Mỗi người có cách yêu nước riêng
Hiếm có lần nào phòng chiếu phim của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L'Espace) lại có cảnh người chen nhau đứng xem bộ phim tài liệu 4 tập kéo dài 215 phút. Không một ai bỏ về giữa chừng và kết thúc bộ phim là những tràng pháo tay không dứt dành cho câu nói của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Trên bàn thờ của dân tộc, ngoài những anh hùng, liệt sĩ, nên có chỗ cho những người làm văn hóa”.
Vượt qua mục đích ban đầu là bộ phim tài liệu độc lập của gia tộc, Mạn đàm về “người man di hiện đại” đã dựng chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Cuộc đời như tiểu thuyết
Cuộc đời học giả Nguyễn Văn Vĩnh khiến nhiều người xem phim có cảm giác như đang theo dõi một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết.
Sinh năm 1882 ở Hà Nội trong một gia đình nghèo, năm 11 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đã thi đỗ thông ngôn sau 3 năm “học mót” nhờ làm tiểu đồng... kéo quạt. Nhưng vì quá nhỏ tuổi, không thể làm quan được nên ông học tiếp hai năm nữa. Lần này, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu và chính thức làm phiên dịch. Nguyễn Văn Vĩnh không đọc một cuốn sách nào trên trường lớp nhưng lại đọc tất cả những sách rơi vào tay mình khi lăn lộn vào đời. Trong vòng hai tháng học, ông có thể dịch được tiếng Hoa và tiếng Anh. Ông chỉ mất hơn 2 năm để tự học xong chương trình phổ thông của Pháp (mua sách từ thủy thủ Pháp).
Khả năng làm việc của ông thì kinh người. Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn hồi ký Bốn mươi năm nói láo, đã kể lại cách làm việc của cụ Nguyễn Văn Vĩnh: “... viết luôn một lúc một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo một thư cho toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Telemac phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về thống sứ Pháp…”
Dù là được người Pháp đào tạo và định lợi dụng ảnh hưởng nhưng Nguyễn Văn Vĩnh luôn có ý thức độc lập dân tộc cao. Chính vì thế, người Pháp đã bỏ rơi ông và dùng sức ép của ngân hàng để tịch thu gia sản khiến Nguyễn Văn Vĩnh phải sang Lào tìm vàng. Ông mất đột ngột trên một con thuyền độc mộc trên sông Sibăngghi (tỉnh Shêphôn, Lào) vào ngày 11-5-1936 “để lại một công lao không có lỗi lầm và lịch sử không có vết nhơ” (điếu văn của ông M. Delmas - Chủ tịch Hội Nhân quyền chi hội Hà Nội).
Ông tổ của nhiều nghề
Tầm vóc văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh trước hết ở chỗ ông là ông tổ của nhiều nghề. Năm 1906, sau chuyến đi Pháp 6 tháng, ông quyết định thôi làm công chức, mở nhà in Trung Bắc và làm chủ bút tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Ông còn làm chủ bút các báo tiếng Pháp Notre Journal (Tờ báo của chúng ta), Notre Revue (Tạp chí của chúng ta), l’Annam Nouveau (An Nam mới). Ông là người đầu tiên chủ trương dịch những quyển sách nổi tiếng của Pháp sang quốc ngữ, và ngược lại.
Nguyễn Văn Vĩnh hợp tác với Công ty Chiếu bóng Đông Dương dựng “kịch bóng” (cách gọi điện ảnh thời ấy) đầu tiên của Việt Nam, tên là Kim Vân Kiều. Tác phẩm của Nguyễn Du được đưa lên màn bạc với diễn viên là các đào kép tuồng của ban Quảng Lạc, Hà Nội, trình chiếu ngày 14-03-1924.
Cụ Vĩnh còn là người đầu tiên cắt tóc búi củ hành và vận Âu phục trước khi sang Pháp năm 1936. Ngoài việc sở hữu một ô tô, cụ còn sở hữu một chiếc mô tô với quan điểm: “Nhà báo là phải đi mô tô”.
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nổi bật với quan điểm duy tân cấp tiến. Thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, và được sang Pháp công tác, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương, ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm. Những yếu tố này ở nước ta lúc bấy giờ chưa có... >>Trang tác giả:Nguyễn Văn Vĩnh |
Ông đã đóng góp rất nhiều trong việc thống nhất tiếng Việt và làm cho tiếng Việt đạt trình độ cao hơn. Thời cụ Vĩnh, người miền Bắc hay nhầm giữa s và x hay ch và tr..., mà người Trung Kỳ và Nam Kỳ lại phân biệt được. Nhưng người Nam và Trung lại không phân biệt được can và cang, cắt và cách hoặc ing và in... Họ cũng không phát âm được v nên bị nhầm thành d hoặc gi. Cụ dựa tên các tờ báo tiếng Việt, đáng kể nhất là tờ Đông Dương Tạp chí (1913) để khuyến khích dùng đúng chữ quốc ngữ.
