Tật huyền hồ lý tưởng
Xét trong văn chương nước Nam, điều gì cũng toàn huyền hồ giả dối hết cả, không có cái gì là thực tình. Người làm thơ thì ngâm những cảnh núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, giời cao, bể rộng. Núi Tản Viên, sông Nhị Hà sờ sờ trước mắt, thì cảnh không ứng bao giờ. Có cao hứng mà vịnh đến thì cũng phải viện đến cái gì ở đâu xa, chưa biết, chưa trông thấy.
Thời tiết nước mình thì không biết một chút chi chi, tả đến tứ thời thì xuân phải phương thảo địa, hạ phải lục hà trì, thu phải hoàng hoa tửu, đông phải bạch tuyết thi.
Họa may có điều gì cảnh mình hợp với cảnh Tàu thì có ra hay, nhưng thỉnh thoảng đưa những ngô đồng với bạch tuyết, lá rụng, hoa rơi, đều là hão huyền cả. Chớ mùa thu ta nào thấy lá rụng, mùa đông ta nào thấy tuyết sa. Thành ra câu hát cũng hát cho người, cảnh nhà mình thì như mù mắt điếc tai. Mượn chữ người, mượn đến cả phong cảnh, tính tình, chớ không biết dùng cái vật liệu mượn ấy mà gây dựng lấy văn chương riêng, cho nó có cái lý tưởng đặc biệt.
Anh thợ vẽ kia, thì sao khéo bôi xoa “Tiều phu Lã Vọng”, “tòng lộc”, “liên áp”, “trúc tước”, “mai điểu” quanh quẩn chỉ có thế, mà nay lại mai đề, không biết chán ngọn bút. Con cò nó lặn lội bờ sông, con trâu nó kéo cày dưới ruộng, là những cảnh ngày nào cũng trông thấy, thì ra chú khách không cho kiểu, cho nên chịu không sao ngâm được, không sao vẽ được.
Bác thợ chạm khéo đục “dây nho con sóc” mà chẳng biết cây nho ở đâu, con sóc nơi nào. Thế ra xưa nay cứ thấy làm sao bào hao làm vậy. Xem tranh vẽ chim, vẽ cây, chẳng hiểu người ta ngụ ý gì mà vẽ nên tranh, thấy nó cũng đỏ đỏ, cũng xanh xanh, thì tựu đắc ngồi rung đùi mà thú cho lấy được.
Còn về đạo cương thường, cứ nói rằng ta thâm nhiễm của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng xét ra thì người An Nam chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm. Trong hết cả số người theo Nho học, thì họa có mấy ông vào bậc học giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bậc làng nhàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học, học cho thuộc sách mà thôi, chớ không có định bụng rằng theo những điều nào, trong đạo Nho cốt tử ở trên, kháp đạo ấy vào tính tình riêng người nước mình nó ra làm sao, chắc hỏi những câu ấy không có mấy thầy đồ cắt cho gẫy gọn được.
Tôn giáo thì đã nói rồi, xem ra cũng một cách huyền hồ như vậy mà thôi.
Đến như việc chính trị, thì vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức đi mà làm cả một pho luật mới, chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật phép cũng hồ đồ cứ thi hành được đường nào hay đường ấy.
Xét ra thì cương thường đạo lý, phong tục chính trị, toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển.
Thế mà ngày nay có cải lương cái gì, sợ rằng trái đạo lý cũ của mình. Đạo lý cũ của mình là thế nào, có ai biết đâu?
Con khóc cha mà cũng phải tìm trong “Thọ mai gia lễ” hay là “Văn công gia lễ”, xem ngày xưa ở bên Tàu các ông ấy khóc cha mẹ ra làm sao, thì cứ thế mà khóc. Giản hoặc trong hai cách có điều gì khác nhau, thì cũng biết vậy, lúc túng việc thì vớ quyển nào theo quyển ấy. Gọi cho nó theo một lệ nào đó, thì là nhà văn phép.
Xét ra trong các trò chơi, như hát tuồng, hát chèo, cũng hay bắt chước những cách vô lý, tỏ ra rằng người An Nam không có lý tưởng nhất định về chuyện gì, cứ gặp sao nên vậy.
Tấn tuồng thì hay lấy sự tích của Tàu mà lúc ra hát thì quên cả dến thờiđến xứ. Cứ nhân được chỗ nào có dịp hát mấy câu nam, thì nam cho mấy câu. Chỗ nào có dịp khôi hài thì khôi hài. Thấy người xem có mấy người dễ cười thì làm mãi. Chẳng có kinh điển nào cả.
Đến như cái lý tưởng đẹp thì người An Nam lý hội điều đẹp cũng có một cách lạ.
Sách Tàu tả người đẹp, môi son, mắt phượng, mày ngài. Khuôn giăng minh liễu, thì bao giờ tả người đẹp cứ thế mà tả.
Có người nói thấy cái xe, ngồi lên thì nhanh mà đỡ mỏi, không sợ mưa nắng, đi đâu ba bốn người rủ nhau đi thuê một cái, xếp hàng họ, rổ rá, gồng gánh lên đó, rồi hai người ngồi trên, có khi ba người ngồi chồng lên nhau, đau lưng, mỏi cổ, sái chân, méo xương sườn, nắng chiều chiếu xiên khoai vào mặt, lệch đà lệch đệch, đi bước một, giá đi chân nhanh bằng hai. Nhưng mà đã thấy nói rằng đi xe nhanh mà tiện, thì ngồi xe dầu có cực đến thế nào cũng cho là nhanh lắm, tiện lắm.
Đó là những việc thường, mới trông ra thì tưởng nhàm, nhưng xét cho kĩ thì là những tật của trí khôn người An Nam ta, làm cho khó bảo, khó khiến được cho vào đường văn minh, cho chịu nghe những nghĩa lý phải.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)