Cô đơn đón Tết

10:48 SA @ Chủ Nhật - 02 Tháng Hai, 2014

Có một góc nhìn khác về Tết. Một người trốn chạy những lễ nghĩa của Tết, một người có trạng thái tâm lý dường như mâu thuẫn, không ăn Tết với người thân, mà một mình, giữa những nơi xa lạ… Lớp người trẻ bây giờ cũng vậy đó, họ tranh thủ đi đâu đó vào dịp Tết, không nhất thiết phải quây quần với gia đình theo truyền thống.

Có phải như ngày xưa đầu mà cả năm mới biên cho nhau được lá thư hỏi thăm sức khỏe. Có phải như ngày xưa đâu mà cả năm mới gặp được nhau ngày Tết? Bây giờ ở thành thị ai cũng có xe máy phóng vù vù. Thăm nhau chẳng phải lóc cóc đạp xe đến nhà bạn mà cứ phấp phỏng không biết có nhà hay không. "Rỗi không, ra cà phê nhé" - một câu qua điện thoại, một message hiện lên trên cửa sổ chat là tuần nào cũng có thể ngắm nghía bạn bè thân hữu chỉ sau 15 phút phát ra thông điệp. Chơi với nhau chẳng cần phải biết nhà nhau, cà phê là phòng khách chung của các gia đình.

Vậy mà mấy ngày Tết phải ngồi nhà, nở nụ cười xã giao với những câu hỏi thăm và chúc tụng cũ kỹ khiến tôi cho rằng đó là một việc làm "ngớ ngẩn" nhất trần đời.

"Năm nay nhà ta làm ăn khá chứ?" - vớ vẩn hết sức. Tháng nào cũng gặp nhau ít nhất bốn lần, chuyện chỉ xoay quanh công việc, biết rành rành bạn năm nay thắng thua thế nào, vậy mà chỉ vì Tết nên phải hỏi một câu cực "khú" cho phải lệ. "Cành đào này nhiều lộc lắm đây!" - chẳng có gì để buôn thêm, hăm tám vừa rủ nhau đi mua đào, giờ mới mùng hai nhìn thấy chính cành đào mình mua mà cứ như phát hiện ra châu Mỹ. "Năm tới bằng năm bằng mười nhé!" - thật thế có khi mất bạn mất bè như chơi.

Tiếp khách kiểu này mặt tôi cứ cứng đừ, vặn vẹo trên ghế như bị kiến đốt vào mông. Các bạn tôi đôi khi hỏi một câu xong cũng tự thấy ngớ ngẩn đành phá lên cười chữa ngượng. Thấy tôi khổ sở quá, vợ bảo: "Thôi anh trốn vào buồng đi, có khách em bảo anh đi vắng". Khách đến, trong buồng đèn đóm tắt hết, không dám thở to, dặn dò con cái không được gọi bố. Trốn một vài khách thì được, một cái Tết cũng cố được, nhưng nhiều lần, nhiều năm thì không được ở nhà mình mà cứ dấm dúi thầm thì như đi ăn trộm.

Người ta đến nhà mình, mình lại phải qua nhà họ đáp lễ, sượng sùng lặp lại những câu hỏi, câu chúc. Cứ thử không đến xem, thể nào cũng mất lòng nhau. Vì vậy đến chúc Tết nhà ai mà khổ chủ không có nhà thì khổ khách mừng húm, viết vội từ giấy gài cửa: "Vợ chồng tôi qua chúc Tết anh chị, tiếc rằng anh chị không có nhà. Năm mới, chúc anh chị..." rồi lại te tái đi đến nhà khác với mong muốn người ta đi vắng. Nghe có vẻ thậm vô lý nhưng đó lại là sự thật. Cả năm hùng hục như trâu cầy ruộng, mấy ngày Tết lại phải lo khách khứa. Thật tình nhiều người chỉ muốn lăn ra ngủ thật đẫy, ăn gì thì ăn, làm gì thì làm, tự thưởng cho mình mấy ngày thư giãn sau cả một năm lo toan.

Một lần tôi quyết tâm thay đổi. Đúng chiều 30, sau khi đã hoàn tất các thủ tục tất niên, tôi bảo vợ: "Anh đi chơi xa đây." Vợ tôi ngậm ngùi sụt sịt, hỏi: "Đi đâu?". Tôi trả lời: "Đi đâu cũng được, miễn không phải ở nhà đóng kịch!".

Nhét chai rượu vào túi, đôi bánh chưng phòng xa, thêm vài bộ quần áo, lấy cái chăn nữa cho chắc ăn rồi quẳng lên xe và khởi hành trong cái khí lạnh se sắt của gió mùa. Tâm trạng lúc đó phấn chấn một cách khó tả.

Ngày xưa tầm này tôi đang hồi hộp bóc chiếc bánh chưng tự gói, nho nhỏ nhưng có miếng thịt to, xem có xanh, có dền không. Bây giờ con tôi không được gói bánh, không được gà gật bên bếp lửa ngóng bánh chưng. Bánh được bán đầy đường, đầy phố trong cả những ngày không phải là Tết. Các bà nội trợ chỉ việc chi tiền ra là xách về, gói ghém làm gì cho mất công. Tiện cho người lớn nhưng lại thiệt thòi cho lũ trẻ. Tết nó là thế, xưa đói kém thì người lớn bạc mặt lo gạo thịt, trẻ em háo hức đợi manh áo mới. Giờ người lớn không phải lo ăn, lo mặc nữa nhưng lại phải lo khách khứa, trẻ em chỉ còn niềm vui vì được nghỉ học vài hôm.

Đã thấy núi rừng chập chùng mây phủ trước mặt, phố xá ngột ngạt khuất sau lưng. Một mình trên đường vắng mà thấy mình vui như Tết ngày xưa, như lúc hồi hộp bóc cái bánh chưng tự gói, cắn một miếng thấy ngon nhất trần đời. Định cứ lái một mạch như thế, đến đâu thì đến, giao thừa thì dừng xe bên đường mở rượu uống với sông suối rồi lăn ra ngủ. Nghĩ thế nào lại tạt vào một bản Thái ven đường, chọn một nhà quen vẫn hay ngủ nhờ trong những chuyến "phượt". Ở đây, người ta ăn Tết ba ngày, từ hăm chín đến mùng một.

Người Thái ở đây cũng làm lúa nước như dưới xuôi. Mấy năm trở lại đây, người nước ngoài đi du lịch đến vùng này nhiều, lại muốn "nhiều cùng" với dân địa phương. Vậy là họ kiêm thêm cả nghề cho thuê nhà trọ. Nghề phụ thành thu nhập chính, nông nghiệp chỉ để giữ ruộng. Anh chủ nhà say rượu đã ngủ từ lúc nào, chị chủ lúc cúc chạy ra mở cửa, xuýt xoa vì gió lạnh, hỏi tôi: "Chú đi đâu mà khổ sở thế này. Tết nhất thế này!" Tôi bảo: "Đi thế nó mới sướng chứ?". Chị chủ nhanh tay xách hộ cái túi vào nhà, lúc tôi còn đang cởi giầy quay lại hỏi: "Vợ đuổi à?". Tôi đùa: "Đời đuổi".

Hình như là giao thừa. Những nếp nhà sàn say rượu từ hăm chín im lìm trong bóng đêm chứ không ầm ĩ bởi tiếng xe máy gầm rú của đám thanh niên đi hái lộc. Lộc ở đây đầy vườn, đầy đường, ngồi từ chỗ tôi, thò tay qua cửu sổ là hái được một cành nhãn lòa xòa búp xanh. Mọi khi ở nhà vợ giao nhiệm vụ xuống đường bẻ trộm một cành cây gọi là hái lộc. Năm nay tôi đi vắng, chẳng biết có đợi được đến khi tôi mang cành lộc từ núi rừng về không, hay là đã mua cây mía dựng góc nhà rồi không biết.

Tôi nhấp một ngụm rượu để cảm nhận năm cũ đã qua, năm mới đang đến. Một năm trôi đi, tôi lớn thêm một tuổi hay già đi một tuổi. Bản chất thì như nhau nhưng dùng trong nhưng trường hợp khác nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau. Một đằng thêm một năm trưởng thành, đằng kia bớt đi một năm trong quỹ thời gian còn lại trên cõi đời. Đến cái ngưỡng thất thập giời định ra cho con người lại tính là thọ thêm một tuổi. Một kiểu dùng cho người trẻ, kiểu kia dùng cho người chưa già, kiểu nữa dùng cho người già hẳn. Cũng giống như Tết, trẻ con thì vui mà người lớn thì buồn.

Tôi lại nhấp một ngụm rượu nữa để cảm nhận mình đang buồn hay vui. Buồn quá đi chứ nhỉ, Tết nhất bỏ vợ bỏ con lang thang như kẻ không nhà, người ngoài nhìn vào ai dám bảo là vui. Chẳng biết giờ này vợ hay con giai đang thay mình thắp hương khấn ông bà ông vải? Thương cho vợ tần tảo sớm hôm nín nhịn một kiếp chồng nửa âm nửa dương như mình. Ấy vậy mà lại vui đấy, vui trong lòng, vui vì thấy mình thoát được cái khuôn sáo của lễ nghi, thấy mình đúng là ta, được làm cái mình muốn như kiểu giang hồ vặt.

Sáng hôm sau tôi dậy muộn. Sương đã tan trên đỉnh núi, đàn gà dáo dác gọi nhau đi bới mồi, người đàn ông chủ nhà đã lại say tiếp, ngồi dưới sàn nhà, tựa đầu vào cột, cất giọng nhựa nhựa: "Đêm qua chú lên muộn thế. Xuống đây uống với tao mừng năm mới". Tôi vừa thu dọn đồ, vừa trả lời: "Sáng nay tôi đi, nên không uống rượu". Người đàn ông bảo: "Đi làm gì, ở đây chơi". Đáng nhẽ trước đây tôi sẽ từ chối theo kiểu: "Tôi có việc phải đi, không ở lại được, hẹn dịp khác vậy". Thì nay trả lời thẳng: "Đi chơi vui hơn, ở đây thế là đủ rồi".

Ngoài đường bà con dân tộc đi chơi Tết, áo sống sặc sỡ nổi bật trên các triền núi màu xanh xám, thỉnh thoảng lại điểm những khoảng trắng xóa bởi hoa mận hoa mơ. Ở đâu cũng thấy mở hội, chỉ là những trò chơi như ném còn, đu quay, bắn nỏ, cưỡi ngựa, đơn giản nhưng rất vui. Hóa ra tôi cứ lo xa, hàng quán ngoài đường vẫn mở cửa đón khách, chưa kể các quán ăn di động trong các lễ hội. Hai cái bánh chưng vẫn nằm trong cốp xe mà không phải sử dụng.

Năm kia gần Tết cha mẹ tôi cãi nhau, cha tôi đùng đùng khăn gói bỏ đi, chả ai cản được. Tôi thầm khen: "Có khí phách". Cứ ngỡ cha sẽ có một cuộc rong ruổi đón Tết trên những nẻo đường, để cảm nhận thêm một cách sống, một cách nghĩ khác với những gì vốn quen thuộc đến nhàm chán. Nào ngờ hăm chín Tết cha bơ phờ quay về, ngồi ủ rũ ở phòng khách thanh minh: "Tết nhất chả nhà nghỉ nào chứa mình, họ đuổi khách sạch". Múa rìu không qua được mắt thợ, tôi cười: "Ông nhớ bà thì có". Cũng phải thôi, cha đã quá tuổi để thay đổi một thói quen. Mà nếu còn tuổi, chắc gì đã đủ bản lĩnh!?

Cái cô đơn nhất của con người chính ra không phải là một mình một cõi, mà là cô độc giữa những thứ không phải của mình, giữa những ngươi không cùng cách nghĩ với mình, giữa những điều biết là vô duyên nhưng vẫn cứ phải làm để dối nhau. Tôi đón Tết một mình, với những người xa lạ mà không thấy cô đơn. Nhưng ngồi giữa nhà, nở nhưng nụ cười xã giao với khách khứa bạn bè, mà thấy cười như khóc, cô đơn vạn bội.

Sau Tết năm ấy, tôi bảo vợ: "Năm sau cả nhà mình đi chơi, không tiếp khách". Vợ bảo: "Thế có sợ mọi người giận không?". Tôi thủng thẳng: "Giận cái gì? Dán cái biển ở cửa "Nhà đi chơi Tết. Cần thiết thì gọi điện thông báo trước." Người ta lại chẳng sướng rơn ấy chứ”.

Bây giờ ở Hà Nội rất nhiều gia đình đến Tết là đi chơi. Các tour du lịch Tết bao giờ cũng chật cứng. Nhiều nhà khởi hành từ hăm tám đến tận mùng bảy mới về. Tôi lại thấy vui vẻ những điều như thế, chẳng liên quan gì đến mình.

Cô đơn hay không cô đơn là cách cảm nhận riêng của mỗi người, nhất là những ngày Tết, người ta thường hay nghĩ vẩn vơ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tết và những giá trị gia đình thời hội nhập

    22/01/2020Trần Thị TrườngXuân đến Tết về không chỉ là ngày, là mùa đón khí mới mà còn là dịp con người tri ân tổ tiên, nguồn cội, biểu tỏ tình yêu thương với gia đình, người thân, bạn bè…
  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Tản mạn đời văn phòng

    17/03/2016Nguyễn Trương QuýThế thì đời viên chức khác gì một cái cốc mỳ ăn liền, loại người ta gọi là mỳ tôm có sẵn hộp cho nước nóng vào 5 phút là ăn được hay một hộp cơm vuông vức, ô này to để cơm, ô kia bé để thịt rau cá, tí gia vị cho khỏi nhạt mồm? Tròn vành vạnh hay vuông chằn chặn và có vẻ đủ thứ để xuôi cái bụng. Nhưng ai không muốn ổn định, muốn thành thục việc cần làm, dù rằng tất cả chỉ đến những cái đích mà ở đấy, lại lặp lại một chu kỳ quen thuộc đến phát ngấy?
  • Nhàn nhã như Tết

    31/12/2008Nguyễn Vĩnh NguyênGiật mình vốn là cảm trạng có thật khi một năm đi qua. Giật mình là để được trở về. Trở về với góc sống, không gian và trạng thái thanh thản của mình. Giật mình là cái buốt nhói trống rỗng hoang lạnh tâm thức sau tháng ngày bươn bả rồi nhận ra cái vô nghĩa của thời gian nhân sinh thường nhật.
  • Đầu xuân, sách theo người đi xa

    27/02/2007Tường VySáng mùng 4 tết, toàn bộ hơn 20 nhà sách của Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đồng loạt mở cửa. Tại nhà sách Nguyễn Huệ, sau màn chúc tết, lì xì cán bộ công nhân viên, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa không quên dặn dò: “Chú ý khách Việt kiều”...
  • Tết đến

    19/02/2007Chử Văn LongNhắm mắt lại, giờ tôi như vẫn được nghe những tiếng xột xoạt của thứ vải “trúc bâu” hồ cứng nơi cánh tay mình ngày ấy vuốt ve nhìn ngắm. Tôi thấy mình bỗng thành đứa trẻ, hay đứa trẻ vừa biến thành tôi khi năm mới vừa sang...
  • Tết trong mỗi người

    16/02/2007Phan Triều HảiMùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa...
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • Lời chúc thời đại @

    16/02/2007Minh Tú25 tháng Chạp. Năm nay chẳng có 30, nghe hơi Tết như đã thổi phà phà vào gáy. Người ta hỏi nhau những địa chỉ các trang web thiệp điện tử, để vào đó, tìm một tấm thiệp gửi nhau. Bạn bè đặc biệt thì chọn riêng mỗi người một tấm. Bạn bè thường thì một tấm gửi chung. Chỉ cần vào sổ địa chỉ, click chuột một cái, đã gửi được thêm một lời chúc đầu xuân đến cho một người bạn...
  • xem toàn bộ