Suy nghĩ cuối năm về những điều ngộ nhận
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày chữ Quốc ngữ được đưa vào dạy ở cấp Tiểu học (1919) ngày 21/11/2009, gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh kết hợp với Chungta.com, tổ chức buổi chiếu phim "Mạn đàm về Người Man di hiện đại". Đây là bộ phim tài liệu do gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức sản xuất, được xây dựng xoay quanh những mạn đàm của các nhà nghiên cứu sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu, Chương Thâu; các nhà báo Trần Hòa Bình, Yên Ba nhằm minh định lại nguồn gốc, tra cứu lại những giá trị tư tưởng, văn hóa, lịch sử… mà ông đã tạo dựng và để lại cho ngày hôm nay. Bộ phim đã dựng lại chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Chungta.com xin trân trọng chia sẻ tới quý độc giả những suy ngẫm của Nhà giáo nhân dân Phạm Văn Vĩnh sau khi theo dõi bộ phim "Mạn đàm về Người Man di hiện đại".
>> Mời tham khảo thêm thông tin về bộ phim: Mỗi người có một cách yêu nước riêng
Kính gửi GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Lanh, PGS TS Vũ Nhật Khải và các bạn Nguyễn Lân Bình, Bùi Quang Minh!
Mặc dù đã 65 tuổi, đã lăn lộn trên nửa thế kỷ với bảng đen, phấn trắng, những tưởng mình học nhiều, đọc nhiều, sách mua cũng lắm, đài nghe và xem cũng nhiều, những tưởng như thế là mình không đến nỗi kém cỏi, nhưng vừa qua được xem cuốn phim do cá nhân thực hiện thì lại thấy mình còn quá nhiều ấu trĩ.
1-Cái ấu trĩ đầu tiên là sự ngộ nhận. Trước đây, tôi cho rằng chỉ có phim quốc doanh do nhà nước sản xuất thì mới hay, mới thực, mới đúng vì phim nào phim nào cũng “ta thắng địch thua” như thế mới thỏa mãn lòng yêu nước của bà con chúng tôi, phim không có hậu không phải là phim! Quốc doanh mới là nhất, dù có khối xí nghiệp quốc doanh lỗ chỏng gọng ra mà đặc biệt là chẳng hề có ai bị hây hấn gì cả. Bây giờ xem phim “Mạn đàm về Người man di hiện đại” thì tôi mới thấy tôi quá ngộ nhận về phim tư nhân và phim nhà nước. Phim nhà nước đem chiếu mà chẳng ma nào xem thì chẳng ai bị phê bình, mất chức vì bị lỗ thì đã có thuế của dân è cổ ra mà đóng góp; còn phim tư nhân mà không có người xem thì nhà sản xuất không chỉ bị thui chột tiếng tăm mà khi bị phá sản thì họ đi vào khách sạn Hilron là cái chắc.
2 - Chưa hết, lại còn điều ngộ nhận thứ hai làcá nhân thì tiền đâu mà làm phim, nhà nước mới sẵn tiền có thể bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ để thực hiện những cuốn phim xem xong vài buổi là đem cất vào kho lưu trữ. Ơ hơ, tiền đâu mà lắm thế! Thế mà phim trên do cá nhân tác giả Nguyễn Lân Bình bỏ tiền túi ra làm, chứ không phải tiền thuế của dân đóng góp. Xem xong mới thấy là đừng có coi thường ý chí, nghị lực và khát vọng của dân. Khi người dân đã khát khao và đam mê thì chẳng có gì cản trở được.Người làm phim này đã phải ký quỹ tài sản, vay tiền của ngân hàng mà làm phim không phải để đầu tư kinh doanh, mà cốt để thiên hạ hiểu đúng cái cần hiểu, vì phim có chiếu rộng rãi đâu, mà có chiếu cũng không thu tiền và khán giả đều chọn lọc chứ không xô bồ như khán giả phim chưởng, phim chuyện tình mùi mẫn, bi lụy, sướt mướt hay phim câu khách nhiều cảnh hở hang.
3 - Cũng chưa hết đâu, mặc dù vẫn âm thầm tự hào ngầm là đã có riêng Bộ Đại bách khoa toàn thư của thế kỷ thứ 20 (Grande encyclopédie du 20-ième siècle) trên 20 cuốn to tướng lễ mễ khuân từ Paris về, ngày nào cũng tra cứu để biên soạn sách, thế mà ngu vẫn hoàn ngu. Khi xem phim trên thấy có chiếu hình ảnh tượng đài đại văn hào Alexandre Dumas có đắp nổi trên tường dòng chữ to tướng: “Tous pour un, un pour tous ” có nghĩa đen là: “Tất cả vì một, một vì tất cả ”. Ơ hay, sao mà giống câu mà chúng ta vẫn thường đọc và được dạy cho học sinh phải nhập tâm thường xuyên nữa: “Mọi người vì mình, mình vì mọi người”.Về nhà tra cứu lại cuốn: “Những đại văn hào tiếng Pháp do Le Robert ấn hành” ( Le Robert des grands écrivains de langue française), một tác phẩm nổi tiếng thế giới in năm 2000. Tra cứu phần viết về Alexandre Dumas từ trang 434 đến hết trang 443, thì trong phần trích dẫn danh ngôn (Citations ) của ông có câu “Tất cả vì một, một vì tất cả ” tại trang 400, cột bên trái. Câu này được trích trong tác phẩm Ba người ngự lâm pháo thủ xuất bản năm 1844. Mà Alexandre Dumas sinh năm 1802 và mất năm 1870. Tức quá, lại lóc cóc tra cứu tài liệu thì thấy Karl Marx sinh năm 1818, mất năm 1883. Thế là ông A.Dumas hơn cụ Marx nhà ta những 12 tuổi. Lại lọ mọ tra cứu về Lê Nin thì thấy rõ ràng cụ Lê Nin kính yêu của chúng ta sinh năm 1870, đúng là vào cái năm mà văn hào A.Dumas qua đời, thế là nhà văn già hơn cụ Lê Nin những 68 tuổi. Tiếc quá, giá Dumas mà không sớm qua đời để vinh dự được gặp các vĩ nhân thì hay biết mấy. Tra cứu đến đây thì cũng mệt quá rồi, thôi chẳng tra cứu nữa, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Âu đó cũng là ngộ nhận thứ ba của tôi. Đã mấy chục năm, hàng ngàn lượt tâm đắc giảng câu nói hay đó cho sinh viên và học sinh mà mảy may tôi cũng chẳng hề biết xuất xứ câu đó ở đâu mà dẫn ra, và cũng chẳng bao giờ biết ai là tác giả danh ngôn đó. Vô trách nhiệm và tắc trách đến thế là cùng.
4- Trước năm 1945, thiên hại vẫn thấy có cái bia nói về Alexandre de Rhodes (cha đẻ của chữ quốc ngữ, nếu không thì chúng ta vẫn lệ thuôc vào chữ Hán). Bia đó dựng ngay sau đền Bà Kiệu ở trước cầu Thê Húc và đến Ngọc Sơn. Ngày 19-8-1945, khí thế cách mạng bùng lên, bà con đi biểu tình đã kéo đổ cái bia đó. Thôi cũng được, đúng hay sai còn đang tranh cãi. ông là công, tội là tội, đừng nhập nhèm cái nọ với cái kia. Tại một nơi, khi tranh luận về một nhân vật, người thì bảo công 7, tội 3; người thì cho là công 3 tội 7, nhưng họ vẫn để nguyên ảnh và tượng nhân vật đó. Thế nên tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn có đường phố mang tên là Alexandre de Rhodes, còn ở ngoài này thì không. Tương tự như thế ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có đường phố mang tên nhà bác học Nguyễn Văn Vĩnh, người có công vô cùng to lớn trong việc phát triển quốc ngữ, mà ngoài này cũng không nốt. Ơ hay, thế là thế nào nhỉ? Mình ngộ nhận hay ai ngộ nhận, chẳng biết nữa, tranh luận làm gì cho thêm mệt xác, cùng một đất nước mà mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau, có trời mà biết được?
Cuối năm, đôi điều suy nghĩ gần xa, nếu có điều gì sai sót xin đánh chữ đại xá cho và ai nỡ chấp nê kẻ ngu đần đang học khôn như tôi./.
Phúc Thiện
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc