt đầu một ngày mới khoảng 9h00 sáng hôm sau. Lúc đó họ ít sức sáng tạo hơn một bộ óc tích/tản nhịp nhàng.

Tập hợp sinh viên

Chúng ta đã nghiên cứu về nhịp điệu tích/tản của một tập hợp người. Trong gia tộc là tích/tản theo gia phong (nếu còn giữ được). Trong lao động chung thì có thể vừa làm việc vừa tích/tản âm nhạc. Một nhóm có tâm sự chung thì có thể tích/tản trong ca trù, trong đàn ca tài tử hoặc trong những sàn nhạc rock,…. Bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu tích/tản của một nhóm ý hướng chung, đó là trường học. Chúng ta sẽ xem xét hành vi tích/tản của nhóm người này khi họ cùng bước chân vào một trường Đại học chẳng hạn.

Sinh viên vào Đại học là muốn tiếp cận với những kiến thức nghề nghiệp. Đó là ý hướng chung của họ. Hàng ngày họ học, chính là tích. Khi đã học được ít nhiều họ phải làm bài tập, làm các khóa luận, tức là tản. Tuy vậy, khả năng tích/tản của các sinh viên khác nhau rất nhiều. Có người học giỏi, có người học rất kém. Nhưng thực ra, dù kết quả học thế nào thì họ cũng đều muốn học giỏi. Vậy, vấn đề là làm thế nào để học giỏi? Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta cần phân tích rõ động từ học. Học chính là tích Kim. Nghe giảng, đọc sách, chép bài giảng chính là tích Kim. Nhưng đa số sinh viên chỉ tản những gì tích được sau một chuỗi dài những ngày học tập, ví dụ cuối kỳ khi phải trả các môn thi. Hàng ngày họ đã không tản ngay cái vừa học. Nhưng như đã biết, ngay cả hành động tản đơn giản nhất là tản khí sau mỗi pha hít vào, cũng đã là một quá trình phức tạp. Có nghĩa là muốn tản được phải lựa chọn, phải tách lọc cái đã tích, giống như phổi tách ô xy để tản vào máu và thải các chất khí khác. Do đó, nếu học rất nhiều mà không tản ngay thì e rằng lúc cần tản lại phải mất công phân tách lựa chọn. Vậy nên, để học giỏi cần phải duy trì nhịp điệu tích/tản đều đặn. Nếu tích/tản đều dặn ta còn có thể đi đến các kết luận sáng tạo nữa. Xưa nay, chỉ trường học của Socrates và Khổng tử là dạy và học theo lối truy vấn. Cách đó là phương pháp tích/tản trực tiếp và là phương pháp dạy học tốt nhất, ngay cả trong thời hiện đại của chúng ta.

Ngày nay, khối lượng kiến thức nhiều, lượng sinh viên lại càng nhiều hơn. Việc dạy học theo lối truy vấn, đối thoại trực tiếp giữa thầy và trò khó khả thi. Nhưng nếu biết tận dụng công cụ tin học thì cũng có thể thực hiện được phần nào. Mặt khác, cũng có thể xem học như là đi thám hiểm vào một vùng chưa biết. Cho nên, nếu chính người học lập bản đồ theo dõi bước đi của nhịp điệu tích/tản của mình thì có thể học giỏi mau chóng được. Chẳng hạn mỗi ngày họ vẽ bản đồ xem đã tích được kiến thức gì, rồi lại tản lượng kiến thức vừa tích được ấy thành những ký hiệu, những biểu tượng,… Kiểu vẽ bản đồ đó đã được phát triển và nâng cấp thành bản đồ tâm trí (mind map của Ông Tony Buzan). Lập bản đồ học tập hàng ngày giúp sinh viên thường xuyên phải tích/tản. Khi nhịp điệu tích/tản được thực hiện thường xuyên thì kỹ năng lựa chọn, chắp nối, phân lập kiến thức không ngừng năng cao. Lúc đó, họ có thể “học một biết mười”, tức là dần dần biến bộ óc họ thành cái “máy sáng tạo”.

Tuy nhiên, một thực tế quan trọng là cùng vào một trường, cùng học tập như nhau, nhưng cuộc đời sau này của các sinh viên khác nhau rất nhiều. Điều đó dẫn ta đến kết luận là cơ chế tích/tản của mỗi người rất khác nhau. Thành công của cá nhân chính là khối lượng sáng tạo mà anh ta thực hiện. Cho nên, thời gian đi học không phải là thời gian dành cho tích tụ kiến thức một cách thuần túy. Học thực chất là rèn luyện khả năng tích lũy, lựa chọn và chế biến thông tin (hành Kim). Sau khi thông tin đã được chế biến thì anh ta phải tản thông tin hay kiến thức ra thực tế (hành Thủy). Có những người tản ra mà không bao giờ đến đích, tức là nghệ thuật xây dựng hành Thủy của anh ta chưa cao. Nghệ thuật tản Thủy cao, tức là biết đem cái anh đã tích được đặt một cách hợp lý vào môi trường. Điều đó có nghĩa là anh đã trồng được một cây Mộc. Tức là anh ta trình diễn giỏi. Những sản phẩm mà anh ta đặt phù hợp vào môi trường (cây Mộc), có thể tồn tại lâu dài, cũng rất có thể mau chóng tàn lụi. Nếu tồn tại lâu dài, lại được xã hội chấp nhận như một mô hình, rồi lại có nhiều người khác sao chép lại, thì quá trình đã bước sang hành Hỏa. Như vậy, học tập trong nhà trường chính là rèn luyện phương pháp tích/tản để sinh Mộc, phát Hỏa, hay chính là rèn luyện phương pháp khởi tạo các vòng Ngũ hành.

Triết lý của giáo dục phải là dạy cho người học phương cách khởi tạo các vòng Ngũ hành. Một trường học, dưới bất kỳ hình thức nào mà không dạy cho con người biết khởi tạo các vòng Ngũ hành, là một nhà trường kém chất lượng. Tất nhiên, trong hoàn cảnh đó, không những thầy trò, mà toàn xã hội phải hiểu mỗi trường học chính là một lá phổi của xã hội. Cái “khí” mà học trò dùng để tập thở khi đến trường học là tri thức, hay thông tin hiểu theo nghĩa rộng. Trường có thể “hơi ít khí” (trạng thái chung của các trường học Việt nam hiện nay), nhưng nếu biết thở (tích/tản) với hiệu quả cao, thì vẫn có thể cho ra lò các sinh viên giỏi. Vì nhà trường đã cấp cho họ một phương pháp tích/tản, một phương pháp thở bậc cao. Từ đó thấy rằng, nhà trường không phải là nơi nhồi nhét kiến thức. Nhà trường chỉ cần cung cấp cho sinh viên những phương pháp tích/tản, (hay nói rộng ra phương pháp tư duy). Còn sinh viên phải tự học để rèn luyện dần phương pháp tích/tản sao cho cái tâm trí mình trở nên điêu luyện trước những biến đổi của khối lượng kiến thức. Như vậy, rút ra rằng kiến thức quan trọng nhất sẽ là triết học, sử học, văn học, vật lý, sinh vật học, địa lý. Vì các bộ môn này cung cấp cho ta rất nhiều ví dụ về các quá trình tích/tản, các ví dụ về khởi tạo vòng Ngũ hành. Đặc biệt, môn văn học là môn dạy kỹ năng sáng tạo bậc cao nhất. Nó cung cấp cho sinh viên khả năng sáng tạo như bịa đặt mà lại là thật. Môn vật lý và môn sinh học cung cấp kiến thức về các vòng Ngũ hành tự nhiên, để ta có thể sao chép, mô phỏng, bắt chước. Môn sử học cho ta thông tin về những thành bại, những thăng trầm, tức là thông tin về vận hành của “con tâm” của cá nhân và của cộng đồng trong quá khứ. Học sử theo Ngũ hành, không phải là nhớ các sự kiện và ngày tháng, học sử phải biết được vị vua nào đi sai Ngũ hành mà chết, vị vua nào sáng suốt điều chỉnh nền chính trị vương triều theo tự nhiên thì sự thịnh trị được lâu dài. Còn các bộ môn khác như toán học, ngoại ngữ, kỹ thuật vẽ cơ khí, điện lực, hóa chất, …. là các môn chuyên nghề. Các môn này có thể học một cách nhồi ép, học nhanh, học để lấy kỹ năng thực hành.

Chương này, xuất phát từ nhịp điệu tích/tản của hòn đá, khái quát lên đến nhịp điệu tích/tản của con người và cuối cùng là của một tập hợp người. Tất nhiên, một tập hợp người chính là xã hội với muôn vàn vòng Ngũ hành, muôn vàn nhịp điệu tích/tản đan xen chồng chéo, vì vậy sẽ còn rất nhiều vấn đề có thể mang ra thảo luận. Nhưng vì phạm vi cuốn sách này chỉ tập trung vào việc khái quát hóa nhịp điệu tích/tản, tìm ra các đặc trưng tổng quát của nó, và soi chiếu các đặc trưng ấy vào một số chủ đề hẹp, nên chúng tôi chưa nghiên cứu sâu về sự đan xen tổng hòa của các nhịp điệu tích/tản.


Câu hỏi:

1.Con Tâm có vận động và thay đổi theo Ngũ hành không? Yêu ghét có phải là nhịp điệu tích/tản không?
2.Nhịp điệu vào ca/ tan ca của các xí nghiệp có ảnh hưởng gì đến nhịp điệu của một thành phố không?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ngũ hành và khoa học

    09/11/2015PhD. Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ Hành có vài ngàn năm tuổi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Nhưng Học thuyết ấy rất huyền bí, bị khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững"...
  • Phong Thủy của nền kinh tế tri thức (2 phần)

    23/02/2009Thu San Nguyễn Thế HùngBài viết góp đôi ý kiến về Phong Thuỷ của nền kinh tế, tuy hai lĩnh vực đó (Kinh Tế và Phong Thủy) khá xa nhau. Vậy để tiện đường tham khảo, trước hết chúng tôi trình bày vài khái niệm cơ bản của Phong Thuỷ theo ngôn ngữ mới, sau đó dùng các khái niệm ấy để xét về Phong Thuỷ của nền kinh tế Việt Nam trong thời hiện tại, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay...
  • Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo

    09/01/2009Thu San Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ hành có thể xuất phát từ một nền văn hóa lớn như Trung Hoa, cũng có thể xuất phát từ Việt Nam, nơi sản sinh truyền thuyết Thánh Gióng. Học thuyết này kết hợp với học thuyết Âm Dương, có thể cho phép chúng ta đi sâu vào nhiều vấn đề quan trọng của nhận thức.
  • Giáo dục và Ngũ hành

    11/07/2008Thu San Nguyễn Thế HùngTừ phương diện tổng thể xã hội, chúng ta còn có thể so sánh đại học với một số mô hình khác, chẳng hạn theo mô hình Ngũ hành...
  • Luận thêm về thuyết Ngũ hành

    19/06/2008PhD. Nguyễn Thế HùngMột cách tự nhiên nhất và khoa học nhất chúng ta có thể hỏi: Tại sao cổ nhân cứ qui các vật, các khái niệm trên đời này về Ngũ hành? Tại sao phép gán đó lại có thể là chỗ dựa cho các tư duy? Tại sao thầy thuốc dùng Ngũ hành lại có thể chẩn bệnh chính xác, chữa bệnh hiệu quả?
  • Thuyết âm dương - ngũ hành trong “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác

    11/05/2007Đoàn Quang ThọThuyết âm dương - Ngũ hành sau khi vào Việt Nam đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tích cực tiếp nhận và vận dụng hết sức sáng tạo trong thực tiễn. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự vận dụng sáng tạo thuyết âm dương - ngũ hành vào việc phát triển nền y học nước ta là đại danh y, nhà lý luận y học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với tác phẩm y học đồ sộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh,gồm 28 tập, 66 quyển.
  • Sự hình thành và phát triển học thuyết âm dương ngũ hành trong tư tưởng cổ đại Trung Quốc

    26/06/2006Trần Thị HuyềnHọc thuyết âm dương ngũ hành không những được nhiều trường phái triết học tìm hiểu lý giải, khai thác mà còn được nhiều ngành khoa học khác quan tầm vận dụng. Có thể nói, ít có học thuyết triết học nào lại thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của tri thức và được vận dụng để lý giải nhiều vấn đề của tự nhiên, xã hội như học thuyết này...
  • Tử vi: Khoa học hay mê tín

    11/11/2005Hoàng Tùng (Tổng hợp từ các báo Trung Quốc)Tử vi là một dạng thức khoa học hay chỉ là một hình thức bói toán mang yếu tố mê tín và lừa đảo? Câu trả lời đó còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nói, với tính chất khoa học thần bí của mình, Tử vi là một đối tượng nghiên cứu khá thú vị...
  • xem toàn bộ