Đánh giá đúng công lao Nguyễn Văn Vĩnh
Bộ phim tài liệu được xây dựng xoay quanh những mạn đàm của các nhà nghiên cứu sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu, Chương Thâu; các nhà báo Trần Hòa Bình, Yên Ba.
Các nhà sử học đều đánh giá công lao lớn nhất của Nguyễn Văn Vĩnh là truyền bá chữ quốc ngữ. Không chỉ tạo dựng cho dân tộc một ngôn ngữ chuẩn, chữ Quốc ngữ còn giúp xóa nhanh nạn mù chữ vì chỉ cần ba tháng là có thể biết chữ trong khi chữ Hán và Nôm phải mất 10 năm. Qua đó, công lao gây dựng nền văn hóa độc lập của cụ Vĩnh đã được làm rõ qua câu nói: “Nước Nam sau này hay dở là ở chữ quốc ngữ”.
Xoay quanh mạn đàm của các nhà nghiên cứu là những lời “minh oan” của con cháu cụ Vĩnh khi cụ bị hiểu nhâm là Việt gian, bồi bút. Sự hiểu nhầm là do cụ chủ trương thuyết trực trị. Chủ trương này về bản chất không khác với chủ trương “Pháp - Việt hợp tác” của cụ Phan Chu Trinh. Nghĩa là Bắc Kỳ và Trung Kỳ nên đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Pháp như ở Nam Kỳ. Uớc mong của cụ Vĩnh (có thể là ngây thơ) là khi dân ta được như những người Pháp sẽ trở nên văn minh hơn và việc đòi lại độc lập bằng đối thoại dễ được chấp nhận. Trong khi vừa đấu tranh đòi trực trị, cụ vừa tuyên truyền nâng cao dân trí bằng báo chí. Và muốn làm được việc đó, cụ Vĩnh đã nhẫn nhục dựa vào người Pháp.
Đạo diễn bộ phim Trần Văn Thủy sau buổi trình chiếu, phát biểu: “Mỗi người có cách yêu nước riêng. Tôi làm bộ phim không chỉ để đánh giá lại công lao của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Một người dám tự nhận là “người man di hiện đại” nghĩa là đang dũng cảm nhìn mình bằng con mắt ở bên ngoài để phê phán trình độ văn minh của dân tộc mình”.
Đạo diễn Trần Văn Thủy tại buổi trình chiếu bộ phim "Mạn đàm về người man di hiện đại" |
Mạn đàm về người man di hiện đại
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh hiện diện qua "Mạn đàm về người man di hiện đại" là con người của những luồng thông tin đa chiều dữ dội. Xuyên suốt 4 tập phim, cụ được đánh giá lại là một vĩ nhân kiệt xuất, cho dù chính cụ chỉ tự nhận mình là một "người man di", một "người thường".
Người man di Nguyễn Văn Vĩnh
Đoạn cuối của "Mạn đàm về người man di hiện đại", bộ phim tài liệu của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) là cảm xúc được dồn tụ trong suốt chiều dài 215 phút, khiến gần như toàn bộ những người kiên trì dõi theo từng thước phim không khỏi... bàng hoàng vào phút kết thúc.
"... Tôi xuất thân không phải từ một gia đình "danh gia vọng tộc", "khoa bảng", thậm chí không được như số đông con dân Việt lúc bấy giờ mà từ một gia đình rất nghèo. Nói theo cách nói của thời hậu sinh thì từ một gia đình thành phần rất cơ bản. Tôi đã bước vào đời từ một cậu bé 8 tuổi, nghèo khó, kéo quạt ở trường thông ngôn đình Yên Phụ.
Nói chí phải như anh Vũ Bằng, một đệ tử của tôi: "Cái đời ông Vĩnh, ấy là cái đời chẳng được học hành gì". Tất cả những gì tôi làm là vượt lên hoàn cảnh để gửi gắm tình yêu sâu nặng của tôi với đất nước này, tình thương vô bờ của tôi với dân tộc này.
Xứ sở của chúng ta từ cổ chí kim không biết cơ man những con người có tấm lòng ái quốc. Hãy vì hậu thế mà ứng xử với họ cho dù họ có "ái quốc" theo cái cách của họ.
Còn tôi, xin hậu thế chớ nặng lòng bàn cãi. Hãy để cho tôi yên phận trong cái danh vị tốt, xấu mà người đời đã trao cho tôi. Không sao cả! Không sao cả! Vì tôi từng nghĩ về mình còn tồi tệ hơn thế nhiều. Tôi đã nghĩ: "Tôi là người man di hiện đại". Đúng như vậy. Không tin thì các bạn hãy trở lại bức thư tôi viết năm 1932 cho cụ Huỳnh Thúc Kháng mà coi..."
Khép lại 4 tập phim tài liệu dài đằng đẵng chính là những lời "báo mộng", được ghi lại từ những... giấc mơ ấy.
Và trong bức thư gửi cụ Huỳnh Thúc Kháng, "người man di hiện đại" (theo nghĩa xếp mình ra bên ngoài, nhìn mình từ bên ngoài để tự phê bình, soi xét bản thân) đã viết:
"Cái hố sâu ngăn cách giữa nhà Nho chân chính như ông, người không còn tin vào những tư tưởng lẫn những phương pháp của quá khứ, với một người man di hiện đại như tôi, sản phẩm của một nền giáo dục hỗn hợp và khiếm khuyết, kẻ đang cố tìm một vài chân lý trong cùng cái quá khứ đó, mà tôi, tất nhiên cũng không biết gì hơn ông Kháng. Cái quá khứ đó dù sao cũng hiện lên đối với tôi như một nguồn sức sống và ánh sáng chưa được biết tới.
Chúng ta đã gặp nhau trên con đường và người nào cũng cho là mình đi đúng hướng, chính là vì con đường đó chưa có. Giống như, rốt cùng, cả hai chúng ta đang đi tìm chân lý, thì không nhất thiết cứ phải đi theo cùng một hướng...".
Người viết những điều đầy hàm ý ấy được nhìn nhận và đánh giá như một "Tân Nam Tử", một người nước Nam mới, thấu suốt bản thân, kiên định đi theo lý tưởng của mình, suốt một đời nhất quán một tấm lòng yêu nước.
Toàn bộ những đóng góp vô cùng lớn lao của Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt cuộc đời cụ, minh chứng trong gần một thế kỷ qua sau khi cụ tạ thế, là tất cả những gì cần "xét lại" về con người và tầm vóc của cụ.
Nếu ai biết đến câu nói có tính "sấm truyền" vào thời điểm đầu thế kỷ 20 về văn hóa "Nước Nam ta mai sau hay, hay dở cũng là ở chữ quốc ngữ!" thì cũng sẽ không thể không biết rằng Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp - 1906.
Cụ cũng là chủ bút đầu tiên báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ (Đăng cổ tùng báo - 1907). Là người đầu tiên cùng Phan Kế Bính dịch và hiệu đính Tam quốc chí từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ (1909).
Là người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Vitor Hugo, Honore de Balzac, Alexandre Dumas, Moliere, La Fontaine... ra tiếng Việt. Là người Việt Nam duy nhất làm chủ bút ba tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ... Và còn rất nhiều danh xưng đầu tiên và duy nhất khác gắn với tên ông mà lịch sử cũng như hậu thế đã và đang ghi nhận.
Nói như GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN: "Nếu đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc cụ là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ quốc ngữ và là nhà dịch thuật xuất sắc thì chưa đầy đủ và thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn cũng là đóng góp lớn nhất ở cụ chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của Việt Nam mang tính khai sáng.
Cụ cũng là người biết dùng văn học và văn hóa để thấm sâu vào lòng người, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại. Với người chủ soái của nền văn hóa sử dụng chữ quốc ngữ này, tiếc rằng, đã có những giai đoạn lịch sử bị nhìn nhận sai lệch... Với người làm sử chúng tôi, có những điều không phải lúc nào cũng được nói ra, nhưng đã nói ra thì không được nói sai sự thật".
Điều mà GS Phan Huy Lê cũng như nhiều học giả, nhà văn hóa khác nói về Nguyễn Văn Vĩnh, đánh giá về "người man di hiện đại" này cũng chính là điều thôi thúc gia đình, dòng tộc nhà yêu nước Nguyễn Văn Vĩnh cùng với đạo diễn phim tài liệu nổi danh Trần Văn Thủy vượt qua bao khó khăn, trở ngại để minh định lại nguồn gốc, tra cứu lại những giá trị mà cụ đã tạo dựng và để lại cho ngày hôm nay.
Những thước phim "độc đạo"
Với bộ phim đã vượt khỏi ý nghĩa "tư liệu gia đình" (theo dự tính ban đầu của gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh) như "Mạn đàm về người man di hiện đại", lại một lần nữa, NSND Trần Văn Thủy cho thấy mình vẫn mải miết đi trên con đường "độc đạo", không ngại động chạm đến những vấn đề khó và gai góc, với tâm thế của một nhà làm phim độc lập.
