Kính thưa các Quý vị,
Tôi cũng là độc giả của Văn Hóa Việt Nam (VHVN), đặc biệt là Văn Hóa Việt Cổ (VHVC) từ thời các vua Hùng trở về trước từ 5.000 đến 7.000 năm, bởi vì thời kỳ này rất ít các nhà nghiên cứu Việt Nam đi sâu vào và nó tạo niềm cảm hứng và ấn tượng sâu sắc khi tiếp cận.
Được đọc những bài chia sẻ, tranh luận của các Quý vị xung quanh đề tài VHVN trên các trang mạng, tôi thực sự vui mừng khi ngày một nhiều độc giả, các nhà nghiên cứu về VHVN, nhất là VHVC quan tâm theo dõi. Theo tôi, độc giả có tấm lòng hướng tới VHVC là vô cùng quý, vì cái con đường dẫn đến viên ngọc quý của dân tộc được gọi là viên “Ngọc Long Toại” này là cô đơn và buồn tẻ nhiều khi nhọc lòng vô vọng.
Nhưng những điều bí ẩn, huyền bí đã trở thành huyền thoại thì lại có một sức lôi cuốn mãnh liệt đối với những kẻ đam mê khám phá.
Từ những lời chia sẻ và tranh luận của các độc giả với nhau, tôi thấy lóe lên một nỗi khát khao đi tìm chân lý cho quá khứ đáng tự hào của dân tộc ta trong lòng mỗi độc giả. Đây là tinh thần văn hóa cần được trân trọng, nhân rộng và động viên lẫn nhau đồng hành. Nhất là trong bối cảnh dân tộc đang ngơ ngác, lạc hồn vì hoảng loạn văn hóa dẫn đến suy sụp dân trí và dân khí hiện nay, tinh thần này cần gia tăng gấp bội.
Chân lý là cái mà nhiều kẻ, nhiều dân tộc đi tìm cả thế hệ, cả đời chưa thấy.
Hơn nữa, việc làm sáng tỏ chân lý khởi nguyên của Việt tộc là món nợ của tất cả chúng ta, nó đã bị chôn sâu dưới lớp bụi vạn năm của quá khứ. Chúng ta đã mất hàng ngàn thế hệ mà vẫn chưa tìm ra, vẫn trong vòng kim cô của luận bàn, tranh luận có khi rơi vào tranh cãi vô hồi kết. Những tồn tại:
Chúng ta chưa nhận diện để phân biệt đâu là văn hóa Nông Nghiệp, đâu là Du Mục; đâu là Việt, đâu là Tàu/Hoa/Hán; đâu là Nho nguyên thủy còn gọi Nguyên Nho/Việt Nho với Hán Nho, Tần Nho, Đường Nho, Tống Nho … rồi Hủ Nho…???Mặc dù thực tế không tồn tại nơi nào thuần nông hay thuần du.
Khổng Tử là ai? Khổng Tử viết những gì và bị xuyên tạc, bẻ quặt những gì? Chúng ta hiểu đến đâu Chiến lược thâm sâu, lâu dài nhằm xuyên tạc, tiêu hủy văn hóa, đồng hóa, xóa tên và tiêu diệt người Việt trên bản đồ của Bành trướng Phương Bắc?(Từ thời khuyết sử tới nhà Minh)
Tại sao vậy?
Chung quy ở tại cái cái công cụ và phương tiện. Từ các tranh luận thấy rằng, chúng ta thiếu phương pháp tiếp cận, mặt khác, rừng cổ sử lại quá nguyên sơ và rậm rạp, mặc dù nó rất tầm thường, nhỏ bé nhưng lại nằm sâu trong miền tiềm thức u linh của quá khứ. Cái miền sâu thẳm này cần một công cụ gần như máy “nội soi” hay “chụp cắt lớp” của y học hiện đại để dò tìm. Và bộ máy hiện đại đó trong khám phá cổ sử là Huyền Sử và Cơ Cấu Luận.
Miền tiềm thức u linh mang giá trị văn hóa tinh thần, khi nội hàm tinh thần càng nhỏ thì giá trị càng lớn, ngược lại, giá trị vật chất, thuộc ngoại diên nếu càng to càng hoành tráng. Ở đây đòi hỏi mỗi chủ thể nghiên cứu phải tư duy theo các phương pháp hiện đại của Huyền Sử và Cơ Cấu Luận mới mong thành tựu.
Hai phương pháp này được trình bày rất chi tiết trong Triết lý An Vi của Kim Định (1914-1997).
Xin có đôi lời về tranh luận giữa hai vị Đỗ Kiên Cường và Hà Văn Thùy về tên gọi người Việt trong cổ sử. Ông Đỗ Kiên Cường trích dẫn “người Homo sapiens tới Trung Quốc từ 30.000 năm trước”. Như vậy, cư dân này đã định cư ở vùng đồng bằng hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử và phát triển nông nghiệp lúa Mễ, sau này các nhà nghiên cứu mới đặt tên cho họ là Viêm chủng, Viêm tộc, Đại chủng Viêm Việt, trong đó có tất cả các tộc người như Cửu Lê, Tứ Di, Man, Kinh, Khương, Nhung, Tạng, Hồi, Miến, Bách Việt, Việt Thường … ngày nay là Việt Nam. Cho nên trong các nghiên cứu cổ sử, khi nói đến tên Việt thì ngầm hiểu những cái tên đã dẫn ở trên.
Tên Việt gắn liền với ba mốc phát triển quan trọng.
- Thứ nhất, thời kỳ sơ khai, người Việt đi khai phá bằng rừu và làm nghề nông, chữ Việt được ghi với biểu tượng hình cái qua (rừu đá) gọi là bộ chữ Qua .
- Thứ hai, thời kỳ phát triển nông nghiệp lúa mễ, chữ Việt viết bằng bộ Mễ (lúa, gạo).
- Thứ ba, thời kỳ bị các tộc vùng Tây Bắc tràn xuống kiếm ăn và xua đuổi phải vượt sông Dương Tử về phía Nam, chữ Việt chuyển sang bộ Tẩu (vượt, chạy).
Chữ Việt còn mang nhiều nghĩa như: vươn, vượt, siêu việt … cùng với khoảng gần 20 điển tự, điển tích có gốc từ chữ Việt gắn liền với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, kinh bang tế thế, văn hiến… trải qua suốt chiều dài lịch sử của Việt tộc.
Thời kỳ này được ghi trong cổ sử Trung Hoa và Việt Nam là thời kỳ thuộc huyền sử với những dạng thức sơ nguyên của những thị tộc đầu tiên gắn với văn hóa nông nghiệp được gọi là Tam Hoàng hay Tam Vương thuộc thời Hoàng Kỷ gồm Toại Nhân – Thiên Thần, cặp đôi Phục Hy & Nữ Oa – Địa Thần và Thần Nông – Nhân Thần. Tiếp đến là Ngũ Đế thuộc Đế Kỷ gồm Hoàng Đế, Đế Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.
Tên Việt Nam hiện nay gắn liền với các giống Âu Việt và Lạc Việt là chủ yếu, cùng chung sống với những tộc người bản địa và những tộc người di cư từ lục địa Trung Hoa sau những cuộc xâm lấn, chiến tranh của Bành trướng Phương Bắc.
Các Nho gia xưa đã đúc kết với một tinh thần chung cho các tộc người từng tồn tại trên khắp vùng Thái Bình Dương là “Đồng chủng đồng văn” rất vô tư, khách quan và vạn đại là vậy. Và đến nay vẫn nguyên giá trị, bất chấp những biến đổi phần ngọn kiểu “quan nhất thời” trong tranh chấp chính trị.
Chúng tôi cho rằng, những giá trị văn hóa mang tính nhân bản, nhân văn là trường tồn vượt không gian và thời gian. Nó là mạch sống còn gọi là nguồn sống và nguồn sáng của nhân loại mà mỗi chúng ta là chủ nhân có bổn phận bảo tồn và phát triển.
Xin mạn phép với ông Đỗ Kiên Cường trong mấy chỗ dùng từ không phù hợp gây phản cảm như “Hà Văn Thùy đang chơi bài lập lờ đánh lận con đen”, “lừa gạt”. Theo tôi, các vị đã tương đối hiểu nhau từ nhiều năm và đã trao đổi nhiều thư từ, tức là chấp nhận và tôn trọng nhau như những chủ thể nghiên cứu văn hóa một cách nghiêm túc ở một chừng mực nhất định có thể tranh luận. Cho nên không nên quá lời ở môi trường văn hóa, nơi mà dư luận mong mỏi những ứng xử tế vi và lịch lãm để học hỏi và hướng tới chân lý.
Như đã chia sẻ ở trên, đây là lĩnh vực rất ít người tham gia, cho nên chúng ta nên có thái độ bao dung, động viên, bổ khuyết cho nhau để đồng thuận, đồng tiến tới chân lý cao đẹp và hào hùng của dân tộc.
Kính chúc Quý vị Vạn An!
Lê An Vi
HUYỀN SỬ VÀ CƠ CẤU LUẬN
1. Huyền Sử.
Tác giả Kim Định khởi xướng môn học với lời giới thiệu những khái niệm cơ bản về Huyền Sử để đi tới quan điểm chung trong cách nhìn và khám phá cổ sử cũng như nhận diện một nền văn hóa.
Đặc điểm của Huyền Sử:
- Những sự biến, những mảnh vụn lịch sử, suy tư trong vòng tiềm thức được chọn lọc, gọt dũa, chuẩn hóa của tiền nhân vượt không gian và thời gian.
- Phác họa những hình ảnh văn hóa, những mẫu mực chung của lối sống, cách nghĩ, cảm xúc, là những dạng thức tối sơ có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh và sự biến.
- Lý tưởng được diễn tả bằng các sơ nguyên tượng (archetype), nên gọi là huyền thoại. Huyền thoại có hai thứ là thần thoại (thần làm chủ) và nhân thoại (người làm chủ). Là sơ nguyên tượng của nhân làm chủ.
Huyền Sử là những mảnh vụn của sự biến, câu chuyện lịch sử thiêng liêng, vi diệu được dùng làm phương tiện để tiền nhân gửi gắm vào đó những ý nghĩa sâu xa vượt qua không gian và thời gian của sự biến lịch sử.
Huyền sử thuộc vòng trong tiềm ẩn không nhằm ghi chép sự kiện hay biến cố ngoại diện như sử ký mà cốt nhằm phác họa những hình ảnh văn hóa, những mẫu mực chung của lối sống, nghĩ, cảm, là những dạng thức tối sơ có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh nơi ấy, nên khi nào con cháu muốn tìm ra những làn sóng ngầm của lịch sử dân tộc cùng những cái nhìn soi dọi vào đời sống hiện đại để tìm ra những mẫu mực căn bản thì cần phải mở một cuộc hội thoại thâm thiết với những di bảo nọ. Việc đó có thể gọi theo tiếng nói ngày nay là làm triết lý. Như thế triết lý ở đây là một cuộc đào sâu kinh nghiệm sống của tiên tổ để lấy chất liệu tạo dựng những dạng thức canh tân hợp cảm quan thời đại.
Huyền sử, vì chúng đảm nhiệm được sứ mạng nuôi dưỡng tinh thần dân tộc cũng như ban đầu đã làm cơ sở tinh thần cho Viêm tộc trong thời khuyết sử. Người khai hỏa đầu tiên có lẽ chính là Nietzsche: Ông gọi thần thoại là những chòm sao làm nên vòm trời của văn hóa, của mỹ thuật nhất là thi ca, điêu khắc, hội họa, đến nỗi nếu phế bỏ thần thoại thì hầu hết mọi nền văn hóa và mỹ thuật sụp đổ. Khi rở lại những trang đầu lịch sử các dân tộc đều thấy chỉ có thần thoại, đến nỗi ta có thể ví những trang đầu lịch sử như tuổi thơ ấu của một dân tộc. Một người khi còn thơ ấu thích mơ mộng, thì mỗi dân nước cũng có giai đoạn khai sinh nằm chìm vào cõi âm u đầy mộng tưởng, dự phóng… và thường được truyền lại về sau như có thực, mà quả nhiên có thực không cách này thì cách khác, vì sự thực có nhiều khía cạnh: khía cạnh khách quan chưa biết lớn hay nhỏ nhưng khía cạnh tâm lý, tình cảm, mỹ thuật “thì có thực và rất lớn lao”, đến nỗi không thể và không nên đem ánh sáng “khoa học” thực nghiệm vào để đánh giá. Làm thế là kéo sụp đổ cả một vũ trụ tâm linh, tình cảm, mỹ thuật.
Hiện nay những điều nhận xét trên đây có thể tìm thấy nhan nhản trong rất nhiều địa hạt: Triết học (xem Mythe et métaphysique của Gusdorf) Nhân chủng học (Levi Strauss), Xã hội học (Gurvitch…), nhất là Phân tâm (Freud và nhất là Jung) v.v… Tất cả đều khám phá trở lại giá trị của thần thoại đến nỗi có thể nói bầu khí văn hóa thế kỷ trước là Logos (duy lý) thì thế kỷ này là Muthos mà ta có thể dịch là vô ngôn. Như thế là chúng ta đang tiến từ giai đoạn hữu ngôn (Logos) của thế kỷ trước để đi sang Vô ngôn ở thế kỷ này với hậu quả là những “khám phá” của Fraser, Durkheim, và Levy Bruhl về “Tư tưởng tiền niệm của những sắc dân man rợ”đến nay bị coi là những sai lầm vì đã không hiểu nổi ngôn ngữ của thần thoại. Sở dĩ gọi là vô ngôn vì chữ thần thoại cùng gốc với chữ câm (Muthos = mutus) nhưng không là câm vì tật nguyền mà vì óc tế vi trước những cái âm u sâu thẳm của con người không thể nói ra nên phải dùng lối “Nói mà không nói” của những thần thoại truyền kỳ: nó không nói cho lý trí, là lối nói thẳng = nói sao hiểu thế, mà nói đây phải hiểu kia, phải vượt ra ngoài lời để tìm giữa những dòng chữ những khe lời, sâu trong lời cái nghĩa tàng ẩn của nó, y như trong cách “Ý tại ngôn ngoại”.
Như vậy huyền thoại là một lối nói bắt người nghe phải vận dụng nhiều cơ năng: không những lý trí mà cả tâm tình, nên gọi là lốinói với tâm hồn. Chính vì vậy nó trường tồn vì in sâu vào trong tiềm thức con người. Thời duy lý không hiểu được điều đó, tức không hiểu tượng trong hình, tâm trong thân, hồn trong xác (đều vô hình), nên không thể tiếp cận, hay tiếp cận cũng không thể khám phá, dẫn đến mỉa mai, bôi nhọ, đập phá và vứt bỏ huyền thoại. Đó là bên trời Tây, tính Duy sử, Duy vật đã rơi vào bế tắc.
Bên các nước chậm tiến thì các ông duy sử vẫn còn đang say sưa với “khoa học” nên vẫn còn đập phá mạnh, gây nên cái mà học giả Phương Tây kêu là “Lòng nhiệt huyết của đám tân tòng” (le zèle des néophytes) ở tại muốn “khoa học” hơn các nhà sáng lập ra khoa học, thí dụ sách Hàn Phi Tử mà Hồ Thích cho là tạo mới hết chỉ giữ lại có 7 chương! Một tay duy sử như Maspéro mà còn phải cho đó là quá đáng (Maspéro 431, 441). Về Kinh Thư rất nhiều học giả bên Viễn Đông (Naito, Hồ Thích v.v…) cho là bịa hầu hết, nhưng các học giả như ông Creel hay Needham sau khi đã đọc rất kỹ các văn tự khắc trên đồ đồng nhà Thương (thế kỷ 17-12) lại cho là đáng tin cậy đến hơn một nửa… (Creel 241, 253). Sở dĩ có hai sự khác biệt giữa duy sử Đông Tây như vậy là vì óc duy sử có bên Tây trước nên đã ngấu đủ, còn bên Đông mới có sau, chưa kịp vượt qua giai đoạn mà tâm lý kêu là “dùng lúc không cần” (usage gratuit). Người mới mua cái xe lần đầu bao giờ cũng đi nhiều hơn là việc đòi hỏi. Các ông duy sử Phương Đông cũng vừa mới tậu được “chiếc xe khoa học” nên bạ chỗ nào cũng áp vào khiến cho những học giả già tay thương hại cho họ là đập phá vì không biết phân biệt phạm vi văn hóa với sử học và sử học với khảo cổ (Danses 27). Khảo cổ vì hoàn toàn câm nín hẹp hơn sử, sử hẹp hơn văn hóa, và văn hóa bao hàm cả óc tưởng tượng. Huyền sử khác lịch sử ở chỗ có dùng huyền thoại nhưng lại đáng tên sử vì được giải nghĩa dưới ánh sáng của định chế, phong tục, cổ tục v.v… là những yếu tố có tính chất lịch sử. Đây là phương pháp không những hợp với khoa học hiện đại (uyên tâm, cơ cấu, triết học đều dùng thần thoại), nhưng còn là một yếu tố cần thiết trong việc đi tìm về nguồn gốc nước ta. Bỏ huyền thoại chúng ta hầu không còn gì để làm tiêu điểm dò đường. Vì trước nhà Đường và Tống thì sử liệu về dân mạn Nam nước Tàu rất hiếm hoi. Giáo sư Wiens kể lại lời học giả Eickskedt đại khái rằng Tư Mã Thiên sinh ở Long Môn thuộc Sơn Tây nên nhất quyết từ chối không để lại gì về dân mạn Nam. Điều đó người Tàu mạn Bắc đều đồng ý.
Tác giả phàn nàn về điểm những học giả Tây Âu chỉ biết ngấu nghiến sử liệu của Tư Mã Thiên hay những sử gia khác mà không chú ý tới việc bẻ quặt do sự bỏ sót nhiều sự kiện, nhất là khi nói đến các dân Man, Di ngoài Hán tộc. “Where fault is found with Chinese history it is with the distorstion resulting from omission of facts particularly in the accounts dealing with the so called “barbarians” or non Han Chinese tribes people” (Wiens 30). Chính vì thế nên sử gia Tàu đã nhắc tới quá ít về những dân Môn, Man, Miêu, Thái, Việt mặc dù hàng bao thế kỷ họ đã cư ngụ ở mạn Nam nước Tàu và nước Trung Hoa hiện nay đã nhiều ngàn năm chính là đất của Việt Thái. Lý do sự bỏ sót đó là họ đã xem di sản Nho giáo xuyên qua lăng kính nhuộm đẫm màu Hán tộc nên chỉ nhìn nhận là có những gì thuộc miền Bắc nước Tàu = an outlook through very darkly (Han) Chinese colored glasses which recognized only what was North Chinese. (Wiens 30)
Có một lý do nữa khiến người Hán từ chối những tài liệu xưa là có lẽ vì họ muốn bảo toàn quyền tác giả tuyệt đối của họ trên Nho giáo cũng như về sự họ là chủ nhân đầu tiên trong nước Tàu. Thế mà những điều này sẽ bị đặt lại thành vấn đề khi người ta chú ý đến tất cả những tài liệu khác, như sẽ làm trong bài này. Vì những lý do trên mà chúng tôi bắt buộc phải dùng đến huyền thoại, truyền kỳ để trám lỗ hổng. Sử liệu thì mới có từ đời Tống, một ít đời Đường, rất ít đời Hán. Trên nữa chỉ còn có Kinh Thư, mà Kinh Thư có lấy gạn thì cũng chỉ đến nhà Thương. Trên nữa chỉ còn là huyền thoại, thế mà đấy mới là quãng hình thành của nền văn minh Nho giáo. Vậy nếu muốn tìm ra phần đóng góp của Việt tộc thì phải tìm ở thời này, và nếu thế thì phải sài đến huyền thoại. Cho tới nay các sử gia kiêng dùng thần thoại vì cho là thiếu nền tảng khoa học, nhưng huyền sử cho rằng có một phương pháp biến huyền thoại thành tiền đường của khoa học, đó là việc dùng Cổ tục học, định chế, ẩn dụ… để “đọc ra” nội dung của truyền kỳ và huyền thoại.
Đó là phương pháp chúng tôi dùng và gọi là Huyền sử.
Sở dĩ mãi cho tới thế kỷ 20 này người ta mới nghĩ tới khai thác huyền thoại là vì tới nay mới đủ yếu tố để có thể dùng. Vì muốn đi vào rừng huyền thoại cách “khoa học” thì đòi hỏi người dùng phải có kiến thức sâu rộng để có thể đối chiếu, người ta quen gọi đó là phương pháp “thiên văn” hay là dùng “thiên lý kính” tức là phương pháp bắt phải lùi rất xa cả về thời gian lẫn không gian để có thể nhìn bao trùm đối tượng.
- Về thời gian phải lùi hẳn về buổi sơ khai lúc còn khuyết sử.
- Về không gian phải nhìn bao trùm cả khối người phương Nam, hơn thế nữa nhiều lần còn phải đối chiếu với các nền văn minh khác.
Có như vậy mới nhìn ra cơ cấu là cái thuộc toàn thể. Chính vì thuộc toàn thể nên nó là cái gì chìm rất sâu dưới miền tiềm thức, cần phải lùi xa mới nhận ra. Đồng thời lại phải nhìn rất rộng bao quát được nhiều khoa cùng hướng như phân tâm, cơ cấu luận, siêu ngôn (métalangage) là những khoa cũng cố gắng nhìn qua đợt ý thức để đặt tầm tiềm thức là địa vực của cái mà Kinh Dịch kêu là Cơ, tức cũng chính là cái mà ngày nay nhà cơ cấu luận đang muốn tìm. Khi xem toàn diện theo lối đó sẽ thấy những hình thái khác lạ, làm điểm tựa cho những quyết đoán mà người không quen sẽ cho là sai. Vì thế ở đây tôi xin đưa ra vài thí dụ thiết thực để xác định.
Trước hết khi nói đến huyền sử thì câu nói phải hiểu theo lối toàn diện, nếu hiểu theo lối thông thường cục hạn thì có chỗ sai, nhưng sai trong tiểu tiết mà lại đúng trong toàn bộ. Thí dụ khi nói đến Hán tộc du mục thì tưởng là rất dễ bác vì từ lúc xuất hiện đã thấy Hán tộc bám sát nông nghiệp cũng như miền Nam nước Tàu vẫn có dân du mục. Thế nhưng nhìn vào cơ cấu uyên nguyên thì lại phải nói văn hóa Hán tộc thuộc du mục. Y như người Ai Cập phần nhiều nông nghiệp nhưng cơ cấu văn hóa là du mục vì nó có những nét thuộc du mục, thí dụ việc tuyệt đối hóa quân quyền, phụ quyền… vì thế trong tam tài của Egypt thì ngôi Ka là cha, ngôi King là con rồi yếu tố nối kết của cha con là Ka-mutef tức cũng là Ka nam tính (xem Jung, Mysterium conjunctionise IV. 1-3). Cơ cấu đã như vậy thì trong xã hội sẽ có những đặc ân tuyệt đối sinh ra mối liên hệ chủ nô, còn cai trị thì thiên về pháp hình… là những nét thuộc du mục sẽ theo bén gót khối dân ấy lâu về sau khi đã đi sang nông nghiệp, như sẽ nói về Hán tộc dưới đây. “Tay thì nông nghiệp mà tiếng là tiếng du mục”.
Ngược lại những dân du mục mạn Nam nước Tàu tuy vẫn còn tồn tại mãi tới tận nay có tới vài chục triệu nhưng vài chục triệu và so với số dân dăm trăm triệu thì lại là thiểu số không đáng kể, phương chi trong cái nhìn tổng quan của huyền sử về cơ cấu thì các dân thiểu số đó lại mang đặc tính chất nông nghiệp. Đấy là điều nhà quan sát kiểu thường ít chú trọng. Còn một điểm nữa phương pháp hay mắc phải đó là không nhận ra ý nghĩa biến đổi của cùng một danhtừ, thí dụ cũng là chữ Miêu, chữ Mán, Mường mà mỗi đời mỗi nơi gọi khác nhau. Cùng là dân Dao nơi Quảng Đông Quảng Tây mà khi vào Bắc Kỳ thì lại kêu là Mán, Mường (Wiens 67). Chữ Miêu hiện nay thường chỉ mấy dân thiểu số ở Quý Châu là từ đời Tống, nhưng trước kia đời Đường gọi là Mán, đời Tống là Miêu Man, thời nhà Chu gọi là Kinh Man cũng có khi gọi là Tràng Sa Man, Ngũ Khê Man, Ngũ Lĩnh Man, Nam Man…
Vậy trong khi nghiên cứu nên xác định nội dung mỗi danh từ theo thời đại và khu vực. Khi nhìn toàn diện theo kiểu Huyền sử thì Miêu là Man, là Môn, là Thái, là Việt (Âu Việt, Miêu Việt, Lạc Việt) mà chúng tôi quen gọi là Viêm Việt, để chỉ tất cả những dân đã cư ngụ ở miền Nam nước Tàu, đúng hơn là 9/10 diện tích nước Tàu, nhưng thường sử gia quên đi và cứ sài đại ý niệm nước Tàu hiện đại cho những thời kỳ nước Tàu còn nhỏ xíu. Hiện nay đã có một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh điểm này. Trong khi nói Viêm Việt là chúng tôi chỉ có ý đối chọi một quảng đại quần chúng trong đó Bách Việt đứng đầu với một thiểu số người xâm lăng trước kêu là Hoa sau kêu là Hán, mà không có ý đả động đến vấn đề nhân chủng học. Thí dụ Miêu có phải là Mán hay Tam Miêu chăng. Vấn đề này xin để trong ngoặc vì có giải quyết đằng nào cũng không phương hại đến vấn đề toàn diện giữa Nam Man một bên và Hán Hoa bên kia. Hiểu như thế mới trả lại cho chữ Man (Môn, Mân, Việt, Mường, Thái…) ý nghĩa uyên nguyên của nó bên ngoài nghĩa khinh miệt mà lúc sau người Hán quen gán cho rồi chúng ta cũng hùa theo. Đó là vì đã hiểu theo nghĩa hẹp chỉ một sắc dân sống trên núi rừng xa văn minh thành thị, nên kêu là Mường, Mán, Mọi… Còn chính ra khi hiểu theo nghĩa rộng tức chỉ cả miền Nam nước Tàu thì tên đó không có gì là quê mùa mọi rợ cả. Nó cũng là một tên như bao tên khác Hán, Hoa, Mông, Tạng, Việt… Vì thế khi vua nhà Chu muốn phong vương cho vua Sở thì vua nước này trả lời: “Chúng tôi là người Man Di có cần chi tới chức tước của Tàu”. (Wiens 80)
Nói thế vì lúc đó nước Tàu cũng còn rất nhỏ, như sẽ xác định thêm về sau.
2. Cơ Cấu Luận.
(Nguyễn Tiến Nam giới thiệu, vietnamvanhien.net)
Có thể nói Cơ Cấu là một cố gắng vượt qua những cái dị biệt, tạp đa để đạt tới những nét căn bản nhất của bất cứ một môn học nào. Nói đến nét căn bản có nghĩa là nói tới Tổng Quát. Nhưng không là một cách tổng quát dựa trên lý trí, sự tổng quát ở đây không nhằm mô tả sự kiện như khoa Nhân Chủng học trước kia đã làm, mà cách Tổng Quát của Cơ Cấu, có nghĩa là cái gì uyên nguyên hơn, tế vi hơn, vô hình hơn, do đó có sức bao quát hơn nhiều. Claude Lévi-Strauss đã nghiên cứu rất tỉ mỉ về nhiều mối Liên Hệ Thân Tộc trong Thân Tộc học hoặc nhiều loại Huyền Thoại trong Huyền Thoại học của nhiều nhóm dân khác nhau, sau phân tách bên ngoài những dị biệt, ông tìm ra được rất nhiều nét giống nhau giữa các huyền thoại hay liên hệ thân tộc. Căn cứ vào đó, ông kết luận rằng có một Bản Tính Đồng Nhiên cho mọi con người không phân biệt màu da, dòng máu…và do đó đi đến kết luận là có những Luật Bất Biến chi phối mọi hoạt động của con người cổ cũng như kim. Luật này Không Ý Thức được dễ dàng. Nó nằm ngầm dưới Vô Thức, đưa ra những dạng thức bắt buộc Ý Thức phải tuân theo. Vì thế chỉ cần tìm ra được cái Cơ Cấu Vô Thức nằm ngầm trong mọi định chế, thói tục là tìm ra Nguyên Lý giải thích các thể chế, thói tục, thần thoại khác.
Đó là lý do khiến các các nhà Cơ Cấu học nuôi hy vọng có thể sắp xếp hàng trăm các nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp đối chiếu, vào một mẫu số chung nào đó, vì văn hóa là những hình thái khác nhau của Cơ Cấu Tâm Thức của mỗi dân tộc. Theo Lévi-Strauss, Cơ Cấu Tâm Thức ấy được hình thành ngay từ bước sơ khai của mỗi dân tộc, và do đó ông đề cao những huyền thoại của những trang đầu lịch sử.
Sau khi nghiên cứu vô số những huyền thoại kèm với thể chế, thói tục…của nhiều sắc dân, chủng tộc thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp mới của Cơ Cấu luận, Lévi-Strauss tóm tắt công trình nghiên cứu của mình bằng cách đưa ra bốn nét đặc trưng của Cơ Cấu như sau:
- Cơ Cấu vượt lý trí để sang bình diện tiềm thức
- Cơ Cấu chú ý đến những mối liên hệ giữa các hạn từ hơn là những hạn từ riêng rẽ.
- Cơ Cấu là đứng ở toàn cảnh nhìn vào từng phần và tìm cách giải nghĩa từng phần bằng cách đặt chúng trong tương quan với toàn bộ. Chính mối tương quan vô hình định tính các loại văn hóa. Thí dụ Lévi-Strauss phân tích bốn loại Giao Liên với những ký hiệu sau:
+ Giao liên có tính cách Tương Liên + Giao liên Đảo Lại + Giao liên xây trên Quyền Lợi + Giao liên chú ý đến Nhiệm Vụ
- Điểm cuối cùng và nổi bật của Cơ Cấu là tìm ra những Luật Chung từ những Mô Hình, Dạng Thức đã được phác họa để suy diễn và quy nạp.
Theo Lévi-Strauss, muốn tìm ra Cơ Cấu chung nêu trên, thì phải đẩy sự phân tích sâu xa đến Trung Độ, vì cái lương tri bất biến của Bản Tính con người là hệ thống những NIỆM THỨC nằm xen kẽ giữa Hạ Tầng và Thượng Tầng Kiến Trúc. Nhờ vị trí Trung Gian đó, mà chúng trở nên LƯỠNG DIỆN, tức vừa có tính THƯỜNG NGHIỆM mà lại KHẢ TRI (empirique et intelligible). Là Thường Nghiệm nên Biến Đổi, còn là Khả Tri nên Bất Biến, nghĩa là chúng vâng theo một số Mẫu Mực trở đi trở lại, vì chúng xuất phát từ một Lương Tri luôn luôn Đồng Nhất với mình. Do đó, chúng vượt lên trên quan điểm xã hội hay biến đổi. Điều quan trọng là tìm ra những Cơ Cấu đó.
Chúng tuy không có nhiều nhưng rất khó tìm, vì chúng bị chôn vùi dưới những phạm trù lý trí, những dạng thức do trí con ngưới tạo ra hoặc những tổ chức đa dạng trong xã hội. Trong mục đích tìm hiểu Cơ Cấu Vô Thức cơ bản đó, Lévi-Strauss đề nghị KIẾN TẠO ra những DẠNG THỨC để làm dụng cụ quan sát và xếp loại từ những dữ kiện thâu lượm được trong vùng tiềm thức, vì Tiềm Thức là miền âm u mờ mịt như biển đại dương, nên không thể y cứ vào cái gì để làm tiêu điểm. Những dạng thức được kiến tạo ra KHÔNG có phần Cảm Giác CỤ THỂ (sensible), nhưng lại có phần KHẢ NIỆM (intelligible). Nói cách khác, dạng thức làm cho ta lùi xa thực tại, vì đánh mất phần cảm giác cụ thể, là cốt để Nắm Vững hơn được Thực Tại bằng Khả Niệm Tính, kiểu như khoa học Vật Lý cũng cắt xén sự vật bằng những phương pháp trừu tượng hầu chế ngự thực tại.
DẠNG THỨC của Cơ Cấu luận tương tự Phạm Trù của triết gia Kant, còn CƠ CẤU giống như Niệm Thức của Kant, nghĩa là một thứ TRUNG GIAN vừa có tính chất Cảm Giác CỤ THỂ hầu đi sát sự vật, lại thêm tính chất Lý Luận TRỪU TƯỢNG để sắp xếp sự vật. Do đó, Dạng Thức được kiến tạo có lý do tồn tại của nó nên đã xuất hiện nhiều lần, nhưng với Lévi-Strauss thì được khai triển một cách triệt để và hệ thống.
Trong khi đi tìm những chất liệu để kiến tạo dạng thức, Lévi-Strauss chú ý đến ĐIỂM NỐI đã hiện hình trong lãnh vực liên hệ. Đây là một điều Tối Quan Trọng, nhưng không được chú ý cách đầy đủ trong các khoa liên hệ. Xu hướng chung là chỉ chú ý có một phía : Triết thì chú ý Lý Trí, Sử thì Duy Kiện, Ngôn Ngữ thì Ngữ Luật. Không có khoa nào chú trọng đến ĐIỂM NỐI giữa Ý Thức với Tiềm Thức, Cảm Xúc vơi Khả Tri, Văn Hóa với Thiên Nhiên. Và vì vậy tất cả đều bị lên án là MỘT CHIỀU hay ĐỘC KHỐI. Lévi-Strauss đã muốn bù đắp chỗ đó bằng nghiên cứu những Điểm Nối Hiện Hình như tục CẤM LOẠN LUÂN là Điểm Nối trong Thân Tộc học giữa Nhiên Giới (l’ordre naturel) và Nhân Giới (l’ordre culturel), HUYỀN THOẠI là Điểm Nối trong Huyền Thoại học giữa Ý Thức và Tiềm Thức, giữa Sử Hàng Ngang (histoire diachronique) và Sử Hàng Dọc (histoire synchronique)…vvv…
Trên con đường kiến tạo một Lý Thuyết mới mẻ trong khoa học Nhân Văn là Cơ Cấu luận (Structuralisme) mà nội dung được đúc kết bằng Phương Pháp Cơ Cấu (Méthode Structurale), Lévi-Strauss đã sử dụng rất nhiều chất liệu trong Huyền Thoại học (Mythologie). Vì vậy, HUYỀN THOẠI (Mythe) đóng một vai trò rất quan trọng trong Sự Nghiệp của ông. Mà Huyền Thoại thường xuất hiện vào thời đầu của Lịch Sử con người, do đó muốn hiểu một chút bầu khí, khung cảnh của Huyền Thoại, ông phải đi nghiên cứu sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của các Sắc Dân Thiểu Số còn sót lại ngày nay. Công việc này được Lévi-Strauss đúc kết trong tác phẩm “La Pensée Sauvage”.
***
Những ngộ nhận tai hại về Huyền Sử & Cơ Cấu Luận
Một số nhà khoa học duy vật, duy lý, duy sử Marxist chính thống gọi huyền thoại và rất nhiều công trình nghiên cứu độc lập là “ngoài luồng”, là những chứng cứ huyền ảo, không rõ ràng, không thật của nó và bị chụp một cái mũ “Không có cơ sở khoa học”. Các nhà nghiên cứu “ngoài luồng” ngớ người và ngậm bồ hòn làm ngọt vì cơ quan ngôn luận của mình là dân dã.
Đây là một nhận định ấu trĩ về kiến thức ngôn từ và tri thức khoa học đích thực. Bởi những phát ngôn này xuất phát từ những nơi đào tạo theo lối kinh viện, giáo điều một chiều cứng nhắc của khoa học duy lý, duy vật đã từng phá sản ở Châu Âu. (X. Nietzcher, Heideger & Jasper)
Khi lạc vào thế giới vô hình, cõi tiềm thức sâu lắng hay những mảnh vụn của các sự biến thì họ không có công cụ để nhận diện bản chất sự vật, hiện tượng, mà công cụ này chính là “Cơ sở khoa học” đích thực mà họ không được trang bị. Đây cũng là lý do các nhà khoa học duy vật tự đóng cửa chính mình, thụ động và tự hài lòng nấp trong trường ốc hàn lâm của mình. Nguy hại hơn, họ đã phạm vào văn luật tắc của tiền nhân là “giết muôn thế hệ”. Họ đã từng đi vào ngõ cụt và nay đang xoay hướng, tìm cách tự chế cho mình một “Ống kính Đa năng” để soi vào cõi vô biên của Vũ Trụ.
Hơn thế nữa, “Ống kính Đa năng” này cần được hoàn thiện không ngừng để đáp ứng những nhu cầu vô hạn của con người.
Một lời cảnh báo của Vạn Thế Sư Biểu Khổng Tử:
“Lầm lẫn về Thuốc thì giết một vài người, lầm lẫn về Quân Sự có thể giết một đạo quân, nhưng lầm lẫn về Văn Hóa thì giết muôn thế hệ”.