Bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia Kim Định
Tôi xin trình bày ba vấn đề: Thứ nhất, đôi dòng về cuộc đời triết gia Kim Định. Thứ hai, bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia kim Định. Và thứ ba, thử đánh giá công hiến của triết gia Kim Định...
I. Đôi dòng về cuộc đời triết gia Kim Định
Triết gia Kim Định sinh ngày 15.6.1914 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp triết học tại Chủng Viện Giáo Hoàng Sait Albert Le Grand, ông dạy triết tại Đại Chủng Viện Bùi Chu (1943-1946). Từ năm 1947, ông sang Pháp 10 năm nghiên cứu về triết học tại Học viện Cao học Trung Hoa (Institut des Hautes Etudes Chinoise) để thu thập tài liệu xây đắp nền triết lý Việt Nam.
Trở về nước năm 1957, triết gia Kim Định dạy triết Đông tại Học Viện Lê Bảo Tịnh, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Đà Lạt. Từ năm 1960, ông bắt đầu xuất bản những cuốn sách về triết Việt: Dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, Cửa Khổng, Triết Lý Giáo Dục, Nhân Bản, Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam...
Trong suốt 16 năm trời tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, ông đã im lặng xây dựng hệ thống triết lý Việt Nho. Từ Đại Học Văn Khoa Sài gòn, ông mở rộng mặt trận tới Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này ông đã sáng lập chủ thuyết Việt Nho và An Vi.
Sau Tháng Tư năm 1975, ông di tản sang Hoa Kỳ. Tại đây, ông tiếp tục nghiên cứu, trước tác và xiển dương triết Việt cùng văn hóa Việt. Năm 1987, tại hội nghị Quốc Tế về “Khổng Học Với Thế Giới Ngày Nay” (International Symposium on Confucianism and the Modern World) tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan, qui tụ 400 học giả khắp thế giới, Triết gia Kim Định cùng với Lm Vũ Đình Trác đã thuyết trình đề tài “Đạo Trường Chung Cho Đông Nam Á” (A Tao-Field for South East Asia). Bài tham luận đã gây tiếng vang rất lớn trong giới Nho học Á Châu. Sau đó ông còn tham dự Hội Nghị Triết Học tại Brighton Anh Quốc năm 1988 (The World Congress of Philosophy) – Hội Nghị Triết Học Á Châu và Bắc Phi lần thứ 33 tại Toronto Canada năm 1990 (The XXXIII International Conference on Asian and North African Studies).
Do công khai thác và biên khảo, sáng tác của giáo sư, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn ông là Triết Gia Việt Nam. Ảnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của ông đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của ông đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý qua tổ chức An Việt. An Vi đã như một luồng gió mang tinh thần dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư. Ảnh hưởng của Triết Gia còn lan rộng tới các học giả, triết gia Âu Mỹ và Viễn Đông.
Triết gia Kim Định từ trần ngày 25 tháng 3 năm 1997 tại dòng Đồng Công hải ngoại, Carthage, Missouri, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi. Ông để lại bộ triết Việt Nho và An Vi, gồm 42 cuốn, với ngót 8000 trang in, mở ra kỷ nguyên mới cho văn hóa dân tộc.
II. Bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia kim Định
Những năm học ở Chủng Việt Giáo hoàng tại La Mã và Học viện cao học Trung Hoa tại Paris đã giúp ông có điều kiện thu nhận khối tri thức khổng lồ về văn minh nhân loại. Có thể nói là, ngay bước khởi đầu, Kim Định được trang bị năng lượng tri thức ở tầm mức hàng đầu của nhân loại. Trong khi phần lớn học giả trong nước phải lần mò chủ yếu trên những trang cổ thư Trung Hoa cùng một vài tài liệu phương Tây hiếm hoi thì Kim Định được bơi trong biển kiến thức mênh mông về phương Đông mà phần quan trọng đã được giải mã theo nhãn quan khoa học của các học giả phương Tây. Tiếp đó, trong suốt cuộc đời, Kim Định đã không ngừng tự học, trang bị cho mình những tri thức mới nhất của nhân loại từ khảo cổ học, nhân chủng học, văn hóa học, ngôn ngữ học, phân tâm học, huyền học, hiện tượng học, cấu trúc luận và những kiến thức của khoa học vật lý hiện đại… Chính nhờ vậy, cái nhìn của ông không bị giới hạn trong phạm vị khu vực hạn hẹp mà là cái nhìn toàn thế giới với nhãn quan khoa học liên ngành. Trong khi phần lớn học giả người Việt chỉ biết văn minh Trung Hoa từ sau thời Tần Hán thì Kim Định có điều kiện để nhận ra rằng, cái khoảng trống trước Tần Hán mới là quan trọng, mới là quyết định cho văn hóa phương Đông. Khi kiên tâm cày xới mảnh đất còn hoang hóa đó, ông đã nhận được những tín hiệu mang ý nghĩa định hướng sáng suốt về những yếu tố làm nên nước Trung Hoa cổ: “Không nên nói nước Tàu mà phải nói những nước Tàu: có nuớc tàu mạn Bắc gọi là Cathay, có nước Tàu mạn Nam gọi là Manzi. Có nước Tàu mạn Bắc mặc áo len lông thú, uống sữa. Có Tàu xanh phương Nam mặc áo bông ăn gạo. Có Tàu đường sá, có Tàu sông ngòi, có Tàu ngựa xe, có Tàu thuyền bè.” (Paul David: Arts et Styles de la Chine, Larouse 1951). Không chỉ vậy, ông còn được những gợi ý về phương pháp luận tìm sự thực qua huyền thoại, truyền thuyết của Marcel Granet, Paul Mus… Triết gia Kim Định cũng là người rất sớm sử dụng cấu trúc luận trong nghiên cứu. Quan niệm triết là triệt - triệt để, nên ông luôn đặt nhiệm vụ khám phá tới chiều sâu tận cùng của mọi đối tượng nghiên cứu bằng cách truy tìm bốn tầng cấu trúc của chúng, bắt đầu từ thể tức thể chế - là tên gọi, hình thức tồn tại của đối tượng, đến từ - ngôn ngữ phản ánh đối tượng, rồi ý – tư tưởng của đối tượng và cuối cùng là cơ – cơ cấu của đối tượng. Chính nhờ vậy, sau nửa thế kỷ tốn tại, sách của ông không những không cũ mà vẫn nói với ta những gì sâu nhất không chỉ về tri thức mà cả trong chiều sâu thẳm của tâm linh Việt. Có thể nói, chính Kim Định là người mở đường đưa ta vào tận đáy sâu của minh triết phương Đông.
Hôm nay, tôi xin trình bày hai cống hiến lớn nhất của triết gia Kim Định.
Từ nửa thế kỷ trước, ông tuyến bố:
Người Việt chiếm Trung Hoa trước người Tàu và người Việt đã xây dựng nền văn hóa nông nghiệp Việt nho nhân bản và minh triết. Người Hoa đã học rồi thể chế thành kinh điển đồng thời cũng làm sa đọa Việt nho theo tư tưởng của văn minh du mục Mông Cổ.
Từ chứng lý rất mong manh, Kim Định cho rằng, chính người Việt là chủ nhân của kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc... Không những thế, tiếng Trung hoa và cả chữ vuông Hán ngữ cũng là của người Việt!
Đề xuất của Kim Định quả đã gây chấn động, như sấm giữa trời quang khiến những đầu óc yếu đuối hoảng hốt và chống trả ông quyết liệt.
Nhưng nay, khoa học đã làm phát lộ một thực tế còn hơn cả dự cảm của Kim Định: Người Việt chiếm lĩnh đất Trung Hoa trước nhưng không phải từ tây bắc xuống mà lại từ chính Việt Nam lên. Và do là cái nôi của dân cư Đông Á nên Việt Nam là cội nguồn văn minh phương Đông. Bằng những chứng cứ không thể tranh cãi, chúng ta đã chứng minh được rằng, không chỉ Dịch, Thư, Thi… là sáng tạo của người Việt mà tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Trung Hoa. Không những thế, chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa...
Tuy nhiên thiên tài của Kim Định là trong văn minh phương Đông vô cùng đa tạp, ông lọc ra Việt nho là nền văn hóa cội nguồn do tộc Việt sáng tạo, gồm bốn thành phần:
Sách của Kim Định xuất bản tại Sài Gòn trước 1975
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa
“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5 vũ trụ! Dương + Âm = 5= con số vũ trụ! Nhưng vấn để đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3 /2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học bất định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.
Quan niệm như vậy của phương Đông khác hẳn quan niệm phương Tây. Vốn từ những người săn bắt hái lượm trọng động, chuyển sang du mục cũng trọng động, phương Tây quan niệm về một phương thức sống năng động, triệt để khai thác thiên nhiên cùng cạnh tranh với những bộ lạc khác. Trong con mắt của người phương Tây, vũ trụ cũng như cuộc sống vận hành theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1. Đó là sự phát triển nóng, dẫn tới Dương cực thịnh, Âm cực suy, cuối cùng là phá vỡ cân bằng của thiên nhiên, của xã hội, gây ra thảm họa cho con người.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh
Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm. Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Quan niệm kinh tế: Bình sản
Hai hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là phép tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là ruộng giếng (tỉnh điền). Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
4. Quan niệm sống: Đạo Việt an vi
Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng và làm việc hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
Bốn yếu tố kể trên là những thuộc tính của văn hóa Việt cổ, làm nên minh triết phương Đông, được hình thành từ xa xưa. Sau khi diệt nhà Ân của người Lạc Việt, nhà Chu, một bộ lạc Hoa Hạ, đã thấm nhuần văn hóa Việt, thực hành vương đạo, tập hợp được phần lớn tâm lực của người dân và trí thức Việt, xây dựng nền văn hóa Việt nho rực rỡ: Hoàn chỉnh chữ vuông tượng hình từ chữ khắc trên giáp cốt và đồng thành chữ viết trên thẻ tre và lụa; san định Ngũ kinh: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Chuẩn hóa tiếng nói theo ngôn ngữ phương Nam gọi là Nhã ngữ… Khoảng 500 năm TCN, khi nhà Chu tan rã, nền văn hóa này sụp đổ theo. Từ thời Tần Hán, văn minh du mục bộc phát đã làm đọa lạc văn hóa Việt nho thành Hán, Tống, Minh, Thanh nho... Suốt 2.000 năm nhân loại lầm tưởng toàn bộ gia tài văn hóa trên đất Trung Hoa là khối thống nhất mà chủ nhân duy nhất là người Trung.
Sự phân định của triết gia Kim Định giúp ta nhận ra nền văn hóa cội nguồn do tổ tiên Lạc Việt sáng tạo để học hỏi và áp dụng trong công cuộc xây dựng đất nước Việt trong tương lai.
III. Thử đánh giá công hiến của triết gia Kim Định
Hàng nghìn năm nay, do không biết cội nguồn cùng văn hóa, lại bị cớm nắng dưới cái bóng khổng lồ Trung Hoa, nhiều người Việt đau buồn cảm thấy dân tộc như bầy trôi sông lạc chợ…
Từ nửa thế kỷ trước, Kim Định như nhà tiên tri thấu thị tuyên bố: người Việt chiếm đất Trung Quốc trước người Hoa và xây dựng nền văn hóa Việt nho nhân bản, minh triết!
Cùng chung số phận những nhà tiên tri, suốt năm mươi năm Kim Định bị ghẻ lạnh và ném đá!
Nhưng ngày nay, thời gian và khoa học minh chứng cho Kim Định. Thuyết Việt nho và An vi của ông trở thành báu vật không chỉ giúp dân tộc Việt tìm lại bản thể của mình để xây dựng một dân tộc Việt Nam mới mà còn thắp lên ngọn lửa minh triết soi đường cho nhân loại.
Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế chưa từng có. Truy nguyên sự cố này, triết gia phương Tây cho rằng do nam quyền lấn át nữ quyền. Và phương thuốc cứu chữa là trả lại quyền cho phụ nữ (!)
Kim Định có cách nhìn khác. Biết rằng cuộc khủng hoảng như vậy tất phải nổ ra nhưng ông cho rằng, do 300 năm qua, chủ nghĩa tư bản phương Tây mang văn minh du mục duy lợi, đề cao chủ nghĩa cá nhân cực đoan, triệt để khai thác thiên nhiên, bóc lột đồng loại, nâng khoảng cách giầu nghèo lên quá xa, khuếch trương lòng tham và sự tiêu thụ quá mức… dẫn thế giới tới sụp đổ.
Nữ quyền bị chén ép chỉ là biểu hiện cụ thể của sự vận hành lớn lao bao quát hơn mà do thiếu minh triết, phương Tây không nhìn ra: đó là sự mất cân bằng Âm Dương.
Trong khi vũ trụ vận hành hài hòa là ba Dương hai Âm thì chủ nghĩa tư bản đẩy thế giới đi theo chiều bốn Dương một Âm khiến Dương cực thịnh Âm cực suy, dẫn tới đổ vỡ. Muốn cứu thế giới, chỉ có con đường là toàn thể loài người đồng tâm hiệp lực nắn lại chiều vận hành của thế giới theo minh triết phương Đông tham thiên lưỡng địa.
Trong cuộc khủng hoảng này, Việt Nam bị ảnh hưởng dữ dội. Là cái nôi của minh triết phương Đông, con người và xã hội Việt Nam giữ trong mình những kháng thể bền bỉ của văn hóa nông nghiệp Việt nho. Nhưng do tác động mãnh liệt và kéo dài của văn minh du mục ngoại lai, kháng thể của xã hội Việt bị hủy hoại, dẫn tới cuộc suy thoái không chỉ kinh tế mà còn văn hóa, xã hội, đạo đức…
Tuy nhiên, do là cội nguồn của minh triết phương Đông, nếu biết phát hiện lại mình, thực thi bốn đặc điểm của Việt nho, Việt Nam không chỉ cứu được mình mà còn là ngọn cờ dẫn đắt nhân loại trên con đường phục hưng.
Do lẽ đó, di sản của triết gia Kim Định là báu vật vô cùng quý giá mà chúng ta phải trân giữ, học hỏi và truyền dạy cho hậu thế.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Sáu 2012
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý