Hạnh phúc hơn

04:11 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Hai, 2014

Trong cuộc sống, mỗi người đều có mục tiêu chung là được hạnb phúc; cuộc sống của mỗi người khác biệt nhau nhưng cũng giống nhau.

-Anne Frank

Năm 2002, lúc khởi đầu, tôi dạy một lớp nghiên cứu chuyên đề về tâm lý học tích cực tại trường đại học Harvard. Trong tám sinh viên theo học có hai người bỏ dở chừng. Mỗi tuần, chúng tôi cùng nhau nghiên cứu và dần dần nhận rõ hơn điều tôi tin là sẽ trở thành vấn đề của các vấn đề: đó là làm thế nào chúng tôi có thể giúp mình và những người khác (gồm cá nhân, cộng đồng và xã hội) trở nên hạnh phúc hơn? Chúng tôi đã đọc các tờ nhật báo mang tính chất học thuật, tham khảo những tư tưởng đã qua thử nghiệm, những câu chuyện riêng cùng chia sẻ, nỗi thất vọng cũng như niềm vui thích từng trải qua. Đến cuối năm, chúng tôi có sự thông hiểu rõ hơn rằng tâm lý học có thể hướng chúng tôi tới cuộc sống hạnh phúc hơn và thỏa nguyện hơn.

Một năm sau đó, lớp học mở rộng quy mô dưới hình thức diễn thuyết. Người thầy thông thái Philip Stone, người đầu tiên vỡ lòng cho tôi về lĩnh vực này và cũng là vị giáo sư đầu tiên dạy môn tâm lý học tích cực tại Harvard, đã khuyến khích tôi mở một khóa diễn thuyết về đề tài này. Ba trăm tám mươi sinh viên đăng ký học. Trong bảng đánh giá vào cuối năm học, hơn 200% sinh viên đăng ký học ghi nhận là “khóa học đã nâng cao chất lượng cuộc sống của họ”. Sau đó, tôi lại mở một khóa học tiếp theo, lần này có 855 sinh viên đăng ký học. Đây là lớp học đông sinh viên nhất tại Harvard.

William James, nhà tâm lý học và triết học chủ nghĩa thực dụng tiên phong người Mỹ cách đây hơn một thế kỷ, đã giúp tôi không bị lạc lối khi nhắc nhở tôi hãy giữ vững tính thực tế và tìm kiếm “giá trị tiền mặt của sự thật trong các khóa học theo kinh nghiệm”. Thuật ngữ “giá trị tiền mặt” ở đây không phải là loại tiền hiện hữu mà là tiền thành công, và tôi gọi chung là cùng đích, là đích đến dẫn chúng ta đến: hạnh phúc.

Lớp học này không đơn thuần dạy lý thuyết về “một cuộc sống tốt đẹp”. Ngoài việc đọc các bài báo và học hỏi các tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực này, các sinh viên theo học còn phải áp dụng chúng vào thực tế. Họ đã ghi ra những nỗi sợ hãi phải vượt qua và suy ngẫm các ưu điểm của mình, thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng cần đạt được trong mỗi tuần và trong một thập niên sắp tới. Họ được khuyến khích dám chấp nhận rủi ro và tìm kiếm vùng giãn nở (vùng yên ổn ở giữa vùng thoải mái và vùng hoảng loạn).

Riêng tôi, không phải lúc nào tôi cũng có thể tìm được vùng yên ổn. Là một người sống nội tâm và khá nhút nhát, tôi cảm thấy rất thoải mái khi lần đầu tiên giảng dạy cho lớp nghiên cứu chuyên đề về tâm lý học tích cực chỉ có sáu sinh viên. Vì vậy, tôi đã gặp thử thách lớn khi diễn thuyết trước đám đông gần bốn trăm sinh viên vào năm sau đó. Đến khi lớp học mở rộng quy mô lên gấp đôi, đến hơn tám trăm sinh viên, thì tôi thật sự đã rơi vào vùng hoảng loạn, nhất là lần này có một số cha mẹ, ông bà của sinh viên và cả các phương tiện truyền thông đại chúng cũng bắt đầu dòm ngó đến.

Từ ngày hai tạp chí Harvard Crimson và Boston Globe đưa tin về sự phổ biến của lớp học này, thì tôi liên tiếp bị các câu hỏi tấn công dồn dập. Dường như mọi người có cảm tưởng sắp có một cuộc cải tổ nào đó, nhưng họ không biết chắc chắn đó là gì. Làm thế nào bạn có thể diễn giải được nhu cầu về môn tâm lý học tích cực tại Harvard và tại các trường đại học khác? Tại sao trong các trường tiểu học, trung học và những người trưởng thành lại nảy sinh nhu cầu nghiên cứu về hạnh phúc mạnh mẽ đến thế? Có phải vì ngày nay người ta cảm thấy buồn bực, chán nản và thất vọng hơn không? Có phải cách giáo dục của thế kỷ 21 có vấn đề gì đó không?

Thật vậy, nghiên cứu về hạnh phúc không phải có duy nhất ở phương Tây hoặc cũng không phải là duy nhất ở kỷ nguyên hậu hiện đại ngày nay. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều không ngừng tìm kiếm con đường dẫn đến hạnh phúc. Plato, triết gia người Hy Lạp vĩ đại nhất mọi thời đại, đã cụ thể hóa lĩnh vực nghiên cứu về cuộc sống tốt đẹp tại Academy, được xem là trường đại học đầu tiên của châu Âu. Còn Aristotle, môn sinh xuất sắc nhất của Plato và cũng là nhà triết học và tự nhiên học tiêu biểu nhất và lẫy lừng nhất của nền văn minh Hy Lạp cổ đã lập ra trường Lyceum để truyền bá tư tưởng của mình. Hơn một thế kỷ sau đó, tại một châu lục khác, Khổng Tử đã đi qua nhiều làng mạc để truyền bá tư tưởng của mình. Không một tôn giáo lớn nào và không một tư tưởng triết học toàn diện nào bàng quan với vấn đề hạnh phúc, dù là hạnh phúc trên trần gian hay hạnh phúc ở thế giới bên kia.

Cuộc sống tốt đẹp vượt qua thời gian và không gian. Trong thời đại ngày nay, có những lĩnh vực giúp diễn giải nhu cầu ngày càng cao về tâm lý học tích cực. Tại Mỹ, tỉ lệ trầm cảm ngày nay cao, gấp 10 lần so với thập niên 60 và độ tuổi trung bình dễ bị trầm cảm nhất là 14,5 tuổi so với 29,5 tuổi của năm 1960. Các trường đại học Mỹ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu và nhận thấy rằng gần 45% sinh viên “bị trầm cảm đến nỗi gặp khó khăn về chức năng”. Một số nước khác đi theo dấu chân của nước Mỹ. Năm 1957, tại Anh quốc, 52% người dân cho biết họ rất hạnh phúc, so với 36% năm 2005 - dù thực tế cho thấy người dân Anh quốc giàu có hơn gấp ba lần so với hơn nửa cuối thế kỷ trước. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc cũng tỉ lệ thuận với tốc độ tăng nhanh số lượng người lớn và trẻ em mắc chứng lo âu và trầm cảm. Theo Bộ Y tế Trung Quốc: “Ngày nay, tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ em và giới trẻ trong nước thật sự đáng lo ngại”.

Khi đời sống vật chất càng lên cao thì con người lại càng rơi vào trạng thái phiền muộn và chán nản. Dù thế hệ chúng ta đang sống, tại hầu hết các nước phương Tây và phương Đông, đều giàu có hơn các thế hệ cha ông, nhưng chúng ta không tồn được hạnh phúc từ sự giàu có đó. Mihaly Csikszentmihalyi, học giả hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học tích cực, đã đưa ra một câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời là: “Nếu chúng ta giàu có đến thế, tại sao chúng ta không hạnh phúc?”

Nếu chúng ta cho rằng khi được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất cơ bản thì sẽ có được cảm giác thỏa nguyện, thì câu hỏi hóc búa trên rất dễ trả lời. Song trên thực tế, khi các nhu cầu vật chất cơ bản đã được đáp ứng thì chúng ta không còn lời lẽ bào chữa nào cho sự không hài lòng với cuộc sống đầy đủ của mình. Ngày càng có nhiều người tỏ ra hoài nghi với thực trạng ngược đời là: dường như tiền của không mang đến hạnh phúc cho con người, và thế là họ tìm đến sự lý giải của tâm lý học tích cực.

Tại sao là tâm lý học tích cực?

Tâm lý học tích cực, nói nôm na là “ngành khoa học nghiên cứu về hoạt động chức năng tối ưu của con người”, đã được Giáo sư Martin Seligman, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, chính thức phát triển thành một môn học năm 1998. Trước đó, tâm lý học đại chúng (popular psychology hay pop psychology) là tư tưởng chính trong lĩnh vực nghiên cứu về hạnh phúc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Vô số hội thảo và sách tu thân (hay còn gọi là sách tự giúp mình), chứa đựng nhiều điều thú vị có sức thu hút và phần nào thể hiện được bản chất của lĩnh vực này. Những cuốn sách tu thân hứa hẹn tạo ra năm bước để dễ dàng có hạnh phúc, ba bí mật dẫn đến thành công và bốn cách tìm được tình yêu hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng thường là những lời hứa suông. Kết quả là vài năm sau, người ta bắt đầu hoài nghi về những cuốn sách kiểu này.

Mặt khác, chúng ta có các trường đại học với các công trình nghiên cứu hiện hữu nhưng tầm ảnh hưởng của chúng còn quá hạn hẹp. Có thể tóm lại như sau: tâm lý học tích cực là chiến thắng tính học thuật nghiêm ngặt của các học viện và những điều thú vị của quá trình tự giúp mình. Đây cũng là mục đích của cuốn sách này.

Nhiều cuốn sách tu thân hứa quá nhiều nhưng làm quá ít vì chúng thường dựa vào các thử nghiệm của phương pháp khoa học. Ngược lại, những tư tưởng trong các tờ nhật báo mang tính chất học thuật đã được nghiên cứu bài bản từ khi còn là khái niệm đến lúc xuất bản có giá trị hơn rất nhiều. Nhìn chung, các tác giả của các tư tưởng nói trên không phải là những nhân vật vĩ đại, họ hứa hẹn ít hơn với một lượng độc giả ít hơn nhưng họ lại thực hiện lời hứa của mình.

Những lời khuyên của các nhà tâm lý học tích cực, dù dưới bất cứ hình thức nào như sách, diễn thuyết, website,… đôi khi tương tự những lời khuyên của các tổ sư tu thân. Điều này đơn giản và có thể đạt tới, giống như tâm lý học đại chúng vậy, nhưng nó cũng đơn giản và có thể đạt tới dưới một phương thức hoàn toàn khác biệt.

Oliver Wendell Holmes, vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện Mỹ đã bình luận như sau: “Tôi không quan tâm đến tính đơn giản trên khía cạnh phức tạp này, nhưng tôi muốn làm cho cuộc sống của mình thật đơn giản trên khía cạnh phức tạp khác.” Holmes quan tâm đến tính đơn giản sau khi tìm tòi và nghiên cứu, suy nghĩ cẩn trọng và thử nghiệm. Bằng cách đi sâu tìm hiểu, các nhà tâm lý học tích cực đã phát hiện rõ nét về khía cạnh phức tạp khác với các tư tưởng khả thi và các học thuyết thực tế cũng như những kỹ thuật và mẹo đơn giản nhưng hiệu quả. Leonardo da Vinci đã chỉ rõ: “sự đơn giản là đỉnh cao của sự phức tạp”.

Về bản chất của cuộc sống tốt đẹp, các nhà tâm lý học tích cực và các nhà khoa học xã hội và các triết gia đã dành rất nhiều thời gian và công sức để đạt tới sự đơn giản của khía cạnh phức tạp. Trong cuốn sách này, tôi có đề cập đến một số tư tưởng của họ và tôi tin rằng những tư tưởng này có thể làm cho cuộc sống bạn hạnh phúc hơn và thỏa nguyện hơn. Tôi tin điều này vì tôi chính là một minh chứng sống động nhất.

Ứng dụng cuốn sách này

Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn hiểu rõ về bản chất của hạnh phúc, và cao hơn là giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc cuốn sách này (hay bất kỳ cuốn sách nào khác có cùng chủ đề) thì chưa đủ để làm cho cuộc sống bạn hạnh phúc hơn. Tôi không tin có những con đường tắt mang lại những biến đổi lớn đầy ý nghĩa cho cuộc đời bạn. Nếu cuốn sách này thật sự có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, thì bạn hãy xem nó như một cuốn sách làm việc. Công việc ở đây gồm suy nghĩ và hành động.

Nếu bạn chỉ chú thích trên nguyên văn cuốn sách thì vẫn chưa đủ mà điều quan trọng là hãy nghiềm ngẫm vấn đề. Xuyên suốt cuốn sách có những chỗ gián đoạn có tiêu đề “Dừng lại để suy ngẫm”với mục đích cho bạn một cơ hội, một lời nhắc nhở để dừng lại suy nghĩ trong vài phút về những gì bạn vừa mới đọc và để nhìn lại bản thân. Nếu không có những chỗ “Dừng lại để suy ngẫm”, thì tôi cho rằng phần lớn nội dung cuốn sách này vẫn còn rất mơ hồ với bạn và sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

Bên cạnh những chỗ “Dừng lại để suy ngẫm”, tôi cũng đưa ra những bài tập dài hơn ở cuối mỗi chương với mục đích là gợi lên các suy nghĩ và hành động giúp bạn hiểu sâu vấn đề hơn. Có những bài tập sẽ ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn những bài tập khác. Hãy thoải mái tiếp nhận các bài tập và dần dần thực hiện chúng. Tuy vậy, nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi thực hiện bất kỳ bài tập nào trong cuốn sách này, thì đơn giản là bạn hãy bỏ qua bài tập đó và đọc tới chương kế tiếp. Tất cả bài tập tôi đưa ra đều dựa trên những tư tưởng hay những tài liệu nghiên cứu tốt nhất của các nhà tâm lý học. Tôi tin là nếu bạn càng đầu tư thời gian và công sức để làm những bài tập trong cuốn sách này nhiều bao nhiêu, thì bạn càng thu được nhiều lợi ích cho cuộc sống của mình bấy nhiêu.

Tôi chia cuốn sách thành 3 phần. Trong Phần 1 từ Chương 1 đến Chương 5, tôi trình bày định nghĩa hạnh phúc và những nhân tố chủ yếu mang lại một cuộc sống hạnh phúc. Trong Phần 2 từ Chương 6 đến Chương 8, tôi chú trọng hiện thực hóa các tư tưởng trong lĩnh vực giáo dục, môi trường làm việc và trong các mối quan hệ. Trong phần cuối gồm 7 suy ngẫm, tôi đề cập đến những tư tưởng về bản chất của hạnh phúc và về tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của chúng ta.

Trong Chương 1, tôi bắt đầu bằng cách thuật lại những trải nghiệm của bản thân đã đưa tôi vào con đường nghiên cứu về cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong Chương 2, tôi đề cập đến vấn đề hạnh phúc không phải đến từ việc thỏa mãn những mong muốn trước mắt cũng không phải đến từ việc trì hoãn vô hạn định sự thỏa mãn. Hai kiểu mẫu hạnh phúc thường thấy, một là theo chủ nghĩa khoái lạc, nghĩa là người sống chỉ với những điều vui thích trước mắt và hai là chạy theo hạnh phúc tương lai, nghĩa là người trì hoãn sự thỏa mãn trong hiện tại để hướng tới những mục tiêu tương lai, thì không có tác dụng mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho hầu hết mọi người. Lý do là vì hai kiểu mẫu hạnh phúc trên phớt lờ những nhu cầu cơ bản của con người về những lợi ích trước mắt và sau này.

Trong Chương 3, tôi chứng minh quan điểm tại sao để được hạnh phúc, chúng ta cần tìm kiếm có ý nghĩa và niềm vui, hay nói cách khác là cần có mục tiêu và trải nghiệm những cảm xúc tích cực. Trong Chương 4, tôi cho rằng chúng ta nên xem hạnh phúc, không phải là tiền của hay danh tiếng, mà là cùng đích. Tôi cân nhắc mối quan hệ giữa của cải vật chất và hạnh phúc và tự hỏi tại sao có rất nhiều người bị khủng hoảng về tình cảm và tinh thần trong khi họ có đầy đủ của cải vật chất. Chương 5 liên kết những tư tưởng thể hiện trong cuốn sách này với các tài liệu tâm lý học hiện hữu để giúp thiết lập các mục tiêu trong cuộc đời.

Trong Chương 6, tôi bắt đầu áp dụng lý thuyết này và tự hỏi tại sao đa số học sinh sinh viên không thích đến lớp học. Sau đó tôi nghiên cứu những phương pháp mà các thầy cô giáo và cha mẹ có thể ứng dụng để giúp học trò và con cái mình có được hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Tôi giới thiệu hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau đến quá trình học là: kiểu nhấn nước và kiểu tạo niềm vui. Chương 7 nêu lên giả định thường thấy là sự cân bằng giữa cảm giác thỏa nguyện bên trong và thành tựu công việc bên ngoài là không thể tránh khỏi. Tôi đề cập đến quá trình giúp bạn nhận ra công việc có ý nghĩa và mang lại niềm vui và bạn xuất sắc trong công việc đó. Trong Chương 8, tôi bàn đến một trong những nhân tố ý nghĩa nhất của một cuộc sống hạnh phúc là các mối quan hệ. Tôi trình bày về điều gì thật sự có ý nghĩa để yêu và được yêu vô điều kiện, và tại sao mối quan hệ hạnh phúc đòi hỏi loại tình yêu này, và làm thế nào để chúng có thể tạo ra niềm vui và ý nghĩa trong các khía cạnh khác của cuộc sống.

Trong suy ngẫm đầu tiên của phần cuối cùng, tôi đề cập đến mối quan hệ giữa hạnh phúc, tính tư lợi và lòng nhân từ. Trong suy ngẫm thứ hai, tôi đưa ra những nhân tố thúc đẩy hạnh phúc đó là những hoạt động có ý nghĩa và mang lại niềm vui. Trong suy ngẫm thứ ba, tôi phản bác lại tư tưởng cho rằng có thể xác định trước được mức độ hạnh phúc thông qua những trải nghiệm trước đó và mỗi người không thể thay đổi được mức độ hạnh phúc của mình. Trong suy ngẫm thứ tư, tôi trình bày những cách giúp bạn chiến thắng các rào cản về tâm lý, đó là các giới hạn cơ hữu bên trong và tồn tại như một cách sống. Suy ngẫm thứ năm mở ra cho bạn một thử nghiệm trong tư duy để từ đó bạn có thể suy nghĩ và tìm ra một vài câu trả lời về vấn đề của các vấn đề. Suy ngẫm thứ sáu giúp bạn biết làm thế nào để hòa hợp ngày càng nhiều các hoạt động hơn trong khi hao tốn ngày càng ít thời gian hơn.

Suy ngẫm cuối cùng là về cuộc cách mạng hạnh phúc. Tôi tin rằng nếu mọi người đều nhận ra bản chất thật của hạnh phúc như là cùng đích, thì chúng ta sẽ thấy xã hội xung quanh không chỉ ngập tràn hạnh phúc mà còn toàn những điều thiện.


Lời người dịch

Một triết gia nổi tiếng, Bertrand Russell, đã viết: “Hạnh phúc là sự mãn nguyện thật sự, là sự kết hợp mọi khả năng của con người và là sự nhận biết rõ ràng nhất về thế giới xung quanh”. Một nhà toán học, sử gia, triết học như Russell còn phải quan tâm đến vấn đề hạnh phúc thì chúng ta không thể không quan tâm. Ngay cả Đại La Lạt Ma thứ 14, đấng pháp chủ toàn cầu của Phật giáo, cũng phát biểu: “Tôi tin rằng mục đích tối hậu của cuộc sống là tìm kiếm hạnh phúc. Đó là một chân lý vững chắc. Bất kể chúng ta có tinh thần tôn giáo hay không và bất kể chúng ta theo tôn giáo nào, tất cả chúng ta đều tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Vì vậy, tôi tin rằng xúc cảm mạnh mẽ nhất trong cuộc đời chính là xúc cảm hướng đến hạnh phúc.”Nếu có dịp tham quan một hiệu sách bên Mỹ, Barnes and Noble chẳng hạn, bạn sẽ thấy ngay loại sách “tu thân” (self- help) chiếm hẳn một khu vực đồ sộ với đầy đủ các loại sách từ “Làm thế nào để chinh phục được bạn gái trong vòng 5 phút” (How to Pick Up a Girl in Five Minutes) cho đến các tác phẩm hết sức nghiêm túc về tâm lý học hạnh phúc của Martin Seligman và Tal Ben-Shahar. Tác giả quyển Hạnh phúc hơn, Ben-Shahar, một giáo sư nổi tiếng của đại học Harvard, đang chính thức giảng dạy các phương pháp giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn, một lãnh vực có tên gọi hàn lâm là “Tâm Lý Học Tích Cực” (Positive Psychology) mà người khai sinh ra nó chính là giáo sư Martin Seligman, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tâm Lý Học Tích Cực tại Mỹ. Tâm lý học tích cực, nói nôm na là “ngành khoa học nghiên cứu về hoạt động chức năng tối ưu của con người”, đã được Giáo sư Martin Seligman, chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, chính thức phát triển thành một môn học năm 1998. Trước đó, tâm lý học đại chúng(popular psychology hay pop psychology) môn học chính trong lĩnh vực nghiên cứu về hạnh phúc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hầu hết mọi người, đặc biệt là giai tầng trí thức, có học vấn cao, khi nghe đến cụm từ “hạnh phúc” đều mỉm một nụ cười hoài nghi: “Hạnh phúc à? Chẳng lẽ phải đi học một ông thầy nào đó ở Harvard rồi mới có thể hạnh phúc hay sao? Vớ vẩn!” Những người ít học hơn thì cho rằng hạnh phúc đơn giản là có nhiều tiền, đi xe hơi sang trọng, ngày ngày ra quán rượu, và vui chơi bên cạnh những mỹ nhân. Ben-Shahar phủ nhận cả hai quan điểm này. Ông cho rằng hạnh phúc không phải là một khái niệm trừu tượng hay một ảo ảnh và mọi người, bất kỳ ai, cũng có thể học những nguyên tắc căn bản để sống hạnh phúc.

Ben-Shahar viết: “Sự thay đổi từ một người chạy theo hạnh phúc tương lai đến người theo đuổi hạnh phúc không phải là làm việc ít đi và ít nhiệt tình hơn mà là nhiệt tình làm nhiều việc thích hợp hơn nữa: đó là điểm khởi đầu để đạt được lợi ích hiện tại và lợi ích tương lai. Tương tự, sự thay đổi từ một người theo chủ nghĩa khoái lạc đến người theo đuổi hạnh phúc không phải là hưởng thụ ít niềm vui hơn; sự khác biệt ở đây là niềm vui từ những trải nghiệm của cuộc sống hạnh phúc thì bền vững, còn niềm hân hoan của người theo chủ nghĩa khoái lạc thì chóng tàn. Người có lối sống hạnh phúc không quan tâm đến câu châm ngôn “có công mài sắt có ngày nên kim”: họ tận hưởng chuyến hành trình, và cống hiến cả đời cho một mục tiêu chung cao nhất với niềm tin sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Theo Ben-Shahar, hạnh phúc là sự kết hợp giữa cảm giác thỏa mãn, thích thú (pleasure) và sự nhận thức ý nghĩa cuộc sống. Chính vì thế việc ăn chơi trác táng nhằm thỏa mãn dục lạc thể xác không thể là hạnh phúc bền vững vì ngay cả người trong cuộc “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” cũng chỉ còn đọng lại trong tâm hồn những cảm giác trống rỗng, buồn chán, vô vị và vô nghĩa. Sống hạnh phúc thực sự phải được xây dựng vững chắc trên cảm nhận rằng chúng ta đang sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.

Như David Leonhardt đã viết: “Tìm kiếm hạnh phúc là tìm kiếm bản thân mình. Bạn không đi tìm hạnh phúc. Bạn phải tạo ra hạnh phúc. Bạn chọn lựa hạnh phúc. Tự thực hiện bản thân là một quá trình phát hiện ra tự ngã, bạn là ai, bạn muốn trở thành con người như thế nào, và bạn có thể xây dựng con đường dẫn đến hạnh phúc bằng cách thực hiện những điều mang đến cho bạn ý nghĩa cao vời nhất và sự thỏa mãn lớn lao nhất trong cả cuộc đời miên viễn về sau”.

Không ít người đồng hóa hạnh phúc với sự thụ hưởng các khoái cảm thể xác hay sự tán dương của xã hội. Nghiêm trọng hơn nữa họ còn cho rằng người hạnh phúc là người… không cần phải làm gì cả mà vẫn sung sướng tấm thân. Tất cả các bậc thầy từng viết về hạnh phúc, từ Russell đến Dale Carnegie và Ben-Shahar hay D. Leonhardt, đều khẳng định nhân tố quan trọng nhất tạo ra hạnh phúc là thành tựu được các mục tiêu cá nhân trong một cuộc sống quân bình thông qua các nỗ lực liên tục. Những kẻ lười biếng không có chỗ trong thế giới của hạnh phúc chân chính. Hơn nữa, thế giới của hạnh phúc chân chính không hề vắng bóng những thách đố trong cuộc sống. Hạnh phúc không hề ám chỉ một thế giới không còn đau khổ, không còn nước mắt. Nhưng giờ đây những đau khổ, những nước mắt đó được nhìn nhận dưới một ánh sáng hoàn toàn mới: đó là những thách đố, những cơ hội trên đường đời phong nhiêu bất tận cho con người tự vượt bản thân và hoàn thiện tự ngã. Thật ra chính thái độ quay lưng chạy trốn những đau thương trong hiện sinh lại là nguồn gốc chính tạo ra mọi bất hạnh cho con người. Tác phẩm của Ben-Shahar dạy chúng ta can đảm đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Man mác trong từng trang sách tôi như cảm nhận được tinh thần của Phật giáo: hạnh phúc là sự bình an của tâm hồn sau khi chuyển hóa triệt để cái nhìn của nhận thức về thế giới thực tại. Chúng ta bất hạnh vì vô minh, vì lầm lạc trong nhận thức. Khả năng đón nhận hạnh phúc nằm trong tầm tay của mỗi cá nhân chúng ta. Ben Shahar viết: “Theo tôi, hạnh phúc là ‘trải nghiệm niềm vui và ý nghĩa trọn vẹn’. Một người hạnh phúc trải nghiệm những cảm xúc lạc quan khi nhận thấy cuộc sống của mình có mục tiêu. Định nghĩa này không gắn liền với một thời khắc trong cuộc đời mà là sự tổng hợp xuyên suốt những trải nghiệm của con người: đôi khi một người có thể chịu đựng những nỗi đau nhưng vẫn có được hạnh phúc trọn vẹn.”

Một bậc thầy về vấn đề này, Og Mandino, cũng có nhận xét tương tự: “Hãy nhận ra rằng hạnh phúc nằm trong chính bản thân bạn. Đừng lãng phí thời gian và công sức để tìm kiếm sự bình an, thỏa mãn, và niềm vui trong thế giới bên ngoài. Hãy nhớ rằng không hề có hạnh phúc trong sự sở hữu hay chiếm đoạt, hạnh phúc chính là sự hiến dâng, ban tặng. Hãy thoát ra khỏi sự ích kỷ của bạn! Hãy chia sẻ với mọi người! Hãy mỉm cười hân hoan trong vòng tay thân ái! Hạnh phúc là một thứ dầu thơm khi bạn tưới lên mọi người bạn cũng làm cho chính bản thân mình được rơi rớt vài giọt hương thơm nồng ấm.”

Tuy là một giáo sư đại học, một nhà tâm lý học hàn lâm, Ben-Shahar không hề có giọng văn bác học, cầu kỳ, khó hiểu như nhiều tác giả khác. Mục đích và phương pháp tiếp cận của ông hết sức thực tế giúp con người thay đổi nhận thức của mình thông qua một quá trình tự ý thức (self-awareness) và hành động có mục đích (pur- poseful action) để khắc phục những khuôn mẫu tư duy và hành động bám quá sâu trong não trạng con người (những cái mà Phật giáo gọi là vasana = huân tập). Con người phải tự giải thoát ra khỏi những mạng lưới sâu dày của lối suy nghĩ theo công ước để thực sự tiến bước trên con đường dẫn đến sự an lạc chân chính trong thế giới ngày nay. Như Ben-Shahar viết: “Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn hiểu rõ về bản chất của hạnh phúc, và cao hơn là giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc cuốn sách này (hay bất kỳ cuốn sách nào khác có cùng chủ đề) thì chưa đủ để làm cho cuộc sống bạn hạnh phúc hơn. Tôi không tin có những con đường tắt mang lại những biến đổi lớn đầy ý nghĩa cho cuộc đời bạn. Nếu cuốn sách này thật sự có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, thì bạn hãy xem nó như một cuốn sách làm việc. Công việc ở đây gồm suy nghĩ và hành động.”

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Hạnh phúc hơn của Tal Ben-Shahar cùng bạn đọc.

23/01/2009

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hạnh phúc

    26/07/2019Cao Huy ThuầnThứ nhất, hạnh phúc là sống trong hạnh phúc của người khác. Thứ hai, hạnh phúc là sống vì hạnh phúc của người khác. Thứ ba, hạnh phúc là dâng hiến...
  • Hạnh phúc

    21/03/2017Nguyễn Trần BạtCon người ở bất kỳ thời đại nào đều có chung một mục đích là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, công cụ mà loài người đã sử dụng để tìm kiếm hạnh phúc là các quyền chính trị...
  • Sĩ phu hiện đại

    14/10/2016Dương Ngọc DũngPhải nhìn nhận ngay rằng tình hình giáo dục hiện nay là một bức tranh theo trường phái... lập thể hết sức nham nhở: mặt tối, mặt sáng đan xen lẫn nhau, khó lòng mà chê khen một cách quyết đoán được. Trường tư mở ra như nấm, học phí chém thẳng tay, nhiều phụ huynh chạy tiền lè lưỡi. Nhưng cũng có mặt tốt vì chủ trường sẵn sàng trả lương cao cho giáo viên giỏi, thu hút được học sinh, và thẳng tay loại bỏ những giáo viên quá bết bát, các thành phần lâu nay vẫn ăn bám cơ chế bao cấp và biên chế...
  • Nguồn gốc của hạnh phúc và bất hạnh

    20/03/2016Trong cuộc sống, mọi người đều có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cặp nam nữ nào cũng có thể chung sống đến đầu bạc răng long. Hôn nhân trong cuộc sống hiện đại là một thử thách lớn cho hai người trưởng thành...
  • Hạnh phúc là nhìn thấy điểm dừng

    20/10/2014Đỗ Phương TiếnKết hợp những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế học, tâm lý, khoa học thần kinh, xã hội học, triết học và chính sách xã hội, giáo sư kinh tế tại Đại học kinh tế London Richard Layard đã kiến tạo một cách nhìn độc đáo và thú vị về xã hội và cuộc sống của chính con người chúng ta.
  • Tư duy sáng tạo và phê phán trong giáo dục Mỹ

    30/09/2014Dương Ngọc DũngCó lẽ trong tất cả giảng trình tạo Đại học Harvard không có giảng trình nào thu hút nhiều sinh viên ghi danh học như giảng trình 101 tư duy về tư duy (101 thinking about thinking – 101 là mã số chung cho tất cả các giáo trình nhập môn tại đại học Mỹ).
  • Chia sẻ về Hạnh Phúc

    27/02/2009Nguyễn Tất ThịnhCuộc sống của mọi người chúng ta luôn trăn trở về Hạnh phúc, bất chấp gian khổ chúng ta luôn tìm kiếm và kỳ vọng về Hạnh phúc. Tôi muốn cùng các bạn đọc những điều tôi nhặt nhạnh, tập hợp và tổng kết để thêm một lần ngộ ra Hạnh phúc là gì?
  • Hạnh phúc

    24/11/2008Nguyễn Khắc NhoNhiều người đã suốt đời tu thân tích đức, làm điều thiện, làm phúc, để cầu mong cho mình, cho con cháu họ hàng và quê hương được sống yên vui hạnh phúc. Các câu chuyện cổ tích dân gian của các dân tộc trên thế giới này đều có một điểm chung giống nhau là gửi gắm những ước mơ khát vọng ngàn đời về cuộc sống hạnh phúc của con người vào những bậc thần thánh, những ông phật, bà chúa, cô tiên... có đủ phép nhiệm màu...
  • “Hạnh phúc”, cũng cần học!

    13/05/2007Hạnh Nguyên (London)Một đề tài tờ Daily Telegraph đưa ra đang gây tranh cãi trong những người làm giáo dục ở Anh. Đó là việc cố vấn cao cấp về giáo dục cho Chính phủ Anh, Richard Layard, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế London, đề xuất đưa một môn học mới vào giảng dạy. Môn học có tên là “Bài học hạnh phúc”...
  • Hạnh phúc

    21/02/2007Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupNếu con người không có năng lực để đánh giá sự đúng đắn hay xác lập sự đúng đắn trong khi tiến hành các hành vi của mình thì con người không thể có hạnh phúc bền vững. Nhận thức được các tất yếu sẽ làm cho con người trở nên đúng đắn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một lát cắt trong những luận bàn sâu sắc của TGĐ- Chủ tịch Investconsult Group - Nguyễn Trần Bạt về hạnh phúc. Con đường để có được hạnh phúc, một hạnh phúc bền vững là hành trình tìm ra khuynh hướng đúng đến tận cùng giới hạn và vượt qua...
  • Tiền tài & Hạnh phúc

    22/11/2005TS. Nguyễn Chí ThuậtTrung tâm Thăm dò Giá trị Thế giới đã tiến hành trong năm 2002 cuộc điều tra dư luận với hai câu hỏi được đưa ra: Bạn có phải là người hạnh phúc? và Bạn có hài lòng về cuộc sống của mình?
  • 10 bí quyết cho Hạnh phúc

    25/10/2005Minh Thu1/2 mức độ hạnh phúc của bạn có thể được định hình ngay từ lúc bạn vừa mới chào đời, và thêm 10% nữa là do các hoàn cảnh khách quan quyết định. Có nghĩa là chúng ta còn tớ những 40% cơ hội để tự xoay sở hạnh phúc cho mình. Vậy thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu năm bắt khả năng ngay từ bây giờ ? Và đây là 10 điều kiện mà mỗi chúng ta đều cần có được nhằm mưu cầu một hạnh phúc thực sự cho mình...
  • Bí quyết của hạnh phúc

    17/10/2005Nguyễn Thị Thùy MaiNhiều khi bạn nghĩ rằng phải dư dả mới có hạnh phúc thực sự. Ngược lại, cũng có người nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tồn tại với các cặp vợ chồng thuở hàn vi… Tuy nhiên, hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào cách sống hằng ngày, vào cảm giác, vào quan niệm của bạn về cách hưởng thụ cuộc sống...
  • Bí mật của hạnh phúc (Hạt giống tâm hồn)

    02/08/2005Khi còn ở tuổi niên thiếu, dường như mọi người chúng ta thường nhìn nhận khái niệm hạnh phúc rất đơn giản - đó là đạt được những điều mình muốn. Khi bước vào cuộc sống, chúng ta thực sự đặt chân lên cuộc hành trình tự khẳng định mình, trải nghiệm, khám phá và đi tìm hạnh phúc cuộc sống.
  • xem toàn bộ