Thu hút và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam
Biên tập viên VITV (BTV): Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi chương trình "Đối thoại" được phát sóng trên kênh Thị trường - Kinh tế - Tài chính VITV. Thưa quý vị, cách đây 17 năm, vào năm 1993 hội nghị bàn tròn tài trợ dành cho Việt Nam đã được tổ chức tại Paris dưới sự chủ trì của Ngân hàng thế giới, khởi đầu cho quá trình thu hút và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam.
Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, được dư luận trong nước và quốc tế thừa nhận rộng rãi. Những thành tựu đó có được là nhờ một phần đóng góp rất quan trọng của viện trợ phát triển. Nhân sự kiện hội nghị CG (hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam) giữa kỳ tổ chức tại Kiên Giang, chương trình Đối thoại hôm nay bàn về chủ đề "Thu hút vốn ODA tại Việt Nam". Các vị khách quý được chúng tôi mời đến trường quay ngày hôm nay là những người sẽ chia sẻ cùng chúng tôi những quan điểm về thu hút và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam trong thời gian qua. Xin trân trọng giới thiệu ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư và ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc công ty Invest-Consult Group tham gia chương trình ngày hôm nay. Đề nghị các vị khách mời chia sẻ quan điểm của mình về ý nghĩa và tầm quan trọng của ODA đến Việt Nam.
Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư |
Ông Trần Xuân Giá (TXG): Đây là chủ đề tốt chúng ta cần trao đổi, bởi lẽ câu chuyện này còn dài. Có lẽ tôi phải có một đính chính nho nhỏ là Việt Nam với tư cách là nước nhận ODA thì không phải bắt đầu từ năm 1993, mặc dù đó là một mốc hết sức quan trọng. Từ hồi còn Liên Xô, còn khối SEV, quy mô thì khác nhau nhưng chúng ta đã từng là nước nhận ODA. Thứ hai là ngay năm 1993 thì không phải lúc đó là chúng ta bắt đầu mà chúng ta được khôi phục tư cách thành viên sau một thời kỳ gián đoạn. Và lúc bấy giờ tôi còn nhớ mãi đấy là những nước như nước Úc và một loạt nước đi đầu, còn những nước khác thì còn chậm hơn nhiều. Sở dĩ tôi nhắc lại mốc lịch sử và nói đôi điều như vậy để nói mấy câu chuyện sau đây về ý nghĩa. Một là trong quan hệ kinh tế đối ngoại thì chúng ta có ít nhất là ba kênh, kênh ODA, kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và xuất nhập khẩu. Thường thì người ta cứ tách bạch nó ra để nói chuyện, người ta không gán cả ba kênh đó và sau này còn có kênh đầu tư gián tiếp vào, đó là một sai lầm. Trong 3 kênh chính đó thì ODA có quy mô không lớn, như con số đưa ra trong phóng sự vừa rồi, nếu bổ sung cả con số năm 2009 thì đâu đó khoảng 26-27 tỷ đã giải ngân từ năm 1993 cho đến bây giờ, nhưng nó là nguồn vốn đi đầu, khơi mào.
Tại sao như vậy? Bởi vì bất kể một quan hệ kinh tế nào đều gắn liền với quan hệ chính trị đối ngoại, ODA là một kênh, một quan hệ chính trị đậm nét nhất, điều đó tôi cũng không phải giải thích thêm. Chính vì vậy, khi ODA được khai thông thì nó mở đường cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí có những nước trước khi các doanh nghiệp của họ đầu tư vào Việt Nam thì ODA đi trước để chuẩn bị kết cấu hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đất nước chúng ta. Cho nên, về vốn là không lớn, tính chung nó chiếm đâu đó vào khoảng 12-13% tuỳ từng năm, có năm thấp hơn. So với đầu tư tương ứng cho sản xuất và so với đầu tư toàn xã hội con số ấy không lớn, nhưng không thể vì nó không lớn mà chúng ta hạ thấp ý nghĩa của nó như tôi vừa mới nêu ở trên.
ODA còn quan trọng ở chỗ là nó tập trung vào những công trình dự án không thu hồi vốn được hoặc thu hồi rất chậm mà chúng ta rất cần như đường giao thông, các kết cầu hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… Những thứ đó tư nhân họ không kinh doanh vì thu hồi vốn rất chậm, nếu không có nguồn vốn này thì lấy đâu ra để tạo ra những kết cấu hạ tầng cực kỳ quan trọng như vậy. Thành thử đừng lấy con số được giải ngân mà nói rằng đến lúc chúng ta không cần đến nó nữa. Hơn nữa có những khoản hết sức lớn, có những dự án nếu như không có ODA thì không có bất kỳ nguồn nào có thể có được.
Điều thứ ba, nhân đây tôi cũng nói luôn, là người có theo dõi ngay từ ngày đầu, từ năm 1993 thì tôi thấy có lẽ có một câu chuyện lớn cần phải nhắc tới, đó là mối quan hệ giữa các nhà tài trợ và các nước nhận tài trợ đã có một sự thay đổi lớn. Năm 1997 trở về trước, nói chung tính chất áp đặt rất mạnh. Từ sau năm 1997, cả thế giới và đặc biệt trong quan hệ đối với Việt Nam có những thay đổi. Mối quan hệ này diễn biến theo hướng nâng vai trò của nước chủ nhà, của nước nhận viện trợ. Chỗ này có thể có một sự rút kinh nghiệm nào đó của các nhà tài trợ từ những sự áp đặt không thành công ở đâu đó trên thế giới. Một câu chuyện nữa là những nước nhận viện trợ, bản thân họ cũng tự lớn lên và họ tự làm chủ, nhưng họ lớn lên đến mức tự làm chủ hoàn toàn chưa, kể cả trường hợp của Việt Nam, thì có lẽ chúng ta cần bàn tiếp.
Ông Nguyễn Trần Bạt- Tổng giám đốc công ty Investconsult Group |
Ông Nguyễn Trần Bạt (NTB): Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Trần Xuân Giá, tôi có bổ sung thế này: Không chỉ có những nước đang phát triển hoặc đang khó khăn mới cần đến ODA, bởi vì có những nước đã phát triển rồi bỗng nhiên rơi vào tình trạng khủng hoảng thì họ vẫn tiếp tục cần ODA. Cho nên giữ một thái độ hoà hoãn, tốt đẹp với cộng đồng các nước có năng lực tài trợ là một trong những bản lĩnh cần thiết mà chính phủ nước nào có tầm nhìn cũng đều phải tính đến. Bởi vì chúng ta không dám chắc rằng 10 năm sau, 20 năm sau chúng ta không rơi vào khủng hoảng. Rất nhiều nước rơi vào khủng hoảng phải sử dụng những nguồn tài trợ. Cho nên, ODA không phải là một nguồn tài chính cung cấp cho những nước chậm phát triển, mà còn là nguồn tài chính cung cấp cho những nước bỗng nhiên rơi vào tình trạng khủng hoảng. Và bất kỳ một quốc gia, một cộng đồng lành mạnh nào cũng phải nhìn những tình huống ấy như là những tình huống có thể có đối với mình, và nên tỏ một thái độ chừng mực, phải chăng đối với cộng đồng các nước tài trợ.
BTV: Vậy thì đối với riêng những nước đang phát triển như Việt Nam, tầm quan trọng của ODA là như thế nào?
NTB: Tôi nghĩ rằng nó vô cùng quan trọng. Tôi là một trong những người hướng dẫn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam, có lẽ là một trong những người có kinh nghiệm nhất tại Việt Nam. Tôi phải nói rằng, nếu không có những dàn xếp có tính chất ODA, không có cộng đồng các nước tài trợ như là một bằng chứng có tính nhà nước và các định chế tài chính để xác nhận Việt Nam là một nước có những chuẩn bị tích cực để tiếp nhận đầu tư, thì sẽ không có đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng ta nên nhớ là cuối những năm 80, có rất nhiều các tài trợ, viện trợ nho nhỏ không đáng kể nếu xét về mặt tài chính, nhưng vô cùng đáng kể để khai sáng các khái niệm về phát triển đối với xã hội chúng ta. Tôi đã đi dự những lớp do văn phòng chính phủ tổ chức, mà ở đó có những quan chức của chúng ta còn nhầm lẫn giữa vốn lưu động và tính chất có thể dịch chuyển được của trâu bò. Vậy mà bây giờ chúng ta có những chuyên gia tài chính, chuyên gia kinh tế đối thoại một cách bình đẳng trên những diễn đàn quốc tế, đấy là một bước tiến khổng lồ. Và thuốc nở tạo ra sự bùng nổ trí tuệ như vậy, phần nhiều là nhờ ODA.
Khi chính phủ công đảng ở Úc được thay thế bằng chính phủ bảo thủ, họ cử một quan chức cấp chính phủ đến hỏi tôi là: chính phủ công đảng đã đưa ra một loạt những cam kết mà người Úc bây giờ không đủ điều kiện tài chính để cung cấp hết, theo ông chúng tôi nên giữ cái gì mà vẫn bảo vệ được mối quan hệ tốt đẹp giữa người Úc và người Việt? Tôi đã nói rằng làm cầu Mỹ Thuận và tài trợ cho giáo dục và đào tạo. Qua câu chuyện đó các anh chị thấy rằng có một cái gì đó không vụ lợi, có thể có một nền tảng đạo đức rất tốt đẹp trong mối quan hệ giữa chúng ta với cộng đồng các nước tài trợ. Và cái đấy tất cả các phương tiện truyền thông của chúng ta có nghĩa vụ phải làm sáng tỏ để tránh cho xã hội những ngộ nhận không cần thiết về ODA.
BTV: Là một người hơn 20 năm đóng vai trò đứng đầu một công ty tư vấn hàng đầu của Việt Nam, theo ông thì mức độ quan tâm của các nhà cho vay đối với Việt Nam trong quá khứ và hiện nay có khác gì nhau không?
NTB: Vô cùng khác. Trước đây họ cho vay với một sự phân vân rất lớn, một sự phòng thủ rất lớn về mặt rủi ro, nhưng bây giờ chúng ta đã có những sự cho vay dễ dàng, có những sự cho vay có tính chất tín nhiệm một cách rất rõ rệt. Cho nên các quan hệ tài trợ, cả quan hệ có tính chất nhà nước và quan hệ có tính chất tư nhân, đều được cải thiện một cách rất rõ rệt. Và bộ trưởng Trần Xuân Giá có lẽ là một trong số rất ít người Việt Nam có tư cách để nói một cách chân thật về chuyện này.
TXG: Tôi rời cái ghế này cũng đã lâu rồi, cho nên tình hình thay đổi nhanh đến mức nói có khi không phù hợp với cuộc sống hiện tại chăng. Nhưng tôi thấy đúng là có nhiều cái khác. Trước hết, tôi thấy hết sức tự hào về người Việt Nam. Chúng ta thích nghi tương đối nhanh với hoàn cảnh. Từ nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, sang nhận viện trợ của các nước tư bản, chúng ta thích ứng tương đối nhanh. Và phải thừa nhận thế này, sự khác nhau nó tiến triển dần theo sự thừa nhận đường lối ngoại giao của chúng ta. Phải nói thẳng rằng không có đường lối ngoại giao đúng đắng thì khó có được sự thu hút ODA như thời gian vừa qua. Hay nói cách khác, ODA là minh chứng cho đường lối ngoại giao đúng đắn của chúng ta, một sự thừa nhận quốc tế đối với chúng ta. Còn một sự khác nữa là ngày xưa các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ thế giới nói chung đều tổ chức ở nước thứ ba, nhưng bây giờ thì khác. Tôi ít nhất cũng thấy tự hào một chút về chuyện tôi đề xuất làm thử ở Việt Nam một lần, nếu thất bại thì quay lại thông lệ của quốc tế. Sau một lần đó rồi thì người ta thấy tổ chức hội nghị tại nước nhận viện trợ nó bổ ích ghê gớm, không phải chỉ vì việc tiết kiệm mấy đồng bạc đi lại. Người ta ủng hộ, rồi thấy rằng đây là một cuộc đối thoại rất là bổ ích, cho nên không chỉ đối thoại một năm một lần, và cũng chính tôi đề xuất làm thử CG giữa kỳ. Lúc bấy giờ tôi nói quê tôi ở Thừa Thiên Huế, mời các ông đến thăm quê tôi và bàn về tình hình ODA của cả nước. Thế là họ mang vào Huế làm và đó là lần đầu tiên tổ chức CG giữa kỳ mà sau này trở thành thông lệ và nó có cái gì đấy như là bài học cho một số quốc gia hiện nay họ cũng làm như vậy. Nói như vậy không phải để nói là mình có gì ghê gớm, mà tôi muốn nói cái khác ghê gớm mà anh Bạt vừa nêu là lòng tin, sự tín nhiệm dần dần nâng lên theo thời gian. Thực tế là có sự hiểu nhau nhiều hơn và trong các bàn bạc cụ thể cũng khác với ngày xưa. Cái khái quát nhất chính là chỗ đó. Tôi cũng phải nói thêm rằng, lòng tin đến bây giờ đã đủ chưa, thì chắc là chưa, tín nhiệm đã đủ chưa thì chắc là chưa, còn phải phấn đấu nữa, còn phải làm tiếp nữa. Và lúc mở đầu tôi đã nói là câu chuyện này còn dài, ai đó nói cắt trong ngày mai là vô trách nhiệm với đất nước.
BTV: Vâng, có thể nói từ quá khứ đến hiện tại thì lòng tin của các nhà cho vay với Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế một chút, đó là theo số liệu mà chúng tôi có được từ Bộ KHĐT thì thời kỳ 1993 đến 2008, tổng vốn ODA giải ngân đạt hơn 20 tỷ đô la Mỹ, chiếm 52% tổng ODA cam kết và hơn 62% tổng ký kết. Vậy thì số lượng giải ngân tại sao không tăng lên được mà luôn nằm mấp mé ở khoảng 50% lượng cam kết và lượng ký kết?
TXG: Khi tôi đang còn ngồi tại vị thì câu hỏi này đã từng được đặt ra. Tôi cũng có những con số đầy rẫy từ năm 1993 cho đến sau này và có câu chuyện là ai cũng hỏi: sao lại như vậy? Thông thường có ba công đoạn quan trọng nhất: đi vận động, thu hút rồi kết quả của nó là cam kết. Cam kết thực ra mới là lời hứa, lời hứa chính trị đối với đất nước ta và nó chưa thêm được gì cả, nó có thêm chính trị chứ vật chất thì chưa có gì. Thứ hai là pháp lý hóa bằng các văn kiện được ký kết. Và tôi xin nói lại, ODA là mối quan hệ chủ yếu giữa chính phủ với chính phủ, hoặc là giữa chính phủ với các định chế tài chính liên chính phủ. Tôi lấy ví dụ, Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tài chính của các chính phủ, trong đó cổ đông lớn, cổ đông bé (Việt Nam cũng là một cổ đông) là chính. Còn một ít các mối quan hệ giữa chính phủ với tổ chức phi chính phủ, hoặc là phi chính phủ trong nước với phi chính phủ bên ngoài, nhưng phần đó rất bé. Còn ODA nói gọn lại là mối quan hệ chính trị giữa chính phủ với chính phủ.
Ở chỗ này nguyên nhân có thể có rất nhiều, nguyên nhân mà chúng ta hay nói tới bắt đầu từ những quy định, quy trình từ ký kết cho đến giải ngân, đến thực hiện của chúng ta liên tục sửa đổi, liên tục hoàn thiện nhưng đây vẫn còn là vấn đề hết sức lớn. Mặc dù chúng ta có những nghị định chuyên về ODA từ A-Z, nhưng khi nghị định đó ra đời thì một loạt các luật, các nghị định khác lại ra đời, lại chống lại cái chính phủ vừa mới ra. Cho nên, vấn đề đồng bộ về mặt pháp lý là một câu chuyện quá lớn. Câu chuyện thứ hai, liên quan đến một thứ rất chậm trễ, đó câu chuyện giải phóng mặt bằng, câu chuyện muôn thuở, câu chuyện đến bây giờ vẫn chưa thoát nổi, nó chậm ghê gớm. Câu chuyện thứ ba là bộ máy quản lý của mình thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết, chưa ổn, kể cả con người gắn với bộ máy đó cũng chưa ổn. Và đồng thời cái bao trùm là quan niệm về ODA của đất nước này cho đến bây giờ vẫn chưa thống nhất, chưa đủ rõ, mặc dù đã trải qua 20 năm.
Có một nguyên nhân nữa, nguyên nhân hết sức quan trọng, bất kể nước nào, nước đi viện trợ cũng như nước nhận viện trợ đều có tính đến lợi ích của dân tộc mình và điều đó cũng gây nên chậm trễ ghê gớm. Tôi lấy ví dụ, cách đây một thời gian rất ngắn, chúng ta vừa mới khánh thành cầu Cần Thơ, tôi là người tham gia một cách trực tiếp đi tìm nguồn tài trợ. Khi nước Nhật đưa ra việc này trước hết họ nghĩ tới lợi ích của người lao động Nhật chứ không phải là lợi ích của Việt Nam (tất nhiên việc Việt Nam có cái cầu cũng rất quan trọng). Tôi lấy một thí dụ, trong rất nhiều điều kiện thì có một điều kiện gần như tiên quyết là phải trên 50% các thiết bị sắt thép làm cầu đó phải mua tại nước Nhật, trong khi theo giá thị trường thế giới lúc bấy giờ thép của Nhật đắt hơn từ 25-30% so với một loạt nước khác như nước Nga. Việt Nam phải cân nhắc nên thế nào, mặc dù nhận được thì lãi suất rất ưu đãi, thời gian ân hạn rất dài, trả nợ trong một thời gian đến 30, 40 năm. Nhưng tổng lợi đó tính về kinh tế với tổng thiệt hại do một loạt các điều kiện thì thế nào, thành thử cứ cân nhắc, đàm phán lui, đàm phán tới tất cả mọi thứ rất lâu. Còn một loạt các ví dụ khác, nhất là viện trợ không hoàn lại. Khi tôi đi Bắc Âu, mình đàm phám với một đối tác tương ứng là Bộ trưởng, nhưng một loạt các công ty của nước đó họ ngồi đằng sau, ngồi bên cạnh ông bộ trưởng. Vậy thì viện trợ không hoàn lại đấy bao nhiêu đô la, bao nhiêu đồng Bảng Anh, bao nhiêu đồng Franc Pháp đi vào được Việt Nam, hay là Việt Nam ký xong thì tiền đấy hoặc là ít nhất là 70-80% nó ra ngoài.v.v. Thực ra đây là một quá trình khá phức tạp, không đơn giản một chút nào. Và do đó gần đây người ta cứ nói hài hoà lợi ích, hài hoà về các qui định pháp lý của các nước v.v, thành ra rất mất thì giờ.
BTV: Vừa rồi, Bộ trưởng Trần Xuân Giá đã chia sẻ cho chúng ta những câu chuyện, những ví dụ rất sống động. Còn câu chuyện, ví dụ của ông Nguyễn Trần Bạt thì sao?
NTB: Tôi thì nghĩ rằng, tất nhiên đã làm thành viên của nội các, đã làm một bộ trưởng quan trọng như Bộ trưởng Bộ KHĐT thì sự nhức đầu của ông Giá và sự phản ánh dư âm nhức đầu ấy là một sự thật. Còn tôi, về phía xã hội thì tôi nghĩ rằng thế mới cần chính phủ, thế mới cần thắp đuốc để đi tìm một ông Trần Xuân Giá để làm Bộ trưởng Bộ KHĐT. Tôi xác nhận là thời của anh Giá không có chuyện đem kể công với xã hội về sự vất vả. Nhưng gần đây đã có những dấu hiệu khoe khoang về sự vất vả. Sự khoe khoang về sự vất vả của một Bộ trưởng làm tắt bớt những cảm hứng mà tôi nghĩ đáng ra xã hội phải được hưởng trọn vẹn về ý chí chung của xã hội chúng ta trong việc tìm mọi cách để phát triển đất nước.
TXG: Tôi muốn nói thêm một ý thế này, mà chắc là anh Bạt cũng đồng ý với tôi là chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng rõ ràng đáng lẽ sự phức tạp ấy chỉ cần kéo dài khoảng 2-3 năm cho một dự án, bằng với giải ngân hàng năm bình quân của khu vực chiếm đâu đó khoảng 20%, có nghĩa là một dự án tính bình quân có 5 năm thôi. Còn của chúng ta bây giờ phấn đấu lắm thì đâu đó khoảng 14%, có nghĩa là 7 năm cho một dự án và có những lúc đến 9 năm cho một dự án mới kết thúc. Như thế thì có nhiều tai họa mà ở dưới chúng ta sẽ bàn thêm, nhưng nói như vậy để nói rằng chúng ta có cố gắng đấy nhưng so với mức trung bình của khu vực thì chúng ta còn độ cách, mà độ cách này phải san lấp, nếu không thì hiệu quả của ODA vẫn tiếp tục thấp, không cao được.
NTB: Tôi mở đầu ý kiến trao đổi của tôi là chúng ta nói nhiều quá về cái công đi tìm, nhưng ngược lại tôi chưa thấy ở đâu trên tất cả các phương tiện truyền thông và trong tất cả các sinh hoạt có tính chất chính trị của chúng ta kiểm điểm là tại sao tỷ lệ giải ngân thấp. Và cũng phải nói với anh Giá thế này, xét về mặt chính trị thì anh giải thích như thế đủ rồi, nhưng trong cái khuyết tật làm chậm giải ngân của ODA không đơn thuần chỉ có vấn đề chính trị. Tôi lấy ví dụ, cách chúng ta mô tả nhu cầu của các dự án mà chúng ta cần so với đòi hỏi thật của xã hội đôi khi có một khoảng vênh rất lớn, xã hội không hoan nghênh dự án chứ không phải chỉ có chính phủ không tích cực đâu. Tôi không ám chỉ gì cả, đối với những dự án rất thông thường, rất an toàn, rất hòa bình đối với xã hội tôi vẫn thấy hiện tượng đó. Cái thứ hai nữa là chúng ta thiếu tiền để tạo ra vốn đối ứng. Ở quê tôi vận động mãi thì đại sứ quán Ý cũng có một dự án ODA nho nhỏ cho một con kênh độ khoảng mấy nghìn đô la thôi, nhưng lại thiếu mất 3000 đô la vốn đối ứng. Cuối cùng anh em địa phương phải kéo đến hỏi tôi làm thế nào để xin được 3000 đô la làm vốn đối ứng cho dự án. Cho nên đôi khi chúng ta không lường hết được sự cân đối tài chính giữa vốn chúng ta vay được và vốn chúng ta có, tạo ra một sự cân bằng trách nhiệm chứ không phải cân bằng tài chính trong một vài dự án. Đấy là những ví dụ nho nhỏ để nói với chị rằng cái sự chậm trễ trong việc giải ngân có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân anh Giá nói là chủ yếu, còn tôi chỉ dám góp những nguyên nhân cụ thể.
BTV: Vừa rồi chúng ta nói về nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm. Bây giờ chúng ta sẽ nói đến hậu quả, từ thực trạng đó sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?
TXG: Có ba tác hại mà trong chính phủ một thời luôn luôn nhắc tới (không biết bây giờ còn nói tới không vì tôi không còn tham dự). Điều thứ nhất, các dự án ODA phần lớn gắn liền với xây dựng để ra đời một công trình nào đó, một cây cầu, một nhà máy điện, một bệnh viện, trường học... Toàn bộ các công trình ấy chậm, có nghĩa là nó chậm đưa vào khai thác so với kế hoạch dự định, nó tạo nên những mấp mô, bao gồm mấp mô của kinh tế vĩ mô và gây một thiệt hại không nhỏ và thường là thiêt hại ấy người ta ít nhìn thấy. Cái thiệt hại thứ hai rất rõ ràng, đó là nó làm triệt tiêu cái ưu đãi của ODA đối với đất nước chúng ta. Tôi lấy một dự án tương đối điển hình có thời gian ân hạn là 10 năm làm ví dụ. Nếu bảo 10 năm tính từ lúc bắt đầu triển khai là không phải. Bắt đầu ký kết là bắt đầu tính. Ví dụ 1/1/2010 và ân hạn là 10 năm thì 1/1/2020 là hết ân hạn. Nếu đến năm 2018 chúng ta mới bắt đầu triển khai thì thời gian ưu đãi ấy chỉ còn có 2 năm thôi, và thậm chí nhiều dự án của chúng ta đã vượt qua thời gian ân hạn rồi, nó âm rồi mà chúng ta cũng chưa triển khai, như vậy thời gian ưu đãi không còn nữa. Một ví dụ khác, một dự án vay 40 năm mà sau 10 năm công trình mới đưa vào sử dụng được thì thời gian khai thác để trả nợ chỉ còn 30 năm, vậy hiệu quả khai thác liệu có đủ để trả nợ không? Điều thứ ba quan trọng hơn mà một thời báo chí mình không đăng vì nhiều lẽ là nó gây khó khăn cho thu hút mới. Người ta trả lời một câu thế này thôi: sức cái bao tử của anh chỉ ăn được từng đấy thì em mời anh từng đó thôi, còn nếu bao tử của anh to hơn một chút, nó tiêu hóa tốt hơn một chút thì chúng em sẽ bơm thêm vào. Và đấy là một cái hại ghê gớm. Chúng ta đang cố gắng đi vận động hết chỗ này đến chỗ khác, nguyên thủ quốc gia, thủ tướng đi vận động, nhưng người ta trả lời đơn giản thôi: chúng tôi sẵn sàng cung cấp nhưng các ông không tiêu hóa nổi thì nó rất có hại, nó có hại cho tương lai. Có lẽ còn có những nguyên nhân khác nữa, nhưng đó là những nguyên nhân chủ yếu.
BTV: Ông có đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Trần Xuân Giá không?
NTB: Tôi không có lý do gì để không đồng tình với bộ trưởng Trần Xuân Giá. Tôi nghĩ rằng có lẽ cái rủi ro lớn nhất từ những trì trệ như thế này là làm mất cảm hứng của các nhà tài trợ. Với tư cách là một nhà quản lý vĩ mô thì Bộ trưởng có thể nói chi tiết hơn chỗ này. Còn tôi là một người có giao dịch rất rộng lớn với giới quan chức ngoại giao của các quốc gia có mặt ở Việt Nam, tôi hiểu rất rõ rằng họ rất yêu Việt Nam, nhưng họ rất sốt ruột về một vài điểm diễn ra trên lãnh thổ chúng ta, và chúng ta không có được mối tương tác thật là chuyên nghiệp, thật là thân ái để hiểu được tâm tư của người ta. Bây giờ, ví dụ bỗng nhiên Việt Nam trở thành một nước giàu có và Bộ trưởng Giá trở thành đại sứ của nước Việt Nam tại một nước nào đó đang cần tài trợ chẳng hạn, thế mà nước đấy cứ cù nhầy, cù nhằng thì bộ trưởng Giá rất khó xử khi thuyết phục quốc hội hoặc thủ tướng chính phủ tài trợ cho nước mà mình muốn. Tâm trạng ấy phổ biến trong các nhà ngoại giao có mặt ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thiệt hại lớn nhất của chuyện chậm trễ triển khai thế này chính là làm mất cảm hứng của những người đại diện các nhà tài trợ có mặt ở Việt Nam và từ đó truyền đến mất cảm hứng ở quốc gia tài trợ, và quan trọng hơn là mất cảm hứng của nhân dân các nước tài trợ. Bởi vì ở hầu hết những quốc gia có đủ năng lực tài trợ cho chúng ta thì nhân dân là người quyết định việc cho phép chính phủ tài trợ.
BTV: Thưa các vị khách mời, bên cạnh những hạn chế thì nhìn chung tình hình sự dụng vốn ODA tại Việt Nam vẫn được các nhà cho vay đánh giá là có hiệu quả. Như phóng sự của chúng tôi thì chính phủ Việt Nam đã có cam kết rất cao đối với các nhà tài trợ về việc sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn vốn này. Vậy xin các khách mời chia sẻ thêm những quan điểm và kinh nghiệm của mình để thực hiện tốt hơn nữa các dự án như vậy, xin mời ông NTB?
NTB: Tôi cho rằng việc giữ gìn cam kết của chính phủ chúng ta đã đưa ra trong các giao ước quốc tế không chỉ liên quan đến ODA mà còn cả những vấn đề về kinh tế và các vấn đề khác đòi hỏi một quyết tâm, một ý chí chính trị rất vững vàng. Thứ hai là đòi hỏi phải thiết lập một bộ máy đủ tin cậy, và thứ ba là phải thiết lập một bộ máy giám sát quá trình triển khai ấy để tiếp tục duy trì ý chí chính trị của chính phủ. Hiện nay, phải nói rằng chúng ta nói vậy thôi chứ bộ máy triển khai là có vấn đề ở mọi cấp. Rất nhiều công trình ODA của chúng ta bị bỏ lửng ở ngay chính những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Sự bỏ lửng như vậy đập vào mắt cả thiên hạ, nhưng chúng ta không có các phản ứng chính trị xã hội và nhà nước thỏa đáng với sự bê trễ như vậy.
Cái thứ ba là chúng ta nói gì thì nói cũng phải chống được tham nhũng, ít nhất trong lĩnh vực ODA, một lĩnh vực mà về cơ bản là nhà nước vay để cấp vốn. Quản lý tài sản quốc gia trực tiếp mà có vấn đề thì phải nói rằng quản lý tài sản đất nước cũng kéo theo vấn đề. Cho nên, tôi cho rằng cần phải chống được tham nhũng, chống được tham nhũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để tăng cường cảm hứng của các nhà tài trợ, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân đối với các dự án phát triển lâu dài. Đôi khi những dự án phát triển lâu dài không thoả mãn ngay, không thoả mãn trực tiếp nguyện vọng của dân chúng, và chỉ có sự sáng suốt hay tính hiệu quả lâu dài của dự án cùng với một sự thuyết phục xã hội đủ thì chúng ta mới tìm kiếm được sự hỗ trợ, sự ủng hộ của dân chúng.
Tôi nghĩ rằng để giữ được cam kết thì chúng ta phải tổ chức được bộ máy, phải tổ chức được ý chí chính trị để tìm kiếm sự đồng thuận của toàn xã hội. Thứ hai là chúng ta phải có bộ máy triển khai đủ tin cậy và thứ ba, trong điều kiện cụ thể của chúng ta, chúng ta phải có bộ máy giám sát đủ tin cậy cho Đảng, cho Chính phủ, cho Quốc hội để những nhánh quyền lực như vậy, những cơ sở quyền lực như vậy có thể kiểm định được chất lượng của các quyết tâm chính trị cho thoả đáng. Với tư cách là một người dân tôi nói như vậy, tuy nhiên Bộ trưởng Trần Xuân Giá có thể sẽ có những bình luận tốt hơn.
TXG: Những điều anh Bạt nêu tôi thấy khó bổ sung thêm, nhưng dù sao chăng nữa, đã đến đây thì phải trao đổi một chút. Với ý đó, tôi nói thêm một chút là chúng ta phải thay đổi tư duy. Hình như cái thời kỳ bao cấp, hưởng ODA của Liên Xô vẫn còn phảng phất đâu đó đối với chúng ta ở chỗ này, chỗ khác và nó được coi như một cái gì đấy trời phú của chung, không tiếc khi nó bị thất thoát, lãng phí, chậm trễ. Phải quan niệm rằng đây là một khoản vay. Giai đoạn 1993-2000 thì khoản viện trợ không hoàn lại đâu đó khoảng 20%, 2001-2005 đâu đó khoảng 19%, nhưng năm năm gần đây thì khoản viện trợ không hoàn lại đâu đó chỉ còn khoảng 7% thôi. Như vậy thì 80-90% là đi vay và nhân dân phải trả. Do đó điều đầu tiên phải quan niệm là phải chọn mục tiêu đầu tư tốt, chọn dự án tốt rồi đi vận động với những điều kiện ưu ái nhất, tổ chức triển khai tốt nhất, nếu như chúng ta xót xa rằng con cháu chúng ta 30-40 năm sau phải è cổ ra trả nợ. Và như vậy một dự án nào đó đưa ra quốc hội quyết định bây giờ thì nhớ kỹ rằng 40-50 năm sau, tức là một thế hệ tiếp theo có thể sẽ oán chúng ta, oán cái thế hệ này, và thế hệ này phải nhớ rằng đấy là khoản nợ mà con cháu phải trả. Chỗ này là chỗ hết sức quan trọng, trên cơ sở đó mới đưa ra tất cả những thứ khác để hình thành bộ máy, một hệ thống các quân đoàn thật sự vì nước, vì dân xót của dân mà hành động. Tôi cho rằng điều đó hết sức quan trọng.
Hiện nay có một việc tôi thấy vừa được vừa không được. Phương thức quản lý trong đầu tư hiện nay tôi không tán thành và tôi đã phát biểu ngay ở đây một lần rồi. Trong đó may quá người ta còn tách ra quản lý các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA thành một kênh quản lý riêng, nhưng đâu đó bộ máy tại địa phương vẫn chưa tốt và do đó nó vẫn mang lại nhiều chuyện. Một lần nữa tôi muốn nói rằng xin hãy thay đổi tư duy đây là một khoản nợ mà dân tộc này không phải trả trong ngày một ngày hai mà 30-40 năm sau chúng ta phải trả đấy, do đó phải liệu để mà làm ăn.
BTV: Một câu hỏi cuối cùng xin dành cho cả hai vị khách mời. Năm nay chúng ta sẽ kết thúc quá trình phát triển kinh tế 5 năm 2006-2010 và Việt Nam sẽ trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Theo tập quán tài trợ quốc thế thì có thể điều kiện cho vay ODA đối với chúng ta sẽ có thay đổi. Vậy theo các vị khách mời, chúng ta cần có những định hướng hay thay đổi nào trong chính sách sử dụng vốn ODA?
TXG: Tôi thì tự nhiên cũng mau mồm mau miệng và có phát biểu mà đâu đó trên mạng nhiều tháng rồi mà người ta vẫn cứ để. Đấy là câu chuyện vượt qua con số 1000 đô la/người thì Việt Nam thoát ra khỏi nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp để ghi tên mình vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tôi xin nói lại là điều đầu tiên phải nói là đồng đô la ấy tính theo tỉ giá nào. Có lúc không phát biểu công khai nhưng tôi đã nói rằng nếu chỉ cần để cho lạm phát cao cao một chút, đồng tiền Việt Nam mất giá nhiều hơn một chút, xong rồi vì lợi ích quốc gia chúng ta kìm tỉ giá dừng ở đâu đó một chút thì tự nhiên với đồng Việt Nam rất to mà chia cho cái tỉ giá rất bé thì cái thương số là thu nhập bình quân đầu người tính bằng đô la sẽ hết sức to. Nhiều người đang quan niệm như vậy. Lấy những giải pháp trong điều kiện rất không bình thường trong quản lý tài chính, quản lý giá cả, quản lý ngân hàng, quản lý tỉ giá bị áp đặt vào để tính, thậm chí được đưa ra một cách công khai và coi đó như một cái gì ghê gớm.
Cái thứ hai, nhiều nước cho vay không phải bằng đồng đô la mà bằng đồng bản tệ, thí dụ đồng Yên Nhật (mình với Nhật Bản chỉ nói chuyện về đồng Yên chứ không nói chuyện về đồng đô la). Đấy là một cái làm cho nó méo mó nữa. Tôi có tham gia chủ trì các hội nghị các nhà tài trợ nhiều lần, tôi thấy khó khăn nhất vào khoảng buổi trưa để chiều công bố là áp dụng tỷ giá nào đối với từng đồng tiền. Đấy là một sự quy ước rất chủ quan vào đúng một thời điểm đó thôi. Chính vì vậy khi nói rằng chúng ta vượt qua 1.000 đô la/người, và nếu năm nay mọi thứ tốt lành thì đâu đó khoảng 1.200 đô la tức là quy về đâu đó theo tất cả các điều kiện mà tôi đã nói. Một vấn đề nữa, giả sử như người ta quy ước ngưỡng của nước đang phát triển có thu nhập thấp là 950 đô la/người chẳng hạn, mà ta đạt 1.000 đô la nghĩa là ta vượt ngưỡng. Xin thưa rằng, mức trung bình là từ khoảng 950 đô la cho đến 10.000 - 13.000 đô la, mà chúng ta mới bước được qua cái ngưỡng 950 đô la thì đấy là bước qua cái đáy dưới cùng của trung bình. Còn nếu đạt được trung bình như cơ cấu bây giờ thì ít nhất chúng ta phải có con số 3.000 - 3.500 đô la theo tính toán sức mua của bây giờ, chứ còn sau 3 - 5 năm thì câu chuyện trở nên khác đi rồi. Như vậy chúng ta mới có 1.000 đô la so với trung bình thì tức là còn cả một sự phấn đấu rất gian khổ của cả một dân tộc. Tất nhiên, đấy là mong muốn của chúng ta, không một dân tộc nào, không một người dân nào, kể cả tôi, cả anh Bạt và chị ngồi đây không muốn phát triển, không muốn có thu nhập đầu người cao. Nhưng mà chúng ta phải thực tế, chúng ta phải biết mình đang đứng ở đâu, chúng ta dự định đi đến đâu và làm gì. Đấy là một câu chuyện quá lớn, đừng vội vui mừng.
Một vấn đề nữa, khi nãy anh Bạt có nói và gợi cho tôi một điểm là không ai bảo đảm rằng mọi thứ nó cứ đi phẳng lặng thế này, có được 1.200 đấy, nhưng rất có thể nó rơi xuống 1.000 hay rơi xuống 800. Cho đến bây giờ tôi không hiểu có ai lạc quan đến mức cho rằng ở đất nước này điều đó không diễn ra. Khi tôi còn là thầy giáo, sinh viên nào mà nói rằng trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội mà có khủng hoảng, có lạm phát là cho 2 điểm mang về, bởi vì mọi thứ đều được hình thành từ một trung tâm, mọi sự cân đối đều được tính toán trước thì làm gì có khủng hoảng, làm gì có mất cân đối. Nhưng cuộc sống đã dạy cho nhiều người, trong đó có cá nhân tôi rằng đất nước Việt Nam này đã rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội, chưa rơi vào khủng hoảng chính trị, đó là đầu những năm 80. Chúng ta mất hơn chục năm mới chui ra khỏi cuộc khủng hoảng ấy. Khi ấy kinh tế đã có lúc nếu tính ra so với dân số là âm. Vậy thì ai bảo đảm rằng cái con số mà bây giờ chúng ta nói ấy là nó cứ thế đi lên?
Chúng ta phấn đấu để nó không đi lùi, để nó không âm, nhưng tôi xin nói lại rằng cuộc sống phức tạp hơn chúng ta nghĩ nhiều, và do đó phải tính tới rủi ro. Khi đi ngoài biển vào lúc trời yên biển lặng thì phải nhớ kỹ rằng đâu đó có thể có một cơn bão sẽ xảy ra, chúng ta phải chống cơn bão đó thế nào và phải chống ngay từ bây giờ. Nếu chui vào bão rồi thì chẳng làm gì được nữa, không che chắn được bão đâu.
Cái thứ ba anh Bạt đã nói rồi, tôi xin nhắc lại một chút. Có những nước đi viện trợ cho nước khác, nhưng đồng thời cũng nhận viện trợ, đây là một sự phân công lao động, một sự tận dụng tất cả các mối quan hệ kinh tế, chính trị có được để làm lợi cho dân tộc đó. Cho nên tôi xin có một đề nghị không nên vui mừng rằng nước ta đã ghê gớm, nước ta không cần nhờ đến ai cả. Tôi đề nghị dứt khoát phải xoá quan điểm đó. Còn đối với các nước viện trợ người ta có các tiêu chí. Đạt được đến trình độ này thì điều kiện vay mượn là thế này, đạt được đến trình độ kia thì điều kiện vay mượn là thế kia. Họ áp dụng điều đó không chỉ cho một nước mà áp dụng chung. Tôi là người đứng ra đấu mãi mà không thành công với ADB, khi ADB đưa ra điều kiện mới. Họ bảo Việt Nam bây giờ đã vượt qua cái này, cái khác, do đó từ thời hạn trả nợ là 40 năm, họ đưa xuống còn 30 năm, lãi suất họ đưa lên từ 0,8%/năm thành 1,2%/năm, tương đương với chính sách áp dụng cho Pakistan. Tôi đã chứng minh thế này: xin thưa các ông, Pakistan đã trở thành một nước có vũ khí hạt nhân, còn Việt Nam thì chưa sản xuất nổi một chiếc xe đạp, thế mà chúng tôi cùng ngồi học một lớp với Pakistan thì chúng tôi có theo kịp được không? Đưa ra một hình ảnh như vậy để thấy rằng, cho dù có tiến bộ đấy, nhưng chúng ta vẫn còn đang ở dưới đáy của thế giới. Đấy là một thực tế mà bất kể ai ngồi vào chỗ tôi, ai đi đàm phán thì cũng phải làm việc như tôi. Chính vì thế tôi nhắc lại một lần nữa cái ý mà anh Bạt nêu là thời gian vận dụng ODA của chúng ta còn dài, khi nào người ta không còn viện trợ cho mình nữa thì lúc đó chúng ta đành chịu chứ đừng dương dương tự đắc và cho rằng việc nhận tài trợ như một cái gì đấy kém anh, kém chị. Tôi không muốn nói ý đấy vì lợi ích dân tộc.
NTB: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta vui mừng quá sớm về chuyện ấy thì giống như một con chuột có cái đuôi rất dài, thấy cái chân đã lọt vào trong phòng rồi mà đóng cửa thì sẽ bị đứt cái đuôi, mà cái đuôi ấy là những bộ phận đáng thương nhất của dân tộc chúng ta. Đây là một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Chủ nghĩa yêu nước không dựa trên các cảm xúc, chủ nghĩa yêu nước là một sản phẩm thuần túy lý tính, chỉ có sự sáng suốt của lý tính mới tạo ra được những tiêu chuẩn căn bản để chúng ta xác lập niềm tự hào dân tộc. Nếu không thì một bộ phận lớn nhân dân chúng ta sẽ thất thiệt vì niềm tự hào bật tín hiệu quá sớm.
BTV: Thưa quý vị chúng ta vừa lắng nghe chia sẻ của hai vị khách mời về việc thu hút và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam và nhìn lại những kết quả từ quá khứ để đưa ra những quan điểm định hướng chính sách sử dụng ODA phù hợp hơn nữa trong tương lai. Hy vọng những phân tích của các vị khách mời sẽ giúp quý vị có một cái nhìn toàn diện nhưng cũng rất cụ thể về tình hình thu hút và sử dụng nguồn vốn này tại nước ta. Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân