Hạnh phúc
Hàng năm cứ vào dịp đầu năm mới, mọi người lại chúc mừng nhau những điều tốt đẹp nhất, chúc mừng năm mới mạnh khoẻ, thành đạt và hạnh phúc. Trong các đám cưới, chữ hạnh phúc là dòng chữ trang trọng to đẹp nhất, hướng tất cả mọi người đều mừng cho lứa đôi hạnh phúc. Nhiều người đã suốt đời tu thân tích đức, làm điều thiện, làm phúc, để cầu mong cho mình, cho con cháu họ hàng và quê hương được sống yên vui hạnh phúc.
Các câu chuyện cổ tích dân gian của các dân tộc trên thế giới này đều có một điểm chung giống nhau là gửi gắm những ước mơ khát vọng ngàn đời về cuộc sống hạnh phúc của con người vào những bậc thần thánh, những ông phật, bà chúa, cô tiên... có đủ phép nhiệm màu. Những tôn giáo có hàng mấy ngàn năm với giáo lý khàc nhau nhưng đều khuyên con người sống thành tâm, kính chúa, đều cầu nguyện cho con người thoát khỏi bể khổ của trần gian, luôn gặp may mắn, thành đạt, để rồi tận hưởng sung sướng, cực lạc ở cõi vĩnh hằng.
Trên quốc hiệu tên nước ta, chữ hạnh phúc là chữ cuối cùng và cũng là mục đích cao nhất mà tất cả đất nước và dân tộc Việt Nam đang hướng tới. Trong thời đại ngày nay, tất cả các dân tộc và mọi người, ai cũng phải thừa nhận rằng mình có quyền được sống tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Mọi hoạt động hàng ngày của mỗi người, mỗi quốc gia và cả thế giới này, tuy rất khác nhau nhưng đều có mong muốn chung là đem lại cuộc sống hạnh phúc trên thế gian này. Vậy hạnh phúc là gì mà con người mong muốn, khát khao, cháy bỏng đến thế?
Hạnh phúc là trạng thái sung sướng, thỏa mãn của con người vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Trạng thái ấy có khi thoáng qua nhẹ nhàng, có khi sung sướng cao độ tràn đầy, có lúc là vui sướng xúc động sâu lắng, có lúc cảm thấy khó diễn tả, lung linh huyền diệu như bảy sắc cầu vồng... Tất cả đều là mức độ khác nhau về sự sung sướng, mãn nguyện của con người. Đương nhiên là ý nguyện càng tốt đẹp, sự thành đạt càng trọn vẹn, thì niềm hạnh phúc càng lớn lao. Đó chính là trạng thái tốt đẹp nhất của con người trong cuộc sống, cho nên ai cũng mong mình có hạnh phúc, được hưởng hạnh phúc. Ai cũng muốn đi tìm hạnh phúc. Nhiều người đã sẵn sàng cống hiến hy sinh cho cuộc sống hạnh phúc của con người, sẵn sàng đem lại, trao lại hạnh phúc cho người khác. Hạnh phúc qủa là mong ước lớn nhất, muôn thuở của tất cả mọi người, là khát vọng bẩm sinh của con người.
Thế nhưng vì sao con đường đi tìm hạnh phúc còn là muôn dặm cách xa? Vì sao có người đi tìm hạnh phúc nhưng lại gặp bất hạnh? Trước hết thử đặt câu hỏi hạnh phúc khởi đầu từ đâu? Tôi cho rằng hạnh phúc bắt đầu từ tình yêu. Một lứa đôi chỉ khi nào yêu nhau thật sự, mới gắn bó giúp nhau vượt qua thử thách, mới trao cho nhau hạnh phúc thật sự trong cuộc sống. Một gia đình hạnh phúc trước hết là gia đình hòa thuận, các thành viên trong gia đình thương yêu nhau, giúp đỡ nhau làm tốt trách nhiệm của mình, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo trưởng thành, đời sống gia đình ấm no hạnh phúc. Cũng từ ngọn lửa của tình yêu mà thôi thúc con người vươn tới mọi ý nguyện và thành đạt. Nếu tắt ngọn lửa ấy thì cuộc sống cũng thật sự không còn nữa. Ở làng SOS ở trường Nguyễn Đình Chiểu, ở các lớp học tình thương trên khắp đất nước, nhờ những tấm lòng vàng về tình thương yêu của con người, mà hạnh phúc đã đến với những con người tưởng như là bất hạnh. Nếu không có tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, thì cũng không thể hiểu nổi thế nào là hạnh phúc. Một tâm hồn, một trái tim lạnh giá, cằn khô, thì làm sao cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến từ tình yêu, chỉ tìm thấy trong tình yêu mà thôi. Tình yêu càng cao đẹp thì hạnh phúc càng lớn lao. Chỉ có con người mới hiểu được mềm hạnh phúc bao la trong cuộc sống, khi ta gắn bó, vui buồn với mọi người. Khi bị mất niềm hạnh phúc ấy, con người mới hiểu nó một cách sâu sắc. Nỗi bất hạnh lớn nhất của con người là sự cô đơn, trống rỗng, bế tắc trong tâm hồn.
Ông Kim Woo Choong từng là Chủ tịch và là người sáng lập ra tập đoàn công nghệ Daewoo của Hàn Quốc, là nhà kinh doanh nổi tiếng giàu có, đã kể lại về quan niệm và hạnh phúc của mình là:
…"Điều quan trọng là cuộc sống vì mọi người. Khi bạn sống vì mọi người thì thế giới sẽ trở nên tươi sáng, ấm áp và hạnh phúc hơn. Cuộc đời khi đó sẽ trở nên đáng sống và tươi đẹp.
Bất cứ thanh niên nào dửng dưng với người khác và chỉ nghĩ đến sự thoải mái, sung sướng cho riêng mình, tôi thấy đều đáng khinh. Người như thế thì không chỉ không biết đến những lợi lộc họ nhận được từ xã hội mà anh ta rõ ràng cũng chẳng biết hạnh phúc là gì.
Tôi nếm vị hạnh phúc thật sự lần đầu tiên khi tôi còn đang bán báo ở Taegu, nơi gia đình tôi lánh nạn. Những ngày ấy chính vì chiến tranh, nên chúng tôi thiếu thốn đủ mọi thứ và có lẽ chết còn dễ chịu hơn. Chúng tôi thường xuyên bị đói, vậy mà một trong những điều trớ trêu của cuộc đời là chính sự đói khát ấy lại đem đến cho chúng tôi lòng can đảm để sống.
…Tôi phải bán ít nhất 100 tờ báo ở chợ mỗi ngày để trang trải những chi tiêu thiết yếu. Mẹ và các em tôi đợi tôi rất khuya để khi tôi về đến nhà chúng tôi có thể ăn cơm tối cả gia đình. Tôi luôn biết ơn mẹ và các em tôi về điều ấy. Tôi thật sự cảm thấy sung sướng khi cả bốn mẹ con ăn cơm cùng nhau. Tôi thật hạnh phúc và chúng tôi rất thích những bữa ăn như thế.
…Tôi phải bán được 100 tờ báo để chúng tôi có cái mà ăn, vì vậy thời tiết xấu có nghĩa là tai họa, vì tối thiểu tôi cũng phải hoà vốn. Có những ngày tôi chỉ kiếm được vài xu để lo bữa ăn gia đình. Những đêm ấy khi tôi về nhà thường mẹ và các em tôi đều đã ngủ và chẳng mấy chốc tôi hiểu ra tại sao họ lại ngủ bởi chỉ có độc một chén cơm và họ đã để dành nó cho tôi. Mẹ tôi dậy để cho tôi ăn và nói: "Cả nhà ăn rồi con chắc đói lắm và mau mà ăn đi”.
Tôi muốn oà khóc khi thấy các em tôi bị mẹ bắt đi ngủ đói, vì cả nhà chỉ còn có một chén cơm. Nhưng tôi giấu những giọt nước mắt của mình cũng như mẹ tôi đã giấu đi những giọt nước mắt của bà. Tôi nói dối rằng đã ăn mì trên đường về nhà, và bảo mẹ tôi với bọn trẻ ăn cơm đi.
Hai mẹ con tôi rõ ràng đang nói dối nhau và chúng tôi đều biết rõ điều đó, nhưng chúng tôi làm sao có thể bộc lộ tình cảm của mình bằng cách khác được? Cho dù khốn khổ đến thế nhưng đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Hạnh phúc là một cái gì đó không thể nắm bắt được giống như cầu vồng hay ảo tưởng. Mẹ và các em tôi đã trao nó cho tôi và tôi trao cho họ. Tôi không thể hạnh phúc hơn thế.
Chúng tôi nghèo vật chất nhưng chúng tôi giầu tấm lòng. Chúng tôi có rất ít nhưng đã cho nhau những gì mình có. Một số người có đủ thứ trên đời, nhưng họ không biết cho, do đó họ không thể là người giầu có được. Người giầu thực sự là người cho rất nhiều, cho những gì họ có, dù ít hay nhiều. Vì vậy ta phải thay đổi các quan niệm hiện tại về sự "giàu có" và trở lại với quan niệm rằng ai biết cách cho mới thực sự là người giầu có trên thế gian này."
Hạnh phúc thực sự là gì? Thực tình tôi không dám nói là tôi biết chắc, nhưng tôi biết rằng hạnh phúc chẳng có quan hệ nhiều đến tài sản, quyền lực hay danh tiếng và có thể nói tôi đã hạnh phúc nhất vào lúc mà chúng tôi nghèo nhất.
…Sống vì mọi người là phải yêu thương mọi người. Là một thành viên trong xã hội bạn phải chiến thắng thói ích kỷ và khôi phục tình yêu với cộng đồng và xã hội. Hạnh phúc chỉ được tìm thấy trong tình yêu và hạnh phúc chỉ đến từ tình yêu.
Bất cứ ai trên thế gian này đều có điểm giống nhau: Chúng ta hết thảy đều muốn được hạnh phúc.
Nhưng các quan niệm, cảm nhận về hạnh phúc của con người là muôn màu muôn vẻ. Ngạn ngữ của Hy Lạp có câu: Người hạnh phúc có ba điều: Khỏe mạnh, giầu sang và có tri thức. Khoẻ mạnh là đương nhiên rồi, vì sự quý giá của sức khỏe trong cuộc sống của con người, nên lời thăm hỏi chúc nhau đầu tiên của tất cả mọi người là sức khoẻ còn giầu sang thường nhiều người mong muốn. Do nhiều lẽ mà có biết bao nhiêu người sự đời làm lụng vất vả mà vẫn phải sống nghèo đói lạc hậu. Chúng ta đang quyết tâm xóa đói giảm nghèo. Thế hệ ngày nay phải chiến thắng được nghèo đói và lạc hậu để đem lại hạnh phúc cho dân tộc, vì cái cơ cực cái nhục của nghèo đói lạc hậu cũng chẳng kém gì cái nhục mất nước. Ai cũng mong muốn được giàu có, cả đất nước đang tập trung phát triển kinh tế để dân giàu nước mạnh. Nhưng giàu có về tiền của chưa đủ để sống hạnh phúc. Cần phải có tri thức có hiểu biết để biết làm giàu và hơn nữa để biết sống với nhau văn minh, thì con người mới có đủ ba điều hạnh phúc. Tri thức ở đây là kiến thức để sống, để làm người. Vì sao vậy?
Có người nói phải giàu có thì cuộc sống mới hạnh phúc, "tiền là tiên là phật". Cuộc sống nghèo khổ, lạc hậu thường dẫn tới mọi khổ đau, bất hạnh. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh ngộ người nghèo khổ phải khóc đã đành, nhưng còn vì sao người giàu cũng khóc"? Xây dựng được một lâu đài sang trọng, có đầy đủ tiện nghi hiện đại, đó là việc khó, là ước mơ của nhiều người. Nhưng con người sống trong lâu đài đó như thế nào, nếu sống thiếu tình cảm, lạnh lẽo, cô đơn, hoặc sống trong mưu toan, thủ đoạn, lo sợ, bế tắc, thử hỏi trong cuộc sống ấy, tình yêu và hạnh phúc của con người sẽ ra sao?
Anh em ruột thịt người thân, ai chả mong cho nhau ăn nên làm ra, giàu có, nhưng lại cần phải giàu có cả tấm lòng nữa thì gia đình họ hàng mới vui vẻ hạnh phúc. Thời buổi cơ chế thị trường không thiếu gì cảnh, có người chưa phải là giàu có những sóng kiểu trưởng giả học đòi làm sang vì thiếu hiểu biết. Lại có người đời sống vật chất đầy đủ dư thừa, nhưng đời sống tinh thần thì trống rỗng, đua đòi, ăn chơi, sa vào tệ nạn xã hội, họ sống giả dối, lừa đảo, thủ đoạn chỉ vì mục đích làm giàu bất chính. Họ quá đề cao tiền của, nên đã bị của cải sai khiến, nô dịch. Họ cứ tưởng giàu có là hạnh phúc, nhưng vì thiếu kiến thức nên dẫn tới bất hạnh. Thật là một nghịch lý, chẳng lẽ trong khó khăn gian khổ con người vẫn tìm thấy hạnh phúc, mà trong dư thừa về vật chất con người lại đi tới bất hạnh.
Cả ba điều hạnh phúc trên đây đều là cần thiết, gắn bó với nhau, nhưng cơ bản lâu dài nhất vẫn là tri thức, cho nên có người quan niệm hạnh phúc chỉ đến trong lao động sáng tạo và trong sự hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Trong thực tế cuộc sống thì hạnh phúc không có sẵn trong tay một ân nhân nào, cha đẻ của mọi vinh quang ' hạnh phúc vẫn là lao động sáng tạo. Có người nói hạnh phúc cũng như của cải, không chỉ tận hưởng mà phải xây dựng, sáng tạo ra. Khi đã vượt qua khó khăn cản trở, những giây phút ghi nhận sự thành đạt chiến thắng, ta cảm thấy sung sướng tự hào, mãn nguyện tưởng như trong mơ, vì phải mất biết bao công sức mới đạt được. Có khi hạnh phúc đến bất ngờ, ngây ngất, tưởng như sung sướng phát điên lên không lời nào tả xiết, vào lúc đó ta càng thấy tự tin là hạnh phúc ở trong tay ta, vì do ta làm ra và do ta quyết định. Sức sáng tạo của con người là vô cùng kỳ diệu, những ước mơ hạnh phúc tưởng như cao xa, táo tạo của con người đang lần lượt trở thành hiện thực. Hạnh phúc như thứ của quý của con người, phải biết bảo vệ giữ gìn nó. Hạnh phúc đích thực không bao giờ tự dưng đến, không thể ngồi chờ để những bất công tội ác tự tan biến đi, cho nên những người cách mạng đã từng nói hạnh phúc là đấu tranh. Có hạnh phúc rồi mà không biết giữ gìn, bảo vệ, chăm lo, sáng tạo, thì hạnh phúc cũng sẽ tan biến mất. Điều này cả bản thân, gia đình và đất nước đều như vậy, vì cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển.
█Sống trong hạnh phúc người ta thường không biết mình sống trong hạnh phúc. Có phần do vô tình, do đắm say. Có phần hạnh phúc ấy do người khác đem lại ban cho, nên người được hưởng thụ không thấy hết ý nghĩa giá trị, hoặc lãng quên công ơn, không biết giữ gìn. Cũng có phần do sống quá sung sướng, sống trong dư thừa của cải và quyền lực, dễ sinh ra bệnh hoạn, hư hỏng, tự đánh mất hạnh phúc của mình. Lại có người quá tìm kiếm hạnh phúc bằng bất cứ giá nào, vì một tham vọng hay mục đích sai lầm, cũng là nguyên nhân gây ra bất hạnh. Hạnh phúc quả là ở trong tay con người, do con người sáng tạo ra, giữ gìn và phát triển mãi mãi.
Hạnh phúc là biết sống vì mọi người. Lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận và tôn vinh mãi mãi những người con ưu tú đã cống hiến suốt đời và hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Biết bao thế hệ đi trước đã cống hiến để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho hôm nay. Biết bao người thân yêu đã trao lại cho ta hạnh phúc trong cuộc sống. Có thành đạt lớn nhỏ nào của riêng ta mà không có sự chăm lo giúp đỡ của mọi người. Cho nên hạnh phúc là biết sống vì mọi người. Hạnh phúc không phải là người sở hữu nhiều mà là biết yêu thương, hy vọng nhiều. Nếu ai chỉ nghĩ tới lợi ích cho riêng mình, dửng dưng với mọi người, không dám chăm lo cho người khác, thì cũng chẳng hiểu nổi hạnh phúc là gì. Vì hạnh phúc có bao giờ đến với sự đơn độc, ích kỷ, cho dù "thiên đường riêng cũng buồn tênh". Khi ta quan tâm tới mọi người xung quanh, khi ta mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác, khi ta sẵn sàng thương yêu con người - có khi chỉ là một củ chỉ việc làm nhỏ - sẽ làm cho chính lòng ta thêm ấm áp và thanh thản? bạn hãy cứ làm việc hết mình đi, bạn hãy sống vì mọi người, biết quan tâm chăm lo yêu thương con người hơn nữa, tự nhiên hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn, tôi tin tưởng ngàn lần như vậy.
Hạnh phúc còn phụ thuộc vào đời sống văn hoá, sự giàu có về tinh thần văn hoá làm cho con người ngày càng hạnh phúc. Vì văn hoá là sản phẩm đặc sắc nhất của con người, là những bậc thang giá trị do con người sáng tạo ra, văn hoá là trình độ "Người” trong quan hệ xã hội. Có người giàu về kinh tế, thậm chí học cao, chức trọng nhưng trong lối sống cư xử với mọi người lại thiếu tôn trọng con người, thiếu công bằng dân chủ và chân thực, không gương mẫu, sống thủ đoạn chỉ vì tham vọng ích kỷ cá nhân.. Đó là những biểu hiện thiếu văn hoá, lối sống ấy chẳng những không đem lại hạnh phúc cho ai mà còn gây ra những điều không vui, nhiều khi khổ tâm bất hạnh, trước hết cho những người thân và người xung quanh. Trong đời thường hàng ngày lời nói không mất tiền mua, một lời nói hay, đôn hậu, như thức tỉnh như cởi mở tấm lòng, nhẹ bớt đi nỗi đau, như còn văng vẳng bên tai động viên ta mãi mãi. Ngược lại có lời nói làm ta ăn không ngon, ngủ không yên, những lời xúc phạm làm ta khổ tâm, có khi ân hận suốt đời Văn hoá được thể hiện trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống hàng ngày từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến việc ăn, mặc, ở lời nói, quan hệ, thị hiếu, thẩm mỹ... thiếu văn hoá con người không thể có hạnh phúc, văn hoá càng cao đẹp thì con người càng hạnh phúc.
Con người chỉ cảm thấy sung sướng khi làm được những điều tốt lành, hoặc may mắn được gặp những người tốt, việc tốt. Những giá trị văn hoá, những chuẩn mực đạo đức luôn luôn hướng con người đã tới chân, thiện, mỹ, để con người được sống sướng, hạnh phúc. Cha ông ta luôn đề cao đạo lý, từ xa xưa đến nay đều coi đức là gốc của con người, khuyên nhau ăn ở có nhân có đức để lại phúc đức cho con cháu muôn đời mãi mãi về sau. Đúng là chữ phúc và chữ đức luôn đi liền với nhau. Làm được một việc tốt trong lòng thấy thanh thản, niềm vui như được nhân ra. Gặp được người tốt việc tốt, ta thấy tin yêu hơn cuộc sống, trong lòng thầm biết ơn và nhớ mãi. Thật là có lý khi thi hào người Đức V.Gớt đã nói: "Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu Trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối". Ngược lại con người sống không có đức, thất đức thì sẽ gây ra đau khổ cho mình và cho mọi người, cả trước mắt lẫn lâu dài. Ai đã chứng kiến cảnh một đứa con hư, bất hiếu, hoặc một việc làm thất đức, sẽ cảm nhận thấy nỗi đau xót bất hạnh của con người như thế nào. Những kẻ đã gây tội ác thường phải sống trong lo sợ, bị xã hội và lương tâm lên án, săn đuổi, trước sau vẫn phải gánh chịu hậu quả. Phúc hay họa của tuổi già là kết quả của quãng đời lúc còn trẻ. Thậm chí theo quan niệm của đạo phật, vòng nghiệp chướng là hậu quả phải gánh chịu ở kiếp này do tội ác ở kiếp trước. Cho nên cần phải tu nhân tích đức và nhớ rằng: Hãy truyền đạo đức cho con cái anh, chỉ có đạo đức mới làm cho chúng sung sướng chứ không phải là vàng bạc.
Trong đời thường hàng ngày, đã có lúc nào bạn cảm thấy sống hạnh phúc. Khi đã yêu, đang yêu có những phút đắm mình trong hạnh phúc. Rồi biết bao nhiêu niềm vui, thành đạt, mãn nguyện - dù lớn hay nhỏ đã cho ta cảm nhận sung sướng hạnh phúc. Người nhạc sĩ đang chơi đàn thấy em nhỏ đội mưa nghé qua khe cửa, chăm chú vui cười đến mơ màng trong tiếng đàn của mình. Nhạc sĩ Trần Tiến coi đó là niềm hạnh phúc quá đơn sơ đã bất ngờ đến với mình, từ "mặt trời bé thơ" đầy cảm xúc yêu quý trẻ và lãng mạn. Cũng gần như vậy, một nhà thơ đã nói về mong ước của lòng mình với đứa cháu nhỏ rằng: Trên đời này không gì sung sướng hơn là được nó yêu tôi? Hàng ngày được đọc một bài báo hay, được xem một chương trình ti vi hấp dẫn, được nghe một bài hát hay, một câu chuyện cảm động, được bữa ăn ngon lành ấm cúng gia đình bè bạn, được gặp những người tốt việc tốt, được hò reo đến vô tư khi xem bóng đá... tất cả đều gợi cho ta cảm giác vui sướng, đó là những niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị và vô tận của cuộc sống.
Vậy là hạnh phúc cũng có mức độ của nó.Còn thế nào là hạnh phúc nhất đối với con người? Khi sự thành đạt, sung sướng, tới đỉnh cao mãn nguyện, ta cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Mỗi người lại thường có những mong ước đỉnh cao riêng của mình. Trong bài văn tốt nghiệp trung học năm 17 tuổi, anh thanh niên Mác đã phê phán việc chọn nghề trên cơ sở quyền lợi ích kỷ hoặc thuần tuý vật chất. Mác viết: "Kinh nghiệm cho thấy rằng, người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất". Khi con người có quan niệm khát vọng hạnh phúc như vậy thì sẽ không cảm thấy gánh nặng sự nghiệp của mình, không sợ gian khổ hy sinh, đó là chí hướng cuộc sống vì con người của Mác. Đó cũng là sự nghiệp của các danh nhân văn hoá, những người anh hùng đã đi đầu trong cuộc giải phóng con người, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, những cống hiến về khoa học và nghệ thuật cho nền văn minh nhân loại. Cuộc sống của mỗi người chỉ có hạn, nhưng những cống hiến của họ thì còn sống mãi trong hạnh phúc chung lớn nhất của mọi người.
Những quan niệm về hạnh phúc phải đặt trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể và luôn phát triển không ngừng theo ý nguyện của con người. Ngày xưa quan niệm: "ăn được ngủ được là tiên", nhưng ngày nay thì: "ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe, trần mà như thế kém gì tiên" (thơ Bác Hồ). Cùng với sự phát triển sáng tạo của con người, yêu cầu về hạnh phúc ngày càng cao, con đường đi tìm hạnh phúc cũng luôn mới mẻ.
Dường như tất cả những mong ước, khát vọng tốt đẹp của con người, được toại nguyện đều là hạnh phúc, từ mềm vui hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ, trong cuộc sống hàng này, đến những giá trị nhân văn cao cả. Cho nên nói tới hạnh phúc là nói tới tất cả cuộc sống vì con người, vì có điều gì thuộc về con người lại không liên quan tới hạnh phúc. Hạnh phúc đã trở thành khát vọng tự nhiên và quyền lợi thiêng liêng của con người, tạo hoá vốn đã ban cho con người có quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc. Hơn nữa ngày nay con người được giải phóng, đang đòi hỏi bức xúc một cuộc sống hạnh phúc đích thực, thật sự và chân chính, chứ không dừng lại ở những điều kiện bước đầu hoặc ở những lời lẽ khẩu hiệu tốt đẹp.
Vì vậy ngày nay mỗi quốc gia đang lựa chọn con đường phát triển của đất nước mình, tuỳ theo quan niệm, điều kiện và khả năng, để đưa cả dân tộc đi tới cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Từ xa xưa, nhà triết học cổ đại Hy Lạp Arít Stot, đã có lời nói gợi mở thiết thực về niềm tin vào hạnh phúc của con người: "Hạnh phúc đến khắp mọi nơi khi xác định được mục đích đúng và có phương pháp đúng".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005