Đạo diễn nói: Nếu đề cập điều đó thì có khi cũng có hàng trăm phút phim, như người ta đã từng coi Nguyễn Văn Vĩnh là "bồi bút", theo Tây, phản nước. Vì thực tế ấy mà con cháu cụ về sau đã phải hứng chịu bao bi kịch và sự hiểu lầm khắc nghiệt. Còn đây, chính là những gì về con người Nguyễn Văn Vĩnh được xác lập lại.
Trước một bộ phim tưởng như rất "nặng nề" ấy, không ngờ khán giả từ trẻ tới già có mặt tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) lại kiên trì theo dõi đến thế. Họ ngồi tràn cả ra sàn gỗ, trong không khí lặng im phăng phắc.
Rồi trước tiếng vỗ tay rào rào của mọi người khi phim kết thúc, đạo diễn Trần Văn Thủy nói: "Chưa phim nào tôi làm là không "có vấn đề" cả, phim này cũng vậy. Khi biết về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã nghĩ ngay rằng dân tộc ta đã có những con người như thế tại sao ta không tôn vinh? Và tôi làm phim không để đi tìm tên tuổi hay danh lợi ưu ái nào. Tôi cũng không làm phim vì gia tộc họ Nguyễn mà tôi làm phim vì dân tộc này".
Và bộ phim tài liệu "Tản mạn về người man di hiện đại" nay đã không còn là một điều gì quá mới nữa khi nó được ghi hình từ năm 2006 và trong một năm qua, phim đã được chiếu hơn 20 lần cho gia tộc, bạn hữu, Viện Văn học, ĐH Văn hóa Hà Nội, Tỉnh ủy Quảng Nam, khoa Pháp văn ĐH Bách khoa ( Đà Nẵng), khoa Báo chí & Truyền thông (ĐH KHXH &NV Hà Nội), chiếu bản rút gọn ở Pháp... và bây giờ Trung tâm Văn hóa Pháp tiếp tục trình chiếu trước đông đảo công chúng Việt.
Bộ phim, đúng như tên gọi, đó là những ghi chép tản mạn, phác họa chân dung nhân vật trung tâm trên nhiều lĩnh vực, nhưng được thực hiện rất kỳ công:
Từ hiện thực về một ngõ hẻm ở TP. HCM có tên Nguyễn Văn Vĩnh (trước đó là hẻm 27, phố Hậu Giang) mà đa phần người dân sống nơi đó "không biết ông Nguyễn Văn Vĩnh là ai (!)" cho đến những cảnh quay ở Pháp trên con đường khang trang Nguyễn Phùng - mà người được phỏng vấn cho biết đó là "con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, là người Việt đầu tiên và duy nhất được đặt tên phố ở Montpellier và ở Pháp".
Từ suy nghĩ của nhiều thế hệ cháu con đến phát biểu dựa trên sự nghiên cứu chuyên sâu về Nguyễn Văn Vĩnh của hàng chục học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu của VN đến các học giả Pháp và các thế hệ cháu con cụ Vĩnh... Từ quê hương, bản quán nơi Nguyễn Văn Vĩnh sinh ra cho đến khi cụ bỏ xác ở xứ Lào...
Tác phẩm Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh nêu lên hình tượng 2 người có công lớn trong sự sáng lập chữ quốc ngữ: Alexandre De Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh (chết trong chuyến đi tìm vàng ở Lào, trên tay vẫn cầm cây bút và bản thảo phóng sự Một tháng với những người tìm vàng) - Tranh của Nguyễn Đình Đăng |
Cho dù đạo diễn Trần Văn Thủy tự nhận là "bộ phim còn nhiều khiếm khuyết về nội dung, kỹ thuật" thì với một người xem như tôi, chỉ biết đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh qua sách vở, nay được chứng kiến những hình ảnh và lời bình sống động từ một bộ phim tài liệu mà khi dứt khỏi phim vẫn không thôi ám ảnh về cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong một bức họa: Cụ chết trên con thuyền độc mộc trôi giữa dòng sông Sê - Pôn, trong lúc đi lánh nạn và viết thiên phóng sự "Một tháng với những người tìm vàng" với tổng cộng 10 bài, còn dang dở....
Vẽ nên bức tranh cụ vẫn còn cầm trên tay cây bút lúc xa cõi tạm, bên cạnh là Alexandre de Rhodes, một trong các nhà truyền giáo đã có công lớn trong việc Latin hoá tiếng Việt, cho chúng ta chữ quốc ngữ ngày nay, họa sĩ, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Đình Đăng, một người hâm mộ học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đã gọi cụ là "người vác thánh giá văn hóa đi suốt cuộc đời".
Bùi Dũng- Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành