“Lớp trẻ thiếu khả năng nhận diện hạnh phúc”

04:06 CH @ Thứ Bảy - 15 Tháng Tư, 2017

Cách đây 10 năm, bác sĩ Trương Chí Thông từng gây sốc với câu tuyên bố nổi tiếng: “Đạo đức hay là bao cao su”.

Bởi lẽ, ngay từ thời đó, ông đã chỉ ra rằng, nếu chỉ ngồi rao giảng đạo đức thì không thể nào cứu nổi một bộ phận lớp trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng sống đang phải vật lộn với căn bệnh HIV hay đối mặt với tình trạng nạo phá thai ở VN đáng ở mức báo động. Hành động thiết thực hơn cả là trang bị cho họ không chỉ sự hiểu biết mà còn cả hành trang tối thiểu để bảo vệ mình.

Cho đến nay, ông lại đăng đàn tại Cung Văn hoá Lao động TPHCM với chuyên đề khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú: “Nhận diện hạnh phúc cá nhân”. Theo bác sĩ Trương Chí Thông, có một lớp cha mẹ đã không nhận diện được hạnh phúc của chính mình, dẫn đến việc họ không thể giáo dục con em mình biết nhận diện hạnh phúc bản thân, khiến vài thế hệ lạc lối trong đời.

Quan trọng hơn nữa, cần thiết nhìn lại lỗ hổng giáo dục đã gây ra tình trạng con người chỉ biết chạy theo cái mà người khác cho là hạnh phúc, mà không quý trọng bản thân, thể xác và tinh thần, dẫn đến những chấn thương tâm lý cũng như bị cuốn vào những tệ nạn xã hội, hay “cơn lốc xoáy” bạo lực học đường đang hoành hành.

Vì sao ông nhấn mạnh cần giáo dục cho lớp trẻ khả năng nhận diện hạnh phúc cá nhân ngay từ bây giờ?

- Đây là vấn đề đặc biệt đối với lớp trẻ và điều cần thiết là chúng ta phải giáo dục kỹ năng này cho các em. Khi đã nhận diện được hạnh phúc, các em sẽ đạt đến những trình độ, những suy nghĩ, hành vi tích cực, chín chắn. Trên cơ sở đó, bản thân các em mới thấy được giá trị của thể xác và tinh thần trong mỗi con người. Biết trân trọng thì mới có cách ứng xử đúng với bản thân và cộng đồng.

Tại sao phải nhận diện hạnh phúc cá nhân, cũng như phải xây dựng bản thân tích cực hơn? Khoa học tâm lý cho thấy có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình nhận diện hạnh phúc: Tri giác, thị giác, khứu giác, thính giác… Thông qua tri giác (suy nghĩ), ta giáo dục những điều đúng, điều tốt, lẽ phải, tính nhân văn, cùng những giá trị tri thức, giá trị về tâm lý. Khi tâm trí suy nghĩ đến những điều tốt đẹp thì tạo ra những cảm xúc tích cực, con người sẽ có những hành vi tích cực.

Điều này cũng có những tác động nhất định đến môi trường sống, khiến môi trường tốt hơn lên. Ví dụ, một người sinh ra đủ chân đủ tay, có mắt sáng, tai nghe, khi tiếp xúc với một người đồng trang lứa, đồng giới mà bị tàn tật, đui mù…thì anh ta sẽ cảm thấy mình còn may mắn hơn người đó rất nhiều, từ đó nhận thức được giá trị thân xác của mình. Thị giác cho người bình thường thấy giá trị của việc có được đôi mắt để nhìn thấy thế giới bên ngoài, cảm nhận được hạnh phúc từ bên ngoài, hơn là những người phải sống trong bóng tối.

Trên đây là những cơ sở khoa học về tâm lý, để chỉ ra rằng khi người ta biết mình hạnh phúc hơn người khác chỗ nào, họ sẽ biết ý thức giữ gìn đôi mắt, cái đầu, sẽ giảm thiểu những hành vi xúc phạm, xâm hại, tấn công, giết người…

Phải chăng hiện đang có nhận thức lệch lạc về lối sống cũng như hạnh phúc thời hiện đại?

- Đúng vậy. Thực tế đang xảy ra tình trạng chính vì không nhận diện được hạnh phúc cá nhân mà nhiều người tự hủy hoại thể xác, họ luôn nhìn thấy thứ hạnh phúc của kẻ khác, trông đợi và chạy theo hạnh phúc của người khác, từ mong ước có làn da, dáng hình đẹp, lấy chồng ngoại cho đến quan niệm thành đạt là giàu có. Thế nên khi không đạt được sẽ nảy sinh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.

Vậy cũng cần làm rõ định nghĩa của nhà tâm lý học về hạnh phúc?

- Theo định nghĩa của một cuốn từ điển tiếng Việt, thì hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được những ý muốn. Từ góc độ tâm lý học, hạnh phúc là sự cảm nhận của mỗi con người thông qua những giác quan. Nghe được bản nhạc hay, đi vào chiều sâu tâm hồn, hay ngắm bức tranh đẹp đã là hạnh phúc.

Hạnh phúc không có mẫu số chung, không có tiêu chuẩn, không có quy tắc. Có những sai lầm khi người ta lấy tiêu chí hạnh phúc kiểu như thành đạt trong xã hội, gia đình có vợ đẹp, con khôn, tài khoản kếch xù…dẫn đến chết vì cái đó. Bởi khi không có được, thì sẽ lấy làm đau khổ, tuyệt vọng.

Để thanh niên có kỹ năng, bản lĩnh, đủ hành lý vào đời, việc đầu tiên là giúp họ xác định được hạnh phúc cá nhân. Con người phải biết thích nghi, đối diện, và chấp nhận. Ba yếu tố này không có cái nào là thứ yếu. Đối diện những áp lực xã hội, biết thích nghi và chấp nhận sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Còn không, sẽ dẫn đến tình trạng stress, shock, trượt dần trong tệ nạn xã hội, tâm lý hưởng thụ ăn chơi và nhiều vòng luẩn quẩn, có những hành vi huỷ hoại bản thân, tấn công người khác…

Như trường hợp đánh hội đồng bạn học, phe phái, những mốt sống xa rời thực tế, truyền thống dân tộc… Họ không biết tài sản lớn nhất chính là con người mình. Sở dĩ như thế, là vì lớp trẻ đa số không đủ khả năng nhận diện được hạnh phúc bản thân.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Không có con đường nào đưa đến hạnh phúc cả, vì hạnh phúc đích thực chỉ là biết cách sống”. Ông nghĩ sao về sự gặp nhau giữa quan điểm của Thiền và tâm lý học.

- Cần phân biệt rõ một điều là thông điệp của Thiền dù tích cực, nhưng đôi khi vẫn mang một tính chất an phận, dung hoà nhiều quá. Nếu nhận thức không đầy đủ, sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ của một quốc gia. Vì sao cũng là kỹ sư, nhưng kỹ sư nước ngoài lại chê kỹ sư ta là bị động, thiếu bản lĩnh? Khoa học tâm lý giúp cho con người nhận diện bản thân, trang bị kỹ năng sống và bản lĩnh sống để họ không chỉ thích nghi, mà còn biết đối diện và biết chấp nhận cuộc sống. Mà ở ta, vẫn còn tâm lý xem nhẹ bộ môn tâm lý học nói chung và khoa học nói riêng.

Vậy theo ông, cốt lõi của việc thiếu kỹ năng sống là từ lỗ hổng giáo dục của cha mẹ, nhà trường hay chính là sự suy thoái đạo đức của xã hội?

- Thì đây, vấn đề là ở chỗ, chính cha mẹ, người thân không lý giải được ý nghĩa hạnh phúc cho mình, nên không biết cách giáo dục con cái. Đây cũng là lỗ hổng lớn trong giáo dục từ nhiều thế hệ. Theo tôi, đạo đức là một phạm trù không định tính, không định lượng.

Tại sao chúng ta không giáo dục học sinh cách nhận diện hạnh phúc, bằng cách đưa bọn trẻ đến bệnh viện ung bướu hay trung tâm nuôi dưỡng người bại liệt, tâm thần, để chứng kiến cảnh những người bị tan rã về tâm trí đang chịu khổ ra sao, từ đó nhận ra vì sao mình không trân trọng, bảo vệ thứ tài sản lớn nhất của cuộc đời, mà lao vào con đường xì ke, ma tuý?

Cũng nên đưa học sinh ra đài liệt sĩ, để các em đọc trên bia mộ những tên tuổi người lính hy sinh cho độc lập khi còn rất trẻ, ở tuổi 20. Một khi các em hiểu ra, trân trọng hạnh phúc bản thân, biết được giá trị thực của một con người, sẽ không làm gì xâm hại đến người khác.

Tôi xin đưa ra một công thức: Chỉ số hạnh phúc = mức độ thoả mãn trên tham vọng (lòng tham không đáy). Tham vọng càng giảm thì hạnh phúc càng tăng và ngược lại, tham vọng càng tăng thì hạnh phúc càng giảm, dẫn đến bất hạnh, đau khổ càng nhiều.

Mới đây nhất, một tiến sĩ ở đại học y khoa Havard (Mỹ), giám đốc các chương trình quốc tế phối hợp với TT Ung bướu mời tôi tham gia khoá huấn luyện các tình nguyện viên để có những kỹ năng sống cơ bản, khi đó họ mới có sức thu phục, chia sẻ với người khác. Lâu nay, giáo dục đạo đức ở nhà trường vẫn khô cứng và thiếu thực tế.

Tình hình bạo lực học đường, bạo lực gia đình, dẫn đến bạo lực xã hội đang gia tăng, phải chăng từ cách nhìn lệch lạc về tâm lý và giáo dục đó mà ra, thưa ông?

- Đúng vậy. Trong gia đình bạo lực, các em sinh ra và lớn lên bị tổn thương, cộng thêm tâm lý bị khủng bố vì chứng kiến cảnh chính bố mẹ cũng bị ông, bà làm tổn thương (bằng lời nói, bằng tay chân), dẫn đến hình thành một nhân cách bạo lực. Xã hội gia tăng bạo lực, vì người ta không nhận diện được bản thân, phải thương mình, rồi mới đến thương những người xung quanh.

Anh có một sức khoẻ tốt, một tinh thần tốt, thì sản phẩm anh làm ra cho cộng đồng mới tốt. Một người bị trầm cảm, bạo lực, thì thử hỏi có thể dạy dỗ ai? Trong gia đình cũng vậy, anh vui vẻ thì cho ra trái ngọt, còn anh không vui, thì cho con toàn trái đắng. Ngoài xã hội tương tự: Người giám đốc, người lãnh đạo, nếu bị trầm cảm, lo lắng thì sẽ lãnh đạo nhân viên theo xu hướng tiêu cực. Buổi chiều đi làm về, nhìn gương mặt người nào cũng hầm hầm, mệt mỏi vì kẹt xe thì còn gì là vui nữa?

Môn tâm lý học quan trọng là thế, vậy tại sao trong xã hội ngày nay, việc ứng dụng bộ môn này vẫn chưa được xem trọng?

- Thử hình dung cái cây phả hệ, cây tư duy của Tony Buzan. Cây có nhiều nhánh, nhưng lại không có gốc. Các nhánh là: Bệnh lý tâm thần, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng nhân cách con người, xung đột… Chưa giải quyết tận gốc, người ta đã la lên, nào là quan hệ đồng tính, HIV, ma túy, tệ nạn. Nhưng nếu không nhận diện được vấn đề, để giải quyết và ngăn chặn những căn bệnh lây lan, thì có thể, chúng ta hoàn toàn thua.

Con người, một khi không có giáo dục thì phần “con” phát triển, chỉ có giáo dục mới làm nền tảng đẩy người ta lên “người”. Như thế mới bảo vệ được sự văn minh. Còn nếu nói, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo một phần vì trong thời đại này thiếu vắng tình thương, đó chỉ là phần lá mà thôi. Cái gốc vẫn là thiếu giáo dục nền tảng. Nói như Giáo sư Hoàng Tụy, chúng ta mới chỉ biết dạy những con người ngoan ngoãn, biết vâng lời thôi. Con người thời nay cần được trang bị kỹ năng, khả năng thích ứng cuộc sống và những hiểu biết cơ bản khác.

Hằng năm, ti lệ người tự tử hay mắc bệnh tâm thần tăng cao, nhất là ở một đô thị chịu nhiều áp lực tinh thần như TPHCM (16,1% mắc bệnh tâm thần - số liệu năm 2001). Ông từng nói rằng, nếu ai đó có ý định tự tử, đến gặp ông thì sẽ gạt bỏ ý định đó. Vậy ông làm gì với các ca này?

- Tôi sẽ đưa họ trở về với chính bản thân họ, biết nhận diện được hạnh phúc cá nhân, biết phải sống vì hạnh phúc đó. Lắng nghe để họ chia sẻ, để vượt qua bức tường lửa tinh thần. Ngoài ra, có những công cụ để giúp những người có ý định tự tử chế ngự được căn bệnh này, trên cơ sở tâm lý, chứ không trên cơ sở tôn giáo.

Mới đây, có một bà mẹ đưa con đến chữa bệnh. Cậu con trai là sinh viên năm thứ ba, học rất giỏi, nhưng lại có dấu hiệu tâm thần. Khi tiếp xúc, tôi hiểu ra rằng, chính trong thời nay, cha mẹ muốn hiểu con, dạy dỗ được con cái cũng cần phải cập nhật thông tin, phải thay đổi tư duy, không phải nghĩ theo thời mình là được. Bằng không, cách biệt giữa hai thế hệ vẫn không thể san lấp.

Đang là bác sĩ ngoại khoa, tại sao ông chuyển sang nghiên cứu tâm lý và tâm thần?

- Mỗi một con người là một cuộc đời đi truy tìm hạnh phúc là gì, cùng nhiều điều khác nữa, mình là ai, làm sao nhận diện chính bản thân mình? Hiện tại tôi có quá nhiều hạnh phúc, dù trong quá khứ tôi đã trải qua nhiều bất hạnh, vì một khi tôi hiểu được hạnh phúc là sự cảm nhận của mỗi con người, không có mẫu số chung, thì tôi chỉ muốn chia sẻ, làm những việc tâm đức, quan tâm đến những người thiệt thòi khác.

Xin cảm ơn bác sĩ.

BS Trương Chí Thông - chuyên khoa Tâm lý học, chuyên gia trị liệu tâm lý, tốt nghiệp Đại học Tâm lý thực hành Paris, làm Giám đốc TT Ứng dụng tâm lý học TPHCM từ 2007. Mục tiêu của TT là nâng cao chất lượng sống và hiệu quả lâu dài của nguồn nhân lực, hướng đến xây dựng kỹ năng sống và bản lĩnh sống cho thanh niên, học sinh hiện nay, phát hiện và định hướng nghề nghiệp-tài năng, cải thiện đời sống tinh thần cho CBCNVC...

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đạo đức và hạnh phúc

    03/12/2019Thích Viên TríMọi người hẳn sẽ nhất trí với lời phát biểu rằng đạo đức là giá trị cao quý nhất đối với cuộc sống con người trong mọi thời đại, đặc biệt là thế giới ngày nay. Từ điển Graw Hill Book định nghĩa: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời, ý và được thực hiện bởi ý chí, tình cảm và ý chí.”...
  • Hạnh phúc

    26/07/2019Cao Huy ThuầnThứ nhất, hạnh phúc là sống trong hạnh phúc của người khác. Thứ hai, hạnh phúc là sống vì hạnh phúc của người khác. Thứ ba, hạnh phúc là dâng hiến...
  • Tâm lý học với việc nghiên cứu hạnh phúc con người

    20/01/2018TS. Nguyễn Chí ThuậtHạnh phúc là gì? Định nghĩa về nó tưởng vô cùng đơn giản, song lại khiến bao nhà nghiên cứu phải đau đầu và cho tới nay vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn trong việc định nghĩa hạnh phúc...
  • Hạnh phúc

    21/03/2017Nguyễn Trần BạtCon người ở bất kỳ thời đại nào đều có chung một mục đích là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, công cụ mà loài người đã sử dụng để tìm kiếm hạnh phúc là các quyền chính trị...
  • Nguồn gốc của hạnh phúc và bất hạnh

    20/03/2016Trong cuộc sống, mọi người đều có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cặp nam nữ nào cũng có thể chung sống đến đầu bạc răng long. Hôn nhân trong cuộc sống hiện đại là một thử thách lớn cho hai người trưởng thành...
  • Dân chủ, giàu mạnh với vấn đề Hạnh phúc

    20/03/2016TS Hồ Bá ThâmNgày nay, trên thế giới đang diễn ra nghịch lý: giàu có vật chất hơn lại thấy kém hạnh phúc hơn. Cho nên đã chú ý bàn về hạnh phúc, không chỉ ở cấp độ triết học mà cả kinh tế học. Song tôi nghĩ rằng cần bàn cả ở cấp độ chính trị học và xã hội học, văn hóa học, tâm lý học. Mục tiêu nào cuối cùng cũng quy về hạnh phúc...
  • Hạnh phúc

    20/09/2015Nguyễn Trần BạtHạnh phúc có phải là một trạng thái tinh thần nhất thời của con người và có đơn giản chỉ là sự thỏa mãn các đòi hỏi hay không? Bản chất của hạnh phúc thật sự là gì? Trước những cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra trên khắp thế giới vào những năm gần đây, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: loài người có thật hạnh phúc không? Vì thế, tôi muốn truy đuổi khái niệm hạnh phúc để tìm ra đâu là yếu tố cơ bản tạo nên hạnh phúc của con người...
  • Tìm về cội nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc sống

    19/02/2015Theo nghiên cứu xã hội học, 75% dân số ở các quốc gia phát triển và yên bình nhất thế giới như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… tự nhận mình có cuộc sống hạnh phúc. Họ có đầy đủ tiền bạc, đầy đủ điều kiện vật chất, xã hội ổn định, phúc lợi xã hội tốt… đảm bảo cho cuộc sống “hạnh phúc”, nhưng khi mất đi những vật chất đó, thì họ lại không còn cảm giác hạnh phúc ấy nữa. Những người dân Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ… rất nghèo đói nhưng lại luôn lạc quan, yêu đời, vẫn luôn ngập tràn hạnh phúc…
  • Hạnh phúc là nhìn thấy điểm dừng

    20/10/2014Đỗ Phương TiếnKết hợp những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế học, tâm lý, khoa học thần kinh, xã hội học, triết học và chính sách xã hội, giáo sư kinh tế tại Đại học kinh tế London Richard Layard đã kiến tạo một cách nhìn độc đáo và thú vị về xã hội và cuộc sống của chính con người chúng ta.
  • Hạnh phúc hơn

    26/02/2014Tal Ben-Shahar, Ph.DTôi tin rằng nếu mọi người đều nhận ra bản chất thật của hạnh phúc như là cùng đích, thì chúng ta sẽ thấy xã hội xung quanh không chỉ ngập tràn hạnh phúc mà còn toàn những điều thiện.
  • Bàn về "những giá trị sống"

    29/11/2009Nguyễn Trần Bạt...một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư duy của con người chính là lợi ích. Người không làm chủ các tư duy lợi ích, không thiết kế được công nghệ tư duy lợi ích và không biến tư duy lợi ích thành một nghệ thuật sống là người không có bản lĩnh trên thực tế...
  • Cội nguồn cảm hứng

    17/06/2009Bùi Quang MinhĐến nay, còn rất nhiều người chưa đạt tới trình độ nhận thức rằng tự do là nền móng để họ trở thành Con Người, là trình độ làm người ở mức cao nhất. Do truyền thống, do mức muộn mằn tiếp cận khái niệm tự do, do tư duy ấu trĩ chưa được tự do soi rọi vào cuộc đời mình, mà số đông chúng ta không tự trau dồi về tự do, không phát hiện ra hiện tượng nào quanh ta tự do không được coi trọng, thiếu tự do. Cũng không thiếu người bị chà đạp lên tự do, mất quyền cơ bản của mình mà không mảy may nhận ra, phản ứng lại...
  • Chia sẻ về Hạnh Phúc

    27/02/2009Nguyễn Tất ThịnhCuộc sống của mọi người chúng ta luôn trăn trở về Hạnh phúc, bất chấp gian khổ chúng ta luôn tìm kiếm và kỳ vọng về Hạnh phúc. Tôi muốn cùng các bạn đọc những điều tôi nhặt nhạnh, tập hợp và tổng kết để thêm một lần ngộ ra Hạnh phúc là gì?
  • Khát vọng Tình yêu & Hạnh phúc

    17/12/2008Nguyễn Khắc NhoTrong cuộc sống hàng ngày, ai mà chả mong mình được sống trong tình yêu và hạnh phúc. Lời chúc muôn thuở của con người mãi mãi vẫn là chúc nhau mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc. Thế nhưng thử hỏi tình yêu là gì, hạnh phúc là gì, vì sao con người lại chúc nhau và mong mỏi thiết tha đến thế?
  • Hạnh phúc

    24/11/2008Nguyễn Khắc NhoNhiều người đã suốt đời tu thân tích đức, làm điều thiện, làm phúc, để cầu mong cho mình, cho con cháu họ hàng và quê hương được sống yên vui hạnh phúc. Các câu chuyện cổ tích dân gian của các dân tộc trên thế giới này đều có một điểm chung giống nhau là gửi gắm những ước mơ khát vọng ngàn đời về cuộc sống hạnh phúc của con người vào những bậc thần thánh, những ông phật, bà chúa, cô tiên... có đủ phép nhiệm màu...
  • Nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và chỉ số hạnh phúc (HPI) của Việt Nam

    21/11/2007Hồ Sĩ Quý (PGS. TS. Viện trưởng Viện thông tin KHXH)Khi tiến hành đo đạc, tính toán về hạnh phúc, đóng góp của các nhà nghiên cứu định lượng được ghi nhận nhiều ở việc họ đã chỉ ra vai trò của từng nhân tố cụ thể trong cấu trúc của hạnh phúc con người. Các nhân tố thường được quan tâm và đã được xem xét là năng lực thông minh và trí tuệ, yếu tố di truyền và bẩm sinh, vai trò của giáo dục và truyền thống, ảnh hưởng của thu nhập và tiền bạc, các quan hệ gia đình và hôn nhân…
  • Hạnh phúc

    21/02/2007Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupNếu con người không có năng lực để đánh giá sự đúng đắn hay xác lập sự đúng đắn trong khi tiến hành các hành vi của mình thì con người không thể có hạnh phúc bền vững. Nhận thức được các tất yếu sẽ làm cho con người trở nên đúng đắn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một lát cắt trong những luận bàn sâu sắc của TGĐ- Chủ tịch Investconsult Group - Nguyễn Trần Bạt về hạnh phúc. Con đường để có được hạnh phúc, một hạnh phúc bền vững là hành trình tìm ra khuynh hướng đúng đến tận cùng giới hạn và vượt qua...
  • Tài sản và việc mưu cầu hạnh phúc

    02/05/2006Từ “tài sản” do Locke sử dụng có hai nghĩa. Thứ nhất, ông ta muốn nói tới tất cả mọi thứ mà con người có được nhờ quyền tự nhiên của họ, đặc biệt là cuộc sống, tự do và điền sản. Với Locke, việc “bảo vệ tài sản,” trong nghĩa tổng quát này, miêu tả một mục tiêu bao trùm của chính quyền dân sự...
  • 10 bí quyết cho Hạnh phúc

    25/10/2005Minh Thu1/2 mức độ hạnh phúc của bạn có thể được định hình ngay từ lúc bạn vừa mới chào đời, và thêm 10% nữa là do các hoàn cảnh khách quan quyết định. Có nghĩa là chúng ta còn tớ những 40% cơ hội để tự xoay sở hạnh phúc cho mình. Vậy thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu năm bắt khả năng ngay từ bây giờ ? Và đây là 10 điều kiện mà mỗi chúng ta đều cần có được nhằm mưu cầu một hạnh phúc thực sự cho mình...
  • Bí quyết của hạnh phúc

    17/10/2005Nguyễn Thị Thùy MaiNhiều khi bạn nghĩ rằng phải dư dả mới có hạnh phúc thực sự. Ngược lại, cũng có người nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tồn tại với các cặp vợ chồng thuở hàn vi… Tuy nhiên, hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào cách sống hằng ngày, vào cảm giác, vào quan niệm của bạn về cách hưởng thụ cuộc sống...
  • Khi nào bạn hạnh phúc?

    06/08/2005Giàu có không làm bạn tăng thêm hạnh phúc, nếu bạn không có nhiều tiền bằng người khác, hoặc ít có thời giờ dành cho giải trí hơn. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới về hạnh phúc của các chuyên gia phương Tây...
  • Bí mật của hạnh phúc (Hạt giống tâm hồn)

    02/08/2005Khi còn ở tuổi niên thiếu, dường như mọi người chúng ta thường nhìn nhận khái niệm hạnh phúc rất đơn giản - đó là đạt được những điều mình muốn. Khi bước vào cuộc sống, chúng ta thực sự đặt chân lên cuộc hành trình tự khẳng định mình, trải nghiệm, khám phá và đi tìm hạnh phúc cuộc sống.
  • xem toàn bộ