Chữ Quốc ngữ

05:12 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Mười, 2009

Lời thưa của người thực hiện (Nguyenvanvinh.net): chúng tôi dựa trên bản chụp lại và cố gắng sao chép đúng với nguyên bản. Cứ theo luật lệ chính tả và văn phạm ngày nay thì bài văn có nhiều chỗ sai, nhất là ở các cặp chữ s/x, ch/tr, gi/r/d, và những chỗ chấm, phẩy và viết hoa. Không rõ những chỗ sai này do cụ Vĩnh lầm, hay do hồi đó chưa có luật lệ rõ rệt, hoặc giả cụ Vĩnh chủ trương viết theo cách phát âm của mình; vấn đề này mong được các học giả nghiên cứu làm sáng tỏ. Riêng chúng tôi khi thực hiện chỉ mong thấy sao chép vậy, vì chúng tôi quan niệm những bài viết này, ra đời cách nay trên dưới 100 năm, vào thời kỳ phôi thai của Việt ngữ, nên mang ít nhiều tính chất lịch sử. Ở trên chúng tôi nói cố gắng giữ đúng nguyên bản vì chúng tôi chỉ có bản chụp; bản chính được hình thành cách nay non một thế kỷ, vào lúc kỹ nghệ in ấn và giấy mực còn thô sơ, rồi tài liệu được lưu trữ gần một thế kỷ nên ngay bản chính cũng đã mờ nhạt; nay chúng tôi có bản chụp của bản mờ nhạt nên không tránh khỏi có những chỗ không thể nào phân biệt được chữ gì, dù đã dùng đến kính phóng đại. Trong trường hợp đó, chúng tôi chỉ còn cách dựa trên ngữ cảnh mà đoán.

Nguyễn Văn Phổ và Nguyễn Kỳ sưu tầm, Nguyễn Lân Tường đánh máy nguyên văn theo bản chụp lại.


Chữ quốc-ngữ tuy rằng có mấy nơi khuyết-điểm, có mấy chỗ không-tiện, song tỉ với chữ-nôm ta, và chữ-nho thì thực là một lối tiện quá rồi, cho nên ai cũng đành rằng cứ nên để y như vậy mà dùng.

Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc-ngữ cho phải lẽ, nhưng mà chẳng lý nào bằng thói-quen cuả người ta, cho nên tuy đã có nghị-định y lời Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chiụ theo, tân-thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu-sự.

Nay bản-quán lấy việc cổ-động cho chữ quốc-ngữ làm chủ-nghĩa, tưởng cũng nên đem hết cảc khuyết-điểm, các nơi không tiện ra mà bàn lại, chẳng dám đem cách nào mới mà xin thế vào lối cũ, sợ thiên-hạ lại bảo vẽ vời, song cũng nên bàn các nơi bất-tiện ra để ai nấy lưu-tâm vào đó, thì dễ có ngày tự-dưng chẳng phải ai bàn mà chữ quốc-ngữ tự đổi dần dần đi.

Trước hết chữ quốc-ngữ không biết bởi ai mà thành ra, nhưng quyết được rằng những người dùng đầu-tiên, không phải là người Đại-pháp. Ý hẳn là bởi mấy ông cố-đạo Bồ-đào-nha đến đất Nam-kỳ từ đầu XVII thế-kỷ, cho nên nhiều vần không giống vần Đại-pháp. Sự ấy đến ngày nay thành ra khuyết-điểm. Vì gía thử chữ quốc-ngữ đặt theo vần Lang-sa, thì người học chữ quốc-ngữ vừa học được vần Lang-sa nhân thể mà trong vần quốc-ngữ gía có lộn tiếng Lang-sa vào, cứ viết theo cách Lang-sa ai ai cũng đọc được. Chẳng may vần Lang-sa khác, cho nên những tiếng Lang-sa viết lộn vào văn quốc-ngữ, như là các tên người, tên các xứ, những tiếng chỏ các thứ đồ vật ta không có tên, phải dùng tiếng tây, thì không mấy người đọc được, muốn cho người ta đọc được, lại phải dịch vần Lang-sa ra vần quốc-ngữ, nghe nó ngô nghê khó chịu quá mà lại sai mất cả cách viết, mà trong tiếng Lang-sa thì cách viết là một điều quan-hệ, như chữ l'on (là người ta) mà dịch ra vần quốc ngữ là long thì có lẽ lẫn với tiếng long (là dài), thì khác nào chữ nho viết lẫn với chữ chi (1 chữ nho*) ra chữ chi (1 chữ nho**).

Ví thử vần quốc-ngữ mà đặt theo vần Lang-sa thì có lẽ tránh được cái phiền phải đặt hai chữ mới như chữ đ và chữ ơ. Chữ u Lang-sa thì đáng lẽ dùng tạm làm chữ ư quốc ngữ còn chữ u quốc ngữ thì vần tây viết ou.

Nghe đâu có mấy ông Tây dùng lối vần tây mà viết tiếng an-nam, chỉ thêm 5 dấu, thế mà dạy các qúy-quan học tiếng ta tiện lắm.

Tôi ước ao rằng một ngày kia sẩy ra một lẽ gì làm cho lối mượn vần tây ấy thành ra lối quốc-ngữ teune thúque thực diệu. Chỉ ước thế chứ không dám bàn, vì một lối chữ đặt ra lúc nào không ai biết được, vì cớ gì mà theo lệ nào cũng không phòng định được, lúc tự-dưng nó đổi đi, xong rồi mới biết được nhẽ tại làm sao, chớ ai có nên bàn cái thể thức một lối chữ, một tiếng nói, một văn- chương.

Còn như chữ quốc-ngữ có mấy điều người Bắc-kỳ ta tưởng rằng bất-tiện nhưng tôi đã nghiệm ra ở Trung-kỳ và ở Nam-kỳ thì thực là nên để như vậy.

Như những tiếng nên viết ch hay là tr ngoài Bắc ta thì không phân biệt chút nào, nhưng ở Nam-kỳ thì thật có phân biệt. Như con trâu mà viết thành châu ( hạt châu) thì người Nam-kỳ không hiểu. Xét kỹ ra, thì sự phân biệt ấy có chữ quốc-ngữ rồi mới phân biệt, chứ không phải vốn vẫn phân biệt. Nghĩa là ngày xưa trong cách đọc cũng có mấy cách đọc ch không uốn lưỡi với một cách đọc nặng tr, nhưng mà cách đọc khác nhau ấy không làm cho một tiếng khác nghĩa đi. Về sau có chữ quốc-ngữ rồi, đặt thành tự-vị, thì người sau theo người trước, mà lấy cái tình cờ làm ra một cái lệ, đến ngày nay quen mắt quen tai đi rồi, người nông nổi tưởng là vốn tiếng Nam-kỳ ngày xưa con trâu phải đọc nặng mà hạt châu phải đọc nhẹ. Việc này tôi đã thí nghiệm ở người không biết chữ quốc-ngữ thì thực họ không phân chỉ có mấy người biết chữ quốc-ngữ thì cho cách phân biệt ấy là một cách cuả người có học. Sự này tôi đã có ý nghiệm từ Thanh-hoá vô tới Quảng-nam và ở Sài-gòn.

Còn như chữ s với chữ x thì cũng vậy. Ngoài Bắc với trong Trung-kỳ thực không phân. Còn Nam-kỳ thì bảo chữ s phải đọc uốn lưỡi như chữ ch tây, còn chữ x thì đọc như chữ s tây.

Chữ gi chữ d, chữ r thì ở Bắc-kỳ ta không phân, còn ở Nam-kỳ và Trung-kỳ phân biệt được chắc chữ r mà thôi, còn d với gi cũng đọc như chữ y***, mà không mấy người biết chắc được tiếng nào đáng viết d hay gi.

Xét ra những cách phân biệt đó, tuy là có quốc-ngữ rồi mới sinh ra, (trừ ra chữ r thì nguyên bao giờ Trung-kỳ với Nam-kỳ cũng vẫn có) nhưng mà tưởng những cách phân-biệt ấy cũng làm cho tiếng an-nam thêm rõ ra được một đôi chút. Bây giờ ta cứ cho như vốn vẫn có cũng chẳng sao, mà những người dùng chữ quốc-ngữ sau cũng nên theo người dùng chữ quốc-ngữ trước.

Trong cách hai xứ đàng trong đàng ngoài dùng chữ quốc-ngữ, lại còn một điều ngộ nữa, là đàng ngoài ta thì không phân biệt khai-khẩu âm, như d, gi, r, ch, tr, mà đàng trong thì lại hay lẫn bộ khẩu-âm.

Như can thì người Nam-kỳ hay đọc lầm viết lầm ra cang, mà có chữ phải viết có chữ g, (giọng muĩ) về sau người Nam-kỳ lại yên trí rằng an đọc là ang thì bỏ chữ g đi. Như trong sách quốc ngữ Sài-gòn, nhiều chữ phang kế viết là phan kế; kính trình chư vị đặng tàn, (tàn Bắc-kỳ ta là tường đáng lẽ phải viết là tàng). Khách sạn, trong ấy viết khách sạng.

Tài sắc, viết lẫn là tài sắt.

Mà sắt đanh thì lại viết lộn là sắc đanh.

Bao nhiêu tiếng mũi dài, Nam-kỳ theo cách đọc sai, viết ra tiếng vắn: Như cái hình viết theo cách đọc ra hìn, khánh viết là khán.

Trong vần Nam-kỳ có mấy vần ngoài Bắc ta không có, như vần uơ (thuở) uơi (thuới) uơn (nguơn) uơt (duợt y). Ngoài ta thì bốn tiếng ấy đọc và viết thủa, thoái, nguyên, duyệt.

Vì chữ quốc-ngữ ở Nam-kỳ trước lại còn khuyết mất mấy vần đáng lẽ quốc-ngữ có đủ mà hoá ra không có. Như tiếng bong (chuông kêu) đáng lẽ viết bong, mà hoá ra không được vì bong đọc là bong (vần phong). Chính lẽ thì bong là bong–ra phải viết bonh, mà bong thì là tiếng chuông kêu; ông đáng lẽ phải viết ônh. Ong thì đọc phải lẽ.

Đó là mấy nơi khuyết tưởng nên nhớ mà đợi khi nào có dịp thì sửa đi.

Dịp ấy là dịp nào, không ai nói được.

V. ****.

Chú thích:

* và ** : 2 chữ nho mà chúng tôi chưa biết cách đánh máy vào văn bản này. Tra Hán Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn thì chữ nho thứ nhất đọc là chi và có nghĩa là đi, đấy. Chữ nho thứ hai viết khác nét nhưng cũng đọc là chi và có nghĩa là chống đỡ.
*** Đáng lẽ phải là d hay gi thì đúng hơn.
**** Chữ ký tắt của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

(trích Đông dương tạp chí số 33)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cụ Quỳnh khóc cụ Vĩnh

    19/07/2017Nguyễn Đình ChúNguyễn Văn Vĩnh chủ bút Đông Dương tạp chí – Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong tạp chí. Cuộc đời hai Cụ mỗi người một vẻ, nhưng số phận lại có chỗ na ná nhau, với người đời, kẻ đặt lên cao, người hạ xuống thấp. Có điều là thời gian xem ra đang ủng hộ hai Cụ. Chẳng biết, sinh thời, hai cụ gắn bó với nhau tới đâu, nhưng cứ vào bài thơ Cụ Quỳnh khóc Cụ Vĩnh năm 1936 thì tình bạn của hai cụ chắc là thắm thiết lắm.
  • Chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    06/06/2017Anh VũBộ phim tài liệu- dài gần bốn tiếng đồng hồ chiếu liền một mạch -“Mạn đàm về người man di hiện đại”, cố gắng xây dựng một chân dung thật minh oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người từng bị cho là tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ qua.
  • Chí tiên phong

    23/03/2016Dương Trung QuốcCuối thế kỉ XX, người ta mới bắt đầu nói đến “ Nền kinh tế tri thức”, nhưng trên thực tế, cách đây hàng thế kỉ nước ta đã có một nhân vật danh tiếng cả trong đời sống kinh tế và văn hóa, ông xứng đáng được gọi là người tiên phong đi vào “nền kinh tế tri thức”, đó là Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Nguyễn Văn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên

    17/09/2014Đỗ Lai ThúyBạn tôi nói, làm một người Việt Nam mới bây giờ đã khó thì làm một người Nam mới (Tân Nam tử) như Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ XX hẳn khó hơn nhiều. Đúng vậy. Vào những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam chủ yếu vẫn là một xã hội quân chủ nông nghiệp Nho giáo. Người Việt Nam, kể cả tầng lớp có học bấy giờ, vẫn phải sống thân phận thần dân nhiều trói buộc. Đâu có được như ngày nay: đất nước thì đổi mới và mở cửa; thế giới thì ngày một trở nên phẳng; con người thì đang dần là công dân trái đất! Nhưng, có lẽ, thời ấy bộ phận trí thức hình như có quyết tâm đổi mới xã hội cao lắm thì phải. Và, một điều nữa cũng quan trọng không kém: họ là những cá nhân có tài năng.
  • Về một hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    13/10/2009Nguyễn ThiêmĐể có bộ phim dài 4 tiếng ấy, nhóm làm phim đã quay tới 1.500 phút ở Hà Tây, Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Lào và đi tới 5 thành phố ở Pháp.
  • Hội dịch sách

    23/09/2009Nguyễn Văn VĩnhỞ thế–dan này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn–minh, là cũng có văn–chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn–minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để chuyền sự hay đi trong nước ai ai đều học được cả.
  • Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Ta tắm ao ta

    21/08/2009Hoàng NguyênHiếm có người tự cầm tóc mình nâng mình lên cao hơn thời đại mà mình đã sống. Nguyễn Văn Vĩnh cũng nằm trong thói thông thường này. Có điều, những việc mà ông đã làm được vì dân, vì nước, dẫu không phải lúc nào cũng "mười phân vẹn mười" nhưng rất đáng trân trọng. Ông đã tạo được những cú hích để thúc đẩy thời đại của mình tiến lên, hướng tới văn minh nhân loại mà vẫn giữ vững cốt cách nước Nam "ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
  • Tiếng An-nam

    20/08/2009Nguyễn Văn VĩnhLại còn một điều khẩn–yếu, là muốn cho văn quốc–ngữ thành văn–chương hay, khỏi mang tiếng nôm na mách qué, cách đặt câu, cách viết, phép chấm câu, phải dần dần đặt cho thành có lệ có phép; mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận, chớ đừng ai tự đắc lối của mình là phải, đem ý riêng ra sửa đổi thói quen. Phải nhớ câu: phàm ngôn–ngữ nước nào cũng vậy, dầu tài thánh trạng một người cũng chẳng làm ra được.
  • Nguyễn Văn Vĩnh- Một trong những người tiên phong hoàn thiện chữ Quốc ngữ

    06/08/2009Nguyễn Lân BìnhCông bằng với Lịch sử là việc cần làm, điều này ai cũng hiểu. Tôi xin mạnh dạn nêu những hiểu biết của mình thông qua những ký ức bằng chữ của nhà Văn, nhà Báo, nhà Tình báo Cách mạng lão thành Vũ Bằng; người được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2006, tác giả cuốn sách “Bốn mươi năm nói láo” do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001.
  • Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

    28/07/2009Hoàng TiếnNền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.
  • Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh

    24/07/2009Nguyễn Đình ĐăngTôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Nguyễn Văn Vĩnh, người đi tìm giá trị văn hoá

    21/07/2009Nhà văn Nguyễn Quang ThânCon người suốt đời săn tìm những giá trị văn hoá đã vỡ nợ và chết như một lữ khách không nhà ở xứ người. Ông đi tìm vàng một cách vô vọng trong chuyến viễn du cuối cùng của cuộc đời 54 năm ngắn ngủi. Ông biết đâu rằng, tài năng, trí thông minh bẩm sinh và tâm huyết nâng cao văn hoá dân tộc, cả sự nghiệp của ông để lại còn quý giá hơn vàng bạc và kim cương, những thứ đã “ trói chân bó tay “ ông một đời ?
  • Duy tân

    18/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh (Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 812, ngày 8–8–1907)Làm người muốn ở đời phải khôn, phải xét thế lực mình mới được, xét việc gì phải xét đầu xét đuôi, rồi hãng nói, chớ đừng có nằm đáy giếng trông lên tưởng giời bằng cái vung; duy–tân không phải là cứ dận xằng dận xịt hết đổ ra lũ này lại đổ ra bọn kia. Mình tiến cứ việc mà tiến, dậy cứ việc mà dậy, không có ai nghe cũng là tại mình, chớ nhời hay mà phải nhẽ thì ai cũng phải lọt tai.
  • Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936)

    16/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương. Ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm...
  • Mỗi người có cách yêu nước riêng

    27/05/2009Hàm ĐanVượt qua mục đích ban đầu là bộ phim tài liệu độc lập của gia tộc, Mạn đàm về “người man di hiện đại” đã dựng chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
  • xem toàn bộ