Triết gia Kim Định với minh triết Việt
Từ xa xưa, trong quan niệm phương Đông, Minh triết là những lời khải thị của thánh nhân. Mặt khác, đó cũng là những điều khôn sáng xuất hiện trong dân gian qua những phong dao, tục ngữ… Minh triết cơ hồ được coi như sự linh thiêng, thuộc về thần thánh. Vì vậy học thuật phương Đông chưa hề có việc khảo cứu về Minh triết. Phần nhiều, người ta chỉ đưa ra những lời nói Minh triết rồi từ đó bình, tán. Và không chỉ phương Đông, phương Tây cũng chưa có một khoa học về Minh triết thực thụ. Một định nghĩa thỏa đáng về Minh triết chưa hề có.
Đơn thương độc mã và chịu nhiều sự đả kích, trong 50 năm qua, triết gia Kim Định đã có những khám phá độc đáo về Minh triết Việt. Tiểu luận này bước đầu trình bày những cống hiến của ông.
I. Kim Định, người tách nước sông khỏi nước biển
Trong những chuyện về triết gia Hy Lạp cổ Aesop, có câu chuyện kể rằng, ông thách thức đối thủ của mình tách nước sông khỏi nước biển. Đám quý tộc thành Samos thua cuộc. Tuy nhiên, tách nước sông khỏi nước biển trở thành lời thách đố mọi thời đại.
Phương Đông có cái biển khác: văn hóa. Lục địa mênh mông với nền văn hóa phong phú và rực rỡ, được gọi là văn hóa phương Đông. Người phương Tây với quan niệm Trung Hoa là cội nguồn, là trung tâm của nền văn hóa này nên coi văn hóa phương Đông là văn hóa Trung Hoa. Cách gọi đó mặc nhiên được thừa nhận, không một lời tranh cãi. Người Nhật Bản, Triều Tiên không cãi. Người Việt càng không thể mở miệng khi “70% tiếng Việt mượn từ tiếng Hán”. Các bậc thầy văn hóa như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thành kính tôn học giả Trung Hoa làm thầy.
Nhưng trong tác phẩm Việt lý tố nguyên, Kim Định lần đầu tiên đề xuất sự thật khác: Người Việt chiếm lĩnh Trung Hoa trước, xây dựng trên đó nền văn hóa nông nghiệp lúa nước rực rỡ, được ông gọi là Nguyên Nho hay Việt Nho. Người Hoa chiếm đất của người Việt, đã học văn hóa Việt. Một mặt đúc kết thành kinh điển. Mặt khác làm sa đọa nền văn hóa này ra Hán nho, Tống nho đậm sắc thái du mục, xu phụ triều đình, đàn áp dân chúng,….
Suốt nửa sau thế kỷ XX, hầu hết học giả Việt cho đó là điên rồ, hoang tưởng, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan bệnh hoạn. Nhưng sang thế kỷ này, nhờ những khám phá di truyền học về nguồn gốc dân cư phương Đông, tư tưởng của Kim Định được chứng minh. Không những thế, sự thật được khám phá còn tuyệt vời hơn cả ý tưởng ban đầu của ông: con người không phải từ Nam Thiên Sơn vào Trung Hoa để cuối cùng xuống Việt Nam mà ngược lại, từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa 40.000 năm trước. Là địa bàn phát tích của dân cư phương Đông nên hiển nhiên, Việt Nam cũng là nguồn cội của văn minh phương Đông. Đúng như dự cảm thiên tài của Kim Định, sự thực đã chứng tỏ, khi người Việt làm nên dân cư Trung Hoa thì cũng sáng tạo văn hóa Trung Hoa. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể sáng tạo chữ Viết Trung Hoa. Mọi thành tựu văn hóa kỳ vĩ của Trung Hoa như kinh Dịch, kinh Thi, kinh Lễ… đều là sản phẩm sáng tạo của người Việt! Với việc làm này, Kim Định đã thực sự tách nước sông khỏi nước biển! Ông chỉ rõ, văn hóa Việt là cội nguồn của cái biển văn hóa phương Đông mênh mông và sâu thẳm.
Đấy là khám phá lịch sử văn hóa vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Khám phá này không nhằm thỏa mãn tự ái dân tộc mà cung cấp cái nhìn Minh triết vào lịch sử văn hóa phương Đông. Từ hiểu biết này, ta mới có thể đánh giá vai trò của văn hóa phương Đông đối với quá khứ và tương lai loài người.
II. Kim Định, người khám phá cội nguồn Minh triết Việt
Người xưa quan niệm Minh triết là những lời mặc khải của thánh nhân. Thánh nhân theo quan niệm phương Đông là những kỳ nhân sống ẩn dật, dường như khi được thần thánh nhập, đã khải thị nói ra những lời khôn sáng. Lời khôn sáng của thánh nhân có ý nghĩa như huấn thị, trở thành phương châm sống, tu thân, tề gia, trị quốc của người quân tử. Vì vậy, học thuật phương Đông không đi tìm cội nguồn Minh triết. Điều này dẫn tới thực tế là hàng nghìn năm, Minh triết là cái gì đó linh thiêng nhưng tồn tại lửng lơ.
Không dừng lại ở quan niệm này, khi khám phá Việt nho, Kim Định đi sâu tìm ra cội rễ của văn hóa Việt. Theo ông, văn hóa Việt Nho hình thành từ bốn hạt nhân:
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa
“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là bản thể và cũng chi phối sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang chu lưu trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5: Dương + Âm = 5 = con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo Minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cố định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh
Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Đạo Việt an vi
Để sống được trong mối tương quan như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ bản năng tư lợi mà vì lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
4. Bình sản
Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng vững trên nền tảng kinh tế Minh triết phương Đông: bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là tỉnh điền. Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
Bốn yếu tố kể trên là nguồn gốc của văn hóa Việt cổ. Đó cũng chính là hạt nhân Minh triết. Những hạt nhân này được hình thành từ xa xưa, vào cuối Thời Đá Mới. Nhiều khảo cứu cho thấy, tới lúc này, phương Đông đã trưởng thành về tư tưởng. Cái mà Kim Định gọi là Văn hóa Nguyên Nho hay Việt Nho đã hoàn chỉnh. Thời đại Kim khí với công cụ hữu dụng chỉ tạo phương tiện đẩy nhanh đà văn minh mà không có đóng góp quan trọng nào cho tư tưởng.
Bốn hạt nhân trên giúp ta tìm ra định nghĩa của Minh triết như sau: “Minh triết là sự khôn sáng trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi sống nền văn hóa dân tộc.”
III. Kim Định, người giải phóng dân tộc về văn hóa
Dân tộc Việt từng làm nô lệ của ngoại bang và cũng từng nhiều lần tự mình giải phóng khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, có thực tế là, cho tới nay, chúng ta chưa hề được giải phóng về văn hóa! Cái gánh nghìn cân luôn đè nặng tâm khảm cha ông xưa và chúng ta hôm nay là mặc cảm lệ thuộc văn hóa Trung Hoa. Tiếng Việt vay mượn 70% từ tiếng Hán. Hàng nghìn năm, quốc ngữ của chúng ta được gọi là chữ Hán. Gần như toàn bộ văn hóa của chúng ta là sao chép hay bắt chước chưa tới nơi tới chốn văn hóa Trung Hoa… Bao thế hệ đau đáu nỗi niềm là dân nhược tiểu bán khai!
Phát hiện của Kim Định đã đòi lại cho dân tộc ta chủ quyền của người sáng tạo văn hóa phương Đông. Từ vị trí của kẻ đọc thuê học mướn, hôm nay người Việt Nam chúng ta đầy đủ tư cách nhận lại gia sản kỳ vĩ của tổ tiên. Như vậy, lần đầu tiên dân tộc ta được giải phóng về văn hóa. Đấy là cuộc giải phóng lớn lao nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Kim Định là người tiên phong mở ra công cuộc giải phóng vĩ đại này.
IV. Kim Định, người tìm đường đi cho nhân loại
Ngày nay thế giới đang bước những bước khổng lổ về khoa học công nghệ. Trên nhiều hoạt động, con người đã ngang với thần thánh.
Tuy nhiên, nhân loại cũng đang lâm vào khủng hoảng chưa từng có: cuộc khủng hoảng đường đi! Cuối thế kỷ XX, cuộc thử nghiệm xã hội theo chủ thuyết cộng sản cáo chung. Những người được coi là thức giả hàng đầu thế giới cho rằng lịch sử đã kết thúc. Thế giới yên tâm đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nhưng rồi thực tế chứng tỏ, dù có những thành công lớn lao thì con đường tư bản cũng bộc lộ những bất ổn nghiêm trọng, đe dọa sự sống còn của loài người.
Để cứu thế giới khỏi thảm họa này, những trí tuệ hàng đầu phương Tây cho rằng phải đề cao nữ quyền. Điều đáng buồn, đáng lo là cả thế giới hùa theo, coi như phép màu!.
Tuy nhiên, Minh triết phương Đông chỉ ra, sự thực không phải vậy. Sự lấn át nữ quyền chỉ là một phần rất nhỏ của thảm kịch toàn nhân loại. Do thiếu Minh triết của phương Đông, học giả phương Tây không hề biết rằng, sự hủy diệt thế giới được bắt đầu ở tầm mức lớn lao hơn. Đó là sự mất cân bằng Âm Dương. Chủ nghĩa tư bản, sản phẩm của văn minh du mục tham lam, tàn bạo, đẩy thế giới đi theo chiều hướng dương cực thịnh, âm cực suy, phá vỡ mối cân bằng trong vận động của thế giới. Một cơ chế hoạt động như vậy, tất dẫn tới đổ vỡ. Để cứu vãn thế giới, Minh triết chỉ ra, chỉ đề cao nữ quyền là không đủ mà điều khẩn thiết hơn là lập lại sự cân bằng trong hoạt động của thế giới. Loài người phải cùng nhau đưa thế giới trở lại vận hành theo tham thiên lưỡng địa. Đó là con đường duy nhất cứu nhân loại do Minh triết phương Đông đưa ra từ xa xưa mà hôm nay Kim Định tìm lại cho chúng ta./.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn