Tâm linh: Nguồn sống và nguồn sáng của mùa xuân
1. Giải nghĩa
Nghĩa từ nguyên.
Tâm
(1) Tâmlà trái tim, mặt khác, người xưa cho tâm là vật để nghĩ ngợi, suy tư, những gì thuộc về tư tưởng đều gọi là tâm. Bình dân hiểu là tấm lòng.
Thí dụ: tâm cảnh, tâm địa, tâm lý. (Từ điển Hán-Việt, Thiều Chửu).
(2) Tâm là Ánh Linh Quang từ Đấng Tạo Hóa hay nguồn Sống và nguồn Sáng. Đi vào Tâm, tức là Quy tư về nguồn Vô, tức là nguồn Linh Quang: Nguồn Sống là Lòng Nhân Ái, Bác Ái hay Từ Bi, Nguồn Sáng là Quang Minh, Công lý hay Lẽ công bằng hay Trí Huệ. Nói theo bình dân là Nguồn Tình và Lý.
Linh
(1) Linh: là năng lượng khởi phát từ tâm/quang tâm/minh tâm trường tồn, hiển hiện với thời gian, không gian, nhân tình thế thái.
(2) Linh: thần linh, khí tinh anh của dương gọi là thần, khí tính anh của
âm là linh. Ý nói vật gì được khí tinh anh đúc lại hơn hẳn các vật khác.
Thí dụ: Con người cao quý gọi là Nhân Linh/Hiền Tài/Hiền Nhân; giống vật quý có Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phượng); đồ vật quý (bảo vật), có Tứ Linh Đại Khí (Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh; Tháp báo Thiên, Thăng Long; Chuông Quy Điền chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột), Thăng Long; Vạc Phổ Minh, chùa Phổ Minh, Thiên Trường, Nam Định.
(3) Thần như Bách Thần gọi là Bách Linh. TD: Sơn Linh, Thủy Linh…
(4) Người chết gọi là linh/linh hồn, tức thân xác mất đi, hồn ở lại. Đặt bài vị thờ kẻ chết gọi là Thiết Linh.
(5) Uy phúc không hiện rõ gọi là Linh, như Thanh Linh, cảm là thấy, hình như có cái gì soi xét, bênh vực cho.
(6) Ứng nghiệm/linh ứng như tiên tri, bói toán, làm thuốc mà thấy hiệu nghiệm đều gọi là Linh.
(7) Linh hoạt, nhanh nhẹn, không ngu ngốc xuẩn trệ.
Nghĩa rộng
Lòng, tấm lòng, lòng dạ, tâm can;
Kết hợp: tâm hồn, tâm tình, tâm thức, tâm trí, tâm khảm, tâm đạo, tâm vũ trụ, tâm linh…
Khái niệm tâm linh bắt đầu từ khi những giá trị tinh thần khởi từ tâm qua vô vàn trải nghiệm nghiệt ngã của không thời gian, rồi được mài dũa, chắt lọc, nâng niu và trở thành linh thiêng. Từ đó, được tôn kính dâng lên Ban thờ tối cao của mỗi gia đình và cả cộng đồng.
2. Tâm Linh là Sinh lực và Linh lực, cũng là Nguồn Sống và Nguồn Sáng
Tâm Linh không duy về Tâm để thành hiện tượng Duy Tâm, cũng không duy về Vật để trở thành Duy Vật. Tâm Linh vượt lên, bao trùm cả hai cái đó và hòa cùng với chúng, tạo thành một chỉnh thể trọn vẹn để phát triển trong thế Quân Bình Động.
Nói theo Triết Đông, Tâm Linh là trạng thái đắc Đạo/ Huyền đồng hay đạt Minh Triết. Bởi Triết là Triết triệt dã, tức triệt thượng và triệt hạ, mọi sự phải tác hành triệt để và tới tận cùng để hoàn thiện, để vuông tròn.
Ta có thể giải thích nguồn Sống và nguồn Sáng theo Ngũ hành:
Hỏa
↑
Mộc←Thổ→Kim
↓
Thủy
Trục Tung là trục Tâm linh (Thế giới Vô/Vô cùng): Thuỷ Hỏa là cặp Đối cực qua sự dung hóa của hành Thổ, còn trục Hoành là trục Thế sự (hay Thế giới Hiện tượng): Mộc (sinh vật) Kim (Khoáng chất) là cặp đối cực được giao thoa nhờ hành Thổ. Ngũ hành gồm Vật chất năng lượng, sinh vật và khoáng chất được Thổ dung hóa, trở nên nguồn Sinh Sinh Hóa Hóa của Vũ trụ. Con Người ở vị trí hành Thổ, nên con người cũng được ví là Vũ trụ chi Tâm: Cái Tâm của Vũ trụ. (Hành Thổ cũng giống như Black Hole: Xem SPACE.com/ Warping Time and Space).
Ngũ hành cũng tương tự như Time – Space – Continuum của Einstein, cũng như Lạc Thư (Minh Triết)của Lạc Việt.
Theo thuyết Tam Tài “Nhân giả kỳ Thiên Địa chi Đức“: Người là nơi quy tụ đức của Trời Đất hay Thổ là Kết Tinh của Thủy và Hỏa. Thủy là khí/năng lượng âm, Hỏa là khí/năng lượng dương, âm dương tương thôi sinh vạn vật.
“Thủy Hỏa Vạn vật chi nguyên”: Nước là Nguồn Sống của Vạn vật, Hỏa là Lửa, là Nguồn Sáng. Hỏa tượng trưng cho Thiên, Thủy tượng trưng cho Địa, Nhân là kết tinh của Thiên Địa, nên cũng là kết tinh của Thủy Hoả.
Ngày nay người ta đã tìm ra Tình Yêu ở trong Não. Theo Louis De Broglie thì ánh sáng được truyền vừa theo Làn Sóng hình Sin vừa theo đường thẳng của dòng Hạt Photon (Quang tử). Làn Sóng có tính chất bao che ôm ấp Dòng Hạt Photon như Tình yêu, Lòng Nhân ái, Bác ái hay Từ bi. Còn Dòng Photon thì truyền thẳng tắp như Công lý hay Lẽ Công bằng. Sóng và Hạt không thể tách rời, Tình và Lý cũng vậy.
Trong Thánh Kinh cũng nói Chúa Jesu là Nguồn Sống và nguồn Sáng, Ngài tạo ra Vũ trụ, tức là nguồn Sinh Sinh Hóa Hóa của Vũ Trụ.
Muốn trau dồi nguồn Sống và nguồn Sáng thì phải Quy tư về nguồn Vô, cũng là nguồn Tâm Linh, phải dẹp hết những Suy tư theo Lý trí để vén màn Vô minh hầu tiếp cận với nguồn Sống và nguồn Sáng. Khi sống ngoài đời tức là thế giới Hiện tượng thì phải dùng Lý Trí để sống sao cho: Tuy Ngoài (Gia đình và Xã hội) là Lý, nhưng Trong (Tâm tư) mỗi Cá nhân là Tình (Nguyễn Du). Đó là cách sống “Hợp Nội (Tình) Ngoại (Lý) chi Đạo: Con đường Sống Tình Lý vẹn toàn“. (Việt Nhân)
3. Những giá trị Tâm Linh siêu việt của Văn Hóa Việt Nam
Tâm Linh là trạng thái Vô/Không trong các phép tu luyện sức khỏe, trí huệ như Thiền, Khí công Phật gia, Suối nguồn tươi trẻ, Khí công trường sinh, Hư linh công, Pháp luân công, Thái cực quyền, Mai hoa quyền, Năng lượng Tình thương và hàng trăm môn phái khác. Tựu chung, các phép tu luyện đều lấy Chính Niệm/Ý Niệm/Tập trung tư tưởng làm chủ đạo; Hô hấp/Hít vào-Thở ra làm động lực; Điều hòa Thân-Tâm hợp nhất để tiến tới Không, tới Vô Thức là mục đích.
Kết quả của tu luyện là Tâm và Thân hợp nhất cũng là trạng thái đạt Đạo, đạt Huyền Đồng, đạt Tâm Linh.
Tâm Linh trong Vũ Trụ Quan của người Việt, một Triết Lý Nhân Sinh từ ngàn xưa, khi người Việt “Trông trời mà minh thời” – đó là Chín cái Trông trong nông nghiệp trồng lúa Mễ: “Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.
Tất cả những phong tục, tập quán, lễ, hội, diễn xướng dân gian truyền thống trong sinh hoạt từ thời thái cổ của người Việt từ 10.000 đến 15.000 năm cách nay mà đỉnh cao là thời kỳ Hoàng Kim với Nhà Nước Văn Lang của các vua Hùng đã trở thành những giá trị tâm linh vĩnh cửu mà ngày nay chúng ta kế tiếp, gọi là Văn Hóa Tâm Linh.
Tâm Linh còn thể hiện trong tín ngưỡng và văn hóa ứng xử giữa Thiên, Địa, Nhân của người Việt. Mỗi một phong tục hay tập quán đều mang tính tâm linh sâu nặng.
Một điều mà không mấy ai nhận ra trong tục thờ cúng Tổ Tiên còn gọi là Lễ Gia Tiên và Thần Linh của Việt Nam đã trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới.
Đây là nhận xét xác đáng của các học giả Phương Tây khi nghiên cứu chủ đề Văn Hóa & Văn Minh Việt Nam. Trong cuốn Cơ cấu Việt Nho (1973), của Triết gia Kim Định (1914 - 1997), Chương XII. Điển chương Triết Việt, đã phát hiện những nhận xét xác đáng trên.
Các nhà nghiên cứu đặt ra hai vấn đề: một “Người Việt Nam vô tôn giáo nhất” và “Người Việt Nam là giống người tôn giáo nhất”. Đó là hai nhận xét trái ngược, nhưng Triết gia Kim Định cho rằng cả hai đều đúng. Bởi, chữ tôn giáo đã hiểu theo hai nghĩa khác nhau.
- Nghĩa thứ nhất hiểu là tôn giáo mặc khải, tức có Thánh Kinh, nghi lễ, tư tế, giáo hội. Rất tiếc, điều đó dân Việt tuyệt nhiên không có.
- Nghĩa thứ hai là của ông Linh mục người Pháp là Léopold Michel Cadière, nói rằng người Việt có tinh thần tôn giáo cao độ. Điều này đúng một trăm phần trăm, nhưng nên hiểu là tín ngưỡng. Bởi không đâu trên thế giới có nhiều nhà thờ bằng Việt Nam, đến nỗi có bao nhiêu gia đình là có bấy nhiêu nhà thờ, không kể mỗi làng xã lại có các nhà thờ chung như đình, chùa, miếu, mộ, lăng… của cả cộng đồng.
Khác với bên Tây Âu, phải có linh mục tư tế và linh mục dự tế, ở Việt Nam thì tất cả đều là tư tế. Ông Paul Mus, một học giả nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á trong một câu rất sâu sắc như sau:
”Il n’agit pas, il officie”- Người Việt không làm việc, họ tế tự.
Tế tự ở Việt Nam là tri ân và hiếu đễ với Tổ Tiên, Thần Linh, Đất Trời đã trở thành một tập quán truyền thống cao cả và linh thiêng.
Tâm Linh đã đạt đỉnh trong xã hội Việt Cổ với Nhà Nước Văn Lang của các vua Hùng. Văn Hóa Tâm Linh của Văn Lang là nền tảng của danh hiệu Văn Hiến Chi Bang của các quốc gia Việt sau đó.
Nói Tâm Linh đạt đỉnh, bởi quá trình phát triển của tâm thức con người là từ bái vật, ý hệ đến tâm linh. Thời các vua Hùng trong khoa nghiên cứu lịch sử, các học giả, các chuyên gia gọi là Văn Minh Văn Lang. Theo thuyết Việt Nho và triết lý An Vi thì thời đại này đã đạt cái toàn thể, cái môi sinh tinh thần, cái triết lý nhân sinh từ Nhân sinh quan đến Vũ Trụ quan với bốn tiêu chí: Từ, Tượng, Số, Chế.
Từlà lời nói là văn vẻ, ở đây hiểu là các huyền thoại thời sơ nguyên, trong đó có cả Sáng Thế Ký (Cosmogony) như truyện Bàn Cổ. Với Lạc Việt thì kho tàng ấy gồm 15 truyện trong Kinh Hùng. Mở đầu không có Thần thoại mà toàn là Nhân thoại, tức là toàn các anh hùng văn hóa có đầy hoạt lực để tranh đấu với Thần thoại, với Bái vật. Điển hình là ba vĩ tích hùng tráng của Lạc Long Quân là tiêu diệt Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, giành lại quyền làm chủ cho con người. Tiết Liệu xếp đặt trời đất, tức Bánh Trời để trên Bánh Đất, liên tưởng đến ông nội Bàn Cổ đã thủy phán Âm Dương tạo ra Trời Đất. Nền Nhân Chủ đến cùng cực thể hiện trong nhân vật Thánh Dóng, cũng có tên là Xung Thiên Thần Vương…
Đó là nội dung của Kinh Hùng – đại diện cho Lời/Từ.
Tượnglà những cặp đôi, uy nghi có, cận nhân tình có như: âm-dương, đực-cái, nước-lửa, núi-sông, Ông Cồ-Bà Cộc, Ông Đùng-Bà Đà… Những cặp đôi đó kết tinh lại trong cặp đôi Tiên-Rồng đầy thi vị, biến hóa mênh mông, thẩm thấu vào các ngõ ngách của đời sống bình dị: từ mỹ thuật đến thể chế, ngôn từ, thói tục…
Cái tượng này sẽ kép nét lên, sinh ra bánh dày bánh chưng hay tròn vuông tương hội. Đầy đủ nhất là tổng hòa các sinh hoạt của người Việt Cổ trên họa tiết trống đồng. Với cấu trúc mang đặc trưng Lưỡng Nhất tính của văn hóa Việt, mặt trống là Mẹ Tiên, tang trống là Cha Rồng, giao hòa và sinh sôi đàn con dân Việt, tạo nên khoảng Trống - Thái Nhất Trống Đồng. Các cặp đôi được xắp đặt theo một trật tự pháp tự nhiên đa phương, đa chiều mở, hài hòa theo tiết nhịp của Vũ Trụ (Cosmic rhythm). Đời sống nông nghiệp lúa Mễ với làm-ăn, ca-múa, lễ-hội… hòa cùng thiên nhiên như chim chóc, thú vật, to nhỏ, ngắn dài trải rộng trên mặt trống. Mặt trống được chia làm hai mảnh, bên lẻ, bên chẵn, 3 đôi chim, 4 đôi chim rồi các đoàn người... Đó là các cặp số 2-3, rồi 3 tròn, 4 vuông, số của bánh trời bánh đất.
Vậy, trống đồng được coi là cái tượng chói chang của Huyền sử nước Việt.
Số, về số thì phải tìm trong Tượng. Đây là bộ huyền số của Việt Tộc gồm Vài, Ba, Năm (2+3) và Chín (3x3). Không phải là những con số trong môn Số học.
Vài là Lưỡng Nhất (Dual Unit) – Hai trong Một (đồ hình Âm Dương);
Ba là Tam Tài – Thiên-Địa-Nhân (tài là tác);
Năm/Ngũ là hai cộng ba tức Ngũ Hành. Ngũ Hành là bộ số siêu linh đã bị lãng quên. Số ba trong Tam Tài chỉ con người đầy tác động tính. Số hai chỉ lưỡng thê, tức hai đời sống, một của thế giới hiện tượng, một của thế giới siêu linh mà xưa kia gọi là “hình nhi thượng” tức bên trên hình tượng. Cần con người phải sang qua sông để đáo bỉ ngạn, Kinh Dịch kêu là “lội qua sông lớn” (thiệp đại xuyên). Phải hiện thực được bước lội qua sông này mới tới cõi con người Đại Ngã.
Sau ngũ hành là mấy bộ số kép khác như số 9. Đó là do ba bậc của 3 mà ra, rồi số 18 là hai bậc của 9: 18 đời Hùng Vương, 18 ngàn năm của Bàn Cổ, 18 thước cao của con ngựa Thánh Dóng, 18 đôi chim ở vòng ngoài cùng của Trống Đồng…
Các số này sau được kết tinh vào Kinh Dịch mà khởi thuỷ là “Kinh vô tự” vì chỉ dùng toàn số 2, 3, 5, 9 (nó chỉ trở nên Kinh hữu tự từ lúc Tàu hóa tức Dịch gọi là của Văn Vương và Khổng Tử). Vậy là ta có thể coi Kinh Dịch như nơi kết tinh của số.
Chếlà các thể chế, tục lệ mà nơi tập trung sống động là cái làng Việt. Làng là một nấc thang đi lên Nước, nên tiền nhân nối liền Làng vào Nước gọi là Làng - Nước, cũng như đã nối liền Nhà với Nước gọi là Nhà Nước. Nối liền như thế là không cho phép quan niệm Nước tách biệt khỏi Nhà như trong lối chuyên chế quen lấy thế Nước để bóp nghẹt tỉnh Nhà, trái lại phải quan niệm Nước theo mẫu mực Nhà. Xưa vua quan được gọi là cha mẹ dân (phụ mẫu chi dân) là theo ý đó; cũng như ta thấy lối xưng hô trong gia đình áp dụng cho hết mọi người trong Nước cũng vì ý đó. Dù với người không quen ta cũng xưng là bà, ông, anh, chị, chú, bác mà sâu xa hơn cả là hai chữ đồng bào. Để được gọi mọi người trong Nước là đồng bào thì phải có huyền thoại bọc trứng Âu Cơ để chỉ mọi người cùng chung một mẹ sống trong tình nhà là đùm bọc, san sẻ, yêu thương, bình sản, lấy chữ hòa làm lý tưởng. Người ta cũng có thể gọi mọi người cùng nước là đồng hương nhấn mạnh trên đất nước (quê hương) nhưng tiền nhân ta đã chọn hai chữ đồng bào là nhấn trên mẹ (đất mẹ) để đặt nổi mối tình người, tình nhà, tình nước.
Từ, Tượng, Số, Chế, tất cả đều có nơi kết tinh đó là:
- Kinh Hùng cho Từ
- Trống Đồng cho Tượng
- Kinh Dịch cho Số
- Thôn làng cho Chế.
Nói đến Văn Lang là nói đến nước có lễ trị hay nhân trị. Nhưng lễ trị không phải là một quà tặng vô thường cho loài người vì thế hầu hết chỉ có chuyên chế. Vậy lễ trị chính là thành quả của một cuộc tiến hóa năng động thuộc tâm thức con người từ bái vật, ý hệ đến tâm linh.
Trong xã hội dân chủ ấy sản sinh một mẫu hình đặc trưng mà các nền văn minh khác trên thế giới chưa đạt được, đó là Tự Do và Bình Sản.
- Tự Do vì từ cổ xưa, xã hội Việt là một cộng đồng làng xã, như một đại gia đình với cơ cấu Nhà-Nước, Làng-Nước, Đức Vua-Thần Dân. Cộng đồng có tôn ti trật tự theo tuổi tác, trong xỉ, trọng hiền tài, trọng phụ nữ, mọi người đều có cơ hội như nhau. Cứ đến tuổi thì được vào Hội đồng Kỳ mục. Không có quân đội chính quy, khi có giặc ngoại xâm thì cả nước cùng đánh giặc. Xã hội không hề có phân chia giai cấp, không có chế độ nô lệ, cho dù đây đó vẫn tồn tại số ít người đi ở, làm thuê…
- Bình Sản là ai cũng được tham dự tài sản quốc gia theo định chế, định kỳ quân phân tài sản. Ruộng đất là của chung làng xã (công điền, công thổ), không lấy tư sản làm căn bản, không tuyệt đối hóa quyền tư hữu. Vì vậy không có Tư bản với Vô sản. Chế độ bình sản này kéo dài cho mãi tới cuối thế kỷ 19. Hơn thế nữa, không có phong điền kiến quốc kiểu Tàu hay Tây. Ở Việt Nam có được phong cũng ít người và cũng chỉ được hưởng có một đời. Cho nên cũng không có chế độ phong kiến như đã lạc lối trong nhận thức khoa học chính trị pháp lý về Nhà Nước, dẫn đến thông tin đại chúng sai lệch như hiện tại.
Một xã hội lý tưởng đã từng tồn tại gần năm ngàn năm, với đỉnh cao là Thời Đại Hùng Vương có cội rễ từ hơn một vạn năm, tiếc thay nó đã bị lãng quên với vô số nguyên do khôn biện bạch. Nay nó còn đọng lại như một di sản của triết lý nhân sinh trên nền tảng Nhân Bản Tâm Linh, đó là:
Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh.
· Nhân Chủ tức, con người là chủ nhân, làm chủ bản thân, làm chủ gia đình và làm chủ xã hội, theo nghĩa hẹp. Rộng ra, theo Dịch Lý, Nhân đứng ở vị trí bình đẳng như một Tài trong Tam Tài – Thiên, Địa, Nhân. Khi Trời làm, Đất làm thì Người cũng làm gọi là “Tham thông”, nghĩa là cùng tham dự, cùng làm. Đó là nghĩa trọn vẹn của Nhân Chủ.
· Thái Hòa là không gian giao hòa của vạn vật, là sự giao hòa của Vạn Vật, Việt Nho gọi là “Âm Dương tương thôi”, “Đại Đạo Âm Dương Hòa”. Thái Hòa là sự giao hội người với người, người với thiên nhiên, người với vạn vật. Bởi tính Hòa nên con người không dừng lại ở cá nhân mà vươn tới con người Đại Ngã Tâm Linh, nên có khả năng Hòa Trời, Hòa Đất và Hòa Người. Đó là Đạo Thái Hòa.
· Tâm Linh, ngoài những Hằng Tính vừa nêu trên như: Song Trùng Lưỡng Cực, Nhân Chủ, Thái Hòa, một nét Đặc Trưng khác của Văn Hóa Việt là tính chất Tâm Linh. Tâm Linh là không Duy Vật, không Duy Tâm được biểu hiệu bằng số 5, Hành Thổ, là hành vô hành, hành đạt tới Không để vượt lên, bao trùm và hòa cùng vạn vật. Tâm Linh là Sinh lực và Linh lực, cũng là Nguồn sống và Nguồn sáng.
Tâm Linh là trạng thái siêu việt trong Nghệ Thuật Thư Pháp Việt Nam và Á Đông.
Thư pháp hiểu theo nghĩa đơn giản là cách viết chữ đẹp (caligraphy), cho nên, mỗi một người, mỗi trường phái là một lối thể hiện Thư pháp riêng. Trung Quốc là nơi phát triển phổ quát Thư pháp, nhưng đỉnh cao là ở Nhật Bản với nhiều trường phái khác nhau đã tạo nên Thư Đạo, tức là phối kết hợp pháp Thiền vào bút pháp thư. Tựu chung, Thư Đạo hay Thiền Thư là trạng thái Tâm Thân hợp nhất để đạt tới Hư Không, Huyền Đồng hay Tâm Linh. Những tác phẩm Thiền Thư nổi tiếng đã tải được Đạo một cách tế vi và trở nên huyền diệu.
Tâm Linh cũng là kết quả, thành tựu của Y học cổ truyền và hiện đại Việt Nam và Phương Đông. Những phương thuốc, bài thuốc, vị thuốc, phép chữa trị bệnh của các lương y, thầy thuốc khi đạt kết quả cuối cùng là giải thoát tâm lý, bệnh lý, tật ách, hài hòa âm dương trong con người bệnh, là trạng thái đạt Tâm Linh trong tác hành nghề y.
Suy đến cùng Tâm Linh chính là nền tảng của Văn Hóa Việt Nam từ cội nguồn. Tâm Linh vừa là nền móng vững bền, vừa là cái cột trụ trời, là cõi siêu linh của Văn Hóa Việt.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng siêu việt về cả Văn lẫn Vật, cả Văn lẫn Hiến, tự hào là:
Đất Nước Ngàn Năm Văn Vật và Văn Hiến Chi Bang.
Mạo muội vài lời từ một số lĩnh vực điển hình chắt lọc từ tinh hoa văn hóa dân tộc về Tâm Linh, cái nguồn sống và nguồn sáng mà mỗi sinh linh đều bẩm thụ. Cơ hội đối với mỗi người là như nhau, còn thành công hay thành nhân là tùy thuộc bản lĩnh, trí tuệ, tác hành và một chút may mắn.
Cảm hứng cho một Mùa Xuân Hy Vọng, Xuân Ất Mùi 2015
Ngày Bảo Quang Hoàng Đạo 25, tháng Đinh Hợi, Giáp Ngọ 2014
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập