"Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ
Trần Thiện Đạo (Sống ở Pháp từ 50 năm nay. Các bài giới thiệu văn học hiện đại thế giới của ông vừa được xuất bản tại Hà Nội trong hai cuốn sách “Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc”, NXB Văn học 2002, và “Cửa sổ văn chương thế giới”, NXB Văn hoá Thông tin, 2003):
Những năm 1960, trên tạp chí Nghiên cứu văn học (Viện Văn học) khi nói tới tiêu chí dịch thuật người ta có nhắc lại ba chữ: tín, đạt, nhã mà Trung Quốc dùng. Nên hiểu ba chữ ấy thế nào đây? Với tôi, tín là trước hết là dịch sao cho đúng từng chữ. Đạt là khi mình nói đúng nguyên ý của tác giả, không phải cứ nệ vào từng chữ... Còn nhã, nếu coi là dịch thế nào cho hay, suôn sẻ, đẹp đẽ... thì chưa chắc đã đúng... Nhã là nếu trong tác phẩm, có những câu hết sức lủng củng, thì tôi dịch cũng lủng củng. Nhã là phải tôn trọng văn phong của tác giả. Tôi muốn nói thêm là không phải tác giả nào có tiếng thì cái gì cũng hay cả. Camus có những đoạn viết rất lủng củng, có những chữ rất xoàng nữa. Như thế mà một dịch giả lại “nâng cao” những chỗ ấy thì đó không phải là dịch mà là phản. Nói về tiêu chí dùng chữ trong bản dịch, người Pháp chỉ dùng một khái niệm là les mots justes (những từ đúng - Ngân Huyền).
Hoàng Hưng (Nhà thơ, dịch thơ hiện đại của Federico Garcia Lorca, Guillaume Apollinaire, Boris Pasternak, Allen Ginsberg,...):
Theo tôi, les mots justes như anh Đạo nêu lên có nghĩa phải dịch chính xác cả lời văn lẫn tinh thần của bản gốc. Trong lời văn và tinh thần nó bao hàm cả ý nghĩa, cả hình thức ngôn ngữ, cả phong cách của tác giả. Tôi đề nghị giải tán chữ nhã vì chữ nhã là vô nghĩa. Văn học hiện đại đôi khi còn cố tình không nhã, bất nhã... nên có lẽ bây giờ chúng ta không nên đem nhã ra làm tiêu chuẩn nữa.
Điểm thứ hai tôi muốn nói là cái băn khoăn của tôi về việc dịch thơ. Thực sự thì thơ không có cách nào dịch nổi vì thơ là nghệ thuật ngôn ngữ, nó gắn chặt với đặc điểm của ngôn ngữ gốc, nếu chuyển sang ngôn ngữ khác thì bài thơ bị chết mất một nửa. Theo tôi cho tới giờ những bài dịch thơ chỉ có thể gọi là một version: từ một bản thơ nguyên gốc ta có một cái version của Việt Nam, cái version ấy là của tôi, của ông Thúy Toàn hay của ông X... ba cái version khác nhau. Một bài thơ dịch chỉ có thể quan niệm đến mức thế là cùng. Tất nhiên tôi phải bám tối đa vào nguyên bản nhưng không có cách nào tránh khỏi là bản thân tôi nó sẽ chen vào đó, tôi diễn đạt nó theo cái lối của tôi cũng như theo cái tinh thần của tiếng Việt, đặc biệt là về nhạc điệu. Nếu nói một cách nghiêm túc thì tất cả những bài thơ đã từng dịch sang tiếng Việt từ xưa tới nay không một bài nào đạt cả vì bài nào cũng chỉ được một nửa. Nếu cứ cố Việt hoá theo kiểu ông Khái Hưng dịch Sonnet của Arvers thành "Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu" thì đó là adaptation (phỏng tác) chứ không phải là dịch. Ông ấy đã mượn ý của nguyên tác diễn lại bằng một bài lục bát Việt Nam, nghe thì rất sướng tai, người bình dân rất thích nhưng không thể gọi đó là dịch được. Hay những bài như "Aliosa nhớ chăng..." rồi rất nhiều bài thơ nước ngoài viết bằng thể thơ tự do nhưng lại được chuyển thành lục bát hay song thất lục bát của Việt Nam thì không thể gọi là dịch được. Thật ra thì cũng có thể có người làm được hơn thế, nếu như có một ông Lê Đức Mẫn chẳng hạn, cả đời chỉ nghiên cứu một ông Puskin thôi, coi mình là "Puskin của Việt Nam", nghiên cứu tất cả những gì đặc sắc của Puskin tiếng Nga rồi tìm một hệ thống tương ứng cho Puskin Việt Nam thì khi đó may ra chúng ta mới hy vọng có được những bản dịch chuyển tải tương đối đảm bảo. Nhưng điều đó là cực kỳ khó thực hiện trong thời điểm hiện nay ở nước ta.
Lê Đức Mẫn (giảng viên khoa tiếng Nga Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, dịch giả tiếng Nga):
Như thế là có hai loại dịch. Một là dịch văn xuôi mà anh Hoàng Hưng cho rằng phải dùng les mots justes, mà chỉ một chữ justes này là đủ rồi, tức là đã bao hàm tất cả về mặt phong cách, ngữ pháp hay là nội dung. Tóm lại là phải chính xác. Nhưng khi bàn về dịch thơ anh lại cho rằng phải có một cái version riêng của dịch giả, mỗi dịch giả phải có một version riêng và thế thì cái tôi của dịch giả nó lại lớn hơn cái juste ấy. Thế thì tôi thấy ở đây gợn lên một cái gì không hợp lý về mặt khoa học. Vấn đề thứ hai là, chúng ta dịch để cho người đọc mà từ đầu tới nay chúng ta chưa bàn đến vai trò của người đọc. Đó mới là người thẩm định bản dịch của chúng ta chứ. Còn nếu như anh Hoàng Hưng nói rằng cái tác giả này nó trần trụi hoặc gồ ghề như thế, và bằng mọi cách chúng ta phải làm nó gồ ghề như thế. Nhưng nếu đọc gồ ghề như thế thì người đọc vứt quyển sách của anh Hoàng Hưng đi ngay. Như vậy các anh bàn gì về cái chuyện dịch? Dịch là để cho người đọc thưởng thức và chúng ta tôn trọng người đọc, là chúng ta làm cho văn chương thấm vào lòng người đọc một cách thật sự. Và tiêu chuẩn đề ra cao nhất không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là thẩm mỹ, là tình cảm, hồn của tác phẩm để người ta cảm thụ được nó. Nếu người Việt đọc Verlaine có thể khóc, có thể đau khổ như người Pháp đọc Verlaine vậy thì bản dịch ấy là đạt. Còn chữ nghĩa trong đó người đọc không cần. Người đọc có vai trò gì ở đây? Cái văn hoá của các dân tộc có vai trò gì ở đây? Và cái cá nhân của người dịch có vai trò gì ở đây? Tất cả những cái đó đều là những chỗ khó khăn mà khi bàn bạc tới người ta đều lảng tránh.
Trần Thiện Đạo: Tôi cũng cho rằng về cơ bản dịch văn xuôi khác hẳn với dịch thơ. Dịch văn xuôi thì người dịch có thể là hoặc không là nhà văn, nhưng người dịch thơ dứt khoát phải là nhà thơ. Ông nào là nhà văn dịch văn càng hay, nhưng nếu không phải nhà văn mà có thể viết văn được thì cũng chấp nhận được. Thơ không phải là từng chữ mà có ý nghĩa tiềm tàng ở trong, thì phải những nhà thơ như Hoàng Hưng, Thúy Toàn... thì mới có thể chuyển ngữ thành thơ. Như bài Đợi anh về của Simonov, khi tôi đọc bằng tiếng Pháp (vì tôi không biết tiếng Nga), rồi tôi đọc bản của Tố Hữu tôi cho là bản của Tố Hữu hay hơn. Sau này có một số người dịch lại đúng nguyên văn từ tiếng Nga nhưng tôi không thấy hay.
Hoàng Thúy Toàn (Dịch giả thơ Nga, đặc biệt là Puskin, Lermontov...):
Người đọc Việt Nam đều thừa nhận rằng có hàng chục bản dịch bài thơ Đợi anh về của Simonov nhưng chẳng có bài nào người ta nhớ ngoài bài của Tố Hữu mặc dù nhiều người cho đấy là dịch khác, xa với nguyên bản, xa cả tinh thần. Ngay nhịp điệu của những câu thơ tiếng Nga nó cũng khác với nhịp điệu thơ Tố Hữu. Nguyên cái đấy người ta phê phán Tố Hữu dịch sai rồi. Hay một chữ trong tiếng Nga chính xác nghĩa là "dứt khoát anh sẽ trở về" khác với "Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé". Thế nhưng bản dịch của Tố Hữu vẫn cứ đi vào lòng người, sống với văn học Việt Nam, với đời sống tinh thần Việt Nam. Dịch thơ khác với dịch văn xuôi chính ở chỗ ấy. Ngay cái thể thơ mà Tố Hữu chọn là thơ năm chữ thì hình như cũng quá đạt rồi, nó thành Việt Nam rồi.
Đoàn Tử Huyến (dịch giả văn xuôi Nga hiện đại, đặc biệt là Bulgacov):
Tôi nhất trí với anh Hoàng Hưng, và muốn đi xa thêm nữa, là không chỉ giải tán chữ nhã mà còn giải tán luôn cái gọi là "tín - đạt - nhã". Theo tôi, tựu trung dịch thuật chỉ một chữ tín là đủ. Vấn đề cần bàn là làm sao khi dịch bảo đảm được chữ tín! Từ đó vấn đề thứ hai tôi muốn bàn với anh Mẫn là về vai trò của độc giả. Anh Mẫn nói bạn đọc là người thẩm định bản dịch. Tôi nhất trí, nhưng phải nói rõ rằng thẩm định không chỉ có nghĩa là yêu cầu bản dịch phải thuận tai, dễ đọc... Người dịch là cầu nối giữa tác giả (nguyên tác) và bạn đọc (bản dịch). Cái điểm xuất phát phải là từ tác giả. Còn điểm đến thì đó là người đọc như anh Mẫn nói. Và anh Mẫn nói cũng có lý là phải tính đến người đọc. Vì trừ những người nào ngông cuồng lắm, thiên tài lắm thì mới làm cho mình, còn thường thường mỗi người dịch, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay đều phải tính đến người đọc, phải làm hài lòng họ, người đọc đại chúng, thì mới bán được sách. Nhưng tính đến người đọc ở mức độ nào? Tính đến mức độ mà anh vứt luôn tác giả mà làm cho xuôi tai người đọc thì cũng không được. Cho nên ta tính đến mức độ nào mà đảm bảo được cả hai cái. Cái khó hiện nay chính là nằm ở đấy. Những thao tác nào, những quan niệm nào nhằm đạt được một bản dịch hay là như thế nào? Trong lúc dịch người dịch phải có tính toán. Nếu xác định là bản dịch cho công chúng đọc, chỉ cốt nội dung (như sách trinh thám, sách giải trí... chỉ cần truyền tải một nội dung nhất định để người đọc giải trí), trường hợp ấy người dịch không cần phải chú ý lắm đến độ trung thành với nguyên tác. Nhưng nếu dịch những tác phẩm công phu nghệ thuật, dụng công của tác giả viết ra là nhằm chuyển tải một cái gì đó của nghệ thuật, ví dụ như James Joyce, thì không thể đặt mục đích dịch cho công chúng Việt Nam êm tai được. Khi đó ta cần phải có một định hướng khác. Cái khó nhất của những người dịch là xác định đối tượng và cách thức truyền tải như thế nào nhằm đạt đến mục đích cuối cùng của mình. Và cái mục đích này ảnh hưởng đến cách dịch. Ví dụ ông Khái Hưng chẳng hạn, không phải ông không thể dịch được đúng nguyên tác bài thơ của Arvers, nhưng vì mục đích đặt ra khác, như anh Mẫn nói, để cho người Việt Nam đọc thấy sướng, nên ông dịch thành thơ lục bát để dễ đi vào lòng người... Và cũng như thế bài thơ của Tố Hữu và của Simonov là hai bài thơ khác nhau, thần thái khác nhau. Bài thơ Tố Hữu mượn ý của Simonov chứ tinh thần là khác với nguyên tác. Gọi là dịch theo tôi là không đúng. Chỗ ấy nên nói lại là phỏng tác và khi phỏng tác anh có quyền đi xa nguyên tác...
Điều chúng ta cần bàn hiện nay là làm thế nào để có một nền dịch thuật, một phương pháp dịch thuật dựa trên khoa học là chính, chứ không phải dựa trên cảm tính. Cảm tính thì dễ, mà nhiều khi không dịch được khoa học thì người ta trốn vào đằng sau cái cảm tính, bảo tôi thích thế, tôi dịch cho người Việt Nam như thế, và vứt ngay cái phần học thuật. Tôi nghĩ rằng đã mang tiếng dịch thì phải đảm bảo được cái phần học thuật.
Ngô Tự Lập (nhà văn, dịch văn học hiện đại Pháp):
Từ ý kiến của anh Hoàng Hưng, tôi xin nói thế này: về bản chất thì cái gì cũng có thể dịch được. Cái năng lực, tiềm năng của các ngôn ngữ đủ để biểu cảm tất cả mọi thứ vì chúng ta họp thành một nhân loại, yêu giống nhau, ghét giống nhau, tất cả cùng tồn tại trong một cộng đồng. Những tình cảm ấy được diễn đạt bằng ngôn ngữ khác nhau, theo cách thức khác nhau, có thể trình độ phát triển của một ngôn ngữ nào đấy còn kém, còn chưa cao về khoa học kỹ thuật, nhưng về bản chất thì chúng đều giống nhau và mọi văn bản từ ngôn ngữ nào chúng ta cũng đều có thể dịch được. Thế nhưng đến một lúc nào dịch được cho tốt thì cần nhiều điều kiện. Chẳng hạn, nếu có người xả thân để tìm hiểu một tác giả. Nếu có một dịch giả đạt trình độ bilingue (song ngữ) hoàn hảo thì ông ấy chuyển tới cho tôi những phản ứng của người đọc ở trong tiếng gốc ấy, người ta đọc tiếng gốc thấy thế nào mà khi chuyển sang tiếng Việt để tôi đọc cũng cảm thấy giống y như thế thì tôi nghĩ như vậy bản tiếng Việt còn chính xác hơn bản tiếng gốc chứ. Vấn đề là chúng ta có làm được điều ấy hay không? Đây đang nói chuyện dịch bác học, tức là dịch chuyển đúng chân dung, phong cách, mọi khía cạnh liên quan đến văn bản trong nguyên tác sang một tiếng khác, chứ không nói vì là thương mại thì biến nó đi một tí cho người ta thích, hoặc rút ngắn lại cho người ta đỡ mệt mỏi. Chuyện ấy lại khác và chúng ta không nói đến. Tôi chỉ bàn về chuyện dịch làm sao để người ta cảm nhận đúng tác giả như ông ta được cảm nhận trong thứ tiếng của mình, và tôi nghĩ chúng ta có thể làm được.
Tôi rất đồng ý chỉ cần chữ tín thôi, chữ tín là bao gồm tất cả, tức là chuyển được toàn bộ những cái gì mà tác giả làm và người đọc cảm nhận được ở nguyên bản trong một ngôn ngữ khác.
Trần Thiện Đạo: Khi tôi nêu lên ba chữ tín, đạt, nhã đó là tôi muốn để người ta hiểu từng khúc. Tôi dùng chữ tín với nghĩa mà tôi đã cho đó, để có thể nói rằng một số bản dịch người ta trọng chữ tín với cái nghĩa của tôi hơn là đạt.
Có điều này rất đáng báo động: Năm 1967, nghĩa là hơn 30 năm trước, ở Sài Gòn tôi đã viết một bài phê phán một số người cứ lợi dụng chút tên tuổi sẵn có của mình để dịch một cách tùy tiện, cẩu thả. 30 năm sau tôi về Hà Nội, tôi thấy cũng có một số như thế... Nếu tôi có quyền, tôi sẽ nhắc nhở một số người, một số dịch giả có tên tuổi về chuyện ấy.
Nguyễn Văn Dân (nhà nghiên cứu văn học nước ngoài, dịch giả):
... Tôi muốn quay về với lịch sử của dịch thuật. Từ đầu đến giờ tôi thấy các vị chỉ nói đến dịch văn học thôi, nhưng chúng ta phải nhớ không thể tách văn học ra khỏi dịch thuật nói chung. Mà cái khởi nguyên của loài người là dịch khoa học, sau đó mới phát triển dịch văn học nên tính chất khoa học của nghề dịch bao giờ cũng vẫn còn. Trong lịch sử dịch thuật văn học, thường ban đầu người ta dịch rất ẩu, có khi người ta cắt, có khi phỏng tác, nhưng dần dần yêu cầu chính xác ngày càng cao. Cho đến thời nay thì không chấp nhận dịch phỏng tác nữa, không chấp nhận kiểu dịch cắt cúp, thêm bớt nữa. Chẳng hạn vở Ôtenlô của Sêchxpia dịch sang tiếng Pháp, hồi đầu người ta thay đổi nhiều chi tiết như chiếc khăn mùi xoa của Desdemona, người thì dịch là vòng cài đầu, người dịch là khăn choàng... đến thế kỷ lãng mạn người ta mới dịch đúng là chiếc khăn mùi xoa bằng lụa... Nếu xét thực tế lịch sử dịch thuật đi theo chiều hướng như thế thì tôi nghĩ chữ tín vẫn là quan trọng nhất. Trong một số bài viết của tôi, tôi có lý luận: thế nào là chính xác? Mà làm thế nào để chính xác bao gồm cả đạt, cả nhã? Tôi quan niệm chính xác là chính xác toàn diện, tức là phải diễn đạt được tương đương ý của tác giả, tương đương trong cách diễn đạt của tiếng Việt, chứ không phải máy móc dịch từng chữ mot à mot, chính xác là dịch đúng từ trong văn cảnh cụ thể của nó... Có người nói rằng: tôi đã dịch rất đúng từng chữ nhưng bây giờ phải gia công thêm cho nó nhã, nó hay. Tôi nghĩ nói như vậy là không đúng. Dịch chính xác toàn diện theo tôi là phải đúng trong văn cảnh và đúng nghĩa tương đương của hai ngôn ngữ, bao hàm cả truyền đạt chính xác ý đồ về ngữ nghĩa và thẩm mỹ của tác giả. Chứ còn dịch đúng theo kiểu kia nghĩa là không sai chứ không phải là đúng. Dịch thuật là một nghề vừa mang tính nghệ thuật vừa là khoa học. Chúng ta không thể tách dịch văn học ra khỏi khoa học được, mặc dù chúng có những đặc thù, phải nhấn mạnh tính khoa học của nó. Không thể dịch thế nào cho hay, để người ta tiếp thu được là được. Chẳng hạn Hồ Biểu Chánh, ông phỏng tác một loạt chuyện của Victor Hugo rất thành công nhưng đấy không gọi là dịch. Nó có ý nghĩa, có đóng góp nhưng không gọi là dịch. Nếu chúng ta cứ lý luận dịch để cho người đọc tiếp nhận mà không để ý đến nguyên tác, sẽ rất là nguy hiểm. Một bản dịch khoa học mà dịch sai là chết. Một bản dịch văn học nếu dịch sai thì sao? Một tác phẩm của một nhà thơ Rumani rất nổi tiếng ca ngợi hoà bình, tác giả dùng hình tượng "khi thần hoà bình lên tiếng thì thần chiến tranh lu mờ đi", nhưng người dịch dịch là "thần chiến tranh luôn đứng bên người", làm người đọc thấy dân tộc ấy đầy tinh thần hiếu chiến. Tôi cho thế là rất nguy hiểm chứ sao lại bảo là đi vào lòng người, chỉ cần người đọc thấy hay? Hay là một tác phẩm khác của một tác giả khác mô tả cảnh bốn anh lính đào ngũ, một bà góa chồng đã mười năm đến để tranh thủ xin tình yêu của bốn anh chàng này và sau đó các anh chàng về với vợ con chứ không ra trận, thế mà người dịch dịch là bà góa đến để ban tình yêu cho bốn anh chàng và sau đó các anh chàng ra trận hăng say chiến đấu. Và bản dịch sai đó đã được 4 -5 nhà văn Việt Nam viết bài ca ngợi...
Lê Đức Mẫn: Tôi phát triển ý mà anh Đoàn Tử Huyến nói tôi cho là rất hay mà sau đó anh Dân nói tôi thấy cũng hợp lý, là chúng ta làm sao phải cố gắng giải quyết vấn đề dịch thuật trên cơ sở khoa học chứ không phải trên cơ sở ngẫu hứng của các nhà dịch thuật hoặc các nhà văn. Cơ sở khoa học là gì? Yếu tố gọi là khoa học để giải quyết phải là ngôn ngữ học cộng với vấn đề văn hóa. Yếu tố đầu tiên đập vào mắt chúng ta là ngôn ngữ. Đó là cơ sở khoa học tốt nhất. Trong lý thuyết về mặt ngôn ngữ trong dịch thuật người ta đưa ra khái niệm tương đương, équivalent (không gọi là juste vì đó là khái niệm văn hóa). Trong cái tương đương về ngôn ngữ có cái thứ nhất là về từ vựng. Anh Ngô Tự Lập đã nói chúng ta tư duy hoàn toàn như nhau vì thế giới vật chất và thế giới tinh thần của chúng ta là như nhau, là khách quan. Các khái niệm, thuật ngữ cũng như từ vựng của các ngôn ngữ có thể không giống nhau về mặt hình thức, về âm thanh cũng như chữ viết, nhưng nó có sự tương đồng với nhau, mà nếu không có thì người ta vay mượn vẫn được. Bây giờ nói "thư điện tử" thì dài, người ta bảo "anh meo (mail) cho em một bài"... Cái thứ hai là về ngữ pháp. Người ta khẳng định rằng ngữ pháp của các thứ tiếng về cơ bản phản ánh những mối quan hệ logic giống nhau nhưng hình thức của nó khác nhau khá nhiều. Thí dụ trong các ngôn ngữ phương Tây, như tiếng Nga, có những loại câu như câu vô nhân xưng, không có một hình thức thuần túy tương đương trong tiếng Việt, nhưng chúng ta có những cấu trúc của chúng ta và có thể tìm được cấu trúc tương đương để giải quyết. Thí dụ, trong tiếng Việt có những tiểu từ ở cuối câu, nó làm cho câu mang màu sắc tình cảm rõ rệt, như: Anh ấy đã đi rồi à? là sự ngạc nhiên; Anh ấy đã đi rồi ư? thì cũng là câu hỏi nhưng biểu hiện sự tiếc nuối; Anh ấy đã đi rồi nhỉ? biểu hiện mức độ tình cảm gắn bó cao rồi... Những thứ đó trong các thứ tiếng phương Tây không có mà chúng ta có thì chúng ta tận dụng những yếu tố đó để tạo dáng cho phong cách ngôn ngữ của mình, cho bản dịch của mình và những cái đó người ta vẫn cho là cái hay mà có thể phát triển được. Cái tương đương thứ ba là tương đương về thành ngữ. Nếu xuất hiện những thành ngữ, tục ngữ rồi những lời trích dẫn mà trong đó đã bắt đầu đụng đến những yếu tố văn hóa của các dân tộc thì người ta lại đòi hỏi có những tương đương rộng hơn, tức là những cái tương đương về văn hóa. Thí dụ, những ngôn ngữ khác nói rằng: "Nó im như cá" thì tiếng Việt không nói thế mà phải nói rằng "Nó câm như hến". Chúng ta đã thay đổi từ vựng cho phép trong thành ngữ, tục ngữ hoặc những câu nói cố định trong các ngôn ngữ. Như vậy tức là chúng ta có ba cái tương đương: từ vựng, cú pháp, thành ngữ hoặc là hình tượng.
(Cuộc tọa đàm còn kéo dài thêm nữa, nhưng thấy rằng các tác giả phần nào đã nêu được những ý chính của mình nên chúng tôi dừng ở đây)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900