Hạnh phúc

07:51 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Hai, 2007

Nếu con người không có năng lực để đánh giá sự đúng đắn hay xác lập sự đúng đắn trong khi tiến hành các hành vi của mình thì con người không thể có hạnh phúc bền vững. Nhận thức được các tất yếu sẽ làm cho con người trở nên đúng đắn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một lát cắt trong những luận bàn sâu sắc của TGĐ- Chủ tịch Investconsult Group - Nguyễn Trần Bạt về hạnh phúc. Con đường để có được hạnh phúc, một hạnh phúc bền vững là hành trình tìm ra khuynh hướng đúng đến tận cùng giới hạn và vượt qua.

Con người không thể tìm thấy hạnh phúc trong các phép so sánh kém, nhưng con người có thể hạnh phúc nếu tự tin vào những gì mình có. Khi nào con người tự tin đem so sánh với tất cả những người có địa vị như mình thì người ấy có cảm giác hạnh phúc bền vững. Còn nếu con người thấy lép vế trong bất kỳ tương quan cùng địa vị với mình thì người ta không thể đạt được trạng thái hạnh phúc. Người thành đạt hạnh phúc hơn người không thành đạt, nhưng cũng có thể so sánh giữa những người không thành đạt với nhau. Khi một người thấy rằng, có những người trên toàn thế giới có tương quan như mình và cũng có trạng thái như mình thì người đó sẽ không thắc mắc về sự hẩm hiu của mình nữa, không bi kịch hóa sự bất hạnh của mình. Con người cần phải yên tâm với các trạng thái vốn có của mình. Ví dụ, con người chạy đến sát bờ vực, cảm giác thỏa mãn lúc đầu có đến, nhưng khi rơi xuống vực, quá trình rơi từ mép vực xuống đến đáy cũng đủ thời gian để con người nhận ra rằng hạnh phúc không có được trong các cảm giác chủ quan, mà hạnh phúc có được bằng sự nhận thức cái tất yếu. Nếu con người biết rất rõ sau bờ vực là sự rơi tự do của mình, và nếu người ta chuẩn bị một cái dù để rơi thì con người được quyền hưởng thụ cảm giác hạnh phúc khi bay. Như vậy, con người cần nới rộng khả năng của mình ra khỏi các ranh giới để phát triển. Do đó, hạnh phúc bền vững chính là hạnh phúc được xác lập trên cơ sở con người có được bản lĩnh để duy trì cảm giác ấy trong bất kỳ điều kiện nào mà con người nhận thức đúng.

Người hạnh phúc là người tìm thấy tính phổ biến của công nghệ tìm ra hạnh phúc, nếu có sự tương đồng giữa cảm giác hạnh phúc của mình và đối tượng mà mình tương tác thì người đó sẽ thấy hạnh phúc của mình là hạnh phúc chắc chắn. Vì, nếu không có sự tương đồng thì cảm giác hạnh phúc của người đó là chủ quan. Mà cảm giác chủ quan không phải là lẽ phải và do đó không phải là hạnh phúc thật. Tất cả những ai tham nhũng sau mỗi lần tham nhũng đều có cảm giác như thế. Hãy nhìn vào đối tượng mà anh tác động để tìm kiếm hạnh phúc, nếu thấy họ không hưởng ứng thì có nghĩa là anh không hành động phù hợp với các quy luật tự nhiên. Không hành động phù hợp với các quy luật tự nhiên thì hạnh phúc có được không phải là một tất yếu. Khi cảm giác của con người không phải là một tất yếu thì nó không có triển vọng, và không có triển vọng tức là con người không thể kéo dài cái cảm giác hạnh phúc ấy được, đó là hạnh phúc giả.

Sự đúng đắn của con người đem so sánh trong những không gian khác nhau, với những khoảng thời gian khác nhau và nếu như trong những tương quan ấy con người vẫn cảm thấy thỏa mãn thì đấy chính là một dấu hiệu cho hạnh phúc có chất lượng bền vững, nhưng nếu nó không lạc hậu về mặt thời gian thì sự bền vững ấy còn lớn hơn. Như thế, hạnh phúc là một khái niệm cực kỳ tinh tế trong phân tâm học.

Hạnh phúc là cảm giác có thực, cảm giác của lẽ phải và nó mô tả được tính triển vọng sau này. Bởi vì, nếu như hạnh phúc là giả thì nó chuyển sang tự mãn. Vậy làm thế nào để con người phân biệt được thước đo mà mình lựa chọn?

Con người nhầm lẫn hạnh phúc là sự thỏa mãn, do vậy, khi không còn cảm giác thỏa mãn nữa thì con người thấy hạnh phúc mong manh. Có một bức tranh của một họa sĩ Nga vẽ một cái ghế bị cưa cụt một chân, trên đó đặt một quả táo. Người ta giải thích tác giả muốn ngụ ý rằng quả táo đó là tượng trưng cho hạnh phúc, có nghĩa là hạnh phúc luôn chênh vênh và mỏng manh. Thực ra, bền vững là một quá trình, mong manh là một trạng thái. Nhận thức về sự mong manh của những cái mình có chính là sự thức tỉnh vĩ đại để nói với con người rằng: hãy cảnh giác, hãy bớt một phần hưởng thụ cảm giác hạnh phúc để giữ gìn hạnh phúc. Bởi vì, nếu như người ta hưởng thụ hạnh phúc một cách tuyệt đối thì thành thỏa mãn và đó chính là nền tảng của tự mãn, nhưng nếu như người ta không hưởng thụ hết tất cả cái vốn liếng mà mỗi một cảm giác hạnh phúc mang lại, người ta cảnh giác để giữ gìn nó thì con người sẽ có được sự bền vững của hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là, con người phải biết đổi từng mẩu hạnh phúc có hàng ngày lấy một sự cảnh giác để giữ gìn nó. Cho nên mong manh và bền vững là hai mặt thuộc tính của khái niệm hạnh phúc. Khi con người có lẽ phải và lẽ phải ấy là phù hợp với những không gian, thời gian khác nhau thì con người có hạnh phúc bền vững.

Miền chung sống giữa thành tựu và triển vọng

Ở đâu có sự chung sống giữa niềm tự hào về dĩ vãng với năng lực tạo ra miền triển vọng thì ở đấy có hạnh phúc. Tôi cho rằng, xét về mặt cấu trúc các yếu tố hợp thành hạnh phúc thì hạnh phúc bền vững là một không gian tinh thần mà ở đấy có sự chung sống, sự hợp tác giữa quá khứ và tương lai, giữa thành tựu và triển vọng. Nhưng để duy trì được hạnh phúc đó thì con người phải có lối thoát, phải tìm cách giải phóng ra khỏi sự ràng buộc của các tất yếu, nghĩa là mở rộng không gian tự do, và khi mở rộng được không gian tự do thì con người có triển vọng. Do vậy, hạnh phúc là sự hợp thành của hai yếu tố thành tựu và triển vọng, tuy nhiên, không phải thành tựu mà chính triển vọng mới là dấu hiệu cơ bản của hạnh phúc bền vững.

Thành tựu của con người là kết quả của tự do, kết quả của sáng tạo, cho nên ảnh của nó trong tâm hồn con người cũng tự do. Khi ảnh của các thành tựu tự do, tâm hồn con người cũng tự do theo, vì ảnh của các thành tựu là nội dung của tâm hồn con người. Lòng tự hào là một biểu hiện của thành tựu. Nhưng chỉ những ai tự tạo ra thành tựu cho mình mới có được lòng tự hào chân chính. Nếu lòng tự hào níu kéo con người lại thì đấy không phải là thành tựu của chính người ấy. Con người không thật tạo ra thành tựu thì không có hình ảnh thành tựu trong đời sống tâm hồn của mình. Thành tựu do chính người nào tạo ra mới làm nên giá trị của người đó.

Toàn bộ giá trị đã có của con người nằm trong quá khứ nhưng toàn bộ sự đúng đắn của con người là dịch chuyển được đến tương lai, tức là không kéo dài quá khứ đến tương lai. Mọi sự giống nhau của ngày hôm nay với ngày hôm qua đều là bất hợp lý. Vì thế, một trong những biểu hiện hạnh phúc quan trọng của con người là hôm nay khác hôm qua nhưng khác theo khuynh hướng tích cực, vì nếu không, con người sẽ kéo lùi tương lai. Thành tựu của quá khứ không cứu được tương lai của con người nếu nó không tìm thêm được giá trị ở tương lai. Nếu con người không tìm thêm được tương lai thì con người trở nên bất hạnh. Thành tựu dẫn con người đến biên giới của sự trì trệ và bắt con người phải thận trọng trong quá trình dịch chuyển. Nếu con người dịch chuyển đến gần các giới hạn mà không dịch chuyển tiếp được nữa thì sau cảm giác hạnh phúc ấy là bất hạnh, là không phát triển. Toàn bộ sự sáng suốt của con người là tìm ra khuynh hướng đúng. Khuynh hướng đúng là đi đến những giới hạn để con người phát triển mà không bị chặn lại. Bởi vậy, triển vọng là một khái niệm hết sức quan trọng, bởi vì nếu như sau khi đạt được một thành tựu mà con người không còn nhìn thấy triển vọng nữa thì con người sẽ rơi vào trạng thái bất hạnh.

Như vậy, con người có thành công trong tương lai hay không thì tùy thuộc vào việc họ tự giải phóng mình ra khỏi các tất yếu mà họ nhận thức trước đây như thế nào. Người có tầm nhìn là người nhận ra khoảng cách giữa năng lực hiện có của mình với khả năng của mình, nghĩa là các tất yếu, và đi tìm cách nới rộng các tất yếu để tạo cho mình triển vọng lớn hơn. Đi tìm lối thoát ra khỏi sự bế tắc hiện tại chính là đi tìm hạnh phúc, bởi vì khi nào con người dịch chuyển sang miền tương lai thì khi đó con người có khả năng hạnh phúc. Hạnh phúc chính là khi con người nhận ra được lợi ích về tương lai. Hạnh phúc mà con người chờ đợi là ở tương lai. Phải ăn tạm các món của dĩ vãng chính là một trong những dấu hiệu bất hạnh của cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Hạnh phúc thật sự là con người tìm được lối thoát hợp lý cho mình tại mỗi một thời điểm mà con người có trách nhiệm phải tìm ra phương hướng cho tương lai của mình. Do đó, hạnh phúc là mảnh đất có sự chung sống giữa thành tựu và triển vọng. Vậy, làm thế nào để con người luôn luôn có triển vọng? Chỉ có một cách, con người phải tìm cách trang bị năng lực triển vọng cho chính mình.

Năng lực triển vọng

Con người chỉ được coi là phát triển nếu nhìn thấy triển vọng trong các hành động của mình. Triển vọng thực chất là kết quả của việc con người tìm ra được sự lạc hậu của các khuynh hướng, hay tìm ra lối thoát trước sự bao vây của các tất yếu. Nhưng hiện nay năng lực của con người ở hầu hết các nước đang phát triển không đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, họ cũng không có năng lực phát hiện ra miền triển vọng của mình. Năng lực phát hiện ra miền triển vọng gồm năng lực đang có và năng lực triển vọng. Miền triển vọng đòi hỏi con người phải có năng lực để tồn tại ở đó, vì vậy, năng lực triển vọng chính là năng lực để con người chuẩn bị sống trong miền triển vọng. Năng lực triển vọng nằm trong chính sự đa dạng tinh thần của mỗi người.

Đa dạng tinh thần là nguồn gốc của đa dạng năng lực. Sự đa dạng tinh thần là tiền đề của sự đa dạng năng lực, từ đó con người tìm thấy các miền triển vọng cho mình. Đa dạng tinh thần không phải là một sự dự trữ đơn giản, đa dạng tinh thần là những năng lực sống luôn tồn tại và phát triển trong một con người. Bởi vì con người sẽ đến miền triển vọng của mình không chỉ với tư cách là người có năng lực để tồn tại trong đó mà còn giữ được giá trị của dĩ vãng. Hạnh phúc trọn vẹn khi con người đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu của mình. Những người sử dụng lao động luôn luôn tìm cách làm cho năng lực lao động trở nên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, con người bị khai thác chuyên nghiệp thì dễ phiến diện và không phải là con người chủ động. Con người ấy không có hạnh phúc, con người ấy chỉ tồn tại. Con người ở những nước lạc hậu vẫn nhầm lẫn giữa tồn tại và hạnh phúc. Sự tồn tại trong bất kỳ điều kiện nào không phải là hạnh phúc, mà sự tồn tại như mình vốn có trong bất kỳ điều kiện nào mới chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là cảm giác tự hào của con người khi giữ nguyên được giá trị của mình và tồn tại được trong bất kỳ điều kiện nào.

Con người không những có khả năng dự báo mà còn có một năng lực bẩm sinh để linh cảm thấy triển vọng, phân tích và xây dựng hệ tiêu chuẩn cho miền triển vọng, hay đấy chính là khái niệm thiết kế ra tương lai. Người hạnh phúc là người chủ động, người biết rất rõ lộ trình sống, lộ trình làm việc, lộ trình cống hiến, lộ trình thưởng thức của mình và người ta thưởng thức một cách hợp lý tất cả những yếu tố mà cuộc sống đem lại.

Tóm lại, năng lực thiết kế ra tương lai hay năng lực triển vọng là một yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên hạnh phúc bền vững và do vậy, con người phải có quyền tự do để thực hiện những thiết kế ấy.

(Xem bài viết đầy đủ tại link: Hạnh phúc)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hạnh phúc

    26/07/2019Cao Huy ThuầnThứ nhất, hạnh phúc là sống trong hạnh phúc của người khác. Thứ hai, hạnh phúc là sống vì hạnh phúc của người khác. Thứ ba, hạnh phúc là dâng hiến...
  • Hạnh phúc

    21/03/2017Nguyễn Trần BạtCon người ở bất kỳ thời đại nào đều có chung một mục đích là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, công cụ mà loài người đã sử dụng để tìm kiếm hạnh phúc là các quyền chính trị...
  • Khi nào tiền bạc làm nên hạnh phúc?

    01/07/2014Đức LêĐúng là tiền bạc có thể làm người ta hạnh phúc. Nhưng với điều kiện ta phải có nhiều tiền hơn là những người xung quanh ta. Đó là kết quả của cuộc nghiên cứu mới đây nhất về hạnh phúc của nhà khoa học.
  • Càng giàu, càng thích hưởng thụ! Nhưng hạnh phúc thì...?

    20/08/2013Minh ThiKhi xã hội phát triển, ngày càng nhiều người áp dụng lối sống hưởng thụ cho chính mình. Thực ra, hưởng thụ là một điều tốt, nó là thước đo đời sống của con người và xã hội hiện đại. Vấn đề đặt ra chỉ là cách hưởng thụ như thế nào mà thôi, bởi đôi khi cách thức hưởng thụ lại có thể khiến con người bất mãn thêm và thế giới trở nên kiệt quệ...
  • Tài sản và việc mưu cầu hạnh phúc

    02/05/2006Từ “tài sản” do Locke sử dụng có hai nghĩa. Thứ nhất, ông ta muốn nói tới tất cả mọi thứ mà con người có được nhờ quyền tự nhiên của họ, đặc biệt là cuộc sống, tự do và điền sản. Với Locke, việc “bảo vệ tài sản,” trong nghĩa tổng quát này, miêu tả một mục tiêu bao trùm của chính quyền dân sự...
  • Tiền bạc có mua được hạnh phúc

    16/01/2006Trần Cao Dũng trích dịch từ bài của tác giả Mark SkousenĐồng tiền có thể cung cấp cho mọi người rất nhiều lợi ích: điều kiện sống tốt hơn, địa vị xã hội, du lịch, hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe, giải trí vv..vv.. Cảm giác được sống trong sung túc, có một tài chính cá nhân vững chắc luôn mang lại sự toại nguyện vô bờ...
  • Tiền tài & Hạnh phúc

    22/11/2005TS. Nguyễn Chí ThuậtTrung tâm Thăm dò Giá trị Thế giới đã tiến hành trong năm 2002 cuộc điều tra dư luận với hai câu hỏi được đưa ra: Bạn có phải là người hạnh phúc? và Bạn có hài lòng về cuộc sống của mình?
  • xem toàn bộ

Nội dung khác