Chuyện về chiếc ghế tràng kỷ
Một ngày mùa đông, bầu trời âm u như không giúp cho người ta suy nghĩ nữa đừng nói đến việc làm gì đó cho có hưng phấn. Vô tình, tôi cầm cuốn sách “Truyện cổ Nhật Bản” của con gái học cấp II do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2007. Đọc lời giới thiệu ở trang đầu tôi giật mình vì có đoạn viết: “Thực ra, việc giới thiệu truyện Cổ tích Thế giới ở Việt Nam đã được làm cách đây cả trăm năm, một trong những người tiên phong là Học giả Nguyễn Văn Vĩnh”. Tôi tâm đắc với ý nêu trong sách vì 5 năm trước đây khi đọc báo Quân đội Nhân dân ra ngày Chủ nhật 28/11/2004 có đề mục “Nhân 85 năm đưa chữ quốc ngữ vào dạy cấp tiểu học ở Việt Nam” tôi mới biết Nguyễn Văn Vĩnh là ai?! Liên quan gì đến tiếng mẹ đẻ của chúng ta đang dùng. Tôi quyết định đi tìm và hỏi thăm các Nhà sử học có danh tiếng như: GS. Đinh Xuân Lâm, GS.Phan Huy Lê, Nhà Sử học Dương Trung Quốc và nhiều nhiều các Nhà Khoa học khác nữa. Tất cả đều xác nhận: “Năm 1919, Triều đình nhà Nguyễn chính thức quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy cấp Tiểu học ở Việt Nam, trước đó các trường học đều dạy cho học sinh Hán văn và một phần Pháp văn. Mãi đến năm 1924, Triều đình nhà Nguyễn mới ban hành quyết định lấy chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong giao dịch hành chính xã hội”. Chao ơi, hoá ra thứ chữ mà chúng ta đang viết, đang dùng làm nền tảng cho nền Văn hoá của một Dân tộc đến nay mới tròn 90 tuổi.
Được sự giới thiệu của các nhà Khoa học, tôi đã tìm được Gia tộc của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Thật là hạnh phúc vì tôi đã đến đúng địa chỉ, đó là người cháu nội của Học giả - anh Nguyễn Lân Bình. Tôi đã choáng ngợp khi tận mắt chứng kiến kỷ vật (có lẽ là duy nhất ở Việt Nam) của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đó là đôi ghế tràng kỷ. Vậy, đôi ghế này liên quan gì đến 90 tuổi đời của chữ Quốc ngữ, tiếng mẹ đẻ của chúng ta, những người Việt Nam, những người dân của một quốc gia có cả nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm, một đất nước bị hầu hết các đế quốc lớn trong lịch sử nhân loại tìm cách thôn tính, song Việt Nam vẫn tồn tại và ngày càng trở nên đáng quan tâm trong con mắt của cả Thế giới bao la. Thật hãnh diện và không thể không xúc động nếu bất cứ ai trong chúng ta để tâm đến sự thật này! Trong suốt cuộc đời đi học, biết đọc tôi hoàn toàn tin rằng tất cả các cuộc chiến tranh, các cuộc xung đột giữa Quốc gia này với Quốc gia khác, giữa Dân tộc này với Dân tộc khác, cái cuối cùng phải thôn tính để giành được kết quả tuyệt đối đó là Văn hóa. Nhận thức này càng làm tôi tâm đắc với Học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Khi tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông, quả thật nó quá lớn, quá nhiều vấn đề để quan tâm và suy ngẫm… có lẽ việc này xin để dành cho các nhà Khoa học, những trí thức và những người làm công tác Văn hoá Lịch sử nói rõ hơn. Tôi chỉ xin mạo muội nói đến đôi tràng kỷ, kỷ vật của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh nhân 90 năm người Việt Nam được học và viết tiếng mẹ đẻ.
Đôi tràng kỷ có hình thức nghệ thuật của Văn hoá Phong kiến, được làm từ gỗ gụ, 4 chân dáng bàn chân voi. Đáng quan tâm nhất là 2 câu chuyện ngụ ngôn của Nhà viết truyện Thơ Ngụ ngôn người Pháp từ thế kỷ 17 – Laphongten. Hai câu chuyện được khảm lên trên ghế bằng một loại vật liệu thông thường mọi người gọi là xà cừ (vỏ trai hoặc vỏ ốc). Thích thú nhất là việc 2 câu chuyện được tóm tắt và viết bằng tiếng Việt, dưới mỗi đoạn tóm tắt dòng chữ khảm rất rõ: “Truyện thơ Ngụ ngôn Laphongten - diễn Quốc văn”, dưới nữa đề rõ tháng 12/1919, ký tên “Vĩnh”.
Câu truyện thứ I: Con Cáo và Con Cò
Truyện miêu tả cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Cò và Cáo trong bối cảnh do lúc ăn Cáo bị mắc xương trong họng, thấy Cò bay qua có mỏ dài Cáo ra hiệu xin được giúp đỡ bằng cách dùng cái mỏ dài ghắp miếng xương trong họng. Cò đắn đo nhưng đồng ý vì xét ra cũng chẳng nặng nhọc gì. Cáo cam kết: “Giúp tôi đi rồi tôi sẽ trả công anh!” Cò thực hiện nhanh chóng. Thoát nạn, Cáo lại trở lại nhanh nhẹn, Cò hỏi: “Vậy anh trả công tôi thế nào đây?” Cáo sừng sộ: “Mày hãy nhớ, mấy phút trước cả đời mày nằm trong họng tao, tao đã tha không ăn thịt mày, giờ lại còn muốn công với xá!!! Có cút ngay đi không! Cò hoảng hốt vỗ cánh bay lên cao…”
Thật ghê tởm! Có lẽ chẳng vô cớ Học giả Nguyễn Văn Vĩnh đưa câu chuyện khảm lên chiếc ghế này. Ai biết Nguyễn Văn Vĩnh đều hiểu rằng ông là người Việt Nam đầu tiên dịch các tác phẩm Văn học hiện đại của Văn học Pháp ra tiếng Việt. Theo các tài liệu góp nhặt được, Nguyễn Văn Vĩnh làm thông ngôn từ lúc 15 tuổi cho Toà sứ Lào Cai, đó là năm 1897-1898. Hẳn Nguyễn Văn Vĩnh coi trọng lắm lắm lòng biết ơn trong quan hệ cuộc sống giữa con người nên ông đã nhắc đến câu chuyện này trên kỷ vật của mình.
Câu truyện thứ II : Chó rừng và Chó nhà
Truyện kể lại rằng có một ngày dài, chó Rừng không kiếm được gì ăn bèn lân la đến rìa một ngôi làng của người sinh sống. Đang lang thang, chó Rừng gặp 1 chó Nhà cũng thẩn thơ nơi bìa làng. Chó rừng thảng thốt nhận thấy sự béo tốt và khoẻ đẹp của chó Nhà bèn mạnh dạn lại gần trò chuyện: vì sao cũng là chó mà cậu khoẻ đẹp thế, còn tôi thì gầy gò thế này. Chó Nhà đáp cậu có muốn được như tôi không, dễ lắm. Chó Rừng sung sướng hỏi tiếp vậy phải làm thế nào, chó Nhà nói: cứ đi theo tôi thì biết. Chó Rừng theo chó Nhà một hồi lâu bỗng phát hiện thấy trên cổ chó Nhà có cái khoanh, chó Rừng dừng lại và hỏi: “Đây là cái gì?”, chó Nhà đáp chân thành: “Thực thì tôi sống rất sướng, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, dăm bữa, nửa tháng nhà chủ lại có giỗ chạp, xương ăn không hết… có điều thỉnh thoảng ông chủ lại xích vào đây”, chỉ vào cái khoanh trên cổ. Vừa nghe xong, chó Rừng cắm đầu chạy không ngoảnh lại, trong đầu nghĩ: “Thôi thôi mặc bữa no say, ngàn vàng hồ dễ sánh tày thảnh thơi!”.
Như vậy, không thể không nhận thấy rằng hai câu chuyện mà Học giải Nguyễn Văn Vĩnh khảm lên đôi ghế chắc chắn phải là sản phẩm của một thứ tư duy sâu sắc. Còn gì bằng sự tự do, sự biết ơn ở đời cũng là đạo lý.
Ánh sáng lung linh được phản chiếu từ những miếng xà cừ càng xoáy vào suy nghĩ của tôi. Vậy là, nhờ có chữ viết mẹ đẻ mà từ cả trăm năm trước những người Việt Nam bình thường nhất cũng có thể tiếp cận được với tinh hoa Văn hoá của Nhân loại, đặc biệt trong Văn học Pháp. Tinh hoa Văn hoá không bao giờ là của riêng ai, hay riêng một Dân tộc nào, hay riêng một Quốc gia nào. Biết ơn Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cám ơn những cống hiến của ông trong ngôn ngữ, Văn học và Văn hoá nước nhà.
Để kết thúc bài viết đơn giản này, xin trích đoạn đầu bài viết của cụ Nguyễn Văn Tố nói về con người và sự nghiệp của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên tạp chí “Tin tức - Hội Tương tác Giáo dục Đông kinh”, Cuốn số 16: số 1 và 2, từ tháng Giêng đến tháng sáu năm 1936 như sau :
“Ngày 1 tháng 5 vừa rồi, khi học giới nước Nam bị cướp đi mất một Nguyễn Văn Vĩnh mà họ vô cùng trọng vọng, không chỉ các đồng nghiệp và đồng liêu, bè bạn và học trò, mà có thể nói rằng tất cả những ai ở Đông Dương gắn bó hoặc quan tâm đến phong trào tư tưởng của người nước Nam đều xúc động sâu xa. Bởi vì ngay lập tức tất cả mọi người cảm thấy rằng một chút gì thuộc về cái Thiện và cái Dũng đã vừa tắt theo con người có khí chất mạnh mẽ và cao cả ấy. Vậy mà, con người được tiếc thương nhường ấy đâu có phải là một trong những kẻ sáng tạo ra những tư tưởng đã làm đổi thay nếp suy nghĩ và nếp cảm nhận của cả một thế kỷ hoặc cả một dân tộc. Điều được biểu hiện nơi con người ấy một cách tuyệt vời chỉ là một phương pháp; chưa kể là cái phương pháp ấy ông cũng chẳng nghĩ ra; nhưng, nhờ ở cả một tập hợp những phẩm chất cao quý và đa dạng, cùng lúc ông phát triển và hoàn thiện cái phương pháp kia, thì ông cũng dùng nó để không ngừng tạo ra những kết quả mới, như thể ông đã khiến cho phương pháp ấy thấm nhuần tính cách con người ông, và qua đó ông đã gửi được vào chính phương pháp ấy cả một vẻ đẹp. Đồng hóa sâu xa và áp dụng sáng tạo một phương pháp đến thế, – trong cách làm căn bản là vận động để quảng bá chữ quốc ngữ và tìm cách cho "người Pháp am hiểu tâm hồn người Nam và người Nam am hiểu tinh thần người Pháp", – đó là công lao thực sự đặc biệt của ông … Trong ba mươi năm, hành động nói và viết của Nguyễn Văn Vĩnh đã hầu như không ngừng vang lên với những ai tò mò muốn biết về nền văn học Pháp và về gương mặt thật của nước Pháp. Sự quảng bác và sự mềm dẻo của một trí thông minh ngoại cỡ của đồng nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh chúng ta hẳn đã làm nên một ảnh hướng lớn tới nhiều thế hệ người học, và thông qua những bài viết cùng những dịch phẩm của ông, thì lại ảnh hưởng tới vô số đồng bào người nước Nam ta; nhưng có lẽ đóng góp còn lớn hơn nữa khiến cho ảnh hưởng này thêm tác động và thêm phong phú, đó là tính cách của chính con người ấy, đó là nhiệt tình trong tâm hồn ông và sự nhân hậu đến vô cùng của ông. Những đức độ ấy, mà nếu thiếu chúng thì một ông thầy dù giỏi giang uyên bác tới đâu cũng vẫn không kham nổi sứ mệnh, Nguyễn Văn Vĩnh lại có và sở hữu chúng ở một mức độ cao.”
Hà Nội, tháng 12 năm 2009
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc