Thu vốn

05:02 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Hai, 2009

Gần nửa đời người ông bằng lòng với tấm bằng đại học mua kiến thức là chính. Mà cỡ như ông học mười biết một thì đánh vật cổng trước cổng sau để được tấm bằng tại chức cũng là hết hơi rồi. Học nghiêm chỉnh thì đời ông ra bã. Bởi vì năng lực của ông chỉ vừa đủ để ông làm những việc đơn giản. Không ai trách những người không thể ngồi suy nghĩ thay cho làm bằng chân tay. Mỗi người sinh ra đều đáng hãnh diện nếu sống bằng thứ mình có. Nhưng ông cứ muốn chứng tỏ ông có nhiều hơn thứ ông có. Thế là ông lên mặt dạy dỗ người khác không có chí tiến thủ, ông chỉ không ngờ được một điều lại có lúc “bùa” tại chức kia hết thiêng. Muốn leo cao ông cần có những tấm bằng sang trọng hơn.

Thế là, thay vì rút lui nhường chỗ cho người có năng lực hơn, ông quyết chứng tỏ cho thiên hạ biết cái chí tiến thủ của ông vẫn mạnh mẽ như hồi còn trẻ. Ông dốc sức lao vào “chạy” cho được tấm bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ. Sự học thực đã khốn nạn nhưng sự không học mà muốn sang còn khốn nạn hơn. Chỗ nào cũng sẵn bọn "học hộ", bọn dạy làm phép bọn “viết luận án thuê” bọn “cò” bằng cấp, bọn “dẫn đường” đến đúng cửa. Ngày xưa là cửa Khổng sân Trình. Còn ngày nay đến đâu cũng là cửa sắt đóng chặt. Các loại cửa ấy phi tiền ra không chìa nào mở được. Tướt bơ chạy vạy, quên cả liêm sỉ, cuối cùng ông cũng thành nghiên cứu sinh, có một cái đề tài vô thưởng vô phạt để nhờ người khác viết luận án. Rồi cũng thi, cũng bảo vệ, cũng nêu vấn đề, phản biện y như thật. Chỉ có kiến thức của ông là giả. Giả từ chân đến đầu.

Trở về vị trí cũ, ông ngồi chờ đề bạt. Tiến sĩ phải được đối xử hơn đại học chứ. Rồi điều ước của ông cũng thành hiện thực. Chỉ có điều sau đó không thấy ông cao giọng nói về chí tiến thủ, cũng chẳng thấy ông sử dụng được tí ti kiến thức ở tầm tiến sĩ kia. Thay vào đó ông tận dụng thời gian, cơ hội để vơ vét. Thượng vàng hạ cám ông vơ tuốt. Thời gian với ông không còn nhiều. Trước sau cái đuôi học giả của ông cũng lòi ra, ấy là chưa kể giời chẳng cho ai trẻ khỏe mãi. Tất cả hiện ra trước mắt ông cái giới hạn nghiệt ngã cho đến ngày ông bị xích tay tống vào nhà giam.

Tại đó ông mới "thật thà" khai rằng việc ông khua khoắng công quỹ chỉ là để thu lại số vốn hàng trăm triệu đồng đã bỏ ra mua mấy cái bằng cấp. Ông dại dột, ông hồ đồ, ông chỉ đáng trách mà không đáng bị phạt tội. Ông bảo cho ông cơ hội để làm lại. Ông nằm trong số vài ngàn thằng tiến sĩ giả ở cái đất nước này.v.v..

Nhưng chỗ của ông ở đâu bây giờ? Học không hay, cày không biết, chỉ giỏi mưu mô, đố kỵ, đểu giả trong khi để có cái bằng chứng nhận người tử tế luôn luôn khó gấp ngàn lần những cái bằng ông đang có. Thôi thì chả được gì thì cũng được cho thiên hạ một bài học nhục nhã. Vả lại cũng là cách để trời thu lại vốn khi trót thừa tiền dung dưỡng một thằng vô lại.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một góc nhìn khác về bằng cấp

    22/03/2016Tạ Thị Ngọc ThảoCó nhiều nguyên nhân khiến người ta không thể tìm đến trường để học: không trang trải nổi chi phí học tập, bận nuôi sống bản thân mình và lo cho nhiều người khác... Nhưng cũng có những người sau khi làm bài toán so sánh họ chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo họ, lợi ích thu được từ việc đến trường không bằng cơ hội, thời gian, tiền bạc… mà họ phải mất đi....
  • Cuộc đua số lượng: Sự bất ổn trong giáo dục Đại học Việt Nam

    05/09/2008Lê Hồng NhậtNền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thử thách đầy gay go. Ai cũng nhận thức được rằng, nguyên nhân cơ bản là do trình độ quản lý yếu kém và sự thiếu thốn nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ ở mọi tế bào của nền kinh tế. So sánh với các nước trong khu vực, một điều rõ ràng là chúng ta đã không có sự chuẩn bị về vốn người cho sự phát triển. Trách nhiệm đó, một phần rất lớn là thuộc về giáo dục đại học. Đặc biệt là sự xuống cấp về chuẩn mực đào tạo...
  • Có nên sưu tầm bằng cấp?

    14/07/2006Lê Ngân (Careers)Nhiều người mới tốt nghiệp đã nhanh chóng vỡ mộng vì cuộc sống đi làm, họ thấy mình không đi đến đâu, chán ngán với công việc, buồn chán với những quy định cơ quan, và nghĩ rằng cách duy nhất để cải thiện hoàn cảnh đó là đi học...
  • Cơn khát bằng cấp, học hàm, học vị

    14/11/2005GS. Hồ Ngọc ĐạiNhân loại đang cơn khát tư hữu và cơn khát quyền lực. Cơn khát ấy là chuyện tất nhiên, nó thế là nó thế, không nên đặt ra vấn đề tốt xấu, sang hèn (mà có chăng thì chỉ ở cách thức thỏa mãn thôi)...
  • Học để có kiến thức, không vì bằng cấp

    06/08/2005Tiến sĩ Phan Quốc ViệtQua cách học và cách dạy hiện nay ta có cảm tưởng rằng mục tiêu của sinh viên là học để lấy bằngvà mục tiêu của các trường cũng là dạy để cấp bằng. Thực trạng đào tạo hiện nay phản ánh khá rõ cách hiểu sai về mục tiêu đào tạo. Vì hiểu mục tiêu đào tạo là có bằng nên hiện nay các trường chỉ cố gắng cung cấp một số lượng kiến thức nhất định đủ để cấp được bằng cho sinh viên...
  • Nạn bằng giả đâu khó giải quyết

    09/07/2005Tiến sĩ Nguyễn Quang ANạn bằng giả là một câu chuyện nhức nhối ở nước ta. Từ tháng 10 đến tháng 12. 2004, cục hải quan TPHCM phát hiện 120 văn bằng chng chỉ giả, xử lý kỷ luật trên 100 cán bộ; 73 cán bộ Sở thương mại Hà Nội dùng văn bằng giả; trong số 1,28 triệu trường hợp được Bộ GDĐT kiểm tra phát hiện 7.425 (0,58%) văn bằng chứng chỉ không hợp pháp. Nếu tính chi phí xã hội cho việc kiểm tra văn bằng chắc không nhỏ. Nếu tính cả tác hại do người có bằng giả gây ra thì có thể rất khủng khiếp, đó là chưa nói đến ảnh hưởng băng hoại đạo đức nó gây ra cho toàn xã hội.
  • Cuộc rượt đuổi bằng cấp

    01/06/2005Ra trường thất nghiệp, chưa biết về đâu thì... làm cái cao học (nghe thật sang). Có việc rồi nhưng trốn việc, cao thủ nhất là xin cơ quan cho đi học.
    Bất mãn sếp, đi học! Thấy đứa trẻ hơn ngồi ghế trên mình, ngứa mắt, cũng đi học!
    Tóm lại, cứ bị ức chế thì nên đi học. Một công đôi việc, rất văn minh! Nhưng đi học để làm việc, hay chỉ là rượt đuổi bằng cấp?
  • xem toàn bộ