Suy nghĩ tốt: Ít trả giá và hạnh phúc hơn
Hơn 30 năm theo đuổi nghiên cứu và giảng dạy phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLST&ĐM), TS khoa học Phan Dũng (*) xuất hiện đều đặn trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới như một nhà khoa học hàng đầu, được mời giảng dạy tại các nước và tham dự nhiều hội thảo quốc tế… nhưng ông lại khá đơn độc ngay trên đất nước mình.
Trong một thế giới tràn ngập thông tin nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng về tri thức, về tư duy sáng tạo, nỗi lo lớn nhất của ông là thái độ dửng dưng của những người có trách nhiệm, khiến cho lĩnh vực khoa học quan trọng này đã và đang bị bỏ lỡ. Theo ông, PPLST&ĐM là một nhân tố quan trọng góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức. Giản dị nhưng thật nghiêm cẩn trong từng lời, ông thổ lộ về những tâm nguyện của mình...
Là người bức xúc với những vấn đề của xã hội, anh nghĩ gì về những vấn nạn đang xảy ra hàng ngày?
Chúng ta đang phát động “lắng nghe ý kiến của dân” trên nhiều lĩnh vực. Đúng là có những khía cạnh cần hỏi ý kiến nhân dân. Ngoài ra, còn những khía cạnh khác thuộc về quản lý và chuyên môn. Ví dụ, bệnh viện tim có thể lắng nghe ý kiến nhân dân về cách phục vụ của mình, chứ không thể hỏi ý kiến nhân dân về cách mổ tim thế nào cho tốt. Do vậy, người dân đâu có chịu trách nhiệm về những khía cạnh quản lý, chuyên môn.
Người dân không có lỗi, lỗi là ở những người quản lý và các nhà chuyên môn. Ở nhiều nước, khi một cây cầu bị sập, họ không hỏi ý kiến dân, mà cách chức ngay những vị nào chịu trách nhiệm về công việc đó. Hay là do số lượng các nhà chuyên môn, quản lý của Việt Nam ít quá, không kiếm được người thay?
Nguyên nhân của tất cả các vấn nạn trong xã hội suy cho cùng nằm trong giáo dục, hiểu theo nghĩa rộng, tức là giáo dục từ gia đình, nhà trường, đến xã hội. H.G. Well nhận xét: “Lịch sử của loài người là cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm hoạ”. Nếu giáo dục thắng thì thảm hoạ thua, và ngược lại. Tôi nhớ năm 1975, khi đất nước mới giải phóng, nhiều buổi tối sát giờ giới nghiêm tôi đi xe gắn máy về nhà, khi gặp đèn đỏ, mọi người đều dừng lại dù đường cắt ngang rất vắng. Quan sát người dân khi va quệt xe, tôi thấy nhiều người tự giải quyết, trao đổi với nhau để đền bù mà không cần công an. Vậy tại sao 35 năm sau ngày đất nước giải phóng, chuyện chấp hành luật giao thông càng ngày càng đi xuống? Phải chăng những người thuộc thế hệ trước được giáo dục về chấp hành luật giao thông hiệu quả hơn hiện nay?
Anh vừa nói nguyên nhân gốc của các vấn nạn trong xã hội là giáo dục, vậy còn những nguyên nhân gần hơn, trực tiếp hơn?
Nguyên nhân của tất cả các vấn nạn trong xã hội suy cho cùng nằm trong giáo dục, hiểu theo nghĩa rộng, tức là giáo dục từ gia đình, nhà trường, đến xã hội. |
Chị có thể thấy những nguyên nhân gần hơn, trực tiếp hơn trong các bài báo, các lời phát biểu trên các diễn đàn, kể cả diễn đàn của Quốc hội. Ví dụ, vấn đề trả lương, tham nhũng, cải cách hành chính…
Tôi nghĩ nguyên nhân chính của tham nhũng là lương. Tôi còn nhớ, chỉ cần mấy năm sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) thì có chính sách về lương. Người vừa tốt nghiệp đại học được nhận lương 60 đồng. Năm xu xôi là ăn sáng được rồi. Một tô phở bò thị trường là 25 xu. Tiền ăn một tháng là 20 đồng (chỉ chiếm một phần ba lương). Nếu lấy giá tô phở làm đơn vị để tính giá trị lương thì để bằng những năm cuối 1950, người vừa tốt nghiệp đại học hiện nay phải được trả gần năm triệu đồng. Các phó giáo sư, giáo sư hiện nay, trước khi về hưu cũng chỉ nhận đồng lương tương đương với người vừa tốt nghiệp đại học cách đây nửa thế kỷ! Đây là một trong nhiều điều tôi không hiểu.
Điều không hiểu nữa là hiện tượng lưu manh hoá tràn lan ở mọi tầng lớp trong xã hội. Trong giáo dục thì nạn bạo lực học đường, các khoản thu ngoài quy định, chạy trường bằng tiền đút lót. Bác sĩ thì kê khống toa thuốc, thông đồng với người bán thuốc để làm giá với người bệnh. Quan toà, quan chức lưu manh. Người ta đánh nhau, giết nhau vì những nguyên nhân rất vớ vẩn... Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử tội phạm, nhưng tôi có cảm giác, chưa bao giờ tội ác nhiều và mức độ độc ác cao như hiện nay. Văn minh mà chúng ta đang có là… văn minh giật lùi!
Ngoài ra tôi còn thấy, hình như loại người “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” ngày càng nhiều.
Chúng ta đang rơi vào “mê hồn trận” cải cách giáo dục, với nhiều lúng túng, mơ hồ, sai rồi sửa, sửa lại càng sai… Theo anh, muốn cải cách phải bắt đầu từ đâu?
Tôi có cảm giác, chưa bao giờ tội ác nhiều và mức độ độc ác cao như hiện nay. Văn minh mà chúng ta đang có là… văn minh giật lùi! |
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải quay trở lại với khoa học giáo dục, kế thừa những thành tựu của nhân loại. Đọc sách về khoa học giáo dục, tôi tâm đắc với cách hiểu sau về giáo dục: bằng các biện pháp thích hợp, tác động lên ý thức người học nhằm làm thay đổi hành vi của người học, từ đó củng cố những hành vi đó thành thói quen mới. Ví dụ, thầy cô giáo nói với các em: “Ra đường nhìn thấy người già, các em phải giúp đỡ”. Nếu một hôm gặp cụ già đang lúng túng tìm cách qua đường, em học sinh chợt nhớ đến lời thầy cô, quyết định dẫn cụ qua đường là em đã thay đổi hành động và mọi việc nằm trong vùng ý thức.
Điều cao hơn nữa cần đạt được đấy là việc giúp đỡ người già của các em trở thành thói quen tự động mới, không còn phải đấu tranh tư tưởng, làm một cách tự giác, thậm chí không để ý, không nhớ việc mình đã làm. Giáo dục phải đạt đến mức hình thành những giá trị đạo đức nền tảng có trong tiềm thức, như thế thì khi người ta đưa hối lộ, người được giáo dục mới có thể gạt đi một cách cương quyết, hoặc tự động thấy chuyện bất bình không tha, chứ không phải đứng đó mà suy nghĩ xem có nên hay không.
Rất tiếc giáo dục hiện nay chỉ là thầy cô nói, học sinh học thuộc lòng, rồi trả lại thầy cô, chứ không hề làm thay đổi hành vi của người học. Hơn nữa, thầy cô muốn dạy học sinh trước hết phải là những người đã được giáo dục, để những giá trị nền tảng trở thành tiềm thức, có như thế họ mới là những tấm gương cho học trò. Điều này cũng đúng đối với các quan hệ giáo dục khác như bố mẹ giáo dục con cái, nhà quản lý giáo dục người bị quản lý, người đi trước giáo dục người đi sau, người lớn tuổi giáo dục người nhỏ tuổi. Tóm lại, những người làm công tác giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng) phải là những người được giáo dục. Nếu không, thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Anh từng viết rằng PPLST&ĐM sẽ giúp con người biến “đời là bể khổ” dần trở thành “bể sướng”, điều đó… có thật không?
Kiến trúc sư Lê Hoài Việt, trưởng phòng quy hoạch kiến trúc công ty CPĐT Sài Gòn: “Tôi đặc biệt ấn tượng cách truyền đạt nghiêm túc, chăm chút từng câu chữ với phương pháp sư phạm cao của thầy Dũng. Nhìn bề ngoài thầy có vẻ đạo mạo tưởng chừng khó gần, nhưng thầy luôn sẵn sàng lắng nghe học trò và đưa ra những câu trả lời cặn kẽ, chân tình. |
Cuộc đời mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết. Các vấn đề này có thể nảy sinh trong mua sắm, học tập, chọn ngành nghề đào tạo, xin việc làm, thu nhập, hôn nhân, giáo dục con cái, quan hệ với những người khác, sản xuất, kinh doanh… Hạnh phúc của mỗi người tuỳ thuộc vào việc người đó giải quyết các vấn đề gặp trong suốt cuộc đời của mình như thế nào. Cách suy nghĩ hiện nay của phần lớn mọi người kém hiệu quả, phải trả giá nhiều, nên thấy đời khổ.
PPLST&ĐM là môn học trang bị hệ thống các phương pháp, các kỹ năng suy nghĩ tiên tiến, về lâu dài, tiến tới điều khiển được quá trình suy nghĩ, giải quyết vấn đề. Nhờ thế, suy nghĩ tốt hơn, ít trả giá hơn, giúp hạnh phúc hơn trước. Đây là các kiến thức khoa học, lấy từ tâm lý học, khoa học về hệ thống, lý thuyết thông tin, điều khiển học… dành cho mọi người, giúp mỗi người hiểu mình và hiểu người khác hơn, cao hơn nữa, làm chủ thế giới bên trong của chính mình. Nhiều người quan niệm, sáng tạo là cái gì đó cao siêu. Trong khi đó, công việc giải quyết vấn đề chính là công việc sáng tạo và mỗi người cần sáng tạo suốt cuộc đời.
Tuy cần thiết như vậy, nhưng từ hơn ba chục năm nay (khoá PPLST&ĐM đầu tiên chúng tôi dạy là vào năm 1977), việc mở rộng dạy môn này trong xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng trên con đường phát triển, Việt Nam ta không thể tránh khỏi môn học này cũng như đã không tránh khỏi các môn khoa học như toán, lý, hoá, tin học… Theo một số dự báo khoa học mà chúng tôi được biết, người ta tin rằng, sau thời đại tin học (hay còn gọi là làn sóng văn minh thứ tư sau nông nghiệp, công nghiệp và tin học) là thời đại sáng tạo (tri thức) mang tính quần chúng rộng rãi nhờ việc sử dụng các phương pháp tư duy sáng tạo một cách khoa học, được dạy và học một cách đại trà.
Xuất thân là nhà vật lý, vì sao anh chuyển hướng sang học PPLST&ĐM?
Phải nói ngược lại mới đúng, bởi vì tôi quan tâm tư duy sáng tạo từ khi còn học phổ thông trung học và rất mong được theo học và nghiên cứu lĩnh vực này. Hồi nhỏ tôi hay tự ái lắm, mỗi khi làm điều gì sai thường bị người lớn mắng: “Sao dại thế, làm gì cũng phải nghĩ trước chứ”. Tại sao không ai dạy mình cách suy nghĩ, cách tư duy? Khi học các quy luật trong các môn lý, hoá, sinh, tôi luôn tự hỏi: vậy trong suy nghĩ có quy luật không? Những câu hỏi đến ngày một nhiều. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi được Nhà nước phân công học ngành vật lý. Tình cờ biết về sự thành lập học viện Sáng tạo sáng chế đáp ứng mong ước của mình, tôi xin theo học ngay và mừng như người khát gặp nước uống.
Anh học được điều gì lớn nhất từ người thầy mà mình ngưỡng mộ, GS Altshuller? Số phận thăng trầm của người thầy có khiến anh suy nghĩ nhiều không về nhân tình thế thái, về lý tưởng của đời mình?
Tôi rất buồn khi thấy sự nghiệp thầy bỏ công nghiên cứu và giảng dạy suốt mấy chục năm qua không biết sẽ đi về đâu. Mong ước của tôi là phổ biến cho càng nhiều người biết càng tốt về phương pháp này”.
Thầy Altshuller là tác giả của lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt là TRIZ). Trong lĩnh vực PPLST&ĐM, TRIZ được coi là mạnh nhất và chúng tôi dùng nó như là hạt nhân của giáo trình PPLST&ĐM. Cuộc đời thầy trải qua rất nhiều thăng trầm, kể cả bị kết án oan. Có bài viết về thầy mang tựa Cuộc đời cay đắng và nhân cách độc đáo của một nhà văn, nhà khoa học.
Nguyễn Trần Thành, trưởng phòng kỹ thuật công ty dịch vụ hỗ trợ thanh toán thương mại điện tử Việt Phú: “Thầy là một nhân cách lớn, người có kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc không chỉ trong học thuật mà cả trong cuộc sống. Học thầy là học cách sống, cách nghiên cứu khoa học và tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Con đường vất vả gian nan của thầy để biến lý tưởng thành hiện thực khiến tôi không khỏi suy nghĩ tại sao môn học này lại được chấp nhận rất dè dặt ở Việt Nam, trong khi ở nước ngoài nhiều chuyên gia theo đuổi ngành này rất thành công?” |
Thầy không chỉ là nhà sáng chế xuất sắc, nhà nghiên cứu mang tính cách mạng, đột phá một lĩnh vực lâu nay được coi là bí ẩn (lĩnh vực sáng tạo), là nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng với phong cách độc đáo, mà còn là người sống giản dị, chu đáo, hào hiệp với người khác, suốt đời theo đuổi mục đích giúp mỗi người trong nhân loại có những công cụ cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất quyền mà tự nhiên đã trao cho con người: quyền được sáng tạo. Tôi coi thầy là tấm gương để noi theo.
Dạy về sáng tạo, anh có liên tục tự thay đổi mình? Kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất trong đời làm khoa học của mình?
Rất nhiều ích lợi tôi đã nhận được nhờ áp dụng PPLST, năng suất và hiệu quả công việc tăng lên, sai lầm và trả giá giảm đi. Có hai việc làm tôi tự hào, đó là rút ngắn được thời gian làm luận án tiến sĩ khoa học, và phổ biến PPLST ở Việt Nam.
Ở đại học tổng hợp Leningrat, nơi tôi làm việc trong lĩnh vực vật lý thực nghiệm, thời gian trung bình từ bậc tiến sĩ vật lý lý thuyết lên tiến sĩ khoa học phải mất khá nhiều năm, nhờ PPLST, tôi đã rút ngắn xuống còn hai năm.
Triết lý sống nào ảnh hưởng đến mọi quyết định của anh? Phương châm sống nào anh cho là quý giá nhất?
Tạo được những thế hệ tư duy sáng tạo có phương pháp khoa học chính là sự thay đổi về chất lớn lao cho cả dân tộc, đó là điều tôi theo đuổi. Khó khăn thì lúc nào chẳng có, nhưng với tôi, sống và làm việc theo lương tâm là giá trị lâu bền nhất chứ không phải là những giá trị cơ hội.
Một người thẳng thắn, quyết liệt như anh có khó sống không?
Nếu sống với lương tâm mình thì không đến nỗi khó sống. Bởi vì toà án lương tâm là toà án đeo đuổi mình, lên án mình, dày vò mình… mọi nơi mọi lúc. Đấy là lúc khó sống nhất.
Anh nghĩ gì về các giá trị gia đình? Kinh nghiệm nào giúp anh giữ được một mái ấm bình yên và thanh thản?
Tôi quan niệm gia đình là thiêng liêng và phải gìn giữ nó như gìn giữ con ngươi của mắt mình. Khi có những vấn đề về gia đình, cũng như các vấn đề khác, cần phải áp dụng PPLST&ĐM.
Anh mong muốn điều gì ở con cái?
Tôi mong phần “con” của chúng càng ngày càng thu nhỏ lại, và phần “người’ ngày càng phát triển to, đẹp hơn.
(*) Giám đốc trung tâm Sáng tạo khoa học – kỹ thuật (TSK) thuộc đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia TP.HCM.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh